Navigos search bảng đánh giá lao động

Cân bằng công việc và cuộc sống, sếp quản lý trực tiếp là hai trong năm yếu tố tác động nhiều đến quyết định thôi việc của lao động, theo khảo sát của Navigos.

Báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search khảo sát trong quý III/2023 từ 550 doanh nghiệp cùng hơn 4.000 ứng viên làm việc ở nhiều ngành nghề tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM.

Trong quý III, làn sóng mất việc, giảm giờ làm có xu hướng giảm nhiệt song vẫn chịu tác động tiêu cực do tổng cầu thế giới sụt giảm. Hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chịu ảnh hưởng và biện pháp ứng phó được lựa chọn nhiều nhất là cắt giảm nhân sự, tiếp đến là ngưng tuyển dụng mới, tăng cường đào tạo chuyên môn lẫn kỹ năng mềm, điều chuyển nhân sự và cắt giảm giờ làm.

44,4% người lao động được khảo sát cho biết mức lương đã tăng; 44% trả lời lương không đổi, 11,5% bị giảm sút. Phần lớn vẫn nhận được đầy đủ phúc lợi theo quy định và 10% bị giảm sút khoản này. Kinh tế khó khăn trong khi vật giá leo thang, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp trả lương đúng hạn, tăng lương cao hơn mức lạm phát và đảm bảo việc làm.

Navigos search bảng đánh giá lao động

Để ứng phó làn sóng này, gần 62% lao động tự nâng cao kỹ năng mềm nhằm tăng tính cạnh tranh của bản thân; 54% chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm ngay cả khi chưa có nhu cầu; 51% chọn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Ngoài ra, nhóm giải pháp mà lao động ưu tiên còn có xây dựng kỹ năng mềm, mối quan hệ và chú ý hơn tới sức khỏe tinh thần. Trong một năm tới, hầu hết người lao động không có ý định chuyển việc sang nhóm ngành khác do thị trường còn biến động khó lường.

Năm yếu tố tác động mạnh mẽ tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại của người lao động nếu không được đáp ứng là lương, văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến, cân bằng công việc và cuộc sống, sếp quản lý trực tiếp. Trong số này, lương dẫn đầu với 70%; văn hóa công ty gần 36%; cơ hội thăng tiến trong công việc 35,5%; cân bằng công việc và cuộc sống 35,4% và sếp quản lý trực tiếp chiếm 35%.

"Kết quả cho thấy người lao động ngày càng đề cao những giá trị liên quan sức khỏe tinh thần. Chính điều này tạo động lực cho họ từ bỏ công việc hiện tại và tìm kiếm cơ hội phù hợp hơn", báo cáo nhận định.

Năm 2024, sức khỏe tinh thần sẽ càng được người lao động chú trọng dù có thể vẫn phải ngụp lặn trong làn sóng cắt giảm việc làm. Cụ thể, 49% ứng viên được khảo sát kỳ vọng làm việc linh hoạt - xu hướng ứng dụng nhiều hơn ở Việt Nam và thế giới sau đại dịch; 44% ưu tiên sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Giá trị cộng đồng mà công việc đem lại hay ứng dụng công nghệ là những yếu tố ít tác động nhất tới ứng viên. Nếu phải tìm việc mới, người lao động quan tâm nhất vẫn là lương, tiếp theo là văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến, cơ chế thưởng.

Navigos search bảng đánh giá lao động

Hậu đại dịch cùng áp lực công việc khiến người lao động ngày càng quan tâm sức khỏe tinh thần. Ảnh: Hồng Chiêu

Năm 2024, để ứng phó làn sóng cắt giảm nhân sự có thể tiếp diễn và tăng tính cạnh tranh cho bản thân, lao động sẽ tập trung phát triển ngoại ngữ và tư duy phân tích (55%), tư duy sáng tạo (48%); kỹ năng giải quyết vấn đề (42%) và 39,5% chọn giao tiếp hiệu quả. Những yếu tố này sẽ giúp người lao động thích ứng tốt hơn với biến động hay thách thức có thể xảy đến, theo Navigos Search.

Kết quả khảo sát cũng khá tương đồng những yếu tố mà doanh nghiệp ưu tiên khi tuyển dụng lao động, gồm ngoại ngữ, giao tiếp hiệu quả và giải quyết vấn đề.

