Nghiên cứu đánh giá chính sách pháp luật năm 2024

Báo cáo Nghiên cứu: Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP - Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách

Nghiên cứu đánh giá chính sách pháp luật năm 2024

31/12/2021

Là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Do đó, khác với nhiều FTA trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này.

Trên thực tế, có thể nói CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi cam kết ở phạm vi rộng như vậy. Một phần đáng kể trong số này đã được triển khai trong giai đoạn 2019-2020, với các văn bản được ban hành mới, sửa đổi/bổ sung trong nhiều lĩnh vực, ở các cấp độ pháp lý khác nhau.

Việc tổng kết quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã triển khai, đánh giá các thành công và bất cập, nhận diện những nguyên nhân liên quan có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, đây là cơ sở để Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trực tiếp cho giai đoạn thực thi CPTPP tiếp theo. Mặt khác, những hàm ý chính sách từ đây có thể là gợi ý hữu dụng cho các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trong thời gian tới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).

Với mục tiêu đưa ra bức tranh toàn cảnh về hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP trong giai đoạn 2019-2021, qua đó tổng kết các kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại và các hàm ý chính sách từ đây cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác này cho cả CPTPP và các FTA thế hệ mới khác trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho việc tổ chức nghiên cứu và xây dựng Báo cáo này./

Đánh giá tác động về giới của chính sách đóng vai trò quan trọng trong xây dựng pháp luật nói chung và xây dựng luật nói riêng. Hoạt động này góp phần tạo ra những chính sách chất lượng, bảo đảm cơ hội cùng phát triển cho các giới từ đó thúc đẩy tiến tới bình đẳng giới thực chất. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện đánh giá tác động về giới của chính sách và xác định được điều này sẽ giúp chúng ta đề xuất được những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cho hoạt động này.

Từ khóa: giới, đánh giá tác động về giới, chính sách, xây dựng luật.

1. Đặt vấn đề

Bình đẳng giới là mục tiêu cho sự phát triển bền vững của xã hội, là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia. Để có thể đạt được bình đẳng giới thực chất, một trong những biện pháp chiến lược được các quốc gia áp dụng đó là lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó,một nội dung rất quan trọng của lồng ghép giới đó là cần đánh giá tác động về giới của chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật

“Tác động về giới (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo các tác động kinh tế, xã hội liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới.”

Tác động về giới về bản chất là những tác động kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính đến vấn đề bình đẳng giữa các giới trên các phương diện: (i) Cơ hội (pháp lý và thực tế) tiếp cận chính sách; (ii) Điều kiện và năng lực tuân thủ chính sách của mỗi giới và (iii) những ảnh hưởng tới việc thụ hưởng quyền, lợi ích chính đáng của các giới từ việc thực hiện chính sách. Nói cách khác, trong kết quả đánh giá từng khía cạnh tác động chính sách cần có sự lồng ghép vấn đề bình đẳng giới nhằm khắc phục những hạn chế bất bình đẳng và phân biệt đối xử về giới tính. Theo Khoản 7, Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006: Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới bằng cách xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới của văn bản, trách nhiệm, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Theo đó, có 02 khả năng xảy ra khi đánh giá tác động về giới:

Thứ nhất, với những chính sách trực tiếp về giới và bình đẳng giới, sau khi phát hiện vấn đề bất bình đẳng giới đang tồn tại trong thực tế thì mục tiêu của chính sách đang được đề xuất là giải quyết vấn đề giới và có các giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề giới. Sau đó tiến hành độc lập đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật của các giải pháp đó.

Thứ hai, với những chính sách pháp luật không trực tiếp điều chỉnh vấn đề giới thì khi đánh giá các tác động về kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật vẫn phải xem xét tới những khía cạnh về giới như đã trình bày ở trên, xác định xem có tác động khác biệt nào đối với mỗi giới hay làm phát sinh vấn đề mới về giới hay không, cần có những biện pháp khắc phục nào đối với những hệ quả do tác động khác biệt của mỗi giải pháp lên cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích chính đáng của các giới khi tuân thủ chính sách mới.

