Người khiết đan ở đâu

Người khiết đan ở đâu

Người Khiết Đan

Ngày 21-6-1922, Kervan, nhà truyền giáo Bỉ, tới huyện Batingue Nội Mông (Trung Quốc) giảng đạo. Ông được tín đồ dẫn tới xem một ngôi một cổ bị bọn trộm đào tanh bành. Ông phát hiện một tấm bia đá khắc chi chít ký hiệu tựa như văn tự rất kỳ lạ mà dân địa phương gọi là thiên thư (sách trời).

Sự bí ẩn của thiên thư

Theo khảo chứng, đây là mộ của một người Khiết Đan qua đời khoảng 900 năm trước. Những ký hiệu kỳ lạ kia trong sách trời có phải là chữ viết của người Khiết Đan xưa không?

Sử sách ghi tộc người Khiết Đan dựng nên nước Liêu năm 907, từng sáng tạo nên chữ viết Khiết Đan. Nhưng khoảng 900 năm về trước, chữ viết Khiết Đan đã thất truyền, người đời sau dẫu có nhìn thấy cũng không thể đọc được. Các chuyên gia suy đoán: Sách trời chính là văn tự Khiết Đan đã chôn vùi nhiều trăm năm. Từ đó về sau, trong cương vực của nước Liêu rộng mênh mông, người ta thi thoảng lại thăm dò, khai quật, phát lộ được nhiều văn tự và văn vật lịch sử của tộc người Khiết Đan.

Năm 1986, tại thành phố Thông Liêu thuộc khu tự trị Nội Mông, người ta phát hiện một ngôi mộ cổ hợp táng công chúa và phò mã Khiết Đan. Đây là ngôi mộ có nhiều văn vật tùy táng có giá trị nhất cho tới ngày nay. Hình thức chôn cất cùng các đồ tùy táng cho thấy người Khiết Đan chịu ảnh hưởng khá nhiều văn hóa của người Hán vùng Trung Nguyên.

Tuy hài cốt trong mộ đã tiêu tan, nhưng qua tấm lưới đan bằng sợi bạc cực mảnh và lá vàng mỏng rộng đắp mặt tử thi cho thấy nhân thân cao sang của chủ nhân ngôi mộ sinh thời. Những đồ tùy táng từ vàng bạc, ngọc ngà, đá quý cho tới đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, gỗ quý đều được chế tác cực kỳ tinh xảo, thể hiện trình độ thủ công mỹ nghệ đương thời thật siêu việt.

Vương triều Khiết Đan

Người khiết đan ở đâu

Khiết Đan (Qidan) nguyên nghĩa là “Thép gió”, hàm ý cực kỳ rắn chắc, bền vững. Đây là một dân tộc thượng võ, dũng mãnh. Từ hơn 1.400 năm trước, Khiết Đan là dân tộc miền Bắc Trung Quốc đã xuất hiện trong Ngụy thư. Họ binh hùng tướng mạnh, kiêu dũng thiện chiến. Một thủ lĩnh bộ lạc tên là Yelii Abaoji (Gia Luật A Bao Cơ) thống nhất các bộ lạc Khiết Đan. Năm 916, ông dựng nên nước Khiết Đan, tới năm 947 đổi quốc hiệu là Đại Liêu.

Trong thời kỳ cường thịnh nhất, vương triều Đại Liêu từng chiếm một nửa giang sơn Trung Quốc. Cương vực của họ rộng mênh mông: Bắc tới tận hồ Baikal, ngoài Đại Hưng An; Đông sát Sakhalin; Tây vượt dãy Altai; Nam tới Hà Bắc và phía Bắc tỉnh Sơn Tây ngày nay. Có thể nói họ là bá vương một cõi.

