Phân phối tài chính là gì

1. Chức năng phân phối

Chức năng phân phối phản ánh bản chất của phạm trù tài chính. Phân phối trong tài chính là phân phối giá trị dưới hình thức tiền tệ. Phân phối tài chính bao gồm:

- Phân phối lần đầu: diễn ra trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhằm phân chia giá trị của hàng hoá tạo ra cho các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh đó.

- Phân phối lại: là quá trình phân phối tiếp tục các quỹ tiền tệ hình thành từ quá trình phân phối lần đầu nhằm phục vụ các mục đích của các chủ thể kinh tế. So với phân phối lần đầu, hoạt động phân phối lại trong tài chính phát triển đa dạng và phức tạp hơn nhiều do tính chất đa dạng và phức tạp của nhu cầu các chủ thể kinh tế. Phạm vi của phân phối lại cũng rộng hơn so với phân phối lần đầu, bao gồm cả lĩnh vực phi sản xuất vật chất và dịch vụ.

Phân phối trong tài chính được thực hiện thông qua việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.

Về cơ bản, các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế có thể chia thành 5 nhóm chính sau:

• Quỹ tiền tệ của các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Đây là quỹ tiền tệ của khâu trực tiếp sản xuất kinh doanh.

• Quỹ tiền tệ của các tổ chức tài chính trung gian. Các quỹ tiền tệ được hình thành nhằm giúp cho việc nâng cao hiệu quả cho các hoạt động tài chính của các chủ thể kinh tế.

• Quỹ tiền tệ của nhà nước, trong đó quỹ ngân sách nhà nước là quỹ tiền tệ lớn nhất và quan trọng nhất của nhà nước. Đây là quỹ tiền tệ mà nhà nước sử dụng một cách tập trung để duy trì hoạt động bộ máy nhà nước và giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế xã hội.

• Quỹ tiền tệ của khu vực dân cư. Các quỹ tiền tệ này được hình thành nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng và tích lũy của các cá nhân và hộ gia đình.

• Quỹ tiền tệ của các tổ chức chính trị, xã hội.

Quá trình phân phối trong tài chính không chỉ diễn ra giữa các chủ thể kinh tế mà còn diễn ra trong nội bộ chủ thể kinh tế đó, liên quan đến việc phân chia quỹ tiền tệ của chủ thể kinh tế cho các mục đích sử dụng khác nhau của mình. Việc hình thành các quỹ tiền tệ cho các mục đích nhất định của chủ thể kinh tế cũng không chỉ bắt nguồn từ quỹ tiền tệ mà chủ thể kinh tế sở hữu mà còn bao gồm cả các nguồn tài chính từ bên ngoài mà chủ thể có thể huy động được để phục vụ cho các mục đích của mình. Ví dụ: để hình thành một quỹ tiền tệ nhằm tài trợ cho một hoạt động đầu tư của mình, doanh nghiệp không chỉ lấy từ quỹ tiền tệ mà mình sở hữu mà còn từ các hình thức huy động bên ngoài dưới dạng vay mượn hoặc kêu gọi góp vốn.

Có 4 phương pháp phân phối trong tài chính và tương ứng với nó là 4 loại quan hệ tài chính sau:

- Quan hệ tài chính hoàn trả: trong quan hệ tài chính này, luồng tiền tệ được di chuyển từ chủ thể kinh tế này đến chủ thể kinh tế khác và sẽ quay trở lại sau một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ quan hệ tín dụng.

- Quan hệ tài chính hoàn trả có điều kiện và không tương đương: trong quan hệ tài chính này, luồng tiền tệ được di chuyển từ chủ thể kinh tế này đến chủ thể kinh tế khác và sẽ chỉ quay trở lại chủ thể kinh tế cũ khi xảy ra một sự kiện nhất định. Luồng tiền tệ quay trở lại thường lớn hơn luồng tiền tệ lúc đầu. Ví dụ quan hệ bảo hiểm.

- Quan hệ tài chính không hoàn trả: trong quan hệ tài chính này, luồng tiền tệ được di chuyển từ chủ thể kinh tế này đến chủ thể kinh tế khác mà không có sự quay ngược trở lại. Ví dụ quan hệ ngân sách nhà nước, cụ thể là quan hệ thu nộp thuế, trợ cấp, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ công cộng miễn phí (như dịch vụ an ninh, chiếu sáng đô thị...) hoặc cung cấp các dịch vụ mà người sử dụng chỉ phải đóng góp một phần (như giáo dục, y tế...).

