Ở dơ có tốt không

Hàng ngày, có nhiều thói quen biết là xấu nhưng chúng ta vẫn mắc phải trong cơn lười biếng. Nhưng hãy dừng lại ngay, bạn có biết vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể nghiêm trọng như thế nào nếu ta cứ tiếp tục ở bẩn?

1. Đã 1 tháng hoặc lâu hơn, bạn chưa vệ sinh chỗ ngủ

Giường ngủ - nơi bạn dành 1/3 cuộc đời và cũng chứa rất nhiều mồ hôi, tế bào chết của cơ thể. Khỏi phải nói, đây là địa bàn hoạt động lí tưởng của vi khuẩn, nấm, bọ ve và nhiều cư dân khác.

Ở dơ có tốt không
Ở dơ có tốt không

Trên giường luôn có: vi khuẩn, nấm mốc, mạt bụi, rệp giường, vết ố, mồ hôi, mùi khó chịu

Trong trường hợp xấu nhất, chiếc giường bẩn có thể đem đến bệnh nhiễm tụ cầu do chủng khuẩn Staphylococcus gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp hoặc vết thương trên da.

Nếu đi vào máu, chúng sẽ gây nhiễm khuẩn huyết với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, hạ huyết áp rất nguy hiểm.

2. Đeo kính áp tròng suốt 1 tuần

Điều này có thể dẫn đến những bệnh nhiễm trùng đáng sợ như loét giác mạc. Đúng như cái tên, loét giác mạc là 1 vết thương mở, gây đau, sưng đỏ, chảy mủ và tầm nhìn mờ. 

Bạn có thể chữa trị bằng thuốc kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus nhưng trong trường hợp xấu, phẫu thuật cấy ghép giác mạc là cần thiết.

Ở dơ có tốt không
Ở dơ có tốt không

Bệnh loét giác mạc (ảnh phải)

Cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh, hãy nghe lời các bác sĩ mắt của mình, đừng đeo kính áp tròng quá lâu. 

Bác sĩ Alnan Mendelsohn cho biết: "Đeo kính áp tròng từ 1 tuần trở lên cũng tệ như khi mặc quần áo lót suốt nhiều ngày vậy".

3. Dùng chung bàn chải, dao cạo râu, lược... với người khác

Đừng bao giờ dùng chung bàn chải mà "gánh lấy" vi khuẩn trong ổ miệng người khác. Nó có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng, dẫn đến các bệnh về nướu, nghiêm trọng hơn là bệnh tim và tiểu đường.

Ở dơ có tốt không

Sử dụng chung dao cạo cũng tệ không kém, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng qua da như nhiễm tụ cầu, thậm chí lây truyền 1 số virus đáng sợ như HIV hay viêm gan.

Dùng chung lược sẽ có thể khiến bạn mắc phải chấy, rận hoặc nổi mụn nhọt trên da đầu. Nói chung, với các món đồ dùng để chải chuốt, chăm sóc bản thân thì hãy dùng 1 mình thôi.

4. Chưa tẩy trang mà mệt quá, lăn ra ngủ luôn

Chuyện này cũng không phải là hiếm sau ngày dài kiệt quệ hoặc 1 đêm tiệc tùng. Nhưng đó là sai lầm đáng trách mà bạn đang làm với cơ thể mình.

Ở dơ có tốt không
Ở dơ có tốt không

Một người phụ nữ tên Anna với làn da bị hủy hoại do không tẩy trang trước khi ngủ

Không rửa mặt sạch trước khi ngủ có thể gây nổi mụn, đồng thời khiến màu da trên mặt không đều do một số tế bào đã phát triển quá mức.

Ngoài ra, không tẩy mascara, eyeliner có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho đôi mắt. Lớp trang điểm luôn là nơi tụ tập của vi khuẩn. Mà nếu bạn không vệ sinh, chúng sẽ kéo đến mi mắt, chắp mắt, làm viêm nang hoặc nhiễm trùng da. Nếu không được điều trị, tình trạng sẽ chuyển biến xấu, thậm chí mù lòa.