Vương triều Khiết Đan quốc hiệu Đại Liêu hùng cứ tại miền Bắc Trung Quốc kéo dài hơn 200 năm, với triều Bắc Tống hình thành cục diện đối địch. Trong thời kỳ này, con đường tơ lụa thông thương từ Trung Quốc sang phương Tây bị cắt đứt, dẫn tới các quốc gia vùng lục địa Á Âu tưởng nhầm là toàn bộ đất nước Trung Quốc đều đã nằm dưới sự thống trị của tộc người Khiết Đan. Thế là Khiết Đan bỗng trở thành từ đại diện cho Trung Quốc.

Marco Polo lần đầu tiên viết trong cuốn du ký của mình giới thiệu phương Đông với thế giới phương Tây, đã lấy Khiết Đan đặt tên cho Trung Quốc. Tới tận ngày nay, các nước nói tiếng Slave vẫn gọi Trung Quốc là Khiết Đan (Kitan hay Kitai).

Dân tộc Khiết Đan tạo nên một vương quốc quân sự hùng mạnh và một nền văn hóa rực rỡ. Chùa Liêu và tháp Liêu thể hiện trình độ văn minh của họ. Tới nay, các chùa và tháp cổ được bảo tồn tại phía bờ Bắc sông Hoàng Hà. Các công trình đều nguy nga hùng vĩ, qua ngàn năm vẫn trơ gan trước băng tuyết gió mưa.

Tháp Thích Ca tại huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây là kiến trúc kiểu tháp kết cấu gỗ xưa nhất, cao nhất trên toàn thế giới, từng trải qua mấy trận động đất mà vẫn không bị hư hỏng. Một dân tộc sáng tạo nên nền văn minh rực rỡ như vậy thì nhất định phải có một cơ sở kinh tế và một sức mạnh kỹ thuật hùng hậu.

Cũng có thể thấy rõ vương triều Khiết Đan tiếp thu mọi điều hay dở. Ngoài việc thu nhận một số lượng rất đông nhân tài Hán tộc Trung Nguyên ra, họ còn thông qua buôn bán với triều Tống mà thu nhận, học hỏi nhiều kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Khiết Đan rõ ràng là đã khai sáng một thời đại phồn hoa tại miền Bắc Trung Quốc.

Đại Liêu diệt vong

 

Người khiết đan ở đâu

Diễn viên trong vai Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế Khiết Đan

Theo ghi chép thì Đại Liêu đối đầu với Bắc Tống hơn 160 năm. Cuối cùng, nước tiêu diệt Đại Liêu lại là tộc người Nữ Chân (Niizhen) từng phụ thuộc tộc người Khiết Đan.

Thủ lĩnh của tộc người Nữ Chân là Wanyan Aguda (Hoàn Nhan A Cốt Đả) dẫn đại quân công thành cướp đất Đại Liêu. Khi đất chiếm đã đủ rộng, dân đinh đã tương đối nhiều, A Cốt Đả liền dựng nên nhà Kim năm 1115. Mười năm sau, nhà Kim thay thế vương triều Khiết Đan.

Một bộ phận người Khiết Đan may mắn sống sót tập hợp các thành viên hoàng gia di tản về phía Tây, dựng nên triều Tây Liêu tại vùng Tân Cương. Họ lập nước Ha Lạt Khiết Đan (Hala Qidan). Đế quốc này một thời cường thịnh nhưng cuối cùng lại bị đại quân của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) tiêu diệt. Về sau, thế lực tàn dư Khiết Đan dạt tới miền Nam Iran ngày nay và dựng nên vương triều Qierman. Không lâu sau, vương triều này cũng tàn lụi.

Trong lãnh thổ Trung Quốc, từ khi có vương triều Khiết Đan (916) đến khi có vương triều Nguyên (1271), chỉ hơn 300 năm đã liên tiếp xuất hiện các triều Đại Liêu, Bắc Tống, Tây Hạ, Kim, Nam Tống và Nguyên… Đây là một thời kỳ hết sức đặc biệt bởi kẻ thống trị giành được thiên hạ lần lượt thuộc về các dân tộc khác nhau.

