Luaật đất đai 1993 và các văn bản hướng dẫn năm 2024

UBND huyện khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho thửa đất số 51 đã tự tách một phần diện tích của thửa đất số 708 làm đường đi cho thửa đất số 709 (thửa đất 709 đã có ngõ đi từ trước) và không thể hiện thửa đất số 708 trên trang "Trích lục bản đồ" của thửa đất số 51.

Ông Thuấn hỏi, như vậy có đúng với các quy định của pháp luật về đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan vào năm 2003 hay không? Sự việc trên phải xử lý như thế nào?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Theo phản ánh thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 9/2003. Như vậy, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993.

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003 được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin đến ông được biết để nghiên cứu, trường hợp có vướng mắc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đề nghị ông liên hệ với cơ quan tài nguyên và môi trường nơi có đất để được hướng dẫn giải quyết bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật.

Luật đất đai được Quốc hội thông qua ngày 14-7-1993 và có hiệu lực ngày 15-10-1993 là một trong những đạo luật quan trọng nhất để tiếp tục thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng, được nhân dân cả nước quan tâm và các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tích cực trong thời gian vừa qua.

Chỉ sau hơn một năm thực hiện và mặc dù có những tồn tại và nảy sinh mới nhưng vẫn khẳng định được rằng, Luật đất đai đã phát huy tác dụng tích cực trong việc giải quyết nhiều vấn đề cơ bản và cấp bách trên phạm vi cả nước, nhất là việc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; đồng thời còn góp phần vào việc bảo đảm ổn định chính trị của đất nước.

Dưới đây, Chính phủ xin báo cáo trình Quốc hội một số kết quả chủ yếu và đề xuất một số giải pháp để tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của Luật đất đai trong thời gian tới.

I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

1. Ban hành các văn bản pháp luật để thi hành Luật đất đai

Khác với thời kỳ tổ chức thi hành Luật đất đai 1987, trong hơn một năm qua, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân các cấp nhất là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã quan tâm đến việc nghiên cứu và ban hành các văn bản pháp quy thi hành Luật. Đến nay ở Trung ương đã ban hành được 25 văn bản để hướng dẫn tổ chức thi hành Luật đất đai. Trong đó có: 5 văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội và 20 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ (Phụ lục 1).

Chính phủ đang chuẩn bị ban hành tiếp Nghị định về quản lý và sử dụng đất quốc phòng, an ninh về xử phạt hành chính các vi phạm pháp luật đất đai, v.v..

Ngoài ra, trong Nghị quyết 38/CP về cải cách hành chính, Chính phủ đã quy định việc quản lý đất đai đối với các tổ chức nước ngoài thuê đất tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 77/CP về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách để ngăn chặn việc giao đất, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất đai trái pháp luật, chỉ thị các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác.

Trên cơ sở các văn bản pháp quy đã có, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều quyết định, thông tư hướng dẫn thực hiện trong lĩnh vực và phạm vi do ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương đã sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, giải thích, phổ biến rộng rãi nội dung của Luật, các pháp lệnh và các nghị định thi hành Luật đất đai tới nhân dân.

Có thể nói, Luật đất đai là một trong những đạo luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cơ quan nhà nước đã khẩn trương triển khai việc thực hiện và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

2. Xây dựng hồ sơ tài liệu để quản lý đất đai

  1. Công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, được đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính (Phụ lục 2). Các tỉnh đều đã triển khai việc lập hồ sơ quản lý đất đai, 80% số xã đang đổi mới hệ thống sổ sách, tài liệu theo yêu cầu quản lý sử dụng đất của Luật đất đai.

Đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống tọa độ trắc địa cơ bản thống nhất trên cả nước lấy tên là “Hệ tọa độ Hà Nội 1994”, hiện chỉnh bản đồ địa hình phủ trùm 1/50.000 để phục vụ nhiệm vụ phát triển lâu dài; đo vẽ bản đồ địa hình 1/5.000, 1/10.000 tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ việc chuẩn bị các dự án phát triển kinh tế trọng điểm; tổ chức việc đo vẽ biển và địa hình đáy biển để phục vụ nhiệm vụ kinh tế, an ninh, quốc phòng; 22% số xã thuộc 95 huyện, thị của 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đo đạc lập bản đồ địa chính theo quy trình thống nhất.

Đã có 18/53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định giá đất trong khung giá của Nghị định 87/CP.

  1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: hầu hết các địa phương đều đang xúc tiến việc định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2.000 và lập kế hoạch chuyển đất nông - lâm nghiệp sử dụng vào mục đích khác trong năm 1995-1996. Có 3 tỉnh, thành phố và một số huyện lập sơ đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2005 và 2010, đã có 2.000 phương án quy hoạch sử dụng đất cấp xã. Các tỉnh Tuyên Quang, Hải Hưng, Nghệ An… và các huyện Quảng Hà (Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang), Kim Môn (Hải Hưng), Nam Ninh (Nam Hà), Phú Bình (Bắc Thái)…, đang lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bộ Quốc phòng đã thống nhất được phương án giải quyết với 9 tỉnh, thành phố về quy hoạch sử dụng đất của 36/49 điểm của Bộ, đã chuyển 11 cơ sở doanh trại với diện tích 137 ha và một nông trường quân đội với diện tích 1.200 ha cho chính quyền địa phương quản lý và tổ chức việc sử dụng.

Trên quy mô cả nước, Chính phủ đã hoàn thành bản dự thảo “định hướng sử dụng đất cả nước đến năm 2000 và kế hoạch giao đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng để sử dụng vào mục đích khác”, đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ngành, các cấp để kịp hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thông qua trong một kỳ họp tới.

  1. Lập hồ sơ địa chính: tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đang triển khai việc lập hồ sơ địa chính và đã có 700 xã hoàn thành công việc này.

3. Giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giao đất là việc xác định địa giới và cắm mốc của từng thửa đất cụ thể cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên thực địa, còn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tiến hành sau khi đã đo đạc địa chính, giải quyết xong mọi tồn tại và tranh chấp đất đai, lập hồ sơ địa chính để xác lập cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài của người sử dụng đất. Trên thực tế, đây là hai bước kế tiếp nhau.

  1. Giao đất nông nghiệp (Phụ lục 3).

Căn cứ vào những quy định của Luật đất đai về chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ đã cụ thể hóa một bước trong Nghị định số 64/CP ngày 27-9-1993 về giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, đã có 7.481 xã tiến hành giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài cho 7,3 triệu hộ nông dân, với tổng diện tích là 4,19 triệu ha.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương đã lựa chọn nhiều phương án khác nhau để bảo đảm được yêu cầu vừa ổn định vừa phát triển khi giao đất:

Ở các tỉnh, thành phố phía Bắc (trừ một số tỉnh miền núi) và duyên hải miền Trung: phần lớn là kế thừa cách giao khoán đất cho hộ nông dân trong thời kỳ thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, vì cách giao khoán này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị định 64/CP, trên cơ sở đó, các địa phương đã công bố thời hạn sử dụng đất và quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất mà không phải điều chỉnh nhiều.

Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ: trong quá trình giải quyết tranh chấp đòi lại “đất cũ” và “đất ông cha”, đã tổ chức cho nông dân thương lượng, có sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, nên chủ yếu là căn cứ vào hiện trạng ruộng đất để công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất đến từng hộ gia đình.

Từ đó, phần lớn ruộng đất ở các vùng trong cả nước đều đã được ổn định, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm, phấn khởi, sử dụng đất có hiệu quả.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân trong khu dân cư nông thôn đã được thực hiện từ khi thi hành Luật đất đai năm 1987, còn đối với đất nông nghiệp thì mới được triển khai từ khi có Luật đất đai năm 1993. Đến nay, cả nước đã có hơn một nửa số xã thực hiện 35% số hộ nông dân được cấp giấy với diện tích bằng 30% so với tổng diện tích đất nông nghiệp.

Việc giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến từng hộ nông dân là một chính sách đổi mới quan trọng của Đảng và Nhà nước ta; chính sách này tác động đến lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân và liên quan đến việc xác nhận quyền sử dụng cho hơn 100 triệu thửa đất. Do khối lượng công việc rất lớn, tính chất của công việc rất phức tạp, lại mới được bắt đầu từ sau khi có Luật nên Chính phủ chủ trương lựa chọn bước đi phù hợp với năng lực quản lý của bộ máy nhà nước mà vẫn đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách nhất của thực tiễn. Dự kiến cần thêm một thời gian từ 3-5 năm nữa để đưa công tác này vào thế ổn định, làm nền móng vững chắc cho phát triển lâu dài.

  1. Giao đất lâm nghiệp:

Chính sách về đất lâm nghiệp đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Nghị định số 02/CP ngày 15-01-1995 về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, Ngoài ra, Chính phủ đã có Quyết định số 327/CT ngày 15-9-1992 về một số chủ trương chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc và Quyết định số 773/TTg ngày 21-1-1994 về chương trình khai thác sử dụng đất hoang hóa, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng.

Trong năm 1994, diện tích đất lâm nghiệp đã giao là 1,06 triệu ha trong tổng số 19,2 triệu ha của cả nước, trong đó 471 ngàn ha rừng tự nhiên, 16 ngàn ha rừng trồng, 366 ngàn ha rừng khoanh nuôi và 207 ngàn ha đất chưa có rừng. Đối tượng đã được giao đất lâm nghiệp là 31 đơn vị quốc doanh: 88 đơn vị tập thể và 88.592 hộ gia đình, trong số 88.592 hộ gia đình được giao đất lâm nghiệp thì trên 50% số hộ được giao đất chưa có rừng với diện tích là 176 ha, bằng 85% đất chưa có rừng đã giao cho các đối tượng.

Nếu tính cả phần diện tích đã giao cho hộ trước năm 1994 thì đến nay, chỉ mới giao cho hộ được 7,1% tổng diện tích lâm nghiệp, có nơi đạt tỷ lệ rất thấp như Cao Bằng, Lạng Sơn: 1,7-2,6%, Tây Nguyên: 2,7%.

Địa bàn tổ chức thực hiện việc giao đất lâm nghiệp chủ yếu là ở miền núi và trung du có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, kinh tế chậm phát triển, đi lại khó khăn, chiếm hơn 1/2 lãnh thổ của cả nước (19,2 triệu ha) nhưng dân cư phân bố thưa thớt, chỉ bằng 1/3 số dân của cả nước (24 triệu người) lại là vùng tập trung nhiều dân tộc ít người, đời sống vật chất và tinh thần còn gặp nhiều khó khăn, v.v. nên việc giao đất lâm nghiệp đến từng tổ chức và hộ gia đình để chăm sóc, bảo vệ, khai thác là một yêu cầu cấp bách nhưng rất phức tạp và khó khăn.

Trong hơn một năm qua, việc giao đất lâm nghiệp làm chưa được nhiều, ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, còn do nhận thức của các cấp chưa đúng mức nên việc tổ chức thực hiện chưa đủ mạnh và chưa thường xuyên. Việc giao đất lâm nghiệp và bảo vệ rừng không những chỉ có ý nghĩa về kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng mà còn có ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường và ổn định hệ sinh thái, bảo đảm cho sự phát triển bền vững cho cả trước mắt và lâu dài của cả nước.

  1. Giao đất làm nhà ở:

Việc giao đất và sử dụng đất trong khu dân cư, nhất là ở đô thị, ven các đường giao thông chính…, đang đặt ra nhiều vấn đề phải khẩn trương nghiên cứu giải quyết như: ở cả đô thị và nông thôn đều có những trường hợp rất khó xác định là hợp pháp, không hợp pháp hoặc chưa hợp pháp, đặc biệt là đối với đất đô thị; thêm vào đó, bản đồ địa chính nhiều nơi chưa có nên việc giao đất, cấp giấy cho người sử dụng đất còn đang ở bước khởi đầu vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Hiện tượng tiêu cực về lĩnh vực này đang diễn ra trong việc giao đất không đúng thẩm quyền, chuyển quyền sử dụng đất và mua bán nhà đất trái pháp luật khá phổ biến, làm mất trật tự kỷ cương. Đây là một trong những vấn đề phức tạp phải giải quyết khi tiến hành giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các Nghị định số 60/CP, 61/CP, 88/CP và 91/CP được ban hành một cách đồng bộ đã cùng với các văn bản pháp quy khác, bước đầu tạo cơ sở pháp lý để giải quyết nhiều vấn đề về nhà, đất và quy hoạch đô thị - một vấn đề mà lâu nay vẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Theo đó, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo Trung ương thông qua các phương án triển khai cụ thể việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho công dân. Đã có 35 tỉnh thành lập ban chỉ đạo, ban hành 22 biểu giá đất của địa phương, đã có 8 tỉnh trình kế hoạch và đề án bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Trong hơn một năm qua, Chính phủ đã chú ý nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề về quản lý đô thị, khắc phục tình trạng xây dựng tùy tiện, tạo điều kiện xây dựng các đô thị theo đúng quy hoạch từ khâu giao đất, cấp phép xây dựng và đăng ký địa chính. Nhiều thủ tục được thống nhất và đơn giản hóa, tránh được sự chồng chéo, gây phiền hà cho nhân dân trong các thủ tục giao đất, cấp phép xây dựng, xét duyệt, quy hoạch, định giá đất, giá nhà, đăng ký địa chính trong đô thị.

Còn rất nhiều vấn đề về chính sách đất đô thị vẫn chưa được giải quyết đồng bộ như vấn đề quy hoạch sử dụng đất đô thị, kinh tế đất đô thị, nơi ở của công dân trong đô thị, chính sách phát triển hạ tầng cơ sở của đô thị, v.v.. Quản lý đất đai đô thị gắn liền với giá trị của bất động sản trong cơ chế thị trường là một nhiệm vụ mới mẻ trong quản lý nhà nước, vấn đề lại phức tạp hơn vì đồng thời phải giải quyết nhiều tồn đọng do lịch sử để lại, việc triển khai nhiệm vụ này trong năm 1994 lại trùng vào thời gian chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp nên tiến độ có bị chững lại. Chính phủ đang có kế hoạch xúc tiến nhanh hơn trong thời gian tới, nhất là trong 2 năm 1995, 1996 và ở các thành phố lớn.

  1. Đất quốc phòng và an ninh:

Để kịp thời giải quyết một số vấn đề cấp bách trước mắt về đất quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 248/TB ngày 28-9-1993 và Thông báo số 72/TB ngày 31-5-1994 về quy hoạch và quản lý sử dụng đất quốc phòng. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã tổ chức quy hoạch đất quốc phòng ở những khu vực trọng điểm. Năm 1994, các địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 300 cơ sở của quốc phòng, gần 40% số cơ sở doanh trại quân đội được hợp thức quyền sử dụng đất. Đất thuộc các đơn vị an ninh mới hợp thức được 30%, phần lớn đất thuộc hệ thống trại giam, chỉ có ít đất nông nghiệp, còn chủ yếu là đất rừng, đến nay, vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giao chính thức. Việc hợp thức quyền sử dụng đất quốc phòng, an ninh mới làm được ít là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do chưa làm xong công tác quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và bị hạn chế về nhân, vật lực trong việc triển khai kế hoạch đo đạc và lập hồ sơ địa chính.

Hiện trạng đất quốc phòng là kết quả của một quá trình lịch sử có nhiều biến động phức tạp trong hoàn cảnh chiến tranh. Từ năm 1975 đến nay, quá trình xây dựng quân đội trong tình hình mới và thực hiện chính sách hậu phương quân đội, đất đai quốc phòng tiếp tục biến động, có nơi, có lúc xảy ra những mâu thuẫn rất phức tạp - Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng cùng với các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để bố trí, quản lý và tổ chức sử dụng đất quốc phòng có hiệu quả nhất, vừa bảo đảm được quốc phòng và an ninh quốc gia, vừa góp phần vào sự nghiệp ổn định và phát triển kinh tế của đất nước.

