Nội dung chính của học thuyết đạo phật là gì

PV: Thưa Hòa Thượng, nhân loại phát triển và hoàn thiện trên cơ sở các học thuyết. Đạo Phật, nhìn ở góc độ triết học, cũng là một học thuyết, ở đó hạnh phúc của con người, loài người, là hạt nhân tiên quyết. Để thành một chủ nghĩa lớn mạnh đòi hỏi giá trị thực hành của những người theo chủ nghĩa đó đúng và lành mạnh. Hòa thượng có ý kiến gì khác với nhận xét này không?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Việc tổ chức và phát triển một xã hội thường dựa vào nền tảng nhận thức của một học thuyết, lý thuyết xây dựng trên cơ sở các yêu cầu thực tế của xã hội. Phương Tây thường dựa vào tôn giáo (tôn thờ thượng đế) và các chủ thuyết thực nghiệm, duy nghiệm, duy lý, thực dụng v.v…; Trung Đông thì dựa vào Hồi giáo và tổ chức xã hội phong kiến; Trung Quốc (ảnh hưởng đến Triều Tiên và Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam – một thời) thì dựa vào Khổng học của Khổng tử… Vào thế kỷ thứ XVII, XVIII, XIX, khoa học dần phát triển và hình thành xã hội tư bản. Đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tư bản bộc lộ cao độ các nhược điểm (bóc lột lao động, bất công, áp bức) thì chủ nghĩa Marx vận hành ở châu Âu dần ảnh hưởng qua Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và một số xã hội khác. Nay thì cơ chế dân chủ, từ thế kỷ XIX, đã tỏa rộng khắp thế giới thay thế cơ chế phong kiến. Sự tồn tại và phát triển của một học thuyết hầu như chịu phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản:

- Nhận thức về các quy luật xã hội, khách quan;

- Học thuyết được trung thành và nhiệt tâm thực hiện bởi những người theo học thuyết;

- Hệ thống tổ chức khoa học;

- Các biến động lớn của khu vực và thế giới can thiệp vào.

Vì thế nên các học thuyết đều có một giá trị thực, nhưng tương đối.

Ngay cả cuộc đấu tranh vì quyền sống của giai cấp lao động, cùng khổ cũng thay đổi theo dòng biện chứng trôi chảy: khi cuộc đấu tranh thành công, và khi xã hội đi vào xây dựng giàu mạnh thì đòi hỏi có những đổi thay cần thiết về các chủ trương và phương thức thực hiện. Đấy là quy luật của phát triển. Đi ngược với quy luật này thì xã hội sẽ rơi vào khủng hoảng, trì trệ. Ở đây chỉ có một vấn đề cơ yếu thường có mặt là trí tuệ: nhận thức đúng và hành động đúng theo điều kiện thực tế thế nào để nhân dân sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc của xã hội chủ nghĩa.

Với Phật giáo, điều tiên quyết cần được xác định là: Phật giáo là con đường sống thực hiện giáo lý, giới, định, tuệ và nuôi dưỡng tâm từ bi để dần dần thoát khỏi các khổ đau do tham, sân, si, sợ hãi gây ra: con đường mà mỗi cá nhân cần nhận thức rõ và tự nguyện thực hiện theo một kỷ luật tâm lý nhất định. Đạo Phật có bàn đến sự thật của con người và thế giới nên có mang hình ảnh triết học, nhưng không chỉ có thế. Đạo Phật có tôn thờ đấng Giáo chủ và có đề cập đến lòng tin chân chính vào con đường giải thoát nên có dáng dấp của ý nghĩa tôn giáo, nhưng không chỉ có thế. Hạnh phúc của giải thoát khổ đau trong từng bước đi là mục đích yêu cầu, và hạnh phúc chân thật của trí tuệ giải thoát là mục đích tối hậu. Đạo Phật hầu như không có một hệ thống tổ chức xã hội chặt chẽ nên thường có những bước phát triển thăng trầm qua các thời đại, xã hội. Đạo Phật chỉ thật sự mạnh khi có đại đa số quần chúng sống chấp nhận và thực hành như các triều đại khi mà Phật giáo là Quốc giáo, chẳng hạn dưới thời đại đế Asoka (ở Ấn) và dưới triều đại Lý, Trần ở Việt Nam… Có hai điều kiện cơ bản để Phật giáo phát triển mạnh, tỏa sáng:

- Được chính quyền và đại đa số quần chúng chấp nhận và ủng hộ;

- Tổ chức Giáo hội Phật giáo có một đội ngũ Tăng, Ni học nhiều và hành sâu (đa văn) khá mạnh.