Luật là văn bản quy phạm pháp luật điển hình, có hiệu lực pháp lý cao trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta. Luật (bao gồm cả bộ luật và luật) là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi Quốc hội, có nội dung quy định về các chính sách cơ bản nhất, điều chỉnh mọi lĩnh vực của xã hội. Việt Nam có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồ sộ và trong đó luật chiếm vai trò quan trọng, là tiền đề để các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý thấp hơn ra đời.

Xây dựng luật mang bản chất của hoạt động xây dựng pháp luật. Một cách khái quát nhất, xây dựng pháp luật là hoạt động ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của pháp luật (tức là các quy phạm pháp luật) cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội, đó là hoạt động “đưa ý chí của Nhà nước, ý chí của nhân dân lên thành pháp luật”. “Xây dựng pháp luật ở Việt Nam là một quá trình hoạt động vô cùng quan trọng, phức hợp, bao gồm rất nhiều các hoạt động kế tiếp nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành, nhằm chuyển hóa ý chí của Nhà nước, của nhân dân Việt Nam thành những quy định pháp luật dựa trên những nguyên tắc nhất định và được thể hiện dưới những hình thức pháp lý nhất định mà chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật.” Theo đó, bản chất của xây dựng luật là một quá trình hoạt động bao gồm các hoạt động kế tiếp nhau nhằm tạo ra các quy phạm pháp luật.

Luật trải qua một quy trình ban hành gồm các khâu, các bước rất chặt chẽ. Quy trình ban hành luật gồm hai giai đoạn lớn: giai đoạn đề nghị xây dựng luật và giai đoạn soạn thảo luật. Trong quy trình đó, việc xây dựng nội dung chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách được thực hiện ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật; chỉ sau khi chính sách đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì mới bắt đầu giai đoạn soạn thảo luật với nhiệm vụ là “quy phạm hoá” đúng đắn và đầy đủ chính sách cùng các giải pháp thực hiện chính sách đã được phê duyệt.

Lý do khách quan nhất của sự cần thiết phải đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật là do những đặc trưng riêng khác nhau khách quan của mỗi giới nên việc chịu tác động của mỗi giới từ cùng một chính sách pháp luật là rất khác nhau. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nam và nữ không chỉ có những đặc điểm sinh học rất khác nhau mà còn có những trải nghiệm và kinh nghiệm sống khác nhau, vì thế họ có nhu cầu, khả năng, mối quan tâm và ưu tiên cũng như có khả năng đóng góp khác nhau. Chính bởi vậy họ cũng chịu tác động khác nhau từ cùng một chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi chính sách dù không phân biệt cũng sẽ có tác động riêng biệt lên mỗi giới, do những khác biệt về mặt sinh học, do điều kiện kinh tế - xã hội thực tế khác nhau của nữ giới và nam giới trong xã hội. Trong quy trình xây dựng luật, cần dự liệu và đánh giá rất kĩ các quy định pháp luật bởi mỗi giới có sự khác biệt đặc thù, điều này có thể ảnh hưởng tới các điều kiện và cơ hội của mỗi giới. Từ đó góp phần đảm bảo bình đẳng giới thực chất. Từ việc chú trọng đến yếu tố giới trong xây dựng pháp luật sẽ tạo điều kiện cho cả hai giới cùng được tiếp cận bình đẳng những nguồn lực, các cơ hội và lợi ích, phát huy hiệu quả khả năng của mình vào công việc trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật

Thứ nhất, yếu tố chính trị

Đường lối chính trị của một quốc gia nhằm bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng một nền kinh tế phát triển, nền dân chủ thực sự. Ở Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết để bảo đảm nhà nước Việt Nam là nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Một trong các phương thức để Đảng lãnh đạo Nhà nước môt cách hiệu quả chính là việc Đảng đề ra những chủ trương, đường lối và những chủ trương này sẽ được thể chế hoá, được cụ thể hoá bằng pháp luật của Nhà nước. Khi đường lối của Đảng xác định việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thì chắc chắn việc lồng ghép bình đẳng giới nói chung và đánh giá tác động về giới nói riêng trong xây dựng luật cũng sẽ được cụ thể hoá trong quy định pháp luật. Đường lối chính trị đóng vai trò tiên quyết để từ đó vấn đề bảo đảm bình đẳng giới được cụ thể hoá trong các đạo luật.