4. Việc thanh tra và giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp đất đai

Tại 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã tiến hành 300 cuộc thanh tra địa chính, phát hiện gần 40 ngàn trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xử lý 30 ngàn ha đất sử dụng trái phép, truy thu cho ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng, xử lý 30 cán bộ vi phạm, với hình thức xử phạt từ cảnh cáo đến truy tố trước pháp luật. Hệ thống cơ quan Thanh tra của Chính phủ đã tiến hành 465 cuộc thanh tra tại 27 tỉnh, thành phố, phát hiện sai phạm cấp đất không đúng thẩm quyền 589,8 ha, lấn chiếm 214 ha, mua bán trái phép 203 ha. Số tiền lệ phí tự thu tự chi không báo cáo lên cấp trên là 21,7 tỷ đồng, 176.900 USD, 2.639 chỉ vàng. Đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước 18,3 tỷ đồng, 176.900 USD, 689 chỉ vàng, xử lý kỷ luật hành chính 92 người, chuyển hồ sơ của 17 vụ sang Cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan chức năng của Chính phủ đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành kiểm sát tuân theo pháp luật đất đai ở 2 địa phương. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã phát hiện 45 trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền với diện tích 315 ha; 10 đơn vị được cấp đất với diện tích 19,8 ha quá thời hạn không đưa vào sử dụng; 27 trường hợp miễn giảm tiền thuế sử dụng đất không đúng quy định, phải truy nộp cho ngân sách trên 34 tỷ đồng, Chính phủ đã có chỉ thị cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý từng trường hợp cụ thể. Tại Hà Nội, qua kiểm sát thấy rõ rằng công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém, nhiều nội dung cơ bản về quản lý nhà nước chưa được triển khai; công tác quản lý chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và các Sở chức năng còn nhiều thiếu sót. Qua kiểm sát đã phát hiện 34 quyết định giao đất vượt thẩm quyền và rất nhiều trường hợp sử dụng đất sai pháp luật; đặc biệt việc làm nhà trái pháp luật trong hành lang bảo vệ đoạn đê Yên Phụ - Quảng An - Tứ Liên là biểu hiện của những khuyết điểm nêu ra trên đây đang được dư luận cả nước quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xử lý (số 158/TTg ngày 16-3-1995) chỉ đạo các ngành cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tuyến đê, chấp hành nghiêm chỉnh pháp lệnh về đê điều và pháp luật về đất đai, tổ chức triển khai chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời và nghiêm minh.

Việc tranh chấp đất đai vẫn diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp xảy ra gay gắt như: đòi thừa kế, đòi lại nhà đất, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng, đền bù… Khu vực thường xảy ra nhiều tranh chấp là nội thành, nội thị, khu công nghiệp, ven trục đường giao thông chính, v.v.. Các địa phương xảy ra nhiều tranh chấp như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Hà, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một mặt giải thích, hướng dẫn, giải quyết cho dân, mặt khác tiến hành điều tra, nghiên cứu, phân loại và đề xuất cách giải quyết vừa đúng pháp luật vừa phù hợp với thực tế của cuộc sống.

5. Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về đất đai

Theo tinh thần của Luật đất đai, Chính phủ đã ra Nghị định thành lập Tổng cục Địa chính và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan này. Theo đó, ở Trung ương, đã hợp nhất Tổng cục Quản lý ruộng đất và Cục Đo đạc và bản đồ nhà nước thành Tổng cục Địa chính, đến nay đã có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Sở Địa chính (4 tỉnh chưa thành lập là: Lai Châu, Hà Nội, Quảng Ngãi và Sông Bé). Nhiều huyện đã có phòng Địa chính, nhiều xã đã có cán bộ địa chính chuyên trách, ngành Địa chính đã nhanh chóng được hình thành để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai và đo đạc bản đồ. Tuy nhiên, trước nhiệm vụ mới, một đội ngũ cán bộ mới được tập hợp lại còn nhiều mặt bất cập, mạng lưới tổ chức địa chính ở đô thị (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, phường, thị trấn) còn chưa được hoàn thiện.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Sau hơn một năm thực hiện Luật đất đai, trên phạm vi cả nước đã đạt được những kết quả bước đầu sau đây:

- Phần lớn đất nông nghiệp đã có chủ sử dụng cụ thể gắn với những quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng. Nông dân đang thực sự làm chủ ruộng đất được giao, đó là nguồn động lực mới cho hàng chục triệu lao động nông nghiệp đang góp phần quan trọng và tích cực vào công cuộc đổi mới kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng sử dụng lợi thế các vùng sinh thái, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao trên đơn vị diện tích; đó còn là cơ sở quan trọng giúp hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình trước đây chuyển nội dung và phương thức hoạt động, hình thành các hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

- Việc tranh chấp đất đai canh tác nông nghiệp trên diện rộng ở nông thôn đã giảm hẳn. Trong thời gian 4 năm trước khi có Luật đất đai, đã xảy ra 20 vạn vụ tranh chấp đất đai, làm cho 24 người chết, gần 100 người bị thương, 200 nóc nhà bị đốt cháy, hàng trăm ha lúa và hàng vạn cây ăn quả bị phá hủy. Trong năm 1994, còn khoảng một vạn vụ tranh chấp, tuy trong đó có nhiều vụ tranh chấp vẫn gay gắt nhưng chưa xảy ra tử vong, ít thiệt hại tài sản. Hầu hết các vụ tranh chấp đất đai trước đây đã được giải quyết, các vụ tranh chấp mới phát sinh phần lớn đã và đang giải quyết theo thẩm quyền của từng cấp như Luật định, góp phần làm ổn định xã hội để phát triển kinh tế nông thôn.

- Việc chuyển đổi, cho thuê đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp ở nông thôn bước đầu đã diễn ra ở nhiều nơi, có tác động khắc phục một bước tình trạng manh mún ngay sau khi giao đất, tạo tiền đề cho nông dân hướng dần tới kiểu phân công lao động mới “ai giỏi nghề gì làm nghề đó”.

- Những văn bản thi hành Luật đất đai về khung giá đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất…, đang từng bước làm cho một bộ phận quan hệ đất đai tiếp cận với nhận thức “đất đai là có giá”. Nhà nước bước đầu điều tiết một phần thu nhập xã hội trong việc sử dụng đất. Riêng thuế chuyển quyền sử dụng đất, đến hết tháng 12 năm 1994, cả nước đã thu được 65,7 tỷ đồng.

- Kết quả việc quy hoạch sử dụng đất đã bước đầu xác lập được một số cơ chế điều tiết việc phân bố đất đai vào các mục đích sử dụng theo định hướng đổi mới của nền kinh tế phù hợp với mục tiêu phát triển xã hội.

- Ngành Địa chính được tăng cường một bước cả về lượng và chất: công tác quản lý đất đai, đo đạc bản đồ tiếp tục phát triển với nhiều hình thức, tạo tiền đề xây dựng tài liệu địa chính tiếp cận với trình độ phát triển của khu vực và thế giới.

Tóm lại, tuy thời gian thi hành Luật chưa dài nhưng Luật đất đai đã có một vị trí quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong sự nghiệp đổi mới, đó là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ đất đai trong trật tự mới, và cũng là nền tảng ban đầu của quá trình phát triển lâu dài.

II- NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI VÀ HƯỚNG KHẮC PHỤC

Đất đai vốn đã là một vấn đề trọng đại và rất phức tạp, việc tổ chức thi hành Luật đất đai năm 1993 với những nội dung đổi mới sâu sắc so với chính sách đã được thi hành hàng chục năm trước đây, nhất là chuyển từ việc cấp phát đất đai một cách hành chính, không mất tiền thành việc giao đất, cho thuê đất có tính đến giá trị của đất đai; hơn nữa, mấy chục năm qua là một thời kỳ có nhiều biến động lịch sử tác động trực tiếp đến chính sách đất đai, và hiện nay, thực tiễn kinh tế - xã hội cũng có nhiều đổi mới nhanh chóng theo hướng kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nên lại càng khó khăn, phức tạp hơn. Quá trình thực hiện Luật còn phát sinh thêm nhiều vấn đề cụ thể cần được nghiên cứu kỹ càng để giải quyết kịp thời. Báo cáo này mới chỉ tập hợp và phân tích bước đầu một số tồn tại trong thực tiễn thi hành Luật và đề xuất hướng giải quyết trước mắt.

1. Còn thiếu các văn bản pháp quy để thực hiện đầy đủ Luật đất đai

Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thi hành Luật đất đai, nhưng nhìn chung, các văn bản luật pháp đã có mới chỉ đề cập những nguyên tắc chủ yếu; do đó, cần có thêm những văn bản tiếp theo cụ thể hơn để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thi hành Luật như: quy định cụ thể về đất quốc phòng, an ninh; thể lệ cho việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình và cá nhân; xử phạt hành chính các vi phạm pháp luật đất đai; việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo; việc giao đất, trả tiền sử dụng đất hoặc thuê đất của các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài; khung giá cho thuê đất; việc các tổ chức kinh tế dùng đất để góp vốn kinh doanh; việc bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích công cộng, mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh, v.v..

Trong thời gian tới, Chính phủ cần có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản sau Luật một cách khẩn trương để đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu cụ thể mà quá trình tổ chức thi hành Luật đang đặt ra, chú ý chỉ đạo việc hiểu đúng và thi hành đúng tinh thần của các văn bản pháp luật đã được ban hành. Mặt khác, phải tổ chức nghiên cứu những vấn đề còn chưa sát hợp với thực tiễn cuộc sống đặt ra để trình Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi Luật ngày một hoàn thiện hơn.

2. Việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình là mong đợi thiết tha của đại đa số nông dân để khẳng định quyền sử dụng đất của mình theo luật định; đồng thời giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn là căn cứ pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực sự của Luật đất đai. Mặc dù điều kiện phương tiện và kỹ thuật đo đạc khó khăn, kinh phí còn hạn hẹp nhưng các địa phương đã cố gắng triển khai và đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, tiến độ thực hiện đến thời điểm này (tổng hợp của 44 tỉnh và thành phố) mới có 33,4% số hộ nông dân và 33,5% diện tích đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận chính thức. Với nhận thức rằng việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân cả ở nông thôn và đô thị sẽ làm giảm hiệu lực thực tế của Luật đất đai, Chính phủ phải tăng tốc độ của việc làm này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch cụ thể để có thể hoàn thành cơ bản nhiệm vụ giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các vùng trọng điểm của địa phương mình trong năm 1995-1996, đồng thời, phải có một cơ chế phù hợp để không làm trở ngại cho việc thực hiện mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất mà vẫn theo dõi chặt chẽ được mọi biến động về đất đai, không để tình trạng đất đai vận động tự phát ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước.

Việc giao đất nông nghiệp cho hộ nông dân trong thời gian qua chủ yếu là căn cứ vào hiện trạng trước khi có luật, cách làm đó nhìn chung bảo đảm được ổn định nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, song cũng từ đó đã phát sinh những vấn đề cần chú ý:

Đất 5% dành cho nhu cầu công ích địa phương đã không thực hiện được ở các tỉnh Nam bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, trong khi đó nhiều tỉnh, thành phố còn lại đã để tới 10-15%, có nơi 20-25%..., thực chất là chuyển quỹ đất vòng 2 khi thực hiện giao khoán theo Nghị quyết 10 trước đây thành đất công ích; một số nơi đã điều chỉnh theo Luật, nhưng phần lớn diện tích điều chỉnh này lại chuyển sang đất quy hoạch không sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, do điều kiện và những khó khăn phức tạp rất cụ thể, nhiều cấp ủy và chính quyền địa phương còn phân vân về ý nghĩa, mục đích sử dụng và mức quy định của quỹ đất này.

Tình trạng người làm nông nghiệp không có hoặc có quá ít đất sản xuất đang xảy ra ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chiếm tỷ lệ phổ biến từ 5 đến 7% số hộ nông dân (tỉnh Đồng Tháp chiếm 19%, trong đó hộ không có đất là 7%; tỉnh Sóc Trăng: 7,47%; tỉnh Tây Ninh: 9,48%; tỉnh Minh Hải: 15%; tỉnh Trà Vinh: 9,4%, ở Long An có trên 2.000 hộ nông dân không có đất sản xuất).

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nghèo đói mà chưa có cách khắc phục nào khác, “chủ cũ” đòi lại và chấp nhận thanh toán lợi ích cho “chủ mới”, một số hộ quen sống theo kiểu làm thuê chưa được giúp đỡ để biết sử dụng đất đai có hiệu quả và một bộ phận nông dân do chuyển nghề, chuyển chỗ ở mà chuyển quyền sử dụng đất, có trường hợp do chủ hộ có lối sống bừa bãi, mang công mắc nợ mà đem chuyển nhượng đất được giao làm cho cả gia đình trở nên bần cùng. Hộ thiếu đất và không có đất đều lâm vào cảnh khó khăn và cuộc sống thiếu ổn định. Hiện trạng này đã đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết: một là, phương thức giao đất trên cơ sở nguyên canh của các chủ cũ tuy có làm cho tình hình ổn định hơn nhưng đã có ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm yêu cầu người làm nông nghiệp phải có đất để sản xuất; hai là, những quy định về “5 quyền”, tuy đã tạo điều kiện cho nông dân tự do hơn trong việc chuyển quyền sử dụng đất, nhưng Nhà nước chưa kịp có cơ chế kiểm soát và chính sách phù hợp để bảo đảm cho người làm nông nghiệp không bị trắng tay trong điều kiện cơ cấu kinh tế nông thôn chưa có sự chuyển dịch lớn, công nghiệp chưa phát triển đến mức thu hút hết mọi lao động dư thừa.

Số hộ vượt hạn mức diện tích đất nông nghiệp tập trung ở các tỉnh Nam bộ và một số nơi ở trung du, miền núi các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Phần lớn những hộ này có đất được giao hợp pháp trước ngày 15-10-1993 hoặc do khai hoang vỡ hóa, v.v. (ở An Giang: 3,3% số hộ có diện tích trên 3 ha; 0,4% số hộ trên 5 ha; ở Sóc Trăng, có 5,3% số hộ có trên 3 ha, hộ cao nhất là 9 ha; ở Đồng Tháp: 8,3% số hộ có trên 3 ha; ở Kiên Giang, là 6% số hộ trên 3 ha, hộ cao nhất là 10 ha). Tuy nhiên, trong những hộ vượt hạn mức diện tích, có một số hộ đã ép “mua” với giá rẻ, thậm chí bao chiếm đất do các nông trường trả về cho chính quyền địa phương, hoặc với danh nghĩa khai hoang; diện tích của những hộ này ít là 5 ha, thông thường là 15-20 ha, có hộ tới 60 ha, cá biệt có hộ có tới 100 ha. Nhiều hộ có diện tích vượt hạn mức không muốn nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không kê khai ruộng đất chính xác) để trốn lậu thuế bổ sung theo quy định của Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích.

Để giải quyết những tồn tại trên đây, không thể chỉ dựa vào chính sách đất đai mà còn phải xử lý đồng bộ vấn đề phát triển nông nghiệp, đổi mới kinh tế - xã hội nông thôn cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nếu không xử lý tốt sẽ có khả năng phát sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nặng nề và phức tạp. Một mặt, mở rộng hoạt động khuyến nông, nhất là vùng nông nghiệp kém phát triển, vùng đồng bào dân tộc ít người, tăng khả năng sản xuất nông nghiệp của từng hộ gắn với đất đai, đồng thời, hướng dẫn cụ thể để nông dân thực hiện đúng đắn quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình ngay từ cơ sở theo hướng quá trình tích tụ đất đai phải đi liền với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, bảo đảm công ăn việc làm và thu nhập ngày càng được cải thiện cho người lao động nông nghiệp, đồng thời phải ngăn chặn đầu cơ đất đai làm phá sản nông dân nghèo.

