Quy chế đào tạo hệ vừa làm vừa học mới nhất

(Theo dantri.com.vn) Nhiều trường đại học cho rằng dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học có nhiều điểm mới đáng chú ý, "mở" với tự chủ, "siết" về chất lượng.

Các trường đại học phải xây dựng quy chế riêng của mình

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, nội dung Dự thảo quy chế đào tạo đại học thể hiện là quy chế khung, quy định các vấn đề cốt lõi trong đào tạo (gồm các quy định cứng, quy định mở, về các yêu cầu tối thiểu trong  tổ chức đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, liên kết đào tạo, đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng 2 cho người có trình độ đại học). Căn cứ Quy chế này, các cơ sở đào tạo phải xây dựng và ban hành quy chế của riêng của trường mình để thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Dự thảo Quy chế thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục đại học về: Thang đánh giá kết quả học tập, xếp loại học tập, xếp loại tốt nghiệp đối với người học trình độ đại học ở tất cả các hình thức và loại hình đào tạo; Quy định chặt chẽ các yêu cầu tối thiểu trong tổ chức thực hiện nhất là đối với việc liên kết đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; Quy định các yêu cầu tối thiểu để đào tạo vừa làm vừa học, liên kết đào tạo, đào tạo văn bằng 2 cho người có trình độ đại học và đào tạo liên thông.

Đồng thời, dự thảo Quy chế lần này đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật; đảm bảo thống nhất các quy định chung tại các Thông tư của Bộ GDĐT ban hành về chuẩn chương trình đào tạo với các Thông tư quy định về đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, quy định về mở ngành đào tạo và các quy định khác có liên quan…

Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học mới vừa chặt chẽ lại vừa "mở". Ông Triệu phân tích, chặt chẽ ở chỗ là gần như tất cả các vấn đề về quản lý đào tạo từ trước đến nay chưa đề cập hoặc chưa thống nhất thì nay đã đề cập tới và được giải quyết một cách cơ bản thống nhất.

Ở chiều "mở", dự thảo Quy chế chỉ đưa ra khung chính, các điều khoản cơ bản, để phù hợp với Luật cũng như xu thế tự chủ chung của các trường từ trước đến nay. Điều này giúp các trường vừa thực hiện đúng quy định, vừa thuận lợi trong phát huy tự chủ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đánh giá, dự thảo Quy chế đã bao hàm tất cả những khía cạnh về quản lý nhà nước, nhưng không can thiệp quá sâu, "cầm tay chỉ việc" cho các trường. "Như vậy, vẫn đảm bảo tính tự chủ của các trường", ông Tùng khẳng định.

Cơ sở đào tạo phải bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung

Ông Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng, quy định về liên kết đào tạo trong dự thảo này chặt chẽ hơn. Theo đó, liên kết đào tạo chỉ thực hiện đối với hình thức vừa làm vừa học theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Giáo dục đại học và theo quy định của dự thảo. Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề không được liên kết đào tạo.

Dự thảo Quy chế đã nêu rõ các yêu cầu tối thiểu đối với cơ sở đào tạo tổ chức liên kết đào tạo và cơ sở phối hợp đào tạo.

Cụ thể, để tổ chức liên kết đào tạo, cơ sở đào tạo phải được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học (còn thời hạn theo quy định) bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Đồng thời, chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo. Các điều kiện bảo đảm chất lượng tại cơ sở phối hợp đào tạo cũng phải được cơ sở đào tạo quy định và đã thẩm định.

Về phía cơ sở phối hợp đào tạo, dự thảo quy định đơn vị này phải được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục (còn thời hạn theo quy định) bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Đáp ứng các yêu cầu về về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Đáng chú ý, so với dự thảo lần trước, bản dự thảo lần này đã bỏ quy định cơ sở phối hợp đào tạo phải được ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản. Đây cũng là điểm mới được đại diện các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở phối hợp đào tạo ghi nhận, góp phần giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cho công tác liên kết đào tạo. Tuy nhiên, cơ sở phối hợp đào tạo phải lưu ý báo cáo ủy ban nhân dân về công tác liên kết đào tạo, tuyển sinh,… theo đúng quy định.

Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo. Trong đó, nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý chất lượng đào tạo của cơ sở chủ trì đào tạo. Hai bên cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo; thực hiện các quy chế về tuyển sinh, đào tạo; đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giảng viên, sinh viên trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đào tạo.

Nhiều ý kiến nhận định, quy chế tích hợp được nhiều văn bản quản lý về đào tạo vốn trước nay khá rời rạc, nằm ở nhiều văn bản do thời điểm ban hành khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới hoạt động quản lý đào tạo nói riêng và đào tạo nói chung chưa được hiệu quả như mong muốn. Dự thảo Quy chế đào tạo đại học lần này khắc phục được hầu hết các nhược điểm đó.

