Lợi thế so sánh của thuỷ sản việt nam

Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO vào ngày 11 tháng 1 năm 2007. Sự kiện gia nhập WTO của Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên con đường hướng nền kinh tế nước nhà tới tự do hóa thương mại và phát triển bền vững. Sau 10 năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều mảng màu sáng và những khoảng tối rất khác nhau trong bức tranh phát triển kinh tế dưới tác động của tiến trình toàn cầu hóa. Bài học hội nhập kinh tế là rất bổ ích với Việt Nam, vì hiện nay Việt Nam vẫn đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, với những mặt hàng sử dụng nhiều lao động và tài nguyên thiên nhiên [8].

Show

EU là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế thế giới, là thị trường lớn với 28 quốc gia thành viên, có dân số trên 500 triệu người. Việt Nam – EU thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990. Từ đó, Việt Nam – EU luôn nỗ lực để thúc đẩy quan hệ song phương lên những tầm cao mới như việc ký kết, Hiệp định khung về Hợp tác (FCA) năm 1995, Hiệp định Hợp tác Đối tác (PCA) năm 2012 và đã kết thúc đàm phán FTA Việt Nam – EU vào ngày 1/12/2015. Dự kiến FTA Việt Nam - EU sẽ có hiệu lực từ năm 2018. FTA Việt Nam - EU nhằm mục đích tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cả hai bên, góp phần làm cho môi trường kinh doanh ổn định và dự đoán được, do đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Một FTA hiện đại có khả năng tăng cường thương mại hai chiều và đầu tư thông qua tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường tốt hơn [29].

Trong nhiều năm qua, EU luôn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2015, EU là một trong những thị trường ngoài nước quan trọng nhất của Việt Nam (EU xếp thứ hai sau Mỹ). Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chiếm 19% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam. Thương mại hai chiều tăng 12.5% chủ yếu là do tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng của hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU, điều này đã làm cho tỷ lệ tăng năm sau so với năm trước là 11.4% (31,1 tỷ USD). Đặc biệt, khoản thặng dư thương mại khoảng gần 21 tỷ USD mà Việt Nam có được trong giao thương với EU giúp cân bằng đáng kể thâm hụt thương mại khổng lồ của Việt Nam với Trung Quốc. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung vào các sản phẩm sử dụng nhiều lao động bao gồm: hàng điện tử lắp ráp/điện thoại, giầy dép, hàng dệt may, cà phê, hải sản và đồ gỗ. Hàng xuất khẩu chính của EU vào Việt Nam là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm: nồi hơi, máy móc và sản phẩm cơ khí, máy móc và thiết bị điện, dược phẩm và các loại xe [83].

Riêng về mặt hàng thủy sản, theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có sản lượng đánh bắt thủy sản lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Ngành thủy sản Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến 2020 xác định: kinh tế thủy sản đóng góp 30 - 35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 - 10%/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 - 9 tỷ USD, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 - 70% tổng sản lượng [10]. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Theo số liệu từ ITC, giai đoạn (2007 -2015), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không ngừng tăng nhanh, trung bình 11,5%/năm.

EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của thế giới, thị trường này tiêu thụ khoảng 10% sản lượng cá của thế giới và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao nên thời gian gần đây việc xuất khẩu hàng thủy sản vào thị trường này có nhiều biến động. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU năm 2014 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2013. Năm 2015, đạt 1,16 tỷ USD (đứng thứ hai sau thị trường Mỹ với 1,31 tỷ USD), giảm 17,1%. Vì vậy, để duy trì thị phần và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU cần phải nhận biết thật đầy đủ để hiểu EU là một thị trường có tính bảo hộ rất cao với hàng rào phi thuế quan (đặc biệt là các rào cản kỹ thuật) rất nghiêm ngặt với những qui định chặt chẽ (nhiều khi đến mức “không tưởng” đối với hàng xuất khẩu Việt Nam) về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thực phẩm, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường v..v… Vì vậy, ngành thủy sản Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản của mình [33].

Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức tại thị trường EU, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu sang EU, trong đó có mặt hàng thủy sản... Do vậy, việc nghiên cứu một cách tổng thể thực trạng năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản trên thị trường EU là cấp thiết. Nghiên cứu nhằm tìm ra những nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến việc củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản, từ đó làm cơ sở cho việc đề ra những định hướng và các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh của mặt hàng thủy sản trên thị trường EU. Nhận thức được vấn đề này, tác giả đã lựa chọn đề tài “Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới” làm chủ đề nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của mình.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

2.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở hệ thống hóa một số vấn đề lý luận liên quan đến vấn đề năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản, đồng thời nhận diện năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam tại thị trường EU, luận án đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam trên thị trường EU.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

  • Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến chủ đề năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU
  • Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vấn đề năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
  • Nhận diện năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam tại thị trường EU trong giai đoạn 2007 đến nay, làm rõ những thành công và hạn chế cũng như nguyên nhân.
  • Phân tích kinh nghiệm của một số nước trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản trên thị trường EU và rút ra bài học cho Việt Nam
  • Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam trên thị trường EU.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Không gian: Nghiên cứu trong phạm vi “Việt Nam và khu vực Liên Minh châu Âu (EU – 28)” chủ yếu tập trung vào những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Ý…

Thời gian: Dữ liệu từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) đến 2015; giải pháp xây dựng tới năm 2025.

Nội dung: Các nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm: Các vấn đề lý luận, thực tiễn về năng lực cạnh tranh sản phẩm thủy sản xuất khẩu; các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường EU; thực trạng năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam tại EU; Luận án tập trung đưa ra các giải pháp kinh tế (không đề cập đến các giải pháp kỹ thuật) để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU. Việc nghiên cứu ở cấp độ mặt hàng là chủ yếu.

4. Phương pháp luận và nghiên cứu của luận án

Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận án sử dụng các phương pháp phân tích thống kê, so sánh, đối chiếu, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp chuyên gia.

Dữ liệu sử dụng trong luận án: Luận án sử dụng dữ liệu thứ cấp là chủ yếu từ các nguồn dữ liệu: Tổng cục Thủy sản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; WTO; Tổng cục Thống kê; Luận án, sách báo, tạp chí, các báo cáo của các tổ chức… Nguồn số liệu: EUROSTAT; WTO; Trung tâm Thương mại quốc tế; Trung tâm Thông tin PTNNNT; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Tổng cục Thống kê; Tổng cục Hải quan. Ngoài dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu còn tiến hành thu thập dữ liệu sơ cấp. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu trong thu thập dữ liệu sơ cấp. Đối tượng phỏng vấn là các nhà quản lý thuộc các doanh nghiệp thủy sản, Cán bộ thuộc tổng cục thủy sản, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản…

Tổng hợp dữ liệu: Luận án sử dụng phương pháp phân tổ thống kê, bảng thống kê

Phân tích dữ liệu: Luận án sử dụng Nghiên cứu thứ cấp /nghiên cứu tại bàn (secondary research/desk study). Tác giả sử dụng phương pháp này để so sánh, đối chiếu, phân tích ưu, hạn chế các kết quả của nghiên cứu liên quan. Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu ban đầu của những người khác ở dạng các ấn phẩm nghiên cứu và báo cáo. Tác giả còn sử dụng phương pháp phân tích thống kê suy diễn.

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

Luận án đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận và thực tiến về năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu, từ việc làm rõ khái niệm về mặt hàng thủy sản xuất khẩu, về khái niệm năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản xuất khẩu, về tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản xuất khẩu, các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Luận án đã phân tích đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU, giai đoạn 2007 – 2015, thông qua 04 tiêu chí: chất lượng, giá xuất khẩu, thị phần xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu. Căn cứ vào kết quả phân tích, luận án đã đưa ra các nhận xét, đánh giá chung và chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân những hạn chế của năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU.

Căn cứ vào cơ sở lý luận, thực tế khảo sát, bối cảnh trong nước và EU, luận án đã đưa ra 04 quan điểm đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU và hệ thống giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU đến năm 2025, bao gồm: nhóm giải pháp chung và nhóm giải pháp cho ba mặt hàng chủ lực, tôm, cá tra, cá ngừ. Hệ thống giải pháp được đề xuất một cách toàn diện, cụ thể, khả thi theo hướng phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

6.1. Ý nghĩa về mặt lý luận

Luận án đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề lý luận để làm rõ bản chất về năng lực cạnh tranh sản phẩm thủy sản xuất khẩu, các quan điểm phân tích năng lực cạnh tranh sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Đồng thời chỉ rõ đặc điểm, tiêu chí đánh giá làm cơ sở đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm chung và sản phẩm thủy sản xuất khẩu nói riêng.

6.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn

Luận án đã khái quát được kinh nghiệm của một số quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản xuất sang thị trường EU là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, đồng thời rút ra những kết quả nổi bật và những điểm yếu cần được khắc phục của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Luận án cũng đã chỉ ra cơ hội và thách thức đối với mặt thủy sản Việt Nam, điều này có ý nghĩa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trong bối cảnh mới. Kết quả nghiên cứu của luận án là một tài liệu tham khảo tin cậy cho các Hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp làm cơ sở để đưa ra các chiến lược, chính sách, kế hoạch…. phù hợp để tận dụng tối đa cơ hội, khắc phục, hạn chế những thách thức do các FTA thế hệ mới mang lại cho sản phẩm thủy sản cũng như các sản phẩm khác của Việt Nam.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU

Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Chương 3: Thực trạng năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU sau khi Việt Nam gia nhập WTO

Chương 4: Giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU đến năm 2025

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA MẶT HÀNG THỦY SẢN VIỆT NAM TRÊN THỊ TRƯỜNG EU

Liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn về chủ đề năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam nói chung và năng lực cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu nói riêng đã được nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm với các cách tiếp cận và mức độ khác nhau, thông qua các công trình nghiên cứu, các ấn phẩm được xuất bản. Nội dung một số công trình nghiên cứu chủ yếu của các tác giả trong và ngoài nước trong những năm gần đây có thể được chia theo từng nhóm chủ đề cụ thể sau đây:

1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước

1.1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến cơ sở lý luận

Ngô Doãn Vịnh với công trình “Các cơ sở lý luận về học thuyết ngoại thương và sự vận dụng trong chiến lược phát triển ngoại thương của Việt Nam”. Đây là công trình nghiên cứu toàn diện và công phu. Kết cấu của công trình gồm 3 phần chính: Phần 1, cơ sở học thuyết về ngoại thương. Trong phần này, tác giả đã phân tích các nội dung cơ bản các học thuyết ngoại thương theo các trường phái cổ điển, tân cổ điển, các học thuyết hiện đại; Phần 2, mối quan hệ của các học thuyết ngoại thương với tăng trưởng kinh tế. Trong phần này, tác giả đã làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở lý luận và thực tiễn giữa ngoại thương với tăng trưởng kinh tế, chỉ rõ ngoại thương là một trong những động lực cơ bản để cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; Phần 3, sự vận dụng các học thuyết ngoại thương trong chiến lược phát triển ngoại thương Việt Nam. Trong phần này, dựa trên các học thuyết đã trình bày, tác giả đã chọn lựa các học thuyết cơ bản về lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh, cân bằng xuất nhập khẩu để vận dụng làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển ngoại thương Việt Nam trong giai đoạn cụ thể [68].

Nguyễn Đức Nam với công trình “Vận dụng lợi thế so sánh để khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập Quốc tế”. Tác giả đã dựa trên lý thuyết lợi thế so sánh, phân tích những điểm mạnh điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất các định hướng, quan điểm, giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế [43].

Nguyễn Hữu Thắng với cuốn sách chuyên khảo, “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay”. Cuốn sách này dựa trên kết quả nghiên cứu đề tài khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Chương 1 của cuốn sách này, tác giả tập trung nghiên cứu về lý luận chung về năng lực cạnh tranh trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế. Tại đây, tác giả đã khái lược được tiến trình phát triển của lý thuyết cạnh tranh và khẳng định trường phái quản lý chiến lược được coi là mô hình khá mạnh nghiên cứu về năng lực cạnh tranh. Trường phái này nghiên cứu và lý giải cơ sở lý thuyết về cạnh tranh, làm rõ nguồn lực bảo đảm cho năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, tác giải đã hệ thống hóa và phân loại các nghiên cứu năng lực cạnh tranh theo 3 loại: nghiên cứu năng lực cạnh tranh hoạt động; năng lực cạnh tranh dựa trên việc khai thác, sử dụng tài sản; năng lực cạnh tranh gắn quá trình [58].

1.1.2. Các công trình nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam

Nghiên cứu “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đến năm 2020”. Đây là luận án tiến sỹ do Trần Thế Hoàng thực hiện được hoàn thành vào năm 2011. Luận án đã hệ thống hóa sự phát triển về lý thuyết cạnh tranh của doanh nghiệp, đã tiến hành đo lường các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh, phân tích thực trạng các điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đề xuất các nhóm giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Bên cạnh đó, luận án cũng nêu ra các kiến nghị đối với nhà nước và ngành thủy sản để tạo điều kiện khả thi thực hiện các giải pháp [22].

Nghiên cứu “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chế biến thủy sản Việt Nam”, Đây là Luận án tiến sĩ kinh tế do Bùi Đức Tuân thực hiện được hoàn thành năm 2011. Luận án đi phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành chế biến thủy sản Việt Nam, phân tích các yếu tố tiềm năng và lợi thế của Việt Nam trong quá trình phát triển ngành chế biến thủy sản, từ đó phát hiện những vấn đề đặt ra cho ngành chế biến thủy sản Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới. Luận án đã đánh giá tình trạng năng lực cạnh tranh của ngành, những yếu tố rào cản ảnh hưởng đến nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chế biến thủy sản Việt Nam, bên cạnh một số lợi thế cạnh tranh nhất định so với các quốc gia khác trên thế giới. Nghiên cứu cho những kết quả hiện tại của ngành mới chủ yếu đạt được trên cơ sở khai thác và tận dụng các lợi thế tự nhiên mà chưa được đặt trên một nền móng vững chắc của các lợi thế quốc gia khác [54].

Báo cáo nghiên cứu “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trong ba ngành: May mặc, Thủy sản, Điện tử ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Quỹ châu Á đã đồng ý hỗ trợ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện nghiên cứu. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh trong ba ngành kể trên và đề xuất khuyến nghị chính sách. Báo cáo được trình bày gồm năm phần. Phần thứ nhất, tổng quan hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Phần thứ hai, trình bày một số chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Phần thứ ba, phân tích tổng quan các doanh nghiệp xuất khẩu trong ba ngành lựa chọn, gồm may mặc, thủy sản và điện tử. Phần thứ tư, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu qua kết quả điều tra doanh nghiệp xuất khẩu. Để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhóm tác giả sử dụng khung phân tích được phát triển từ các lý thuyết khác nhau về hành vi và kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp. Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển - UNCTAD (2005) đã chỉ ra rằng khi tiếp cận thị trường nước ngoài, cơ sở hạ tầng, môi trường vĩ mô và chất lượng thể chế là những yếu tố chính ảnh hưởng tới kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp và quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong cùng điều kiện kinh doanh và kinh tế vĩ mô như nhau, kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp cũng có thể khác nhau, ngay cả trong cùng một ngành. Đó là do các yếu tố nội tại của doanh nghiệp như chiến lược kinh doanh của công ty, số năm hoạt động, quy mô, tài sản, trình độ lao động, công nghệ sử dụng, hình thức sở hữu, v.v. có thể ảnh hưởng lớn tới kết quả hoạt động cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp [66].

Võ Thị Hồng Lan với nghiên cứu “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO”, đây là luận văn được hoàn thành năm 2009. Luận văn nghiên cứu một số vấn đề về lý luận cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Nghiên cứu tình hình về nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản ở một số quốc gia, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Luận văn tập trung nghiên cứu tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản trên một số phương diện như giá cả, chất lượng sản phẩm, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, thương hiệu sản phẩm trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2009, hướng đến năm 2020. Phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh, khái quát những điểm mạnh và yếu của hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Luận văn nghiên cứu những cam kết của Việt Nam về thủy sản và thương mại quốc tế trong khuôn khổ WTO cùng những ảnh hưởng của nó đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đề xuất các giải pháp chủ yếu, từ phía nhà nước, doanh nghiệp, Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản thời gian tới. Mặc dù được thực hiện vào năm 2009 nhưng đây là một luận văn có những đánh giá và giải pháp sâu sắc [38].

1.1.3. Các công trình nghiên cứu liên quan đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU

Cuốn sách “Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu” của nhà xuất bản Công thương – Bộ Công Thương. Cuốn sách này gồm 4 chương. Chương 1, Khái quát về thị trường thủy sản Liên minh châu Âu; Chương 2, thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu; chương 3, thách thức và triển vọng vượt các rào cản thương mại của EU để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU thời gian tới; Chương 4, các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu. Cuốn sách này sử dụng chủ yếu là nguồn dữ liệu thứ cấp, đó là các nguồn thông tin được công bố công khai của các tổ chức có uy tín như: Cơ quan thông kê châu Âu (EUROSTAT), Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)...[4].

Nhìn chung, đây là một tài liệu hữu ích không những cho các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn cung cấp các thông tin cho các nhà nghiên cứu. Những thông tin về đặc điểm thị trường EU, thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giai đoạn 2002- 2011. Cùng với việc chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân hạn chế của thủy sản Việt Nam, cuốn sách đã đưa ra được một hệ thống giải pháp khá toàn diện, bao gồm 6 nhóm giải pháp: từ nuôi trồng đánh bắt, chế biến, thương mại cũng các hoạt động hỗ trợ khác.

Trong phân tích thực trạng xuất khẩu thủy sản, cuốn sách chỉ tập trung phân tích về kim ngạch và sản lượng xuất khẩu, giải pháp cách tiếp cận chủ yếu từ góc độ chính sách. Có một giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thủy sản nhưng trình bày khá sơ sài, chung chung.

Báo cáo nghiên cứu “Thị trường thủy sản EU và những khuynh hướng” do Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hành năm 2010. Báo cáo đã thể hiện bức tranh toàn diện về thị trường tiêu dùng thủy sản EU thông qua những phân tích về các yếu tố thay đổi của thị trường EU trong giai đoạn khó khăn kinh tế vừa qua cũng như những khuynh hướng chủ đạo đang chi phối thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới. Các số liệu trong báo cáo được thu thập từ các nguồn thông tin đã công bố công khai của các tổ chức có uy tín như Trung tâm Xúc tiến hoạt động nhập khẩu từ các nước đang phát triển của EU (CBI)), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liện Hiệp Quốc (FAO), Bộ Nông nghiệp Mỹ (FAS/USDA), Cơ quan Thống kê châu Âu (EUROSTAT) [63].

Nhìn chung, đây là một báo cáo nghiên cứu rất công phu của Việt Nam. Những thông tin phân tích về đặc điểm, qui mô, các kênh phân phối, tình hình nhập khẩu thủy sản và các khuynh hướng của thị trường thủy sản EU thực sự hữu ích cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường EU.

Do là báo cáo nghiên cứu về thị trường thủy sản EU và những khuynh hướng nên báo cáo chỉ tập trung phân tích chủ yếu về đặc điểm và khuynh hướng của thị trường thủy sản EU. Về qui mô, tình hình nhập khẩu của thị trường báo cáo có đề cập tuy nhiên cũng chưa phân tích cơ cấu, số lượng, giá trị của sản phẩm nhập khẩu, các nước thành viên nhập khẩu chính của các sản phẩm thủy sản của EU. Báo cáo cũng chưa phân tích cơ cấu, số lượng, giá trị các sản phẩm thủy sản các quốc gia xuất khẩu chính vào EU. Báo cáo chưa phân tích thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.

Lê Minh Tâm với cuốn sách chuyên khảo“Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”. Cuốn sách dựa trên kết qủa nghiên cứu của luận án tiến sĩ của tác giả tại Học viện Khoa học Xã hội. Cuốn sách được chia thành 3 chương: Chương 1, một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về xuất khẩu thủy sản trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong chương này, tác giả đã phân tích được hội nhập kinh tế quốc tế, tác động và những vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU; Chương 2, thực trạng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu. Trong phần này, tác giả đã phân tích và đánh giá thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong giai đoạn từ 2002 đến 2011. Chương 3, các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu. Trong phần này, tác giả đã đưa ra một hệ thống giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đến năm 2020 và một số khuyến nghị với Nhà nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản [50].

Luận án tiến sĩ kinh tế “Hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nay đến năm 2020” của Nguyễn Xuân Minh được hoàn thành năm 2006. Nội dung của Luận án đã đánh giá toàn diện thực trạng xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 1990 đến 2006, rút ra những điểm mạnh, yếu, cơ hội và nguy cơ và từ đó đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại. Do luận án được thực hiện và hoàn thành năm 2006 nên các số liệu và tư liệu dùng để phân tích chủ yếu là trước năm 2006. Do cách tiếp cận và yêu cầu nội dung nên tác giả luận án có phân tích thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhưng chưa phân tích về thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU. Các giải pháp mà tác giả luận án đề nghị để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản chủ yếu cho ngành thủy sản Việt Nam, tuy nhiên trong những năm gần đầy nền kinh tế Việt Nam liên tục phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2010 – 2020 nên cần có các giải pháp khác để phù hợp với tình hình mới. Hơn nữa, tác giả luận án cũng chưa phân tích đến thị trường và các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường thủy sản lớn nhất của Việt Nam là EU [41].

Đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm “Giải pháp vượt rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu bền vững hàng thủy sản của Việt Nam trong điều kiện là thành viên của WTO” do Đỗ Đức Bình thực hiện năm 2008. Nội dung đề tài đề cập đến một vấn đề không mới nhưng có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam trong điều kiện là thành viên của WTO - vấn đề đáp ứng rào cản phi thuế quan đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản bền vững. Đề tài đã đi sâu nghiên cứu về các rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế, giới thiệu kinh nghiệm vượt rào của một số quốc gia như: EU, Thái Lan và Trung Quốc; Phân tích tác động rào cản phi thuế quan của một số nước đối với hàng xuất khẩu của nước ta và thực trạng vượt rào cản phi thuế quan trong xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam thời gian qua; Dự báo các rào cản mới, đồng thời đề ra những giải pháp chiến lược vượt rào hữu hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững mặt hàng thủy sản của Việt Nam và xây dựng rào cản đối với hàng thủy sản nhập khẩu vào nước ta trong thời gian tới. Đây là tài liệu khảo cứu bổ ích và thiết thực cho các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp. Tuy nhiên đề tài chỉ nghiên cứu các vấn đề về thực trạng, các giải pháp kiến nghị giúp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý vượt qua các rào cản thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản [2].

1.2. Các công trình nghiên cứu ngoài nước

1.2.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến cơ sở lý luận

Cụ thể, khi nghiên cứu về năng lực cạnh tranh, phải nói đến Michael E. Porter. Porter đã cung cấp một khung lý thuyết để phân tích về năng lực cạnh tranh. Trong đó, ông mô hình hóa các ngành kinh doanh và cho rằng ngành kinh doanh nào cũng phải chịu tác động của năm lực lượng cạnh tranh. Các nhà chiến lược đang tìm kiếm ưu thế nổi trội hơn các đối thủ có thể sử dụng mô hình này nhằm hiểu rõ hơn bối cảnh của ngành kinh doanh mình đang hoạt động.

Mô hình Porter’s Five Forces được công bố lần đầu trên tạp chí Harvard Business Review năm 1979 với nội dung tìm hiểu yếu tố tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh. Mô hình này, thường được gọi là “Năm lực lượng của Porter”, được xem là công cụ hữu dụng và hiệu quả để tìm hiểu nguồn gốc lợi nhuận. Quan trọng hơn cả, mô hình này cung cấp các chiến lược cạnh tranh để công ty duy trì hay tăng lợi nhuận. Các công ty thường sử dụng mô hình này để phân tích xem họ có nên gia nhập một thị trường nào đó, hoặc hoạt động trong một thị trường nào đó không. Tuy nhiên, vì môi trường kinh doanh ngày nay mang tính “động”, nên mô hình này còn được áp dụng để tìm kiếm trong một ngành nhất định các khu vực cần được cải thiện để sản sinh nhiều lợi nhuận hơn. Các cơ quan chính phủ, chẳng hạn như Ủy ban chống độc quyền và sáp nhập ở Anh, hay Bộ phận chống độc quyền và Bộ Tư pháp ở Mỹ, cũng sử dụng mô hình này để phân tích xem liệu có công ty nào đang lợi dụng công chúng hay không [87].

Theo Michael Porter, cường độ cạnh tranh trên thị trường trong một ngành sản xuất bất kỳ chịu tác động của 5 lực lượng cạnh tranh sau: Sức mạnh nhà cung cấp; nguy cơ thay thế; các rào cản gia nhập; sức mạnh khách hàng; mức độ cạnh tranh.

Tiếp đó, năm 1985, Porter xuất bản cuốn sách “Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance”. Trong cuốn sách này, Porter nghiên cứu về lợi thế cạnh tranh và cách thức một công ty thực sự đạt được lợi thế hơn các đối thủ. Ông chỉ ra rằng lợi thế cạnh tranh không chỉ nằm trong các hoạt động của mỗi công ty, nó còn nằm trong cách các hoạt động liên quan với nhau. Cuốn sách này cũng cung cấp lần đầu tiên những công cụ để có chiến lược phân đoạn một ngành công nghiệp và đánh giá một cách logic, chặt chẽ tính cạnh tranh của sự đa dạng hoá [88].

Không dừng lại ở đó, năm 1990, M. Porter công bố tác phẩm “Competitive Advantage of Nations”. Cuốn sách này được Porter nghiên cứu tại mười quốc gia hàng đầu về kinh tế. Cuốn sách đưa ra lý thuyết đầu tiên của cạnh tranh dựa trên nguyên nhân là năng suất, nhờ đó các công ty cạnh tranh với nhau. Porter cho thấy những lợi thế so sánh truyền thống như tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ đã không còn là nguồn gốc của sự thịnh vượng. Cuốn sách cũng giới thiệu mô hình "kim cương" - một cách để hiểu được vị thế cạnh tranh của một quốc gia (hoặc các địa điểm) trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay và là một phần không thể thiếu trong tư duy kinh doanh quốc tế. Trong cuốn sách này, Porter còn giới thiệu khái niệm "cụm", có thể hiểu là nhóm các công ty liên kết với nhau, các nhà cung cấp, các ngành liên quan, các tổ chức phát sinh tại các địa điểm cụ thể. Khái niệm này đã trở thành một cách thức mới cho các công ty và chính phủ suy nghĩ về nền kinh tế, đánh giá lợi thế cạnh tranh về vị trí và thiết lập các chính sách công.

Mô hình “Kim cương” đã nêu lên các yếu tố quyết định sự cạnh tranh của một quốc gia trong thương mại quốc tế. Theo ông, khả năng cạnh tranh của một quốc gia ngày nay lại phụ thuộc vào khả năng sáng tạo và sự năng động của ngành, của quốc gia đó. Khi thế giới cạnh tranh mang tính chất toàn cầu hoá, nền tảng cạnh tranh sẽ chuyển dịch từ các lợi thế tuyệt đối hay lợi thế so sánh do tự nhiên ban cho sang những lợi thế cạnh tranh quốc gia được tạo ra và duy trì vị thế cạnh tranh lâu dài của các công ty trên thương trường quốc tế [89].

Mô hình Kim cương của Porter đưa ra khuôn khổ phân tích để hiểu bản chất và đo lường năng lực cạnh tranh của công ty. Mô hình này đã lý giải những lực lượng thúc đẩy sự đổi mới và năng động của các công ty và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường. Bốn nhóm nhân tố trong mô hình viên kim cương của M.Porter phát triển trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và tác động quan trọng đến việc hình thành và duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế của các công ty trong một ngành kinh tế - kỹ thuật nào đó. Sự sẵn có cả về số lượng và chất lượng các nguồn lực cần thiết cho việc phát triển một ngành có khả năng cạnh tranh; thông tin thông suốt về những cơ hội kinh doanh mà các công ty có thể tiếp cận; chiến lược của các công ty trong khai thác và sử dụng các yếu tố nguồn lực; quan điểm, triết lý kinh doanh của chủ sở hữu, quản trị viên, các nhân viên trong công ty,… đều có thể “cộng hưởng” thúc đẩy các công ty trong một ngành phải hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới nhanh hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Vai trò của Nhà nước là thông qua các chính sách vĩ mô tác động vào cả bốn “mặt” của “viên kim cương” sao cho chúng cùng phát triển tương xứng, đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau tạo thuận lợi cho các công ty trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Năm 1998, Porter cho ra đời cuốn sách “Competitive Strategy – Techniques for Analyzing Industries and Competitors”. Trong cuốn sách này, tác giả đã nêu ra cách phân tích kỹ thuật chiến lược cạnh tranh tổng quát, môi trường công nghiệp chung và chiến lược đưa ra quyết định [90].

Năm 2008, cuốn sách về năng lực cạnh tranh đáng chú ý được xuất bản là “On Competition, Updated and Expanded Edition” cũng của tác giả Michael E. Porter. Cuốn sách này được viết theo nhiều chủ đề, cho phép người đọc dễ dàng truy cập đến hàng loạt các công việc của Porter. Phần I và II giới thiệu việc các công ty, cũng như các quốc gia và khu vực, đạt được và duy trì lợi thế cạnh tranh như thế nào. Phần III cho thấy cách suy nghĩ chiến lược có thể giải quyết những thách thức cấp bách nhất của xã hội từ môi trường bền vững. Phần IV tìm hiểu làm thế nào để các công ty có thể tạo ra giá trị cho xã hội nhiều hơn. Phần V khám phá những mối liên hệ giữa chiến lược và lãnh đạo [91].

Ngoài Porter, còn một số tác giả khác cũng đề cập đến năng lực cạnh tranh. Năm 1995, H Chang Moon, Alan M Rugman và Alain Verbeke viết cuốn “The generalized double diamond approach to international competitiveness”. Trong cuốn sách này, các tác giả đề cập đến cách tốt hơn để đầu tư trực tiếp nước ngoài và vai trò của chính phủ đến khả năng cạnh tranh của các công ty, công nghiệp và quốc gia [81].

Cristina Simón và Gayle Allard viết “Competitiveness and the employment relationship in Europe: Is there a global missing link in HRM?”. Trong nghiên cứu này, các tác giả đề cập đến các liên kết giữa khả năng cạnh tranh và mối quan hệ lao động (ER); phân tích năng lực cạnh tranh quốc gia của các nước châu Âu thông qua trình độ lao động ở các nước này và đưa ra kết luận cho thấy người lao động trong nước cạnh tranh được hưởng sự linh hoạt và tự chủ. Một số kết luận được nêu lên về những gì công ty có thể làm từ quan điểm quản lý nhân sự để tối ưu hóa khả năng lao động, dẫn đến sản xuất nhiều hơn và cạnh tranh trong môi trường làm việc [75].

1.2.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến thị trường thủy sản EU

Nghiên cứu “EU Import Conditions for Seafood and Other Fishery Products” được xuất bản năm 2008 bởi Tổng giám đốc điều hành các vấn đề về sức khỏe và người tiêu dùng thuộc Ủy ban châu Âu (European Commission’s Directoriate – General for Health & Consumers). Trong công trình này nhóm tác giả đã phân tích những nguyên tắc cơ bản của Luật an toàn thực phẩm châu Âu, nhấn mạnh đến nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm và kiểm soát quá trình chế biến sản phẩm thông qua chuỗi dây chuyền chế biến từ khâu đánh bắt cá, đến chế biến và phân phối tới tận tay người tiêu dùng. Các điều luật chung trong việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản cá tôm ở thị trường châu Âu cũng được đề cập đến. Đặc biệt trong công trình này, nhóm tác giả đã đề xuất ra 8 danh mục điều kiện mà các nước xuất khẩu thủy sản tới châu Âu buộc phải thực hiện. Nhóm tác giả khẳng định mong muốn của châu Âu sẵn sàng dành gói cứu trợ về kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển để các nước này có thể tuân thủ được những yêu cầu nhập khẩu thủy sản nghiêm ngặt của EU [72].

Nghiên cứu “EU Market Access: Conditions and Challenges for ACP Countries” của tác giả Campling L và Dugal M, xuất bản năm 2009. Trong công trình này các tác giả phân tích những điều kiện cần thiết để tiếp cận thị trường thủy sản châu Âu, những thách thức trong việc xuất khẩu thủy sản của các nước châu Phi, Carribean và Thái Bình Dương khi tiếp cận thị trường thủy sản châu Âu. Đặc biệt, ảnh hưởng của việc giảm thuế của các nước phát triển tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của các nước trên cũng được đề cập đến trong công trình này [73].

Nghiên cứu “ Cá tra bền vững – tiềm năng thị trường tại EU” của tác giả Carson Roper được phát hành năm 2013. Nghiên cứu phân tích xu hướng thị trường thủy sản EU và những chính sách tìm nguồn cung ứng sản phẩm thủy sản của các nhà bán lẻ hàng đầu tại EU. Nghiên cứu tập trung vào sản phẩm cá tra tại 5 thị trường thủy sản lớn của EU: Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp. Nghiên cứu đã thu được các nhận thức sâu sắc về sản phẩm cá tra tại thị trường châu Âu, từ kết quả điều tra thảo luận về cá tra, basa với 14 nhà bán lẻ chính từ Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh [6].

1.2.3. Các công trình nghiên cứu liên quan đến thủy sản Việt Nam

Nghiên cứu của đồng tác giả Arie Pieter van Duijn, Rik Beukers and Willem van der Pijl, “The VietNamese seafood sector A value chain analysis”, được công bố năm 2012. Công trình tập trung phân tích những nội dung: đặc điểm và xu hướng của ngành thủy sản Việt Nam; Nhu cầu của EU đối với thủy sản Việt Nam; Những tắc nghẽn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU. Công trình sử dụng công cụ chuỗi giá trị toàn cầu phân tích 4 phân ngành của thủy sản Việt Nam: tôm, cá tra, cá ngừ và phân ngành nghê, sò, trai [70].

Báo cáo “The Fisheries Sector in Việt Nam: A Strategic Economic Analysis” do Đại sứ quán Đan Mạch ở Việt Nam trong Giai đoạn II của Chương trình Hỗ trợ ngành Thủy sản, vào đầu năm 2010. Nghiên cứu này được trình bày cho các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Việt Nam, nhằm cung cấp một cơ sở cho việc lựa chọn đúng đắn trong việc lựa chọn và thiết kế biện pháp can thiệp của chính phủ trong ngành thủy sản của Việt Nam. Nghiên cứu tập trung vào các vấn đề chính sau: Đánh giá tổng quan về ngành thủy sản Việt Nam; Nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam; Khai thác thủy sản. Một điểm quan trọng là nghiên cứu này đi phân tích, đánh giá hoạt động nghề cá quy mô nhỏ và vai trò của nó với sinh kế của nông dân [76].