Trong một thời gian dài vừa qua, việc giao đất để làm nhà ở trong các đô thị, vùng ven đô, ven đường giao thông là thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch đã lỗi thời, mặt khác người chịu trách nhiệm của các cấp hành chính trong không ít trường hợp đã quyết định sai thẩm quyền hoặc vì tư lợi đang gây nhiều bất bình trong nhân dân. Tình trạng này không chỉ làm cho kỷ cương, phép nước bị buông lỏng, mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề về tổn thất kinh tế, rối loạn trật tự xã hội và mất an toàn về môi trường sống của nhân dân. Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là sức ép về dân số và nhu cầu về đô thị hóa, còn về chủ quan thì trước hết là bộ máy nhà nước hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, quy hoạch đô thị, quản lý khu dân cư còn yếu kém, sau đó là những thiếu sót về năng lực và phẩm chất của một bộ phận cán bộ, vì vậy, việc xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh trong thời gian tới có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức khai thác tài nguyên đất đai đúng pháp luật và có hiệu quả, nhất là ở khu vực đô thị, đồng thời cần phải chấn chỉnh có hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị theo pháp luật.

3. Nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được xử lý triệt để và kịp thời

Từ khi có Luật đất đai mới, tuy tình trạng lộn xộn trong quan hệ đất đai có dịu bớt nhưng việc chuyển dịch đất đai dưới nhiều hình thức ngoài sự kiểm soát của pháp luật, nhất là việc bán đất đang sản xuất nông nghiệp ở ven đô, ven thị, ven các đường giao thông chính, chuyển thành đất xây dựng nhà ở vẫn còn tiếp tục xảy ra. Không ít trường hợp người bán đất là Ủy ban nhân dân xã, phường, xí nghiệp, cơ quan nhà nước với lý do lấy tiền để chi dùng cho địa phương, đơn vị mình mà không nộp vào ngân sách nhà nước. Người không được hoặc chưa được giao quyền sử dụng đất cũng đứng ra bán đất; nhiều hoạt động buôn bán bất động sản trái pháp luật đã gây nên cơn sốt về nhà đất để làm giàu bất chính và tham nhũng.

Việc tranh chấp đất đai đang diễn ra dưới các hình thức mới như đòi lại ruộng đất gốc; ruộng đất thừa kế; ruộng đất xáo canh; ruộng đất không rõ địa giới hành chính, v.v.. Một số trường hợp, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách giải quyết cụ thể, nhưng vẫn còn những trường hợp khác như các tổ chức mượn đất trong thời kỳ chiến tranh, đất họ tộc, từ đường, lối đi chung trong khu dân cư, v.v. thì chưa có quy định cụ thể.

Các xu thế thay đổi mục đích sử dụng đất để có hiệu quả cao của hộ nông dân đang diễn ra rất nhanh, đòi hỏi phải có sự quản lý hướng dẫn của Nhà nước nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất. Đáng chú ý là, việc chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Sự chuyển dịch này nếu đã được cấp có thẩm quyền huyện, tỉnh cho phép thì được xem là đúng hướng vì thực chất vẫn là sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhưng ở một số nơi thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã tự phát chuyển hơn 1.000 ha từ ruộng lúa sang vượt liếp làm vườn trồng cây ăn quả. Xuất phát từ nhiệm vụ bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, vấn đề này phải được đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đặc biệt tạm đình chỉ việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích khác.

Việc phát triển các khu dân cư mới ở ven đô thị, ven đường giao thông lấy từ đất lúa đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó nhiều trường hợp không được cấp có thẩm quyền cho phép.

Trước tình hình trên, cần khẩn trương quy hoạch, kế hoạch cụ thể về sử dụng đất đối với từng vùng, từng địa phương và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật đất đai để một mặt vừa đa dạng hóa sản phẩm cây trồng vật nuôi và tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác, phải bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nhằm bảo đảm an toàn lương thực và phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện nước ta có quỹ đất nông nghiệp tính theo đầu người rất thấp. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác thanh tra đất đai, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật đất đai ngay từ cơ sở.

4. Việc quản lý nhà nước về đất đai đang còn nhiều bất cập

Những thông tin cơ bản về điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, v.v. là tiền đề để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo pháp luật; trong thời gian qua tuy đã có nhiều cố gắng để tích lũy song vẫn còn thấp xa so với yêu cầu.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất triển khai còn chậm, nhất là ở khu vực đô thị, làm hạn chế rất nhiều đến khả năng sớm đưa việc quản lý đất đai vào nền nếp, nhanh chóng khắc phục mọi tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, hướng dẫn công dân tuân theo trật tự mới của pháp luật đất đai.

Về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tuy bước đầu hình thành được một số phương án ở địa phương nhưng chưa nơi nào thực hiện được đầy đủ mọi quy định tại các điều 16, 17, 18, 19 và 23 của Luật đất đai - Chính phủ chưa lập được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trong cả nước để trình Quốc hội quyết định; Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thông qua được quy hoạch kế hoạch, sử dụng đất của địa phương mình; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng chưa lập được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai do ngành, lĩnh vực mình phụ trách để trình Chính phủ xét duyệt…, do đó, các quyết định giao đất trong thời gian vừa qua đều chưa có đầy đủ căn cứ theo luật định, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc sử dụng lãng phí đất đai mà Nhà nước không kiểm soát được. Để khắc phục được thiếu sót này, trước hết cần tăng cường về mặt tổ chức và xây dựng cơ chế hoạt động của cơ quan chuyên môn giúp Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đồng thời, yêu cầu các ngành, các cấp phải nhận thức được rằng việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của ngành và địa phương là một trong những nội dung quản lý nhà nước quan trọng của ngành và địa phương mình. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất - thực hiện theo đúng Luật đất đai - là căn cứ pháp lý với đầy đủ mọi luận cứ khoa học và thực tiễn để tiến hành giao đất, cho thuê đất đến từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; và đó cũng là cơ sở để tổ chức triển khai các dự án phát triển, thực hiện các chính sách mới về đất đai một cách công khai, dân chủ và công bằng.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai vẫn chưa được hoàn thiện và đồng bộ, nhất là ở khu vực đô thị, còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nếu sớm khắc phục được tình trạng này, chắc chắn sẽ góp phần tích cực trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai của từng địa phương. Quá trình tổ chức thực hiện các nghị định 60, 61, 88, 91/CP cũng là quá trình tổ chức lại việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

5. Giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ đất đai

Quan hệ đất đai của nước ta đã trải qua một quá trình biến động lịch sử phức tạp, nhất là trong các thời kỳ chiến tranh, các thời kỳ thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa ở hai miền và trong những năm chuyển đổi cơ chế gần đây. Để giải quyết những tồn đọng lịch sử, Điều 2 của Luật đất đai đã quy định một nguyên tắc quan trọng là “… Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.

Đây là một quy định quan trọng của Luật nhằm bảo đảm tính ổn định và nhất quán trong chính sách đất đai của Nhà nước, đồng thời là cơ sở rất cơ bản để vận dụng trong việc xử lý những vấn đề do lịch sử để lại. Tuy vậy, hiện nay trong nhân dân, trong dư luận xã hội và ngay cả trong hệ thống các cơ quan nhà nước còn hiểu các quy định này rất khác nhau. Việc giải quyết đa số các khiếu kiện về nhà đất phức tạp nhất hiện nay đều liên quan đến cách hiểu và vận dụng điều luật này. Riêng về vấn đề nhà đất, Chính phủ đã có báo cáo chuyên đề trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét và có quyết định cần thiết.

Hiện nay, đang có một số tình tiết do thực tiễn đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu để có chính sách thích hợp:

- Nhiều trường hợp cán bộ thoát ly tham gia kháng chiến, nay trở về quê cũ sống bằng nghề nông, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để họ có công ăn việc làm, với những trường hợp đặc biệt phải xem xét đến việc giao đất thì tổ chức thương lượng trong nhân dân để giải quyết có lý, có tình.

- Nhiều trường hợp mượn đất trong thời gian chiến tranh (xây dựng công trình quốc phòng, cơ sở sơ tán) nay chuyển thành khu dân cư không có sự quản lý thống nhất, chặt chẽ, có người lợi dụng bao chiếm đất đai trái phép gây tranh chấp và làm rối loạn trật tự trong khu vực - Nhà nước cần soát xét lại quy định tại các khu vực này và có chính sách cụ thể để giải quyết một cách công khai và đúng pháp luật.

- Các khu quân sự tiếp quản sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng nay cần được quy hoạch lại phù hợp với yêu cầu củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế trong tình hình mới. Trong thời gian qua, tuy đã triển khai được trên phạm vi rộng và có kết quả bước đầu, nhưng đến nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh chấp và mâu thuẫn không đáng có, nhất là việc giải quyết đất ở cho gia đình quân nhân, sử dụng đất quốc phòng vào các mục đích kinh tế. Cần phải tiếp tục triển khai công tác quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương và của cả nước, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về quản lý và sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

- Trong một số trường hợp đặc thù, do sự phát triển của chính sách đất đai mà hiện trạng sử dụng đất có khi không phù hợp với quy định mới được ban hành, pháp luật đất đai cần phải thừa nhận tính hợp pháp trong những bối cảnh lịch sử nhất định khi cần điều chỉnh thì phải xem xét cụ thể từng trường hợp, vừa phải chấp hành nghiêm túc các quy định hiện hành, vừa phải tôn trọng lợi ích chính đáng của người đang sử dụng đất.

6. Bảo vệ đất nông nghiệp và đất có rừng (Phụ lục 4)

Một dấu hiệu rất đáng lo ngại là diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa bị mất đi ngày càng tăng do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mà việc khai hoang, mở mang thêm diện tích canh tác không bù đắp kịp; mặt khác diện tích đất có rừng ngày càng bị thu hẹp mặc dù Nhà nước và nhân dân đã đầu tư ngày càng nhiều công sức vào sự nghiệp trồng rừng… Nếu cứ để tình trạng này tiếp tục kéo dài, không những chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu nông dân mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với nhiệm vụ bảo đảm an toàn lương thực quốc gia và an toàn môi trường sống cho nhiều thế hệ mai sau. Để góp phần ngăn chặn có hiệu quả xu thế này, pháp luật đất đai cần có quy định nghiêm ngặt trong các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa vào mục đích khác, nghiêm cấm việc đốt phá rừng, cần chuyển hướng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư mới, đô thị mới đến các vùng đất xấu, ít có khả năng phát triển nông nghiệp. Ngày 3-3-1995, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngành liên quan để uốn nắn lệch lạc trong việc quyết định sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa vào mục đích khác. Vì lợi ích lâu dài và toàn cục, Nhà nước chủ trương ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác vùng đất phi nông nghiệp, hạn chế tối đa đến việc xâm phạm quỹ đất nông nghiệp, đất trồng lúa, đất có rừng. Chủ trương này cần được sự quan tâm thường xuyên của Nhà nước và được thể hiện đồng bộ không chỉ trong chính sách đất đai mà còn trong các chính sách kinh tế và mở rộng ra mọi hoạt động của toàn xã hội bao gồm cả các hoạt động khoa học, văn hóa, giáo dục và hoạt động của các đoàn thể quần chúng.

7. Xây dựng chính sách tài chính trong quan hệ đất đai

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, một phần quan hệ đất đai sẽ được “tiền tệ hóa”, Nhà nước có thể thông qua mối quan hệ này để điều tiết thu nhập xã hội. Quy định của Luật đất đai “Nhà nước xác định giá các loại đất để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi giao đất hoặc cho thuê đất, tính giá trị tài sản khi giao đất, bồi thường thiệt hại về đất khi thu hồi đất…” (Điều 12) là căn cứ quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

Thực tiễn của mấy năm vừa qua cho thấy rằng, nguồn thu ngân sách từ đất là rất lớn, để nguồn thu này ổn định và phát triển, Nhà nước phải quản lý chắc mọi thông tin đất đai, quy hoạch sử dụng đất thật tốt và có một hệ thống pháp luật bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Những quy định cụ thể hơn của Luật đất đai về “5 quyền”, về quy hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai, lệ phí địa chính, sử dụng quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng đất đai trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại, dịch vụ đồng thời với việc tổ chức lại hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này (địa chính, tài chính, quy hoạch…) sẽ góp phần làm ổn định và phát triển nguồn thu từ đất.

Một vấn đề nổi cộm hiện nay là có nhiều trường hợp chi phí cho việc đền bù để giải phóng mặt bằng của các công trình công cộng hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng quá tốn kém, chiếm một tỷ trọng rất lớn trong toàn bộ chi phí của công trình, dẫn đến rất nhiều ách tắc cho nhu cầu phát triển, mặt khác, những thửa đất lân cận của khu vực này và thuộc khu vực được quy hoạch phát triển lại lên giá đột ngột mà người hưởng lợi không phải là người đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc người triển khai các dự án phát triển. Để giải quyết được tồn tại này phải có biện pháp đồng bộ và toàn diện - Các quy hoạch phát triển đất đai hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng đều phải tính toán kỹ càng đến việc đền bù đất đai theo nguyên tắc sử dụng vào mục đích gì thì được đền bù đất đai để sử dụng vào mục đích đó, trước hết là bằng “hiện vật” (đất), chỉ khi nào không còn khả năng quy hoạch những khu đất để đền bù thì mới đền bù bằng tiền, giá đền bù là theo hiện trạng. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương còn phải tính đến phần tăng lên của giá đất sau khi được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để có chính sách điều chỉnh thỏa đáng khi phát sinh việc chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở các khu vực lân cận. Về quản lý nhà nước - công tác quy hoạch sử dụng đất phải được tiến hành đúng pháp luật, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được quản lý chặt chẽ, theo dõi biến động kịp thời, bảo đảm cho người sử dụng đất thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ, đồng thời ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động trái phép, tranh thủ làm việc đã rồi để được đền bù hoặc chây ỳ vì lợi ích cục bộ, cá nhân. Khi giải tỏa những khu vực rộng lớn, phức tạp, cần thành lập hội đồng xem xét việc đền bù thật chặt chẽ theo nguyên tắc dân chủ, công khai và đúng pháp luật. Trong trường hợp cần giải phóng đất đai cho các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, có thể nghiên cứu phương thức thu hút sự tham gia của người đang sử dụng đất bằng cách góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của mình.

8. Củng cố chính quyền cơ sở, xây dựng mạng lưới cán bộ địa chính xã - phường - thị trấn

Thực tiễn thời gian qua cho thấy rằng, nơi nào chính quyền cơ sở vững mạnh, việc quản lý hồ sơ đất đai tốt thì không hoặc ít xảy ra những vấn đề phức tạp về đất đai, mọi quan hệ đất đai đều được xử lý ngay từ khi mới phát sinh từ cơ sở, muốn vậy, cần có một đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở có tâm huyết, được bồi dưỡng tốt về nghiệp vụ và được quần chúng tín nhiệm. Hiện nay, còn nhiều Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chưa thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước đối với đất đai mà lại lạm quyền cấp đất, không quản lý được biến động đất đai, không giải quyết kịp thời các vi phạm pháp luật, khi tình hình trở nên nghiêm trọng thì đùn đẩy lên cấp trên giải quyết, v.v..

