Quốc tổ người việt là ai

Theo như cách trình bày ở Kỷ Hồng Bàng thị trong Toàn thư, Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, vị vua khai sáng ra nước Xích Quỷ (quỷ đỏ). Vì thế Kinh Dương Vương được Ngô Sĩ Liên coi như vị thủy tổ đầu tiên của người Việt và nước Việt. Chẳng những thế, Kinh Dương Vương còn lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long để sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau lấy Âu Cơ - con gái của Đế Lai, sinh ra trăm con trai, 50 con lên rừng, 50 con xuống bể. Vị con trưởng được nối ngôi cha, phong là Hùng Vương.

Sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV bình luận đoạn này như sau: “Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?”

Kể từ sau Ngô Sĩ Liên, phần lớn các bộ lịch sử Việt Nam đều công nhận Kinh Dương vương là thủy tổ của nước Việt.

Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay). Năm 1840, đền cho dựng bia đá “Kinh Dương Vương lăng”. Năm 1940, đời vua Bảo Đại, đền làm thêm hai đại tự “Nam Tổ miếu” và “Thần truyền thánh kế“. Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về thăm đền và để lại bút tích gợi ý tỉnh Bắc Ninh có đề xuất lên Trung ương nâng cấp cơ sở thờ tự của tổ tiên. Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đến thăm đền và để lại những lời kỷ niệm sâu sắc về cội nguồn dân tộc. Năm 2012, NXB Văn hóa dân tộc ấn hành cuốn Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương của các tác giả Trần Quốc Thịnh, Đỗ Văn Sơn, Biện Xuân Phẩm, tập hợp các tư liệu từ Toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Thủy Kinh chú… và từ các truyền thuyết, văn bia, thần phả, thần tích cũng như công trình nghiên cứu, tham luận của các học giả.

Ngày 25/2/2013, tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ hội kỷ niệm 4892 năm Đức thủy tổ khai sinh mở nước. Đến dự lễ khai hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành. Sau lễ dâng hương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Theo quy hoạch đã được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, dự án có tổng diện tích gần 40ha, gồm không gian bảo tồn di tích, không gian phát huy giá trị di tích, không gian quản lý và dịch vụ phụ trợ, với nguồn vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.
Từ nhân vật của truyện truyền kỳ Trung Hoa?

Tuy nhiên, như ngay ở đầu bài viết, chúng tôi có ý nghi vấn, Kinh Dương Vương chưa chắc đã là nhân vật lịch sử có thật. Chứng cớ nào đề chúng tôi có thể đi đến nghi ngờ như vậy?

Chứng cứ nằm ngay trong Toàn thư, sau khi viết về lai lịch, cuộc đời của Kinh Dương Vương, Ngô Sĩ Liên đã viết: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi”.6

Chúng ta còn thấy chuyện này được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV?)7, rồi sau đó lại được sao chép nguyên vẹn vào trong thần tích của Mẫu Thoải tại Tuyên Quang8.

Cần nhắc lại ở đây ghi chép về nguồn Đường kỷ của Ngô Sĩ Liên là một gợi ý hữu ích cho những người nghiên cứu các đời sau. Từ gợi ý đó, một số học giả đã tìm ra cả chục văn bản văn học Trung Quốc chép câu chuyện này. Lần xa hơn nữa, các học giả đều thống nhất cho rằng, truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳) do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường9. Truyện có thể tóm tắt như sau: Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy.

Người phụ nữ ấy nói rằng mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết.

Con gái Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên.

