Quản lý trật tự đô thị là gì

UBND TP HCM vừa có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo UBND TP HCM, thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra Xay dựng địa bàn các quận, huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng thành phố.

TP HCM đề xuất thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị quận, huyện

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn các quận, huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng về chức năng quản lý nhà nước về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lòng lề đường, nơi công cộng trên địa bàn các quận, huyện.

Lý giải về việc này, UBND TP HCM cho biết tại thành phố, tình trạng xả rác, lấn chiếm lòng lề đường vẫn ở mức cao và có chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Đồng thời, xuất hiện nhiều chợ tự phát, hoạt động kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, các khu vực có điểm tham quan, khu vực trường học, bệnh viện…

Để hạn chế những vấn đề này, cần có một lực lượng thường xuyên tuần tra, giám sát, phát hiện nhanh để xử lý theo quy định và tại TP HCM, đó là Đội Quản lý trật tự đô thị.

Đây là lực lượng hoạt động thường xuyên, liên tục, không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ để kiểm tra, xử lý và tổ chức chốt giữ, không để tái diễn tình trạng vi phạm trật tự đô thị ngày càng phức tạp.

UBND TP HCM khẳng định đây là lực lượng rất cần thiết nhằm xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại.

Tại Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Quốc hội đã cho phép UBND TP HCM xem xét, quyết định thành lập Thanh tra Xây dựng trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Vì vậy, UBND TP HCM đề xuất không kiến nghị thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Nghị quyết 112/NQ-CP năm 2023 về kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội do Chính phủ ban hành.

Theo đó, Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền về mô hình tổ chức quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.

Đồng thời, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định 26/2018/QĐ-TTg theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo Quyết định 26/2018/QĐ-TTg, đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội (sau đây viết tắt là cấp huyện), có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.

Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị được trang bị phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện và sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.

- Thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật.

- Được yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp các tài liệu như: hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng và các tài liệu liên quan khác phục vụ cho công tác kiểm tra; yêu cầu các chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng, các tài liệu liên quan đến việc xây dựng công trình.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và với Thanh tra quận, huyện, thị xã tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận, huyện, thị xã; lập chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Xây dựng.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức; thực hiện chính sách, chế độ tiền lương, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Quản lý tài chính, tài sản và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Xem chi tiết tại Quyết định 26/2018/QĐ-TTg năm 2018.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Chủ đề