Con đường giải thoát thì chỉ có một: một hướng đi Giới, Định, Tuệ đi đến giải thoát chung cho các đoàn thể Phật giáo trên thế giới. Ở Việt Nam, thì Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành với dân tộc nên vận mệnh thường thăng trầm theo các thăng trầm của vận mệnh dân tộc. Vì thế sự hưng, suy của Phật giáo tùy thuộc vào nhiều nhân duyên, mà không phải chỉ một sự hành đạo của tín đồ.

PV: Thưa Hòa Thượng, để thành chính quả thì nhận thức và tranh đấu có lẽ là hai yêu cầu nổi trội?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Đúng thế. Con đường đi đến giải thoát toàn triệt của Phật giáo luôn luôn các bước đi soi sáng, dần dần bởi nhận thức - mà nhà Phật gọi là Chánh tri kiến (right view) - và kết thúc bằng chánh tri giải thoát (gọi là tuệ giác hay nhận thức của bậc giác ngộ). Mỗi bước đi giải thoát, hành giả luôn luôn đối mặt với tâm lý của chính mình (dục vọng, tham, sân, si) và phải chiến thắng với các tâm lý ấy để đạt đến tâm giải thoát (đại định) và tuệ giải thoát (đại tuệ). Ngoài việc nhãn nại để thắng vượt các bức ép bên ngoài, bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt, và các sức ép khác đến từ thế giới khách quan, điều tối quan trọng và tối gian nan là chiến thắng dục vọng và sự mê mờ (vô minh) của chính mình. Chiến thắng chính mình bao giờ cũng gian nan nhất và anh dũng, vẻ vang nhất. Con đường đi đòi hỏi hành giả thường thức tỉnh, thường giác tỉnh soi tỏ những gì là đúng Đạo để nắm giữ, và những gì không đúng Đạo để buông bỏ. Nói một cách văn học, đó là con đường của “cô đơn tâm linh” đòi hỏi nhiều dũng cảm. Cụ thể, có thể phát biểu một cách tóm gọn, đó là con đường tám nhánh (Bát thánh đạo) hay con đường mười nhánh (Thập thánh đạo). Con đường tám nhánh là: chánh tri kiến (thấy biết đúng: right view); chánh tư duy (tư duy đúng pháp: right thought); chánh ngữ (nói năng đúng pháp: right speech); chánh nghiệp (hành động đúng: right action); chánh mạng (sinh sống đúng: right livelihood); chánh tinh tấn (nỗ lực đúng: right effort); chánh niệm (niệm tưởng đúng pháp: right mindfulness); và chánh định (thiền định: right concentration).

Con đường Thập thánh đạo là Bát thánh đạo cộng thêm hai chi phần cuối: chánh giải thoát (right liberation) và chánh tri kiến giải thoát (trí tuệ biết mình đã giải thoát: perfect wisdom).

Từ con đường thập thánh đạo ta nhận thấy rằng con đường giải thoát của Phật giáo khởi đầu bằng chánh tri kiến của người phàm thế (hay nhận thức đúng của người phàm thế) và kết thúc ở trí tuệ giải thoát: chính trí tuệ này cắt đứt mọi nhân tố tâm lý gây ra phiền não khổ đau: đây là đích điểm của chân hạnh phúc. Vì thế châm ngôn thực hành của Phật giáo là “duy tuệ thị nghiệp” (lấy trí tuệ làm sự nghiệp, hay mục đích tối hậu là trí tuệ). Đây là chứng nghiệm tâm linh có thể là ánh sáng soi tỏ các hướng hành động của xã hội: trí tuệ quyết định mà không phải là ý chí, không phải là duy ý chí.

Con đường tu tập, thực hành của Phật giáo đi đến chánh quả có thể được giới thiệu tóm gọn một cách khác qua các cấp độ phát triển tâm lý gọi là con đường đi qua bảy bước đi thanh tịnh, theo kinh Trạm Xe (Trung Bộ Kinh I, kinh tạng Pàli Nikàya):

- Cấp độ 1: Giới thanh tịnh: thành tựu giới trước khi thực hành thiền định.

