Nhân vật Sang Mô trong truyện Sự tích thác chi em có tính cách như thế nào

2. Nội dung

2.1. Khảo sát văn bản Sự tích Ao bà Om qua các các công trình nghiên cứu

            Chúng tôi tiến hành khảo sát văn bản sự tích Ao Bà Om trên những công trình sưu tầm văn học dân gian sau:

            - Khoa Ngữ văn - Đại học Cần Thơ (1997), Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long – NXB giáo dục.

- Nguyễn Hữu Hiếu – Nam Kì cố sự (1999) – NXB Đồng Tháp

            - Chu Xuân Diên (chủ biên) (2002), Văn học dân gian Sóc Trăng – NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

            Bản kể 1: Ngày xưa, có một nhóm con trai  và một nhóm con gái thi nhau đào ao. Bà Om dẫn đầu phái nữ. Cả hai phái đặt điều kiện với nhau: bên nào thua thì bên đó phải cưới bên kia và giao ước đến khi sao Mai mọc thì cuộc thi chám dứt. Cả hai bên bắt đầu đào ao. Phái nữ làm việc rất  tích cực trong khi phái nam ỷ sức khỏe nên làm việc bình thường, không vội vã. Đến nữa đêm công việc của bên phái nữ sắp xong, bà Om lấy đèn cột trên ngọn cây giả làm sao Mai. Phái nam tưởng trời đã sáng bèn về, khi hiểu ra thì đã muộn. Bên nam đành chịu thua.

            Từ đó có tục lệ người con trai phải đi cưới người con gái

            Ao bên phía nam đào còn cạn nên đến nay người ta vẫn làm ruộng. Còn ao bên nữ đào thì lấy tên bà Om đặt cho ao. Lúc đầu, ao chưa xong. Đêm ngủ, nhân dân vùng bên cạnh ao thấy các vị thần hiện lên quở trách, bảo rằng phải sửa lại cho vuông.

            Sáng ra, nhân dân làm đúng như lời thần mách bảo. Ngày nay, cảnh ao bà om chính là kết quả của cuộc thi tài khi xưa và vì vậy, người ta còn gọi là ao Vuông.

            Bản kể 2:  Xưa kia, có một vị hoàng tử tên là Pa-tu-ma-vông trấn nhậm vùng đất Trà Vinh rất độc đoán. Ông bắt dân chúng phải dâng gái đẹp cho ông ta, ai bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Ông ta còn bắt đàn bà phải đem lễ vật đi cưới đàn ông. Một cô gái xinh đẹp đến bày tỏ sự bực dọc với hoàng tử. Vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái nên hoàng tử cho mở một cuộc thi đào ao, bên đào xong trước sẽ thắng cuộc, được bên thua đi cưới, để làm "vừa lòng" người đẹp. Sau đó, mọi chuyện diễn ra như truyện kể trên (bản kể 1).

            Bản kể 3: Ngày xưa, ông Lũy và bà Om rất thương yêu nhau. Cuộc tình sắp tiến tới hôn nhân thì cả ông Lũy và bà Om đều không biết ai phải đi hỏi cưới ai nên cả hai cùng giao hẹn thi lao động. Ông Lũy đại diện phái nam, chỉ huy những người đàn ông. Bà Om đại diện phái nữ, chỉ huy những người đàn bà. Cả hai bên cùng giao hẹn đến lúc sao Mai mọc thì cuộc thi chấm dứt.

          Bà Om nhận đào cái ao còn ông Lũy thì nhận đắp con đê dài. Bên phía bà Om tích cực làm việc trong khi phía ông Lũy ỷ sức mình, chỉ lo nhậu nhẹt. Khoảng 12 giờ đêm, phía bà Om gần xong. Bà nghĩ ra một kế là thả lồng đền gió lên cao để đánh lừa ông Lũy. Ông Lũy nhìn về hướng đông thấy lồng đền gió tưởng là sao Mai đã mọc nên bỏ dở công việc ra về…Bên phía bà Om nhờ cật lực làm việc nên đến lúc sao Mai mọc thì công việc xong xuôi. Ông Lũy thua cuộc và đúng lời giao ước phải đi cưới bà Om. Bắt đầu từ đó mà có tục lệ người đàn ông phải đi cưới người đàn bà. Hiện nay ao Bà Om vẫn còn. Qua nhiều thế hệ, nó được tu sửa lại và trở thành một thắng cảnh. Bờ lũy cách ao Bà Om khoảng 5km về phía tây là một con đường đắp dở đi về phía ông Chích là dấu tích còn lại của công việc mà ông Lũy đã bỏ dở khi xưa. Ngày nay, nhân dân vùng này vẫn đi lại và vận chuyển hàng hóa trên con đường ấy.