9. Tiếp tục cụ thể hóa hoặc bổ sung, sửa đổi một số vấn đề mà Luật, Pháp lệnh và các văn bản khác đã quy định về chính sách đất đai

Hệ thống các văn bản pháp quy về đất đai có đến ngày hôm nay là kết quả của một quá trình xây dựng chính sách và pháp luật trong thời kỳ có nhiều biến động và phát triển nhanh chóng, sâu sắc cả về kinh tế và xã hội; có nhiều quy định không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời, có nhiều vấn đề mới nảy sinh lại thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng để vận dụng trong hoàn cảnh cụ thể, hơn nữa, có nhiều trường hợp Luật mới chỉ xác lập những nguyên tắc chung rồi giao cho pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác quy định cụ thể, nên dễ dẫn đến việc hiểu và làm không đúng tinh thần của Luật.

Quá trình tìm hiểu Luật, cụ thể hóa Luật, tổ chức thi hành Luật đang nổi cộm một số vấn đề đáng chú ý sau đây:

  1. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất:

Luật đất đai đã quy định tương đối cụ thể về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê và thừa kế quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình và cá nhân. Các quyền này đang được tiếp tục cụ thể hóa thêm nữa trong quá trình xây dựng Bộ luật dân sự.

Vấn đề nổi cộm hiện nay là các quyền đó được áp dụng đến mức nào đối với các tổ chức sử dụng đất, nhất là các tổ chức kinh tế mà trước đây đã nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước và hiện nay đang thế chấp đất đai và tài sản tại ngân hàng, trong khi Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định các doanh nghiệp này đều chuyển sang hình thức thuê đất.

Sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (14-10-1994) và Chính phủ ban hành Nghị định 18/CP cụ thể hóa việc thực hiện Pháp lệnh này (13-02-1995), dư luận báo chí và một số doanh nghiệp cho rằng, sự đổi mới này tuy có mặt tích cực nhưng còn một số vấn đề chưa sáng tỏ, có thể dẫn đến khó khăn và ách tắc trong hoạt động đầu tư và kinh doanh. Vấn đề này mới xuất hiện có tính thời sự và Chính phủ đang chuẩn bị tiếp mọi điều kiện để quy định chi tiết hơn cho việc triển khai trên thực tế. Một khía cạnh khác về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đang đặt ra để giải quyết là:

Điều 12 Luật đất đai quy định: “Nhà nước xác định giá các loại đất để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi giao đất hoặc cho thuê đất…”.

Điều 7 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định: Bên Việt Nam tham gia xí nghiệp liên doanh góp vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển theo quy định của Chính phủ Việt Nam. Điều 2 của Luật này giải thích: “Bên Việt Nam” là một bên gồm một hoặc nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Điều 10 Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định: “Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, trong thời hạn thuê đất có quyền góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, với tổ chức cá nhân nước ngoài theo quy định của Chính phủ”.

Vấn đề cần được làm rõ là giá đất (Điều 12 Luật đất đai) và giá trị quyền sử dụng đất (Điều 7 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Điều 10 Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất) khác nhau thế nào? Khi các tổ chức thuê đất của Nhà nước mà được phép góp vốn liên doanh hay thế chấp giá trị có liên quan về đất tại ngân hàng thì đó là giá trị của đất hay chỉ là tiền thuê đất mà doanh nghiệp đó đã đóng trước cho Nhà nước? Các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần khi thuê đất của Nhà nước thì có được dùng đất đó để góp vốn liên doanh hay không? Nguyện vọng của một số doanh nghiệp sử dụng đất để sản xuất kinh doanh (không phải là nông nghiệp, lâm nghiệp) muốn được trả tiền sử dụng đất (không phải là thuê đất) để được thêm quyền chuyển nhượng và thế chấp giá trị quyền sử dụng đất thì có hợp lý không? v.v.. Đề nghị Quốc hội giao cho các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu kỹ những vấn đề nêu trên để trình Quốc hội trong một kỳ họp sau.

  1. Khoản 3 Điều 38 Luật đất đai quy định: “Các tranh chấp về quyền sử dụng đất đã có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất đó thì do Tòa án giải quyết”. Trong trường hợp này đề nghị quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phát hành theo tinh thần của Luật đất đai năm 1987 và 1993 được xem là giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do các tranh chấp về quyền sử dụng đất đai xảy ra thường xuyên và có tính chất khác với tranh chấp dân sự hoặc tranh chấp kinh tế, nên phải được giải quyết bằng một trình tự riêng biệt và với một quyền hạn đặc biệt. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu việc quy định về tổ chức, thẩm quyền của tòa án và thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất. Trước mắt, đề nghị nghiên cứu việc thành lập một tòa án chuyên trách trong hệ thống Tòa án nhân dân.

  1. Điều 11 Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định: “Tổ chức được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cho thuê lại tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có quyền cho các chủ đầu tư thuê lại đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng”. (Điều 7 Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài thuê đất tại Việt Nam cũng có quy định tương tự).

Để tăng thêm khả năng thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đất đai, đề nghị nghiên cứu tiếp việc cho thuê lại đất đã được xây dựng xong cơ sở hạ tầng tại các khu phát triển dân cư, thương mại và dịch vụ công cộng khác.

  1. Phương cách giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ đất đai như đã được trình bày tại khoản 5 mục II của báo cáo này.

Đất đai là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng Luật đất đai năm 1993 mới được tổ chức thực hiện hơn một năm nay, những công việc đã làm chưa được nhiều, và cũng chưa đủ điều kiện để có thể thấy rõ hết và giải quyết gọn mọi vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đang và sẽ tạo ra nhiều thay đổi nhanh chóng trong quản lý, sử dụng đất đai. Vì vậy, trong báo cáo này, Chính phủ chỉ mới nêu tổng quát bước đầu về tình hình tổ chức thi hành Luật và phương hướng hoạt động sắp tới mà chưa thể có đánh giá thật đầy đủ, cụ thể về hiệu quả và tác dụng của đạo luật.

Sau hơn một năm thi hành, Luật đất đai đã thể hiện rõ nhiều mặt tích cực, đã trở thành căn cứ pháp lý quan trọng để điều chỉnh nhiều quan hệ phức tạp về kinh tế - xã hội phù hợp với đường lối đổi mới và yêu cầu của quá trình phát triển; nhưng đồng thời, cũng bộc lộ một số nhược điểm là còn nhiều vấn đề cụ thể mới phát sinh chưa được xử lý đầy đủ và kịp thời, việc hiểu Luật chưa thật thống nhất, việc tổ chức thực hiện Luật còn nhiều thiếu sót. Việc Quốc hội xem xét kỳ này đã tạo điều kiện thuận lợi để xác định nhu cầu phát triển của đạo luật.

Việc tổ chức thi hành Luật đất đai cũng như các đạo luật khác đòi hỏi bản thân Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phải hoàn thiện, chỉ đạo thi hành Luật phải nghiêm minh, đồng thời, còn đòi hỏi các chính sách kinh tế - xã hội có liên quan phải đồng bộ gắn với công tác giáo dục tư tưởng sâu rộng trong nhân dân thì Luật đất đai mới thực sự đi vào cuộc sống. Vì vậy về phần mình, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật trên thực tế theo đúng tinh thần của Luật, phải tập trung vào nhiệm vụ điều tra cơ bản về đất đai, quy hoạch sử dụng đất và đăng ký đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn về một số chính sách cụ thể, nhất là các chính sách thuộc lĩnh vực đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất đô thị. Chính phủ cũng sẽ phải tăng cường công tác tổ chức và cán bộ quản lý nhà nước về đất đai để nhanh chóng lập lại trật tự đất đai theo đúng yêu cầu của Luật. Qua công tác thực tiễn tổ chức thi hành Luật, tiếp tục nghiên cứu để có thể trình Quốc hội các phương án điều chỉnh và bổ sung Luật.

Chính phủ đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát về trách nhiệm chấp hành pháp luật đất đai đối với các ngành, các cấp và đối với từng lĩnh vực: cho ý kiến cụ thể đối với những vấn đề mà Chính phủ trình bày trong báo cáo này: ngoài ra. Chính phủ còn xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội với trách nhiệm và uy tín của mình, theo dõi chặt chẽ việc triển khai thi hành Luật đất đai ở địa phương trong mọi lĩnh vực có liên quan để uốn nắn kịp thời mọi vi phạm và phát hiện đầy đủ mọi nhân tố mới, góp phần xây dựng Luật đất đai hoàn thiện hơn và tổ chức thi hành Luật đạt kết quả cao hơn.

PHỤ LỤC 1

DANH SÁCH CÁC VĂN BẢN PHÁP QUY CỦA QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ ĐỂ THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI

1. Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất (Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22-6-1994).

2. Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích (Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 15-3-1994).

3. Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14-10-1994).

4. Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam (Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14-10-1994).

5. Nghị quyết quy định khung thuế suất thuế chuyển quyền sử dụng đất trong trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-7-1994).

6. Nghị định 64/CP ngày 27-9-1993 "về giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp".

7. Nghị định 80/CP ngày 06-11-1993 "về khung giá các loại đất".

8. Nghị định 02/CP ngày 15-01-1994 "về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp".

9. Nghị định 12/CP ngày 22-02-1994 "về thành lập Tổng cục Địa chính".

10. Nghị định 34/CP ngày 23-4-1994 "về chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Địa chính".

11. Quyết định 202/TTg ngày 02-5-1994 "về chính sách khoán đến hộ để bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng mới".

12. Nghị định 60/CP ngày 05-7-1994 "về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị".

13. Nghị định 61/CP ngày 05-7-1994 "về mua bán và kinh doanh nhà ở".

14. Nghị định 84/CP ngày 08-8-1994 "về thi hành Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích".

15. Nghị định 87/CP ngày 17-8-1994 "về khung giá các loại đất".

16. Nghị định 88/CP ngày 17-8-1994 "về quản lý và sử dụng đất đô thị".

17. Nghị định 89/CP ngày 17-8-1994 "về thu tiền sử dụng đất và lệ phí địa chính".

18. Nghị định 90/CP ngày 17-8-1994 "về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng".

19. Nghị định 91/CP ngày 17-8-1994 "về ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị".

20. Nghị định 94/CP ngày 25-8-1994 "về thi hành Pháp lệnh về thuế nhà đất và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về thuế nhà đất".

21. Nghị định 114/CP ngày 05-9-1994 "về thi hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất".

22. Nghị định 119/CP ngày 16-9-1994 "về quản lý sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp".

23. Nghị định 01/CP ngày 04-01-1995 "về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp nhà nước".

24. Nghị định 11/CP ngày 24-01-1995 "về thi hành Pháp lệnh quyền và nghĩa vụ các tổ chức nước ngoài thuê đất tại Việt Nam".

25. Nghị định 18/CP ngày 13-02-1995 "về ban hành bản Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất".

PHỤ LỤC 2

TÌNH HÌNH ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH (TÍNH ĐẾN THÁNG 3/1995)

STT

Tỉnh, thành phố

Bản đồ địa chính có toạ độ Nhà nước

Bản đồ 299 (xã)

Ghi chú

Khống chế toạ độ địa chính

Bản đồ địa chính (xã)

Khu đo (huyện, thị)

Diện tích (ha)

Toàn quốc

4.199.178

1.140

6.539

I

Miền núi

454.674

162

2.064

1

Hà Giang

Huyện Bắc Quang

10.300

4

64

2

Tuyên Quang

Yên Sơn, Sơn Dương

45.160

19

134

3

Cao Bằng

Hoà An, thị xã Cao Bằng

72.733

105

4

Lạng Sơn

Hữu Lũng

36.000

226

5

Lai Châu

Điện Biên

40.030

10

54

6

Lao Cai

Bảo Thắng

8.600

4

166

7

Yên Bái

Yên Bình

6.900

16

134

8

Bắc Thái

Thị xã Sông Công, Phổ Yên, Phú Bình,

thành phố Thái Nguyên

72.615

47

260

9

Sơn La

Thị xã Sơn La, 7 xã dọc quốc lộ 6

4.310

4

193

10

Hoà Bình

Lương Sơn

36.047

4

11

Quảng Ninh

Yên Hưng

31.094

12

Vĩnh Phú

Phong Châu, Đoan Hùng

60.300

48

414

13

Hà Bắc

Thị xã Bắc Ninh, Tiên Sơn, Thuận Thành

30.585

6

314

II

Đồng bằng Bắc bộ

524.938

333

1.174

14

Hà Nội

Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Từ Liêm, Sóc Sơn, nội thành vùng I

85.685

72

224

15

Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng, An Hải, An Lão

36.025

1

145

16

Hà Tây

Thường Tín, Thanh Oai, thị xã Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ

60.069

37

216

17

Hải Hưng

Kim Môn, thị xã Hải Dương, Nam Thanh

31.240

45

18

Thái Bình

Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư, thị xã Thái Bình, Hưng Hà

126.974

107

182

19

Nam Hà

Nam Ninh, Hải Hậu, Lý Nhân, Bình Lục, Xuân Thuỷ

124.235

50

290

20

Ninh Bình

Gia Viễn, Kim Sơn, Hoa Lư, thị xã Ninh Bình

58.710

21

117

III

Khu 4 cũ

644.073

237

1.492

21

Thanh Hoá

Đông Sơn, Triệu Sơn, thành phố Thanh Hoá, Quảng Xương, Hoằng Hoá

84.277

126

586

22

Nghệ An

Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thành phố Vinh

95.081

47

366

23

Hà Tĩnh

Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh

47.027

17

239

24

Quảng Bình

Quảng Trạch, Bố Trạch

343.388

34

103

25

Quảng Trị

Thị xã Đông Hà, Triệu Phong

34.000

9

87

26

Thừa Thiên - Huế

Hương Trà

40.300

4

111

IV

Duyên hải miền Trung

477.196

85

635

27

Quảng Nam - Đà Nẵng

Đại Lộc, Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng

152.614

20

179

28

Quảng Ngãi

Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi

42.686

25

112

29

Bình Định

An Nhơn, Tuy Phước

47.800

26

95

30

Phú Yên

Thị xã Tuy Hoà, huyện Tuy Hoà

120.894

10

79

31

Khánh Hoà

Ninh Hoà

113.111

4

87

32

Ninh Thuận

Ninh Phước

91.656

33

Bình Thuận

Hàm Thuận Bắc

83

V

Tây Nguyên

827.534

22

105

34

Gia Lai

Thị xã Plâycu

27.200

35

Kon Tum

Đắc Tô

196.510

36

Đắc Lắc

Krông - Ana, Krông Pắk

122.240

12

64

37

Lâm Đồng

Lâm Hà, Di Linh, thành phố Đà Lạt, Đức Trọng

481.584

10

41

VI

Đông Nam bộ

495.175

160

99

38

Đồng Nai

Long Thành, Long Khánh, Thống Nhất, thành phố Biên Hoà

161.360

41

10

39

Sông Bé

Thuận An

13.619

3

40

Tây Ninh

Tân Châu

98.517

2

80

41

Thành phố Hồ Chí Minh

Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè

50.172

90

42

Bà Rịa

Vũng Tàu, Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, thị xã Bà Rịa

171.507

24

9

VII

Đồng bằng sông Cửu Long

777.588

141

970

43

Long An

Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ, thị xã Tân An

58.141

44

Tiền Giang

Cái Bè

40.106

24

159

45

Bến Tre

Ba Tri

35.480

8

151

46

Đồng Tháp

Hồng Ngự, Cao Lãnh, thị xã Cao Lãnh

89.731

16

132

47

Vĩnh Long

Thị xã Vĩnh Long, Long Hổ - Mang Thít

39.913

23

72

48

Trà Vinh

Cầu Ngang, Trà Cú

76.065

11

49

Cần Thơ

Vị Thanh, thành phố Cần Thơ

63.476

10

84

50

Sóc Trăng

Vĩnh Châu, thị xã Sóc Trăng

51.613

30

51

An Giang

Tân Phú, An Châu, Thoại Sơn, Châu Đốc, Long Xuyên

103.027

23

137

52

Kiên Giang

Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, thị xã Rạch Giá

140.760

6

85

53

Minh Hải

Vĩnh Lợi, thị xã Bạc Liêu

79.282

20

120

* Tổng số: 132 khu đo.