- Cấp độ 2: Tâm thanh tịnh: hành thiền định để loại trừ các tạp tưởng đi vào xả niệm và nhứt tâm.

- Cấp độ 3: Kiến thanh tịnh: hành thiền quán (vipassana) cho đến khi nhận rõ (thấy rõ) rằng không có mặt cái “ta” trong các quá trình vận hành của tâm lý và vật lý.

- Cấp độ 4: Thanh tịnh do cắt đứt mọi nghi ngờ cho đến khi thấy rõ sự sinh khởi và sự tan biến của các quá trình vận hành của tâm lý: thấy rõ tất cả đều không có tự ngã (vô ngã). Bấy giờ thân tâm tràn ngập lạc thú dâng lên.

- Cấp độ 5: Thanh tịnh thấy rõ những gì là Đạo, và những gì không phải là Đạo. Lạc thú tiếp tục dâng trào, nhưng hành giả tỉnh giác nhận ra rằng: các lạc thú (các cảm giác hỷ, lạc) ấy là trở ngại cho công phu phát triển thiền quán đi đến tuệ giác.

- Cấp độ 6: Thanh tịnh thấy biết quá trình thực hành (Đạo tri kiến thanh tịnh): thấy rõ sự “tan rã” của mọi đối tượng mà hành giả chú tâm đến; thấy rõ tất cả các hiện hữu là do các duyên hợp thành: chúng là vô thường, vô ngã, và trực nhận giải thoát là sự dứt bặt các cấu thành. Thực hành cho đến nhuần nhuyễn và nhận rõ giải thoát ấy là Niết bàn.

- Cấp độ 7: Thanh tịnh do biết và thấy (Tri kiến thanh tịnh): hành giả tiếp tục thực hành bước đi thứ sáu cho đến khi tâm thức không còn dính mắc vào mọi hiện hữu. Đây là bước đi thanh tịnh thứ bảy. Từ đây hành giả tiếp tục đi vào các thánh quả mà thánh quả sau cùng là A-la-hán để thành tựu trí tuệ giải thoát (perfect wisdom).

Cứ qua mỗi bước đi thanh tịnh thì nhận thức (thấy, biết) đổi khác và công phu thực hành cũng chuyển đổi tăng cao: tâm lý không đứng yên, mà dịch biến. Đây cũng là kinh nghiệm tâm linh có thể để lại kinh nghiệm cho từng giai đoạn đấu tranh của xã hội: có sự đổi khác về nhận thức và phương thức hành động (đấu tranh) qua từng giai đoạn thành tựu.

PV: Sự xuất hiện của chủ nghĩa Marx vận hành trong hoàn cảnh Chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ gần hết nhược điểm – đặc biệt nhược điểm bóc lột – và vì vậy, đấu tranh giai cấp, giành quyền sống cho người cùng khổ ở vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, khi đấu tranh đã giành thắng lợi thì công việc xây dựng một nhà nước tư sản kiểu mới trong sạch đã trở nên bức xúc hơn bao giờ hết – có thể hiểu đó mới là trận cuối cùng của tranh đấu không, thưa Hòa Thượng?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Như chúng tôi vừa phát biểu: có một sự đối khác về nhận thức và phương thức hành động qua từng giai đoạn thành tựu. Hệt như qua một giai đoạn có những yêu cầu mới về phát triển xã hội thì hiến chương được sửa đổi, bổ sung. Sau khi cuộc đấu tranh giành quyền sống cho người cùng khổ đã thắng lợi thì xã hội đi vào một giai đoạn mới của phát triển giàu mạnh, và vừa ngăn chặn tình trạng bất công tái diễn. Xã hội tiếp tục và tiếp tục đi tới như thế, phát triển và phát triển: phát triển trong hướng thực hiện công bằng xã hội, và giai cấp lao động luôn được bảo vệ. Sự phấn đấu tổ chức một xã hội như thế là một sự phấn đấu không ngừng nghỉ, liên tục đi theo dòng biện chứng: cứ sau một tổng hợp đề là một tiền đề mới, và sau một tiền đề là một phản đề mới của một quá trình phát triển mới. Không có trận cuối cùng của sự tranh đấu cho công bằng xã hội: đây cũng là những gì của quy luật phát triển. Thế phát triển trong công bằng xã hội là thế yêu cầu luôn luôn cần được giữ vững, luôn luôn cần được trí tuệ của Đảng lãnh đạo soi sáng. Thế hỗ trợ để nâng cao sức sống của nhân dân lao động và toàn dân cũng là thế cần được giữ vững: như đã đề cập, vấn đề trọng yếu được đặt biệt quan tâm ở đây mãi mãi vẫn là hạnh phúc của toàn dân, đại đoàn kết dân tộc được thực hiện trong độc lập, tự do của đất nước. Nhân dân có tư sản cao và nhà nước có tư sản lớn là một điều đại hạnh: đây là mục tiêu của phát triển. Bấy giờ Đảng lãnh đạo vẫn tiếp tục vai trò lãnh đạo của mình trong một nhịp điệu phát triển mới.