Thứ hai, yếu tố pháp luật

Pháp luật chứa đựng những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung mà các thành viên trong xã hội đều phải tuân thủ. Những quy định của pháp luật chính là cơ sở pháp lý để hợp thức hóa bảo đảm việc thực hiện đánh giá tác động về giới trong xây dựng luật. Cũng như quyền bình đẳng giới của con người được thể chế hoá, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, việc đánh giá tác động về giới trong xây dựng luật khi được thể chế hoá cũng sẽ góp phần bảo đảm cho quyền bình đẳng giới của con người. Nếu không có những quy định cụ thể về đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật thì vấn đề này sẽ rất dễ bị coi nhẹ, thậm chí bị bỏ qua trong quá trình các chủ thể có thẩm quyền tiến hành xây dựng luật. Khi vấn đề lồng ghép bình đẳng giới nói chung và đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật nói riêng được quy định trong Hiến pháp và pháp luật sẽ là cơ sở vững chắc để bảo đảm hoạt động đánh giá tác động về giới của chính sách được diễn ra trên thực tế. Thông qua các quy định pháp luật, Nhà nước quy định những nội dung rất cụ thể như đánh giá tác động về giới được tiến hành bởi chủ thể nào, vào giai đoạn nào, đánh giá như thế nào và kết quả thể hiện ra sao trong quá trình xây dựng luật là hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Những quy định của pháp luật là công cụ mang tính hướng dẫn, định hướng để các chủ thể biết trách nhiệm và cách thức thực hiện đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật. Theo đó, các quy định của pháp luật càng đầy đủ và chi tiết bao nhiêu, thì hoạt động đánh giá tác động về giới của chính sách sẽ càng được bảo đảm thực hiện và dễ dàng thực hiện bấy nhiêu. Quy định của pháp luật cũng là cơ sở để phát hiện những sai trái, những vi phạm của các chủ thể có liên quan, từ đó đảm bảo việc đánh giá tác động về giới của chính sách được diễn ra thực chất và có hiệu quả.

Thứ ba, yếu tố con người

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật VBQPPL nói chung hay xây dựng luật nói riêng là một quá trình phức tạp, trải qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn và kết quả của hoạt động này sẽ là những quy tắc xử sự điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực của đời sống. Vì thế việc xây dựng một luật có chất lượng, vừa phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng, vừa phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, lại phù hợp với sự vận động phát triển của xã hội luôn là mục tiêu của mọi nhà lập pháp. Để đảm bảo thành công cho hoạt động đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật - yếu tố con người vẫn là yếu tố then chốt.

Một là, nhận thức về tầm quan trọng của việc đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật. Việc tổ chức, cá nhân nắm vững vai trò và trách nhiệm rõ ràng của mình có tác động trực tiếp tới hiệu quả đánh giá tác động về giới của chính sách. Khi các chủ thể nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc đánh giá tác động về giới, thấy được lợi ích và những hiệu quả khi đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới, đương nhiên việc đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật sẽ luôn được chú trọng thực hiện. Ngược lại, khi vấn đề này không được các chủ thể xây dựng luật nhìn nhận đúng đắn về vai trò cần thiết, hoặc vẫn còn xem nhẹ vai trò của đánh giá tác động về giới thì hoạt động này chỉ mang tính hình thức, không đảm bảo được bình đẳng giới thực chất.

Hai là, về trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện đánh giá tác động về giới của chính sách. Thực tế chỉ ra rằng khi các cá nhân, các chủ thể đảm nhiệm bất cứ một khâu nào trong cả quy trình xây dựng luật, có năng lực chuyên môn tốt, và trình độ hiểu biết cơ bản về giới, bình đẳng giới và phương pháp lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng luật thì chắc chắn sẽ cho ra đời những văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo các mục tiêu về bình đẳng giới. Ngược lại, nếu có kiến thức trình độ chuyên môn không tốt, thì việc đánh giá tác động về giới của chính sách sẽ không hiệu quả và tất nhiên sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn là văn bản luật được ban hành không đảm bảo chất lượng và không đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Hiện nay việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động của chính sách nói chung cũng thường chỉ được giao cho 1-2 chuyên viên của đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm thực hiện.