Nghiên cứu của nhóm tác giả Conner Bailey, Norbert Wilson và Michael Phillips, “Governance of Global Value Chains in Response to Food Safety and Certification Standards: The Case of Shrimp from Viet Nam” được xuất bản năm 2013. Công trình sử dụng chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) để xem xét quản trị của ngành công nghiệp nuôi tôm của Việt Nam. Công trình mô tả GVC này giúp người mua định hướng với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quan trọng đối với chính phủ của các nước nhập khẩu và hệ thống chứng nhận mới thúc đẩy bởi các tổ chức phi chính phủ. Quan hệ quản trị rõ ràng giữa các chính phủ ở các nước nhập khẩu và Việt Nam, và giữa các nhà nhập khẩu và các tổ chức phi chính phủ. Quan hệ quản trị tiếp tục bị phân nhỏ hơn xuống các chuỗi có số lượng lớn các nhà sản xuất và buôn bán nhỏ hoạt động. Việc phân chia này có thể ảnh hưởng xấu đến sự xâm nhập vào các thị trường hấp dẫn nhất [74].

Nghiên cứu “ Viet Nam in post WTO” do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) công bố năm 2014. Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn tổng quan chính xác về tình hình của các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam sau khi thực hiện các hiệp định thương mại khác nhau và đặc biệt, việc gia nhập WTO vào năm 2007. Nghiên cứu tập trung vào cá da trơn, một sản phẩm cốt lõi của hàng xuất khẩu Việt Nam để hiểu những vấn đề cụ thể đã phát sinh liên quan đến các biện pháp SPS (Sanitary and Phytosanitary), sau khi thực hiện các hàng rào thuế quan và phi thuế quan mới [93].

1.3. Những giá trị của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước và khoảng trống nghiên cứu

Qua phần hệ thống hóa và phân tích những nội dung đóng góp của các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước cho thấy, dưới góc độ tiếp cận khác nhau, các công trình nghiên cứu đã có những đóng góp quan trọng và làm sáng tỏ một số vấn đề cơ bản sau đây:

1.3.1. Những giá trị của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước

1.3.1.1. Về phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề

Thứ nhất, các công trình nghiên cứu đã bám sát các chủ đề, trên cơ sở tiếp cận bằng phương pháp hệ thống trong cấu trúc nội dung và giải quyết các nội dung theo mục đích, yêu cầu của từng chủ đề. Nhờ đó các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đã bám sát trọng tâm, tạo hiệu ứng hiệu quả của từng công trình. Đây cũng là điều kiện hết sức cần thiết đối với nghiên cứu sinh tiếp thu học tập trong thực hiện luận án.

Thứ hai, hầu hết các công trình nghiên cứu dù là công trình lý luận cơ bản hay các công trình mang ý nghĩa thực tiễn đều được tiếp cận và giải quyết bằng phương pháp logic, biện chứng trên cơ sở nêu vấn đề và giải quyết vấn đề theo quan điểm: Nêu vấn đề gì? Giải quyết như thế nào? Mục đích là gì?

Thứ ba, các vấn đề được nghiên cứu, đặc biệt các vấn đề liên quan đến khảo sát, đánh giá thực trạng về năng lực cạnh tranh thủy sản, xuất khẩu thủy sản cũng như đánh giá năng lực xuất khẩu mặt hàng thủy sản, phần lớn các công trình đều dựa vào các nguồn tài liệu sơ cấp và thứ cấp, dựa trên các khung lý thuyết để xem xét, đối chiếu trong quá trình giải quyết vấn đề. Quá trình từ khái quát đánh giá thực trạng, đưa giải pháp, các tác giả đã đưa ra được các quan điểm, định hướng và hệ thống giải pháp vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính khả thi đễ vận dụng trong nghiên cứu cũng như trong hoạt động thực tiễn.

1.3.1.2. Về cơ sở lý luận

Các công trình nghiên cứu liên quan đến cơ sở lý luận đã hệ thống hóa, phân tích và có những đóng góp có giá trị về mặt khoa học một số vấn đề chủ yếu sau đây: Đã làm rõ khái niệm, đặc điểm về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh. Mặc dù, trong chừng mực nhất định, còn có những quan niệm khác nhau nhưng về cơ bản các tác giả tương đối thống nhất khái niệm năng lực cạnh tranh “là khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với yêu cầu của thị trường và tạo ra cơ hội thu nhập cao hơn bền vững hơn cho chủ thể cạnh tranh”. Năng lực cạnh tranh được phân chia thành các cấp: quốc gia, ngành, doanh nghiệp, sản phẩm.

1.3.1.3. Về cơ sở thực tiễn

Các công trình nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau đã đề cập đến thực trạng, định hướng, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của thủy sản, năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây là những cơ sở quan trọng để luận án có thể tham khảo, vận dụng và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU đến năm 2025.

1.3.2. Khoảng trống nghiên cứu

Một là: Các công trình đã công bố nghiên cứu về năng lực cạnh tranh về thủy sản tập trung vào nghiên cứu năng lực cạnh tranh ngành thủy sản, chế biến thủy sản, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.., chưa có một nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống, cập nhật, chưa nghiên cứu sâu và sự phối hợp đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Hai là: Các nghiên cứu đã công bố về thủy sản Việt Nam sang EU, tập trung vào nghiên cứu hoạt động xuất khẩu, chưa có một nghiên cứu riêng biệt nào về năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU.

Ba là: Các công trình của các nhà khoa học đều được thực hiện những năm ở giai đoạn trước, nên trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới hiện nay cần phải nghiên cứu sâu hơn cho phù hợp với tình hình mới. Nhằm nhận diện đầy đủ năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường này đến năm 2025 dưới góc độ kinh tế quốc tế từ phía Việt Nam.

Bốn là: Việt Nam – EU đã kết thúc đàm phán FTA vào ngày 1/12/2015. Dự kiến FTA Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Vì vậy, một nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong điều kiện triển khai hiệp định FTA Việt Nam – EU là rất cần thiết.

Tiểu kết chương 1

Chương 1 của luận án làm rõ một số nội dung cơ bản sau:

Tổng quan các công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài liên quan đến chủ để năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU. Các công trình tập trung vào các nội dung: Cơ sở lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh; Thủy sản Việt Nam; Năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam; Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU; Thị trường thủy sản EU.

Dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các công trình nghiên cứu đã có những đóng góp quan trọng và làm sáng tỏ các nội dung cơ bản: Về phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề; Về cơ sở lý luận; Về cơ sở thực tiễn.

Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu riêng biệt trong nước, ngoài nước về “Nâng cao năng lực của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU từ khi Việt Nam gia nhập tổ WTO”, đặc biệt là trong điều kiện triển khai hiệp định FTA Việt Nam - EU.

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA MẶT HÀNG THỦY SẢN XUẤT KHẨU

2.1. Khái niệm và tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

2.1.1. Khái niệm và phân loại mặt hàng thủy sản xuất khẩu

2.1.1.1. Khái niệm và phân loại thủy sản

Khái niệm thủy sản: Có nhiều khái niệm khác nhau về thủy sản. Theo Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Thanh niên, thủy sản là thứ sản vật có giá trị kinh tế khai thác được từ dưới nước như cá, tôm, hải sâm, rau câu... Theo như vi.wikipedia.org thủy sản là một thuật ngữ chỉ chung về những nguồn lợi, sản vật đem lại cho con người từ môi trường nước và được con người khai thác, nuôi trồng thu hoạch sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu hoặc bày bán trên thị trường. Trong Luật Thủy sản quy định, “Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên, có giá trị kinh tế, khoa học để phát triển nghề khai thác thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Mặc dù có sự khác nhau về cách thức giải thích, nhưng có thể hiểu thủy sản là những thứ có giá trị kinh tế và được khai thác, nuôi trồng và thu hoạch từ dưới nước như cá, tôm, hải sâm…[34], [40], [47].

Phân loại thủy sản: Thủy sản có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau, theo những tiêu chí khác nhau như:

Phân loại thủy sản dựa theo đặc điểm cấu tạo loài, môi trường sống và khí hậu, ta có: (i) Nhóm cá là những động vật nuôi có đặc điểm cá rõ rệt, chúng có thể là cá nước ngọt hay cá nước lợ; (ii) nhóm giáp xác, phổ biến nhất là nhóm giáp xác mười chân, trong đó tôm và cua là các đối tượng nuôi quan trọng. (iii) nhóm động vật thân mềm gồm các loài có vỏ vôi, nhiều nhất là nhóm hai mảnh vỏ và đa số sống ở biển (nghêu, sò huyết, hàu, ốc hương,....) và một số ít sống ở nước ngọt (trai, trai ngọc); (iv) nhóm rong (Seaweeds) là các loài thực vật bậc thấp, đơn bào, đa bào, có loài có kích thước nhỏ, nhưng cũng có loài có kích thước lớn như Chlorella, Spirulina, Chaetoceros, Sargassium (Alginate), Gracillaria… (v) nhóm bò sát (Reptilies) và lưỡng cư (Amphibians): bò sát là các động vật bốn chân có màng ối(ví dụ: cá sấu) lưỡng cư là những loài có thể sống cả trên cạn lẫn dưới nước (ví dụ: ếch, rắn…) được nuôi để lấy thịt, lấy da dùng làm thực phẩm hoặc dùng trong mỹ nghệ như đồi mồi (lấy vây), ếch (lấy da và thịt), cá sấu (lấy da).

Phân loại theo môi trường nước ta có: Thủy sản nước ngọt, thủy sản nước lợ, thủy sản nước mặn hay hải sản.

Phân loại theo nguồn gốc ta có thủy sản tự nhiên, thủy sản nuôi trồng.

2.1.1.2. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Mặt hàng thủy sản: Mặt hàng thủy sản hay sản phẩm thủy sản là sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản được hình thành nên từ các nguyên liệu thủy sản khác nhau như cá, tôm, của, mực, trai, ốc...

Mặt hàng thủy sản xuất khẩu: Hàng thủy sản được sản xuất ra không bán cho thị trường nội địa mà phục vụ nhu cầu của thị trường nước ngoài được gọi là hàng thủy sản xuất khẩu, hoặc hàng thủy sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sản xuất trong các khu chế xuất bán tại thị trường trong nước cũng được gọi là hàng thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, đề tài này chỉ tập trung xem xét hàng thủy sản được sản xuất trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Phân loại thủy sản xuất khẩu: Mặt hàng thủy sản xuất khẩu cũng được phân loại theo nhiều cách: Phân loại thủy sản dựa theo đặc điểm cấu tạo loài, môi trường sống và khí hậu, theo môi trường nước ta có, theo nguồn gốc, theo mức độ chế biến: thủy sản nguyên liệu; thủy sản sơ chế; thủy sản chế biến; thủy sản ăn trực tiếp... Hay theo cách phân loại của Tổ chức Hải quan thế giới, thường được gọi tắt là Hệ thống hài hòa hoặc Hệ thống HS, là hệ thống được tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên gọi và mã số. Trong luận án này, tác giả chủ yếu sử dụng các cách phân loại sau: Theo hệ thống HS; Theo đặc điểm cấu tạo loài như tôm, cá tra, cá ngừ... và kết hợp của nhiều cách như tôm nguyên liệu, tôm chế biến, cá tra phi lê, cá ngừ phi lê, cá ngừ đóng hộp...

Bảng 2.1. Phân loại mặt hàng thủy sản xuất khẩu theo Tổ chức Hải quan thế giới

Mã HS

Mô tả hàng hoá

0301

Cá sống

0302

Cá, tươi hoặc ướp lạnh, trừ phi-lê cá (fillets) và các loại thịt cá khác thuộc nhóm 03.04.

0303

Cá, đông lạnh, trừ phi-lê cá (fillets) và các loại thịt khác thuộc nhóm 03.04.

0304

Phi-lê cá và các loại thịt cá khác (đã hoặc chưa xay, nghiền, băm), tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh

0305

Cá, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; cá hun khói, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên làm từ cá, thích hợp dùng làm thức ăn cho người.

0306

Động vật giáp xác, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật giáp xác hun khói, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; động vật giáp xác chưa bóc mai, vỏ, đã hấp chín hoặc luộc chín trong nước, đã hoặc chưa ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối, hoặc ngâm nước muối; bột thô, bột mịn và bột viên của động vật giáp xác, thích hợp dùng làm thức ăn cho người.

0307

Động vật thân mềm, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật thân mềm hun khói, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên của động vật thân mềm, thích hợp dùng làm thức ăn cho người.

0308

Động vật thủy sinh không xương sống trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật thủy sinh không xương sống hun khói trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên của động vật thủy sinh trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, thích hợp dùng làm thức ăn cho người.

1504

Mỡ và dầu và các phần phân đoạn của chúng, từ cá hoặc các loài động vật có vú sống ở biển, đã hoặc chưa tinh chế nhưng không thay đổi về mặt hoá học.

1604

Cá đã được chế biến hay bảo quản; trứng cá tầm muối và sản phẩm thay thế trứng cá tầm muối chế biến từ trứng cá.

1605

Động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác, đã được chế biến hoặc bảo quản.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

2.1.1.3. Đặc điểm của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Đối tượng sản xuất của mặt hàng thủy sản xuất khẩu là sinh vật nên phải tuân theo các quy luật sinh học và quy luật tự nhiên làm cho chúng có tính biến động và rủi ro cao. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chịu tác động và ảnh hưởng lớn của các điều kiện tự nhiên, đặc biệt là các điều kiện về đất đai, khí hậu, thời tiết. Chúng rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh. Mọi sự thay đổi về điều kiện tự nhiên đều tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản. Nếu điều kiện tự nhiên thuận lợi thủy sản sẽ sinh trưởng và phát triển bình thường, cho sản lượng cao, chất lượng tốt. Ngược lại, nếu điều kiện tự nhiên không thuận lợi như: nắng nóng hoặc giá rét kéo dài gây hạn hán hoặc bão lụt… sẽ gây sụt giảm sản lượng và chất lượng mặt hàng thủy sản.

Sản phẩm thủy sản xuất khẩu có đặc trưng tiêu biểu là dễ hư hỏng và thay đổi chất lượng, phẩm cấp sản phẩm khi chuyển dịch trên chuỗi cung ứng, nên mỗi sản phẩm khác nhau yêu cầu cách thức bảo quản khác nhau. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là hàng thô, sơ chế và bảo quản chủ yếu là đông lạnh nên chất lượng suy giảm rất nhiều trong quá trình xuất khẩu.

Chất lượng của mặt hàng thủy sản xuất khẩu tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, chất lượng mặt hàng thủy sản xuất khẩu luôn là yếu tố đầu tiên được người tiêu dùng quan tâm. Tại các quốc gia phát triển nơi nhập khẩu mặt hàng thủy sản, ngày càng có nhiều yêu cầu được đặt ra đối với hàng thủy sản nhập khẩu về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, xuất xứ… Vì vậy, để xâm nhập vào các thị trường khó tính này buộc doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu mà họ đặt ra.

2.1.2. Một số khái niệm về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

2.1.2.1. Cạnh tranh

Có nhiều quan niệm khác nhau về cạnh tranh. Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm giành giật điều kiện thuận lợi trong sản xuất và kinh doanh các mặt hàng để thu lợi nhuận siêu ngạch. Trong thời kỳ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất dưới chế độ phong kiến và tiền tư bản, cạnh tranh được xem là các hoạt động chèn ép nhau, loại trừ nhau, dùng mọi mưu kế, quyền thế nhằm tạo sự độc tôn trên thị trường. Ngày nay, quan niệm về cạnh tranh có nhiều thay đổi. Nhiều quốc gia cho rằng, mặt hàng hay sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường như là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và tăng phúc lợi cho người dân, các doanh nghiệp tạo ra nhiều mặt hàng chất lượng cao, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sẽ phát triển. Các quốc gia và doanh nghiệp đều cố gắng huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực sản xuất, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Cạnh tranh là cơ chế lựa chọn mang tính tự nhiên và thúc đẩy các quốc gia, doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, quan niệm về cạnh tranh rất đa dạng với những mục tiêu mang tới lợi ích cho xã hội và lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia [7], [67].

Trong cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam năm 1995, Hội đồng quốc gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đã định nghĩa cạnh tranh là '' Hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hoá, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chi phối bởi quan hệ cung - cầu, nhằm giành được các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất''. Theo quan niệm này, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, quốc gia trở nên bình đẳng hơn. Hàng hóa trên thị trường bị tác động bởi quan hệ cung cầu. Khi có cầu trên thị trường sẽ có cung, nghĩa là xuất hiện các doanh nghiệp, quốc gia đưa hàng hóa ra bán, nhưng số khách hàng mua có hạn trong khi nhiều doanh nghiệp, quốc gia bán hàng hóa. Cung lớn hơn cầu dẫn đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, quốc gia nhằm thu hút khách hàng và giành thị trường tiêu thụ. Đây là yếu tố khách quan trong nền kinh tế thị trường, buộc các doanh nghiệp, quốc gia tìm ra những biện pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình [61].

Trong cuốn Đại Từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên năm 1998 cho rằng ''Cạnh tranh là tranh đua giữa cá nhân, tập thể có chức năng như nhau, nhằm giành phần hơn, phần thắng về mình''. Theo Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Thanh niên, cạnh tranh là “cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, tổ chức hoạt động nhằm những lợi ích như nhau”. Điều này thể hiện với mọi hoạt động khác nhau, những cá nhân hoặc tập thể với những chức năng như nhau cùng hoạt động trong một vị trí nào đó đều có sự tranh đua để làm việc tốt hơn, mang lại chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân và tập thể tốt hơn. Sự tranh đua ở đây, được hiểu theo nghĩa không nhằm mục đích triệt tiêu nhau, để kẻ thắng người bại, tranh đua nhằm giúp các cá nhân, tập thể đưa ra cách thức thoả mãn nhu cầu khách hàng tốt hơn. Trong kinh doanh, những cá nhân, tổ chức như doanh nghiệp hay quốc gia cùng đưa ra thị trường hàng hóa phục vụ một nhóm khách hàng nhất định sẽ có sự tranh đua để giành phần thắng. Sự tranh đua này chính là cạnh tranh và những yếu tố thể hiện phần thắng giữa các cá nhân, tập thể thể hiện bằng nhiều tiêu chí khác nhau, nó phụ thuộc vào mục tiêu cá nhân hoặc tập thể đó hướng tới như doanh thu cao, chi phí thấp, thị phần lớn, thương hiệu nổi tiếng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường, trách nhiệm xã hội [40], [69].

Từ các quan niệm trên, có thể hiểu khái niệm về cạnh tranh như sau: cạnh tranh kinh tế là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế (nhà sản xuất, nhà phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, thương nhân…) nhằm giành lấy những vị thế tạo nên lợi thế tương đối trong sản xuất, tiêu thụ hay tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hay các lợi ích về kinh tế, thương mại khác để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.

2.1.2.2. Năng lực cạnh tranh

Khái niệm năng lực cạnh tranh ngày càng được nhiều người quan tâm, từ nhà nghiên cứu, chính trị gia, nhà quản lý chính quyền đến giới doanh nhân. Tuy nhiên, cho đến nay khái niệm này vẫn chưa được quan niệm và sử dụng một cách thống nhất. Qua nghiên cứu các nguồn tài liệu khác nhau, năng lực cạnh tranh có thể được định nghĩa như sau: (i) Theo Bạch Thụ Cường, tác giả cuồn sách Bàn về cạnh tranh toàn cầu lại quan niệm năng lực cạnh tranh là “năng lực của một doanh nghiệp hoặc một ngành, một quốc gia không bị doanh nghiệp khác, ngành khác, quốc gia khác đánh bại về năng lực kinh tế”; (ii) theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), “năng lực cạnh tranh” được định nghĩa là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho doanh nghiệp, các ngành, các địa phương, các quốc gia và khu vực phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế; (iii) Diễn đàn Kinh tế thế giới lại quan niệm “năng lực cạnh tranh là khả năng của một đất nước trong việc đạt được tỷ lệ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao và bền vững”; (iv) theo Chủ tịch Hội đồng Năng lực cạnh tranh của Mỹ: “năng lực cạnh tranh là khả năng của một quốc gia, trong điều kiện thị trường tự do và lành mạnh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế”; (v) theo Nhóm tư vấn về Năng lực cạnh tranh: “Năng lực cạnh tranh liên quan đến các yếu tố năng suất, hiệu suất và khả năng sinh lợi. Năng lực cạnh tranh là một phương tiện nhằm tăng các tiêu chuẩn cuộc sống và phúc lợi xã hội. Xét trên bình diện toàn cầu, nhờ tăng năng suất, hiệu suất trong bối cảnh phân công lao động quốc tế, năng lực cạnh tranh tạo nền tảng cho việc tăng thu nhập thực tế của người dân” [7], [93], [95].

Có thể kết luận, quan niệm về năng lực cạnh tranh hiện được hiểu rất rộng theo nhiều nghĩa, và chưa có được một khái niệm thống nhất và thực sự rõ ràng. Từ các quan niệm trên, có thể hiểu khái niệm về năng lực cạnh tranh như sau: “Năng lực cạnh tranh là khả năng khai thác các nguồn lực, lợi thế nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với yêu cầu của thị trường và tạo ra cơ hội thu nhập cao hơn và bền vững cho chủ thể cạnh tranh”.

2.1.2.3. Các cấp năng lực cạnh tranh

Cạnh tranh được nghiên cứu dưới các cấp độ khác nhau như cạnh tranh ở cấp quốc gia, cạnh tranh ở cấp ngành, doanh nghiệp và cạnh tranh ở cấp độ sản phẩm.

Năng lực cạnh tranh quốc gia: (i) Theo Uỷ ban Cạnh tranh công nghiệp của Hoa Kỳ, ''năng lực cạnh tranh đối với một quốc gia là mức độ mà ở đó, dưới các điều kiện thị trường công bằng và tự do, có thể sản xuất ra các hàng hoá và dịch vụ đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường quốc tế, đồng thời duy trì và mở rộng được thu nhập thực tế của nhân dân nước đó''. (ii) Theo Báo cáo về Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra định nghĩa năng lực cạnh tranh của một quốc gia là ''khả năng của nước đó đạt được những thành quả nhanh và bền vững về mức sống, nghĩa là đạt được các tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao được xác định bằng thay đổi của tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người theo thời gian''; (iii) nổi tiếng nhất là những đóng góp của Michael E. Porter, nhà kinh tế Hoa Kỳ. Ông cho rằng cạnh tranh của một quốc gia thể hiện một cách có ý nghĩa nhất ở năng suất lao động. Lý thuyết của Porter đề cao vai trò của doanh nghiệp trong cạnh tranh quốc gia. Một quốc gia cạnh tranh cao về hàng hóa khi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong quốc gia đó có sức mạnh cạnh tranh và sức mạnh đó là năng suất lao động cao hơn, là chất lượng sản phẩm cao hơn. Theo M. Porter, những yếu tố như cơ sở hạ tầng, người lao động lành nghề, thông tin, sức ép cạnh tranh, luật pháp, công nghệ có vai trò rất lớn tạo ra môi trường cạnh tranh, chính môi trường cạnh tranh này làm tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp, tổng hợp năng suất lao động các doanh nghiệp tạo thành năng suất lao động quốc gia đối với hàng hàng hóa [57], [89].

Hằng năm, cấp độ cạnh tranh giữa các quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá, so sánh và xếp hạng như OECD, Học viện IMD ở Thụy Sĩ, WEF. Cấp độ cạnh tranh quốc gia là căn cứ để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn địa điểm đầu tư. Vì thế, cấp độ cạnh tranh quốc gia có vai trò rất quan trọng đối với thu hút đầu tư của quốc gia đó [89].

Từ các quan niệm trên, có thể hiểu khái niệm về năng lực cạnh tranh quốc gia như sau: năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất.

Cạnh tranh ở cấp ngành và doanh nghiệp: (i) Theo quan niệm về năng lực cạnh tranh dựa trên yếu tố năng suất bình quân toàn ngành, một ngành công nghiệp được coi là có năng lực cạnh tranh khi mức độ yếu tố năng suất bình quân toàn ngành bằng hoặc cao hơn mức đó của các đối thủ cạnh tranh. Đây là cách tiếp cận mang tính chiến lược để cải thiện năng suất của ngành. Năng suất toàn bộ nhấn mạnh tới hiệu quả của ngành trong việc sử dụng yếu tố đầu vào của vốn và lao động tạo ra năng suất lao động cao hơn, góp phần tăng cạnh tranh của ngành. (ii) Theo quan điểm của M. Porter, trong nền kinh tế thị trường, bất kỳ ngành, doanh nghiệp nào trong quá trình hoạt động đều phải chịu áp lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp phụ thuộc vào năm yếu tố là sức mạnh đàm phán của nhà cung cấp; đe doạ của các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường; đe doạ của các sản phẩm và dịch vụ thay thế; sức mạnh đàm phán của người mua và cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại. Cũng như cấp độ cạnh tranh quốc gia, các quan niệm và cách tính toán đưa ra của các nhà nghiên cứu về cạnh tranh có khác nhau nhưng kết quả cuối cùng là ngành, doanh nghiệp sau khi cạnh tranh phải đứng vững trên thị trường. Khả năng đứng vững của doanh nghiệp trên thị trường thể hiện ở nhiều khía cạnh như sử dụng ít nguồn lực lao động và vốn nhưng lại đưa nhiều hàng ra thị trường, doanh thu lớn, thị phần tăng lên. Kết quả đó chứng tỏ ngành, doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh.

Từ các quan niệm trên, có thể hiểu khái niệm về năng lực cạnh tranh của ngành và doanh nghiệp như sau: “Năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và bền vững”.

Cạnh tranh ở cấp sản phẩm: Có nhiều quan niệm khác nhau về năng lực cạnh tranh ở cấp sản phẩm hay mặt hàng. Tuy nhiên, các quan điểm đều có điểm chung là cấp độ nghiên cứu vi mô, nó hoàn toàn khác với nghiên cứu năng lực cạnh tranh ở cấp quốc gia và cấp ngành: (i) Theo quan niệm của các nhà quản lý, mặt hàng hay sản phẩm có tính cạnh tranh được đo bằng thị phần trên thị trường. Mặt hàng hay sản phẩm có thị phần lớn là mặt hàng có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Quan niệm trên, theo tác giả mới thể hiện một phần trong năng lực cạnh tranh ở cấp sản phẩm mà chưa đưa ra hết sức mạnh và đặc tính của sản phẩm đó trên thị trường. Khi mua một sản phẩm, khách hàng quan tâm nhiều yếu tố như giá cả, chất lượng, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ khách hàng. Sau khi xem xét và cân nhắc các yếu tố đó, khách hàng mới quyết định mua, chính sự quan tâm và ra quyết định mua của khách hàng là dấu hiệu chứng tỏ mặt hàng này có năng lực cạnh tranh tốt hơn mặt hàng khác. (ii) Keinosuke Ono và Tatsuyuki Negoro cho rằng sản phẩm có năng lực cạnh tranh là sản phẩm hội tụ đủ các yếu tố chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, dịch vụ trong đó yếu tố cơ bản nhất là chất lượng sản phẩm. Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một xu hướng mới trong nền kinh tế hiện đại là thương hiệu hàng hóa là một yếu tố rất quan trọng. Vì thế, hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng sẽ cạnh tranh tốt hơn hàng hóa chưa có thương hiệu hoặc thương hiệu chưa nổi tiếng. (iii) Tôn Thất Nguyễn Thiêm lại cho rằng, sản phẩm có năng lực cạnh tranh là sản phẩm đem lại một giá trị gia tăng cao hơn hoặc mới lạ hơn để khách hàng lựa chọn mình chứ không phải lựa chọn sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Theo nhà nghiên cứu này, năng lực cạnh tranh không phải là một động thái nhất định, nó là một quá trình liên tục, điều này buộc các doanh nghiệp luôn phải tạo ra nhiều hàng hóa khác nhau, có chất lượng tốt hơn, mới lạ hơn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cho nên, các doanh nghiệp luôn đổi mới để tạo ra những mặt hàng có tính năng vượt trội, có giá trị gia tăng hơn mặt hàng của đối thủ cạnh tranh. Những yếu tố tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng là chất lượng sản phẩm, thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, địa điểm bán hàng, dịch vụ, thương hiệu và giá cả. Sáu yếu tố này liên kết, hỗ trợ nhau tạo ra giá trị gia tăng của hàng dưới cách đánh giá của khách hàng; (iv) theo Doãn Kế Bôn, năng lực cạnh tranh của hàng hóa được cấu thành bởi hai nhóm yếu tố: nhóm yếu tố cấu thành nên giá bán sản phẩm và các yếu tố ngoài giá, đó là sự vượt trội về cơ cấu sản phẩm, sản phẩm mới, về chất lượng và khả năng đáp ứng hàng rào kỹ thuật, uy tín thương hiệu và khả năng cung ứng hàng hóa [5], [37], [59].

Từ những quan điểm trên có thể hiểu năng lực cạnh tranh của một loại sản phẩm hay dịch vụ nào đó trên thị trường là sự thể hiện ưu thế tương đối của nó cả về định tính và định lượng so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại khác trên thị trường. Mỗi sản phẩm do từng nhà sản xuất đưa ra thị trường sẽ được người tiêu dùng đón nhận với các mức độ cao thấp khác nhau. Sự thừa nhận của người tiêu dùng thể hiện việc qua việc mua hay không mua sản phẩm đó, là biểu hiện cuối cùng về năng lực cạnh tranh của sản phẩm đó.

2.1.2.4. Năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Những thuật ngữ ''năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu'' hay ''sức cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu '' hoặc ''khả năng cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu'' được các nhà nghiên cứu, nhà kinh doanh hoặc trong các báo cáo của chính phủ sử dụng khá rộng rãi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các thuật ngữ trên được sử dụng đồng nhất ở các cấp độ cạnh tranh khác nhau và thay thế cho nhau. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, các thuật ngữ đó không đồng nhất mà khác nhau và mỗi nhà nghiên cứu đưa ra những quan niệm khác nhau về chúng. Vì thế, đưa ra một định nghĩa đúng duy nhất, phản ánh từng thuật ngữ là điều khó thực hiện với sự đồng ý tuyệt đối của các nhà nghiên cứu [69]. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy trong các quan niệm đó có những điểm chung:

Thứ nhất, năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu là năng lực cạnh tranh ở cấp độ sản phẩm và cấp độ nghiên cứu vi mô.

Thứ hai, quan niệm thường được đề cập là năng lực cạnh tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác, doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác tức là nói đến khả năng cạnh tranh giữa các chủ thể với nhau còn mặt hàng thủy sản hay sản phẩm thủy sản không phải là chủ thể mà là đối tượng kinh doanh. Với sản phẩm thuần tuý chúng không thể tự cạnh tranh với nhau, chỉ có cạnh tranh giữa các chủ thể thông qua sản phẩm, nghĩa là doanh nghiệp này cạnh tranh với doanh nghiệp khác và quốc gia này cạnh tranh với quốc gia khác thông qua mặt hàng thủy sản. Để phân tích và đánh giá đúng năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản xuất khẩu, cần nghiên cứu năng lực cạnh tranh hàng thủy sản xuất khẩu qua hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan tác động tới sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Cho nên, khi nghiên cứu năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu là xem xét gián tiếp những hành vi thực hiện, các biện pháp, sự cố gắng, những hoạt động của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan nhằm nâng cao hoặc gây suy giảm năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Trong phần nghiên cứu này, tác giả sẽ đi sâu nghiên cứu cạnh tranh của hàng thủy sản xuất khẩu thông qua những biểu hiện, hành vi, biện pháp thực hiện của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ và những Bộ, Ngành liên quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Thứ ba, năng lực cạnh tranh bao hàm ý nghĩa rộng lớn. Mặt hàng thủy sản có năng lực cạnh tranh trước tiên phải có lợi thế cạnh tranh ở mức độ nào đó trong hiện tại, nghĩa là lợi thế cạnh tranh là yếu tố phải có trước. Trong quá trình phát triển làm xuất hiện thêm những yếu tố, tiềm năng mới bên trong và bên ngoài giúp mặt hàng thủy sản xuất khẩu có năng lực cạnh tranh lớn hơn trong tương lai nếu doanh nghiệp biết cách khai thác, tận dụng cơ hội. Đến một thời điểm nhất định trong tương lai, khi mặt hàng thủy sản xuất khẩu hội tụ đầy đủ các yếu tố do sự nỗ lực thực hiện của doanh nghiệp, những yếu tố mang tính khả năng đó trở thành lợi thế cạnh tranh mới của mặt hàng thủy sản xuất khẩu, lợi thế cạnh tranh mới cao hơn lợi thế cạnh tranh cũ, giúp sản phẩm cạnh tranh tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Trên cơ sở các phân tích trên, có thể hiểu khái niệm về năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu như sau: “Năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu là khả năng duy trì và cải thiện vị trí cạnh tranh của mặt hàng thủy sản trong hiện tại và tương lai so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, nhằm thu lợi ích tối đa”.

Theo khái niệm trên, khi nói đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu là nói đến mặt hàng thủy sản xuất khẩu đó phải có lợi thế cạnh tranh nhất định so với đối thủ cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh là xuất phát điểm của năng lực cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu tạo thành bởi những nhiều yếu tố nội tại như chất lượng, cảm quan, công dụng sản phẩm và các yếu tố từ môi trường bên ngoài làm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhất định như các kênh phân phối, chính sách giá cả, các hoạt động quảng cáo sản phẩm. Khai thác những lợi thế, nguồn lực, cơ hội kinh doanh của mặt hàng thủy sản, hàng thủy sản có năng lực cạnh tranh nhất định. Năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản sẽ được nâng cao thông qua các hành vi tác động, kết hợp các yếu tố hiện có và tiềm năng của doanh nghiệp, quốc gia, bối cảnh để chiến thắng các đối thủ cạnh tranh.

2.1.3. Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Hiện nay, có nhiều cách đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm. Qua nghiên cứu tác giả nhận thấy năng lực cạnh tranh sản phẩm thường được nhận biết qua 3 kênh: (i) Đánh giá trực tiếp từ thị trường thông qua các tiêu chí như tăng trưởng doanh thu, thị phần; (ii) đánh giá trực tiếp trên sản phẩm thông qua các tiêu chí như chất lượng, giá cả, tiện ích, mẫu mã,…; (iii) đánh giá từ ý kiến của khách hàng thông qua các tiêu chí như mức độ thỏa mãn nhu cầu, mức độ nhận biết sản phẩm, mức độ trung thành với nhãn hiệu... Mỗi kênh đánh giá cho ta một góc nhìn về năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Kênh đánh giá trực tiếp từ thị trường là kênh quan trọng hơn cả.

Xuất khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển vẫn chủ yếu là nguyên liệu, sản phẩm sơ chế. Các công ty xuất khẩu thủy sản không bán sản phẩm trực tiếp cho các công ty bán lẻ hay các cửa hàng siêu thị ở thị trường nhập khẩu. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu được bán cho các trung tâm thu mua lớn hay các công ty xuyên quốc gia rồi mới được bán cho các công ty bán lẻ. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu từ các nước đang phát triển khi đến tay người tiêu dùng tại thị trường các nước phát triển hầu hết chúng được mang nhãn hiệu của các nhà nhập khẩu hoặc nhà bán lẻ. Vì vậy, kênh đánh giá từ khách hàng là khó khả thi trong nghiên cứu này.