            Bản kể 4: Bà Om và ông Lũy ở với nhau đã có một đứa con nhưng không biết đặt tên cho nó theo họ cha hay họ mẹ nên mới bày cách thi nhau làm công việc: đào ao (do bà Om chỉ huy) và đắp lũy (do ông Lũy chỉ huy). Về sau, bà Om thắng nên đứa con phải theo họ mẹ. Đó là tục lệ của người Khmer. Mãi đến khi thực dân Pháp xâm lược, theo đúng thủ tục hành chính, người Khmer mới phải theo họ cha.

            Bản kể 5: Vào thời Thủy Chân Lạp, nhà vua cho đào ao để công chúa tắm. Trên mặt ao, vào mùa mưa mọc rất nhiều rau mò om (rau để nấu canh chua). Từ đó đời này qua đời khác, nhân dân gọi đó là rau mò om và ao đó về sau cũng gọi là ao Bà Om. Cái ao Bà Om có từ đó và tên gọi là theo nghĩa trên. Cũng có người cho rằng chữ Bà Om là danh từ Pơ-ra-Âng (Prah Âng) tức là chùa Prah Âng đọc trại ra thành Bà Om.     

           Bản kể 6: Ngày xưa, có một hoàng tử cùng em gái trấn nhậm vùng đất Trà Vinh xưa. Hoàng tử đóng dinh ở Prasat, tức Sóc Trăng ngày nay, còn công chúa thì chọn khoảng đất gần chùa Âng ngày nay để dừng chân. Do không tìm được người con gái vừa ý để cưới, hoàng tử đã sang hỏi cưới em gái nhưng bị công chúa cự tuyệt vì trái luân thường. Nàng cho binh lính đắp lũy hào quanh dinh thự để ngăn bước anh trai qua quấy rối. Nàng cũng cho đào ao lấy nước ngọt dùng trong dinh và giao cho "tứ nữ cận thần", do bà Om chỉ huy, canh gác bốn phía. Dân trong vùng tới lui lấy nước, gọi là ao Bà Om...

2.2. Những "mảnh vỡ" thần thoại qua các bản kể "sự tích Ao Bà Om"

            Thần thoại là những câu chuyện cổ xưa phản ánh quan niệm của con người thời cổ về thế giới tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người. Trong kho tàng thần thoại Việt Nam có nhiều tác phẩm tập trung giải thích nguồn gốc vũ trụ và tự nhiên. Ở những tác phẩm ấy, những nhân vật kiến tạo nên vũ trụ thường là những con người khổng lồ, kì vĩ. Thần Trụ Trời lấy đất đá đắp cột chống trời. Khi Trời Đất đã xa nhau, thần phá cột chống Trời đi, chỗ lấy đất đắp cột chống trời trở thành hồ, thành biển. Nơi đất đá văng ra thì thành núi thành đồi. Trong các thần thoại về thuở khai thiên lập địa của con người, thường có sự xuất hiện đồng thời của một cặp đôi nam thần và nữ thần. Sự ghép đôi này là rất phổ biến trong thần thoại của các tộc người không chỉ ở nước ta mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Phải chăng, trong buổi đầu của lịch sử nhân loại, khi mà nhận thức của con người còn nhiều hạn chế, quan niệm về sự hoà hợp âm - dương đã bước đầu được con người nhận thức và trở thành tư tưởng chi phối mọi hoạt động sáng tạo. Đó là ông Lộc Cộc – bà Tồ Cô, ông Đực - Mụ Cái, Ông Đùng –bà Đà, Nữ Oa – Tứ Tượng, Ông Chày – Bà Chày, ông Thu Tha – bà Thu Thiên, ông Chu Cún – bà Chu Cún...Các ông bà khổng lồ chung sức xây dựng, sắp xếp lại vũ trụ. Đặc biệt, theo các tác giả Giáo trình văn học dân gian (NXB Đại học sư phạm Hà Nội), thì " Mô típ phổ biến trong những thần thoại này là mô típ thi tài"([1]). Trong số các câu chuyện ấy chúng tôi chú ý đến thần thoại Ông Đùng – Bà Đùng được sưu tầm ở Hà Tĩnh. Truyện kể rằng: Thủa ấy, có hai người khổng lồ là Ông Đùng, Bà Đùng nhiều lần giúp đỡ dân trong vùng. Ông Đùng rất thích bà Đùng nên một hôm sớm tinh mơ đến ngỏ ý. Bà Đùng nói trước khi gà gáy ngày mai ông Đùng phải xếp được 100 ngọn núi thì bà Đùng đồng ý làm vợ. Vậy là ông Đùng một mình cặm cụi kéo núi xếp lại, ông làm việc quên cả ăn. Lúc xếp được 99 ngọn núi thì cũng lúc bà Đùng tỉnh dậy, thấy ông Đùng đang xếp núi nên đùa cho vui bằng việc giả tiếng gà gáy. Ông Đùng đang di chuyển một ngọn núi về cho tròn 100 ngọn, đến bên bờ bắc sông Lam nghe thấy gà gáy tưởng thật, nên đứng dậy phủi tay mà đi. Do đó mà núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn, còn một ngọn bị ông Đùng bỏ lại chính là núi Quyết ở bờ bắc sông Lam. Cũng chính ông Đùng đã đào quặng sắt ở trong các ngọn núi đem đến làng Vân Chàng và Trung Ương dạy cho dân làm nghề rèn - một nghề truyền thống vẫn còn lại đến ngày nay.