5. Đi chân trần vào phòng tắm công cộng

Đôi khi, chúng ta vẫn phải làm việc này ở một số toilet của bể bơi, bãi biển... Nhưng bạn hãy cố gắng luôn mang dép khi bước vào phòng tắm, nhà vệ sinh.

Ở dơ có tốt không

Lí do đơn giản thôi, sàn phòng tắm là nơi tập trung mồ hôi, tóc, chất cặn cơ thể. Đó cũng là nơi sinh sống lí tưởng của nấm, vi khuẩn... Vì vậy, đi chân trần vào phòng tắm đồng nghĩa với tăng nguy cơ rước vào các bệnh nấm ở bàn chân, kẽ chân, móng.

Trong số đó có bệnh "bàn chân lực sĩ" (athlete’s foot). Nghe tên "oách" vậy thôi chứ thực ra đây là bệnh nấm kẽ chân, khiến da bỏng, đóng vẩy và tách ra. Bệnh thường lây từ sàn phòng tắm công cộng hoặc do đi giày mà không mang tất.

Bệnh nấm móng cũng kinh khủng không kém. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, bạn phải tạm biệt phần móng đã nhiễm nấm, tức là cắt bỏ hoàn toàn.

Chúng ta đang sống vào kỷ nguyên của sự sạch sẽ. Xà phòng có khả năng tiệt trùng, nước lau nhà được nói là có khả năng diệt khuẩn đến 99.9%. Trong thế giới của chúng ta, vi khuẩn là thứ xấu xa, nói một cách đơn giản là vậy!

Nhưng cùng lúc, một số nhà khoa học lại nói rằng không nên ăn ở sạch sẽ quá, vì điều này có thể gây ra hen suyễn và dị ứng.

Vậy liệu có cách để cân bằng giữa nhu cầu sạch sẽ và học cách chung sống hòa bình với những vi khuẩn quanh ta?

Chúng ta đã biết kể từ cuối thế kỷ 19, các khám phá của bác sỹ người Đức Robert Koch cho thấy một số loại vi khuẩn là nguồn cơn gây ra một số bệnh nhất định.

Giữ vệ sinh giúp cải thiện sức khỏe

Kể từ đó, các biện pháp vệ sinh đã giúp chúng ta cải thiện sức khoẻ đáng kể.

Thế nhưng không phải vi khuẩn nào cũng xấu. Một số vi khuẩn có thể gây các loại bệnh khó chịu, hoặc thậm chí chết người, nhưng rất nhiều trong số này rất hữu ích và có lợi cho sức khoẻ con người.

Chúng tạo ra vitamins trong ruột, bao bọc da chúng ta để giúp bảo vệ chúng ta trước những vi khuẩn gây hại, và giúp chúng ta tiêu hoá thức ăn.

Bên ngoài cơ thể của chúng ta, chúng tiêu huỷ chất thải sinh học, tạo ra một nửa lượng oxygen trên thế giới và điều chỉnh lượng nitrogen trong không khí, giúp Trái Đất trở thành một hành tinh có tồn tại sự sống.

Ngày nay, nhiều nhà khoa học cho rằng chúng ta đang trở nên ‘quá sạch’, tới mức thái quá.

Vào năm 1989, nhà nghiên cứu dịch bệnh người Anh David Strachan là người đầu tiên khám phá ra rằng bị nhiễm trùng thời bé sẽ giúp chúng ta có khả năng kháng cự tốt hơn trước bệnh dị ứng sau này. Điều này được biết đến với tên gọi ‘Thuyết Vệ sinh’.

Vệ sinh thái quá là điều không tốt

Bệnh dị ứng trên thực tế là do hệ thống miễn dịch của chúng ta bị rối loạn vì tưởng rằng một chất vô hại là có hại.

Cơ thể chúng ta, như Dorothy Matthews, nhà sinh học tại Đại học Russel Sage ở New York, nói, có thể đã phản ứng thái quá trước những vi khuẩn có lợi, vì cơ thể chúng ta đã không còn quen với việc sống chung với chúng.