* Đã đo vẽ bản đồ xong: 26 khu đo (ký hiệu chữ nghiêng).

PHỤ LỤC 3

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/CP CỦA CHÍNH PHỦ "VỀ VIỆC GIAO ĐẤT NÔNG NGHIỆP CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN SỬ DỤNG ỔN ĐỊNH LÂU DÀI VÀO MỤC ĐÍCH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP"

Nghị định số 64/CP của Chính phủ "Về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp" ban hành ngày 27 tháng 9 năm 1993, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 gồm 16 Điều, là văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đất đai đối với đất nông nghiệp. Đây là loại đất gắn bó mật thiết với đời sống kinh tế - xã hội của trên 10 triệu hộ nông dân, của sản xuất nông nghiệp và nông thôn, là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị định đã thể hiện được tinh thần cơ bản của Luật đất đai đối với đất nông nghiệp như: đất đai thuộc sở hữu toàn dân; Nhà nước thực hiện quản lý tối cao và thống nhất đối với mọi hình thức sử dụng, mọi quá trình vận động của quan hệ đất nông nghiệp; xoá bỏ tình trạng vô chủ trong quản lý sử dụng đất; quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất v.v. nhằm mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy Nghị định số 64/CP được nông dân phấn khởi đón nhận.

Các cấp, các ngành có sự nhất trí cao với Nghị định, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố nhìn chung đã kịp thời ban hành Quyết định, Chỉ thị để chỉ đạo việc thi hành Nghị định ở địa phương mình. Nghị định đã và đang góp phần tích cực đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, song có những tồn tại và phát sinh mới cần tiếp tục giải quyết để phát huy hơn nữa hiệu lực của Nghị định.

I- NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÃ LÀM VÀ KẾT QUẢ

Việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình trong cả nước đã được thực hiện từ năm 1988-1989 theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, bước đầu đã có chủ tương đối ổn định. Song từ khi Nghị định số 64/CP xác định đầy đủ, cụ thể các quyền lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình đối với ruộng đất, thì các cấp, các ngành và nông dân càng quán triệt nghiêm túc và đầy đủ hơn.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, do lịch sử về quan hệ ruộng đất và đặc điểm tình hình cụ thể ở mỗi địa phương có phần khác nhau nên việc thực hiện Nghị định số 64/CP cũng có những sắc thái riêng. Dưới đây là những công việc đã làm theo một số nội dung chính của Nghị định.

1. Về quỹ đất để giao cho hộ gia đình và để cho nhu cầu công ích xã

Các địa phương đều tập trung vào việc kiểm tra, xác định quỹ đất, các loại đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất mặt nước để giao theo các hình thức: loại giao ổn định lâu dài cho hộ, loại cho thuê, loại dùng cho nhu cầu công ích xã. Sự quan tâm nhiều ở thực tiễn là đất trồng cây hàng năm giao ổn định lâu dài cho hộ và đất công ích.

  1. Đất nông nghiệp giao cho hộ: tính phổ biến ở các địa phương là căn cứ vào hiện trạng, bảo đảm đoàn kết, ổn định nông thôn... đã được thực hiện như sau:

- Ở các tỉnh, thành phố phía Bắc (trừ một số tỉnh miền núi) và duyên hải miền Trung, phần lớn các địa phương là kế thừa việc giao khoán đất cho hộ khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã được tiến hành tương đối phù hợp với Nghị định số 64/CP, từ đó công bố việc giao đất cho hộ với thời gian, quyền lợi, nghĩa vụ, v.v. theo Nghị định số 64/CP.

Ở những nơi hiện trạng không phù hợp với Nghị định số 64/CP nhìn chung đã được các địa phương điều chỉnh lại. Đó là việc làm nghiêm túc với nhiều cố gắng, được nông dân đồng tình, như Hải Hưng, Hà Bắc, Thanh Hoá, Hà Tây... ở Hải Hưng có 151 xã (37% số xã của tỉnh) có điều chỉnh lại đất giữa các hộ; bốn huyện của Hà Bắc có 34% số hộ phải giảm bớt diện tích và 37% số hộ được nhận thêm diện tích; hai huyện của Hà Tây có 22% số hộ giảm bớt diện tích và 18% số hộ được nhận thêm diện tích;...

- Ở các tỉnh Nam bộ, một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: sau những năm giải quyết tranh chấp đòi lại đất "ông cha" do nông dân tự thương lượng có sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, căn cứ vào hiện trạng để công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân. Một số nơi có đất mới khai phá thì tiến hành giao đất cho hộ theo Nghị định số 64/CP như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải. Tại Kiên Giang, đã giao đất mới khai phá cho 3.873 hộ với 14.370 ha.

Với những cách làm trên, phần lớn các vùng, các địa phương đã thực hiện được việc giao đất nông nghiệp cho hộ theo Nghị định số 64/CP, bảo đảm ổn định, đoàn kết nông thôn, tạo cho nông dân càng thêm yên tâm, phấn khởi sử dụng đất có hiệu quả hơn.

  1. Đất dùng cho nhu cầu công ích của xã:

- Hầu hết các tỉnh ở Nam bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc đã không để được quỹ đất này. Ở một vài tỉnh có một số nơi để được, nhưng diện tích cũng rất ít do có đất "công điền" hoặc đất khai hoang, như ở Đồng Tháp có một số nơi có đất công thổ (chỉ trên 1% so với đất nông nghiệp của xã đó) đang sử dụng hợp pháp được chuyển sang làm đất công ích xã, v.v..

- Ở các tỉnh thành phố phía Bắc (trừ một số tỉnh miền núi) và duyên hải miền Trung có để được loại đất này. Trong đó:

+ Rất nhiều tỉnh để với tỉ lệ phổ biến từ 10 đến 15%, có nơi tới 20 đến 25% đất nông nghiệp, do chuyển quỹ đất vòng 2 trong việc giao khoán trước đây thành loại đất này. Ở Thái Bình quỹ đất "công" toàn tỉnh là 12,61%, trong đó: xã quản lý, sử dụng 7,18%, hợp tác xã sử dụng làm quỹ 5,35%, đoàn thể 0,08%; ở Hà Bắc 84%, trong đó có 5 huyện trên 10%... các địa phương đều đã có kế hoạch điều chỉnh loại đất này theo Nghị định số 64/CP, nhưng làm dần và thường chuyển sang "đất quy hoạch".

+ Một số nơi để với tỉ lệ theo quy định của Nghị định số 64/CP như Thanh Hoá 4,7%, Bình Thuận 5%, Quảng Nam - Đà Nẵng 4,5%, đặc biệt Hải Phòng chỉ để 1,2%.

+ Đất công ích xã ở những địa phương đã để như trên được sử dụng theo các hình thức cho thuê, đấu thầu, v.v. phần lợi ích thu được qua các hình thức này đưa vào ngân sách xã, một số nơi còn dành một phần cho quỹ hợp tác xã (Thái Bình, Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng,...).

2. Về đối tượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài

Nhìn chung, các tỉnh đều xác định khá rõ và thực hiện tốt với 2 loại đối tượng được giao đất như Điều 6 và 7 của Nghị định số 64/CP, đó là:

- Loại đối tượng là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương (kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự). Đây là đối tượng chính chiếm từ 90 đến 95% số nhân khẩu được giao đất ổn định lâu dài, trong đó có những trường hợp thời gian đầu (có thể là 1 năm đến 3 hoặc 4 năm...) chỉ được giao 30% hoặc 50% diện tích được giao do khê đọng sản phẩm, không thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, đào ngũ, trốn tù, v.v... Đó là cách làm kết hợp việc giao đất với chính sách xã hội. Hầu hết các tỉnh đều đã thực hiện: diện tích giao cho nhân khẩu của mỗi hộ được tính ổn định từ thời điểm giao đất (đẻ không thêm, chết không bớt).

- Các đối tượng khác như con của cán bộ công nhân viên, cán bộ công nhân viên nghỉ mất sức, hoặc nghỉ việc do giảm biên chế, v.v., nhìn chung các địa phương đã căn cứ vào quỹ đất, xét nhu cầu và cuộc sống của họ để giao đất cho họ sản xuất bảo đảm có lý, có tình. Đặc biệt có một số nơi hộ gia đình liệt sĩ được nhận thêm một suất đất, như Quảng Ngãi, Quảng Nam - Đà Nẵng. Tỉnh Hải Hưng đã dành 385 ha cho việc này.

- Với cán bộ công nhân viên, bộ đội nghỉ hưu hưởng trợ cấp thường xuyên: hầu hết các địa phương đã thực hiện như Nghị định số 64/CP, chỉ có một vài địa phương kiến nghị đưa đối tượng này vào diện được giao đất ổn định, lâu dài (Khánh Hoà).

3. Với người làm nông nghiệp không có hoặc quá ít đất sản xuất và người vượt hạn mức diện tích (Điều 9, 10 và 13 Nghị định số 64/CP)

Việc này xảy ra phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long:

- Hộ làm nông nghiệp không đất và quá ít đất: ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỉ lệ phổ biến từ 5 đến 7% số hộ nông dân của mỗi tỉnh. Tỉnh nhiều nhất là Đồng Tháp chiếm 19% số hộ nông dân của tỉnh, trong đó hộ không có đất là 7%. Tỉnh Sóc Trăng là 13.300 hộ bằng 7,47% hộ nông dân trong tỉnh; Tây Ninh 15.200 hộ bằng 9,48%; tỉnh Minh Hải 15% số hộ; tỉnh Trà Vinh 15.260 hộ bằng 9,4% số hộ nông dân trong tỉnh. Hộ không đất và quá ít đất do nhiều nguyên nhân, như: do chủ cũ đòi lại qua thương lượng chiếm khoảng trên 60% số hộ không đất hoặc quá ít đất. Một số hộ đã bán bớt, cầm cố hoặc bán hết đất để đi làm nghề khác hoặc đi làm thuê, trong đó đáng lưu ý là đã xảy ra đối với đồng bào Khơme Nam bộ: tỉnh Trà Vinh có 2.260 hộ Khơme bán đất, hơn 2.000 hộ cầm cố đất; tỉnh Sóc Trăng có 5.700 hộ Khơme bán đất, hơn 2.000 hộ cầm cố đất; huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) 30 hộ Khơme cầm cố đất trong tổng số 57 hộ làm việc này; xã Earra huyện Krôngana (Đắc Lắk) đồng bào dân tộc đã bán 100 ha đất; huyện Mang Yang (Gia Lai) điều tra 37 hộ dân tộc đã có 12 hộ bán 6,5 ha đất. Tình hình này lẻ tẻ cũng diễn ra ở một số nơi khác như: Đồng Nai, An Giang, Long An, Minh Hải... Những hộ không có đất hoặc quá ít đất đã tìm việc khác làm ăn sinh sống, song chủ yếu là đi làm thuê (trên dưới 70% số hộ này, ở Minh Hải là 79%). Nhìn chung cuộc sống của họ là khó khăn, không ổn định, đáng lưu ý là những năm sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro lớn như trận lụt ở đồng bằng sông Cửu Long năm 1994 thì hộ sống bằng nghề đi làm thuê rất điêu đứng.

- Hộ vượt hạn mức diện tích có nhiều ở các tỉnh Nam bộ và một số nơi ở trung du, miền núi các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Phần lớn những hộ này có đất được giao hợp pháp trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 hoặc do khai hoang, vỡ hoá: Ở An Giang 3,3% số hộ có diện tích trên 3 ha, 0,4% số hộ trên 5 ha; Ở Sóc Trăng có 5,3% số hộ có trên 3 ha (hộ cao nhất 9 ha); Đồng Tháp 8,3% số hộ có trên 3 ha; Kiên Giang là 6% số hộ trên 3 ha. Đáng lưu ý là có nhiều hộ đã ép "mua" với giá rẻ, bao chiếm đất do các nông trường trả về cho chính quyền địa phương, hoặc với danh nghĩa khai hoang; diện tích của những hộ này ít nhất là 5 ha, thông thường là có 15-20 ha, có một số hộ có 60 ha, cá biệt có hộ 100 ha. Nhiều hộ có diện tích vượt hạn mức không muốn nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không kê khai ruộng đất chính xác) để trốn lậu thuế phụ thu; có người còn kiến nghị Nhà nước tăng mức hạn điền.

Đánh giá chung

Sau hơn một năm thực hiện Nghị định số 64/CP với các việc đã làm được nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc ổn định và tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên các lĩnh vực sau:

- Nhìn chung trong phạm vi cả nước, về cơ bản đất đang dùng vào sản xuất nông nghiệp đã được giao cho hàng triệu hộ nông dân, từng thửa ruộng đã có chủ sử dụng cụ thể, mỗi hộ gia đình đã tự chủ sản xuất trên diện tích được giao gắn với những quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể. Đó còn là điều kiện quan trọng hàng đầu khẳng định và phát huy tính tự chủ của kinh tế hộ; đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của hợp tác xã trước đây, phát triển các hình thức hợp tác xã mới với nhiều nội dung, hình thức và quy mô khác nhau v.v. góp phần rất quan trọng để đổi mới kinh tế nông nghiệp và cải biến cơ cấu kinh tế nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, nhất là sản xuất lương thực, mà qua thử thách của năm 1994, mặc dù gặp thiên tai lớn nhưng vẫn đạt 26 triệu tấn, tăng khoảng 0,5 triệu tấn so với năm 1993, xuất khẩu gạo đạt trên 2 triệu tấn, v.v..

- Sự vận động về quan hệ đất đai trong sử dụng đất nông nghiệp đang từng bước hoà nhập vào cơ chế thị trường theo hướng sản xuất hàng hoá có sự quản lý của Nhà nước, trong đó việc thực hiện 5 quyền của hộ sử dụng đất là yếu tố quyết định của sự vận động đó, thể hiện:

Việc chuyển đổi, cho thuê, chuyển nhượng đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp đang diễn ra ở nhiều nơi bằng nhiều hình thức:

+ Ở các tỉnh, thành phố phía Bắc: nhiều nơi nông dân đã đổi ruộng cho nhau để giảm manh mún (Hà Bắc, Hải Hưng, Thanh Hoá...). Nơi cho thuê, cho mượn đất diễn ra chủ yếu ở những xã có tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển như Ninh Hiệp (Hà Nội), Đa Hội, Đồng Kỵ (Hà Bắc), Dương Liễu (Hà Tây) Trai Trang (Hải Hưng), Ý Yên (Nam Hà), v.v..

+ Ở các tỉnh, thành phố phía Nam: việc chuyển nhượng diễn ra sớm hơn và nhiều hơn, như ở An Giang trong mấy năm qua, nhất là sau Nghị định số 64/CP đã làm thủ tục cho 2.327 hộ chuyển nhượng 2.148 ha đất nông nghiệp, đó là chưa kể hàng ngàn ha nông dân tự chuyển nhượng không thông qua chính quyền. Tỉnh Cần Thơ có 925 hộ chuyển nhượng trong năm 1994 là 459 ha.

+ Rất nhiều hộ nông dân đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng như An Giang, Kiên Giang, Minh Hải, v.v.. Tỉnh Cần Thơ có 65.000 hộ đã làm việc này với diện tích thế chấp 55.000ha; Tiền Giang 1.009 hộ vay 117 tỷ đồng bằng thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sự vận động về sử dụng đất theo hướng sử dụng lợi thế các vùng sinh thái, đa dạng hoá sản phẩm phát triển sản xuất hàng hoá có hiệu quả cao trên đơn vị diện tích đang diễn ra sôi động ở nhiều nơi với nhiều loại đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đồi, mặt nước nuôi thuỷ sản):

+ Đất trồng cây lương thực thì thâm canh, phát triển giống lúa năng suất cao, lúa đặc sản. Lúa lai trong cả nước từ 11.000 ha năm 1992 tăng 50.000 ha trong vụ xuân năm 1993-1994. Thái Bình đã cấy gần 3.000 ha lúa đặc sản năm 1994, nhiều tỉnh miền Nam mở rộng diện tích cấy lúa thơm để xuất khẩu.