Thứ tư, một số yếu tố khác

Sự phát triển của kinh tế, văn hoá - xã hội có những ảnh hưởng nhất định tới việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng luật, pháp lệnh tại những thời điểm nhất định. Xã hội phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế khởi sắc đời sống nhân dân được nâng cao thì nhận thức của người dân về bình đẳng giới cũng sẽ được cải thiện.

Việc đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật có thực sự đạt hiệu quả cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực cụ thể về vật lực, tài chính. Kinh phí eo hẹp thì không thể đòi hỏi hoạt động đánh giá tác động chính sách được chất lượng cao. Thông tư số 42/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06 tháng 7 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, kinh phí cho việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với luật, pháp lệnh: mức chi 20.000.000 đồng/báo cáo, riêng báo cáo đánh giá tác động về giới của chính sách trong trường hợp xác định chính sách có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới là 5.000.000 đồng/báo cáo. So với thông tư trước đây là 8 triệu đồng cho 1 báo cáo đánh giá tác động chính sách trong xây dựng luật, pháp lệnh rõ ràng đây là tín hiệu khởi sắc. Và điểm rất mới là báo cáo riêng về đánh giá tác động về giới của chính sách được kinh phí riêng, đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan thực hiện đánh giá tác động về giới của chính sách có thể nâng cao chất lượng hoạt động này, bởi lẽ số tiền chi cho hoạt động này quá ít cũng sẽ khó mà đảm bảo chất lượng được. Trong thời gian tới hi vọng chất lượng các báo cáo đánh giá tác động chính sách nói chung và giới nói riêng sẽ có nhiều sự thay đổi tích cực về chất lượng.

Vấn đề hội nhập quốc tế với sự tham gia những điều ước quốc tế cũng là một yếu tố chi phối và ảnh hưởng đến pháp luật trong nước. Sự tác động của các cam kết quốc tế và tiếng nói kêu gọi bình đẳng giới trên thế giới cũng sẽ tác động không nhỏ đến chính sách pháp luật trong nước. Bên cạnh đó, sự cam kết có trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo trong hoạt động lồng ghép bình đẳng giới; hay việc chú trọng vị trí và sử dụng đúng nguồn lực thích hợp của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đồng thời một môi trường thuận lợi, không khí thi đua và các hình thức khuyến khích các cá nhân, tập thể làm việc trên tinh thần trách nhiệm giới.

4. Một số đề xuất nâng cao chất lượng đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng Luật ở Việt Nam hiện nay

Thực tế cho thấy dù đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy bình đẳng giới nhưng bất bình đẳng giới vẫn đang còn tồn tại và là cản trở lớn cho sự phát triển. Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn xảy ra trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Bất bình đẳng giới được xem là nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo, và bất công xã hội và cũng là yếu tố cản trở quá trình phát triển và tiến bộ của loài người. Tình trạng bất bình đẳng giới cản trở nam và nữ thực thi hiệu quả các quyền của họ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vậy nâng cao chất lượng lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng luật nói chung và đánh giá tác động chính sách trong xây dựng luật nói riêng là biện pháp trước tiên để bảo vệ các quyền con người của nam và nữ cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Về quy định pháp luật:

Thứ nhất, sửa đổi Khoản 2 Điều 35 của Luật Ban hành VBQPPL 2015 theo hướng bỏ từ “nếu có” trong quy định về đánh giá tác động về giới. Theo quan điểm cá nhân của tác giả, từ “nếu có” trong quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Ban hành VBQPPL 2015 là không cần thiết. Từ này gây ra những nhầm lẫn không đáng có khi nhận định về lồng ghép bình đẳng giới và làm giảm vai trò quan trọng của vấn đề giới. Tuỳ theo trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ có kết luận có hay không vấn đề giới đối với một chính sách, nhưng yêu cầu đánh giá tác động về giới vẫn cần là quy định bắt buộc thực hiện. Cơ quan chủ trì lập đề nghị phải tiến hành nghiên cứu mới có thể xác định được vấn đề giới là có hay không.