Liễu Nghị truyện được coi là một truyện truyền kỳ sớm nhất của Trung Quốc. Từ cuối đời Đường, truyện đã được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Đến thời Tống, truyện được Thượng Trọng Hiền chuyển thể sang kịch bản tạp kịch với tên “Động Đình hồ Liễu Nghị truyền thư”. Liễu Nghị trở thành tích truyện rất được ưa thích trong văn hóa diễn xướng của người Trung Quốc. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng ra đời, như nhà Tống có “Liễu Nghị đại thánh nhạc”; nhà Kim có “Liễu Nghị truyền thư”; triều Nguyên có “Liễu Nghị Động Đình long nữ”; thời Minh Thanh có “Quất bồ ký”, “Long tiêu ký”, “Long cao ký”, “Thẩn trung lâu”, “Thừa long giai thoại”. Trong đó, cho đến nay, “Liễu Nghị truyền thư” (còn có tên “Thủy tinh cung”, “Liễu Nghị kỳ duyên”) vẫn được người Trung Quốc coi như là một kịch mục kinh điển của hý kịch Trung Hoa. Từ năm 1952, vở kịch đã nhiều lần được dàn dựng bởi các đạo diễn khác nhau, số lần trình diễn hiện chưa thể thống kê hết được.

Không những thế, tích truyện này còn trở thành đề tài làm tranh khắc ván và thư họa truyền thống (thủy mặc). Ngày 17/7/2004, Bưu cục Quốc gia Trung Quốc đã phát hành bộ tem “Dân gian truyền thuyết - Liễu Nghị truyền thư”, gồm bốn con tem với bốn hoạt cảnh: “Long nữ gửi thư”, “Thư gửi Động Đình”, “Cốt nhục đoàn tụ”, và “Nghĩa trọng tình thâm”.

Những nhận định của sử gia đời sau

Đến đây có thể nhận định về nguồn gốc của các mô-típ, các nhân vật, cũng như địa danh trong truyện Kinh Dương Vương được chép trong Toàn thư. Ngô Sĩ Liên đã tình cờ đem một số chi tiết của truyện Liễu Nghị để ghép với các huyền thoại khác như Lạc Long Quân - Âu Cơ, và coi đó như nguồn gốc khởi đầu cho sự xuất hiện của Hùng Vương - triều đại mà người Việt ngày nay coi như lịch sử đích thực của mình.

Các nhà Nho Việt Nam trong nhiều thế kỷ hẳn phải biết đến một tác phẩm có ảnh hưởng lớn như truyện Liễu Nghị. Bằng chứng là nhà thơ nổi tiếng Thái Thuận (Tiến sĩ 1475) cũng đã sáng tác bài thơ “Liễu Nghị truyền thư”. Nhưng đó là chuyện của văn học.

Còn với tư cách người viết sử, không ít sử gia thời Trung Đại đã phản đối cách lắp ghép của Ngô Sĩ Liên. Đầu tiên, phải kể đến những nhận định của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử kí Tiền biên. Ông viết: “Nay xét phần Ngoại kỉ chép: Năm Nhâm Tuất thì bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là vương. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy lại tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền thư.

Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương. Đã có vợ chồng thì có cha con, vua tôi, nhân đó mà thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua, nhà làm sử theo đó mà chọn dùng, và cho đó là sự thực. Phàm những chuyện lấy từ Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, cũng như Bắc sử lấy ở Kinh Nam Hoa và thiên Hồng Liệt đấy.”

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1856 - 1883) viết: “Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong ‘Kỉ họ Hồng Bàng, vốn từ thời Thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ”. Chuẩn tâu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã nhận định đây là những “câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và kiên quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi”.

Qua những trình bày ở trên, độc giả đã phần nào mường tượng ra con đường thu nhận biến đổi tích truyện từ truyện Liễu Nghị đến truyện Kinh Dương. Đây sẽ là những tư liệu thú vị để nghiên cứu về tiếp xúc văn học văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Đồng thời cũng là “mẫu sử liệu” thú vị cho giới nghiên cứu khám nghiệm và giám định.