Từ những lý do nêu trên, trong nghiên cứu này sử dụng hai kênh: đánh giá trực tiếp trên thị trường và đánh giá trực tiếp trên sản phẩm, với bốn tiêu chí cơ bản sau đây: chất lượng mặt hàng thủy sản xuất khẩu; giá xuất khẩu của mặt hàng thủy sản; khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản; thị phần xuất khẩu của mặt hàng thủy sản để đánh giá năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

2.1.3.1. Chất lượng mặt hàng thủy sản

Hiện nay, đang diễn ra một xu hướng trong sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh đó là chất lượng luôn tăng lên. Chất lượng sản phẩm có thể chia theo các nhóm khách hàng trên thị trường như nhóm khách hàng cao cấp, trung cấp và thấp cấp, mỗi nhóm khách hàng đều có một chất lượng sản phẩm tương ứng. Tuy nhiên, dù là nhóm khách hàng nào, chất lượng sản phẩm được xem xét theo hai khía cạnh khác nhau:

Thứ nhất, mỗi sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải thể hiện được những đặc tính cơ bản của sản phẩm như chỉ tiêu cảm quan: Trạng thái tự nhiên, mùi vị, màu sắc của sản phẩm...; chỉ tiêu hoá học: Quy định hàm lượng Nitơ dưới dạng Amoniac, độ PH trong 1 gam sản phẩm...; chỉ tiêu vi sinh: Quy định loại, lượng khuẩn có trong sản phẩm như: khuẩn hoá khí, khuẩn hiếm khí, khuẩn Coliforimen... những đặc tính về chất lượng sản phẩm được coi là đương nhiên phải có.

Thứ hai, chất lượng sản phẩm được xem xét theo nghĩa chất lượng so sánh, được thể hiện thông qua những đặc điểm so sánh với sản phẩm khác về các tiêu chí của chất lượng. Hoặc chất lượng sản phẩm được xem xét theo một cách khác là chất lượng sản phẩm chuẩn mực và chất lượng vượt trội. Chất lượng chuẩn mực là chất lượng đương nhiên phải có đối với mỗi sản phẩm, nó phải tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu trong các khâu nuôi trồng, khai thác và chế biến. Còn chất lượng vượt trội, hiểu theo nghĩa sản phẩm luôn được đổi mới để tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

2.1.3.2. Giá xuất khẩu của mặt hàng thủy sản

Giá xuất khẩu khác nhau của mặt hàng thủy sản làm gia tăng sự lựa chọn của khách hàng, chênh lệnh về giá sẽ khiến khách hàng đưa ra các quyết định khác nhau khi mua hàng. Thông thường, khách hàng sẽ chọn những sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng, các dịch vụ khách hàng được cung cấp như nhau nhưng có giá rẻ hơn, đó là tâm lý chung của khách hàng. Mặt hàng thủy sản có giá xuất khẩu rẻ hơn sẽ thu hút được khách hàng nhiều hơn.

Những sản phẩm thủy sản xuất khẩu có sự khác biệt dành cho những nhu cầu đặc biệt, giá xuất khẩu có thể không được khách hàng quan tâm do những nhu cầu đặc biệt đó khác với những nhu cầu thông thường của đa số khách hàng. Nhu cầu đặc biệt chỉ thể hiện ở một nhóm nhỏ khách hàng và yêu cầu đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu cũng có tính khác biệt cao, vì thế giá cả không phải là vấn đề quan tâm lớn. Nhưng đa số các khách hàng của mặt hàng thủy sản là thông thường và nhu cầu không đặc biệt, giá xuất khẩu sẽ là yếu tố cân nhắc khi ra quyết định mua. Giá càng được cân nhắc kỹ lưỡng khi môi trường xã hội có nhiều biến động như bất ổn về kinh tế, chính trị sẽ làm cho người tiêu dùng quan tâm đến giá cả nhiều hơn.

Nhìn chung, với đặc điểm của mặt hàng thủy sản là liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người và trong xu thế tự do hoá thương mại nên tiêu chí giá xuất khẩu của mặt hàng thủy sản không được xem là tiêu chí quan trọng nhất trong cạnh tranh. Tuy nhiên, tiêu chí này vẫn ảnh hưởng rất lớn tới nâng cao khả năng cạnh tranh mặt hàng thủy sản xuất khẩu theo từng khu vực thị trường và từng nhóm khách hàng nhất định.

2.1.3.3. Khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản

Đây là một tiêu chí quan trọng đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, một tiêu chí mang tính tuyệt đối thể hiện nhanh nhất, rõ nét nhất đối với các sản phẩm trên thị trường. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu có năng lực cạnh tranh lớn sẽ dễ dàng bán được và bán chạy, làm tăng kim ngạch hơn những mặt hàng thủy sản xuất khẩu có khả năng cạnh tranh yếu, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu nhỏ.

Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản được tính theo công thức sau:

n

TR = Σ P­­i ´ Qi (1.1)

i=1

TR: Kim ngạch xuất khẩu

Pi: Giá cả của một đơn vị sản phẩm i

Q­i: Số lượng sản phẩm i được tiêu thụ

n: Số nhóm sản phẩm được tiêu thụ

Kim ngạch xuất của mặt hàng thủy sản đạt ở mức cao trên thị trường chứng tỏ sản phẩm được thị trường chấp nhận, khách hàng ưa chuộng. Sự chấp nhận của khách hàng thể hiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu cơ hội lựa chọn sản phẩm như nhau, doanh thu là tiêu chí phản ánh chính xác mức độ thoả mãn nhu cầu khác nhau của khách hàng đối với sản phẩm. Tăng kim ngạch, nghĩa là sản phẩm thoả mãn tốt nhất nhu cầu khách hàng, mức độ thoả mãn tốt hơn nhu cầu khách hàng phản ánh năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu cao hơn.

2.1.3.4. Thị phần xuất khẩu của mặt hàng thủy sản

Thị phần được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản của doanh nghiệp, quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các doanh nghiệp, quốc gia xuất khẩu loại mặt hàng thủy sản trên một thị trường và trong thời gian nhất định. Mỗi loại mặt hàng thủy sản xuất khẩu thường chiếm những mảng thị trường nhất định, những mảng thị trường đó chính là số lượng khách hàng tiêu dùng mặt hàng thủy sản của doanh nghiệp. Khi mặt hàng thủy sản xuất khẩu có sự kết hợp các yếu tố bên trong sản phẩm và những yếu tố bên ngoài sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và mức độ bao phủ thị trường lớn hơn, khoảng thị phần tồn tại từ trước đến nay trở nên nhỏ bé so với sức mạnh và khả năng của nó. Với sức mạnh đó, tạo nên năng lực cạnh tranh rất lớn trước các đối thủ cạnh tranh, buộc mặt hàng thủy sản xuất khẩu của đối thủ cạnh tranh yếu hơn nhường lại từng phần thị trường đã chiếm.

Thị phần xuất khẩu thủy sản được tính theo công thức sau:

R

MS = --- ´ 100% (1.2)

TR

MS: Thị phần xuất khẩu.

R: Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của quốc gia trong thời gian nhất định.

TR: Tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia xuất khẩu sang thị trường đó trong thời gian nhất định.

Trừ trường hợp có những thoả thuận về những mảng thị trường riêng biệt không xâm phạm lẫn nhau, còn trong điều kiện tự do hoá thương mại, cạnh tranh bình đẳng làm cho lưu chuyển hàng hoá từ quốc gia này sang quốc gia khác trở nên dễ dàng dẫn đến thị phần của mặt hàng thủy sản xuất khẩu dễ bị thu hẹp. Thị phần phụ thuộc lớn vào năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Sản phẩm thủy sản nào cạnh tranh tốt thường chiếm được mảng thị trường lớn, ngược lại sản phẩm nào cạnh tranh yếu chỉ là mảng thị trường nhỏ. Tiêu chí thị phần phản ánh chính xác sức mạnh của mỗi sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm đó trên thị trường.

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

2.2.1. Các nhân tố thuộc nước xuất khẩu

2.2.1.1. Các điều kiện về yếu tố sản xuất

Các điều kiện về yếu tố sản xuất là tình trạng của một quốc gia về đầu vào sản xuất như nguồn nhân lực, nguồn tài sản vật chất, nguồn kiến thức,... Điều kiện về yếu tố sản xuất giữ vai trò quan trọng trong việc cạnh tranh ở bất kỳ một ngành công nghiệp hay sản phẩm nào. Để tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, các yếu tố đầu vào sẽ góp phần làm tăng hiệu quả, chất lượng, giảm giá thành,... Trong cạnh tranh quốc tế, các điều kiện về yếu tố sản xuất được xem là nền tảng của lợi thế cạnh tranh mà các doanh nghiệp, các ngành có thể tận dụng từ quốc gia của mình để tạo ra các sản phẩm có năng lực cạnh tranh.

Các yếu tố đầu vào sản xuất cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu có thể kể đến như: Tiềm năng về nguồn lợi thủy sản là những tài nguyên sinh vật trong môi trường nước, có giá trị kinh tế được con người khai thác, nuôi trồng thu hoạch sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu hoặc bày bán trên thị trường; nguồn nhân lực cho ngành thủy sản thể hiện qua số lượng, kỹ năng, trình độ và đạo đức nghề nghiệp; công nghệ thủy sản như công nghệ trong nuôi trồng, công nghệ đánh bắt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến.

2.2.1.2. Các điều kiện về cầu trong nước

Điều kiện cầu trong nước là bản chất của nhu cầu thị trường trong nước về các sản phẩm và dịch vụ của ngành. Thị trường trong nước có vai trò rất quan trọng để tạo ra khả năng cạnh tranh toàn cầu. Nó cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước một bức tranh rõ ràng hơn về sự thay đổi nhu cầu của khách hàng, tạo áp lực buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, nhờ đó tạo ra nhiều lợi thế trước các đối thủ nước ngoài trong một thị trường toàn cầu.

Thị trường cạnh tranh trong nước là môi trường để các doanh nghiệp trong nước cọ xát, từ đó nhận ra được những điểm yếu của chính mình, và để xây dựng các năng lực riêng biệt cần thiết cho quá trình cạnh tranh không chỉ cho thị trường trong nước, đặc biệt là khi vươn ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, qui mô của thị trường trong nước cũng là điều kiện để nuôi dưỡng các doanh nghiệp trước khi bước ra thị trường quốc tế.

2.2.1.3. Các ngành hỗ trợ và liên quan

Các ngành hỗ trợ và liên quan là sự tồn tại của các ngành cung cấp đầu vào và các ngành công nghiệp liên quan có khả năng cạnh tranh quốc tế. Các ngành hỗ trợ và ngành liên quan giúp cho ngành công nghiệp chính tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, mối liên hệ chặt chẽ giữa các ngành sẽ tạo điều kiện đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ để duy trì các lợi thế cạnh tranh bền vững hơn. Trong chuỗi giá trị của sản phẩm, sự gắn kết của các công đoạn trong qui trình sản xuất kinh doanh có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập sự bền vững trong sự phát triển của sản phẩm.

Các ngành hỗ trợ và liên quan cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu phải kể đến: Hậu cần nghề cá bao gồm hệ thống thủy lợi, cảng cá, các cơ sản xuất tầu thuyền, ngư cụ, hệ thống kho lạnh…; các hiệp hội thủy sản; hệ thống ngân hàng cung cấp tài chính cho ngành thủy sản; các tổ chức đào tạo, nghiên cứu về thủy sản…

2.2.1.4. Chiến lược doanh nghiệp, cấu trúc và cạnh tranh trong nước

Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh được coi là môi trường để các doanh nghiệp cọ sát, tự hoàn thiện khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế cạnh tranh của mình trên thương trường. Tình trạng cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp được xem là yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm [54].

Thực tế cho thấy, ở các nước thị trường tự do, các doanh nghiệp thường xuyên phải đương đầu với các áp lực cạnh tranh nên việc sản phẩm của họ đứng vững trên thị trường trong nước là nền tảng để sản phẩm đó thành công trên thị trường quốc tế. Đối với các nước có thị trường bảo hộ, sản phẩm của các doanh nghiệp đứng vững một phần nhờ vào sự hỗ trợ và bảo vệ của nhà nước, do đó các sản phẩm này thường dễ bị đánh bại hơn khi tham gia cạnh tranh quốc tế.

Chiến lược, cấu trúc và cạnh tranh của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh sản phẩm thủy sản xuất khẩu được đánh giá theo cả chiều ngang và chiều dọc. Theo chiều ngang, đó là cấu trúc và cạnh tranh trong khâu khai thác, trong nuôi trồng, trong chế biến và xuất khẩu thủy sản. Theo chiều dọc đó là sự cạnh tranh và liên kết giữa các khâu nuôi trồng đánh bắt với chế biến xuất khẩu.

2.2.1.5.Vai trò của chính phủ

Chính phủ là chủ thể lý tưởng giữ vai trò chất xúc tác và người đòi hỏi. Chính phủ có thể thể khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tham vọng của họ và hướng tới một cấp độ khả năng cạnh tranh cao hơn. Chính phủ không thể tự tạo ra khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, chỉ có các doanh nghiệp mới làm được. Do vậy, vai trò của chính phủ thể hiện thông qua việc kết nối và khuyếch đại các nhân tố của năng lực cạnh tranh sản phẩm. Chính sách của chính phủ có thể tạo ra một môi trường cho phép doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh.

Vai trò của chính phủ đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu được thể hiện qua các nội dung như: Sự hỗ trợ của chính phủ đối với lĩnh vực thủy sản; đưa ra các quy định đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu và kiểm soát việc thực hiện của các doanh nghiệp; thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu như tham gia vào các tổ chức, các cộng đồng kinh tế, ký kết các hiệp định thương mại…

Tóm lại, những yếu tố kể trên tạo ra một môi trường cho các doanh nghiệp trong nước hình thành và cạnh tranh. Mỗi yếu kém trong bất kỳ yếu tố nào cũng đều làm giảm tiềm năng của các doanh nghiệp thủy sản trong việc tạo ra những sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm thủy sản xuất khẩu nói riêng, hay nói cách khác, làm ảnh hưởng xấu đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

2.2.2. Các nhân tố thuộc thị trường nhập khẩu

2.2.2.1. Nhu cầu của thị trường nhập khẩu

Nhu cầu của thị trường nhập khẩu luôn được xem là yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng quan trọng, quyết định đến khả năng thành công của sản phẩm xuất khẩu. Sự biến động của thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì vị thế của mỗi sản phẩm, doanh nghiệp của các quốc gia xuất khẩu trên bản đồ cạnh tranh.

Qui mô và xu hướng biến động của thị trường sẽ kéo theo sự thay đổi trong năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như các chủ thể cạnh tranh. Những biến động này có thể làm mất đi những thế mạnh hiện tại mà sản phẩm đang có, nhưng cũng có thể mang lại cơ hội tạo lập các lợi thế cạnh tranh mới cho sản phẩm.

Với sản phẩm thủy sản, nhu cầu tại thị trường nhập khẩu được xác định thông qua hai nhu cầu cơ bản: Nhu cầu tiêu dùng thủy sản nội địa phụ thuộc vào quy mô dân số và khối lượng tiêu dùng bình quân; nhu cầu phục vụ xuất khẩu.

2.2.2.2. Cạnh tranh trên thị trường nhập khẩu

Với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra trên toàn cầu, mỗi ngành, mỗi quốc gia đều phải đương đầu với những áp lực cạnh tranh quốc tế đến từ các quốc gia khác, không phân biệt trình độ phát triển và vị trí địa lý. Trên mỗi thị trường nhập khẩu, đều có sự hiện diện của các sản phẩm đến từ nhiều quốc gia khác nhau, với những lợi thế cạnh tranh đa dạng. Điều này làm cho phạm vi cạnh tranh và cường độ cạnh tranh trên thị trường nhập khẩu ngày càng tăng lên, và sân chơi tại thị trường nước nhập khẩu ngày càng trở lên khắc nghiệt hơn.

Xu hướng chung của cạnh tranh quốc tế hiện nay là mỗi quốc gia tham gia cạnh tranh đều tìm cách khai thác tối đa các yếu tố lợi thế quốc gia của mình. Đồng thời, các quốc gia ngày càng chú trọng hơn đến việc xây dựng các lợi thế cạnh tranh mới, từ đó làm cho năng lực cạnh tranh của mỗi sản phẩm của quốc gia đều mạnh lên. Những lợi thế cạnh tranh nhờ nguồn lực tự nhiên và lao động ngày càng mất dần ưu thế, và những lợi thế cạnh tranh có được nhờ nâng cao năng lực công nghệ và quản lý ngày càng chiếm ưu thế. Điều này có ảnh hưởng rất quan trọng đến khả năng tạo lập, duy trì và cải thiện vị thế sản phẩm của mỗi quốc gia trong bức tranh cạnh tranh toàn cầu. Trong lĩnh vực thủy sản, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu không những phải cạnh tranh với nhau mà chúng còn phải cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản nội địa.

2.2.2.3. Các rào cản thương mại của thị trường nhập khẩu

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển vốn có nhu cầu cao về các sản phẩm tiêu dùng, đang có xu hướng dựng lên ngày càng nhiều các hàng rào thương mại, làm tăng thêm sức ép về việc tạo dựng các lợi thế cạnh tranh ngoài những lợi thế quốc gia sẵn có của các nước đang phát triển.

Đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu các quốc gia nhập khẩu thường xây dựng các rào cản thương mại sau: Các rào cản về quy trình và thủ tục nhập khẩu thủy sản; các rào cản về kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu thủy sản của các cơ quan quản lý; các rào cản về thuế; các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gói nhãn mác thủy sản nhập khẩu; các rào cản liên quan đến xuất xứ, nguồn gốc thủy sản xuất khẩu; các rào cản quy định về môi trường.

2.3. Kinh nghiệm của một số quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản trên thị trường EU

2.3.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU

Trung Quốc là nước xuất khẩu thủy sản sang EU lớn thứ hai sau Na Uy. Năm 2015, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đạt 494 nghìn tấn, tương đương với kim ngạch 1,61 tỷ Euro. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang EU bình quân đạt 3,59%/năm, trong giai đoạn 2007 – 2015.

Mặt hàng Trung Quốc có thế mạnh là cá phi lê, thịt cá, động vật thân mềm và loài giáp xác. Năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu sang EU 322,6 nghìn tấn cá phi lê và thịt cá, đạt 1.012 triệu Euro và cũng là nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này sang EU. Động vật thân mềm cũng là mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc có thế mạnh trên thị trường EU, đạt khối lượng 66,2 nghìn tấn, tương đương 164,6 triệu Euro.

Để đạt được những thành tựu trên, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp mang tính phối hợp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU.

Về chiến lược phát triển: Tích cực điều chỉnh có tính chiến lược kết cấu nghề cá, tiến hành cải cách cơ cấu ngành, chuyển hướng từ nghề cá truyền thống sang nghề cá hiện đại từ chú trọng hoạt động đánh bắt sang hoạt động nuôi trồng, tăng hàm lượng chế biến, chú trọng việc đầu tư vào các chủng loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao, liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu và phản ứng nhanh chóng khi thị trường EU xuất hiện nhiều rào cản.

Bảng 2.2. Xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang EU theo giá trị, theo mặt hàng, giai đoạn 2007 -2015

Đơn vị: 1.000 Euro

Nhóm sản phẩm

Mã HS

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng

1.235.093

1.283.968

1.309.913

1.539.929

1.714.878

1.616.628

1.496.001

1.502.271

1.601.214

Cá tươi sống

0301

2.874

2.442

2.345

2.383

2.300

1.875

1.568

1.536

1.628

Cá tươi và cá ướp lạnh

0302

1.002

105

26

284

91

18

66

1

Cá động lạnh trừ các loài cá phi lê đông lạnh

0303

78.121

56.215

51.583

62.253

64.825

55.265

55.597

46.430

66.702

Cá phi lê hoặc thịt cá

0304

809.404

855.400

856.209

945.300

1.076.948

1.032.017

906.463

920.081

1.012.875

Cá hun khói, khô, muối

0305

32.472

38.416

40.159

39.004

48.247

43.146

45.989

49.405

44.800

Loài giáp xác

0306

129.810

122.837

121.536

129.581

139.491

136.558

131.157

113.585

149.800

Động vật thân mềm

0307

66.162

64.454

94.359

202.625

197.806

158.907

161.471

137.569

164.623

Dầu cá

1504

803

777

766

849

1.704

2.069

2.437

3.199

7.649

Cá chế biến hoặc cá bảo quản

1604

32.879

40.553

51.509

58.049

70.726

75.947

97.142

90.397

79.990

Loài giáp xác, động vật thân mềm, không xương sống …

1605

81.566

102.769

91.421

99.600

112.739

110.827

94.111

140.071

73.147

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Về nuôi trồng thủy sản: Bên cạnh việc tạo con giống bằng phương pháp nhân tạo, Trung Quốc đang chuyển dần nghề nuôi thủy sản biển từ phương thức quảng canh sang thâm canh. Với việc đưa ra các loài nuôi phổ biến chất lượng cao, nghề nuôi thủy sản biển sẽ được đẩy mạnh. Trung Quốc sẽ sử dụng tốt nhất thành tựu của các cơ quan nghiên cứu và phát triển thủy sản, như­ phát triển các công nghệ nuôi lồng hiện đại đủ sức để chống sóng to gió lớn, nghiên cứu xử lý ảnh hưởng về kinh tế và thực tiễn của các trại nuôi, phát triển các hệ thống cho ăn tự động, cũng như­ các phương tiện bảo vệ, quản lý và giám sát tốt hơn. Sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao có vai trò then chốt trong việc tăng cường chất lượng sản phẩm nuôi, giảm giá thành và dịch bệnh, ngăn ngừa ô nhiễm môi tr­ường và tăng hiệu quả kinh tế. Tăng cường kiểm tra kiểm soát thủy sản nuôi nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng cho các sản phẩm thủy sản.

Về khai thác thủy sản: Tích cực đẩy mạnh việc điều chỉnh có tính chiến lược kết cấu nghề cá, chuyển hướng mạnh từ nghề cá truyền thống sang nghề cá hiện đại. Cân bằng hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ trên cơ sở bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, chú trọng công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Về chế biến thủy sản: Chú trọng đầu tư cho công nghệ chế biến, nhất là đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng, sản phẩm mới, chú trọng an toàn thực phẩm thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn trong chế biến và hệ thống giám sát kiểm tra chất lượng thủy sản. Tăng nhập khẩu để chế biến, chính phủ Trung Quốc có chủ trương rất rõ ràng về việc ưu tiên mở rộng ngành chế biến thủy sản để thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Hàng năm, Trung Quốc nhập khoảng 1,95 triệu tấn thủy sản, phần lớn được sử dụng để tái xuất khẩu.

Về sản phẩm: Tập trung sản xuất và đa dạng hoá các mặt hàng thủy sản giá trị gia tăng. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Trung Quốc gồm philê cá, giáp xác chế biến sẵn hoặc đóng túi và nhuyễn thể, cá và trứng cá chế biến sẵn hoặc đóng gói đều tăng lên, phản ánh rõ xu hướng tăng thêm giá trị cho các sản phẩm của ngành chế biến thủy sản Trung Quốc.

2.3.2. Kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU

Ấn Độ là một nước khai thác thủy sản lớn vào bậc nhất nhì trong các nước đang phát triển và đứng thứ 6 trong số các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Ngành thủy sản hướng đến xuất khẩu của Ấn Độ chủ yếu dựa vào sản phẩm tôm đông lạnh, chiếm trên 30% khối lượng và 70% giá trị xuất khẩu thủy sản của nước này. Hiện nay, Ấn Độ là nước cung cấp tôm đông lạnh lớn nhất sang Nhật Bản và lớn thứ 3 sang Mỹ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất về khối lượng xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ là cá, đứng đầu là cá hố.

Ấn Độ nằm trong 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn vào thị trường EU, giai đoạn 2007 – 2015 mức tăng trưởng bình quân 8,6%/năm. Năm 2015, khối lượng thủy sản xuất sang EU đạt 179,4 nghìn tấn với kim ngạch 915,26 triệu Euro.

Các mặt hàng Ấn Độ có thế mạnh là loài giáp xác và động vật thân mềm. Đây là hai mặt hàng thủy sản có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất sang EU. Năm 2015, khối lượng xuất khẩu loài giáp xác đạt 75,84 nghìn tấn, với kim ngạch 547,9 triệu Euro. Xuất khẩu động vật thân mềm đạt sản lượng 84,04 nghìn tấn, với kim ngạch 282,67 triệu Euro.

Bảng 2.3. Xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ sang EU theo giá trị, theo mặt hàng, giai đoạn 2007 -2015

Đơn vị: 1.000 Euro

Nhóm sản phẩm

Mã HS

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng

497.579

466.494

473.305

538.372

617.493

624.862

635.120

873.985

915.259

Cá tươi sống

0301

231

206

213

266

217

205

143

168

257

Cá tươi và cá ướp lạnh

0302

1.634

1.990

2.586

2.483

2.817

2.647

3.243

3.767

5.567

Cá động lạnh trừ các loài cá phi lê đông lạnh

0303

22.407

20.804

17.383

11.860

14.808

12.378

11.103

15.923

12.280

Cá phi lê hoặc thịt cá

0304

6.964

10.366

10.929

12.807

13.837

15.483

13.808

11.159

16.979

Cá hun khói, khô, muối

0305

4

3

11

31

1

285

1

135

4

Loài giáp xác

0306

257.430

235.137

254.342

255.346

294.124

309.431

357.506

547.924

547.917

Động vật thân mềm

0307

184.907

168.561

156.366

222.750

259.971

252.311

204.749

242.587

282.674

Dầu cá

1504

2.073

244

19

52

1

:

49

0

65

Cá chế biến hoặc cá bảo quản

1604

6.295

11.749

14.718

13.707

14.482

12.425

10.611

10.889

12.198

Loài giáp xác, động vật thân mềm, không xương sống

1605

15.635

17.434

16.737

19.071

17.233

19.698

33.908

41.433

37.319

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Để đạt được những thành tựu trên, Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp mang tính phối hợp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU, trong đó đáng chú ý là những biện pháp sau:

Nuôi trồng thủy sản: Áp dụng các phương pháp nuôi trồng và sản xuất hiệu quả để đảm bảo sản phẩm có tính cạnh tranh. Chính phủ bảo trợ tiến hành dự án “Nuôi trồng thủy sản sinh thái” theo đó mọi quy trình sản xuất như ươm giống, sản xuất thức ăn, trại nuôi, chế biến, và xuất khẩu đều tuân thủ theo tiêu chuẩn sinh thái toàn cầu. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu khắt khe trong kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về chế biến: Để tăng cường xuất khẩu thủy sản, Ấn Độ đã phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến thủy sản, từ tàu cá đến kho lạnh. Mặc dù, sản lượng khai thác hiện nay còn thấp hơn tiềm năng, nhưng Ấn Độ có lợi thế về tôm và là một trong những nư­ớc xuất khẩu lớn nhất sản phẩm này. Chủ trương nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để đưa vào chế biến, gia tăng giá trị và tái xuất khẩu, nhằm phục vụ cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất của Ấn Độ, hiện mới chỉ hoạt động được 20% công suất. Thiết bị chế biến và bao gói hiện đại luôn sẵn có ở Ấn Độ. Công nghệ tiên tiến được áp dụng ở mọi cấp độ nhằm đảm bảo chất lượng.

Về phát triển bền vững thủy sản: Để bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, Chính phủ Ấn Độ đã cấm tàu cá hoạt động tại một số khu vực trong vùng kinh tế độc quyền (EEZ- Exclusive Economic Zone). Bên cạnh đó, còn cấm sử dụng một số hình thức khai thác như­ đánh cá ngừ bằng lư­ới vây, câu mực, đánh cá nổi bằng lưới giã và bẫy cá. Sau chuyến biển, những người khai thác thủy sản phải khai báo tại cơ quan có thẩm quyền của chính phủ về khu vực hoạt động và cỡ thủy sản đánh bắt đư­ợc. Ấn Độ ban hành một số văn bản pháp lý để đảm bảo quản lý chất lượng và đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc đối với một số loại thủy sản và sản phẩm thủy sản, quản lý kế hoạch kiểm tra trước khi giao hàng.

Thu hút đầu tư: Ấn Độ luôn đón chào đầu tư­ nư­ớc ngoài vào xuất khẩu thủy sản và luôn quan tâm đến việc nền kinh tế hội nhập với thị tr­ường quốc tế tuy vẫn bảo vệ một số lợi ích nhất định. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ hiện đang nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư­ nư­ớc ngoài trong lĩnh vự­c hợp tác, liên doanh về công nghệ, sản phẩm và thị trường mới. Bên cạnh đó, Ấn Độ đang đẩy mạnh cổ phần hoá, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới. Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy ngành thủy sản tăng trưởng thông qua các chính sách phát triển nhanh cơ sở hạ tầng, luật cho thuê đất tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, huy động nguồn lực và tăng c­ường hơn nữa công tác quản lý chất lượng. Với nguồn lợi tự nhiên dồi dào và phong phú, Ấn Độ đang đứng trước cơ hội trở thành một trong những trung tâm thương mại, xuất khẩu và chế biến thủy sản quan trọng nhất thế giới.

2.3.3. Kinh nghiệm của Thái Lan trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU

Thái Lan là một trong mười nước xuất khẩu thủy sản lớn vào thị trường EU. Giai đoạn 2007 -2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Thái Lan sang EU có mức tăng trưởng dương, bình quân 8,9%/năm, sang giai đoạn 2011 – 2015, mức tăng trưởng âm, bình quân – 14%/năm. Nếu tính cả giai đoạn 2007 – 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Thái Lan sang thị trường EU có tăng trưởng bình quân âm, -2,7%/năm. Năm 2015, khối lượng xuất khẩu của Thái Lan sang EU đạt 110 nghìn tấn, với kim ngạch 477,74 triệu Euro.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan sang EU là cá đã chế biến, giáp xác đã chế biến và động vật thân mềm. Năm 2015, xuất khẩu cá đã chế biến đạt 71,18 nghìn tấn, với kim ngạch 237,9 triệu Euro; Khối lượng xuất khẩu loài động vật thân mềm đạt 20,16 nghìn tấn, với kim ngạch 99,6 triệu Euro.

Bảng 2.4. Xuất khẩu thủy sản của Thái Lan sang EU theo giá trị, theo mặt hàng, giai đoạn 2007 -2015

Đơn vị: 1.000 Euro

Nhóm sản phẩm

Mã HS

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng

640.535

704.547

748.474

814.540

900.661

823.535

735.645

643.484

477.764

Cá tươi sống

0301

4.981

5.077

4.902

5.263

5.108

5.143

4.629

4.726

5.225

Cá tươi và cá ướp lạnh

0302

151

33

3

19

14

0

:

:

1

Cá động lạnh trừ các loài cá phi lê đông lạnh

0303

46.793

45.271

53.244

15.452

20.372

24.364

16.547

19.076

15.097

Cá phi lê hoặc thịt cá

0304

45.993

38.133

22.311

23.769

20.614

20.046

12.523

11.030

6.768

Cá hun khói, khô, muối

0305

1.893

2.604

3.330

3.353

2.651

3.473

2.743

3.604

3.610

Loài giáp xác

0306

82.683

112.940

129.565

194.973

194.129

159.948

93.560

103.506

41.647

Động vật thân mềm

0307

111.813

120.063

106.515

113.013

129.028

115.189

104.140

127.155

99.638

Dầu cá

1504

506

735

1.428

1.584

3.126

2.619

3.047

1.469

2.209

Cá chế biến hoặc cá bảo quản

1604

240.495

265.807

275.487

265.125

315.638

272.592

329.004

286.898

237.918

Loài giáp xác, động vật thân mềm, không xương sống

1605

105.228

113.884

151.688

191.989

209.982

220.160

169.453

86.020

65.652

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Để đạt được những thành tựu trên, Thái Lan đã thực hiện nhiều biện pháp mang tính phối hợp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU, trong đó đáng chú ý là các giải pháp sau:

Trong hoạt động xuất khẩu thủy sản sang EU, chiến lược nổi bật nhất của Thái Lan chính là tập trung phát triển một số mặt hàng thủy sản có thế mạnh, xác định tốt thị trường trọng điểm, tạo lập vị thế lớn trong phân phối một số mặt hàng và ổn định giá tại các thị trường xuất khẩu lớn thuộc EU.

Về quản lý chất lượng thức ăn cho thủy sản: Khác với Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau từ việc khai thác, nuôi trồng đến chế biến sản phẩm thủy sản, Thái Lan chủ yếu quan tâm tới việc quản lý chất lượng thức ăn cho các loại thủy sản nhằm có được sản phẩm thủy sản đảm bảo yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Luật quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi của Thái Lan đã được hình thành từ năm 1982. Theo luật này, việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi được tiến hành dựa trên thành phần thức ăn, các thức ăn hỗn hợp dùng cho nuôi thủy sinh vật và các chất bổ sung vào thức ăn. Bên cạnh đó, Cục Thủy sản Thái Lan còn ban hành các tiêu chuẩn thức ăn mà hiện đang lưu hành và buôn bán trên thị trường Thái Lan. Các cơ quan quản lý chất lượng thức ăn của Thái Lan chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả các thức ăn l­ưu hành trên thị tr­ường Thái Lan là an toàn đối với vật nuôi, an toàn vệ sinh và chất lượng cao, đảm bảo lợi ích cho những người chăn nuôi. Theo luật hiện hành ở Thái lan, không được phép sử dụng kháng sinh và các chất phụ gia làm tác nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của vật nuôi. Cục thủy sản chịu trách nhiệm cấp giấy phép chứng nhận đối với tất cả thức ăn nuôi thủy sản công nghiệp. Cục thủy sản thực hiện các chương trình quản lý thanh tra các nhà máy, thường xuyên lấy mẫu thức ăn từ nhà máy và kho hàng để phân tích. Ngoài ra cũng kiểm tra cả thức ăn từ các trại nuôi và cũng lấy mẫu phân tích. Cục thủy sản cũng quy định rằng các thức ăn nuôi thủy sản chỉ được tiêu thụ trong vòng 3 tháng kể từ ngày sản xuất.

Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế: Thái Lan là nước đi đầu ở Đông Nam Á về áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như hệ tiêu chuẩn thực tiễn sản xuất tốt và HACCP. Các trại nuôi ở Thái Lan cũng có trách nhiệm trong việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Trách nhiệm của các nhà sản xuất thức ăn ở Thái Lan là phải sử dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như quy tắc ứng xử trong nuôi trồng thủy sản và thực tiễn nuôi tốt. Chứng nhận phù hợp (COC- Certificate of Compliance) là hệ thống sản xuất gắn với bảo vệ môi tr­ường. Theo hệ thống này, việc cung cấp thức ăn nuôi phải tuân thủ các chỉ dẫn chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP- Good Agricultural Practices) là hệ thống sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng. Theo đó, các nhà máy chế biến phải áp dụng hệ thống phân tích rủi ro và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP- Hazard Analysis and Critical Control Points) như một tiêu chuẩn để xuất khẩu. Trước khi xuất khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng tôm biển, theo quy định của chính phủ Thái Lan, phòng kiểm nghiệm trung ­ương phải chịu trách nhiệm kiểm tra d­ư lượng các chất bằng việc sử dụng các thiết bị phân tích sinh hóa LC-MSMS. Năm 2008, EU cấm sử dụng các loại kháng sinh như hiện nay đang dùng. Thái Lan đã chuẩn bị trước cho tình huống này và đây là một trong những bài học mà Việt Nam cần quan tâm trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản.