Vì lý do này, chúng ta phải hiểu cách những microbiota - các vi sinh vật sống phía ngoài và bên trong cơ thể chúng ta có thể giúp chúng ta như thế nào.

“Điều quan trọng là phải chuyển được từ mẹ sang cho con các vi sinh vật vô hại cho ruột, da và các bộ phận cơ thể khác, và chúng ta cần phải tiếp xúc với các loại vi sinh vật đa dạng, khác nhau tồn tại trong môi trường,” Graham Rook, nhà nghiên cứu bệnh dịch tại đại học University College London, nói.

Ví dụ như khi một núm vú giả bị rơi xuống sàn thì sẽ tốt hơn nếu người mẹ liếm sạch nó thay vì tìm một cái mới sạch hơn, vì điều này được cho là làm tăng lượng microbiota ở trẻ, giúp giảm dị ứng.

Điều này được cho là giống như một bài tập luyện sự chịu đựng, bắt đầu với thực phẩm.

“Nên ăn uống đa dạng, và tốt nhất là ăn thức ăn sản xuất từ nông trại,” Rook nói. Bên cạnh đó, việc tập thể dục ngoài trời cũng tốt hơn là ở trong phòng tập.

Và mặc dù chúng nghĩ rằng chó nuôi thì bẩn, nhưng chúng cũng giúp hầu hết chúng ta tăng độ đa dạng của microbiota và giảm dị ứng.

Theo một cách nào đó, hệ thống miễn dịch giống như một người nông dân.

Nó giúp cơ thể chúng ta có lượng vi khuẩn cần thiết cho sự phát triển, trao đổi chất, vận động và thậm chí cả các các vi khuẩn cần thiết cho chức năng của não, đồng thời giúp loại trừ các vi khuẩn chứa mầm bệnh.

Chụp lại hình ảnh,

Một số nhà khoa học nói việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ quá có thể gây hen suyễn, dị ứng và làm suy yếu hệ miễn dịch

Cũng chính vì vậy mà một sự thiếu đa dạng về microbiota thường gắn liền với nhiều căn bệnh.

Tuy nhiên hiện vẫn chưa có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy việc thiếu một loại vi khuẩn nào đó có thể gây một căn bệnh cụ thể nào.

“Bằng chứng có thể xuất hiện vào lúc nào đó,” Rook nói, “nhưng vấn đề vô cùng phức tạp, xét về mặt kỹ thuật lẫn số liệu.”

Những người khác cũng đồng ý như vậy.

“Các vi sinh vật đã được cho là có liên hệ với hệ miễn dịch, dị ứng, cảm xúc, hệ thần kinh trung ương, chứng tự kỷ,” Mary Ruebush, nhà vi sinh học và giảng viên tại Trường Becker Professional Education, nói.

Và việc rèn luyện khả năng chịu đựng bắt đầu từ giây phút chúng ta ra đời - những đứa trẻ được sinh ra theo cách tự nhiên có khả năng bị dị ứng thấp hơn những đứa trẻ được đẻ mổ, mà rất có thể là cho chúng đã được tiếp xúc với các loại vi sinh vật có một cách tự nhiên ở âm đạo của người mẹ ngay từ những giây đầu đời, bà nói thêm.

Việc tiếp xúc với vi khuẩn tốt ở giai đoạn đầu cuộc đời có thể có tác động rất tốt cho sức khoẻ của chúng ta, Rook nói.

Ví dụ, khi tiếp xúc với vi khuẩn từ sớm, ruột chúng ta sẽ kích hoạt một số tế bào miễn dịch giúp cơ thể chúng ta không phản ứng thái quá trước các vi sinh vật về sau này.

Rook gọi các vi khuẩn này là ‘những người bạn cũ’.

Và chúng ta đang thiếu tình bạn này; việc ăn ở quá sạch khiến ta không tiếp xúc với các vi khuẩn này, khác với thời tổ tiên mình.

Điều này trở thành một câu hỏi hóc búa cho những người muốn sống mạnh khoẻ hơn. Làm sao chúng ta có thể tránh các căn bệnh từ những vi trùng gây hại, trong khi vẫn tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi?