Nguồn: Phan Văn Tuấn

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Từ lâu, câu ca dao ấy đã thấm đẫm, ăn sâu vào tiềm thức người dân đất Việt. Dẫu có đi đâu, về đâu, mỗi người vẫn luôn mang theo niềm tự hào sâu sắc về nguồn cội “con rồng, cháu tiên”, “con Lạc, cháu Hồng” chảy trong huyết mạch. Trong cái niềm tự hào chảy suốt mấy nghìn năm lịch sử ấy, Vua Hùng đã được suy tôn là Quốc tổ, trở thành biểu tượng tôn quý cho tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc và nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng người Việt.

Đền Hổ Bái (xã Yên Trường) – nơi thờ thần Hợp Lang, người con thứ 11 của Vua Hùng.

Nhắc đến Vua Hùng là mở ra “thiên tình sử” của nước Việt ta giữa chàng Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ. Nàng Âu Cơ khi hạ sinh một bọc phá ra trăm trứng, mỗi trứng nở ra một cậu con trai, “mỗi cậu bé càng lớn càng thêm tuấn tú, mỹ lệ khác thường, oai dũng, thông minh mẫn tiệp, trí tuệ toàn vẹn, mọi người đều sợ phục cho là những anh em phi thường”. Câu chuyện tình đặc biệt ấy không chỉ được lưu lại trong truyền thuyết mà được ghi chép trong nhiều chính sử.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng là Hùng Vương, nối ngôi vua. Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ). Nước Văn Lang có Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, chia nước làm các bộ, phủ, như: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức... Bộ Văn Lang là nơi Hùng Vương đóng đô.

Từ cội nguồn thiêng liêng ấy cùng với công đức vô lượng trải dài suốt 18 đời, Vua Hùng đã được các thế hệ người dân nước Việt suy tôn là Quốc tổ. Hình tượng Vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt, gắn với các thế hệ cháu con nước Việt không chỉ bởi ánh hào quang của lịch sử, mà đó chính là sự phản chiếu hình ảnh của ông vua mở nước, gắn kết lòng người bằng huyết tộc và hai tiếng đồng bào thiêng liêng. Từ sự suy tôn, ngưỡng vọng ấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã hình thành, phát triển với sức sống bền bỉ cho đến hôm nay và muôn đời sau.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, là hình thức phát triển cao từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tín ngưỡng này chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật tiêu biểu, liên quan đến thời kỳ Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng không chỉ thể hiện niềm thành kính, nhất tâm hướng về nguồn cội dân tộc. Mà hơn hết, nó là minh chứng sinh động, thuyết phục về “lòng yêu nước nồng nàn”, tinh thần “thượng tôn dân tộc”. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có mặt ở nhiều nơi trên khắp dải đất hình chữ S này. Trong đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương) được tổ chức vào ngày 10-3 (âm lịch) hằng năm tại Phú Thọ là trung tâm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đã trở thành lễ hội lớn nhất của cả nước. Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đông đảo các thế hệ cháu con người Việt cùng về đây, nhất tâm bái lạy, thắp nén hương thơm dâng lên Quốc tổ bằng tất cả lòng biết ơn, kính trọng. Lễ hội Đền Hùng trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân, thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nêu cao hơn nữa lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng. Với những giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử, ngày 6-12-2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm, xứ Thanh hiện vẫn còn lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về thời kỳ Hùng Vương, đặc biệt là các di tích, lễ hội tiêu biểu, độc đáo liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Nét cổ kính, trầm mặc, sơn thủy hữu tình của đền Đồng Cổ (Yên Định). Ảnh: N.L