- Quan hệ tài chính nội bộ: bao gồm các quan hệ tài chính phát sinh trong nội bộ mỗi chủ thể kinh tế, nhằm phục vụ cho các mục tiêu mà chủ thể đó theo đuổi. Ví dụ quan hệ tài chính nội bộ doanh nghiệp gồm các quan hệ phân phối lợi nhuận cho mục tiêu phát triển kinh doanh, cho khen thưởng người lao động và trả lãi cho người góp vốn; phân phối vốn cho các nhu cầu mua sắm từng loại tài sản để đảm bảo cơ cấu vốn đầu tư hợp lý... Quan hệ tài chính nội bộ của Nhà nước gồm có phân phối nguồn tài chính giữa các cấp chính quyền Trung ương và địa phương, cho các ngành kinh tế quốc dân, trích lập các quỹ. Quan hệ tài chính nội bộ gia đình quan trọng nhất là phân phối cho mục đích tích lũy và tiêu dùng theo tỉ lệ như thế nào cho hợp lý và thứ tự ưu tiên mua sắm.

2. Chức năng giám đốc

Chức năng giám đốc của tài chính bắt nguồn từ sự cần thiết khách quan phải theo dõi, kiểm soát các hoạt động phân phối trong tài chính để đảm bảo cho các hoạt động tài chính phục vụ tốt các mục tiêu đề ra của các chủ thể kinh tế. Đối tượng của giám đốc tài chính là quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ. Giám đốc tài chính là giám đốc bằng đồng tiền, thông qua các chỉ tiêu tài chính, các chỉ tiêu về tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ.

Giám đốc tài chính không chỉ được thực hiện với sự vận động của các nguồn tài chính mà cả với sự vận động của các quỹ hiện vật và lao động, đối với mọi hoạt động của kinh tế xã hội. Đó là nhờ vào mối quan hệ hữu cơ giữa tài chính và kinh tế. Phạm vi giám đốc của tài chính vì vậy rất rộng, vượt ra ngoài lĩnh vực tài chính. 

Nguồn: Ths. Đặng Thị Việt Đức - Ths. Phan Anh Tuấn (Quantri.vn biên tập và hệ thống hóa)

Quan điểm của các nhà học giả theo học thuyết Mác – Lênin về kinh tế học cho rằng tài chính là một phạm trù kinh tế mang tính lịch sử, sự ra đời của nó gắn liền với tiền tệ và vai trò của nhà nước. Do đó để hiểu đúng bản chất tài chính cần phải nghiên cứu nguồn gốc của nó trong mối liên hệ với tiền tệ và vai trò của nhà nước.

Phân phối tài chính là gì

Nguyên nhân kinh tế: vào thời kỳ cuối của chế độ công xã nguyên thuỷ, sự phân công lao động xã hội bắt đầu phát triển, chuyên môn hoá trong lao động làm nảy sinh nhu cầu trao đổi. Lúc đầu trao đổi bằng hiện vật (gọi là phân phối phi tài chính). Sau đó đồng tiền xuất hiện, phân phối thông qua đồng tiền (phân phối dưới hình thức giá trị gọi là phân phối tài chính) diễn ra trong phạm vi từng đơn vị và trong toàn xã hội. Như vậy, sự xuất hiện đồng tiền và phân phối của cải xã hội bằng đồng tiền là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự xuất hiện của tài chính.

Nguyên nhân xã hội: vào cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ, chế độ tư hữu đã xuất hiện dẫn đến sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp trong xã hội đã dẫn đến sự ra đời tất yếu của tổ chức là Nhà nước. Kiểu nhà nước đầu tiên của xã hội loài người – nhà nước chủ nô – xuất hiện và tồn tại làm xuất hiện hình thức sớm của tài chính như thuế, công trái. Ăng – Ghen đã ghi nhận: “Để duy trì quyền lực công cộng đó, cần phải có những sự đóng góp của những người công dân của nhà nước, đó là thuế má”. Trong hình thái kinh tế xã hội có nhà nước, tài chính tồn tại như là một công cụ trong tay nhà nước nhằm phân phối của cải xã hội bảo đảm sự tồn tại và hoạt động của nhà nước và phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp. Trên cơ sở nghiên cứu của nhiều học giả về sự ra đời và tồn tại của nhà nước và tác động chủ quan của nhà nước đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá – tiền tệ, ấn định hiệu lực của đồng tiền và tạo ra môi trường pháp lý cho sự tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ, nhất là quỹ tiền tệ trung gian và ngân sách nhà nước. Như vậy, về phương diện xã hội, nhà nước ra đời nắm quyền phát hành tiền, đẩy mạnh việc sử dụng tiền tệ trong lưu thông hàng hoá, quy định hiệu lực của tiền tệ trong lưu thông ở từng quốc gia. Và khẳng định vai trò của tiền tệ trong việc phân phối của cải xã hội. Chính trong điều kiện đó, phạm trù tài chính nảy sinh và tồn tại và người ta coi hàng hoá tiền tệ và nhà nước là những tiền đề phát sinh và phát triển của tài chính.Sự xuất hiện của nhà nước đóng vai trò to lớn trong việc đa dạng hoá và thúc đẩy sự vận động của tài chính và chỉ gắn với khái niệm “tài chính nhà nước” hay “tài chính công”.