Nâng cao sản lượng thủy sản: Từ năm 2004, Chính phủ Thái Lan đã chủ trương cấp quyền sử dụng mặt nước vùng ven biển trên phạm vi cả nước cho người nuôi trồng thủy hải sản. Người nuôi trồng được cung cấp nguồn tài chính thông qua một tổ chức tiếp thị nghề cá và Tổ chức này sẽ đứng ra tổ chức các hoạt động tiếp thị sản phẩm. Người nông dân sẽ được tiếp cận với kinh nghiệm và kiến thức nuôi trồng thủy sản đầy đủ cũng như được cung cấp các loại giống tốt đảm bảo cho ra đời những sản phẩm thủy sản chất lượng cao và an toàn.

2.3.4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU

Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tác giả nhận thấy muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU cần phải có một giải pháp tổng thể và đồng bộ. Các giải pháp đặt ra phải chú trọng ngay từ các khâu đánh bắt, nuôi trồng, chọn giống, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất, dịch vụ hậu cần, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Ngành thủy sản Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển chung để tạo ra sự phát triển mang tính bền vững, ổn định và xây dựng một ngành sản xuất mang lại những sản phẩm giá trị gia tăng cao, đủ điều kiện cạnh tranh với các mặt hàng thủy sản của các nước có thế mạnh xuất khẩu thủy sản tương tự như nước ta.

Bài học kinh nghiệm mà thủy sản Việt Nam có thể tiếp thu và áp dụng từ các quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới là:

Nuôi trồng thủy sản: Tập trung nâng cao năng lực sản xuất con giống chất lượng cao, ưu đãi, ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn, thuốc ngư y, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, địa điểm lựa chọn tại các Trung tâm nghề cá lớn, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Các trang trại nuôi thủy sản phải áp dụng một tiêu chuẩn chất lượng, điều này sẽ làm tăng chất lượng trung bình của thủy sản. Phát triển và thúc đẩy một hệ thống quản lý sức khỏe thủy sản cộng đồng. Phải làm cho nông dân ý thức hơn về giá trị làm việc với nhau trong việc ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Khai thác thủy sản: Đầu tư, nâng cấp các cơ sở đóng sửa tàu thuyền nghề cá, cơ sở sản xuất nước đá, cơ sở sản xuất, gia công lưới sợi quy mô lớn. Phát triển kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch. Hoàn thiện dữ liệu khoa học về thủy sản. Thực hiện truy xuất nguồn gốc tại khâu đánh bắt. Đảm bảo sự phát triển bền vững đối với khai thác thủy sản.

Chế biến thủy sản: Hiện đại hóa và đầu tư nâng cấp khu vực chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở hạ tầng tốt nhằm nâng cao chất lượng, hạ thấp giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp cần có năng lực chế biến tốt (thông qua đầu tư, máy móc thiết bị hiện đại và khoa học công nghệ tiên tiến) để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp chế biến cần nhanh chóng đổi mới tư duy quản lý, nâng cấp nhà xưởng, đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị chế biến hiện đại, đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng theo HACCP, BRC, GLOBAL G.A.P, tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000,...

Hoạt động thương mại hàng thủy sản tại EU: Tăng cường nghiên cứu bám sát những biến động của thị trường châu Âu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU vì xúc tiến thương mại là khâu then chốt trong việc phát triển mặt hàng, thị trường nhằm tăng trưởng xuất khẩu. Hiện nay, trong xu thế hội nhập đang phát triển, thị trường trở thành vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại phải được thực hiện cả ở tầm vĩ mô và vi mô.

Tăng cường sự hội nhập và hợp tác trong chuỗi giá trị: Phát triển các mối liên kết theo chiều dọc theo chuỗi bằng đầu tư tài chính và hợp đồng mua hàng với vai trò dẫn đầu là các công ty chế biến xuất khẩu với sự hỗ trợ bởi hiệp hội thủy sản. Tăng cường sự hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị với các nhà hỗ trợ.

Tiểu kết chương 2

Chương 2 của luận án đã làm rõ một số nội dung cơ bản sau:

Luận án đã trình bày các quan điểm khác nhau của nhiều nhà nghiên cứu về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh, các cấp độ cạnh tranh. Từ những quan điểm trên, tác giả đưa ra khái niệm về năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu như sau: “Năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu là khả năng duy trì và cải thiện vị trí cạnh tranh của mặt hàng thủy sản trong hiện tại và tương lai so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, nhằm thu lợi ích tối đa”.

Năng lực cạnh tranh của sản phẩm được nhận biết thông qua: Đánh giá trực tiếp từ thị trường; đánh giá trực tiếp trên sản phẩm; đánh giá từ ý kiến của khách hàng. Với những đặc trưng riêng của xuất khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển, nghiên cứu lựa chọn bốn tiêu chí: Chất lượng mặt hàng xuất khẩu; giá xuất khẩu; khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu; thị phần xuất khẩu là tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu được phân thành hai nhóm: Các nhân tố thuộc quốc gia xuất khẩu; các nhân tố thuộc quốc gia nhập khẩu.

Bài học cho Việt Nam qua nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản trên thị trường EU của Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ là muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU cần phải có một giải pháp tổng thể và đồng bộ. Các giải pháp đặt ra phải chú trọng ngay từ các khâu đánh bắt, nuôi trồng, chọn giống, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất, dịch vụ hậu cần, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA MẶT HÀNG THỦY SẢN VIỆT NAM TRÊN THỊ TRƯỜNG EU SAU KHI VIỆT NAM GIA NHẬP WTO

3.1. Khái quát việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015

3.1.1. Khái quát về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản ở Việt Nam

3.1.1.1. Nuôi trồng và khai thác thủy sản

Trong hơn 15 năm qua, nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn trên thế giới. Ngành nuôi trồng thủy sản trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trên 50% sản lượng thủy sản của Việt Nam xuất phát từ nuôi trồng. Năm 2014, sản xuất được 3,413 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2013. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2007 -2014 là trên 8,6%/năm. Nuôi trồng thủy sản nội địa luôn chiếm gần 90% tổng sản lượng nuôi trồng. Nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Theo điều tra sơ bộ của ngành thủy sản, riêng cá nước ngọt có 544 loài, cá nước lợ, nước mặn có 186 loài.

Bảng 3.1. Sản lượng thủy sản Việt Nam, giai đoạn 2007-2014

Đơn vị: 1.000 tấn

Chỉ tiêu

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Tổng sản lượng thủy sản

Sản lượng thủy sản nuôi trồng

2124,6

2465,6

2589,8

2728,3

2933,1

3115,3

3215,9

3413,3

Nuôi trồng thủy sản biển

253,6

289,3

308,7

293,2

295,0

305,0

368,8

454,1

41,5

45,4

49,8

57,5

56,0

61,0

84,6

146,1

  • Tôm

71,5

74,2

77,5

79,7

79,0

78,7

73,1

84,2

Nuôi trồng thủy sản nội địa

1871,0

2176,3

2281,1

2435,1

2638,1

2810,3

2847,1

2959,2

1488,8

1871,9

1912,8

2044,1

2199,6

2341,2

2267,0

2303,0

  • Tôm

313,0

314,2

341,9

370,0

399,7

395,2

487,4

547,3

Sản lượng thủy sản khai thác

2074,5

2136,4

2280,5

2414,4

2514,3

2705,4

2803,8

2919,2

Khai thác thủy sản biển

1876,3

1946,7

2091,7

2220,0

2308,3

2510,9

2607,0

2711,1

1433,0

1475,8

1574,1

1662,7

1720,7

1818,9

1884,5

1974,5

Khai thác thủy sản nội địa

198,2

189,7

188,8

194,4

206,1

194,5

196,8

208,1

Nguồn: Niên giám thống kê 2014

Sản lượng khai thác: Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, tổng sản lượng khai thác đạt 2,919 triệu tấn tăng 0,845 triệu tấn so với năm 2007. Tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2007 – 2014 là 4,6%/năm. Khai thác thủy sản biển là chủ yếu chiếm trên 90% tổng lượng khai thác. Phân theo vùng khai thác, xa bờ chiếm 49,4%, còn lại là sản lượng ven bờ chiếm 50,6% tổng sản lượng khai thác hải sản toàn quốc. Sản lượng khai thác nội địa có xu hướng giảm, bình quân giảm 2,5%/năm. Sản lượng khai thác hải sản có xu hướng tăng chậm, ở vùng biển gần bờ khoảng 1,1%/năm và vùng biển xa bờ khoảng 10,3%/năm. Khai thác nội địa có xu hướng giảm, bình quân giảm 2,5%/năm, thể hiện nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng do việc khai thác quá mức, khai thác hủy diệt, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước trên các hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên toàn quốc. Phương tiện khai thác thủy sản nội địa rất thô sơ, chủ yếu là các loại công cụ khai thác truyền thống có từ lâu đời như chài, lưới, đăng…

3.1.1.2. Chế biến thủy sản

Ngành chế biến thủy sản hiện nay là một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, thủy sản đã đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho trên 4 triệu lao động, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư khắp các vùng nông thôn, ven biển, trung du, miền núi…

Số lượng doanh nghiệp chế biến thủy sản tăng nhanh trong giai đoạn 2007- 2015. Theo thống kê, năm 2011, cả nước có 564 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu hoặc làm vệ tinh cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 91 cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước, 159 cơ sở thuộc công ty cổ phần, 292 cơ sở thuộc doanh nghiệp tư nhân, 9 cơ sở liên doanh và 13 cơ sở thuộc công ty 100% vốn nước ngoài. Trong số 564 cơ sở, có 429 cơ sở chế biến đông lạnh, 104 cơ sở chế biến hàng khô, 17 cơ sở chế biến đồ hộp, 12 cơ sở chế biến nước mắm [64].

Chế biến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu mới: Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu các sản phẩm dạng đông lạnh, nhưng hiện nay tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng tăng, đến nay ước đạt khoảng 35%. Các sản phẩm sushi, sashimi, surimi đã có mặt ở hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Các nhà máy đã phát triển nhiều mặt hàng, sản phẩm mới hấp dẫn, có giá trị, đồng thời khai thác các đối tượng thủy sản mới để chế biến.

Chế biến thủy sản cho thị trường nội địa: Người Việt Nam có thói quen sử dụng sản phẩm thủy sản tươi sống trong các bữa ăn hàng ngày. Những năm gần đây, sản phẩm thủy sản qua chế biến được tiêu thụ trên thị trường nội địa không ngừng tăng lên, từ 277 ngàn tấn năm 2001 đến 680 ngàn tấn năm 2010, sản lượng bình quân 10.5%/năm, giá trị tăng 20,1%/năm. Sản phẩm thủy sản chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng ngày một nâng cao, giá bán ngày càng cao hơn. Số lượng các doanh nghiệp chế biến thủy sản nội địa tăng nhanh. Cơ cấu giữa chế biến truyền thống và chế biến thủy sản đông lạnh cũng thay đổi để thích nghi với sự thay đổi nhu cầu thị trường nội địa. Phần đông các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vừa tập trung chế biến xuất khẩu vừa kết hợp dây chuyên sản xuất chế biến các mặt hàng tiêu thụ nội địa. Cơ cấu sản phẩm chế biến phục vụ thị trường nội địa thay đổi mạnh. Năm 2001, nước mắm chiếm 50% sản lượng và 31% giá trị, thủy sản đông lạnh chiếm tương ứng 12,9% và 17,6%, còn lại là cá khô, bột cá, mực khô, tôm khô,… Năm 2013, thủy sản đông lạnh đã tăng trưởng mạnh và chiếm 28,4% về sản lượng và 35% về giá trị. Sản lượng và giá trị nước mắm vẫn tăng, nhưng chỉ còn chiếm 34,7% sản lượng và 21,3% về giá trị. Bên cạnh đó, nhờ có phụ phẩm từ chế biến cá tra nên sản lượng và giá trị bột cá tăng mạnh, chiếm 24,6% về sản lượng và 12,9% về giá trị.

3.1.2. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

3.1.2.1. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Theo số liệu từ ITC, giai đoạn 2007 – 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam không ngừng tăng nhanh, trung bình 11,5%/năm, nhưng vẫn kém mức tăng trưởng của Ấn Độ (30%), Trung Quốc (20%). Năm 2007, với kim ngạch xuất khẩu 2,7 tỷ Euro Việt Nam xếp thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đến năm 2015, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Na Uy vượt qua Mỹ và Thái Lan, với kim ngạch trên 5,2 tỷ Euro.

Bảng 3.2. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của một số quốc gia trên thế giới

Đơnvị: 1.000 Euro

STT

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

1

Trung Quốc

6.751.426

6.877.618

7.360.316

9.986.971

12.251.186

14.058.011

14.532.358

15.580.254

17.612.822

2

Na Uy

4.514.991

4.668.277

5.030.014

6.616.375

6.751.547

6.898.460

7.766.994

8.083.323

8.179.520

3

Việt Nam

2.748.397

3.082.899

3.067.134

3.807.122

4.437.881

4.795.570

5.076.024

5.879.898

5.285.374

4

Mỹ

3.184.394

2.981.802

2.915.627

3.443.821

4.090.948

4.313.357

4.299.218

4.432.636

5.126.352

5

Thái Lan

4.085.702

4.397.196

4.443.225

5.267.431

5.821.675

6.254.253

5.214.161

4.821.812

4.859.579

6

Ấn Độ

1.277.333

1.077.223

1.151.490

1.823.245

2.418.811

2.642.304

3.584.570

4.164.397

4.338.772

7

Canada

2.686.284

2.516.681

2.317.254

2.893.493

3.005.498

3.252.718

3.233.279

3.359.526

4.201.634

8

Chi Lê

2.315.664

2.367.436

2.178.319

2.162.265

2.890.245

2.994.804

3.393.927

4.031.945

3.965.384

9

Indonesia

1.535.241

1.685.704

1.614.510

1.927.925

2.285.664

2.785.306

2.876.859

3.186.435

3.553.584

10

Ecuador

972.611

1.243.517

1.108.075

1.285.307

1.704.849

2.148.006

2.610.478

3.130.094

3.182.232

Nguồn: Trade Map - ITC tháng 6/2016

3.1.2.2. Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam

Việt Nam xuất khẩu thủy sản chủ yếu là ba nhóm mặt hàng cá phi lê và thịt cá (mã HS 0304), loài giáp xác (mã HS 0306), loài giáp xác, động vật thân mềm đã qua chế biến (mã HS 1605). Ba nhóm trên luôn chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo nguồn gốc sản phẩm, Việt Nam xuất khẩu thủy sản tập trung ở ba sản phẩm: từ tôm, từ cá tra, từ cá ngừ. Theo VASEP, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 44,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, cá tra là 23,4, cá ngừ là 6,8%.

Nguồn: VASEP, 2016, Báo cáo Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam 2015

Hình 3.1. Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam năm 2015

3.1.2.3. Thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Trong giai đoạn 2007 -2015, ngành thủy sản Việt Nam đã không ngừng nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Từ chỗ chủ yếu xuất qua hai thị trường trung gian là Hồng Kông và Singapo, năm 2015 Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang 164 thị trường. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc [62].

Thị trường Mỹ: Những năm gần đây, Mỹ là nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, Mỹ chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt 1,286 tỷ Euro tăng 141% về giá trị so với năm 2007. Theo VASEP, năm 2015, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,7% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 22,3% kim ngạch xuất khẩu tôm, 20% kim ngạch xuất khẩu cá tra, 41,8% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.

Bảng 3.3. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, theo thị trường

Đơn vị: 1.000 Euro

STT

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

1

Mỹ

533.389

503.104

511.606

722.589

835.490

910.057

1.100.810

1.286.722

2

EU

677.196

783.705

806.188

910.016

977.460

880.994

863.565

1.054.236

3

Nhật Bản

550.922

564.503

545.961

673.735

729.343

841.684

837.426

897.650

4

Hàn Quốc

201.188

206.242

228.618

295.161

353.484

401.106

383.651

489.300

5

Trung Quốc

63.647

73.722

99.953

134.680

198.288

246.671

338.898

362.966

6

Canada

71.889

70.645

77.395

87.221

103.620

101.358

135.426

197.570

7

Australia

89.740

90.816

94.162

114.860

117.001

141.055

142.458

172.274

8

Thái Lan

36.915

42.535

48.226

49.138

76.150

103.209

108.111

137.227

9

Đài Loan

87.082

86.968

79.266

96.519

114.881

127.018

120.386

116.276

10

Nga

86.955

147.032

63.045

67.365

76.266

77.341

76.107

78.223

11

Các quốc gia khác

349.474

513.627

512.713

655.838

855.897

965.076

969.185

1.087.452

Nguồn: Trade Map - ITC tháng 6/2016

Thị trường EU: EU không chỉ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của thế giới, mà còn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2014, EU chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,054 tỷ Euro tăng 55,7% về giá trị so với năm 2007. Theo VASEP, năm 2015, EU duy trì vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 18,4% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 18,6% kim ngạch xuất khẩu tôm, 18,2% kim ngạch xuất khẩu cá tra, 21,4% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ, 14,3% mực và bạch tuộc của Việt Nam. Do áp lực về giá, trong tương lai EU sẽ tăng nhập khẩu cá chế biến từ các nước đang phát triển.

Thị trường Nhật Bản: Là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2014, Nhật Bản chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt 897 triệu Euro tăng 63% về giá trị so với năm 2007. Hiệp định TPP được ký kết với tỷ lệ cắt giảm các dòng thuế về 0% ngay lập tức với các mặt hàng như cá ngừ, tôm, cua hy vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông: Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường láng giềng đầy tiềm năng của Việt Nam với lượng thủy sản tiêu thụ lớn, đa dạng lại không quá khó tính trong vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hồng Kông có dân số 7 triệu người, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trong một năm là 50 kg, gấp 2 lần của EU, cộng với GDP bình quân đầu người cao. Hồng Kông thực sự là một thị trường quan trọng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hồng Kông nhập khẩu thủy sản không những để tiêu dùng mà còn được sử dụng làm nguyên liệu chế biến tái xuất. Cho đến nay, thủy sản nhập khẩu vào Hồng Kông thường chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường lớn song do quan hệ thương mại và thanh toán giữa hai nước còn gặp nhiều khó khăn nên hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch vẫn còn thấp, chủ yếu là đường tiểu ngạch và thanh toán trực tiếp.

3.1.3. Thực trạng xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường EU giai đoạn 2007 -2015

3.1.3.1. Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU

EU là một trong hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007 – 2015 là 5,9%/năm. Năm 2007, Việt Nam xuất sang EU đạt 260.649 tấn thủy sản, giá trị 654,78 triệu Euro, đến năm 2015 là 257. 237 tấn và đạt giá trị 1,007 tỷ Euro.

Bảng 3.4. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU theo giá trị, giai đoạn 2007 - 2015

Đơn vị: 1.000 Euro

Sản phẩm

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng

654.780

773.502

783.852

858.798

927.127

845.529

789.418

906.636

1.007.047

Tôm

113.739

147.133

173.994

216.441

264.171

212.876

240.557

370.312

434.064

Cá tra

330.811

384.462

391.103

374.909

362.947

303.811

252.888

233.615

246.888

Cá ngừ

26.743

38.585

32.606

33.590

45.575

72.807

87.484

82.388

85.463

Khác

183.487

203.322

186.149

233.858

254.434

256.035

208.489

220.321

240.632

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Trong cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, ba mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ là các mặt hàng chủ lực. Tỷ trọng ba mặt hàng trên trong tổng kim ngạch luôn chiếm trên 70%, năm 2015 chiếm 76%.

Bảng 3.5. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU theo sản lượng, giai đoạn 2007 – 2015

Đơn vị: 1.000 Kg

Sản phẩm

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng

260.649

334.264

342.124

355.153

333.609

282.529

273.609

278.261

257.237

Tôm

20.875

29.349

34.833

38.690

41.962

32.554

34.684

44.755

48.131

Cá tra

155.103

207.693

216.428

212.231

185.804

148.337

143.436

129.592

111.153

Cá ngừ

12.990

15.615

13.706

13.428

16.326

20.698

24.391

25.249

24.438

Khác

71.681

81.607

77.157

90.804

89.517

80.940

71.098

78.665

73.515

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Mặt hàng tôm: Xuất khẩu tôm của Việt Nam nói chung cũng như xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, mặt hàng tôm biển có tỷ trọng không đáng kể.

Bảng 3.6. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU theo giá trị, giai đoạn 2007 – 2015

Đơn vị: 1.000 Euro

Sản phẩm

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng

113.739

147.133

173.994

216.441

264.171

212.876

240.557

370.312

434.064

Tôm nguyên liệu

81.839

106.322

127.023

156.151

180.767

132.817

154.524

214.817

234.949

Tôm đã qua chế biến

31.901

40.811

46.971

60.290

83.404

80.060

86.033

155.496

199.115

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Theo VASEP, năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu tôm Việt Nam như sau: Tôm thẻ chân trắng 59%, tôm sú 32,6% và tôm biển 8,4%. Việt Nam xuất sang EU với hai dạng mặt hàng tôm cơ bản là tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm đã qua chế biến. Tỷ trọng mặt hàng tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm tỷ trọng cao hơn, nhưng giảm dần, năm 2007 chiếm 72%, năm 2015 chiếm 54% [62].

Mặt hàng cá tra: Nhu cầu nhập khẩu cá tra của EU những năm gần đây không tăng. Cá tra Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với các sản phẩm cá thịt trắng tại thị trường này như: cá Cod, cá Alaskapollock, cá Hake… Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU đạt đỉnh vào năm 2009 với kim ngạch là 391 triệu Euro sau đó suy giảm, năm 2015 có kim ngạch là 247 triệu Euro.

Mặt hàng cá ngừ: Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang EU dưới ba dạng cá ngừ động lạnh (thuộc mã HS 0303), cá ngừ phi lê (thuộc mã 0304) và cá ngừ đã chế biến (thuộc mã 1604). Trong giai đoạn 2007 – 2013, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang EU có sự tăng trưởng cao, nhưng những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ giảm, nguyên nhân là do giá cá ngừ trên thế giới giảm và cạnh tranh tại thị trường EU tăng lên. Những các mặt hàng cá ngừ vây vàng bỏ đầu và vây đông lạnh là những mặt hàng mà Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, các mặt hàng trên của Việt Nam đang khó trong cạnh tranh với sản phẩm của Philippines.

Bảng 3.7. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU theo giá trị, giai đoạn 2007 – 2015

Đơn vị: 1.000 Euro

Sản phẩm

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

TỔNG

26.676

38.517

32.598

33.557

45.575

72.807

87.484

82.388

85.448

Cá ngừ đông lạnh

6.569

13.852

7.166

7.097

11.245

25.100

22.668

17.608

13.960

Cá ngừ phi lê

5.693

6.554

8.504

11.964

15.943

20.184

19.166

20.191

25.591

Cá ngừ chế biến

14.414

18.111

16.927

14.496

18.386

27.523

45.649

44.589

45.897

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

3.1.3.2. Cơ cấu xuất khẩu thủy sản vào EU theo từng nước thành viên

Bảng 3.9 cho chúng ta thấy khá cụ thể về các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam ở EU, giai đoạn 2007 – 2015. Tuy kim ngạch nhập khẩu và thứ hạng có thể thay đổi giữa các năm song cho đến nay, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Italia, Tây Ban Nha luôn nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu nhiều nhất thủy sản của Việt Nam. Năm 2015, sáu quốc gia này chiếm trên 77% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, Anh là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với 27,886 nghìn tấn, đạt giá trị 169,28 triệu Euro chiếm 16,8% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU; Đức là thành viên nhập khẩu đứng thứ hai với 33,144 nghìn tấn, đạt giá trị 160,685 triệu Euro chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đứng thứ 3 là Hà Lan với kim ngạch nhập khẩu là 127,292 triệu Euro, tiếp theo là Pháp với kim ngạch nhập khẩu 114,275 triệu Euro. Mười tám quốc gia nhập khẩu ít nhất chỉ chiếm 53,543 triệu Euro kim ngạch xuất khẩu.

Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ là bốn quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất từ Việt Nam. Năm 2015, bốn quốc gia này chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong đó Đức nhập 88,054 triệu Euro, Hà Lan nhập 62,579 triệu Euro, Pháp nhập 58,266 triệu Euro và Bỉ là 51,339 triệu Euro.

Bảng 3.8. Các nước thành viên EU nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, theo giá trị, giai đoạn 2007 - 2015

Đơn vị: 1.000 Euro

STT

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

1

Anh

32.755

43.493

58.258

70.069

90.086

80.668

94.297

124.932

169.280

2

Đức

80.067

102.778

133.406

135.985

154.803

137.855

136.370

146.019

160.685

3

Hà Lan

98.693

99.933

85.020

97.755

108.256

102.506

88.658

100.312

127.292

4

Pháp

48.183

67.059

59.715

89.187

95.878

91.287

86.892

111.451

114.275

5

Ý

95.662

118.307

90.885

106.693

135.110

123.841

110.020

106.967

108.441

6

Tây Ban Nha

101.687

107.908

119.086

122.684

123.542

103.073

83.917

94.613

96.366

7

Bỉ

60.449

66.939

68.093

65.746

62.671

57.050

58.588

81.237

86.640

8

Bồ Đào Nha

9.753

16.702

25.209

29.729

29.210

30.757

32.954

33.733

39.355

9

Đan Mạch

16.358

18.637

21.760

20.021

23.094

25.454

25.621

31.677

30.766

10

Ba Lan

73.849

73.711

42.932

38.882

35.807

27.490

21.724

20.863

20.225

11

Các nước còn lại

37.704

58.195

79.651

82.504

69.120

65.546

50.378

54.785

53.543

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Với mặt hàng cá tra, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Ý, Đức là những quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2015, năm quốc gia này chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU trong đó Tây Ban Nha nhập 46,656 triệu Euro, Hà Lan nhập 38,919 triệu, Anh nhập 37,147 triệu Euro.

Mặt hàng cá ngừ cũng tương tự như cá tra, 5 quốc gia Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Ý, Đức là những quốc gia thuộc EU nhập khẩu lớn nhất cá ngừ của Việt Nam. Năm 2015, năm quốc gia này chiếm 77,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Đức là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu là 24,737 triệu Euro chiếm 27,7% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU.

3.1.3.3. Phương thức xuất khẩu

Trước đây, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang EU chủ yếu qua trung gian môi giới và các trung tâm tái xuất như Singapo, Hồng Kông, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp sang EU. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ký kết hợp đồng bán hàng cho các nhà thương mại, từ đó thủy sản mới được cung cấp cho các nhà chế biến và hệ thống bán lẻ của EU. Trong những năm trước đây Việt Nam chưa có văn phòng giao dịch tại EU, đây là điều bất lợi cho Việt Nam. Về phía các đối tác, họ luôn ở thế chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng, xác định giá mua… Việt Nam luôn ở thế bị động vì khả năng tiếp cận thị trường EU là rất thấp. Trong khi các doanh nghiệp EU là người mua hàng rất chủ động, họ có thể đưa ra yêu cầu thăm quan, khảo sát tận nơi nuôi trồng và chế biến thủy sản của Việt Nam rồi mới đặt mua. Các doanh nghiệp Việt Nam, trừ một số doanh nghiệp được tham gia vào Hội chợ Thủy sản châu Âu Brussels được tổ chức vào tháng 4 hàng năm tại Bỉ và Hội chợ triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam –VIETFISH, còn lại rất ít doanh nghiệp áp dụng các hình thức tìm kiếm khách hàng. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu lớn vào EU, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc, Ecuađo dưới sự hỗ trợ của Chính phủ thực hiện các chương trình quảng cáo tiếp thị, liên kết với các siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại rất có hiệu quả và các nước xuất khẩu lớn đều có văn phòng đại diện tại EU. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở được văn phòng đại diện tại EU, đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc chuẩn bị thâm nhập một cách ổn định vào thị trường EU của hàng thủy sản Việt Nam.

3.2. Năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU giai đoạn 2007 - 2015

3.2.1. Chất lượng mặt hàng thủy sản

Hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam được bán cho các trung tâm thu mua lớn của EU hay các công ty xuyên quốc gia rồi mới được bán cho các công ty bán lẻ. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng tại thị trường EU hầu hết được mang nhãn hiệu của các nhà nhập khẩu hoặc nhà bán lẻ. Để xuất khẩu được vào EU, các sản phẩm thủy sản Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu chất lượng của EU và các nhà nhập khẩu. EU là một thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao. Vì vậy, EU đã ban hành nhiều quy định về chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU. Các yêu cầu của EU được chia thành 3 nhóm: Nhóm chỉ tiêu cảm quan, nhóm chỉ tiêu vi sinh, nhóm chỉ tiêu hóa học (chi tiết xem tại phụ lục 2, phụ lục 3, phụ lục 4). Đối với các nhà nhập khẩu thủy sản tại EU, họ luôn quan tâm đến các chứng nhận chất lượng mà sản phẩm thủy sản Việt Nam đạt được. Các giấy chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng là giấy thông hành để thủy sản Việt Nam vào được EU.

Để đánh giá chất lượng của thủy sản Việt Nam trên thị trường EU, tác giả đánh giá gián tiếp thông qua hai nhân tố: (i) Số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản vào EU, các chứng nhận quản lý chất lượng mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt được; (ii) mức độ đáp ứng của thủy sản Việt Nam đối với các yêu cầu của EU được thể hiện qua các cảnh báo của EU về các lô hàng thủy sản của Việt Nam.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), vào thời điểm tháng 11/2015 Việt Nam có 477 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy sản được công nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và được phép chế biến thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU, năm 2005 là 171 doanh nghiệp, tháng 4/2007 là 245 doanh nghiệp. Giai đoạn 2005- 2015, số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang EU đã tăng 279%. Các lô hàng thủy sản của các doanh nghiệp trên khi xuất khẩu vào các thị trường này bắt buộc phải kèm theo một chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu do cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cấp [26].

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong những năm qua đã chủ động xây dựng các chứng nhận chất lượng như GLOBAL GAP, HACCP, BRC, IFS, GMP, ISO 9001, ISO 22000, HALAL, ISO/IEC 17025, ASC, BAP, VietGAP. Năm 2012, Việt Nam có công ty đầu tiên đạt chứng nhận ASC. Tính đến thời điểm tháng 3/2016, Việt Nam có 63 vùng nuôi đạt chứng nhận ASC, nhiều nhất là với sản phẩm cá tra 40 vùng nuôi, tôm 19 vùng nuôi và cá rô phi là 4 vùng. Sản phẩm cá tra đạt tiêu chuẩn ASC nhiều nhất bởi mức độ liện kết trong ngành này là cao, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn đều có vùng nuôi riêng của mình. Diện tích vùng nuôi cá tra lớn hơn rất nhiều so với sản phẩm tôm, có đến 70 – 80% các trang trại tôm có diện tích dưới 1,5 ha [31][32][70].

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào EU và các chứng nhận chất lượng mà các doanh nghiệp này có được không ngừng tăng lên, nhưng số lượng cảnh báo của hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm-Ủy ban châu Âu (EC) đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Nguồn: RASFF Portal và tính toán của tác giả

Hình 3.2. Số lô thủy sản của một số quốc gia xuất khẩu sang EU bị cảnh báo

Theo số liệu từ RASFF, giai đoạn 2009 – 2015, số lượng cảnh báo của RASFF đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU luôn lớn hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Cá biệt, năm 2014 số cảnh báo của Việt Nam là lớn nhất (99 cảnh báo), nó lớn hơn tổng số cảnh báo của EU đối với 3 quốc gia trên. Giai đoạn 2007 -2015, Việt Nam chỉ chiếm hơn 20% tổng số kim ngạch thủy sản xuất khẩu sang EU của 4 quốc gia (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam), nhưng chiếm đến 50% số cảnh báo (có 1146/2292) của EU cho bốn quốc gia này [86].

RASFF chia cảnh báo thành ba nhóm: Báo động, từ chối tại biên giới, thông tin chú ý. Theo hình 3.3. các cảnh báo của RASFF đối với thủy sản Việt Nam thuộc nhóm “từ chối tại biên giới” chiếm tỷ trọng lớn nhất, luôn lớn hơn 50% (trừ năm 2007, 2015). Đứng thứ hai là nhóm “thông báo”, nhóm này có mục đích là thông báo để chú ý hay theo dõi lô hàng. Nhóm “báo động” nhóm này EU thường đánh giá là độ rủi ro đối với người tiêu dùng EU là ở mức “nghiêm trọng”, EU sẽ tiến hành thu hồi các lô hàng này trên thị trường. Các cảnh báo này dù ở cấp độ nào cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của thủy sản Việt Nam đối với cơ quan quản lý, các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng của EU. Một hệ quả nữa là sẽ gia tăng mức độ kiểm tra đối với các lô sản phẩm thủy sản đến từ Việt Nam [86].

Nguồn: RASFF Portal và tính toán của tác giả

Hình 3.3. Số lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị cảnh báo

Do việc kiểm soát chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu và thị trường EU chưa được khắc phục hiệu quả, thời gian tới, có thể số lượng doanh nghiệp trong danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này sẽ bị giảm, thậm chí EU còn có thể đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Ngày 13/05/2016, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE), Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư số Ares(2016)2253381 gửi Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản thông báo, biện pháp kiểm soát chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục thực sự hiệu quả vấn nạn lạm dụng hóa chất kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu. Do vậy, các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị EU đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào EU trong trường hợp có lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hóa chất kháng sinh cấm theo quy định.

Nguyên nhân chủ yếu của các cảnh báo từ EU là trong thủy sản Việt Nam tồn tại các chất cấm vượt mức cho phép, các nguyên nhân khác như cảm quan, gian lận giấy phép, nhãn mác, không đảm bảo độ lạnh,... với tỷ trọng rất thấp.

3.2.2. Giá xuất khẩu của mặt hàng thủy sản

Giá của mặt hàng thủy sản Việt Nam: Mức giá trung bình của mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng hằng năm (trừ năm 2008 và 2009). Nếu tính trung bình cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng giá là 7%/năm. Mức giá của thủy sản Việt Nam thấp hơn mức giá của Ấn Độ, Thái Lan và thế giới xuất khẩu vào EU. Giai đoạn 2007 - 2012, giá thủy sản xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, giai đoạn 2013 – 2015, ngược lại, giá của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc.

Bảng 3.9. Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng thủy sản của một số quốc gia sang EU

Đơn vị tính: Euro/kg

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Trung Quốc

2,63

2,65

2,67

2,82

3,02

3,19

2,82

2,87

3,24

Việt Nam

2,51

2,31

2,29

2,42

2,78

2,99

2,89

3,26

3,92

Thế Giới

3,11

3,16

2,98

3,33

3,58

3,64

3,81

3,91

4,20

Thái Lan

2,80

3,05

3,04

3,57

4,00

4,73

4,66

4,40

4,31

Ấn Độ

3,35

3,09

2,96

3,28

3,80

4,19

4,09

4,79

5,10

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Để có cái nhìn sâu sắc hơn, tác giả đi phân tích mức giá của ba mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang EU đó là mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ.