Đơn vị này nhìn nhận thị trường lao động đang hồi phục, nhưng chưa thực sự bền vững. Doanh nghiệp vì thế cần nắm bắt tâm lý lao động, xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả; xây dựng cơ chế lương, thưởng minh bạch, hấp dẫn, chú trọng lương như yếu tố hàng đầu thu hút ứng viên khi tuyển dụng. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa nơi làm việc phù hợp giá trị cốt lõi đang hướng đến.

Để giữ chân người tài, doanh nghiệp ngoài chính sách lương thưởng cần có lộ trình thăng tiến rõ ràng cho mỗi nhân viên, nhìn nhận và đánh giá năng lực của họ thường xuyên dựa vào hiệu suất công việc. Đồng thời, cần chú trọng nhiều hơn đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động, áp dụng chính sách linh động về giờ làm, làm việc từ xa nếu phù hợp công việc, tổ chức các hoạt động gắn kết bộ phận nhân viên và quản lý.

Báo cáo được Navigos khảo sát 4.000 người lao động và 555 doanh nghiệp ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam cũng như trải đều các lĩnh vực ngành nghề.

Trong 311 doanh nghiệp có phương án cắt giảm, cắt giảm lao động mạnh tay là các doanh nghiệp chứng khoán khi 100% doanh nghiệp ngành này cắt giảm 25 - 50% nhân sự.

Cũng vậy, không ít doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản, dịch vụ tư vấn cắt giảm từ 50 - 75% nhân sự. Trong đó, 5% số công ty ngành dịch vụ tư vấn cắt giảm trên 75% nhân sự.

Tuy nhiên, có đến 59% trong số 555 doanh nghiệp trả lời sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% nhân sự trong một năm tới. 15% có nhu cầu tuyển dụng 25 - 50% nhân sự và 18% không có nhu cầu tuyển dụng.

Rất ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự số lượng lớn trong vòng một năm tới. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng từ 50 - 75% nhân sự và tuyển dụng thêm trên 75% nhân sự (chỉ chiếm hơn 1% số đơn vị được khảo sát).

Báo cáo cũng chỉ ra các phòng ban mà doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng thời gian tới có kinh doanh, bán hàng (62%); sản xuất (26%) và truyền thông, tiếp thị (20%).

Ngoài ra, các phòng ban dịch vụ khách hàng, nghiên cứu và phát triển, công nghệ thông tin cũng được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Phòng ban kỹ thuật, hành chính tổng hợp hạn chế tuyển dụng thêm.

Người lao động có kinh nghiệm làm việc, đáp ứng khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hơn.

Lần lượt tiếp theo là yếu tố có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm làm việc, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, khả năng ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi.

Khảo sát 4.000 người đi làm trong năm 2023, phần lớn không bị mất việc và vẫn làm ổn định với gần 70%. Nhưng vẫn còn một bộ phận có nguy cơ bị mất việc (11,2%).

Gần 20% của 4.000 người nói trên đã mất việc, chỉ 6,5% tìm được việc làm, hơn 11% vẫn chưa tìm được công việc mới. Nhóm lao động ngành xây dựng bị mất việc nặng nhất.

Navigos search bảng đánh giá lao động

Công nhân tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động, việc làm tại ngày hội việc làm tổ chức ngay trong khu chế xuất tại TP.HCM - Ảnh: Q.LINH

Làn sóng sa thải toàn cầu lan rộng nhiều lĩnh vực

Theo Navigos Search, làn sóng sa thải toàn cầu lan rộng sang nhiều lĩnh vực. Đánh giá toàn diện về các đợt sa thải của Bloomberg News (2023) cho thấy doanh nghiệp đã sa thải gần nửa triệu nhân viên trên khắp thế giới.

Các lĩnh vực phải sa thải lao động cũng đa dạng: công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, công nghiệp, truyền thông, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, năng lượng, nguyên vật liệu, điện nước...

Trong đó, ngành công nghệ sa thải nhiều nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân sự bị cắt giảm. An ninh và ổn định việc làm trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người lao động.

Việc tuyển dụng tại các doanh nghiệp cũng tiếp tục chậm lại. Thay vào đó, sự luân chuyển nội bộ có xu hướng tăng lên ở một số ngành công nghiệp thông qua thăng chức hoặc điều chuyển nội bộ.

Singapore, Canada và Ấn Độ là ba quốc gia ghi nhận sự sụt giảm trong tuyển dụng cao nhất, lên đến hơn 40%.