Dấu ấn thời kỳ Hùng Vương trên đất xứ Thanh không thể không nhắc đến ngôi đền Đồng Cổ (Yên Định). Ngôi đền linh thiêng, trầm mặc bên bờ sông Mã được tưới tắm tự ngàn đời bằng những câu chuyện huyền thoại, thần tích, truyền thuyết, dã sử gắn liền với những câu chuyện về thần Đồng Cổ, vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cuốn Linh tích núi Tam Thai do Hà Văn Giác phiên âm, dịch nghĩa từ nguyên bản chữ Hán “Tam Thai sơn linh tích” của Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng có kể: “Vua Hùng thứ nhất theo đường núi vào dẹp loạn Hồ Tôn ở phương Nam, khi ngang qua đây đã nghỉ quân ở chân núi thôn Khả Lao, nay là làng Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có nằm mộng gặp thần núi. Từ thời Hùng Vương, trải qua lịch sử các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần – Hồ, Hậu Lê vẫn ghi lại những công trạng phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ thông qua các lần linh ứng hiển linh báo mộng. Về phần chiếc trống đồng – vật gắn liền với những câu chuyện về thần Trống đồng, theo Linh tích núi Tam Tai có đoạn viết: “Trước kia, ở miếu thờ có 1 trống đồng, tương truyền là vật cổ từ thời vua Hùng, mặt trống có đường tròn 1 thước 5 tấc (0,6m), cao hai thước (0,8m), rỗng lòng không đáy, giữa mặt trống có chỗ lõm như rốn bụng, vành mép ngoài nối liền chữ Triện, bốn bên có dây xoắn hình chữ Vạn, chữ lâu đời bị mòn, xoa xát cũng không rõ, xung quanh mặt chỉ còn vân hoa như hoa đẩu; núm có lỗ hổng bằng hạt đậu. Đó là trống đồng Lạc Việt nổi tiếng”.

Trên mảnh đất Yên Định ấy, ngoài ngôi đền Đồng Cổ ở xã Yên Thọ thì tại xã Yên Bái cũ (nay là xã Yên Trường), đền Hổ Bái cũng được biết đến là nơi lưu giữ những dấu ấn đậm nét về thời kỳ Hùng Vương với sức sống hàng nghìn năm tuổi. Đền thờ thần Hợp Lang, người con thứ 11 của Vua Hùng, “có tên kiêng húy là Hợp Lang tước, xưng là tướng văn lạc hầu, trấn trị ở phủ Hoài Hoan”. Địa chí xã Yên Bái, ngọc phả làng Hổ Bái cho biết: Trong một lần ngao du, ngược dòng sông Mã, đến đất Trang Trân Bái, thấy cảnh sắc tươi đẹp, thanh bình, lại có “sông nước linh thiêng, trong lành, hình sông thế núi uyển chuyển với dải đất anh linh trọng yếu” nên đã kêu gọi dân chúng khắp nơi tới lập ấp, lập làng sinh sống và cho xây dựng một ngôi đền thờ, chính là vị trí đền Hổ Bái bây giờ. Sau khi hoàn tất công việc, Lạc hầu quay về thủy cung (vào ngày 4-4). Từ đó hằng năm, ngày 4-4 được chọn làm ngày dâng hương lễ tế, kỷ niệm ngày mất của thần Hợp Lang. Cũng theo sử sách ghi chép lại, liên quan đến đền Hổ Bái, ngoài sự kiện thần Hợp Lang về cho xây dựng đền thì vẫn còn sự kiện quan trọng và ý nghĩa khác. Đó là trong một lần Bà Trưng về đền cầu anh linh Vua Hùng phù hộ để diệt giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Lời khấn cầu linh ứng, Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân đã đánh tan quân giặc. Ngay sau đó, Hai Bà về đất Trang Trân Bái mở hội ăn mừng trong một tháng và hạ lệnh tu sửa đền thờ ngay sau đó.

Vua Hùng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng người Việt vừa là biểu tượng quyền uy, tôn quý nhưng cũng thật chân thực, gần gũi. Bởi người chính là tổ tiên của Bách Việt ta đó; mỗi người dân nơi này đều có chung dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”. Vì lẽ đó, chẳng cần những giáo lý cao siêu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn có sức sống bền bỉ, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được tiếp nối và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như mạch nguồn văn hóa thăm thẳm, bao la. Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đưa Việt Nam tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển, đúng như Bác Hồ từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nguyên Linh

Video liên quan

Chủ đề