Cụ thể, dự thảo Quy chế đã giải quyết các vấn đề của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Nghị định 99 của Chính phủ mới ban hành theo tinh thần tự chủ của các nhà trường. Dự thảo tích hợp, lồng ghép thống nhất nhiều văn bản quy định các hình thức và các phương thức đào tạo trình độ đại học.

MỘT SỐ THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC THEO HÌNH THỨC VỪA LÀM VỪA HỌC

Những thông tin sau đây có thể giúp cho các thí sinh có cái nhìn rõ ràng về hình thức đào tạo Vừa làm vừa học

Qua thực tế công tác tuyển sinh đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học thời gian qua, đặc biệt là hoạt động tuyển sinh trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học tăng cường kỹ năng thực hành đang diễn ra hiện nay, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của các thí sinh, các phụ huynh liên quan đến đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học.

Những câu hỏi thường gặp đó là: Hình thức đào tạo vừa làm vừa học là gì? Hình thức đào tạo vừa làm vừa học có khác gì so với hình thức đào tạo chính quy? Chương trình đào tạo và bằng cấp của hình thức đào tạo này khác gì so với hình thức đào tạo chính quy? Thí sinh đã học các chương trình khác có được liên thông lấy bằng đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội?

Bài viết này sẽ giúp cho các thí sinh có thông tin rõ ràng về hình thức đào tạo này, từ đó có sự lựa chọn chính xác con đường học tập, giúp phát triển tốt sự nghiệp sau này.

I. Đại học vừa học vừa làm là gì?

Tại Điều 6. Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định như sau:

1. Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

2. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.

Như vậy, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì:

Thứ nhất, không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo

Luật GDĐH 2018 quy định "văn bằng GDĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương" và "người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở GDĐH cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng". Theo đó, quy định trong luật này, không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.

Thứ hai, có nhiều hình thức học tập để có được văn bằng đại học gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa

- Đại học vừa làm vừa học (VLVH) là hình thức học nhằm tạo điều kiện cho những sinh viên có nhu cầu làm việc sớm, tự lập về tài chính và tích lũy kinh nghiệm làm việc.

- Thời gian học tập:

Theo khoản 4b) Điều 2 của Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn tối thiểu 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo. Như vậy, với cùng chương trình đào tạo, số lượng các học phần học tập trong học kỳ sẽ ít hơn so với hình thức đào tạo chính quy và kéo dài trong khoảng 4,5 – 5 năm.

Theo khoản 2b) Điều 4 của của Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần. Như vậy, có thể tổ chức vào ban hành hoặc vào buổi tối và các ngày thứ 7, Chủ nhật. Tại Trường  Đại học Bách khoa Hà Nội hiện tổ chức học tập chủ yếu vào ban ngày như đào tạo theo hình thức chính quy.

Với cách tổ chức này, các sinh viên có đủ thời gian cho học thêm 1 trong 3 chứng chỉ của chương trình đào tạo tích hợp, nâng cao cơ hội nghề nghiệp khi tốt nghiệp.

Thứ ba, chương trình đào tạo

1. Chương trình đào tạo VLVH là chương trình đào tạo của ngành tương ứng đang đào tạo theo hình thức chính quy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

2. Điểm trung bình chung học kỳ, điểm trung bình chung tích luỹ của khoá học và xếp loại kết quả học tập của người học VLVH được thực hiện theo quy chế đào tạo đại học hình thức chính quy theo tín chỉ hiện hành.

3. Điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy chế đào tạo đại học hình thức chính quy theo tín chỉ hiện hành.

4. Phương thức tuyển sinh VLVH gồm: tuyển thẳng, xét tuyển (theo học bạ, theo điểm thi THPT)

Như vậy, về nội dung chương trình, cách đánh giá xếp loại kết quả học tập cũng như điều kiện xét tốt nghiệp theo hình thức VLVH hoàn toàn như đào tạo chính quy, chỉ khác về thời gian học tập.

Thứ tư, về thông tin ghi trên bằng tốt nghiệp

- Theo khoản 1a) Điều 15 của Nghị định 99/CP thì tốt nghiệp đại học được cấp Bằng cử nhân.

- Theo Điều 2 của Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nội dung chính ghi trên văn bằng sẽ gồm 10 nội dung: tiêu đề; tên văn bằng; ngành đào tạo; tên cơ sở cấp bằng; họ tên người được cấp bằng; năm sinh; hạng tốt nghiệp; địa danh ngày tháng cấp bằng; chức danh chữ ký của người có thẩm quyền cấp bằng và đóng dấu; số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Như vậy, theo quy định trên thì nội dung ghi trên văn bằng hoàn toàn giống nhau ở các hình thức đào tạo.

II. Những ưu điểm của hình thức đào tạo vừa làm vừa học

Hình thức đào tạo vừa làm vừa học mang lại rất nhiều thuận lợi cho người học. Dưới đây là một số ưu điểm cơ bản của hình thức này:

1. Học theo hình thức vừa làm vừa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với thời gian tổ chức linh hoạt. Đối với đầu vào là học sinh tốt nghiệp THPT thì các sinh viên có đủ thời gian cho học thêm 1 trong 4 chứng chỉ của chương trình đào tạo tích hợp, nâng cao cơ hội nghề nghiệp khi tốt nghiệp.