PV: Hành đạo (hay hành chủ nghĩa) là việc làm gian khó. Nghị quyết 4, Khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự hành đạo gian khó, thưa Hòa Thượng?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Ở đời, không có một sự thành tựu giá trị nào mà không phải vượt qua các gian khó. Sự sống là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, luôn đòi hỏi nỗ lực của con người. Ở lãnh vực tôn giáo, người tu sĩ, phật tử luôn luôn bám giữ nỗ lực: đó là hạnh tu lớn nhất quyết định sự thành tựu của các hạnh tu khác. Không có nỗ lực, quyết định không có sự thành tựu. Nỗ lực khó khăn nhất là nỗ lực chiến thắng dục vọng và vô minh của chính mình. Ở lãnh vực xã hội cũng thế. Nghị quyết 4, Khóa XI của Đảng là nghị quyết chỉnh đốn và phát huy năng lực lãnh đạo của Đảng, của chính mình. Đó là ý nghĩa Đảng tự chiến thắng mình. Đó là công việc gian khó nhất và đem lại thành quả vẻ vang nhất. Cái khó ở đây là chiến thắng tự thân: phải tự thấy rõ các sai sót của mình, tự sửa sai và tự chiến thắng. Cái khó ở đây là chiến thắng tự ngã và chiến thắng dục vọng. Khó nhưng cần phải vượt qua. Không làm thế thì dần dần sẽ đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng như Nghị quyết đã chỉ rõ: giữ vững lý tưởng cách mạng (trách nhiệm đối với sự hưng, suy của đất nước) đẩy lùi các suy thoái; nâng cao năng lực lãnh đạo; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và đổi mới phương thức lãnh đạo. Đây cũng là một bước đi theo quy luật biện chứng của phát triển. Con đường phát triển là đi tới như thế và vượt qua từng khó khăn như thế. Ở đây có thể phát biểu tóm tắt rằng Đảng lãnh đạo là thế. Đảng đã từng đi qua nhiều khó khăn hơn thế và đã thành công. Tôi tin rằng Nghị quyết 4, Khóa XI sẽ được thực hiện kiên trì, tỉnh táo và thành công vẻ vang.

PV: Phê bình và tự phê bình, hiểu nôm na là tự nhận thành tích, bình thành tích và tự nhận tội, bình tội. Người hành đạo phải dũng cảm? Và không chỉ dũng cảm, có lẽ phải có tình yêu?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Phê bình và tự phê bình, về mặt tâm lý, là va chạm tự ngã của mình và tự ngã của người khác. Đấy là điều kiêng kỵ. Nhưng không phê và tự phê thì không tiến bộ, các vấn đề của tự thân, tha nhân và tập thể không được soi sáng. Giữa sự va chạm tâm lý và tiến bộ của cá nhân và tập thể thì điều sau thường được lựa chọn. Mà sống là lựa chọn. Điều phải quan tâm là làm thế nào để phê bình và tự phê bình diễn tiến mà không tạo ra sự căng thẳng tâm lý, hay sự va chạm xảy ra mà vẫn được các cá nhân và tập thể vui vẻ chấp nhận.