+ Đất dốc được phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp thay cho sắn, lúa nương, như: Lục Ngạn (Hà Bắc) có 2.200 ha vải thiều, trong đó riêng năm 1994 đã trồng trên 500 ha ở vùng đất đồi; tỉnh Đắc Lắc chuyển trên 7.000 ha lúa và ngô nương sang trồng cà phê, v.v..

+ Đất trồng một vụ lúa hoặc đất nhiễm mặn được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản: Hà Bắc 830 ha đất một vụ lúa chiêm đã chuyển sang nuôi cá; Bến Tre chuyển trên 900 ha đất lúa nhiễm mặn sang nuôi thuỷ sản, v.v..

- Qua việc giao đất nhiều địa phương đã nắm vững hơn được quỹ đất đai, nhân khẩu, nợ nần làm cơ sở cho việc quản lý kinh tế - xã hội của địa phương đi dần vào nền nếp.

Quá trình đo đạc, kiểm tra (dù là bước đầu) quỹ đất để giao cho hộ, ở từng địa phương đã phát hiện được diện tích tăng hoặc giảm do những biến động trước đây: tại Hà Bắc có 321 hợp tác xã diện tích giảm so với sổ sách là 1.027 ha, 147 hợp tác xã diện tích tăng 622 ha; ở Hải Hưng, có 243 xã (56% số xã của tỉnh) diện tích giảm 2.088 ha, 42 xã diện tích tăng 133 ha; huyện Tam Nông (Đồng Tháp) phát hiện trên 1.000 ha bao chiếm trong gần 8.000 ha khai hoang, v.v..

Việc kê khai rà soát các đối tượng giao đất đã giúp địa phương nắm chắc hơn nhân khẩu như ở Hà Bắc trong 306 hợp tác xã đã tăng lên 30.837 khẩu so với sổ sách hiện có, trong đó đẻ không khai sinh 20.044 cháu, trở về sinh sống ở địa phương không đăng ký hộ khẩu 7.079 người; ở Hải Hưng đã phát hiện 53.330 trường hợp sinh đẻ ngoài kế hoạch (từ 3-5 con); 4.863 trường hợp bộ đội đào ngũ; 27.557 trường hợp không có đăng ký hộ khẩu tại xã, v.v..

Nhiều địa phương đã kết hợp việc giao đất với thu nợ khê đọng sản phẩm bảo đảm phù hợp với từng đối tượng nợ và công bằng xã hội ở nông thôn. Hải Hưng thu được gần 3 vạn tấn lúa, bằng 29% số thóc nợ; Hà Tây trên 1 vạn tấn, bằng 34% số thóc nợ, v.v..

- Việc tranh chấp đất đai trên diện rộng, nung nấu xung đột và bùng nổ như trước đây đã giảm hẳn, giải quyết được nhiều vụ tranh chấp đất đai, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế nông thôn. Trước khi Luật đất đai năm 1993, chỉ trong 4 năm đã có 20 vạn vụ tranh chấp đất đai, bình quân 5 vạn vụ/năm, đã làm cho 24 người chết, gần 100 người bị thương, 200 nóc nhà bị đốt cháy, hàng trăm mẫu lúa và hàng vạn cây ăn trái bị phá bỏ... Nhưng sau khi có Luật đất đai, năm 1994 chỉ có khoảng 1 vạn vụ, không gây tử vong, ít thiệt hại tài sản... Tỉnh có nhiều vụ khiếu nại nhất là Đồng Tháp: 4.485 vụ, trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh: 465 vụ, của huyện 1.215 vụ, và thuộc thẩm quyền giải quyết của xã là: 2.805 vụ.

II- NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI VÀ MỚI PHÁT SINH CẦN TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT

1. Việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình sử dụng ổn định lâu dài đã đạt kết quả về nhiều mặt như đã nêu ở phần trên, tuy nhiên vẫn còn có những nơi làm chậm, một số nơi đã giao nhưng chưa phù hợp với Nghị định số 64/CP, hoặc lại phát sinh việc mới.

Tổng hợp báo cáo của 44 tỉnh, thành phố, hiện vẫn còn 19,3% số hộ gia đình chưa được giao đất theo Nghị định số 64/CP với số diện tích là 30% so với đất nông nghiệp, trong đó nếu trừ đất công ích xã (5%) và đất không thể giao được (khoảng từ 1-2%) thì vẫn còn khoảng trên 20% diện tích đất nông nghiệp cần phải giao tiếp cho hộ. Hiện trạng đó như sau:

- Có những nơi còn chờ đợi quy hoạch đô thị, đường giao thông nên chưa giao đất cho hộ, như 33 xã của Hà Nội; 18 xã của Thành phố Hồ Chí Minh; 7 xã của thị xã Hà Đông; 2 xã của thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam - Đà Nẵng), v.v..

- Trong số hộ có đất xâm canh (ở Nam bộ) có những hộ không khai báo với chính quyền nơi thường trú để xác định diện tích giao và cấp giấy cho họ.

- Đất trống, đất hoang hoá được xác định để sản xuất nông nghiệp nhiều nơi chưa tổ chức giao được cho hộ.

- Đối với đất dành cho nhu cầu công ích xã:

+ Nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc để đất dành cho nhu cầu công ích xã không đúng quy định của Nghị định số 64/CP, phổ biến là từ 10-15%, có nơi 20-25% đã làm giảm quỹ đất giao ổn định lâu dài cho hộ.

Ở các tỉnh Nam bộ, một số địa phương đang có ý định để đất công ích từ đất sẽ được khai hoang phục hoá trong thời gian tới.

2. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp tiến hành chậm so với mong muốn của nông dân và yêu cầu quản lý đất đai của Nhà nước, đã hạn chế việc thực hiện 5 quyền sử dụng đất của hộ nông dân. Sự chậm trễ này do nhiều nguyên nhân, như không đủ lực lượng để thực hiện, lãnh đạo chưa quan tâm, kinh phí còn hạn chế, v.v..

3. Số hộ làm nông nghiệp không đất hoặc quá ít đất sản xuất nông nghiệp hiện có ở đồng bằng sông Cửu Long đang là mối quan tâm của nhiều cấp, nhiều người, cần có giải pháp thích hợp với từng đối tượng nhằm thực hiện tốt giữa phát triển và công bằng xã hội. Bên cạnh hiện trạng này những hộ vượt hạn mức sử dụng đất, nhưng không khai báo nhằm trốn lậu thuế bổ sung dưới nhiều hình thức, đã vi phạm chính sách điều tiết thu nhập xã hội của Nhà nước.

4. Sự vận động về quan hệ, và về sử dụng đất nông nghiệp đang phù hợp với cơ chế đổi mới của đất nước; cần khẳng định và tạo điều kiện cho sự vận động đó tiếp tục phát huy, song cũng chính từ đó đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết như:

- Các văn bản cần thiết cho sự vận động của 5 quyền sử dụng đất chưa được ban hành.

- Các xu thế thay đổi mục đích sử dụng đất để có hiệu quả cao của hộ nông dân đang diễn ra rất nhanh, đòi hỏi phải có sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất. Trong đó có tình hình là việc chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản, như Đầm Dơi (Minh Hải) đã chuyển 16.000 ha đất lúa sang nuôi tôm; tỉnh Đồng Tháp dự kiến tăng 10.000 ha vườn từ đất lúa; tỉnh Hà Bắc đã chuyển 830 ha đất lúa 1 vụ sang nuôi cá; 2 huyện Tứ Lộc và Nam Thanh (Hải Hưng) đã chuyển 2.100 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và nuôi cá. Tỉnh Thanh Hoá đã chuyển diện tích trồng lúa năng suất bấp bênh sang nuôi tôm, cá ở các xã Hoằng Phụ (Hoằng Hoá) 80 ha, Quảng Đông (Quảng Xương) 16 ha, 5 xã thuộc huyện Hà Trung hơn 100 ha... Sự chuyển dịch này thực chất là sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi chứ không phải chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác ngoài sản xuất nông nghiệp và đã được cấp có thẩm quyền huyện, tỉnh cho phép là đúng hướng. Nhưng ở một số nơi thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã tự phát chuyển hơn 1.000 ha từ ruộng lúa sang vượt liếp làm vườn trồng cây ăn quả nhưng chính quyền địa phương không nắm hết và chưa có ý kiến rõ ràng. Việc phát triển các khu dân cư mới ở ven đô thị, ven đường giao thông lấy từ đất lúa đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có những trường hợp không được cấp có thẩm quyền cho phép. Việc chuyển diện tích đất lúa được tưới tiêu nước chủ động sang trồng cây khác và làm mục đích khác không đúng quy hoạch, không được cấp thẩm quyền cho phép là việc làm trái quy định của Luật đất đai.

Trước tình hình trên, cần khẩn trương quy hoạch, kế hoạch cụ thể về sử dụng đất đối với từng vùng, từng địa phương và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt để một mặt vừa đa dạng hoá sản phẩm cây trồng vật nuôi và tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội mặt khác phải bảo vệ đất nông nghiệp, nhất là đất lúa nhằm bảo đảm chương trình an toàn lương thực quốc gia và phát triển sản xuất nông nghiệp, trong điều kiện nước ta có quỹ đất nông nghiệp tính theo đầu người rất thấp.

III- NHỮNG VIỆC CẦN KHẨN TRƯƠNG LÀM TIẾP

Để phát huy nhanh chóng, đầy đủ vai trò tích cực và tác dụng to lớn của Nghị định số 64/CP còn nhiều việc phải làm khẩn trương, bao gồm:

1. Sớm ban hành các văn bản pháp quy đồng bộ và hoàn chỉnh như:

- Văn bản quy định chi tiết việc thực hiện 5 quyền của người sử dụng đất;

- Chính sách đối với người sinh sống bằng nông nghiệp ở nông thôn mà không có đất hoặc quá ít đất;

- Có chủ trương hoàn thành sớm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

2. Phấn đấu hoàn thành dứt điểm trong năm 1995 việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

3. Phấn đấu để trong 3-4 năm nữa hoàn thành căn bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Khi chưa cấp được giấy chính thức thì phải có cơ chế phù hợp để người sử dụng đất thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

4. Những nơi đã để đất dành cho nhu cầu công ích xã vượt quá 5% diện tích đất nông nghiệp thì phải tiếp tục xử lý đưa phần vượt vào quỹ đất chung để giao cho hộ gia đình, cá nhân đúng đối tượng sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; những nơi để đúng tỷ lệ quy định nhưng lại dồn hết vào đất trồng cây hàng năm thì cũng phải điều chỉnh lại cho hợp lý.

5. Tìm mọi biện pháp tích cực để tạo cho người sinh sống bằng nông nghiệp có đất để sản xuất, như khai hoang mở rộng diện tích tại chỗ, chuyển dân đi xây dựng vùng kinh tế mới; đồng thời phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để thu hút người không có đất hoặc quá ít đất có việc làm, có thu nhập để bảo đảm cuộc sống.

6. Có giải pháp hợp lý đối với diện tích vượt hạn mức:

- Những hộ có diện tích vượt hạn mức mà phần vượt không hợp pháp hoặc đem phát canh thu tô thì phải xử lý theo luật định;

- Những hộ có diện tích vượt mức nhưng chưa kê khai đủ thì nay phải tổ chức kê khai hết và nộp đủ thuế bổ sung theo luật định.

7. Sớm xác định quy hoạch đất đai vùng ven đô, ven các trục giao thông chính để khắc phục nhanh chóng tình trạng tranh chấp và sử dụng sai mục đích của đất đai.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện để thúc đẩy nhanh việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 64/CP.

Phải triển khai khẩn trương việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phù hợp yêu cầu tình hình mới để góp phần tích cực vào việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm việc quản lý, sử dụng đất theo đúng pháp luật.

GIAO ĐẤT THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/CP VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT (ĐẾN 15 THÁNG 3 NĂM 1995)

Số TT

Đơn vị hành chính

Tổng số xã

Tổng số hộ nông dân

Số xã đã giao đất

Số hộ đã giao đất

Diện tích đất nông nghiệp đã giao

Đã cấp giấy chứng nhận

Số xã

%

Số hộ

%

Diện tích (ha)

% so với đất nông nghiệp 93

Số hộ

%

Diện tích (ha)