Vì vậy, sự hưng suy của vương triều cũng dẫn tới địa vị của cả dân tộc. Nền văn hóa tương quan cũng xảy ra sự chuyển đổi. Triều Kim của người Nữ Chân sau khi dành được thiên hạ của người Khiết Đan từng hạ lệnh thanh trừng triệt để đám người Khiết Đan phản kháng. Sử sách cho thấy có một đợt tàn sát hàng loạt kéo dài tới hơn một tháng ròng. Rất có thể là nền văn hóa Khiết Đan cũng bị loại bỏ trong thời kỳ này.

Triều Kim khi mới tạo dựng vẫn chưa có chữ viết riêng của dân tộc mình, phải mượn chữ Hán để cải thành chữ Kim. Hoàng đế Kim chính thức hạ chiếu loại bỏ hẳn chữ Khiết Đan và có thể vì lẽ đó mà chữ viết Khiết Đan bị thất truyền.

Hậu duệ của người Khiết Đan

Khiết Đan là một dân tộc lớn nhưng lại không có tên trong số 56 dân tộc Trung Quốc ngày nay. Khi người ta chăm chú lần tìm chứng cứ về tộc người Khiết Đan, thì tộc người Dawr cư trú tại vùng tiếp giáp giữa Đại Hưng An, Nộn Giang và đồng cỏ Hulunbeier đặc biệt thu hút sự chú ý của mọi người.

Truyền thuyết vùng này kể rằng hồi gần ngàn năm về trước, một đơn vị quân đội Khiết Đan được điều động tới đây xây thành đắp lũy phòng ngự biên ải. Họ định cư luôn tại đây. Người chỉ huy cao nhất dẫn đầu toán quân biên phòng này tên là Sagil Dihan, chính là tổ tiên của tộc người Dawr, một cộng đồng người dân tộc thiểu số Dawr của Trung Quốc hiện nay.

So sánh phương thức sản xuất, sinh hoạt, tập tục, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử giữa tộc người Khiết Đan và Dawr, các học giả đã tìm thấy một lượng lớn chứng cứ cho thấy Dawr là dân tộc kế thừa nhiều nhất truyền thống của người Khiết Đan. Nhưng đây chỉ mới là những chứng cứ gián tiếp, mang tính tham khảo chứ chưa thể khẳng định.

Các nhà khoa học quyết định nghiên cứu kỹ thuật ADN để vén sự bí ẩn. Họ lấy và đối chiếu ADN xương ống tay được cho là thuộc tử thi của một người đàn bà Khiết Đan thu được tại vùng Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên; răng và xương hộp sọ của người Khiết Đan xưa phát hiện được khi khai quật một ngôi mộ cổ tại Xích Phong thuộc khu tự trị Nội Mông và mẫu máu của người Dawr. Cuối cùng, họ rút ra được kết luận: Tộc người Dawr có quan hệ di truyền gần nhất với tộc người Khiết Đan. Họ là hậu duệ của người Khiết Đan.

Các nhà sử học cuối cùng đã tìm ra được điều cần tìm về tộc người Khiết Đan. Người Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn thiết lập nên đế quốc Mông Cổ vắt ngang qua đại lục Âu Á, chinh phạt khắp nơi, hao người nên liên tiếp bắt lính để bù vào. Thanh niên trai tráng thiện chiến Khiết Đan buộc phải ra trận, phân tán khắp nơi, có vùng duy trì được cộng đồng người tương đối đông, ví như cộng đồng tộc người Dawr. Cũng có nhóm người nhanh chóng bị dân cư địa phương đồng hóa, tức là những hậu duệ người Khiết Đan mai danh ẩn tích.

(Theo Khoa học đại quan viên – Trung Quốc)

BÙI HỮU CƯỜNG
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2010)

Khiết Đan là âm Hán-Việt tên gọi của một dân tộc du mục Khitan (Khitai hay Kidan), từng tồn tại ở Trung Á và Bắc Á. Dân tộc này từng phát triển thành tổ chức quốc gia Liêu quốc, tồn tại và kiểm soát phía bắc Trung Quốc giai đoạn 907-1125. Sau khi bị người Nữ Chân đánh bại, họ chuyển sang phía tây và giữ được tổ chức nhà nước, được sử Trung Quốc gọi là Tây Liêu, các tài liệu phương Tây gọi là Hãn quốc Kara Khitai. Vương quốc này tồn tại từ 1125 cho đến khi bị đế quốc Mông Cổ tiêu diệt vào năm 1218.