Giá mặt hàng tôm nguyên liệu đông lạnh: Trong hai nhóm mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU, nhóm tôm nguyên liệu là nhóm có giá thấp hơn. Giai đoạn 2007 - 2015 mức giá trung bình nhóm này tăng từ 5,47 Euro lên 8,69 Euro, tương đương với tốc độ tăng trưởng 7,4%/năm. Trong khi đó, giá nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh mà EU nhập khẩu từ thế giới tăng từ 4,83 Euro lên 7,24 Euro, tương đương mức tăng 6,2%/năm. Giai đoạn 2007 -2012, giá tôm nguyên liệu đông lạnh của Việt Nam cao hơn mức giá EU nhập khẩu từ thế giới, từ Thái Lan, từ Ấn Độ và từ Trung Quốc. Giai đoạn 2013 – 2015, giá tôm của Thái Lan đã vượt qua giá tôm Việt Nam đứng đầu trong nhóm.

Bảng 3.10. Giá xuất khẩu mặt hàng tôm nguyên liệu đông lạnh của một số quốc gia sang EU

Đơn vị tính: Euro/kg

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Thái Lan

4,86

4,82

4,58

4,95

5,83

6,41

7,84

10,77

10,69

Việt Nam

5,47

5,03

5,00

5,72

6,39

6,42

6,84

7,89

8,69

Thế Giới

4,83

4,90

4,46

5,22

5,57

5,63

6,06

6,91

7,24

Ấn Độ

4,99

4,34

4,38

4,96

5,59

5,63

6,04

7,17

7,23

Trung Quốc

3,29

3,18

3,13

3,51

3,92

4,23

3,82

4,33

5,17

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Giá mặt hàng tôm đã qua chế biến: Nhóm mặt hàng tôm đã qua chế biến gồm hai loại là có đóng túi kín khí và không đóng túi kín khí. Giá mặt hàng tôm đã qua chế biến nói chung là cao hơn nhóm mặt hàng tôm nguyên liệu. Giai đoạn 2007 – 2015, mức giá xuất khẩu trung bình nhóm này tăng từ 5,39 Euro lên 9,44 Euro, tương đương với tốc độ tăng trưởng 9,4%/năm. Giá tôm chế biến của Việt Nam thấp hơn của Thái Lan, cao hơn của Ấn Độ và Trung Quốc.

Tôm của Việt Nam xuất khẩu sang EU có mức giá cao hơn mức giá trung bình mà EU nhập khẩu từ thế giới. Một nguyên nhân làm cho mức giá của Việt Nam cao hơn là trong cơ cấu sản phẩm của Việt Nam tỷ trọng tôm sú còn lớn, tỷ trọng này đã giảm dần trong những năm gần đây và xu hướng tiếp tục giảm.

Bảng 3.11. Giá xuất khẩu mặt hàng tôm đã qua chế biến của một số quốc gia sang EU

Đơn vị tính: Euro/kg

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Thái Lan

5,89

5,79

5,77

6,34

7,35

7,96

8,86

10,88

11,47

Việt Nam

5,39

4,98

4,98

5,29

6,09

6,75

7,12

8,88

9,44

Thế Giới

4,98

5,20

5,30

5,73

6,45

7,25

7,04

8,15

9,28

Trung Quốc

4,19

4,18

4,27

4,36

5,18

5,29

5,63

7,99

8,46

Ấn Độ

3,14

2,98

3,09

3,38

3,76

4,65

5,39

7,49

7,91

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Mặt hàng cá ngừ: Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang EU với ba sản phẩm chính: Cá ngừ đã qua chế biến, bảo quản (thuộc mã HS 1604); cá ngừ phi lê (thuộc mã HS 0304); cá ngừ đông lạnh (thuộc mã HS 0303). Mặt hàng cá ngừ đã qua chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm trên 60%).

Bảng 3.12. Giá xuất khẩu mặt hàng cá ngừ đã chế biến, bảo quản của một số quốc gia sang EU

Đơn vị tính: Euro/kg

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Việt Nam

1,67

2,07

2,08

1,95

2,13

2,89

3,27

2,87

3,05

Trung Quốc

3,09

2,83

3,34

2,73

3,36

4,23

4,54

3,42

3,05

Thế Giới

2,67

3,14

2,98

2,98

3,29

4,25

4,54

4,01

3,92

Thái Lan

2,33

2,75

2,76

2,61

2,95

4,01

3,97

3,56

3,53

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Giá mặt hàng cá ngừ đã qua chế biến: Giá cá ngừ đã qua chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã tăng từ 1,67 Euro năm 2007 lên 3,05 Euro năm 2015, tương đương với tốc độ tăng trưởng 10%/năm. Mặc dù có tốc độ tăng giá trung bình cao nhưng giá cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang EU luôn thấp hơn mức giá xuất khẩu của Trung Quốc, Thái Lan và trung bình của thế giới.

Giá mặt hàng cá ngừ phi lê: Cá ngừ phi lê của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã tăng từ 3,2 Euro/kg năm 2007 lên 5,28 Euro/kg năm 2015, tính trung bình cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng là khoảng 8,13%/năm. Giá mặt hàng cá ngừ phi lê của Việt Nam luôn thấp hơn mức giá EU nhập khẩu từ thế giới.

Bảng 3.13. Giá xuất khẩu mặt hàng cá ngừ phi lê của một số quốc gia sang EU

Đơn vị tính: Euro/kg

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Việt Nam

3,20

3,41

3,38

3,75

3,96

5,10

4,66

4,44

5,28

Thế Giới

4,30

4,31

4,57

5,08

4,96

6,34

6,12

6,04

6,99

Thái Lan

4,56

6,35

5,79

7,05

6,72

-

-

-

-

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Mặt hàng cá tra: Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là cá tra phi lê (HS 0304), các sản phẩm khác có không đáng kể. Theo thống kê của Eurostat, EU nhập khẩu cá tra phi lê chủ yếu từ Việt Nam, từ các quốc giá khác là không đáng kể. Những năm gần đây nhu cầu nhập khẩu cá tra của EU không tăng, giá chững. Cá tra Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với các sản phẩm cá thịt trắng tại thị trường này như cá Cod, cá Alaskapollock, cá Hake.

Bảng 3.14. Giá xuất khẩu một số mặt hàng cá phi lê của một số quốc gia sang thị trường EU

Đơn vị tính: Euro/kg

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Cá tra phi lê Việt Nam

2,13

1,85

1,81

1,77

1,95

2,05

1,76

1,80

2,22

Cá Cod của Thế giới

-

-

-

-

-

4,43

3,71

3,89

4,76

Cá Alaskapollock của thế giới

-

-

-

-

-

2,30

2,18

2,11

2,50

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Giá mặt hàng cá tra phi lê: Giá mặt hàng cá tra phi lê (HS 0304) của Việt Nam xuất khẩu sang EU giai đoạn 2007 – 2015 dao động trong khoảng 1,76 – 2,22 Euro/kg, năm 2010, năm 2013 là những năm có mức giá thấp nhất. Có thể đưa ra kết luận là mức giá của cá tra phi lê đã giảm trong những năm qua. Với mức giá trên, giá cá tra phi lê của Việt Nam thấp hơn giá cá Alaskapollock và bằng khoảng một nửa giá cá Cod mà EU nhập khẩu từ thế giới.

3.2.3. Khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản: Giai đoạn 2007- 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU tăng 5,92%/ năm, cao hơn mức tăng trưởng của Thái Lan, Trung Quốc và thế giới, nhưng thấp hơn Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không đồng đều và sự biến đổi cũng khác nhiều so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của EU.

Bảng 3.17, trình bày bảy thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU. Nhóm quốc gia này luôn nhập trên 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2015 là 90%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh là cao nhất, thứ hai là Pháp, thứ ba là Đức, và cao hơn nhiều so với trung bình cả thị trường EU (5,92%). Tây Ban Nha là quốc gia duy nhất trong bảy quốc gia có tốc độ tăng trưởng kim ngạch âm (-0,04%).

Bảng 3.15. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của của một số quốc gia sang EU

Đơn vị:%

Quốc gia

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Giai đoạn

(2007 -2015)

Ấn Độ

-6,25

1,46

13,75

14,70

1,19

1,64

37,61

4,72

8,60

Việt Nam

18,09

1,34

9,60

7,95

-8,85

-6,64

14,84

11,06

5,92

Thế Giới

0,38

-6,19

12,59

8,41

0,63

3,31

6,58

6,44

4,02

Trung Quốc

3,96

2,02

17,56

11,36

-5,73

-7,46

0,42

6,59

3,59

Thái Lan

9,99

6,23

8,83

10,57

-8,56

-10,67

-12,53

-25,75

-2,74

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Bảng 3.16. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang một số quốc gia thuộc EU

Đơn vị:%

Quốc gia

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Giai đoạn

(2007 - 2015)

Anh

32,78

33,95

20,27

28,57

-10,45

16,89

32,49

35,50

23,75

Đức

28,36

29,80

1,93

13,84

-10,95

-1,08

7,08

10,04

9,88

Hà Lan

1,26

-14,92

14,98

10,74

-5,31

-13,51

13,14

26,90

4,16

Pháp

39,18

-10,95

49,35

7,50

-4,79

-4,81

28,26

2,53

13,28

Ý

23,67

-23,18

17,39

26,63

-8,34

-11,16

-2,78

1,38

2,95

Tây Ban Nha

6,12

10,36

3,02

0,70

-16,57

-18,59

12,75

1,85

-0,04

Bỉ

10,74

1,72

-3,45

-4,68

-8,97

2,70

38,66

6,65

5,42

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Mặt hàng tôm: Giai đoạn 2007- 2015, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU có mức tăng trưởng rất ấn tượng, với trung bình cả giai đoạn là 19,9%. Mức tăng trưởng của Việt Nam lớn hơn bốn lần mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu tôm của EU từ thế giới. Sản phẩm tôm của Việt Nam xuất sang EU ở hai dạng chính là tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm đã qua chế biến.

Bảng 3.17. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm của một số quốc gia sang EU

Đơn vị:%

Quốc gia

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Giai đoạn

(2007 - 2015)

Việt Nam

29,4

18,3

24,4

22,1

-19,4

13,0

53,9

17,2

19,9

Ấn Độ

-7,6

7,3

1,2

13,4

5,8

18,0

51,3

-0,7

11,1

Thế Giới

-1,2

-5,3

16,8

7,4

-3,9

2,8

19,8

3,1

4,9

Trung Quốc

-8,3

-0,1

14,8

7,1

1,7

-4,8

-9,1

8,9

1,3

Thái Lan

20,1

29,9

38,8

6,1

-5,5

-31,2

-28,3

-47,2

-2,2

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch trung bình của mặt hàng tôm đã qua chế biến cao hơn mặt hàng tôm nguyên liệu đông lạnh, điều này làm cho khoảng cách về kim ngạch giữa hai mặt hàng này nhỏ lại. Kim ngạch mặt hàng tôm đã qua chế biến năm 2007 chiếm 28% tổng kim ngạch, đến năm 2015 là 46%, xu hướng này phản ánh đúng xu thế phát triển.

Bảng 3.18. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng tôm Việt Nam sang EU

Đơn vị:%

Mặt hàng

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Giai đoạn

(2007 - 2015)

Tôm nguyên liệu động lạnh

29,9

19,5

22,9

15,8

-26,5

16,3

39,0

9,4

15,8

Tôm đã qua chế biến

27,9

15,1

28,4

38,3

-4,0

7,5

80,7

28,1

27,7

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Mặt hàng cá ngừ: Theo số liệu của Eurostat, năm 2015, Thái Lan xuất khẩu 203 triệu Euro sang EU, Việt Nam là 85,46 triệu Euro, Trung Quốc là 38,39 triệu Euro và Ấn Độ là 1,7 triệu Euro. Giai đoan 2007 – 2015, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU rất ấn tượng với 18,16%/năm, cao hơn rất nhiều so với Thái Lan và bằng 3,2 lần mức tăng kim ngạch nhập khẩu cá ngừ của EU từ thế giới. Việt Nam xuất cá ngừ sang EU dưới 3 dạng, cá ngừ đã qua chế biến (tỷ trọng lớn nhất, trên 50%), tiếp đến là phi lê cá ngừ và cá ngừ đông lạnh. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch trung bình của ba mặt hàng này khá đồng đều.

Bảng 3.19. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá ngừ của một số quốc gia sang EU

Đơn vị:%

Quốc gia

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Giai đoạn

(2007- 2015)

Trung Quốc

23,50

162,96

-6,20

50,07

-21,67

67,08

-19,80

2,53

32,31

Thế Giới

15,25

-9,35

1,25

16,13

21,69

12,90

-11,93

-0,61

5,67

Ấn Độ

-12,70

-59,82

-60,15

34,08

4,52

43,75

23,65

-42,55

-8,65

Thái Lan

5,76

13,49

-18,15

32,66

-16,07

22,74

-12,02

-21,98

0,80

Việt Nam

44,28

-15,50

3,02

35,68

59,75

20,16

-5,82

3,73

18,16

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Mặt hàng cá tra: Trong ba mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam, chỉ có mặt hàng cá tra là có tốc độ tăng trưởng kim ngạch là âm, mức âm khá cao -3,05%/năm cho trung bình cả giai đoạn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 chỉ bằng 74% năm 2007.

Bảng 3.20. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê của Việt Nam sang EU

Đơn vị:%

Quốc gia

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Giai đoạn

(2007 - 2015)

Việt Nam

16,22

1,73

-4,14

-3,19

-16,29

-16,76

-7,64

5,69

-3,05

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

3.2.4. Thị phần xuất khẩu của mặt hàng thủy sản

Thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam: Theo hình 3.4, thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU có thể chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2007 - 2013, thị phần được duy trì ổn định, và có thị phần thấp nhất trong bốn quốc gia. Năm 2014 -2015, Việt Nam có sự gia tăng thị phần trong khi ba quốc gia còn lại suy giảm. Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ.

Đơn vị:%

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Hình 3.4. Thị phần kim ngạch xuất khẩu thủy sản của một số quốc gia sang EU

Nhìn chung, trên các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam tại EU, thị phần xuất khẩu có sự tăng trưởng. Giai đoạn 2007 – 2015, các thị trường có sự tăng trưởng thị phần là Anh tăng 5,11%, Đức tăng 4,17%, Bỉ tăng 3,26%, Pháp tăng 2,87%. Các quốc gia có sự suy giảm thị phần trong giai đoạn này là Hà Lan giảm 1,53%, Italia giảm 0,7%, Tây Ban Nha giảm 0,59%.

Bảng 3.21. Thị phần kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang một số quốc gia thuộc EU

Đơn vị:%

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Anh

1, 62

2,23

3,35

3,78

4,45

3,66

4,14

5,33

6,73

Đức

5,37

6,74

8,15

8,07

8,47

7,97

8,31

8,63

9,54

Hà Lan

7,96

7,46

6,62

7,05

7,00

6,41

5,43

5,10

6,16

Pháp

3,13

4,32

4,03

5,58

5,52

5,06

4,57

5,96

6,00

Ý

6,26

7,57

6,17

6,65

7,33

7,03

6,25

5,71

5,54

Tây Ban Nha

3,18

3,48

4,43

3,92

3,58

3,12

2,65

2,80

2,58

Bỉ

8,45

9,49

11,46

10,18

8,50

8,84

9,29

10,90

11,71

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Thị phần xuất khẩu sản phẩm tôm Việt Nam sang thị trường EU: Giai đoạn 2007 - 2015, thị phần xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, mỗi năm tăng trung bình thêm khoảng 0,76% thị phần. Trong ba nước ở châu Á là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam về sản phẩm tôm, Ấn Độ là Quốc gia duy nhất có sự tăng trưởng thị phần. Giai đoạn 2007- 2015, Ấn Độ tăng thêm 4,3% thị phần. Trung Quốc và Thái Lan có sự suy giảm thị phần, đặc biệt là Thái Lan. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2010 (10,7%), mỗi năm Thái Lan mất hơn 2% thị phần kim ngạch xuất khẩu trên thị trường EU.

Đơn vị:%

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Hình 3.5. Thị phần kim ngạch xuất khẩu tôm của một số quốc gia sang EU

Giai đoạn 2007 -2015, thị phần kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng nhanh là do kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng tôm đã qua chế biến, sau 9 năm mặt hàng này đã tăng hơn 6 lần kim ngạch.

Cá tra phi lê: Theo số liệu từ Eurostat, cá tra phi lê trên thị trường EU được nhập khẩu hoàn toàn từ Việt Nam. Những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu cá của EU không tăng. Cá tra của Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với các sản phẩm cá thịt trắng tại thị trường này như: cá cod, cá Alaskapollock, cá Hake. Trong khi khối lượng cá tra phi lê đông lạnh của nhập khẩu EU giảm, nhưng khối lượng nhập khẩu cá thị trắng tăng, nhất là cá cod, điều này dẫn đến thị phần cá tra phi lê của Việt Nam ngày càng giảm.

Mặt hàng cá ngừ: Giai đoạn 2007 – 2015, thị phần cá ngừ của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn, nó chưa xứng với lợi thế về biển của Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đã có được sự tăng trưởng thị phần một cách ấn tượng, từ 1,63% thị phần năm 2007 lên 3,53% năm 2015, trung mình mỗi năm tăng 0,24% thị phần. Trong ba quốc gia ở châu Á là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam về thủy sản, Thái Lan là quốc gia có thị phần lớn hơn.

Đơn vị:%

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Hình 3.6. Thị phần kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của một số quốc gia sang EU

3.2.5. Đánh giá chung về năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU

Qua phân tích các tiêu chí, có thể khẳng định rằng năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường EU. Điều này minh chứng cho năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU đã được cải thiện nhưng chưa bền vững.

Thị phần và kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, phạm vi bao phủ thị trường các nước thuộc thị trường EU ngày càng mở rộng. Điều đó thể hiện khả năng thâm nhập thị trường EU ngày càng vững chắc của mặt hàng thủy sản Việt Nam. Thị phần xuất khẩu của sản phẩm thủy sản Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua, đưa thủy sản Việt Nam đứng vào Top 5 các nước xuất khẩu hàng đầu vào EU. Dấu hiệu này cũng cho thấy năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU đang dần mạnh lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích trên thị trường đầy ấn tượng, vẫn còn có những dấu hiệu thể hiện nguy cơ về tính không bền vững trong năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam tại EU. Những nguy cơ này được thể hiện rõ nét khi nghiên cứu về chất lượng sản phẩm và mức giá xuất khẩu của thủy sản cũng như cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang EU.

Chất lượng của mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU thấp và nhiều khi không kiểm soát được. Vấn đề trên có tác động bất lợi rất lớn đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU, bởi EU là thị trường có yêu cầu về chất lượng rất khắt khe và liên tục được nâng cao thêm. Nếu vấn đề chất lượng không được kiểm soát, trong một tương lai không xa mặt hàng thủy sản của Việt Nam không có chỗ đứng trên thị trường EU. Một bằng chứng cụ thể, ngày 13/05/2016, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE), Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư số Ares(2016)2253381 thông báo các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị EU đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào EU trong trường hợp có lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh cấm theo quy định.

Giá sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không cao, mức tăng giá qua các năm thấp hơn các đối thủ cạnh tranh và mặt bằng chung. Điều đó là dấu hiệu cho thấy sức cạnh tranh của các sản phẩm thủy sản Việt Nam chưa vững chắc. Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố giá khi cạnh tranh trên thị trường EU, một xu hướng được đánh giá là không có lợi cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Mặt hàng thủy sản Việt Nam ngày càng chịu nhiều áp lực về giá trên các thị trường EU sẽ dẫn đến nguy cơ làm giảm thu nhập, giảm hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng đông lạnh và sơ chế. Những mặt hàng này có hàm lượng giá trị gia tăng không cao, chủng loại sản phẩm lại ít có sự đổi mới, dẫn đến sức ép cạnh tranh ngày càng tăng cao. Cũng vì lý do này, các mặt hàng thủy sản Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát ra khỏi áp lực cạnh tranh về giá, vốn không phải là thế mạnh lâu dài của mặt hàng thủy sản Việt Nam.

Thực tế trên cho thấy, năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU hiện nay vẫn đang được xây dựng theo chiều rộng trên cơ sở khai thác những lợi thế cạnh tranh truyền thống. Những lợi thế cạnh tranh đó là những ưu đãi về nguồn lợi tự nhiên, nguồn lực về lao động dồi dào giá rẻ và sự hỗ trợ của chính phủ. Những lợi thế này, theo xu thế hiện tại sẽ suy giảm và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh lâu dài của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU.

3.3. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU

3.3.1. Các nhân tố trong nước

3.3.1.1. Các điều kiện về yếu tố sản xuất sản phẩm thủy sản

  1. Nguồn lợi thủy sản của Việt Nam

Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nguồn lợi thủy sản và là một trong 20 nước có sản lượng đánh bắt thủy sản lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Tiềm năng khai thác thủy sản: Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, với 3.260 km bờ biển, phần lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2. Việt Nam là nước có “tính biển” lớn nhất trong các nước ven biển Đông Nam Á, vùng biển rộng gấp 3 lần diện tích đất liền.

Tiềm năng nuôi trồng thủy sản: Với 3.260 km bờ biển, 112 cửa sông, lạch, hàng ngàn đảo lớn nhỏ ven biển, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và các hồ thủy lợi, thủy điện, đã tạo cho Việt Nam có tiềm năng lớn về mặt nước nuôi trồng thủy sản. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014, Việt Nam có 1,053 triệu ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi trồng thủy sản.

  1. Tiềm năng lao động ngành thủy sản

Việt Nam có quy mô dân số trên 90 triệu người, với lực lượng lao động trên 52 triệu người. Hằng năm trung bình có khoảng 1,5-1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Với trên 4 triệu dân sống ở vùng thủy triều và khoảng 1 triệu người sống ở vùng đầm phá, tuyến đảo thuộc 28 tỉnh, thành phố có biển tạo ra lực lượng lao động nuôi trồng thủy sản đáng kể chiếm tỷ trọng quan trọng trong sản xuất nghề cá. Bên cạnh đó, một bộ phận khá đông ngư dân làm nghề đánh cá, nhưng không đủ phương tiện để hành nghề khai thác cũng chuyển sang nuôi trồng thủy sản và lực lượng lao động vừa sản xuất nông nghiệp, vừa nuôi trồng thủy sản. Nguồn lực lao động cho hoạt động sản xuất thủy sản hiện dồi dào về số lượng những hạn chế về tay nghề, yếu về tác phong làm việc, hầu hết là lao động phổ thông. Trước yêu cầu đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ lao động thấp là yếu tố không thuận lợi đối với sản xuất sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

  1. Công nghệ

Trình độ công nghệ khai thác hải sản: Trong thời kỳ qua, trình độ công nghệ khai thác hải sản liên tục có sự thay đổi. Bên cạnh việc cải tiến các nghề lưới kéo, rê, vây trong nước, Việt Nam tiếp tục du nhập và cải tiến các nghề đã được du nhập cho phù hợp với điều kiện của mình. Sự du nhập và cải tiến các nghề khai thác đã làm thay đổi cơ cấu nghề, cơ cấu sản phẩm và giúp ngư dân tiếp cận các sản phẩm có chất lượng, có giá bán cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trình độ công nghệ nuôi trồng thủy sản: Trong 15 năm qua, nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Nhưng việc phát triển nhanh về diện tích khiến nghề nuôi trồng thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chất lượng con giống vẫn chưa được kiểm soát, quản lý tốt. Trong nuôi trồng thủy sản hiện nay, do chạy theo lợi nhuận, người nuôi ngày càng sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất, chế phẩm. Ao nuôi và các loài thủy sản trong đó liên tục gánh chịu những tác động do thuốc, hoá chất, chế phẩm gây ra. Ảnh hưởng sâu sắc nhất đó là tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng, khả năng đề kháng dịch bệnh của tôm, cá nuôi, tất cả đều có xu hướng giảm.

Công nghệ bảo quản sau thu hoạch: Công nghệ bảo quản sau thu hoạch của khai thác thủy sản khá thô sơ (chủ yếu bảo quản bằng nước đá), vì vậy tổn thất sau thu hoạch chiếm tỷ trọng khá cao (20-25%), làm giảm hiệu quả đi biển của ngư dân. Công nghệ bảo quan sau thu hoạch của chế biến thủy sản xuất khẩu chủ yếu là công nghệ bao gói sản phẩm trong điều kiện chân không. Công nghệ bao gói thay đổi môi trường không khí (MAP-Modified Atmosphere Packaging) bên trong bao gói được sử dụng ngày càng nhiều, đã tăng khả năng duy trì chất lượng sản phẩm [64].

Công nghệ và trang thiết bị chế biến thủy sản: Theo thống kê của NAFIQAD, năm 2010, Việt Nam có 429 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh với tổng công suất cấp đông khoảng 7.870 tấn/ngày, với 1.378 thiết bị cấp đông. Công nghệ chế biến của Việt Nam hiện đã ngang với các nước trong khu vực và đang từng bước tiếp cận với trình độ công nghệ thế giới. Nhìn chung, nhiều nhà máy đã được nâng cấp, đảm bảo điều kiện vệ sinh ở khu vực chế biến. Tổng công suất đã tăng lên, thời gian cấp đông đã giảm xuống, nhiều kho lạnh được đầu tư nâng cấp. Nhiều doanh nghiệp đã đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường xuất khẩu quan trọng trong đó có thị trường EU [54], [64].

3.3.1.2. Các ngành hỗ trợ và liên quan

  1. Sản xuất giống

Sản xuất giống cá tra: Các trang trại sản xuất cá giống phổ biến là các trang trại tư nhân, quy mô nhỏ, diện tích sản xuất dưới 1ha. Các trang trại này sản xuất số lượng lớn cá giống cho thị trường, nhưng chất lượng cá giống thường là thấp. Các trang trại thuộc sở hữu nhà nước có diện tích lớn hơn có trang thiết bị tốt hơn so với những trang trại của tư nhân. Các trang trại giống nhà nước có ảnh hưởng lớn đối với ngành cá tra: Họ tiến hành nghiên cứu về giống, cải tiến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, duy trì chất lượng của con giống. Tuy nhiên, các trang trại này chỉ cung cấp được khoảng 20% số cá giống cho thị trường. [70]

Sản xuất giống tôm: Năm 2010, hoạt động sản xuất con giống trong nước cung cấp khoảng 58,8% tổng nhu cầu về giống tôm sú và 47,5% tổng nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương. Phần còn lại là được nhập khẩu từ các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan, và đặc biệt giống tôm thẻ chân trắng cũng được nhập từ Mỹ. Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu con giống Trung Quốc với giá rẻ hơn là một mối đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất tôm Việt vì chất lượng thường không đảm bảo. [70]

Sản xuất cung ứng giống nhuyễn thể các loại: Theo thống kê số trại sản xuất giống tăng từ 136 trại năm 2006 lên 180 trại năm 2010. Sản lượng giống nhuyễn thể cũng tăng từ 2.046 triệu con năm 2006 lên 3.788 triệu con năm 2010. Số trại giống và sản lượng giống nhuyễn thể luôn cao nhất ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Nhìn chung, các trại sản xuất giống trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi. Đặc biệt là chất lượng con giống còn thấp, việc sản xuất giống vẫn tự phát, thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, thiếu các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn …

  1. Sản xuất, cung ứng thức ăn, chế phẩm sinh học và thuốc thú y thủy sản

Thức ăn nuôi trồng thủy sản: Ở Việt Nam, chi phí thức ăn cho nuôi trồng thủy sản cao hơn 10-15% so với các nước khác. Lý do chính là 60% số lượng thức ăn nuôi tôm được cung cấp bởi các công ty nước ngoài. Chi phí sản xuất cao là do thiếu nguyên liệu thức ăn sẵn có tại địa phương. Theo Bộ NN&PTNT, một năm có 2,4 triệu tấn thức ăn được tiêu thụ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong đó 50% các yếu tố đầu vào cần thiết để sản xuất ra thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu.

Hóa chất và thuốc: Không có số liệu thống kê chính xác, nhưng trên thực tế nhiều nông dân sử dụng các loại thuốc và hóa chất để giảm bớt tỷ lệ tử vong của cá. Các yếu tố đầu vào này thường xuyên được cung cấp bởi các nhà phân phối thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhiều nông dân cũng sử dụng các chất cấm, những chất cấm đó có thể dễ dàng mua từ các hiệu thuốc và các nhà phân phối địa phương. Điều này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở các thị trường xuất khẩu khi các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm ngặt.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã chậm nhận thấy tầm quan trọng và khoản lợi nhuận rất lớn từ sản xuất thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, nên hàng chục năm đã qua đã bỏ ngỏ ngành công nghiệp này. Việt Nam đã thiếu nghiêm trọng các nghiên cứu về dinh dưỡng học trong nuôi trồng thủy sản, vì vậy trên 80% lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản hiện nay là từ nhà đầu tư nước ngoài sản xuất và cung cấp. Chúng ta đã để thua, đã đánh mất một thị trường lớn, để tuột khỏi tầm tay một lượng tiền, một khoản lợi nhuận khổng lồ ngay trên đất nước mình. Tương tự, các sản phẩm thuốc thú y sử dụng trong nuôi thủy sản đều phải nhập từ bên ngoài, đã tác động, đã hạn chế sự phát triển nuôi trồng thủy sản trong thời gian vừa qua.

  1. Hậu cần nghề cá

Thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản: Hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống thủy lợi của nông nghiệp. Thủy lợi mới chỉ chú trọng giải quyết các vấn đề nước cho lĩnh vực nông nghiệp, chưa chú trọng theo hướng nước được ưu tiên cho nuôi trồng thủy sản trước. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước từ việc dùng các loại hóa chất trong trồng trọt đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nước nuôi trồng thủy sản, môi trường thủy sinh và nguồn lợi thủy sản.

Hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu đậu tầu thuyền nghề cá: Năm 2011, cả nước có 60 cảng cá, bến cá là nơi thường xuyên neo đậu của tàu thuyền khai thác hải sản. Nhiều cảng cá đã được đầu tư xây dựng cầu cảng và kè bờ. Tổng chiều dài cầu cảng cá gần 1.200 m. Các cảng cá có lượng hải sản qua cảng lớn như Tắc Cậu (Kiên Giang), Tân Phước (Vũng Tàu), Mỹ Tho (Tiền Giang) …. Hiện nay, nhiều cảng cá sau đầu tư không được sử dụng, dẫn tới lãng phí lớn. Do cơ chế xin/cho trong đầu tư và yếu kém trong tư vấn thiết kế, nhiều cảng cá, bến cá vừa xây dựng xong, vừa đi vào hoạt động đã bị bồi lắng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có những cảng cá không hoạt động được phải bỏ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão.

Cơ khí sửa chữa tàu thuyền nghề cá: Năm 2012, cả nước có khoảng 702 cơ sở cơ khí đóng, sửa tàu cá, với năng lực đóng mới 4.000 chiếc/năm. Tuy nhiên, năng lực đóng mới tàu vỏ sắt rất hạn chế, chỉ tập trung ở một vài cơ sở như xí nghiệp cơ khí Hạ Long, cơ khí Nhà Bè, cơ khí Vật Cách. Do chưa sản xuất được các loại máy thủy công suất lớn nên mặc dù có năng lực sửa chữa 8.000 chiếc/năm, nhưng việc sửa chữa chủ yếu thực hiện bằng cách thay thế phụ tùng. Gần đây một số cơ sở đã thiết kế và đóng được tàu bằng vật liệu Composite. Nhìn chung, các cơ sở cơ khí đóng sửa tàu thuyền nghề cá vẫn trong tình trạng manh mún, sản xuất phân tán, thiết kế theo kinh nghiệm dân gian, trình độ thủ công lạc hậu.

Các lĩnh vực hầu cần nghề cá khác: Năm 2011, Việt Nam có khoảng 643 kho lạnh sản phẩm thủy sản với tổng sức chứa khoảng 78.700 tấn và 14 kho cho thuê với sức chứa 46.000 tấn. Có khoảng 120 nhà máy sản xuất nước đá, khả năng cung cấp nước đá 2.730 tấn/ngày, đảm bảo đủ nhu cầu nước đá của các tàu và các nhà máy chế biến. Có 10 cơ sở gia công sản xuất lưới sợi. Các cơ sở này mỗi năm sản xuất trên 10.000 tấn lưới sợi. Nhìn chung, trình độ sản xuất ngư lưới cụ trong nghề cá chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, nhiều loại ngư cụ phải nhập khẩu.

  1. Các hiệp hội thủy sản

Hệ thống hiệp hội thủy sản ở Việt Nam khá đông đảo và đa dạng: Hiệp hội thành lập theo địa lý, theo dòng sản phẩm, theo từng khâu trong chuỗi giá trị. Những hiệp hội có ảnh hưởng lớn đến Thủy sản phải kể đến Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).

Hội Nghề cá Việt Nam: VINAFIS có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ tất cả các bên liên quan, đặc biệt là ở cấp độ sản xuất chính trong lĩnh vực thủy sản và nuôi trồng thủy sản. VINAFIS hợp tác với các tổ chức nghề cá trên toàn thế giới nhằm trao đổi khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác kinh tế và nâng cao năng lực của các thành viên để phát triển thủy sản bền vững. VINAFIS có 32 đại diện tỉnh VINAFIS và chi hội, hơn 800 chi nhánh và 34.000 thành viên cá nhân. Hơn nữa, có hơn 60 thành viên tập thể của các tổ chức VINAFIS trung ương. Đó là những khoa thủy sản của các trường đại học, viện nghiên cứu thủy sản, các trung tâm đào tạo và giáo dục [28].

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: VASEP là hiệp hội của 80% các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. VASEP có các chức năng chính sau: Củng cố các mối quan hệ quốc tế và nội địa; cung cấp thông tin thị trường cập nhật và tổ chức sự kiện; xúc tiến thương mại và xuất khẩu thủy sản phát động mở rộng thị trường; cung cấp các khóa đào tạo bồi dưỡng; cung cấp các dịch vụ tư vấn…[30].

Các hiệp hội quốc gia và cấp tỉnh của Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Các hiệp hội này cung cấp sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành thủy sản. Nội dung hỗ trợ chủ yếu là phổ biến các mô hình kinh doanh tốt, thông tin về các quy định của cả hai chính phủ Việt Nam và các nước nhập khẩu, tiếp cận và hợp tác với các ngân hàng và ảnh hưởng đến các chính sách của Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật.

Hệ thống hiệp hội thủy sản ở Việt Nam khá đông đảo và đa dạng nhưng vai trò còn mờ nhạt. Hiện nay, chưa có hiệp hội nào có thể đảm nhận được vai trò thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết toàn ngành thủy sản. Thời điểm hiện này, VASEP không có quan hệ đủ mạnh với các viện nghiên cứu và các nhà sản xuất, trong khi VINAFIS tập trung nhiều ở cấp độ sản xuất, các hiệp hội khác hoạt động mờ nhạt hơn.

  1. Hệ thống ngân hàng

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho ngành thủy sản Việt Nam. Các ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGRIBANK), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP), thường cung cấp các khoản vay nhỏ cho nông dân, người trung gian và nhà chế biến. Một số ngân hàng thương mại nhà nước cung cấp các dịch vụ tài chính cho ngành thủy sản như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Công Thương (Vietinbank). Các ngân hàng này thường đòi hỏi quy trình phức tạp để đạt được các khoản vay, và họ hướng đến các công ty chứ không phải là nông dân quy mô nhỏ. Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân đã bắt đầu cung cấp các khoản vay cho ngành thủy sản. Các ngân hàng này thường cho vay với mức lãi suất cao hơn, nhưng ưu điểm là thủ tục đơn giản hơn. Ngoài các ngân hàng Việt Nam, một số nhà tài trợ (UNDP, DANIDA) và tổ chức phi chính phủ đã cấp dự án và cung cấp tín dụng nhỏ cho nông dân. Mặc dù các ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các khoản vay trên cơ sở các tài sản thế chấp (tài sản hoặc đất nông nghiệp), những các khoản vay của ngân hàng thường không đủ để trang trải chi phí hoạt động sản xuất [70].