% so với đất nông nghiệp 93

Toàn quốc

9.228

12.147.767

6.131

66,43

7.941.341

65,35

4.129.613

56,20

3.805.943

31,33

2.856.788

38,87

I

Miền núi - Trung du

2.745

1.954.896

1.710

62,29

1.469.347

74,16

651.418

50,38

882.990

4.516

4.08.249

31,57

1

Hà Giang

169

97.200

60

35,50

35.243

36,26

77.914

59,73

28.335

29,15

19.051

14,60

2

Tuyên Quang

142

99.068

108

76,05

91.235

92,10

45.393

63,91

16.000

16,15

12.000

16,89

3

Cao Bằng

220

86.000

56

25,45

17.737

20,62

12.874

17,65

17.737

20,62

24.770

33,96

4

Lạng Sơn

220

95.000

191

86,82

72.826

76,65

65.000

77,10

72.826

76,65

65.000

77,10

5

Lai Châu

148

64.000

10

6,75

16.750

26,17

6.700

6,10

110

0,17

490

0,45

6

Lào Cai

170

72.000

67

39,41

11.587

16,10

21.789

26,97

3.000

4,17

3.854

4,77

7

Yên Bái

168

89.459

149

88,70

80.600

90,10

17.254

22,10

4.097

4,58

1.595

2,04

8

Bắc Thái

238

175.903

238

100,00

175.903

100,00

74.162

99,14

154.300

87,72

85.702

100,00

9

Sơn La

191

100.000

39

20,41

23.260

23,26

29.383

16,85

18.420

18,42

31.418

18,01

10

Hoà Bình

205

105.574

205

100,00

98.166

92,98

57.949

80,34

52.720

49,94

31.496

43,66

11

Quảng Ninh

147

80.000

6.008

7,51

500

0,87

12

Vĩnh Phú

399

426.756

259

64,91

393.901

92,30

118.697

84,67

131.589

30,83

31.692

22,61

13

Hà Bắc

328

463.936

328

100,00

452.139

97,46

124.303

84,73

377.848

81,44

100.681

68,63

II

Đồng bằng Bắc bộ

1.760

2.764.367

1.581

89,83

2.502.310

90,54

583.963

80,95

383.215

13,86

89.420

12,39

14

Hà Nội

140

170.000

33.230

19,54

1.270

2,87

15

Hải Phòng

170

271.069

165

97,05

271.069

100,00

57.329

84,23

62.000

22,87

13.734

2.017

16

Hà Tây

311

472.364

297

95,50

406.529

86,06

97.052

78,15

228.937

48,46

50.393

40,57

17

Hải Hưng

413

623.744

397

96,12

623.744

100,00

130.825

82,43

13.000

2,08

13.000

8,20

18

Thái Bình

280

451.507

280

100,00

434.285

96,18

96.279

92,47

11.565

2,56

678

0,65

19

Nam Hà

320

609.683

320

100,00

600.683

98,52

148.189

93,68

24.570

4,03

7.471

4,72

20

Ninh Bình

126

166.000

122

96,82

166.000

100,00

54.289

84,96

9.913

5,97

2.874

4,50

III

Khu 4 cũ

1.693

1.664.391

1.399

82,63

1.409.090

84,66

480.488

69,33

571.524

34,34

174.657

25,20

21

Thanh Hoá

610

589.945

610

100,00

589.945

100,00

185.887

76,46

374.216

63,43

128.302

52,78

22

Nghệ An

443

454.225

357

80,58

385.107

84,78

133.596

74,62

87.000

19,15

25.320

14,14

23

Hà Tĩnh

252

226.557

202

80,15

190.081

83,89

82.133

78,14

10.595

4,67

4.473

4,25

24

Quảng Bình

139

154.608

94

67,62

91.216

58,99

33.235

56,12

64.744

41,87

3.582

6,04

25

Quảng Trị

122

76.093

37

30,33

69.079

90,78

11.894

19,98

12.513

16,44

11.637

19,55

26

Thừa Thiên - Huế

127

162.963

99

77,95

83.662

51,33

33.743

71,69

22.456

13,78

1.343

2,85

IV

Duyên Hải Miền Trung

858

1.191.957

433

50,46

673.432

56,50

274.673

51,51

150.828

12,65

74.564

13,98

27

Quảng Nam - Đà Nẵng

216

266.900

71

11,52

213.823

80,11

71.008

62,67

12.259

4,59

21.803

19,24

28

Quảng Ngãi

165

238.880

73

44,24

122.512

51,28

43.803

50,93

11.256

4,71

3.126

3,63

29

Bình Định

136

280.831

99

72,79

174.373

62,10

59.003

60,27

26.158

9,31

10.168

10,38

30

Phú Yên

88

175.717

2

2,27

411

0,24

113

0,19

29.453

16,76

5.244

8,75

31

Khánh Hoà

111

83.888

54

48,64

46.993

56,01

24.439

46,52

15.993

19,06

6.419

12,21

32

Ninh Thuận

43

52.153

35

81,39

21.732

41,67

9.000

25,65

21.732

41,67

8.013

22,84

33

Bình Thuận

99

93.588

99

100,00

93.588

100,00

67.307

76,03

33.977

36,30

19.791

2.235

V

Tây Nguyên

495

435.789

91

18,38

290.930

66,75

225.171

39,31

149.398

3.428

124.028

21,65

34

Gia Lai

147

95.000

7.752

8,16

3.500

1,92

35

Kon Tum

70

35.000

2.260

6,45

5.800

5,38

36

Đắc Lắc

168

168.846

61

36,30

168.436

99,75

123.171

68,38

123.093

72,90

100.553

45,82

37

Lâm Đồng

110

136.943

30

27,27

122.494

89,44

102.000

99,03

16.293

11,89

14.175

13,76

VI

Đông Nam bộ

453

1.498.249

100

22,07

85.455

5,73

78.670

8,39

224.835

15,09

381.495

40,70

38

Đồng Nai

99

128.600

47.750

37,13

89.901

34,74

39

Sông Bé

132

222.496

57.392

25,80

200.000

69,57

40

Tây Ninh

80

177.975

9.323

4,48

75.485

42,41

61.510

29,57

41

Thành phố Hồ Chí Minh

100

724.940

100

100,00

85.455

11,78

69.347

75,32

37.168

5,12

19.181

20,83

42

Bà Rịa - Vũng Tàu

42

235.238

7.040

2,99

10.903

11,99

VII

Đồng bằng sông Cửu Long

1.224

2.647.118

817

66,75

1.510.777

57,07

1.835.230

70,64

1.293.755

48,87

1.604.375

61,75

43

Long An

184

217.167

191.466

88,16

194.078

81,85

44

Tiền Giang

145

242.651

61

42,06

232.778

96,93

165.000

97,60

31.583

13,00

20.000

11,83

45

Bến Tre

148

188.000

58

39,19

120.800

64,25

105.896

69,39

54.086

28,77

68.970

45,19

46

Đồng Tháp

122

259.164

113

92,62

203.208

78,40

161.377

75,99

161.564

62,34

161.000

75,82

47

Vĩnh Long

67

234.298

53

79,10

66.723

28.48

44.683

38,05

87.086

37,16

45.150

38,45

48

Trà Vinh

69

174.116

69

100,00

57.661

33,11

124.035

77,78

61.263

35,18

61.597

38,62

49

Cần Thơ

79

301.926

79

100,00

194.698

64,48

247.117

100,00

126.194

41,79

118.166

48,33

50

Sóc Trăng

88

187.650

74

84,10

83.216

44,34

218.621

90,67

93.479

49,81

103.000

42,72

51

An Giang

130

346.218

130

100,00

218.590

63,13

193.027

79,82

219.259

63,33

193.503

80,02

52

Kiên Giang

86

185.928

75

87,21

114.659

61,66

241.254

84,17

111.663

60,05

241.254

84,17

53

Minh Hải

106

310.000

105

99,05

218.444

70,46

334.220

62,37

156.112

50,35

397.657

74,21

PHỤ LỤC 4

HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 1993 VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG

  1. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 1993:

Việt Nam có diện tích tự nhiên 33.091.093 ha, xếp thứ 55 trong tổng số trên 200 nước của thế giới, là nước có quy mô diện tích thuộc loại trung bình nhưng vì có số dân đông (xếp hạng thứ 12 trên thế giới) nên diện tích đất tự nhiên bình quân đầu người vào loại thấp (đứng thứ 120) với mức 0.48 ha/người (bằng 1/6 mức bình quân của thế giới).

Đất đang sử dụng vào các mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, đất chuyên dùng và đất khu dân cư là: 18.881.248 ha chiếm 57,04% tổng quỹ đất, còn đất chưa sử dụng là: 14.217.845 ha chiếm 42,96% tổng quỹ đất và phân bố cụ thể ở các vùng theo Biểu 1.

Biểu 1: Hiện trạng sử dụng đất đến năm 1993

Vùng

Đất đang sử dụng

Đất chưa sử dụng

Diện tích (ha)

% so với diện tích tự nhiên vùng

% so với đất đang sử dụng cả nước

Diện tích (ha)

% so với diện tích tự nhiên vùng

% so với đất chưa sử dụng cả nước

Toàn quốc

18.881.248

57,04

100,00

14.217.845

42,96

100,00

Miền núi, trung du Bắc bộ

3.736.907

36,29

19,79

6.559.157

63,71

46,13

Đồng bằng Bắc bộ

1.031.983

82,48

5,47

219.184

17,52

1,54

Khu 4 cũ

2.791.242

54,54

14,78

2.326.235

45,46

16,36

Duyên hải miền Trung

2.445.638

54,12

12,95

2.073.011

45,88

14,58

Tây Nguyên

4.008.201

71,42

21,23

1.603.722

28,58

11,28

Đông Nam bộ

1.737.956

74,05

9,20

608.939

25,95

4,28

Đồng bằng sông Cửu Long

3.129.321

79,08

16,57

827.597

20,92

5,82

1. Đất đang dùng vào nông nghiệp:

Cả nước có 7.348.400 ha đất nông nghiệp chiếm 38,92% đất đang sử dụng và 20,20% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc. Trong đó có 5.523.900 ha đất trồng cây hàng năm và 1.247.200 ha đất trồng cây lâu năm.

Bình quân đất nông nghiệp tính theo đầu người đã giảm từ 1.084 m2 (năm 1985) xuống còn 1.052 m2 (năm 1993).

Diện tích đất trồng trọt giảm ở thời kỳ 1985-1990 là 36,6 ngàn ha và tăng mỗi năm gần 13 vạn ha thời kỳ sau 1990.

Có sự biến động về cơ cấu đất nông nghiệp theo hướng tỷ trọng đất trồng cây hàng năm giảm dần từ 80,9% (1985) xuống còn 75,2% (1993) và tỷ trọng đất trồng cây lâu năm tăng dần từ 11,6% (1985) lên 17,0 % (1993) (Biểu 2).

Hệ số sử dụng đất trồng cây hàng năm 1,40 lần (1985) lên 1,52 lần (1990) và 1,58 lần (1993). Năm 1993 mặc dù đất canh tác ít hơn năm 1985 là 92 ngàn ha, nhưng diện tích gieo trồng vẫn nhiều hơn 865,7 ngàn ha.

Biểu 2: Diện tích, cơ cấu và biến động đất nông nghiệp

Đơn vị: 1000ha; %

1985

1990

1992

Biến động

1985-1990

1990-1992

1985-1992

DT

%

DT

%

DT

%

DT

%

DT

%

DT

%

Đất nông nghiệp

6942,2

100

6993,2

100

7348,4

100,0

+51,0

+355,2

+406,2

Đất trồng trọt

6420,7

92,5

6384,1

91,3

6771,1

92,2

-36,6

-1,2

+387,0

+0,8

+350,4

-0,3

1. Đất trồng cây hàng năm

5615,9

80,9

5339,0

76,3

5523,9

75,2

-276,9

-4,6

+184,9

-1,1

-92,0

-5,7

Trong đó: Đất trồng lúa

4296,6

61,9

4108,8

58,6

4252,1

57,8

-187,8

-3,3

+143,3

-0,8

-44,5

-4,1

2. Đất trồng cây lâu năm

804,8

11,6

1045,1

14,9

1247,2

17,0

+240,3

+3,3

+202,1

+2,1

+442,4

+5,4

3. Đất cỏ dùng cho chăn nuôi

328,8

4,7

342,3

4,9

304,2

4,1

+13,5

+0,8

-38,1

-0,8

-24,6

-0,6

4. Mặt nước nông nghiệp

169,7

2,4

266,8

3,8

273,1

3,7

+97,1

+1,4

+6,3

-0,1

+103,4

+1,3

Biểu 3: Tình hình sử dụng đất trồng cây hàng năm

Đơn vị

1985

1990

1993

Diện tích đất canh tác

1000 ha

5615,90

5339,00

5523,90

Diện tích gieo trồng

1000 ha

7840,30

8101,50

8706,00

Hệ số sử dụng đất

lần/năm

1,40

1,52

1,58

Năng suất lúa

tạ/ha

27,80

31,90

34,30

2. Đất lâm nghiệp:

Cả nước có 9641,1 ngàn ha đất có rừng (8.841,7 ngàn ha rừng tự nhiên và 799,4 ngàn ha rừng trồng) chiếm 51,06% đất đang sử dụng và 29,12% tổng diện tích tự nhiên cả nước (Biểu 4).

Diện tích rừng hiện còn là không đủ để bảo vệ môi sinh tự nhiên của cả nước, càng không đủ để đáp ứng mọi nhu cầu về lâm sản của nền kinh tế quốc dân.

Cơ cấu sử dụng đất không hợp lý, đặc biệt tại các vùng trung du miền núi phía Bắc tỷ lệ rừng còn lại rất thấp, có những tỉnh như Sơn La, Lai Châu độ che phủ của rừng chỉ còn 10,7% và 10,2% diện tích tự nhiên, trong khi cơ cấu hợp lý đòi hỏi phải là 40-50%.

Diện tích rừng cả nước năm 1993 so với năm 1990 ít biến động, những vùng đồng bằng sông Cửu Long diện tích rừng đã giảm từ 384,6 ngàn ha xuống còn 178 ngàn ha, đặc biệt là rừng tự nhiên giảm mất 3/4 từ 241,5 ngàn ha (1990) xuống còn 62,9 ngàn ha (1993) do bị cháy và bị chặt phá để nuôi trồng thuỷ sản.

Rừng đang bị suy giảm cả về chất lượng và số lượng. Hàng năm khoảng 100.000 ha rừng bị mất đi do sức ép về lương thực ở miền núi phải phá rừng làm nương rẫy, do cháy rừng và do khai hoang trồng cây công nghiệp không đúng quy hoạch. Chất lượng rừng giảm sút do chặt phá bừa bãi khai thác quá mức cho phép.

Tốc độ trồng rừng chậm, sản lượng rừng trồng thấp. Mỗi năm cả nước mới trồng được 120.000 ha rừng tập trung và 400 triệu cây phân tán, với tốc độ này cần 80 năm nữa mới phủ xanh hết đồi núi trọc. Sản lượng rừng trồng nhiều nơi sau 10 năm chỉ đạt 50 m3/ha.

Từ 1990 đến nay diện tích rừng đã bắt đầu tăng dần với tốc độ 82.000 ha/năm.

Biểu 4. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng 1993

Đơn vị: 1000 ha

Cả nước

Miền núi và trung du Bắc bộ

Đồng bằng sông Hồng

Khu 4 cũ

Duyên hải miền Trung

Tây Nguyên

Đông Nam bộ

Đồng bằng sông Cửu Long

Diện tích tự nhiên

33099,1

10296,1

1251,2

5117,5

4518,6

5611,9

2346,9

3956,9

Đất lâm nghiệp có rừng

9641,1

2004,2

52,2

1868,0

1717,1

3294,0

527,6

178,0

% số diện tích tự nhiên

29,12

19,46

4,17

36,50

38,0

58,69

22,48

4,50

Rừng tự nhiên

8841,7

1714,0

20,5

1692,3

1640,4

3257,4

454,2

62,9

Rừng trồng

799,4

290,2

31,7

175,7

76,7

36,6

73,4

115,1

3. Đất chuyên dùng:

Cả nước có 1.117.700 ha đất chuyên dùng chiếm 3,38% diện tích đất tự nhiên và 5,92% diện tích đất đang sử dụng. Diện tích đất chuyên dùng của các vùng đều có xu hướng tăng và lấy chủ yếu vào đất nông nghiệp (Biểu 5).

Biểu 5. Biến động về diện tích của đất chuyên dùng

Đơn vị 1000 ha; %

1985

1990

1993

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Cả nước

766,8

2,32

972,1

2,94

1117,7

3,38

Miền núi và trung du Bắc bộ

179,3

1,82

212,1

2,16

229,7

2,23

Đồng bằng Bắc bộ

162,8

9,39

187,6

10,82

175,9

14,06

Khu 4 cũ

127,6

2,49

151,0

2,95

161,0

3,15

Duyên hải miền Trung

109,8

2,44

130,6

2,85

134,2

2,97

Tây Nguyên

42,5

0,76

46,9

0,84

83,8

1,49

Đông Nam bộ

42,6

1,82

88,7

3,78

146,9

6,26

Đồng bằng sông Cửu Long

102,2

2,57

155,2

3,92

186,2

4,70

4. Đất khu dân cư:

Cả nước có 774.000 ha đất khu dân cư, chiếm 4,1% diện tích đất đang sử dụng và chiếm 2,34% diện tích đất tự nhiên (Biểu 6).

Từ năm 1990 đến nay do cách tính thuế đất nông nghiệp và đất ở có sự chênh lệch, hơn nữa ở nông thôn đang tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các phần đất nông nghiệp (ao, vườn, ...) và đất chuyên dùng (đường sá...) đã được bóc tách ra khỏi đất ở nông thôn. Do vậy số liệu thống kê tuy phản ánh đất khu dân cư chính xác hơn nhưng chưa lượng hoá được xu hướng biến động. Đất khu dân cư về số liệu thống kê giảm mạnh ở các vùng đông dân như: đồng bằng sông Hồng, (+) đồng bằng sông Cửu Long, khu 4 cũ, do đó số liệu thống kê đất khu dân cư của cả nước giảm.

Biểu 6: Biến động về diện tích của đất khu dân cư

Đơn vị: 1000 ha; %

1985

1990

1993

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Cả nước

855,7

2,59

817,7

2,47

774,0

2,34

Miền núi và trung du Bắc bộ

185,9

1,89

199,1

2,03

210,0

2,04

Đồng bằng Bắc bộ

135,7

7,83

111,3

6,42

82,5

6,59

Khu 4 cũ

101,5

1,98

80,2

1,57

69,2

1,35

Duyên hải miền Trung

105,5

2,34

66,2

1,44

61,1

1,35

Tây Nguyên

49,4

0,89

52,8

0,95

57,7

1,03

Đông Nam bộ

101,9

4,34

104,4

4,44

126,2

5,38

Đồng bằng sông Cửu Long

175,7

4,43

203,7

5,14

167,3

4,23

5. Đất chưa sử dụng:

Cả nước còn 14.217.800 ha đất chưa sử dụng, trong đó riêng đất đồi núi 10.402.800 ha chiếm 73,17% đất chưa sử dụng và chiếm 31,43% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc.