            Có thể dễ dàng nhận ra, trong thần thoại này, mô típ "thi tài" và mô típ bên nam bị bên nữ "đánh lừa" là hai mô típ chính yếu. Như vậy trong số 6 bản kể về Sự tích Ao Bà Om mà chúng tôi ghi nhận được qua các bài viết, công trình sưu tầm văn học dân gian thì mô típ "thi tài" và mô típ bên nam bị bên nữ "đánh lừa" xuất hiện trong bản kể 1, 2, 3, 4.

Mô típ

    Thần thoại Ông Đùng – Bà Đùng   

    Truyền thuyết Ao Bà Om

     [bản kể 1, 2, 3, 4]

Thi tài

    Xếp núi

      Đào Ao

Đánh lừa    

    Bên nữ giả tiếng gà gáy

     Bên nữ treo đèn lên cao giả làm sao Mai    

            Nếu trong thần thoại Ông Đùng – Bà Đùng mô típ "thi tài" và mô típ "đánh lừa" gắn với việc sáng tạo sông núi, những việc làm kì vĩ (dời núi) thì mô típ "thi tài" và mô típ "đánh lừa" lại gắn với việc đào ao. Đây chính là dấu ấn địa phương đậm nét, người ở vùng có núi non hùng vĩ thì dời núi, người ở vùng đồng bằng thì đào ao giữ nước phục vụ trong nông nghiệp bởi trong bước đầu khai khẩn đất đai lập nghiệp, do đặc điểm cư trú, người Khmer ở Trà Vinh thích ở trên các giồng cát để trồng hoa màu, nên nhu cầu đào ao lấy nước ngọt để sinh hoạt, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp đã trở thành một nhu cầu vô cùng thiết yếu: "Ở khu vực Trà Vinh (tỉnh Cửu Long), người Khmer cư trú trên các giồng, khai thác những vùng đất thấp phía trước và sau giồng, từng bước biến chúng thành đồng ruộng" ([2]). Như thế chúng ta có thể nhận thấy từ thần thoại Ông Đùng – Bà Đùng đến truyền thuyết Ao Bà Om là sự chuyển dịch lớn lao từ hành động kì vĩ sáng tạo tự nhiên (Dời núi) của các nhân thần đến những hành động gắn chặt đến đời sống lao động sản xuất hằng ngày của con người trần thế (Đào ao chứa nước ngọt).

            Cũng cần nói thêm mô típ "thi tài" và mô típ "đánh lừa" trong Sự tích Ao Bà Om  mang đậm dấu truyện cổ của Campuchia. Theo Vũ Tuyết Loan, Nguyễn Tấn Đắc (biên soạn), Nguyễn Tấn Đắc giới thiệu (1986), Tuyển tập Văn học Campuchia, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội thì ở Campuchia có truyện "Sự tích núi đàn ông và núi đàn bà" (hay tục đàn ông cưới vợ). Nội dung câu chuyện xoay quanh việc nữ hoàng Srey Actya đã chủ động đi cưới chồng và hình thành nên tục lệ đàn bà đi cưới đàn ông. Sau khi nữ hoàng băng hà, phần lớn con gái không muốn giữ tục lệ ấy. Họ đã đưa ra điều kiện thi tài với đàn ông: mỗi bên cùng đắp một ngọn núi từ lúc mặt trời lặn đến sao hôm mọc. Phe nào thua phải giữ nhiệm vụ "đi cưới" phe thắng. Nửa đêm, hai bên đều đắp được hai ngọn núi ngang nhau. Sợ thua cuộc, bên nữ đã nghĩ ra kế treo lồng đèn lên cao giả làm sao hôm. Thấy sao mai mọc, bọn đàn ông kéo về nhà ngủ. Gà gáy sáng, bọn đàn ông thức dậy ra xem núi, thấy núi của họ thấp hơn núi của phe đàn bà thì họ mới biết mình bị lừa. Từ đó đàn ông phải đi cưới đàn bà. Hai ngọn núi ấy vẫn còn ở làng Auprin, quận Prey Chor, Tỉnh Kompong Chàm. Ngọn núi cao tên là Phnom Xrey (núi Đàn Bà), ngọn núi thấp hơn tên là Phnom Prôs (núi Đàn Ông)