Nên giữ vệ sinh ở mức độ nào?

Rook tất nhiên là không khuyến khích việc bỏ qua các khâu vệ sinh cơ bản, như rửa tay.

Các nhà khoa học xem tay bẩn là một trong những lý do khiến bệnh truyền nhiễm lây lan.

Rửa tay sạch không phải là vấn đề rửa tay lâu đến đâu, mà là rửa kỹ đến đâu.

Bạn phải nhúng vào xà phòng và nước, chà kỹ các bề mặt của tay trong ít nhất 15 giây, sau đó rửa nước lại một lần nữa và sấy khô, các chuyên gia nói.

Chụp lại hình ảnh,

Rửa tay đúng cách là bạn phải nhúng vào xà phòng và nước, chà kỹ các bề mặt của tay trong ít nhất 15 giây, sau đó rửa nước lại một lần nữa và sấy khô, các chuyên gia nói

Việc kỳ cọ với xà phòng sẽ cách ly vi khuẩn với da của bạn, trong khi sấy khô sẽ đẩy chúng ra khỏi tay bạn.

Thế nhưng không phải phần nào của cơ thể cũng cần phải được rửa kỹ đến vậy.

Tắm rửa quá kỹ ‘làm ảnh hưởng đến những hệ thực vật bình thường giúp giữ cho bạn khoẻ mạnh bằng cách cạnh tranh với các sinh vật gây hại,” Ruebush nói.

“Việc vận hành hệ thống miễn dịch trong môi trường sạch sẽ giống như khi não thiếu khả năng cảm nhận. Cuối cùng, nó sẽ hoá rồ và làm tăng khả năng bị dị ứng và tự động miễn dịch đối với tất cả mọi thứ trong môi trường của họ,” bà nói.

Tắm lâu mỗi ngày không hẳn là điều tốt vì nó loại bỏ những ‘vi khuẩn tốt’ ra khỏi da của chúng ta.

Tuy nhiên bạn nên làm sạch khu vực quanh cơ quan sinh dục và những nơi mà thường đổ mồ hôi, và bạn nên thay đồ lót mỗi ngày.

Ở nhà, giải pháp để tránh việc chống lại nhầm loại vi khuẩn không phải là tắm rửa quá đà, mà là làm vệ sinh đúng lúc.

Việc giữ vệ sinh không phải là điều cần làm triệt để một lần một tuần, mà nó cần là ‘điều được làm mỗi ngày, khi các biện pháp vệ sinh được làm đối với những nơi cần thiết và vào đúng những lúc cần thiết,” Sally Bloomfield, từ London School of Hygiene and Tropical Medicine, nói.

Ví dụ như thớt trong nhà bếp. Nếu bạn dùng nó để cắt rau thì có thể rửa sau khi ăn, nhưng nếu chặt cá hay thịt sống thì cần phải rửa ngay nếu không muốn cả gia đình bị nhiễm trùng.

Khoảng 70% thịt gà có chứa Campylobacter, một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc và có thể nhân số lượng lên rất nhanh trên cái thớt mà bạn dùng để thái thịt gà.

Các nghiên cứu từ bệnh viện cho thấy ra trải giường và khăn lau cũng có thể làm lây lan vi khuẩn dễ dàng, nhưng nhà ở của chúng ta không phải là môi trường có độ rủi ro cao và ít có khả năng tạo ra siêu vi khuẩn.

Thế nhưng khăn lông ẩm ướt lại là có vấn đề.

“Không có dữ liệu khoa học cụ thể nào đủ khiến chúng ta tự tin đánh giá rằng chúng ta nên thay ra giường và khăn lau thường xuyên tới mức nào,” Bloomfield nói.

Tuy nhiên có đủ số liệu cho thấy chúng có thể gây nguy cơ nhiễm trùng ở nhà.

Bà khuyến khích nên thay ra trải giường và khăn lau ít nhất một lần mỗi tuần, và cảnh báo không nên dùng chung khăn lau tay và các đồ dùng vệ sinh cá nhân khác.

Khăn ướt, ấm là môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn cực kì có hại, Bloomfield nói.