Diện tích đất chưa sử dụng tập trung chủ yếu ở miền núi và trung du Bắc bộ chiếm 46,13% đất chưa sử dụng cả nước, tiếp đó là khu 4 cũ chiếm 15,73%, duyên hải miền Trung 14,58%, Tây Nguyên 11,28% (Biểu 7).

(+) Đồng bằng sông Hồng đất khu dân cư giảm (do trong công tác thống kê), Hoà Bình được tách ra thành tỉnh riêng không nằm trong vùng như tỉnh Hà Sơn Bình trước đây.

Biểu 7: Biến động về diện tích của đất chưa sử dụng

Đơn vị: 1000 ha; %

1985

1990

1993

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Diện tích

Tỷ lệ so diện tích tự nhiên

Cả nước

14827,7

44,08

14924,8

45,08

14217,8

42,96

Miền núi và trung du Bắc bộ

6306,1

64,28

6459,6

65,87

6559,2

63,71

Đồng bằng Bắc bộ

395,7

22,84

394,4

22,75

219,2

17,52

Khu 4 cũ

2448,1

47,82

2465,3

48,17

2326,2

45,46

Duyên hải miền Trung

2299,0

51,02

2366,8

51,65

2073,0

45,88

Tây Nguyên

1692,9

30,46

1675,6

30,15

1603,7

20,58

Đông Nam bộ

779,5

33,24

777,5

33,11

608,9

25,94

Đồng bằng sông Cửu Long

906,4

22,85

785,6

19,85

827,6

20,92

6. Biến động sử dụng đất:

So với năm 1990 thì tổng diện tích đất đang sử dụng của năm 1993 tăng thêm trên 700 ngàn ha: Miền núi trung du Bắc bộ tăng 70 nghìn ha, khu 4 cũ tăng 139 nghìn ha, Tây Nguyên tăng 127 nghìn ha, duyên hải miền Trung tăng 230 nghìn ha, Đông Nam bộ tăng 167 nghìn ha, đồng bằng Bắc bộ tăng 9 nghìn ha, còn đồng bằng sông Cửu Long giảm 42 nghìn ha do rừng tự nhiên giảm mạnh mặc dù đất nông nghiệp và đất chuyên dùng có tăng.

Đất nông nghiệp tăng 335 nghìn ha tập trung ở 3 vùng là Tây Nguyên (127 nghìn ha), Đông Nam bộ (132 nghìn ha), đồng bằng sông Cửu Long (133 nghìn ha), 4 vùng còn lại diện tích đất nông nghiệp giảm. Đất nông nghiệp tăng: cả đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm. Qua 3 năm 1990 - 1993 diện tích đất trồng cây lâu năm tăng trên 200 nghìn ha, riêng Đông Nam bộ tăng 126 nghìn ha, Tây Nguyên tăng 72 nghìn ha. Đất trồng cây hàng năm tăng 185 nghìn ha, trong đó riêng đồng bằng sông Cửu Long tăng 135 nghìn ha. Trong đất trồng cây hàng năm: đất lúa tăng 144 nghìn ha, riêng đồng bằng sông Cửu Long tăng 116 nghìn ha. Đất đang dùng vào lâm nghiệp tăng 246 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên tăng 118 nghìn ha, rừng trồng tăng 128 nghìn ha. Đất chuyên dùng tăng 145 nghìn ha. Đất khu dân cư trước đây nhiều địa phương đo bao cả khu vực thổ cư lẫn một phần đất chuyên dùng và đất nông nghiệp vào đất ở. Nay do chủ trương đo tách riêng các loại đất đó ra nên số liệu diện tích đất khu dân cư trong cả nước giảm 44 nghìn ha. Đất chưa sử dụng cả nước giảm trên 700 nghìn ha.

Trong 3 năm 1990-1993 việc sử dụng quỹ đất đã có chiều hướng tích cực: đất đang sử dụng vào các mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyên dùng đều đã tăng lên đáng kể. Trong đất nông nghiệp diện tích tăng ở hầu hết các nhóm do khai hoang trồng cây lâu năm ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên, và trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Đất lâm nghiệp có chiều hướng tăng cả về khoanh nuôi rừng tự nhiên và rừng trồng. Đây là những chuyển biến tích cực, tuy mới là bước đầu trong việc sử dụng quỹ đất cần phát huy để việc sử dụng quỹ đất trong những năm tiếp theo đạt được kết quả tốt đẹp hơn.

Thực chất biến động của đất nông nghiệp thời kỳ 1985-1992:

- Đất trồng trọt 1985 : 6420,7 nghìn ha

- Tăng do khai hoang (1985-1992) : 421,7 nghìn ha

- Giảm do chuyển sang đất chuyên dùng và khu dân cư (1985-1992): 145,0 nghìn ha

- Đất trồng trọt năm 1992: 6697,4 nghìn ha.

Trong thời kỳ 1985-1992 đất chuyên dùng và đất khu dân cư tăng 38 nghìn ha/năm, trong đó lấy vào đất nông nghiệp 20,7 nghìn ha/năm chủ yếu lấy vào đất trồng cây hàng năm.

II- TIỀM NĂNG ĐẤT ĐAI VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG

1. Nước ta đất ít, người đông, dân số vẫn tiếp tục tăng với tốc độ cao, dù có tận lực khai hoang đất nông nghiệp thì bình quân đầu người vẫn vào loại thấp nhất vùng Đông Nam Á và chỉ bằng 1/3 của thế giới.

Đất chuyên dùng và đất khu dân cư ngày càng gia tăng và sẽ gây sức ép mạnh vào đất nông nghiệp.

Hệ số sử dụng đất trồng cây hàng năm hiện nay là 1,58 và còn có thể tiếp tục đưa lên cao hơn nữa.

2. Diện tích rừng còn quá ít không đủ mức để phòng hộ, rừng bị phá nhất là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái và môi trường và đã trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống xã hội. Do vậy bảo vệ được diện tích rừng hiện còn là nhiệm vụ quan trọng, nghiêm cấm khai hoang vào đất rừng.

3. Đất chưa sử dụng phần lớn là đất trống, đồi núi trọc chính là đối tượng để phát triển nông, lâm nghiệp. Số đất chưa sử dụng này phần lớn là đất dốc giao thông không thuận tiện, thiếu nguồn nước, một phần đã bị xói mòn, thoái hóa, suất đầu tư cao. Trên thực tế phần lớn số đất đai này đã từng được sử dụng nhưng không bền vững nên đã bị bỏ hoang.

Từ đó phương hướng khai thác và sử dụng tài nguyên đất là phải tận lực thâm canh tăng vụ đối với cây ngắn ngày, vừa mở rộng diện tích vừa thâm canh đối với cây dài ngày, hết sức coi trọng bảo vệ, bồi dưỡng và cải tạo đất, sử dụng đất theo quan điểm phát triển sinh thái lâu bền và bằng mọi cách phục hồi được rừng phòng hộ đầu nguồn trong thời gian ngắn nhất.

Định hướng phân bố đất đai theo quan điểm:

- Xác định đủ lâm phần cho rừng phòng hộ bảo vệ môi trường thiên nhiên và cân bằng sinh thái.

- Ưu tiên đất thuận lợi cho nông nghiệp.

- Sử dụng đất theo phương thức nông, lâm kết hợp và thâm canh ngay từ đầu.

Đối với đất nông nghiệp: sản xuất nông nghiệp phát triển trực tiếp nâng cao thu nhập và mức sống của 80% dân số cả nước, điều này có ý nghĩa to lớn về kinh tế, xã hội và chính trị. Sản xuất nông nghiệp đi vào chuyên canh kết hợp với kinh doanh tổng hợp nhằm đạt giá trị cao nhất trên một đơn vị diện tích. Thâm canh tăng vụ là chính và mở thêm diện tích ở những nơi có điều kiện. Tăng sản lượng lương thực đủ nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Tăng nhanh tỷ trọng cây công nghiệp, cây thực phẩm và chăn nuôi. Hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp và chăn nuôi kèm theo công nghiệp chế biến dành cho thị trường ngoài nước. Đầu tư mạnh vào thủy lợi để ổn định điều kiện tưới tiêu cho phần lớn diện tích canh tác, tạo cơ sở cho tăng vụ và thâm canh. Bằng các biện pháp kinh tế và pháp chế nghiêm ngặt, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất trồng lúa sang mục đích khác.

Đối với đất lâm nghiệp: tái tạo vốn rừng là nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong vài thập kỷ tới, do vậy nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng và đất rừng. Đẩy nhanh việc trồng và khoanh nuôi rừng, phủ xanh và sử dụng đất trống, đồi trọc gắn liền với phân bố lao động lên trung du, miền núi, thực hiện định canh, định cư, ổn định đời sống của các dân tộc. Mọi đất rừng đều có người làm chủ trực tiếp, kể cả rừng kinh tế, rừng phòng hộ và các khu bảo tồn thiên nhiên. Kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp, gắn với công nghiệp khai thác và chế biến kinh doanh tổng hợp đất rừng.

Đối với đất chưa sử dụng: 14,4 triệu ha đất chưa sử dụng (số liệu 1992) có thể đưa vào sản xuất nông, lâm nghiệp 12.101,7 nghìn ha như sau:

- Đất bằng : 1.077,2 nghìn ha

- Đất đồi núi : 9.997,2 nghìn ha

- Đất có mặt nước : 143,0 nghìn ha

- Đất khác: : 884,3 nghìn ha.

Trong đó có 56 đơn vị thổ nhưỡng thuộc 12 nhóm đất; mà chủ yếu là:

- Đất đỏ vàng : 8.516 nghìn ha

- Đất mùn trên núi cao : 1.655 nghìn ha

- Đất xói mòn trơ sỏi đá : 1.122 nghìn ha

- Đất bạc màu : 650 nghìn ha

- Đất phèn : 602 nghìn ha

- Đất mặn : 171 nghìn ha

- Bãi cát cồn cát : 128 nghìn ha

- Đất phù sa : 108 nghìn ha

Trên nhiều độ dốc khác nhau:

- < 8 độ có 2.485 nghìn ha

- 8-15 độ có 930 nghìn ha

- 15-25 độ có 1.362 nghìn ha

- > 25 độ có 8.351 nghìn ha.

Định hướng tổng quát sử dụng đất như sau:

Diện tích đất chưa sử dụng: 14.403,6 nghìn ha (năm 1992),

Trong đó:

Đất có khả năng nông nghiệp : 3.025,7 nghìn ha

- Lúa nước : 358,7 nghìn ha

- Cây ngắn ngày : 710,7 nghìn ha

- Cây dài ngày : 1.479,5 nghìn ha

- Đồng cỏ : 333,8 nghìn ha

- Mặt nước nuôi trồng thuỷ sản : 143,0 nghìn ha

Đất phát triển lâm nghiệp : 9.181,6 nghìn ha

(Có 972,7 nghìn ha có khả năng nông, lâm kết hợp).

- Rừng phòng hộ : 3.200 nghìn ha

- Rừng đặc dụng : 1.300 nghìn ha

- Rừng sản xuất : 4.681,6 nghìn ha

Sông, suối, núi đá trọc và sử dụng vào mục đích khác: 2.301,9 nghìn ha.

Dự kiến diện tích rừng đến khi định hình như sau:

Tổng diện tích rừng : 18,6 triệu ha

- Rừng phòng hộ : 6,0 triệu ha

- Rừng đặc dụng : 2,0 triệu ha

- Rừng sản xuất : 10,6 triệu ha

Biểu 8: Hiện trạng sử dụng đất năm 1993, tiềm năng và định hướng sử dụng đất đai

Đơn vị: 1000 ha

Tổng diện tích tự nhiên

Trong đó

Đất nông nghiệp

Đất lâm nghiệp

Đất chuyên dùng

Đất khu dân cư

Đất chưa sử dụng

Tổng số

Có khả năng nông, lâm nghiệp đã được đánh giá

Đất chưa sử dụng còn lại

Tổng số

Trong đó

Nông nghiệp

Lâm nghiệp

Cả nước

33.111,4

7.293,5

9.524,0

1.116,3

774,0

14.403,6

12.101,7

3.025,7

9.076,0

2.301,9

Miền núi và trung du Bắc bộ

10.296,5

1.315,6

1.969,8

226,7

208,9

6.575,5

5.309,5

893,5

4.416,0

1.266,0

Đồng bằng Bắc bộ

1.251,1

720,9

54,9

173,6

82,0

219,6

98,7

54,4

44,3

120,9

Khu 4 cũ

5.118,7

705,4

1.588,0

152,3

78,9

2.594,1

2.246,4

361,8

1.884,6

347,7

Duyên hải miền Trung

4.587,6

539,3

1.622,3

133,8

60,3

2.231,9

1.978,7

277,5

1.701,2

253,2

Tây Nguyên

5.556,9

494,0

3.528,7

103,9

60,0

1.370,3

1.333,0

712,0

621,0

37,3

Đông Nam bộ

3.345,1

928,9

580,9

146,0

119,2

570,1

493,3

365,5

127,8

76,8

Đồng bằng sông Cửu Long

3.955,5

2.589,4

179,3

180,0

164,7

842,1

642,1

361,0

281,1

200,0

PHỤ LỤC 5

TÌNH HÌNH THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 1994

Năm 1994, cả nước thu được 502,6 tỷ đồng, đạt 50,2% kế hoạch Chính phủ giao. Cụ thể như sau:

Đơn vị: Triệu đồng

Số TT

Tỉnh

Mục 28 cấp quyền sử dụng đất

Số TT

Tỉnh

Mục 28 cấp quyền sử dụng đất

1

Hà Nội

121.917,0

28

Thừa Thiên - Huế

3.824,5

2

Hải Phòng

20.605,9

29

Bình Thuận

553,7

3

Thành phố Hồ Chí Minh

106.552,7

30

Đồng Nai

13.251,7

4

Bà Rịa - Vũng Tàu

24.773,0

31

Sông Bé

24.239,0

5

Hà Tây

5.676,9

32

Tây Ninh

412,6

6

Nam Hà

4.474,2

33

Quảng Nam - Đà Nẵng

7

Hải Hưng

5.601,1

34

Bình Định

10.942,9

8

Thái Bình

6,0

35

Khánh Hoà

10.140,7

9

Long An

1.241,4

36

Quảng Ngãi

242,5

10

Tiền Giang

866,2

37

Phú Yên

158,1

11

Bến Tre

96,1

38

Ninh Thuận

2.217,2

12

Đồng Tháp

96,0

39

Bắc Thái

22.185,8

13

Vĩnh Long

40

Cao Bằng

1.895,7

14

An Giang

41

Lạng Sơn

971,0

15

Kiên Giang

42

Tuyên Quang

16

Cần Thơ

43

Hà Giang

17

Minh Hải

13,3

44

Yên Bái

5.264,5

18

Trà Vinh

53,5

45

Lào Cai

102,7

19

Sóc Trăng

36,5

46

Hoà Bình

1.045,0

20

Hà Bắc

14.627,1

47

Sơn La

2.463,4

21

Vĩnh Phú

22.508,5

48

Lai Châu

22

Ninh Bình

3.023,8

49

Lâm Đồng

887,0

23

Thanh Hoá

24.872,3

50

Gia Lai

484,3

24

Nghệ An

11.387,0

51

Đắc Lắc

2.419,0

25

Hà Tĩnh

1.075,2

52

Công Tum

26

Quảng Bình

1.529,8

53

Quảng Ninh

27.292,8

27

Quảng Trị

614,2

Cộng

502.641,8


Trong biểu này loại đất "khu dân cư" là theo phân loại của Luật đất đai năm 1987, bao gồm cả đất khu dân cư đô thị và đất khu dân cư nông thôn.