Sinh viên cũng có thời gian để kiếm thêm việc làm. Việc làm thêm không đơn thuần chỉ là việc giúp bạn có thêm một khoản thu nhập mà còn là cách để bạn áp dụng kiến thức vào công việc. Nhà tuyển dụng bao giờ cũng ưu ái sinh viên đã từng có kinh nghiệm hơn là những người chỉ có tấm bằng cử nhân đại học mà thôi.

2. Cơ hội học lên cao luôn luôn rộng mở

Đối với hình thức đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học cũng như hình thức đào tạo khác đó là sinh viên tốt nghiệp xong đủ điều kiện để tiếp tục học lên Cao học, nghiên cứu sinh và lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sỹ chuyên ngành đó.

3. Bằng cấp bình đẳng như các hình thức đào tạo khác

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, bằng tốt nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học và theo hình thức chính quy là như nhau, nghĩa là không được ghi hình thức đào tạo trên văn bằng đại học, do đó bình đẳng về cơ hội học lên cao và xin việc làm.

Chương trình đào tạo, giảng viên tham gia đào tạo hoàn toàn giống đào tạo theo hình thức chính quy.

III. Cơ hội nghề nghiệp khi học theo hình thức vừa làm vừa học

Khả năng xin được việc làm phụ thuộc vào năng lực của bạn chứ không phụ thuộc vào hình thức học đại học. Đại học vừa làm vừa học, nhiều khi còn mang lại lợi thế cho người học  vì trong quá trình học tập người học không chỉ tiếp thu kiến thức trên lớp mà họ vẫn tiếp tục công việc của mình ngoài thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng của bản thân.

Bên cạnh đó, đối với khóa đào tạo đại học cho học sinh đã tốt nghiệp THPT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn thiết kế thêm 04 khóa học chứng chỉ kỹ năng thực hành học song song trong quá trình học chương trình đào tạo đại học, giúp cho sinh viên có thể có việc làm sử dụng ngay kiến thức đã học sau 2 năm đầu và nâng cao cơ hội nghề nghiệp khi tốt nghiệp.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, bằng tốt nghiệp hình thức vừa học vừa làm có giá trị và là điểm cộng lớn trong quá trình xin việc nếu xếp loại tốt nghiệp khá hoặc giỏi.

IV. Hạn chế của hình thức đào tạo vừa làm vừa học

1. Đối với những sinh viên kết hợp đi làm, nhiều khi bị công việc trước mắt cuốn hút, không tự điều chỉnh được thời gian dẫn đến ảnh hưởng tới mục tiêu chính là học tập để có kiến thức, kỹ năng và tốt nghiệp.

2. Thời gian đào tạo kéo dài hơn so với đào đào theo hình thức chính quy. Tuy nhiên, đây thực chất vừa là hạn chế nhưng cũng vừa là cơ hội như chúng tôi phân tích ở trên.

Sinh viên cần xác định rõ, mục đích chính của vừa làm vừa học vẫn là học và học: Học để lấy kiến thức, học để rèn luyện các các kỹ năng cần thiết cho tương lai vững chắc và lâu dài về sau- đó mới là điều quan trọng nhất mà bạn cần đạt được chứ không phải tấm bằng cử nhân.

V. Điều kiện đầu vào đối với đại học hình thức vừa làm

Căn cứ thông Điều 19 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT và Điều 4 Quyết định 18/2017/QĐ-TTg thì đầu vào đối với hình thức đào tạo đại học vừa làm vừa học bao gồm học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc những người đã tốt nghiệp trình độ đào tạo khác của giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đối với trình độ đào tạo khác của giáo dục nghề nghiệp thì chỉ những người đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học mới được dự tuyển. Cụ thể, điều kiện như sau:

  1. Đã tốt nghiệp THPT. Thời gian đào tạo 4,5-5 năm.
  2. Đã tốt nghiệp cao đẳng tại các trường đã được kiểm định theo quy định của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội. Thời gian đào tạo: 2-2,5 năm
  3. Đã tốt nghiệp đại học ở các trường đã được kiểm định theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian đào tạo 2-2,5 năm

CHÚC CÁC BẠN CÓ LỰA CHỌN SÁNG SUỐT KHI TIẾP NHẬN THÔNG TIN ĐỂ CÓ CƠ HỘI HỌC TẬP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI!

________

Thông tin liên hệ:

Viện Đào tạo liên tục trường ĐHBK Hà Nội

Website: //dtlt.hust.edu.vn

Facebook: //www.facebook.com/dtltbkhn, //www.facebook.com/DTLTBK

Phòng Tuyển sinh, Viện Đào tạo liên tục

Số 94 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: 024.38680359; 024.38683137, Hotline: 0367162445

Email:

Video liên quan

Chủ đề