  1. Các tổ chức nghiên cứu, đào tạo về thủy sản

Các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và đào tạo tham gia vào ngành thủy sản bao gồm trường đại học, viện nghiên cứu và trường dạy nghề. Sau đây là các cơ sở quan trọng: (i) Các trường đại học bao gồm các trường Đại học Thủy sản Nha Trang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Thủy sản tại Kiên Giang. (ii) Đối với nuôi trồng thủy sản Viện nghiên cứu quan trọng nhất là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản số 1, 2, và 3 (RIA). RIA 1 nằm ở miền bắc, RIA 2 ở miền trung và RIA 3 ở phía nam. Ba viện nghiên cứu trên có chuyên ngành khác nhau về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ. (iii) Đối với hải sản có hai viện nghiên cứu quan trọng là Viện Nghiên cứu Hải sản tại thành phố Hải Phòng và Viện Hải Dương học Nha Trang. (iv) Các trường dạy nghề, nơi học sinh được đào tạo để làm việc trong lĩnh vực thủy sản ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.3.1.3. Chiến lược doanh nghiệp, cấu trúc và cạnh tranh trong nước

  1. Trong khai thác thủy sản

Nhìn chung, cơ cấu nghề khai thác thủy sản thời kỳ 2001- 2013 tiếp tục chuyển dịch theo định hướng thị trường. Những nghề khai thác có hiệu quả tiếp tục tăng và những nghề khai thác không hiệu quả tiếp tục giảm: Nghề lưới kéo giảm từ 22,5% năm 2001 xuống còn 17,6% năm 2010; nghề lưới rê tăng từ 24,5% năm 2001 lên 36,8% năm 2010; nghề lưới vây giảm từ 7,7% năm 2001 xuống còn 4,5% năm 2010; nghề câu giảm từ 19,7% năm 2001 xuống còn 17% năm 2010; nghề vó, mành giảm nhẹ từ 7,8% xuống 7,7% năm 2010; nghề cố định giảm từ 7,5% xuống còn 3,3% năm 2010; các nghề khác tăng từ 10,3% năm 2001 lên 12,8% năm 2010.

Giai đoạn vừa qua, các loại tàu thuyền ven bờ có sự gia tăng quá nhanh và không có kiểm soát đã làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng khai thác quá mức và khai thác trái phép thường xuyên xảy ra. Chi phí đầu vào cho khai thác hải sản không ngừng tăng cao, trong khi giá sản phẩm không tăng hoặc tăng không tương ứng.

  1. Trong nuôi trồng thủy sản

Kinh tế hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, quy mô sản xuất hộ (lao động, đất đai) nhìn chung không lớn, bình quân 1 hộ có 2,6 lao động. Năm 2011, có trên 476 nghìn hộ kinh doanh cá thể, tăng hơn 11 lần so với năm 1996 và hơn 2 lần so với năm 2000. Năm 2011, cả nước có 236 hợp tác xã. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản do hợp tác xã quản lý hơn 45 nghìn ha, bình quân mỗi hợp tác xã quản lý 192 ha và bình quân lao động là 19,1 người. Kinh tế trang trại có xu hướng tăng về số lượng. Trang trại tập trung chủ yếu vào hoạt động nuôi trồng thủy sản và kinh doanh tổng hợp. Năm 2009 có 33.711 trang trại, năm 2010, tăng lên 37.142 trang trại, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 72,4%.

Với thực trạng trên, diện tích nuôi trồng thủy sản trên đất liền đã khai thác tới mức giới hạn cho phép. Hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn chưa chú trọng đúng mức đến phát triển theo chiều sâu, vẫn tập trung phát triển theo chiều rộng (mở rộng diện tích nuôi). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tư duy sản xuất nhỏ, thiếu định hướng, tầm nhìn…[64].

  1. Chế biến và xuất khẩu thủy sản

Trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, có rất nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia. Xét về qui mô, ta có nhóm doanh nghiệp lớn và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhóm doanh nghiệp lớn: Điển hình trong nhóm các doanh nghiệp lớn phải kể đến những cái tên như Kim Anh, Út Xi, Nam Việt, AGIFISH, CAMIMEX, INCOMFISH,... Những doanh nghiệp này đã hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản từ lâu, đã có bạn hàng truyền thống ổn định và có qui mô doanh thu lớn. Các bạn hàng của những doanh nghiệp thuộc nhóm này chủ yếu đến từ các quốc gia có sức tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... Mỗi doanh nghiệp trong nhóm này thường có các mặt hàng chủ lực riêng biệt (tôm, cá tra, cá basa,…) nên dù cùng hoạt động trong ngành, nhưng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp này không thực sự khốc liệt.

Nhóm các doanh nghiệp thủy sản có quy mô vừa và nhỏ: Một số doanh nghiệp cũng đã có truyền thống hoạt động trong ngành chế biến thủy sản. Tuy nhiên, do qui mô nhỏ nên hoạt động của các doanh nghiệp này cũng hẹp hơn về chủng loại mặt hàng và qui mô doanh thu cũng hạn chế. Với các doanh nghiệp này, sự cạnh tranh với nhau gay gắt hơn vì không nhiều doanh nghiệp trong số đó có bạn hàng truyền thống. Các doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng giá làm vũ khí cạnh tranh. Xét một cách tổng thể trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mức độ cạnh tranh trong nước đã tạo cơ hội cọ sát cho các doanh nghiệp, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp có cái nhìn thực tế hơn về tình trạng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

  1. Hội nhập và hợp tác theo chiều dọc trong chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu sang EU

Mức độ hội nhập và hợp tác theo chiều dọc trong chuỗi giá trị của các sản phẩm thủy sản là thấp và rất khác nhau. Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), mức độ hội nhập và hợp tác lớn nhất tại sản phẩm cá tra, sản phẩm tôm [70].

Đối với sản phẩm cá tra đa số người dân vẫn còn hoạt động trên thị trường giao ngay và không có mối quan hệ lâu dài, bền vững với khách hàng của họ. Có ba lý do chính cho việc thiếu các mối quan hệ lâu dài bền vững: Sự biến động của giá đầu vào dẫn đến khó khăn cho nông dân cũng như công ty chế biến trong sự thỏa thuận về giá cá tra trước khi thu hoạch; hầu hết nông dân đều cho là để bán được giá cao là quan trọng hơn so với nguy cơ giá thấp; sự thiếu kinh nghiệm trong cách xây dựng hợp đồng để bảo vệ các lợi ích của cả người nông dân và công ty chế biến xuất khẩu.

Mức độ hội nhập và hợp tác dọc trong theo chuỗi của sản phẩm tôm là thấp hơn so với mặt hàng cá tra. Lý do chính là sản phẩm tôm bị chi phối bởi các hộ nông dân nhỏ. Hơn nữa, trong điều kiện của dịch bệnh và mất mùa, sản lượng cá tra là ít rủi ro hơn so với sản xuất tôm. Như vậy, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm có tích hợp cơ sở sản xuất có số lượng ít hơn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá có tích hợp cơ sở sản xuất.

Đối với sản phẩm cá ngừ, thiếu sự hợp tác giữa các nhà sản xuất, người trung gian và nhà chế biến xuất khẩu diễn ra ở một số giai đoạn của chuỗi giá trị. Có một lý do quan trọng cho vấn đề trên là sự thống trị của những người trung gian ở một số tỉnh đã hạn chế sự hợp tác giữa ngư dân và nhà chế biến xuất khẩu. Số lượng hợp đồng giữa ngư dân và nhà chế biến xuất khẩu là rất hạn chế.

Trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thiếu các mối quan hệ trực tiếp và bền vững giữa nuôi trồng, đánh bắt với các công ty chế biến xuất khẩu và các chức năng quan trọng của người trung gian. Điều đó dẫn đến các vấn đề như truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, bền vững của sản lượng... Những vấn đề này đang ngày càng tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU.

3.3.1.4. Vai trò của chính phủ

  1. Hỗ trợ ngành thủy sản

Ngành thủy sản Việt Nam là một ngành kinh tế nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ. Quan điểm phát triển thủy sản của Chính phủ Việt Nam là: Phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững, trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Với quan điểm phát triển như trên Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách phát triển ngành thủy sản. Những chính sách quan trọng phải kể đến: “Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020”, “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020”, “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Để tạo điều kiện cho chính phủ trong việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản thì Đảng và Quốc hội cũng đã ban hành luật và nghị quyết trong đó nói rõ về vai trò của lĩnh vực thủy sản. Trong các chính sách về thủy sản, chính phủ luôn nhấn mạnh vai trò của thị trường quốc tế, thị trường EU luôn nằm trong nhóm thị trường quan trọng nhất [9].

  1. Kiểm soát chất lượng và an toàn về sinh thực phẩm cho thủy sản xuất khẩu sang EU

Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) là bộ phận quan trọng nhất của về kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm. Nhiệm vụ trên là rất quan trọng cho xuất khẩu thủy sản vào EU. NAFIQAD có trách nhiệm ở cả cấp độ sản xuất và nhà máy. Ở cấp độ sản xuất NAFIQAD chịu trách nhiệm về chương trình giám sát dư lượng kháng sinh. NAFIQAD lấy mẫu ngẫu nhiên tại các cơ sở nuôi trồng để kiểm tra, nếu kháng sinh hoặc tồn dư cấm khác được phát hiện, NAFIQAD có thẩm quyền xử phạt của người sản xuất. Chỉ những sản phẩm được kiểm tra bởi một trong những phòng thí nghiệm NAFIQAD và đã nhận được một giấy chứng nhận mới có thể được xuất khẩu sang thị trường EU. Ở cấp độ nhà máy, NAFIQAD chịu trách nhiệm cấp chứng nhận cho cơ sở chế biến. NAFIQAD cũng có trách nhiệm xác nhận điều kiện cho nhà máy để tiếp cận thị trường EU. Bên cạnh đó, NAFIQAD còn cung cấp hoạt động đào tạo cho nông dân và các nhà chế biến để nâng cao nhận thức của họ về vấn đề an toàn thực phẩm trong ngành thủy sản. Cục Thú y có trách nhiệm giám sát và điều tiết việc sử dụng các loại thuốc và hóa chất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hành vi vi phạm quy định ở cấp tỉnh.

  1. Hội nhập WTO và thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU

Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO vào ngày 11 tháng 1 năm 2007. Trong quá trình đàm phán, EU là đối tác thương mại chính đầu tiên kết thúc đàm phán gia nhập WTO song phương với Việt Nam vào năm 2004. Tới nay, Việt Nam và EU không có tranh chấp nào với nhau ở WTO, trong khi cả hai đều đã có những vụ tranh chấp khác với các bên thứ ba. Mặc dù gia nhập WTO đã thúc đẩy các cơ hội tiếp cận thị trường EU cho Việt Nam, nhưng hai bên vẫn quyết định tăng cường quan hệ thương mại song phương thông qua việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Từ tháng 10/2012 – tháng 8/2015, hai bên đã tiến hành 14 vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ. Ngày 4/8/2015, hai bên tuyên bố Kết thúc cơ bản đàm phán FTA Việt Nam - EU. FTA Việt Nam - EU nhằm mục đích tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cả hai bên, góp phần làm cho môi trường kinh doanh ổn định và dự đoán được, do đó thúc đẩy tăng trưởng. Một FTA hiện đại có khả năng tăng cường thương mại hai chiều và đầu tư thông qua tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường tốt hơn [1], [14], [44].

Gia nhập WTO, thúc đẩy phát triển thủy sản trong nước: WTO đưa ra các nguyên tắc khuyến khích phát triển và cải cách kinh tế ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi bằng cách dành cho những nước này những điều kiện đối xử đặc biệt và khác biệt để đảm bảo sự tham gia sâu rộng hơn của các nước này vào hệ thống thương mại WTO. Nhờ có nguyên tắc này, Việt Nam được hỗ trợ nhiều về mặt kỹ thuật. Với công nghệ nuôi trồng và khai thác thủy sản mới và tiên tiến của EU, Việt Nam đã giảm thiểu được các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn lợi thủy sản. Nhờ cam kết gia nhập WTO, môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện theo hướng thuận lợi và minh bạch hơn, cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư, các doanh nghiệp thủy sản có điều kiện học hỏi, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại.

Gia nhập WTO, mặt hàng thủy sản Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với các nước xuất khẩu thủy sản khác trên thị trường EU: WTO đảm bảo sự bình đẳng trong xuất khẩu thủy sản sang EU. Không phân biệt đối xử là một trong những nguyên tắc của hệ thống thương mại WTO. Nhờ đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có được thông tin minh bạch và rõ ràng về các chính sách, nguyên tắc và quy định về thủy sản xuất khẩu vào EU. Những cắt giảm các hàng rào thương mại và đơn giản hoá, chuẩn hoá các thủ tục hải quan trong WTO làm tăng khả năng tiếp cận mặt hàng thủy sản của Việt Nam với các thị trường thuộc EU. Đáng chú ý là EU cho Việt Nam được hưởng Quy chế Thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) theo điều khoản cho phép của WTO, mang lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam tại thị trường EU, so với các mặt hàng xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển. WTO giúp giải quyết các tranh chấp thương mại một cách hoà bình và mang tính xây dựng. Khi xuất khẩu thủy sản sang EU xảy ra tranh chấp, Việt Nam sẽ không đơn phương giải quyết mà đưa tranh chấp của mình tới WTO. Khi các tranh chấp thương mại được giải quyết tại WTO, thủ tục giải quyết của WTO là tập trung chú ý của họ vào các nguyên tắc. Một khi nguyên tắc được thiết lập, các nước phải nỗ lực tuân thủ nguyên tắc, và có lẽ sau đó tái thương lượng về các nguyên tắc, chứ không phải là tuyên chiến với nhau. Nói chung, khi gia nhập WTO mặt hàng thủy sản Việt Nam được cạnh tranh một cách bình đẳng tại thị trường EU với các nước xuất khẩu khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,… điều kiện trước đây Việt Nam không có được [29].

3.3.2. Các nhân tố thuộc thị trường EU

3.3.2.1. Đặc điểm cầu thủy sản của thị trường EU

  1. Tình hình tiêu thụ thủy sản tại thị trường EU

Quy mô tiêu dùng thủy sản của EU: EU là thị trường thủy sản lớn thứ hai thế giới, đứng sau Trung Quốc. EU tiêu thụ khoảng 10% sản lượng cá trên toàn thế giới. Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở EU rất cao, năm 2007 đạt 22,03 kg/người/ năm (tính theo đơn vị trọng lượng tươi sống), cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình thế giới là 16,69 kg/người/năm. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của EU đã tăng 30,28% trong vòng 40 năm (1968 – 2007). Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo đến năm 2030, EU có mức tiêu thụ cá bình quân trên đầu người đạt 24 kg/người/năm. Trong tương lai, EU tiếp tục là một thị trường quan trọng cho sản phẩm thủy sản [84].

Tiêu dùng thủy sản của các quốc gia trong EU: Tiêu thụ thủy sản giữa các nước EU có sự khác biệt lớn. Nhìn chung, các nước vùng Scandinavi và khu vực Địa Trung Hải là những nước tiêu thụ chủ yếu. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có mức tiêu thụ bình quân đầu người tương đối cao. Tây Ban Nha là một trong những nước lớn nhất của EU về mặt dân số và do vậy là thị trường quan trọng đối với các sản phẩm thủy sản. Tiêu thụ thủy sản ở Pháp cũng trên mức trung bình của EU, đưa Pháp trở thành một thị trường quan trọng tiếp sau Tây Ban Nha. Đức và Áo là hai nước sau cùng trong bảng xếp hạng các nước tiêu thụ chủ yếu, với mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt 14,9 kg và 14,7 kg. Các nước ở khu vực trung tâm châu Âu dường như có truyền thống ăn ít thủy sản hơn [78].

  1. Xuất khẩu thủy sản của EU

Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của EU đạt trên 4,4 tỷ Euro, mặt hàng cá đông lạnh (mã HS 0303) là mặt hàng thủy sản EU xuất khẩu lớn nhất xét về mặt giá trị, đạt hơn 1,5 tỷ Euro chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn từ EU phải kể đến Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia. Theo Eurostat, năm 2014, EU xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch 574 triệu Euro. Giai đoạn 2007 – 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của EU luôn tăng trưởng (ngoại trừ năm 2009 có suy giảm), tốc độ tăng trung bình giai đoạn này là 7%/ năm. Các nhóm sản phẩm thủy sản mà EU xuất khẩu nhiều, cũng là những nhóm sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU.

Bảng 3.22. Xuất khẩu thủy sản của EU theo giá trị, theo sản phẩm, 2007 – 2015

Đơn vị: 1.000 Euro

Sản phẩm

Mã HS

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng

2.697.120

2.933.043

2.631.881

3.133.636

3.551.291

4.149.980

4.196.305

4.328.898

4.457.044

Cá tươi sống

0301

62.483

44.913

25.680

48.427

45.602

31.231

33.842

33.400

70.847

Cá tươi và cá ướp lạnh

0302

419.665

468.530

371.830

432.220

603.609

663.738

732.304

762.101

750.979

Cá động lạnh trừ các loài cá phi lê đông lạnh

0303

976.786

1.106.783

972.506

1.188.378

1.273.341

1.656.465

1.592.823

1.608.993

1.506.734

Cá phi lê hoặc thịt cá

0304

199.624

209.116

226.978

324.940

351.697

272.031

280.084

311.524

375.398

Cá hun khói, khô- muối

0305

131.381

125.727

138.937

166.942

188.885

223.109

247.102

267.283

315.599

Loài giáp xác

0306

289.272

295.054

270.873

294.017

294.067

318.657

321.219

335.138

378.690

Động vật thân mềm

0307

90.916

91.017

80.045

100.830

121.188

147.596

123.905

160.762

182.856

Dầu cá

1504

105.388

119.821

100.988

103.797

130.443

191.213

192.841

201.945

222.544

Cá chế biến hoặc cá bảo quản

1604

335.062

380.514

357.778

379.992

429.397

511.991

531.832

502.242

483.607

Loài giáp xác, động vật thân mềm, động vật không xương sống khác

1605

86.544

91.568

86.267

94.094

113.062

133.949

140.353

145.511

169.791

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

3.3.2.2. Đặc điểm cung

  1. Nuôi trồng và khai thác thủy sản nội địa

Tổng cung thủy sản nội địa: Theo Eurostat, tổng sản lượng thủy sản bao gồm sản lượng khai thác và nuôi trồng cho tiêu dùng của con người, ước tính năm 2012 đạt 5,7 triệu tấn (tính theo đơn vị trọng lượng tươi sống). Các con số thống kê của EU trong năm 2012 cho thấy đã có sự suy giảm sản xuất thủy sản (- 6,8% so với năm 2011), và sự suy giảm này là liên tục trong 20 năm trước (- 35,7% 1995-2012). Tại EU, ba nhà sản xuất thủy sản lớn nhất về khối lượng trong năm 2012 là Tây Ban Nha (1 triệu tấn), Anh (0,8 triệu tấn) và Pháp (0,7 triệu tấn).

Sản lượng nuôi trồng: Theo số liệu của Eurostat, khoảng một phần năm tổng sản lượng thủy sản của EU xuất phát từ nuôi trồng thủy sản. Năm 2012, sản xuất được 1,25 triệu tấn và không tăng so với năm 2011. Điều này thể hiện một sự suy giảm trong sản xuất nuôi trồng thủy sản khoảng -11% so với đỉnh cao 1,4 triệu tấn vào năm 2000. Ba nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản lớn nhất của EU là Tây Ban Nha, Anh và Pháp, chiếm hơn một nửa sản lượng (54%) của sản xuất nuôi trồng thủy sản của EU trong năm 2012.

Bảng 3.23. Sản lượng các sản phẩm thủy sản của EU, giai đoạn 2005-2012

Đơn vị: 1.000 tấn

Quốc gia

Năm 2005

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Nuôi trồng

Khai thác

Tổng

Nuôi trồng

Khai thác

Tổng

Nuôi trồng

Khai thác

Tổng

Nuôi trồng

Khai thác

Tổng

EU-28

1.278

5.496

6.774

1.272

4.995

6.267

1.249

4.832

6.081

1.251

4.419

5.670

Đan Mạch

39

911

950

32

828

860

32

716

748

34

503

537

Đức

45

264

309

41

215

256

39

218

257

27

205

232

Hy Lạp

106

91

197

121

70

191

111

63

174

109

64

173

Tây Ban Nha

221

717

938

254

741

995

274

799

1.073

267

757

1.024

Pháp

245

586

831

203

440

643

194

487

681

205

461

666

Ý

181

294

475

154

230

384

164

213

377

164

213

377

Hà Lan

71

547

618

67

376

443

44

365

409

46

345

391

Ba Lan

38

131

169

37

130

167

26

176

202

33

180

213

Anh

173

665

838

201

606

807

199

595

794

206

626

832

Các quốc gia còn lại

159

367

526

162

406

568

166

398

564

160

232

392

Nguồn: Eurostat (2014), Agriculture, forestry and fishery statistics

Sản lượng thủy sản khai thác: Sản lượng khai thác chiếm khoảng 80% trong tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng đánh bắt của EU. Năm 2012, sản lượng khai thác toàn EU đạt 4,4 triệu tấn. Bảng 2.4 minh họa một sự suy giảm chung khoảng 20% hay 1 triệu tấn trọng lượng sống từ năm 2005.

  1. Nhập khẩu thủy sản của EU

Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của EU đạt 22,8 tỷ Euro tăng 6,44% so với năm 2014. EU nhập khẩu nhiều nhất từ Na Uy, năm 2014 là hơn 5 tỷ Euro, sản lượng nhập khẩu từ nước này tương đương với tổng sản lượng đánh bắt và khai thác của toàn bộ các nước EU. Sau Na Uy là Trung Quốc (1,5 tỷ Euro), Ecuador (1,066 Euro). Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 với kim ngạch là 906 triệu Euro, tăng 14,8% so với năm 2013, nhưng vẫn thấp hơn năm 2011.

Bảng 3.24. Nhập khẩu thủy sản của EU theo giá trị, theo quốc gia xuất khẩu, giai đoạn 2007 - 2015

Đơn vị: 1.000 Euro

Quốc gia

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Na Uy

2.863.187

2.822.689

3.008.710

3.867.487

3.901.378

4.014.047

4.628.186

5.019.299

5.451.958

Trung Quốc

1.235.093

1.283.968

1.309.913

1.539.929

1.714.878

1.616.628

1.496.001

1.502.271

1.601.214

Ecuador

560.028

768.713

607.373

683.819

831.617

948.698

1.070.315

1.066.846

1.027.623

Morocco

764.992

855.362

780.683

783.382

828.325

848.292

871.838

925.937

1.057.570

Việt Nam

655.160

773.663

784.016

859.256

927.579

845.529

789.418

906.587

1.006.868

Mỹ

862.861

876.782

689.347

793.802

916.800

878.007

805.372

879.329

1.014.944

Ấn Độ

497.579

466.494

473.305

538.372

617.493

624.862

635.120

873.985

915.259

Thái Lan

640.535

704.547

748.474

814.540

900.661

823.535

735.645

643.484

477.764

Argentina

549.005

542.752

474.750

620.460

584.275

515.578

570.072

573.007

625.040

Ireland

326.356

269.100

289.357

333.783

366.097

357.705

339.173

331.183

339.964

Nguồn: Eurostat, tháng 9/2016 và tính toán của tác giả

Nhập khẩu theo nhóm mặt hàng: Mặt hàng cá tươi và cá ướp lạnh (mã HS 0302) là mặt hàng thủy sản nhập khẩu lớn nhất xét về mặt giá trị, năm 2014, chiếm 22,5% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của EU. Theo Erurostat, năm 2011 sản lượng nhập khẩu của mặt hàng này là 765,8 nghìn tấn. Đứng thứ 2 là cá phi lê hoặc thịt cá, trước đây nhóm này luôn đứng ở vị trí số 1 nhưng 2 năm gần đây xuống đứng ở vị trí thứ 2. Năm 2014, nhóm này có kim ngạch là 9,967 tỷ USD. Các nhóm sản phẩm thủy sản mà EU nhập khẩu nhiều đều nằm trong nhóm các sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU.

3.3.2.3. Quy định của EU đối với mặt hàng thủy sản nhập khẩu

Quy định về thuế nhập khẩu: Ngoài các chính sách thuế quan thông thường đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa EU còn có chính sách ưu đãi về thuế trong một số điều kiện. Chính sách này được chia thành 3 nhóm các nhà xuất khẩu: Nhóm các nước có Quy chế Tối huệ quốc (MFN); nhóm các nước có Quy chế Thuế quan phổ cập (GSP), áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển ở mức độ thấp; nhóm các nước được thuế ưu đãi đặc biệt, thực hiện đối với hàng nhập khẩu từ một số nước đang phát triển được hưởng ưu đãi GSP kèm ưu đãi theo hiệp định song phương khác như các hiệp định giữa EC với các nước chậm phát triển nhất, giữa EC và ACP. Việt Nam thuộc nhóm các nước được hưởng GSP.

Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm: Quy định của EU về vệ sinh thực phẩm tập trung và yêu cầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả, tương xứng và dựa trên đánh giá mối nguy. Yếu tố cốt lõi của quy định là tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ người nuôi, nhà chế biến đến người bán lẻ và dịch vụ nhà hàng đều phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo thực phẩm bán trên thị trường EU đáp ứng mọi tiêu chuẩn bắt buộc về an toàn thực phẩm. Các quy định mới đây áp dụng cho mọi khâu trong chuỗi thực phẩm cùng phải tuân thủ phương pháp tiếp cận “từ trại nuôi đến bàn ăn” của EU về an toàn thực phẩm.

Quy định về nguồn gốc, xuất xứ: Hàng hóa của các nước đang và chậm phát triển khi nhập khẩu vào thị trường EU muốn được hưởng GSP phải tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa và phải xuất trình “C/O form A” do cơ quan thẩm quyền của các nước được hưởng GSP cấp. Theo Luật Thực phẩm của EU, vấn đề an toàn thực phẩm cần xử lý chuỗi sản xuất thực phẩm liên tục từ khâu sản xuất nguyên liệu đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm phải truy xuất ngược đến nhà cung cấp và khách hàng, các hệ thống phải hoạt động để đảm bảo cung cấp thông tin này cho các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Quy định về bao gói, ghi nhãn mác: Đóng gói và dán nhãn sản phẩm là quan trọng khi sản phẩm được bán tại các siêu thị hay các điểm bán lẻ khác, song việc này không quan trọng lắm nếu sản phẩm được dùng ngay trong ngành ăn uống và khách sạn. Hầu hết thủy sản từ các nước đang phát triển được dùng trực tiếp trong ngành ăn uống hoặc đóng gói lại, chế biến hoặc tái xuất. Do vậy, đóng gói và dán nhãn không phải là vấn đề khó giải quyết, chỉ cần có sự hợp tác giữa hai bên.

Quy định về môi trường: Các quy định về môi trường của EU đối với nhập khẩu hàng thủy sản được chia thành hai nhóm dựa trên mức độ ảnh hưởng tới môi trường: Các quy định liên quan trực tiếp đến môi trường như quy định về bao bì và phế thải bao bì, quy định nhãn hiệu cho thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ; các quy định liên quan gián tiếp đến môi trường và liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm như là quy định hàm lượng thuốc trừ sâu tối đa trong sản phẩm nông nghiệp, quy định kiểm tra thú y đối với thủy sản, quy định chất phụ gia trong thực phẩm.

Một số rào cản đối với thủy sản Việt Nam: Có ba rào cản chính khi thủy sản Việt Nam xâm nhập thị trường EU, đó là các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thuế nhập khẩu. Sự cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào mức độ các rào cản này tạo ra. Chúng tạo thành một “nút cổ chai” cho việc tiếp cận thị trường EU của thủy sản Việt Nam.

Tiêu chuẩn đối với tính bền vững và an toàn thực phẩm: Mức tiêu chuẩn về tính bền vững và an toàn thực phẩm của EU cao hơn so với mức tiêu chuẩn tại các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó tạo tạo thành một rào cản đối với các nhà xuất khẩu do các chi phí tuân thủ quá cao. Ví dụ, đối với tôm nuôi, EU đòi hỏi xét nghiệm nước và sản phẩm từ tất cả các trang trại nuôi tôm để đảm bảo đầy đủ nguồn gốc và không có loại thuốc cấm được sử dụng trong chu kỳ sản xuất. Nếu vì bất cứ lý do gì, các chuỗi cung ứng tôm ở Việt Nam không thể đáp ứng các yêu cầu này hoặc là không thể vượt qua các bài kiểm tra, EU sẽ từ chối nhấp khẩu.

Quy định về nguồn gốc, xuất xứ: Truy xuất nguồn gốc là một vấn đề trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản, vì nó được sử dụng như một phương tiện để có thể truy xuất nguồn gốc của thủy sản không an toàn. Từ năm 2009, EU đã yêu cầu chứng nhận khai thác cho từng lô cá được nhập khẩu vào EU. Các chứng chỉ này là một phần của các quy định của EU liên quan đến bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ở Việt Nam các tàu đánh cá quy mô nhỏ thường không được đăng ký, phạm vi hoạt động hẹp và chủ phương tiện thường là trình độ thấp. Sự ra đời của chứng nhận khai thác là một rào cản đối với thủy sản xuất sang EU.

3.3.3. Nhận xét chung về các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU

Qua phân tích có thể tổng kết về thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU như sau:

Mặt hàng thủy sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về yếu tố sản xuất, đó là tiềm năng lớn về diện tích và điều kiện nuôi trồng thủy sản, tiềm năng về ngư trường cũng như sự đa dạng của các loài hải sản. Lực lượng lao động dồi dào, hạn chế về trình độ tay nghề, yếu về tác phong. Sự kém bền vững của nguồn nhân lực tác động rất mạnh đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản trong tương lại. Công nghệ sản xuất thủy sản còn rất hạn chế.

Các ngành hỗ trợ và liên quan phát triển nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản xuất giống chưa đáp ứng được yêu cầu của người nuôi cả về số lượng và chất lượng. Thức ăn cho nuôi trồng cao và chủ yếu do các công ty nước ngoài cung cấp. Thuốc và hóa chất kể cả chất cấm dùng trong thủy sản còn buông lỏng quản lý, điều này gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khi xuất khẩu thủy sản sang EU. Hậu cần nghề cá đầu tư lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu do công tác quy hoạch, cơ chế xin cho. Các hiệp hội thủy sản nhiều và đa dạng nhưng hoạt động mờ nhạt. Các tổ chức ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong cung cấp vốn nhưng vẫn chưa đủ để các doanh nghiệp và ngư dân trang trải chi phí. Các trường đại học và viện nghiên cứu chưa có sự gắn kết cao với doanh nghiệp thủy sản.

Chiến lược doanh nghiệp, cấu trúc và cạnh tranh trong nước. Trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân phát triển nhanh, nhưng tư duy sản xuất manh mún thiếu định hướng dẫn đến cường độ cạnh tranh lớn và suy giảm nguồn lợi thủy sản. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản nhìn chung đã có nhiều kinh nghiệm trong việc cọ sát với tình trạng cạnh tranh trên thị trường EU. Nhiều doanh nghiệp có chiến lược phát triển rõ ràng. Mức độ cạnh tranh vừa phải tạo thuận lợi cho xây dựng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Mức độ hội nhập và hợp tác dọc trong chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu sang EU là rất thấp điều đó dẫn tới khó khăn trong các vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bền vững của sản lượng.

Chính phủ đã có sự nỗ lực rất lớn trong hỗ trợ cho ngành thủy sản nói chung và cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang EU nói riêng. Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và đề án trong đó bao gồm cả nguồn lực tài chính cũng như cơ chế thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU. Hoạt động kiểm soát chất lượng và an toàn về sinh thực phẩm cho thủy sản xuất khẩu sang EU còn nhiều yếu kém, chồng chéo, phân đoạn gây tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đã thúc đẩy phát triển thủy sản trong nước và giúp cho thủy sản Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với các nước xuất khẩu khác trên thị trường EU.

Cầu thủy sản của thị trường EU có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu thủy sản của EU tăng ổn định. Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thủy sản của thị trường EU phù hợp với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế.

Cung thủy sản của thị trường EU phụ thuộc vào nhập khẩu, do nuôi trồng và khai thác thủy sản nội địa của EU chiếm tỷ trọng nhỏ và suy giảm theo thời gian. Vì vậy, áp lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU ảnh hưởng nhiều bởi thủy sản xuất khẩu vào EU.

Các quy định áp dụng đối với thủy sản nhập khẩu vào thị trường EU là rất phức tạp và khắt khe và với xu hướng ngày càng tăng lên. Những quy định này nhiều khi là không tưởng đối với thủy sản Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào mức độ các hàng rào này tạo ra. Chúng tạo thành một nút thắt cho việc tiếp cận thị trường EU, mặt hàng thủy sản của Việt Nam chỉ có cách tuân theo.

3.4. Hạn chế và nguyên nhân hạn chế của năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU giai đoạn 2007 - 2015

3.4.1. Những hạn chế

Chất lượng thủy sản Việt Nam còn thấp: Thị trường EU với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, trong khi chất lượng hàng thủy sản của Việt Nam còn thấp, đây là một vấn đề rất khó khăn đối với các công ty chế biến xuất khẩu và nông dân. Trong thời gian qua, các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU bị trả về, cảnh báo có xu hướng gia tăng.

Thiếu tính bền vững trong phát triển thủy sản: (i) Nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản trên đất liền đã khai thác tới mức giới hạn cho phép. Các địa phương có tiềm năng, diện tích mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản đều đã quy hoạch đưa vào sử dụng hết. nuôi trồng thủy sản phát triển theo phong trào. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn rất hạn chế. Việt Nam đã không có một sự quan tâm đúng mức đối với vấn đề môi trường và lao động có tay nghề cao trong nuôi trồng thủy sản. Điều trên thể hiện rất rõ trong phân ngành tôm, ngành cá tra. Thời gian qua, ngành tôm đã chưa có được một nguồn cung bền vững và tiềm năng của khu vực trang trại nuôi tôm vẫn chưa đạt được; (ii) khai thác thủy sản: Sự gia tăng quá nhanh và không có kiểm soát các loại tàu thuyền ven bờ đã làm cho nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tình trạng yếu kém trong quản lý nhà nước. Ngành thủy sản thiếu các quy hoạch chi tiết, thiếu các đánh giá thường niên về ngư trường và nguồn lợi, vì vậy thiếu cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển các đội tàu, các nghề khai thác phù hợp với từng vùng biển, từng địa phương trên cả nước.