Các tài liệu sử của Trung Quốc cho rằng nguồn gốc của dân tộc Khiết Đan bắt nguồn từ một nhánh du mục Đông Hồ hoặc Hung Nô. Sách Ngụy thư lần đầu tiên ghi nhận, vào thời Bắc Ngụy, người Khiết Đan là một dân tộc thượng võ, dũng mãnh, phát triển mạnh lên và di chuyển địa bàn sinh sống này dọc theo vùng thượng lưu sông Liêu.

Tuy nhiên, có rất nhiều giả thuyết về từ gốc tên gọi Khiết Đan. Chủ yếu có 3 giả thuyết cơ bản. Thuyết của Feng Jiasheng cho rằng nguyên tên Khitan là biến âm của tên một tộc du mục khác là tộc Yuwen. Zhao Zhenji thì cho rằng từ nguyên Khitan có nguồn gốc từ tiếng Xianbei (Tiên Ti) với ý nghĩa là “vùng đất của người Tiên Ti”. Học giả người Nhật Otagi Matuo coi tên gốc Khiết Đan là “Xidan “, có nghĩa là “những người tương tự như người Hề” hay “những người sống ở đất Hề” .

Từ Китай trong tiếng Nga, Cathay trong tiếng Anh, Catai trong tiếng Bồ Đào Nha, Catay trong tiếng Tây Ban Nha đều có nghĩa “Trung Quốc” và đều bắt nguồn từ tên gọi của dân tộc này.

Năm 907, một thủ lĩnh của bộ lạc Điệt Thích tên là Gia Luật A Bảo Cơ (Yelii Abaoji) được bầu là thủ lĩnh của liên minh 8 bộ lạc. Sau khi nắm quyền thủ lĩnh tối cao, A Bảo Cơ đã dùng vũ lực để thống nhất 8 bộ lạc Khiết Đan, đồng thời xâm chiếm đất Đột Quyết, tiêu diệt tộc Hề, thu phục các bộ lạc nhỏ xung quanh. Năm 916, A Bảo Cơ tự xưng đế kiến quốc, xây dựng một quốc gia chủ nô – nô lệ. Quốc gia Khiết Đan được thành lập, ban đầu có quốc hiệu là Khiết Đan (916-947), sau đấy đổi quốc hiệu là Đại Liêu (947-983), rồi trở lại thành Khiết Đan (983-1066), cuối cùng lại trở lại là Liêu 1066 cho đến khi diệt vong.

Quốc gia Khiết Đan non trẻ nhanh chóng cường thịnh, nhiều lần xâm nhập Trung Nguyên, thậm chí từng đem quân tiêu diệt Hậu Đường (936), Hậu Tấn (947), tấn công Hậu Hán (950), Hậu Chu (951). Trong thời kỳ cường thịnh nhất, dân tộc này từng là chủ nhân của một đế quốc rộng lớn bao trùm cao nguyên Mông Cổ và phía Bắc Trung Quốc, phía Bắc tới tận hồ Baikal, phía Đông sát Sakhalin, phía Tây vượt dãy Altai, phía Nam tới Hà Bắc, tỉnh Sơn Tây ngày nay.