Đó là lý do vì sao khăn lau ở nhà bếp và phòng tắm cần được vứt đi hoặc rửa ngay sau khi dùng, hoặc ít ra là phải được vắt và phơi ngay sau khi dùng, Bloomfield khuyến cáo.

Khăn lau khô bát là môi trường lý tưởng để vi trùng từ cơ thể bạn lay lan ra bát chén, ly cốc vừa được rửa sạch. Nó cần được thay thường xuyên, và khi giặt khăn lau này, nhiệt độ nên để ở mức 60 độ C để đảm bảo triệt khuẩn. Nếu để ở nhiệt độ thấp hơn, bạn nên pha thêm chất tẩy thích hợp vào bột giặt.

Khi dùng phòng vệ sinh, tốt nhất nên đóng nắp bồn cầu khi dội nước để tránh vi khuẩn lan ra và sinh sôi nảy nở.

Pyjama là một điểm yếu khác trong vấn đề vệ sinh cá nhân của chúng ta. Một số khảo sát cho thấy nhiều người chỉ đến khi thấy có mùi hôi mới đem đi giặt.

Tốt nhất là nên thay giặt pyjama một lần mỗi tuần, các chuyên gia nói.

Thông điệp cuối cùng là chúng ta không nên quay về đời sống hoang sơ dơ dáy như trước đây, mà thay vào đó, tìm cách duy trì các vi khuẩn tốt.

Ikka Hanski, một nhà sinh học từ Đại học Helsinki ở Phần Lan, nói, chúng ta cần ra khỏi nhà và giành thời gian vui chơi ở rừng hoặc nơi nhiều cây xanh.

“Hãy để con cái bạn chơi đùa ở những nơi mà chúng có thể tiếp xúc với đất, thực vật, vốn là nơi chứa nhiều vi khuẩn có lợi,” ông nói.

“Nếu bạn có nhà riêng, hãy để cây tự nhiên mọc và phát triển, chỉ cần tỉa một hay hai lần mỗi năm.”

Các nghiên cứu cho thấy trẻ em lớn lên trong môi trường không quá sạch thường ít bị hen suyễn và dị ứng.

Một số loại vi khuẩn nhất định cũng giúp chúng ta tránh khỏi các căn bệnh đường ruột và thậm chí một số loại bệnh trầm cảm.

Một cuộc sống khoẻ mạnh hơn có thể được củng cố từ việc tiếp xúc với gia súc hoặc các vi sinh vật vô hại nhưng quan trọng trong đất, thức ăn, nước.

Nếu giả thiết về vệ sinh là đúng thì điều này có thể giải thích sự gia tăng của các trường hợp hen suyễn và dị ứng trong 20 năm qua.

Tất nhiên là có những giải thích khác, như xu hướng sức khoẻ cộng đồng và tính phổ biến của nước đã qua khử trùng, hoặc việc lạm dụng thuốc kháng sinh, và những thay đổi trong môi trường của chúng ta, ví dụ như tình trạng ô nhiễm.

“Nhiều khả năng điều này có sự tham gia của nhiều yếu tố liên quan đến lối sống phương Tây. Thuốc kháng sinh sẽ làm rối loạn hoạt động các vi khuẩn có lợi cho cơ thể của chúng ta và vì vậy, ảnh hưởng đến phản ứng của hệ thống miễn dịch,” Hanski nói.

Ngược lại, ông nói, các nghiên cứu rõ ràng cho thấy là các loại thuốc vaccine không gây hại và không có vai trò trong việc làm tăng khả năng dị ứng.

Nếu nhìn về khía cạnh tươi sáng của vấn đề, bạn có thể biết chắc rằng mỗi lần bị ốm sẽ giúp bạn khoẻ hơn sau này, Ruebush nói.

“Thông điệp ở đây không phải là điều mà hầu hết chúng ta đều muốn nghe: Chúng ta muốn tìm cách nhanh nhất để giải quyết những căn bệnh khó chịu bằng việc tìm đến nhà thuốc. Tuy nhiên mỗi khi làm như vậy, cơ thể bạn sẽ trở nên yếu đi.”