Mẹ bầu nên ăn dứa từ tuần bao nhiêu năm 2024

Dứa có thể mang đến lợi ích cho thai kỳ nhờ khả năng chống viêm và bổ sung các loại vitamin B6, vitamin C.

Dinh dưỡng trong thai kỳ là vấn đề rất được các mẹ quan tâm, bởi có nhiều món ăn được lưu truyền là có thể gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi. Vì lý do này, nhiều thai phụ thường ngại ăn uống và kiêng khem quá đà với mong muốn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Một trong số những món ăn được nhiều thai phụ e dè là dứa. Theo dân gian, việc ăn dứa trong thai kỳ có thể gây nguy cơ gây sẩy thai, do dứa có chứa chất bromelain làm mềm và gây co thắt tử cung. Tuy nhiên, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), dứa không thuộc trái cây bị cấm dùng trong thai kỳ. Thay vào đó, loại trái cây này còn chứa nhiều chất xơ, các vitamin quan trọng. Do đó, chúng có thể là một loại thực phẩm lý tưởng để ăn trong thời kỳ mang thai và những lo lắng về việc ăn dứa khi mang thai là hoàn toàn không có cơ sở.

GS-TS Shaista Waheed, bác sĩ phụ khoa tại Pakistan, cho biết các thai phụ có thể an toàn khi ăn dứa trong cả 3 tam cá nguyệt của thai kỳ. Loại trái cây này là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe và an toàn khi mang thai. Thực tế, dứa vẫn có chứa một loại enzyme làm tăng nguy cơ sẩy thai nếu dùng một lượng rất lớn. Thế nhưng, loại enzyme này tồn tại với một lượng rất nhỏ nếu chúng ta dùng bình thường hàng ngày. Do đó, các thai phụ ăn ít nhất 7 quả dứa tươi với kích cỡ lớn mới có thể gây ảnh hưởng đến thai kỳ.

Theo các chuyên gia y tế, ăn dứa với số lượng hạn chế có thể mang đến nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai, bao gồm:

Chống viêm

Mặc dù một lượng lớn bromelain có thể kích thích sẩy thai, nhưng một lượng nhỏ enzyme tiêu hóa này có trong dứa thực sự có lợi, bao gồm cả đặc tính chống viêm. Điều này hữu ích cho sức khỏe tổng thể của con người, nhất là trong thời kỳ mang thai.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng viêm nhiễm trong khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm lý hoặc các vấn đề về phát triển trí não của trẻ. Bên cạnh đó, tình trạng viêm nhiễm xảy ra trong thai kỳ cũng có thể làm tăng thêm sự khó chịu cho bà bầu. Do đó, ăn dứa có thể giúp thai phụ giảm đi các rủi ro trên.

Chứa chất xơ

Dứa cũng là một nguồn chất xơ tốt, giúp chống táo bón, một triệu chứng phổ biến khi mang thai.

Mẹ bầu nên ăn dứa từ tuần bao nhiêu năm 2024

Thai phụ có thể ăn dứa trong cả 3 tam cá nguyệt của thai kỳ. Ảnh: Freepik

Cấp nước đầy đủ

Khi mang thai, điều quan trọng mà các bà mẹ cần lưu ý là tránh mất nước. Tin vui cho các bà mẹ là dứa có đến 87% nước. Bên cạnh đó, vị ngọt của loại quả này cũng có thể giúp thai phụ dễ uống hơn những cốc nước lọc thông thường.

Bổ sung vitamin B6

Dứa chứa nhiều vitamin B6. Loại vitamin thiết yếu này rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ và giảm các cơn ốm nghén. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những người đang mang thai sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin B6. Chính vì vậy, các bà mẹ cần tăng cường bổ sung dưỡng chất này thông qua chế độ ăn uống để sớm cân bằng và củng cố hệ dinh dưỡng cho bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Nguồn cung cấp folate

Dứa cũng là một nguồn folate tốt. Theo WebMD, phụ nữ mang thai nên bổ sung ít nhất 600 microgam folate mỗi ngày để hỗ trợ sức khỏe của em bé. Thông thường, trong 250 g dứa có gần 30 microgam folate. Do đó, đây là một cách tuyệt vời để các thai phụ hấp thụ thêm chất dinh dưỡng quan trọng này.

Nguồn vitamin C tốt

Dứa là nguồn dinh dưỡng giàu vitamin C. Trung bình, 250 g dứa có thể cung cấp 80-85 mg vitamin C. Lượng vitamin C này có thể đáp ứng nhu cầu hàng ngày của phụ nữ trong thai kỳ.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho biết loại vitamin này có khả năng tăng cường khả năng miễn dịch, sửa chữa và ngăn ngừa tổn thương tế bào. Đặc biệt, chúng cũng có thể hỗ trợ sản xuất collagen, một loại protein cấu trúc chịu trách nhiệm cho sự phát triển của da, xương, gân và sụn của em bé.

Lưu ý khi ăn dứa trong thai kỳ

Theo BS.CKII Lê Thanh Hùng - Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM, ăn dứa trong thai kỳ là an toàn nhưng chị em cần lưu ý những điểm sau:

Trước khi mang thai: Khi ăn dứa trong thời gian này, cần chú ý đến các triệu chứng như dị ứng, bị bỏng hoặc đau lưỡi, ngứa hoặc sưng môi, lưỡi hoặc cổ họng hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác. Nếu trong quá khứ từng xuất hiện các triệu chứng trên, thai phụ tuyệt đối không nên ăn dứa khi mang thai.

Khi mang thai: Nếu thai phụ ăn dứa và xuất hiện các triệu chứng trên, hãy đến bệnh viện để được điều trị. Ngoài ra, một số các phản ứng nguy hiểm như thở khò khè, ho, nôn mửa, tiêu chảy hoặc huyết áp thấp cũng được xem là triệu chứng của sốc phản vệ. Lúc này, người nhà cần đưa thai phụ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, dứa cũng là loại trái cây có chứa đường tự nhiên, vì vậy các bà mẹ nên tránh ăn nhiều hoặc món dứa đóng hộp và nước ép dứa, bởi các món ăn này có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Một triệu chứng khác cần lưu ý khi ăn dứa là triệu chứng ợ nóng do loại quả này có tính axit. Đối với thai phụ, ợ nóng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khi mang thai và tỷ lệ mắc chứng này tăng lên khi thai kỳ phát triển. Chính vì vậy, các bà mẹ nên hạn chế ăn dứa quá nhiều. Nếu chị em thích ăn dứa nhưng thường xuyên ợ nóng, hãy thử kết hợp chúng với bánh mì nướng, ngũ cốc hoặc gạo lứt. Đồng thời, giữ tư thế thẳng đứng sau bữa ăn, ăn nhiều bữa nhỏ và uống nước giữa các bữa ăn.