Do quản lý một quốc gia rộng lớn với nhiều sắc tộc khác nhau, người Khiết Đan đã hình thành một chính sách nổi tiếng về sau: “Một quốc gia, hai chế độ”. Chính sách này được tóm tắt bằng câu “Dĩ Quốc chế trị Khiết Đan, dĩ Hán chế đãi Hán nhân”. Quản lý người Khiết Đan thì dựa theo chế độ quý tộc bộ lạc Khiết Đan, quản lý người Hán thì dựa theo thể chế nhà Đường. Chính sách này đã đem lại hiệu quả to lớn, đặc biệt vào đầu thế kỷ 11, quốc gia Khiết Đan đã chuyển đổi hoàn toàn từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Quân đội Khiết Đan hùng mạnh, liên tục uy hiếp Bắc Tống và Tây Hạ, buộc 2 quốc gia này phải thần phục.

Đầu thế kỷ thứ 12, nước Liêu bước vào giai đoạn suy tàn. Năm 1114, một thủ lĩnh của tộc người Nữ Chân là Hoàn Nhan A Cốt Đả (Wanyan Aguda), liên kết với Bắc Tống, mang đại quân cướp đất Đại Liêu, một năm sau dựng nên nhà Kim. Nhà Kim đã hạ lệnh giết sạch những người Khiết Đan phản kháng, trong đó có một cuộc chém giết kéo dài hơn 1 tháng. Đến năm 1125 thì hầu hết lãnh thổ Khiết Đan đã bị người Nữ Chân chinh phục. Một bộ phận dân tộc Khiết Đan ở lại lãnh thổ của họ, hòa huyết với người Nữ Chân. Một bộ phận người Khiết Đan khác theo hoàng thân Gia Luật Đại Thạch di tản về phía Tây, dựng nên nước Ha Lạt Khiết Đan tức triều Tây Liêu ở giữa Trung Á và Tân Cương. Nước này cũng có một thời cường thịnh nhưng cuối cùng bị đại quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn tiêu diệt. Những tàn dân Khiết Đan lại chạy về miền Nam của Iran ngày nay lập nên vương triều Khởi Nhi Man (Qierman). Không lâu sau, vương triều này cũng tàn lụi. Dưới sự cai trị của Mông Cổ, các cuộc chinh chiến liên miên khiến cho tộc người thiện chiến Khiết Đan phần lớn bỏ thây nơi chiến địa, số còn lại phân tán khắp nơi và nhanh chóng bị dân cư địa phương đồng hóa.

Khiết Đan từng là một dân tộc lớn nhưng lại không có tên trong số 56 dân tộc Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên bằng phương pháp so sánh phương thức sản xuất, sinh hoạt, tập tục, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử và dùng kỹ thuật ADN các học giả đã chứng minh tộc người Đạt Oát Nhĩ (Dawr) cư trú tại vùng tiếp giáp giữa Đại Hưng An, Nộn Giang và thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ (Hulunbeier) chính là hậu duệ của dân tộc Khiết Đan.

Dân tộc Khiết Đan từng sáng tạo ra chữ viết của riêng mình. Khi triều Kim vừa kiến lập, do tộc Nữ Chân không có văn tự riêng nên phải dùng chữ Hán và chữ Khiết Đan. Sau khi văn tự Nữ Chân được tạo ra thì hoàng đế triều Kim hạ lệnh phế bỏ chữ Khiết Đan, chính vì thế mà văn tự Khiết Đan thất truyền.

Dân tộc Khiết Đan từng xây dựng được một nền văn hóa rực rỡ. Thể hiện rõ nét nhất nền văn hóa này là những chùa Liêu và tháp Liêu. Hiện ở khu vực phía bắc Hoàng Hà còn chùa Cổ Phật và Phật tháp nguy nga hùng vĩ của dân tộc Khiết Đan. Trải qua ngàn năm mưa gió nó vẫn uy nghi, vững chãi như mới. Đặc biệt, tháp Thích Ca ở huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây hiện nay là kiến trúc tháp bằng gỗ cổ nhất và cao nhất thế giới. Dù đã trải qua nhiều trận động đất mạnh mà vẫn không bị hư hỏng.

Ngôn ngữ Khiết Đan (còn gọi là Liêu, Kitan ) ngày nay gần như tuyệt chủng giống như sự tồn tại của những người Khiết Đan. (wikipedia.org)