Sự hội nhập và hợp tác trong chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế: Mức độ hội nhập và hợp tác theo chiều dọc trong chuỗi giá trị của các sản phẩm trong ngành thủy sản là khác nhau. Theo đánh giá của CBI, mức độ hội nhập và hợp tác lớn nhất tại sản phẩm cá tra, sản phẩm tôm. Ngay đối với sản phẩm cá tra đa số người dân vẫn còn hoạt động trên thị trường giao ngay và không có mối quan hệ lâu dài, bền vững với khách hàng của họ. Vì vậy, thiếu các mối quan hệ trực tiếp giữa nông dân và nhà chế biến, các chức năng quan trọng của người trung gian. Điều đó dẫn đến các vấn đề như truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, bền vững của sản lượng... Những vấn đề này đang ngày càng quan trọng cho xuất khẩu vào thị trường EU.

Xúc tiến thương mại tại thị trường EU còn hạn chế: Xúc tiến thương mại là khâu then chốt trong việc phát triển mặt hàng, thị trường nhằm tăng trưởng xuất khẩu. Hiện nay trong xu thế hội nhập đang phát triển, thị trường trở thành vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại phải được thực hiện cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam hầu hết đều thiếu các điều kiện cần thiết để làm công tác xúc tiến thương mại: Thiếu cán bộ có năng lực trong xúc tiến thương mại, thiếu thông tin thương mại, thiếu nguồn lực tài chính và vật chất, thiếu mạng lưới bán hàng và các mối quan hệ.

3.4.2. Nguyên nhân của những hạn chế

Một là, xuất phát điểm của ngành thủy sản thấp

Nghề cá cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi hình bóng của một nghề cá thủ công, trình độ sản xuất nhỏ, qui mô hộ gia đình, phát triển tự phát theo cơ chế thị trường. Ngành thủy sản vẫn là một ngành khai thác tài nguyên tự nhiên theo kiểu tận thu, trước sức ép của các vấn đề kinh tế xã hội của một nước nghèo, chậm phát triển: Sự gia tăng dân số nhanh, thiếu việc làm, đói nghèo và sự khốc liệt trong kiếm tìm kế mưu sinh của các cộng đồng dân cư ven biển. Năng lực của nông dân, ngư dân còn nhiều hạn chế nên tác động đến nhiều vấn đề như: Truy xuất nguồn gốc, sử dụng thuốc và thức ăn bị cấm trong nuôi trồng chế biến thủy sản, khó khăn trong việc sản xuất và kinh doanh theo chuỗi…[64]

Hai là, ngành thủy sản Việt Nam vẫn lúng túng trong chiến lược phát triển theo chiều sâu

Trong nhiều năm qua ngành thủy sản lấy xuất khẩu làm mũi nhọn, tạo nguồn để nhập khẩu thiết bị công nghiệp hóa lĩnh vực chế biến thủy sản. Còn đối với các lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, việc đẩy mạnh xuất khẩu chỉ kích thích tính tự phát, sự gia tăng phát triển theo chiều rộng, tăng sản lượng lớn hơn tăng chất lượng. Do thiếu các cơ chế, chính sách, thiếu tầm nhìn xa, các thành quả từ xuất khẩu thủy sản đã không có tác động tích cực tới phát triển công nghiệp, phát triển cơ khí nghề cá. Vì thế, trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, nghề cá vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu của một nghề cá thủ công, các lĩnh vực cơ khí thủy sản, khai thác hải sản, công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản đều bị tụt hậu.

Ba là, công tác quy hoạch có nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản

Công tác quy hoạch và quản lý còn rất hạn chế. Các quy hoạch cụ thể, quy hoạch chi tiết thường đi trước quy hoạch tổng thể, chất lượng quy hoạch không cao. Vẫn chưa chú trọng quy hoạch phát triển theo chiều sâu, vẫn tập trung phát triển theo chiều rộng [64].

Hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập. Hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống thủy lợi của nông nghiệp. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước từ việc dùng các loại hóa chất trong trồng trọt đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nước nuôi trồng thủy sản, môi trường thủy sinh và nguồn lợi thủy sản [64].

Mâu thuẫn trong các quy hoạch liên ngành của hậu cần nghề cá dẫn đến nhiều cảng cá sau khi đầu tư xây dựng không được sử dụng, dẫn tới lãng phí lớn, trong khi đó nhiều nơi cần nhưng không được xây dựng. Do “cơ chế xin cho” trong đầu tư và yếu kém trong tư vấn thiết kế, nhiều cảng cá, bến cá vừa xây dựng xong, vừa đi vào hoạt động đã bị bồi lắng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có những cảng cá không hoạt động được phải bỏ không.

Bốn là, quản lý nhà nước về thủy sản còn nhiều bất cập

Hiện nay, còn có tình trạng quản lý chồng chéo, phân đoạn trong công tác kiểm tra, thanh tra và quản lý nhà nước về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thủy sản gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong khai thác thủy sản vẫn còn hạn chế.

Năm là, công tác marketing cho sản phẩm thủy sản trên thị trường EU chưa được quan tâm, chú trọng

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hầu hết đều thiếu các điều kiện cần thiết để làm công tác xúc tiến thương mại như: Thiếu cán bộ có năng lực xúc tiến thương mại, thiếu thông tin thương mại, thiếu nguồn lực tài chính, thiếu mạng lưới bán hàng và các mối quan hệ. Hiện nay, Việt Nam đã có Cục Xúc tiến thương mại, là đơn vị chuyên môn của Chính phủ đảm nhiệm chức năng xúc tiến ngoại thương. Nhìn chung, sự phối hợp giữa Cục Xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong xúc tiến thương mại trên thị trường EU còn rất hạn chế. Ngược lại, các doanh nghiệp EU là người mua hàng rất chủ động, họ có thể tham quan khảo sát tận nơi nuôi trồng và chế biến thủy sản của Việt Nam rồi mới đặt mua.

Sáu là, một số nguyên nhân từ thị trường EU

Các quốc gia thành viên EU áp dụng cùng một chính sách ngoại thương với các nước ngoại khối nhưng do mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng nên cách giải quyết các tình huống thực tế là không giống nhau. Thị trường EU có một hệ thống các tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng thủy sản như tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh, tiêu chuẩn an toàn cho người lao động và tiêu chuẩn về môi trường. EU có hệ thống kênh phân phối phức tạp, các siêu thị, công ty bán lẻ, cửa hàng không mua hàng trực tiếp từ nhà xuất khẩu nước ngoài, họ mua hàng thông qua các trung tâm thu mua lớn của EU hay các công ty xuyên quốc gia. Trong quá trình thâm nhập mặt hàng thủy sản vào thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam thường là nước đi sau thiếu kinh nghiệm và vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ.

Tiểu kết chương 3

Chương 3 của luận án đề cập đến các nội dung sau:

Khái quát việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2015. Trong đó, tập trung phân tích hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, về các nội dung: Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo giá trị và sản lượng; cơ cấu xuất khẩu vào EU theo từng thành viên; phương thức xuất khẩu.

Đánh giá năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU theo bốn tiêu chí. Thị phần và kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, phạm vi bao phủ thị trường các nước thuộc thị trường EU ngày càng mở rộng. Điều đó thể hiện khả năng thâm nhập thị trường EU ngày càng vững chắc của mặt hàng thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, tính không bền vững trong năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam tại EU được thể hiện rõ nét khi nghiên cứu về chất lượng sản phẩm và mức giá xuất khẩu của thủy sản cũng như cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang EU. Thực tế trên cho thấy, năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU hiện nay vẫn đang được xây dựng theo chiều rộng trên cơ sở khai thác những lợi thế cạnh tranh truyền thống.

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU. Mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU có các lợi thế về: Yếu tố sản xuất; chính sách của chính phủ; cầu và cung của thị trường thủy sản EU. Những yếu tố hạn chế: Các ngành hỗ trợ và liên quan phát triển nhanh nhưng chưa đáp ứng được yêu cấu; lĩnh vực nuôi trồng khai thác còn manh mún; hoạt động kiểm soát chất lượng còn yếu kém, chồng chéo; quy định của EU về thủy sản nhập khẩu rất phức tạp và khắt khe.

Xác định những tồn tại bao gồm: Chất lượng thủy sản Việt Nam còn thấp; thiếu tính bền vững trong phát triển thủy sản; sự hội nhập và hợp tác trong chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế; xúc tiến thương mại tại EU còn hạn chế. Nguyên nhân của những tồn tại: Xuất phát điểm của ngành thủy sản thấp; ngành thủy sản vẫn lúng túng trong chiến lược phát triển theo chiều sâu; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập; quản lý nhà nước về thủy sản còn nhiều bất cập; các tiêu chuẩn tại thị trường EU phức tạp và khắt khe.

CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

CỦA MẶT HÀNG THỦY SẢN VIỆT NAM TRÊN THỊ TRƯỜNG EU

ĐẾN NĂM 2025

4.1. Căn cứ xác định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU đến năm 2025

4.1.1. Sự tác động của bối cảnh và EVFTA đến nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản trên thị trường EU

4.1.1.1. Bối cảnh trong nước và EU tác động đến nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU

  1. Bối cảnh thị trường EU

Chiến lược phát triển của EU. Năm 2013, Ủy ban châu Âu công bố đề xuất Chiến lược EU 2020, hướng tới “tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm” và phối hợp chính sách trên quy mô rộng giữa các quốc gia thành viên. Chiến lược này của EU có 3 ưu tiên trọng điểm phát triển là: Phát triển thông minh, phát triển bền vững, phát triển bao trùm [19].

Phát triển thông minh: EU xác định phải tiếp tục cạnh tranh trong các lĩnh vực đổi mới giá trị gia tăng cao, tạo ra việc làm dài hạn, thu nhập cao. EU nhấn mạnh, chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu sẽ không thể phát triển nếu không có sự hỗ trợ của giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính và kinh doanh cũng như các dịch vụ chuyên môn.

Phát triển bền vững: EU khẳng định chính sách thương mại tiếp tục ủng hộ tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. EU đảm bảo rằng công nghiệp có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế bền vững trong tương lai, trong đó thủy sản và nông nghiệp cần được cải tổ. Trong biến đổi khí hậu, ưu tiên hàng đầu là duy trì các hiệp định quốc tế, chính sách thương mại ủng hộ cho việc ứng phó biến đổi khí hậu cần được tiếp tục duy trì thông qua dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại trong lĩnh vực hàng hóa môi trường và dịch vụ. Chính sách thương mại cần tiếp tục ủng hộ và khuyến khích tăng trưởng xanh trên toàn cầu trong các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả năng lượng và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường.

Phát triển bao trùm: EU cho rằng tăng trưởng bao trùm rất quan trọng với các nước thành viên, đây là mục tiêu của EU khi hội nhập với các nước đang phát triển vào nền kinh tế toàn cầu nhằm xóa đói, giảm nghèo và tạo ra các điều kiện làm việc tốt hơn. Đây cũng là cách tiếp cận của EU trong thỏa thuận đối tác kinh tế với các nước châu Á, tạo nên sự phát triển thông qua thúc đẩy hội nhập khu vực, tạo ra các cơ hội cho thương mại và đầu tư. Tới đây, hệ thống chung về ưu đãi sẽ được vận hành dựa trên việc thực hiện hiệu quả về tiêu chuẩn lao động quốc tế, tôn trọng các nguyên tắc quyền con người, bảo vệ môi trường và quản trị tốt. Gắn kết giữa thương mại và phát triển cũng sẽ đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm bảo đảm cho chính sách thương mại của EU phục vụ tốt nhất cho phát triển, chẳng hạn như những đối xử ưu đãi đối với các nước đang phát triển nhằm khuyến khích các cải cách liên quan tới thương mại, dỡ bỏ các rào cản thể chế hạn chế sự hội nhập vào thương mại toàn cầu của những nước này.

Nước Anh rời khỏi EU và chủ nghĩa dân tộc: Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, người dân Anh đã chọn rời khỏi EU, tuy nhiên, Anh chưa thể chính thức ra đi ngay lập tức. Quá trình Anh rời EU có thời hạn hai năm, tính từ thời điểm Hội đồng châu Âu được thông báo. Tuy nhiên, bởi vì Anh có liên kết chặt chẽ với EU, quá trình ra đi có thể kéo dài hơn hai năm. Liam Fox, một nghị sĩ ủng hộ Anh rời EU, ước tính phải đến 2019 công tác đàm phán lại chính sách từ các vấn đề về xuất nhập cảnh cho đến thương mại, an ninh mới hoàn thành. Rời EU, nước Anh sẽ phải đàm phán lại các điều khoản thương mại với 161 nước thành viên WTO, cũng như không được hưởng những ưu đãi như thuế nhập khẩu ở mức thấp hoặc bằng 0% khi tiếp cận thị trường 58 nước tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU.

Kết quả trưng cầu dân ý tại Anh tiếp thêm động lực cho xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở các nước châu Âu. Xu hướng phản đối một châu Âu nhất thể hóa về chính trị, kinh tế đang gia tăng, khi châu Âu phải đối mặt với khủng hoảng tị nạn và chưa giải quyết xong khủng hoảng nợ công. Châu Âu đang chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu có thể nhiều quốc gia theo chân Anh rời khỏi EU.

EU hướng tới chiến lược đẩy mạnh quan hệ với châu Á: Hiện nay, EU là đối tác thương mại thứ 2 của châu Á sau Mỹ và là nhà đầu tư lớn nhất của khu vực này. Thống kê trên cho thấy một điều là EU tìm thấy rất nhiều lợi ích từ châu Á. EU sẽ thúc đẩy quan hệ tích cực hơn với một châu Á năng động để duy trì gia tăng lợi ích của mình. Trong khu vực châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Á và ASEAN sẽ là trọng tâm của chiến lược hướng vào châu Á của EU giai đoạn 2016 - 2020 [8].

  1. Bối cảnh trong nước

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Theo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong những năm tới là: Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển: Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc cơ cấu lại nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Tại “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020” khẳng định “khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, phát triển đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh, có giá trị cao; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Xây dựng ngành thủy sản Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Trong bản “Báo cáo tình hình kinh tế trình đại hội 12 của Đảng” khẳng định “Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển” [12], [16].

Ô nhiễm môi trường biển và xâm nhập mặn: (i) Tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, môi trường biển và ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Sau hơn 4 tháng sau (ngày 28/6/2016), Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc xả thải trái phép gây ra sự cố môi trường; (ii) từ cuối năm 2014, Elnino đã ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam, làm cho nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

  1. Những cơ hội

Có nhiều ưu tiên cho phát triển thủy sản từ các chính sách của nhà nước: Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đưa ra và thực hiện nhiều chính sách trong đó có sự ưu tiên cho thủy sản nói chung và xuất khẩu thủy sản sang EU nói riêng. Các ưu tiên đó được thể hiện thông qua việc xác định vai trò của thủy sản xuất khẩu, xác định các thị trường xuất khẩu chủ lực, hoạch định sự phát triển, tập trung nguồn lực, phát triển cơ sở hạ tầng…

Quan điểm hướng về châu Á: Xu hướng quan hệ chính trị - ngoại giao và quan hệ kinh tế thương mại trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ có tác động tới việc hoạch định chiến lược xuất khẩu nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng ra thế giới và sang thị trường EU. Việt Nam là một nước có vị trí chiến lược trong ASEAN và Trung Quốc, chính vì vậy EU muốn nâng tầm quan hệ đối tác với Việt Nam để làm bàn đạp tiến sâu vào ASEAN và Trung Quốc.

  1. Những thách thức

Sự cố môi trường biển và xâm nhập mặn: Xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Sự cố môi trường biển do Fomosa gây ra và tháng 4 năm 2016 làm cá chết tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại môi trường biển. Tính toán sơ bộ cho thấy sự cố ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc. Thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng; diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch; có trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác. Do sự cố môi trường biển do Fomosa gây ra, ngày 24/5/2016, cơ quan thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo số 16-814 gửi tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.

Do tác động của xâm nhập mặn khiến diện tích vùng nuôi thủy sản bị thu hẹp đáng kể. Hầu như toàn bộ vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ đều bị tác động bởi xâm nhập mặn, riêng những vùng nuôi thủy sản ở hạ lưu sông Hậu thuộc tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản là điều khó có thể tránh khỏi.

EU sẽ tiến hành đàm phán FTA với các nước Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN: Với chiến lược hướng vào châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, EU sẽ tiến hành mở rộng đàm phán FTA với các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Đây chính là các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của mặt hàng thủy sản Việt Nam tại EU. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh rất lớn cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường EU.

Thách thức từ chiến lược tăng trưởng bền vững của EU: Tăng trưởng bền vững là việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế dựa vào công nghệ xanh, công nghệ sinh học. Chính vì vậy trong thời gian tới, rất có thể EU sẽ gia tăng các hàng rào phi thuế quan về môi trường về công nghệ sản xuất, về vệ sinh an toàn,… để bảo vệ thị trường trong nước. Điều này sẽ gây những khó khăn không nhỏ cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.

4.1.1.2. Tác động của FTA Việt Nam -EU tới năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU

Tháng 06/2012, Việt Nam và EU tuyên bố khởi động đàm phán FTA, đến ngày 2/12/2015, hai bên đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. FTA Việt Nam - EU sẽ sớm được ký kết, làm thủ tục phê chuẩn Hiệp định và đi vào thực thi cam kết. Việt Nam và EU đều mong muốn hoàn tất quá trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để Hiệp định có thể có hiệu lực ngay từ đầu năm 2018.

  1. Những nội dung trong Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam – EU liên quan đến thủy sản Việt Nam

Ngày 01/ 02/ 2016, Việt Nam và EU đã công bố văn bản gần chính thức của Hiệp định FTA Việt Nam -EU. Sau đây là một số nội dung trong hiệp định có liên quan trực tiếp đến thủy sản Việt Nam:[29]

Những cam kết thuế quan của EU dành cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam: Xóa bỏ ngay khoảng 50% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 50% số dòng thuế còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 đến 7 năm. Riêng với cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Quy tắc xuất xứ mặt hàng thủy sản xuất khẩu: Các sản phẩm thủy sản thuộc Chương 03 của Biểu HS: Hai bên thống nhất áp dụng tiêu chí xuất xứ thuần túy, trong đó xuất xứ thuần túy có nghĩa là sản phẩm đó phải được sinh ra hoặc lớn lên tại nước xuất khẩu. Các mặt hàng thuộc Chương 16 của Biểu HS: Hai bên thống nhất nguyên liệu từ Chương 03 và 16 được sử dụng phải có xuất xứ linh hoạt cho mặt hàng mực và bạch tuộc chế biến của Việt Nam được phép cộng gộp mở rộng với các nước ASEAN đã hoặc sẽ ký kết FTA trong tương lai với EU.

Về sinh an toàn thực phẩm: Cơ quan quản lý, mỗi nước thành viên EU chịu trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp của hàng thủy sản nhập khẩu từ EU với các điều kiện nhập khẩu của EU; Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra, thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước thành viên nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong toàn thị trường EU. Như vậy, đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, chủ thể quản lý phía EU là cơ quan có thẩm quyền của từng nước thành viên EU cụ thể (nơi nhập khẩu thủy sản của Việt Nam) chứ không phải là cơ quan chung cấp liên minh của EU. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU theo cảng nào, vào nước thành viên nào của EU thì cũng chỉ phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục nhập khẩu như nhau.

Do Việt Nam còn ở trình độ phát triển và năng lực quản lý SPS còn hạn chế, FTA Việt Nam -EU có ghi nhận một số cam kết riêng, linh hoạt hơn cho phía Việt Nam, theo đó: EU cam kết sẽ có hỗ trợ kỹ thuật cho phía Việt Nam để tuân thủ các quy định SPS của EU; đối với các biện pháp SPS mới ban hành, EU có nghĩa vụ phải cân nhắc đến nhu cầu đặc biệt của phía Việt Nam trong việc duy trì xuất khẩu các sản phẩm liên quan sang EU; và nếu Việt Nam có yêu cầu, Ủy ban SPS hỗn hợp theo Hiệp định này sẽ tham vấn và quyết định về một khoảng thời gian quá độ để Việt Nam tuân thủ biện pháp này.

Các rào cản kỹ thuật trong thương mại: FTA Việt Nam -EU nhấn mạnh nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc trong Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại của WTO, đồng thời có thêm một số cam kết mới nhằm tăng cường minh bạch, giảm thiểu các rào cản bất hợp lý, không cần thiết.

Hải quan và tạo thuận lợi hàng hóa thương mại: FTA Việt Nam -EU loại bỏ các thủ tục không cần thiết, phân biệt đối xử, làm chậm trễ thủ tục; đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hải quan như: phân tách việc thông quan hàng hóa và việc chi trả thuế và các phí liên quan; sử dụng hồ sơ điện tử; tăng cường hồ sơ điện tử và tiến hành xử lý trước các thông tin trước khi hàng đến để có thể thông quan ngay; một văn bản hoặc một bản điện tử quản lý hành chính duy nhất… Sử dụng các phương pháp hiện đại trong quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan.

  1. Những tác động đến năng lực cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực

Thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU: Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong FTA Việt Nam -EU được đánh giá là cú hích quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU, nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng thông qua cam kết về thuế nhập khẩu, về hải quan và thuận lợi hàng hóa. Từ mức thuế 10,8% hiện nay, FTA Việt Nam -EU có hiệu lực có thể giúp ngành thủy sản tăng thêm thị phần tại EU so với việc tận dụng ưu đãi từ GSP khi thuế về 0%.

Hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm: Các yêu cầu chặt chẽ của của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, những cam kết trong phòng về thương mại… đã có những tác động nhất định tới sản xuất thủy sản của Việt Nam thời gian vừa qua, được cho là sẽ có những tác động tích cực hơn đến sự tự hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của EU khi FTA Việt Nam -EU có hiệu lực.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ thủy sản tiên tiến từ EU: Các máy móc thiết bị trong ngành thủy sản Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… khi FTA Việt Nam -EU được ký kết với việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đó sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chuyên hướng nhập khẩu sang các nước khối EU.

Thu hút FDI vào lĩnh vực thủy sản: Khi FTA Việt Nam - EU được ký kết sẽ có một nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi từ những ưu đãi của hiệp định. Đặc biệt, các doanh nghiệp EU sẽ đầu tư vào lĩnh vực thủy sản của Việt Nam nhiều hơn, không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản như thời gian qua. Họ sẽ mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng, khai thác và các dịch vụ có liên quan như quảng cáo, logistic, bán lẻ là thế mạnh của EU.

Khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, cơ hội mở ra rất lớn nhưng thủy sản Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức bởi: Các yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch; đóng gói, bao bì; khả năng truy soát nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt. Những tiêu chuẩn do EU áp đặt thường nằm trong số các tiêu chuẩn cao nhất thế giới và khó đạt được nhất, là thách thức đối với Việt Nam. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để đáp ứng những tiêu chuẩn này, trong khi tiềm lực tài chính còn nhiều hạn chế.

Kết luận, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, lợi ích lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU là việc EU cắt giảm thuế quan, làm tăng khả năng cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, FTA Việt Nam -EU là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp thủy sản và ngư dân Việt Nam nếu họ không thay đổi để thích ứng.

4.1.2. Quan điểm và mục tiêu của chính phủ về phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2025

Quan điểm và mục tiêu phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới đã được thể hiện trong các nghị quyết, quyết định như: Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 1690/Qđ-TTg ngày 16 tháng 09 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 07/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 124/Qđ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Trên cơ sở các nghị quyết, quyết định đó, tác giả tổng hợp và đưa ra quan điểm và mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2025 như sau:

4.1.2.1. Quan điểm phát triển

Phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất, khai thác tài nguyên tái tạo, lợi thế của nghề cá nhiệt đới, chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại, tạo sự phát triển đồng bộ, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hiện đại hóa nghề cá, gắn với việc tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản ở tất cả các lĩnh vực: Khai thác, nuôi trồng, cơ khí hậu cần dịch vụ và chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ, nhằm nâng cao hiệu quả tối ưu cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Phát triển thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững, trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội.

Nâng cao mức sống, điều kiện sống của cộng đồng ngư dân và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nghề cá vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển thủy sản. Xác định nông, ngư dân và doanh nghiệp là chủ thể chính của sản xuất thủy sản, đồng thời tạo sự gắn kết lợi ích giữa nông dân, ngư dân và doanh nghiệp là khâu đột phá trong quá trình đổi mới ngành thủy sản.

4.1.2.2. Mục tiêu đến năm 2025

Mục tiêu chung: Phát triển ngành thủy sản toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế.

Mục tiêu đóng góp của ngành thủy sản vào GDP: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt 10-12%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt 11 triệu tấn. Sản lượng khai thác thủy sản chiếm 30%; sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 70%. Kinh tế thủy sản đóng góp 36% GDP trong khối nông- lâm- ngư- nghiệp và 2,8-3,0% GDP của nền kinh tế quốc dân.

Mục tiêu xuất khẩu: Thủy sản tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, góp phần quan trọng đưa kinh tế nông thôn phát triển bền vững, với tốc độ tăng trưởng khoảng trên 7%/năm, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt mức 15 tỷ USD; về thị trường xuất khẩu: duy trì thị trường truyền thống, đặc biệt giữ vững 3 thị trường xuất khẩu chủ lực (EU - Nhật - Mỹ) với tỷ trọng trên 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Mục tiêu xuất khẩu sang thị trường EU: Duy trì kim ngạch xuất khẩu chiếm 21% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Các sản phẩm xuất khẩu chính: Tôm chiếm khoảng 45%; cá tra chiếm khoảng 25%; cá ngừ chiếm khoảng 15%. Đạt kim ngạch xuất khẩu 3,1 tỷ USD.

4.1.3. Các quan điểm đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU đến năm 2025

4.1.3.1. Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU là một quá trình tổng thể, tạo ra sự chuyển biến tích cực và vững chắc các yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Lợi thế cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam được tạo dựng dựa trên sự gắn kết của tổng hợp các yếu tố. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản, điều cốt lõi là phải tăng cường và củng cố sức mạnh của mỗi nhân tố ảnh hưởng, cũng như tạo sự gắn kết giữa các yếu tố đó. Năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản được tạo dựng không chỉ nhờ những nỗ lực riêng lẻ của từng doanh nghiệp thủy sản, nó đòi hỏi sự củng cố một cách đồng bộ các mắt xích trong một chuỗi các nhân tố liên quan chặt chẽ với nhau tạo nên một lợi thế vững chắc trong cạnh tranh của mặt hàng thủy sản.

Thời gian qua, những lợi thế cạnh tranh mặt hàng thủy sản có được, phần lớn là dựa vào những nguồn lợi thế cạnh tranh truyền thống. Những lợi thế cạnh tranh đó là những ưu đãi về nguồn lợi tự nhiên, nguồn lực về lao động dồi dào, giá rẻ và sự hỗ trợ của chính phủ.

Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU trong thời gian tới cần được đặt dưới một quan điểm tổng thể, qua đó cần phải phát huy một cách hiệu quả các yếu tố lợi thế tự nhiên, đồng thời kết hợp tạo dựng các yếu tố lợi thế mang tính bền vững khác như là phát triển doanh nghiệp thủy sản lớn, có chiến lược, có tính liên kết cao; phát triển các ngành hỗ trợ cũng như thúc đẩy của Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Đây là một quá trình lâu dài, mang tính toàn diện và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều lực lượng kinh tế trong ngành thủy sản, trong đó yếu tố doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng.

4.1.3.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU trên cơ sở khuyến khích và phát huy sự chủ động của các doanh nghiệp thủy sản trong việc tạo dựng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp thủy sản góp phần củng cố năng lực cạnh tranh chung của sản phẩm thủy sản. Đối với ngành thủy sản Việt Nam, do qui mô các doanh nghiệp đa phần còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc các doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh chung của ngành là điều hết sức quan trọng. Trong thời gian qua các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua các giải pháp chủ yếu sau: Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, hướng tới khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế nói chung và thị trường EU nói riêng; tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ từ khâu nuôi trồng đánh bắt đến chế biến, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng mặt hàng thủy sản; chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường EU; chủ động xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm ở thị trường EU.

4.1.3.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU trên cơ sở hoàn thiện chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu sang EU

Ngày nay, các giao dịch trong chuỗi thủy sản xuất khẩu đang có sự thay đổi. Sự thay đổi căn bản trong chiến lược của người sản xuất là từ sản xuất “định hướng” sang thị trường “định hướng”. Sự thay đổi này dẫn đến làm tăng sự trao đổi thông tin giữa các tác nhân trong chuỗi. Những thay đổi về sở thích, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao hơn và chủng loại sản phẩm nhiều hơn của người tiêu dùng, làm thay đổi quá trình chế biến và bán lẻ sản phẩm từ thủy sản. Các nhà chế biến và nhà bán lẻ mở rộng hơn và có tính quốc tế hóa hơn. Vì vậy, chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu phải được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng, cũng như hạn chế rủi ro của từng tác nhân tham gia trên chuỗi. Đấy là một điểm then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản.

Thời gian vừa qua, sản xuất thủy sản của Việt Nam vẫn nổi lên điểm yếu cố hữu: Sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc. Chuỗi giá trị sản phẩm ở tình trạng đứt gãy manh mún. Hơn thế nữa, nhiều thời điểm các doanh nghiệp chỉ tranh nhau lựa "khúc ngon", làm cho tình hình sản xuất trong nước rối ren. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU gặp nhiều vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sự bền vững của sản lượng,… Những vấn đề trên tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU.

Do vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU phải được thực hiện trên cơ sở xây dựng các mối quan hệ trực tiếp, bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi như đánh bắt, nuôi trồng với các công ty chế biến xuất khẩu và các chức năng của trung gian. Khi mối quan hệ được xây dựng một cách trực tiếp và bền vững các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, bền vững sản lượng sẽ được đáp ứng tốt hơn.

4.1.3.4. Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU trên cơ sở phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn

Năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản trên thị trường là sự thể hiện ưu thế tương đối của nó cả về định tính và định lượng so với các sản phẩm thủy sản cùng loại trên thị trường. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản cần tạo ra những ưu thế, đó là chất lượng, giá cả, mức độ bền vững về sản lượng… Một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn sẽ là một nền tảng quan trọng để tạo ra những ưu thế trên.

Thời gian vừa qua, thủy sản Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản sang EU nói riêng đã có bước phát triển đầy ấn tượng, hình thành được nhiều doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn. Nhưng nhìn chung, ngành thủy sản Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ. Đặc biệt, trong nuôi trồng và khai thác thủy sản, chủ yếu là xuất nhỏ, qui mô hộ gia đình, phát triển tự phát theo cơ chế thị trường. Năng lực của nông dân, ngư dân còn nhiều hạn chế. Sản xuất quy mô nhỏ tác động đến nhiều vấn đề như: Bền vững về sản lượng, truy xuất nguồn gốc, sử dụng thuốc và thức ăn bị cấm trong nuôi trồng chế biến thủy sản, khó khăn trong việc sản xuất và kinh doanh theo chuỗi…[64]

Phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn là một quá trình lâu dài, mang tính toàn diện và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều lực lượng trong ngành thủy sản, trước mắt tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản, trong đó yếu tố chính phủ đóng vai trò quan trọng.

4.2. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU đến năm 2025

4.2.1. Nhóm giải pháp chung

4.2.1.1. Một số giải pháp nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU

  1. Xây dựng và phát triển các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế

Các công ty chế biến thủy sản và nông dân Việt Nam rất khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm trên thị trường EU. Hiện nay, các nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải tuân thủ nhiều bộ tiêu chuẩn chất lượng, chúng phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu như: GLOBAL GAP, HACCP, BRC, IFS, GMP, ISO 9001, ISO 22000, HALAL, ISO/IEC 17025, ASC, BAP, VietGAP.

Để có được giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cần sự nỗ lực của các công ty thủy sản và nông dân. Họ phải xác định các giấy chứng nhận quốc tế không những là giấy thông hành để hàng thủy sản vào thị trường EU, nó còn là những công cụ để doanh nghiệp, nông dân nâng cao hiệu qủa sản xuất kinh doanh. Với những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, họ không có đủ nguồn lực để có giấy chứng nhận chất lượng. Vì vậy điều quan trọng là làm thế nào để có được giấy chứng nhận cho một nhóm, ưu tiên với những chứng nhận được chấp nhận trên toàn EU như GLOBAL GAP, ASC.

Để có giấy chứng nhận chất lượng cho một nhóm, các cơ quan chính phủ, hiệp hội cần nỗ lực tổ chức nông dân vào các hợp tác xã, các hiệp hội. Các hợp tác xã được liên kết trực tiếp đến khâu xuất khẩu thông qua các hợp đồng hoặc loại hình khác tạo ra các mối quan hệ lâu dài. Thu hút các nhà đầu tư để tăng sức mạnh tài chính của nhóm và tiến tới có giấy chứng nhận chất lượng.

Chính phủ cần tạo một môi trường thuận lợi để khuyến khích các hợp đồng nông nghiệp. Hợp đồng là tiền đề để các công ty xuất khẩu sẵn sàng hơn trong việc đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt không thuộc sở hữu của họ.

  1. Tăng cường và nâng cao hiệu quả việc kiểm soát, quản lý khâu lưu thông và sử dụng thức ăn nuôi trồng thủy sản và các thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng

Nhiều nông dân sử dụng thuốc và hóa chất để ngăn ngừa bệnh tật của thủy sản nuôi và duy trì chất lượng nước. Các yếu tố đầu vào đó được cung cấp bởi các nhà phân phối thức ăn nuôi trồng thủy sản và các cửa hàng bán lẻ tại địa phương. Điều này đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về chất lượng ở thị trường xuất khẩu EU. Vì vậy, Bộ NN và PTNT cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, chấn chỉnh thị trường hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đảm bảo trên thị trường chỉ lưu thông các chế phẩm an toàn, phù hợp với nỗ lực kiểm soát dư lượng của thị trường EU. Cảnh báo và hướng dẫn cho người nuôi trồng thủy sản những tác hại hoặc ảnh hưởng có thể có để nông dân định hướng sử dụng, lựa chọn các thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học an toàn.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản sử dụng các phần mềm theo dõi quá trình sử dụng kháng sinh, hóa chất thông qua quản lý hồ sơ nuôi thủy sản của các hộ dân: tạo tiền đề cho việc phát triển hệ thống truy suất nguồn gốc. Người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến thủy sản phải quản lý danh mục các chất kháng sinh, hóa chất đã sử dụng. Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) và các chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện công tác kiểm tra. Trong ngắn hạn, tập trung đáp ứng các yêu cầu có liên quan đến dư lượng kháng sinh hóa chất của thị trường EU. Đến năm 2020, hoàn thành việc nghiên cứu một cách có chiến lược, hệ thống, mang tính đón đầu về việc sử dụng các hóa chất trong toàn bộ chuỗi hoạt động xuất khẩu thủy sản.

  1. Hoàn thiện hệ thống kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia

Hiện nay, công tác kiểm tra, thanh tra và quản lý Nhà nước về chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm còn tình trạng chồng chéo, phân đoạn gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, việc hoàn thiện hệ thống kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia là rất cần thiết. Bộ NN và PTNT cần kết hợp với các cơ quan ban ngành liên quan hoàn thiện lại hệ thống văn bản pháp quy về quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trên cơ sở các văn bản hiện hành và các quy định của Nhà nước. Trên cơ sở đó, xây dựng các tiêu chuẩn mang tính hội nhập, đảm bảo cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngành thủy sản cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản bằng các biện pháp như: Xây dựng tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn kết hợp tăng cường kiểm soát các cơ sở chế biến; Triển khai đồng bộ các tiêu chuẩn quy định quy trình, quy phạm về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định hoá chất và chế phẩm được phép sử dụng, ngay trong khâu nguyên liệu cần có những biện pháp ngăn chặn việc sử dụng bừa bãi các loại kháng sinh đặc biệt là kháng sinh bị cấm như Chloramphenicol, Nitropuran và dư lượng kháng sinh trong nguyên liệu trước khi thu hoạch, có chế tài xử phạt thích đáng đối với các trường hợp vi phạm; Xây dựng các quy định về xuất xứ nguyên liệu gắn với vùng nuôi thủy sản.