Thứ hai, cần quy định rõ vị trí, vai trò của các tổ chức, nhà khoa học, các chuyên gia và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong quá trình đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật. Nên bổ sung quy định cụ thể lấy ý kiến phản biện xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đối với các chính sách bình đẳng giới trong dự thảo VBQPPL. Cụ thể như: “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến phản biện xã hội của của cá nhân nam và nữ liên quan đến dự thảo VBQPPL có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tác động dự kiến đối với những cá nhân đó”, và “Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể mời Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia khảo sát thực tế nhằm thu thập ý kiến phản biện của cá nhân nam hoặc nữ đối với dự thảo nghị định luật, pháp lệnh…” nhằm phù hợp với Điều 30 Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định.

Về tổ chức thực hiện:

Thứ nhất, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn về lồng ghép bình đẳng giới và đánh giá tác động về giới nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Thứ hai, tăng cường thực hiện hoạt động lấy ý kiến, phản biện xã hội nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường tiếng nói phản biện đối với vấn đề đánh giá tác động về giới của chính sách trong xây dựng luật.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng luật, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Những kinh nghiệm lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật của nước ngoài có thể giúp cơ quan có thẩm quyền rút ra những bài học cần thiết cho việc lồng ghép bình đẳng giới và đánh giá tác động về giới của chính sách.

Giải pháp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Để có thể nâng cao chất lượng lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng luật nói chung và đánh giá tác động về giới của chính sách nói riêng cần phải nâng cao chính nhận thức, ý thức của mọi người về bình đẳng giới. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ngự trị dai dẳng trong xã hội vẫn tiếp tục là hệ quả xấu đối với nam giới trong đối xử với nữ giới, là rào cản trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới có thể được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau mà quan trọng nhất là kết hợp tuyên truyền và giáo dục.

Có thể thấy, để đạt được bình đẳng giới thực chất, lồng ghép bình đẳng giới phải được thực hiện xuyên suốt trong quy trình xây dựng luật, đặc biệt chú trọng đến hoạt động đánh giá tác động về giới trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật. Cần có sự đổi mới thực chất ngay từ trong nhận thức, trong tư duy của những người làm công tác xây dựng luật để có thể nâng cao được chất lượng của hoạt động đánh giá tác động về giới của chính sách, từ đó nâng cao chất lượng các văn bản luật./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nguyễn Minh Đoan (2011), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 8.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Minh Đoan (2011), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Bộ Tư Pháp, TS. Dương Thị Thanh Mai chủ biên (2017), Tài liệu Bộ công cụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, phát triển năm 2017), Hà Nội.
  3. Đoàn Thị Tố Uyên (2018) “Nội dung đánh giá tác động của chính sách trong quy trình lập pháp”, Tạp chí Luật học số 7 năm 2018, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  4. Lê Tuấn Độ (2018)“Đánh giá tác động chính sách trong hoạt động xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Minh Hường (2018) “Đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính”, luận văn thạc sĩ Luật học, TS Đoàn Thị Tố Uyên hướng dẫn, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2018. 7. Ngô Thị Hường, Nguyễn Phương Lan (đồng chủ biên) (2013), Tập bài giảng luật bình đẳng giới, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
    Some issues about the policy’s gender impact assessment

Master. Le Thi Hong Hanh

Hanoi Law University

Abstract:

Assessing the gender impact of policies plays an important role in law-making in general and in rulemaking in particular. This activity would improve the quality of policies, and ensure opportunities for the co-development of genders, thereby promoting substantive gender equality. There are many factors impacting the implementation of a policy’s gender impact assessment. This study identifies these factors and proposes appropriate solutions to improve the quality of policies’ gender impact assessments.

Keywords: gender, gender impact assessment, policy, law-making.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]