Như vậy, tài chính ra đời gắn kết với sự xuất hiện của đồng tiền và hoạt động phân phối của cải xã hội bằng đồng tiền. Vậy tài chính có phải là tiền không? Có rất nhiều khái niệm khác nhau về tài chính.

Phân phối tài chính là gì
Hình minh họa. Khái niệm tài chính là gì?

Theo từ điển Thuật ngữ Tài chính tín dụng của Viện khoa học tài chính đưa ra khái niệm tài chính rất rộng: “Tài chính là dấu hiệu tài sản dưới hình thức tiền tệ”, vì vậy tài chính có thể trao đổi, phân phối, cho vay tuỳ vào quy mô và quyền người nắm giữ sở hữu. Trong cuốn Danh từ kinh tế đưa ra khái niệm: “Tài chính là hệ thống các quan hệ kinh tế phát sinh trên cơ sở phân phối tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân thông qua việc hình thành và sử dụng một cách có kế hoạch các quỹ tiền tệ để đảm bảo tái sản xuất mở rộng và thoả mãn các nhu cầu xã hội khác”. Nhà nghiên cứu Liên Xô thì cho rằng: Tài chính là một trong những phạm trù giá trị có liên quan đến tiền, lợi nhuận, giá thành… Nhà nghiên cứu Việt Nam thì cho “Tài chính là sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ”.

Trong đời sống xã hội, các hiện tượng tài chính luôn gắn liền với sự hiển diện của tiền tệ. Các hiện tượng tài chính đó được sử dụng với các tên gọi khác nhau như tiền vốn, vốn bằng tiền, vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, các quỹ tiền tệ…

Để phân biệt tài chính với tiền tệ cần nghiên cứu dưới khía cạnh chức năng của chúng. Đồng tiền xuất hiện với vai trò là vật trung gian để thực hiện các hoạt động trao đổi hàng hoá tiền tệ nên đồng tiền trong lịch sử xuất hiện với chức năng là thước đo giá trị; là phương tiện lưu thông; là phương tiện cất giữ; là phương tiện thanh toán. Ở phương diện khác, tài chính lại thực hiện chức năng phân phối và chức năng giám đốc. Chức năng phân phối của tài chính được xem là phương diện, là mặt hoạt động chủ yếu của tài chính trong phân phối của cải dưới hình thức giá trị. Chức năng phân phối của tài chính diễn ra ở nhiều cấp độ, nhiều khâu khác nhau, trong phạm vi mỗi đơn vị, tổ chức kinh tế cũng như trên phạm vi xã hội. Đó là hoạt động phân phối nguồn của cải vật chất được sáng tạo từ các lĩnh vực của hoạt động sản xuất, kinh doanh được biểu hiện dưới hình thức giá trị là đồng tiền. Trên thực tế, phân phối của tài chính được cụ thể hoá thành hiện tượng chuyển giao các nguồn vốn tiền tệ từ chủ thể này sang chủ thể khác nhằm thoả mãn các mục đích khác nhau hình thành nên các quỹ tiền tệ trong xã hội. Như vậy, có thể nói, hiện tượng tài chính luôn luôn diễn ra trong xã hội với biểu hiện là hoạt động phân phối của các chủ thể khác nhau trong xã hội nhằm tạo lập, sử dụng và phân phối các nguồn quỹ tiền tệ.

Chức năng giám đốc của tài chính là một thuộc tính khách quan vốn có của tài chính, bắt nguồn từ chức năng phân phối của tài chính. Chính sự phân phối của cải xã hội thông qua tài chính đòi hỏi sự cần thiết của giám đốc tài chính để bảo đảm cho sản phẩm xã hội được phân phối phù hợp với yêu cầu của quy luật kinh tế đang hoạt động. Chức năng giám đốc của tài chính là kiểm tra quá trình hoạt động của nguồn tài chính để tạo lập, sử dụng các quỹ tiền tệ. Thông qua việc phân phối mà kiểm tra, giám sát bằng đồng tiền đối với quá trình phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính.

Như vậy, thông qua sự nghiên cứu về quá trình hình thành và chức năng của tài chính, có thể hiểu Tài chính là các quan hệ phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị, phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm thoả mãn các nhu cầu của các chủ thể thực hiện hoạt động phân phối”.

Ngày nay, Việt Nam đang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những tiền đề tồn tại và phát triển của tài chính trong xã hội loài người cũng đang hiểm diện ở Việt Nam: sản xuất hàng hoá tiền tệ với kinh tế nhiều thành phần là vấn đề lâu dài, nhà nước đang phát huy vai trò quản lý đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, tài chính với tư cách là một phạm trù kinh tế khách quan đang tồn tại và được sử dụng mạnh mẽ trong sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh. Để phát huy vai trò của tài chính và sử dụng đúng đắn nguồn lực này phù hợp với điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, cần phải xác định bản chất và xây dựng khung pháp lý phù hợp.