Ở nhà Phật, kinh Pháp Cú, có ba lời dạy liên hệ đến phê và tự phê đáng được tham khảo:

- “Nếu muốn khuyên người khác nên làm như mình, trước hãy sửa mình rồi sau sửa người, tự sửa mình vốn là điều khó nhất”. (PC.159)

- “Người nào trước buông lung sau lại tinh tấn, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian như vầng trăng ra khỏi mây mù”. (PC. 172)

- “Người nào lấy việc lành tiêu trừ việc ác, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian, như vầng trăng ra khỏi mây mù”. (PC. 173)

Như thế, theo cái nhìn của Phật giáo, phê và tự phê sẽ là vầng trăng sáng ra khỏi mây mù chiếu sáng thế gian. Đó là hình ảnh rất đẹp trong văn học và rất đẹp trong cuộc đời.

Vấn đề là thái độ phê và tự phê sẽ giữ một vai trò quan trọng quyết định tác dụng của phê và tự phê: thái độ tự phê cần biểu lộ sự chân thành, cầu thị; thái độ phê bình cũng đòi hỏi chân thành, sự tôn trọng và quý mến đối tượng. Tự phê không phải chỉ là hành động dũng cảm nói lên điều sai, trái của mình mà còn là niềm tự hào đã thắng tự ngã. Phê bình cũng thế, ngoài sự quý mến, tôn trọng tha nhân còn có niềm tự hào về việc giúp tha nhân thành ánh sáng chiếu sáng cõi đời. Phê và tự phê thực chất là như vậy, là điều thiện mà không vì động cơ ganh ghét, tị hiềm, đố kỵ hay gây tổn hại. Phê và tự phê là sự tiến bộ, vì muốn đem ánh sáng soi sáng cuộc đời, rất đáng trân trọng. Chúng ta cần nhận thức rõ giá trị ấy và cần duy trì truyền thống tốt đẹp ấy.

PV: Thưa Hòa Thượng, từ khi có nghị quyết, có người, có bộ phận cho là việc phê bình và tự phê bình chủ yếu là cán bộ đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Vậy các đảng viên thường, quần chúng và cả những Tăng, Ni, phật tử thì sao? Hành đạo – sự sống của học thuyết sẽ được kết luận thế nào?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Các cán bộ đứng đầu các cơ quan, tổ chức là những người có ý thức tự giác cao về việc phục vụ các quyền lợi cho nhân dân và đất nước nên việc phê bình và tự phê bình diễn ra ở một cấp độ nghiêm túc cao, trách nhiệm cao. Các đảng viên khác cũng thế, cũng có một tinh thần tự giác và trách nhiệm đối với sự tồn vong của Đảng và của đất nước, vì thế cũng cần có tinh thần phê và tự phê biểu hiện tinh thần tự giác và trách nhiệm ấy.

Với người dân – các Tăng, Ni, phật tử cũng là những công dân - thì thực hành tinh thần phê và tự phê về nghĩa vụ công dân của mình đối với đất nước, như nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ quân sự, và các nghĩa vụ xã hội khác. Họ cũng cần biểu hiện tinh thần phê và tự phê trong lãnh vực trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, bởi đấy là việc tốt đẹp cần làm.

Kinh Tăng Chi Bộ của Nam tạng Phật giáo ghi rằng:

- Một người quy y Phật, Pháp, Tăng, trì giới và hành bố thí, thiền định, trí tuệ - hay thực hành: từ bỏ các điều ác; làm các điều lành; và giữ tâm ý thanh tịnh – thì gọi là một phật tử.

Người ấy, sau khi quy y, giữ giới, bố thí, hành thiền định và trí tuệ, giúp những người khác cũng làm như thế, cho đến như vậy thì gọi là một phật tử chân chánh.

Theo tinh thần đó, sau khi tự sửa mình, người phật tử chân chánh giúp các người khác tự sửa mình: Đây là tinh thần phê và tự phê. Là người công dân, họ cũng thực hành như thế đối với các công dân khác. Sự sống của học thuyết, vì thế, một phần do sự thực hành học thuyết (sự “hành đạo”) của mọi người dân, một phần do các yếu tố khách quan như đã được đề cập. Cơ bản của phê và tự phê, thành công phụ thuộc thái độ chân thành và lòng yêu nước, yêu đồng bào của mọi thành viên của xã hội, trong đó yếu tố tình yêu là quan trọng hơn cả, như ngạn ngữ Việt Nam đã từng nói: “Thương thì trái ấu hóa tròn”.

PV: Cám ơn Hòa thượng đã soi sáng!

Chủ đề