     Mô típ    

    Sự tích núi đàn ông và núi đàn bà" (hay tục đàn ông cưới vợ)    

   Truyền thuyết Ao Bà Om

        [bản kể 1, 2, 3, 4]

    Thi tài

    Đắp núi

    Đào Ao

    Đánh lừa    

    Bên nữ treo đèn lên cao giả làm sao Mai

    Bên nữ treo đèn lên cao giả làm sao Mai    

   Chức năng: Giải thích tên gọi địa danh và phong tục hôn nhân

            Sự tích Ao Bà Om là truyền thuyết có nhiều chức năng. Ngoài chức năng giải thích địa danh, truyện còn phản ánh chức năng giải thích phong tục liên quan đến hôn nhân của người Khmer. Qua mô típ thi tài ta thấy rõ tục cưới hỏi của người Khmer Nam Bộ : nam cưới nữ. Đây là vấn đề mang tính văn hóa lịch sử rất lâu đời được truyện cổ lưu giữ và được nhân dân thực hiện. Trước hết, cần phải thấy rằng,  trong trình độ phát triển chung của các tộc người, các hình thái ý thức xã hội có sự chênh lệch nhau và không trùng khớp nhau. Chế độ mẫu hệ Khmer so với tộc người Kinh, Hoa trên cùng địa bàn cư trú chuyển sang chế độ phụ hệ chậm hơn. Ngày trước người phụ nữ giữ vai trò chủ động trong việc cưới sinh, nữ phải đi cưới nam. Chính trong dân gian với việc nhìn thấy sự "bất hợp lí" đã tổ chức cuộc thi để rồi cuối cùng đàn ông phải đi cưới đàn bà mà người đứng đầu tổ chức cuộc thi là một nhóm phụ nữ. Như thế có thể thấy đây là sự chuyển dịch ý thức hệ mẫu quyền sang ý thực hệ phụ quyền được dân gian thể hiện sinh động qua mô típ "thi tài" mà các tác giả của giáo trình Văn học dân gian Việt Nam đã từng đề cập:"Thần thoại cổ đã từng phản ánh những biến động của xã hội từ chế độ mẫu hệ sang chế động phụ hệ"[3]. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận thấy ý thực hệ mẫu quyền ở đây còn rất mạnh thể hiện qua mô típ "đánh lừa" và phần thắng nghiêng về người phụ nữ Khmer tài trí. Ngoài ra có thể thấy thêm, việc giải thích phong tục cưới hỏi, ở bản kể 4 mô típ thi tài còn góp phần giải thích tập quán con phải theo họ mẹ của người Khmer xưa qua chi tiết Ông Lũy và Bà Om thi tài để quyết định xem con phải theo họ ai. Về sau, bà Om thắng nên đứa con phải theo họ mẹ. Đây cũng là chi tiết thể hiện dấu ấn mẫu quyền trong đời sống tinh thần của người Khmer.

            Trong thần thoại chúng ta còn bắt gặp những chi tiết phản ánh kí ức về một thời kì "quần cư tạp hôn", trong xã hội nguyên thủy. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc thì "thần thoại đại hồng thủy" là mô típ phổ biến trong những câu chuyện về nguồn gốc loài người được truyền tụng lại từ cổ xưa. Đó là sau một trận hồng thủy có duyên cớ hoặc không duyên cớ, loài người đã bị diệt sạch, trên trần gian còn trơ lại hai anh em hay hai chị em, một trai một gái. Tuy cùng máu mủ, họ vẫn không thể không lấy nhau. Và chính bản thân họ, hay con cháu họ, sẽ là những "anh hùng văn hóa" mà những công tích hiển hách là những bước liên tiếp xây dựng cho nhân loại đã tái sinh một nền văn hóa toàn vẹn, với các thế ứng xử muôn đời mẫu mực. Trong bài viết Nghiên cứu truyện dân gian Đông Nam Á (bằng motif và type), nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc đã khái quát type truyện lụt ở Đông Nam Á với những mô típ đặc trưng của nó[4]:

            I. Lụt:

                        1. Do xung đột Thần – Người hoặc Người – Người

                        2. Thần gây ra lụt để trả thù, trị tội con người

            II. Người sống sót

                        3. Con vật hoặc Thần chịu ơn trả ơn báo tin.

                        4. Cặp Anh trai – Em gái may mắn sống sót.

                        5. Dùng quả bầu, khúc gỗ, cái giường, cối giã, cái trống...để tránh lụt

            III. Tái tạo loài người sinh ra các dân tộc:

                        6. Điều kiện chứng minh việc lấy nhau là tất yếu

                        7. Hôn phối trái thường và không tự nguyện (Anh trai lấy em gái)

                        8. Sinh đẻ kì dị: Quả Bầu, chậc máu, cục thịt

                        9. Các vật đó biến thành người

            Đối chiếu với bản kể (6), chúng ta nhận thấy ở đây có mô típ "Hôn phối trái thường và không tự nguyện (Anh trai lấy em gái)" vẫn thường thấy trong những thần thoại giải thích sự hình thành loài người, nhưng ở đây em gái đã kiên quyết cự tuyệt vì cho rằng "trái luân thường" và sự kiên quyết ấy đã được thể hiện qua chi tiết "Nàng cho binh lính đắp lũy hào quanh dinh thự để ngăn bước anh trai qua quấy rối". Như vậy mặc dù truyện còn lưu lại những dấu vết của thần thoại, tuy nhiên qua qua những chi tiết vừa nêu có thể thấy sự phát triển cao trong nhận thức về vấn đề hôn nhân, đó là việc chuyển từ quần hôn sang hôn nhân đối ngẫu. 

          Bên cạnh đó chi tiết "Nàng cũng cho đào ao lấy nước ngọt dùng trong dinh" (bản kể 6) và chi tiết "Vào thời Thủy Chân Lạp, nhà vua cho đào ao để công chúa tắm" (bản kể 5) lại gắn chặt với hiện thực cuộc sống của người dân Khmer ở vùng đất mới. Bởi do đặc điểm định cư trên những giồng cát, thế nên nhu cầu có nước ngọt để sinh hoạt, phục vụ nông nghiệp đã trở nên vô cùng cấp thiết đối với người Khmer xưa. Đồng thời qua chi tiết "Nàng cũng cho đào ao lấy nước ngọt dùng trong dinh và giao cho "tứ nữ cận thần", do bà Om chỉ huy, canh gác bốn phía. Dân trong vùng tới lui lấy nước, gọi là ao Bà Om...", chúng ta còn nhận thấy người Khmer ở Trà Vinh rất trân quý nguồn nước ngọt mà họ đã dày công kiến tạo qua công trình Ao Bà Om.

3. Kết luận

            Với sự phong phú của các dị bản và những môtíp mang màu sắc thần thoại đã góp phần tạo nên những đặc trưng nghệ thuật  đặc sắc cho những truyền thuyết về sự tích Ao Bà Om. Chúng tôi nghĩ rằng đây chính là chất keo gắn kết bền chặt những truyền thuyết này với đời sống văn hóa của người Khmer ở Trà Vinh nói riêng và người Khmer Nam Bộ nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chu Xuân Diên (chủ biên) (2002), Văn học dân gian Sóc Trăng – NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên) (2002), Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Văn học dân gian những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục
  3. Khoa Ngữ văn - Đại học Cần Thơ (1997), Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long – NXB giáo dục.
  4. Phạm Thu Yến (chủ biên), Lê Trường Phát – Nguyễn Bích Hà (2008), Giáo trình văn học dân gian – NXB Đại học sư phạm Hà Nội
  5. Phạm Thu Yến (2014), Phân tích tác phẩm văn học dân gian theo đặc trưng thể loại– NXB Đại học quốc gia Hà Nội

Ths. Trầm Thanh Tuấn

Trường THPT Tập Sơn - Huyện Trà Cú - Tỉnh Trà Vinh​

[1] Phạm Thu Yến (chủ biên), Lê Trường Phát – Nguyễn Bích Hà, Giáo trình văn học dân gian – NXB Đại học sư phạm Hà Nội (tr 24)

[2] Trường Lưu (chủ biên) (1993), Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long – NXB Văn hóa dân tộc (tr 17)

[3] Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2004), Văn học dân gian Việt Nam – NXB Giáo Dục, Hà Nội (tr124)

[4] Nguyễn Tấn Đắc, Nghiên cứu truyện dân gian Đông Nam Á (bằng motif và type), In trong Văn học dân gian những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục (tr 55)

Video liên quan

Chủ đề