  1. Nâng cao tỷ trọng hàng thủy sản chế biến

Hiện nay, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu dưới dạng thô, sơ chế nên giá trị thu được không cao. Việc nâng cao tỷ trọng mặt hàng thủy sản chế biến không những tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn giúp cho việc bảo quản sản phẩm tốt hơn. Để sử dụng phương pháp này có hiệu quả cần nghiên cứu kỹ nhu cầu tiêu dùng của thị trường EU để đa dạng hóa và cung cấp các mặt hàng thủy sản phù hợp [4].

Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải không ngừng đầu tư đổi mới, nâng cấp công nghệ hiện có và nhập công nghệ mới để sản phẩm đạt các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều quan trọng là phải hình thành được những doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có tầm quốc tế. Việt Nam nên tập trung vốn, công nghệ cho một số doanh nghiệp để tăng quy mô, năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ, năng lực marketing để các doanh nghiệp này có những sản phẩm thủy sản chế biến có thương hiệu quốc tế. Những doanh nghiệp đó sẽ dẫn dắt ngành thủy sản phát triển.

Phát triển sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể của thị trường EU và từng phân khúc thị trường. Trong dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu một cách thấu đáo khẩu vị sở thích, bao bì, cách đóng gói, cách thức chế biến phù hợp với từng loại sản phẩm. Trong ngắn hạn, việc sử dụng các chuyên gia về chế biến thủy sản của EU là một cách làm hiệu quả. Các chuyên gia này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong việc hướng dẫn, đào tạo các cán bộ kỹ thuật hoặc công nhân cách sử dụng gia vị, liều lượng các chất phụ gia… sao cho phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng của EU. Nghiên cứu về cách đóng gói, bao bì và kích cỡ phù hợp và đúng quy định sẽ giúp các sản phẩm thủy sản của Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào hệ thống phân phối của thị trường EU.

4.2.1.2. Một số giải pháp phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản bền vững

  1. Tiến hành rà soát các quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản trên đất liền đã tới mức giới hạn cho phép. Nuôi trồng thủy sản phát triển theo phong trào. Công tác quy hoạch và quản lý còn rất hạn chế: Các quy hoạch cụ thể, quy hoạch chi tiết thường đi trước quy hoạch tổng thể; chất lượng quy hoạch không cao; vẫn chưa chú trọng quy hoạch phát triển theo chiều sâu; vẫn tập trung phát triển theo chiều rộng [64]. Vì vậy, Bộ NN và PTNT cần rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng và một số đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả các loại hình đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh sang hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh ở vùng bán đảo Cà Mau; nuôi công nghiệp ở các vùng ven biển, vùng đất cát, vùng Châu thổ sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch các đối tượng nuôi chủ lực: cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, rô phi, các loài cá bản địa có giá trị kinh tế, các loài rong biển, vi tảo và quy hoạch các vùng sản xuất giống tập trung [13].

Trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành của chính phủ, các địa phương rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch chi tiết, lập danh mục các dự án ưu tiên về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi thủy sản tập trung. Chú trọng đầu tư đảm bảo gắn kết giữa thủy lợi phục vụ nông nghiệp và thủy lợi phục vụ thủy sản, phòng chống thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Bộ NN và PTNT và các địa phương cần công bố công khai các quy hoạch nuôi trồng thủy sản, đồng thời kiểm tra việc thực hiện quy hoạch một cách thường xuyên và có những biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, đảm bảo quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch.

  1. Chấn chỉnh và định hướng lại chương trình đánh bắt xa bờ, hiện đại hóa đội tàu đánh bắt thủy sản

Hiện nay, số lượng tàu thuyền trong khai thác thủy sản quá lớn, vì vậy năng suất khai thác đã giảm và sẽ tiếp tục giảm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế mỗi chuyến đi biển của ngư dân. Đặc biệt, đáng quan ngại là sự gia tăng tình trạng khai thác trái phép để tăng năng suất, tình trạng đó sẽ tác động đến sản lượng khai thác tối đa bền vững.. Vì vậy, trong giai đoạn này, Bộ NN và PTNT và các địa phương phải có phương án cắt giảm tàu thuyền, đồng thời hiện đại hóa đội tàu đánh bắt thủy sản và tổ chức khai thác xa bờ ở các vùng: Vịnh Bắc Bộ; Trung Bộ; Tây Nam Bộ, chủ yếu tập trung vào khai thác cá nổi có giá trị cao.

Chính phủ phải quản lý tốt việc đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản tránh tình trạng tranh chấp trong khai thác và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Chuyển đổi nghề và tạo nguồn sinh kế cho ngư dân nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường - nguồn lợi thủy sản.

Chính phủ cần hoàn thiện dữ liệu khoa học về thủy sản: Việt Nam còn thiếu các dữ liệu khoa học về biển đặc biệt là các thông tin về ngư trường và trữ lượng cá. Khi dữ liệu khoa học về biển được cải thiện sẽ làm cho các kế hoạch quản lý hoạt động khai thác và quản lý nguồn lợi thủy sản hiệu quả hơn. Chính phủ cần đầu tư hơn nữa vào hoạt động nghiên cứu về đánh giá trữ lượng và các chương trình giám sát khai thác hải sản. Giải pháp này cũng có tác động tích cực đến các nhân tố khác dọc theo chuỗi giá trị. Giải pháp này cần vốn từ chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế.

  1. Xây dựng hệ thống thủy lợi phù hợp với yêu cầu nuôi trồng thủy sản

Hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống thủy lợi của nông nghiệp. Thủy lợi mới chỉ chú trọng giải quyết các vấn đề nước cho lĩnh vực nông nghiệp, chưa chú trọng theo hướng nước được ưu tiên cho nuôi trồng thủy sản trước. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước từ việc dùng các loại hóa chất trong trồng trọt đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nước của nuôi trồng thủy sản, môi trường thủy sinh và nguồn lợi thủy sản [64]. Để khắc phục vấn đề này, trên cơ sở quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản. Các địa phương xây dựng hệ thống thủy lợi đáp ứng như cầu đặc thù của hoạt động nuôi trồng thủy sản, đảm bảo hệ thống cấp, thoát nước được thiết kế hợp lý, đảm bảo công tác kiểm tra an toàn dịch bệnh.

Tăng cường công tác kiểm tra xử lý việc xây dựng hệ thống thủy lợi, tránh sự tự phát của người dân. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ việc sử dụng nguồn nước phục vụ cho các mục đích khác nhau trong từng khu vực, đảm bảo sử dụng nước hợp lý, chất lượng nước đạt yêu cầu và kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn các hoạt động làm ô nhiễm môi trường nước.

Chính phủ cần hoàn thiện chính sách huy động vốn phù hợp để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, từ đó tạo nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án thủy lợi phục vụ những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Trước mắt, tập trung đầu tư cho các vùng nuôi tôm, kể cả thủy lợi cho các vùng nuôi tôm trên đất cát ven biển để phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững.

4.2.1.3. Một số giải pháp tăng cường sự hội nhập và hợp tác trong chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu

  1. Tăng cường mức độ hội nhập và hợp tác theo chiều dọc trong chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu

Mức độ hội nhập và hợp tác theo chiều dọc trong chuỗi giá trị xuất khẩu của các sản phẩm trong ngành thủy sản là khác nhau. Cá tra là sản phẩm có mức độ hợp tác lớn nhất trong ngành. Nhưng ngay đối với sản phẩm này đa số người nuôi vẫn hoạt động trên thị trường giao ngay, họ không có mối quan hệ lâu dài, bền vững với các nhà chế biến xuất khẩu. Việc thiếu các mối quan hệ trực tiếp giữa nông dân, nhà chế biến và các chức năng quan trọng của người trung gian đã dẫn đến các vấn đề như truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, bền vững của sản lượng... Những vấn đề này đang ngày càng quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU. Để giải quyết vấn đề này cần tập trung vào các giải pháp sau:

Phát triển các mối liên kết hay hợp đồng dọc theo chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu sang EU, dẫn đầu là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với sự tạo điều kiện của chính phủ và các hiệp hội thủy sản: VASEP, VINAFIS, Hiệp hội Tôm, Hiệp hội Cá tra…

Các hộ nông dân nhỏ cần được tổ chức liên kết lại tốt hơn để cải thiện vị thế mặc cả của họ. Với khối lượng sản xuất cao hơn họ sẽ thực hiện được nhiều hoạt động, có thể tham gia vào một mối quan hệ gần gũi hơn với các doanh nghiệp chế biến.

Các hiệp hội thủy sản cần thuê một công ty luật thiết kế một mẫu hợp đồng cho hoạt động hợp tác trong chuỗi để bảo vệ lợi ích của cả nông dân và công ty chế biến xuất khẩu. Thông qua các tổ chức như Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP và VINAFIS phổ biến thông tin và hỗ trợ cho các trang trại và các công ty để họ tham gia vào các hợp đồng nông nghiệp.

Bộ NN và PTNT cần phải cải cách các quy định và hỗ trợ cho các bản hợp đồng ký kết (ví dụ như tiền phạt / phạt đối với những người vi phạm hợp đồng) và các quy định về bảo hiểm cho công trình xây dựng xuất phát từ hợp đồng nuôi trồng; VASEP và VINAFIS cần phải chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách.

Giới thiệu và nhân rộng mô hình Liên hợp Sản xuất cá sạch của AGIFISH (APPU). APPU được thành lập nhằm cung cấp cho các nhà máy đông lạnh của AGIFISH nguồn nguyên liệu cá sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; giảm thiểu tác động tiêu cực do biến động giá; đảm bảo cung cấp liên tục cá nguyên liệu. Thông qua thỏa thuận hợp đồng APPU phối hợp các hoạt động của tất cả các nhà cung cấp trong và ngoài chuỗi giá trị. APPU cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các thành viên thông qua cung cấp cá giống chất lượng cao, cung cấp tài chính, kiểm tra cá bệnh miễn phí và tư vấn phòng chống dịch bệnh. Đổi lại, AGIFISH thực hiện một hệ thống thu mua cá của nông dân.

  1. Tăng cường sự hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng với các nhà hỗ trợ

Hầu hết các tác nhân trong chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu sang EU không có cái nhìn toàn cục về các nhà hỗ trợ đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Có tình trạng thiếu thông tin về các chương trình hỗ trợ, tài trợ, trợ cấp và đặc biệt là các chương trình ngoại giao nhằm hỗ trợ ngành thủy sản phát triển bền vững. Ngoài ra, việc phổ biến kiến ​​thức kỹ thuật từ các chương trình nghiên cứu không đến được phần lớn các tác nhân trong ngành, điều này cần phải được cải thiện.

Phải thành lập các hiệp hội thủy sản mới có thể đoàn kết toàn ngành xuất khẩu từ người sản xuất, các trường đại học, các tổ chức chính phủ và những người ủng hộ tài chính. Tại thời điểm này VASEP không có quan hệ đủ mạnh với các viện nghiên cứu và các nhà sản xuất trong khi VINAFIS lại tập trung nhiều ở cấp độ sản xuất. Vì vậy, trước mắt chính phủ cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với hiệp hội thủy sản theo sản phẩm như: Hiệp hội Cá tra, Hiệp hội Tôm, Hiệp hội Cá ngừ… để các tổ chức này có thể đảm nhận được vai trò thúc đẩy sự hợp tác trong chuỗi.

Chính phủ nên cho phép các trung tâm giống quốc gia làm việc chuyên sâu hơn về sự phát triển của sản xuất giống chất lượng. Chính phủ phải giảm thiểu các thủ tục để doanh nghiệp nhỏ và nông dân có thể được tiếp cận với hệ thống tín dụng. Chính phủ nên khuyến khích các công ty bảo hiểm kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản bằng cách kết hợp các nhà xuất khẩu thủy sản với công ty bảo hiểm, tạo môi trường thuận lợi cho các công ty bảo hiểm để làm việc về bảo hiểm thủy sản.

4.2.1.4. Một số giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu và nâng cao khả năng thâm nhập thị trường EU của thủy sản Việt Nam

  1. Nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng thị trường thủy sản EU

Nghiên cứu, nắm vững hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản của EU. Hệ thống luật pháp của châu Âu rất phức tạp và chặt chẽ. Ngoài hệ thống luật chung của Liên minh châu Âu, mỗi quốc gia thành viên đều có hệ thống luật pháp riêng. Chính vì vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải hiểu rõ và đầy đủ hệ thống luật pháp của EU có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của mình như: thủ tục hải quan, biểu thuế quan nhập khẩu, luật về trách nhiệm đối với sản phẩm, vấn đề về bảo hộ và sở hữu trí tuệ, vấn đề ghi xuất xứ hàng hoá, các quy định của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng thủy sản và thực phẩm.

Nắm vững thông tin về thuế nhập khẩu đối với hàng thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào EU. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thuế suất của EU có thể điều chỉnh hàng năm, nếu thuế giảm sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và hàng thủy sản còn có giá trị gia tăng lớn hơn.

Một vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần nắm vững thông tin về mặt hàng xuất khẩu, bởi qua đó ta có thể biết được nhu cầu của các nhà nhập khẩu cũng như khách hàng để có sự điều chỉnh và đáp ứng kịp thời cơ cấu mặt hàng. Để có được những thông tin đó cần thực hiện một số cách thức sau: Tổ chức tham quan, tham dự hội chợ thủy sản; nắm bắt thông tin thông qua VASEP, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam. Ngoài ra internet là một nguồn thông tin vô cùng quan trọng.

  1. Tăng cường hoạt động xúc tiến xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào thị trường EU

Bộ NN và PTNT phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương xây dựng chiến lược xúc tiến ở tầm vĩ mô phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tính chất của thị trường EU. Sự phối hợp này thông qua việc giúp đỡ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp cận với thị trường EU: bằng sự tham gia hội chợ hàng thủy sản; thông qua việc tiếp xúc với hệ thống bán lẻ của châu Âu; khảo sát thị trường...

Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể tiếp thị thông qua internet bằng việc xây dựng các trang web của công ty với thiết kế ấn tượng, qua đó giới thiệu tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam về các mặt như tính cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam; hoạt động thương mại; các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực thủy sản; cơ chế thủ tục đầu tư; xuất nhập khẩu thủy sản; đặc biệt là các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường EU.

Bộ NN và PTNT phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Hàng không Việt Nam để giới thiệu văn hoá ẩm thực, du lịch sinh thái của Việt Nam. Bộ NN và PTNT cần phối hợp với Bộ Ngoại giao để giao nhiệm vụ cho các đại sứ quán, lãnh sự quán, các tham tán thương mại của Việt Nam đóng ở Liên minh châu Âu tham gia phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế về giống, nuôi trồng, chế biến thủy sản nhiệt đới, tìm kiếm các cơ hội để thu hút các doanh nghiệp EU đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy sản...

Để công tác xúc tiến thương mại thành công và đem lại hiệu quả cao, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tham khảo ý kiến của các tổ chức như: VASEP, Tham tán thương mại của Việt Nam tại EU; tổ chức chu đáo các chuyến đi thực tế tại EU; sau mỗi lần thực hiện xúc tiến thương mại phải đánh giá, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả xúc tiến.

Hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam đã có văn phòng đại diện tại thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên thông qua đó để nắm bắt thông tin về thị trường và tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia phân phối. Khi đã có chỗ đứng vững chắc, các công ty nên mở rộng thêm chi nhánh ở các thành phố khác nhằm đẩy mạnh xúc tiến bán hàng.

Việc củng cố và xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU là rất quan trọng. Đối với thị trường EU, có nhãn hiệu chưa đủ, nhãn hiệu nổi tiếng, mới có giá trị thương mại. Năm 2015, có hơn 600 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản, những nhãn hiệu nổi tiếng chỉ tiếp cận với nhà nhập khẩu, trung gian thương mại, chưa tới tay người tiêu dùng. Đồng thời các doanh nghiệp thủy sản cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo những tiêu chuẩn EU đề ra. Hình thành những sản phẩm đặc trưng riêng đáp ứng được yêu cầu của từng nước thành viên EU. Xây dựng được thương hiệu có uy tín là phương tiện quan trọng giúp duy trì và phát triển thị trường.

  1. Nâng cao khả năng thâm nhập thị trường EU của thủy sản Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đã chủ yếu xuất khẩu thủy sản trực tiếp sang EU. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ký kết hợp đồng bán hàng cho các nhà thương mại, từ đó thủy sản mới được cung cấp cho các nhà chế biến và hệ thống bán lẻ của EU. Vì vậy để nâng cao khả năng thâm nhập thị trường EU các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối thủy sản xuất khẩu sang EU; thiết kế các liên kết kinh tế chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ lớn như Walmart, Carrefour Group, Tesco, Metro Grourp tại EU để hạn chế các rủi ro phát sinh từ các biện pháp chống bán phá giá và triển khai các chiến lược marketing chung tại EU. Tận dụng các trung tâm thương mại của người việt tại EU như Đồng Xuân tại Đức, Sapa tại Czech.

Đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị trường, thị hiếu, khẩu vị và thói quen tiêu dùng của các nhóm phân khúc thị trường tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược tại EU như Đức, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan,...

Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với bối cảnh kinh doanh quốc tế mới. Xuất phát từ các dòng sản phẩm chủ lực, doanh nghiệp xây dựng các chiến lược sản phẩm - thị trường nhằm đảm bảo tính ổn định tương đối của đầu ra, tránh các biến động lớn về thị trường. Đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. Nghiên cứu khả năng nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến thủy sản có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và khuynh hướng tiêu dùng của thị trường EU. Doanh nghiệp cần quan tâm thích đáng đến các rào cản thương mại của EU nói chung và tại từng quốc gia cụ thể và chủ động có sách lược đối phó. Tôn trọng thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm đã thỏa thuận, áp dụng nhiều phương thức thanh toán linh hoạt tùy vào độ tin cậy của khách hàng và tập quán thanh toán đang áp dụng.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản luôn chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên pháp luật của EU nói chung và pháp luật của từng quốc gia nói riêng, tìm hiểu các quy định pháp lý có liên quan của các thị trường nhập khẩu về sản phẩm giá cả, phân phối... để tổ chức các hoạt động xúc tiến phù hợp, tránh các tranh chấp thương mại, từ đó nâng cao khả năng thâm nhập thị trường cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của doanh nghiệp.

4.2.1.5. Một số giải pháp về phát triển các ngành dịch vụ, lĩnh vực phụ trợ

  1. Nâng cao khả năng huy động và sử dụng vốn của các doanh nghiệp thủy sản

Nâng cao khả năng huy động và sử dụng vốn của các doanh nghiệp thủy sản: Các doanh nghiệp thủy sản cần chủ động đổi mới mô hình doanh nghiệp của mình để có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua việc phát hành cổ phiếu trái phiếu. Huy động vốn trong nội bộ doanh nghiệp thông qua hình thức bán cổ phần, vay của cán bộ công nhân viên. Khuyến khích cá nhân, tổ chức trong và nước ngoài bỏ vốn đầu tư dưới hình thức liên doanh liên kết, đóng góp cổ phần hoặc đầu tư trực tiếp thông qua các dự án đầu tư mở rộng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.

Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn với chi phí vốn cạnh tranh: Xây dựng các thể chế tín dụng đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu. Mở rộng diện cho vay từ Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp cận với nguồn vốn cho vay của quỹ này. Hoàn thiện thị trường vốn theo cơ chế kinh tế thị trường, góp phần giải quyết vấn đề tài trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU. Sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, các công ty cho thuê tài chính, công ty đầu tư tài chính, quỹ tín thác đầu tư… sẽ tăng cường việc huy động và luân chuyển vốn trên thị trường và nhanh chóng phát huy tác dụng để tài trợ xuất khẩu tốt hơn. Tăng cường tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa các thể chế tài chính, tín dụng với các doanh nghiệp để hình thành mối quan hệ hợp tác mới đảm bảo sự bình đẳng và các bên đều có lợi…

Chính phủ nên khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập các quỹ hỗ trợ xuất khẩu để tài trợ cho hoạt động này. Thực hiện hiệu quả việc cấp kinh phí hỗ trợ xuất khẩu thông qua các quỹ: Quỹ Hỗ trợ phát triển xuất khẩu quốc gia, Quỹ Phát triển xuất khẩu của các bộ, ngành, của các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương…

  1. Đầu tư mới, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ khí, hậu cần, dịch vụ nghề cá

Theo đánh giá của Báo cáo tóm tắt Quy hoạch phát triển Ngành thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, các cơ sở cơ khí đóng sửa tàu thuyền nghề cá vẫn trong tình trạng manh mún, sản xuất phân tán, tư vấn, thiết kế theo kinh nghiệm dân gian, trình độ thủ công lạc hậu. Hơn 99% tàu cá Việt nam vẫn là tàu vỏ gỗ, thiết kế dân gian, không gắn kết với các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chưa tiếp cận được với các công nghệ, các thiết bị tin học, viễn thông…tình trạng lạc hậu và tiếp tục tụt hậu là thực tế hiển nhiên. Năng lực, trình độ sản xuất ngư lưới cụ trong nghề cá chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, nhiều loại ngư cụ phải nhập khẩu [64].

Từ nay đến năm 2020, Chính phủ cần tập trung nguồn lực lớn để đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí thủy sản, đầu tư mới và nâng cấp các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền nghề cá cấp vùng, các cơ sở sản xuất ngư lưới cụ, sản xuất nước đá, các kho lạnh... tại các trung tâm nghề cá lớn. Giai đoạn sau 2020 tiếp tục đầu tư các cơ sở đóng sửa tàu thuyền nghề cá tại các tỉnh, thành phố ven biển: từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Duy trì và phát triển hệ thống cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền nghề cá có giấy phép, có triền vọng của các địa phương để phục vụ đội tàu thuyền nghề cá, với năng lực đóng mới thay thế hàng năm khoảng 700 - 800 chiếc các loại và sửa chữa khoảng 8.000 - 9.000 chiếc/năm.

Nâng cấp và phát triển hệ thống cơ sở sản xuất nước đá khoảng 130 nhà máy sản xuất nước đá, khả năng cung cấp nước đá khoảng 3.000 tấn/ngày, đảm bảo đủ nhu cầu nước đá của các tàu và các nhà máy chế biến. Đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở sản xuất, gia công lưới sợi quy mô lớn khoảng 12 cơ sở. Mỗi năm sản xuất 12.000 - 15.000 tấn lưới sợi, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

  1. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thủy sản

Hiện nay, tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành thủy sản đang là vấn đề gay gắt từ trung ương đến địa phương. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tổng nhu cầu lao động thủy sản đến năm 2020 khoảng 5 triệu lao động, trong đó lao động khai thác thủy sản khoảng 0,6 triệu người, lao động nuôi trồng thủy sản khoảng 3,5 triệu người, lao động chế biến thủy sản khoảng 0,7 triệu người, và khoảng 0,2 triệu lao động dịch vụ hậu cần nghề cá ăn theo. Nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương. Đến năm 2020 đội ngũ công chức, viên chức cấp Trung ương khoảng 3.140 người, trong đó có trình độ cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ khoảng 90%. Cấp địa phương 9.672 người, trong đó có trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ khoảng 70% [4],[65].

Ngành thủy sản phải sớm hoàn thành chiến lược phát triển nguồn nhân lực và quy hoạch hệ thống giáo dục đào tạo về thủy sản. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cải tiến ch­ương trình giảng dạy theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ thủy sản bằng cách áp dụng các chính sách ưu đãi như: giảm, miễn thuế, cho thuê đất ưu đãi, cho vay vốn với lãi xuất ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng… nhằm thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật.

Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về chuyên ngành thủy sản, chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học, cán bộ kỹ thuật,cán bộ khuyến ngư. Bộ NN và PTNT cần quy định về việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý, nghiên cứu trong ngành thủy sản. Bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ có chuyên ngành liên quan vào các doanh nghiệp thủy sản để nâng cao kinh nghiệm thực tế về chuyên ngành, chuẩn bị cho lớp cán bộ quản lý kế cận.

Xây dựng chính sách tuyển chọn con em gia đình ngư dân có truyền thống, đi đào tạo các trường kỹ thuật và trường dạy nghề. Có chính sách đưa học sinh, sinh viên, cán bộ trẻ đương chức trong ngành thủy sản đi đào tạo trình độ cao ở các nước có thế mạnh về thủy sản như Đan Mạch, Na Uy, Hoa Kỳ...

Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành thủy sản để đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý và kỹ thuật. Kết hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp đào tạo về quản lý, kỹ thuật thủy sản, nâng cao trình độ cho đội ngũ kỹ thuật, công nhân của các cơ sở sản xuất; tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức và cá nhân sản xuất thủy sản nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và quản lý ngành thủy sản.

4.2.2. Nhóm giải pháp cho một số mặt hàng cụ thể

4.2.2.1. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng tôm

  1. Nâng cao chất lượng tôm giống

Bùng phát dịch bệnh là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của xuất khẩu tôm từ Việt Nam. Dịch bệnh xảy ra chủ yếu là kết quả của sự thiếu kiểm soát chất lượng nước thích hợp, cùng với việc thiếu một nguồn cung cấp giống tôm đạt chất lượng. Các trang trại tôm có quy mô nhỏ ở Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng chưa có một giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nông dân thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng sinh, đấy là những thứ không được chấp nhận trong các sản phẩm tôm xuất khẩu sang EU. Để thực hiện được vấn đề này Việt Nam cần: Phát triển một chương trình quốc gia nghiên cứu về mầm bệnh, con giống bởi Cục Thú y và Cục Nuôi trồng thủy sản. Cục Thú y nâng cao hơn nữa việc kiểm soát chất lượng tôm giống nhập khẩu, áp dụng cụ thể cho việc nhập khẩu tôm sú và tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương giá rẻ từ Trung Quốc. Phát triển và thúc đẩy một hệ thống quản lý chất lượng tôm cộng đồng, làm cho nông dân ý thức hơn về trong việc ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Bộ NN và PTNT và đặc biệt là sở NN và PTNT các tỉnh nên có nhiều quy định nghiêm ngặt về sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác. Bộ NN và PTNT cũng nên thực hiện một hệ thống chứng nhận trang trại nghiêm ngặt để nông dân áp dụng thực hành tốt, cải thiện nguồn gốc sản phẩm.

  1. Tăng cường sự hợp tác theo chiều dọc chuỗi giá trị

Mức độ hội nhập của chuỗi giá trị tôm là rất hạn chế. Chỉ một phần nhỏ các trang trại được liên kết trực tiếp với nhà chế biến xuất khẩu. Việc thiếu các mối quan hệ trực tiếp giữa những người nuôi tôm với các nhà máy chế biến xuất khẩu và những người trung gian dẫn đến không giải quyết được nhiều vấn đề như: truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Những vấn đề này đang ngày càng quan trọng đối với thị trường xuất khẩu EU. Tuy nhiên, cả người nuôi tôm và công ty chế biến xuất khẩu còn do dự để tham gia vào các hợp đồng liên kết. Vì vậy, cần phát triển các mối liên kết hay hợp đồng dọc theo chuỗi sản phẩm tôm, được dẫn đầu bởi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và cùng sự tạo điều kiện của các hiệp hội thủy sản như VASEP, VINAFIS hoặc Hiệp hội Tôm.

Những người nuôi tôm quy mô nhỏ cần được tổ chức liên kết với nhau tốt hơn để cải thiện vị thế mặc cả của họ. Với khối lượng sản xuất cao hơn họ có thể thực hiện nhiều hoạt động hơn, có thể tham gia vào một mối quan hệ gần gũi hơn với các doanh nghiệp chế biến. Những người nuôi tôm cần phải thuê các chuyên gia pháp lý và các chuyên gia nuôi trồng thủy sản. Những chuyên gia này sẽ giúp họ làm việc tốt hơn với các bên liên quan, nhằm đảm bảo rằng họ biết và hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của các thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.

Bộ NN & PTNT cần phải sửa đổi hoặc ban hành các quy định và hỗ trợ cho các bản hợp đồng được ký kết và có quy định về bảo hiểm cho công trình xây dựng theo các hợp đồng này, cùng với đó VASEP, VINAFIS, Hiệp hội Tôm cần phải chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách.

Nếu những nỗ lực trên không tạo ra kết quả trong ngắn hạn, Chính phủ cần phải đưa ra một chương trình quốc gia về nâng cao nhận thức cho các vấn đề như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sự bền vững của các trung gian và các thương nhân.

  1. Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành tôm

Nông dân, công ty chế biến và nhà sản xuất giống tôm phàn nàn rằng còn thiếu rất nhiều đầu tư vào dịch vụ hậu cần, sản xuất giống và nuôi thủy lợi[70]. Điều này dẫn đến các sản phẩm chất lượng thấp hơn và thiệt hại kinh tế cho các bên liên quan trong toàn ngành. Để giải quyết vấn đề này cần một vai trò tích cực hơn của chính phủ đó là: Bộ NN và PTNT và Bộ Công Thương tích cực trong việc kêu gọi đầu tư trong công nghệ giống và tưới tiêu cho nuôi trồng thủy sản; VASEP, VINAFIS cần phải năng động hơn trong việc ủng hộ các chính sách đầu tư của Chính phủ để nâng cấp giao thông vận tải / hậu cần trong khu vực nuôi tôm và ở các bến cảng.

Mặc dù việc đầu tư cơ sở hạ tầng là trách nhiệm của Chính phủ, nhưng các công ty cũng cần được khuyến khích để đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành tôm. Tuy nhiên, do sự thiếu hội nhập và liên kết giữa nông dân và các công ty chế biến xuất khẩu, dẫn đến các công ty chế biến xuất khẩu không đầu tư trực tiếp vào các trang trại mà họ không có mối quan hệ lâu dài. Trong tương lai, ​​khi các tác nhân trong ngành tôm hợp tác với nhau mạnh hơn nữa, đầu tư vào các trang trại nuôi tôm sẽ được thúc đẩy bởi các công ty chế biến xuất khẩu, bởi họ là những người muốn được cung cấp những sản phẩm có chất lượng và giá tốt nhất.

  1. Tăng cường sự hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp

Giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đang tồn tại nhiều vấn đề: (i) Có một sự thiếu hợp tác giữa các trang trại, công ty chế biến với các viện nghiên cứu, các viện nghiên cứu với chính phủ trong nỗ lực để nâng cao chất lượng tôm giống; (ii) Sự khó khăn của nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu khi tiếp cận vốn vay của ngân hàng do thủ tục phức tạp và lãi suất cao, thậm chí chỉ có một số ít các ngân hàng sẵn sàng cho nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ vay vốn; (iii) Không có công ty bảo hiểm sẵn sàng để bảo hiểm cho hoạt động nuôi tôm. Để giải quyết vấn đề này cần một vai trò tích cực hơn của chính phủ và Bộ NN và PTNT đó là:

Bộ NN và PTNT nên áp dụng các phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị để quản lý phân ngành tôm và cải cách môi trường pháp lý và chính sách phù hợp. Điều này chủ yếu là đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện trong đó bao gồm các chính sách và các quy định nghiêm ngặt cho các trại giống, nông dân, người trung gian và doanh nghiệp chế biến.

Chính phủ cần ban hành các quy định chặt chẽ về đăng ký và quản lý trang trại, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất đồng thời xây dựng và thực thi một kế hoạch phát triển nuôi tôm. Điều này nên được thực hiện thông qua NAFIQAD ở cấp quốc gia và sở NN và PTNT ở cấp tỉnh.

Chính phủ nên cho phép các trung tâm giống quốc gia làm việc chuyên sâu hơn về sự phát triển của sản xuất giống chất lượng và giảm thiểu các thủ tục để doanh nghiệp nhỏ và nông dân có thể được tiếp cận với hệ thống tín dụng.

Chính phủ nên khuyến khích các công ty bảo hiểm kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản bằng cách kết hợp các nhà xuất khẩu thủy sản với công ty bảo hiểm, tạo môi trường thuận lợi cho các công ty bảo hiểm để làm việc về bảo hiểm thủy sản.

  1. Tăng sản lượng tôm bền vững

Năng lực của nông dân là một rào cản chính cho sản xuất tôm bền vững. Do sự thiếu quan tâm đối với vấn đề môi trường và thiếu lao động có tay nghề cao dẫn đến nguồn cung của tôm không bền vững và còn ở xa so với tiềm năng của ngành.

Chính phủ phải cung cấp ưu đãi cho nông dân và các nhà chế biến để tự nguyện tuân theo chứng nhận bền vững (ví dụ như ưu tiên trong đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực nông nghiệp, hoặc tiếp cận tín dụng).

NAFIQAD, VINAFIS cần xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia về mở rộng nuôi tôm, tập trung vào truy xuất nguồn gốc, thực hành nuôi tốt nhất (BMP), và chứng nhận.

Cả hai giải pháp trên tập trung vào vai trò của chính phủ. Tuy nhiên, không chắc rằng Chính phủ có thể làm tăng sản lượng tôm đạt được chứng nhận. Trong trường hợp gia tăng sự hội nhập giữa nông dân và các công ty chế biến xuất khẩu thông qua hợp đồng nông nghiệp là một yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề này. Nếu lợi ích từ hợp đồng nông nghiệp được đảm bảo các công ty chế biến xuất khẩu sẽ sẵn sàng đầu tư vào nông dân để tạo ra một chuỗi cung cấp sản phẩm bền vững. Riêng đối với các công ty chế biến xuất khẩu không có vốn hoặc chiến lược để đầu tư vào các trang trại tích hợp theo chiều dọc, hợp đồng nông nghiệp là lựa chọn tốt nhất để tiếp cận với các sản phẩm tôm có chứng nhận.

  1. Đẩy mạnh xuất khẩu tôm nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng thị phần

Giai đoạn 2007 -2015, thị phần xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU có tốc độ tăng trưởng cao, tăng trung bình 0,76%/năm. Để duy trì tốc tăng trưởng thị phần Việt Nam cần thực hiện các biện pháp sau:

Hiện nay, sản phẩm tôm của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các quốc gia như Anh, Hà Lan, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha. Bên cạnh việc dữ vững các thị trường chủ lực, các công ty xuất khẩu cần tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng sang các thị trường khác. Phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối thủy sản xuất khẩu sang EU; thiết kế các liên kết kinh tế chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ lớn như Walmart, Carrefour Group, Tesco, Metro Grourp tại EU để hạn chế các rủi ro phát sinh từ các biện pháp chống bán phá giá và triển khai các chiến lược marketing chung tại EU.

Nâng cao tỷ trọng mặt hàng tôm đã qua chế biến. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng cao, năm 2015 chiếm 54%. Việc nâng cao tỷ trọng của mặt hàng tôm chế biến sẽ làm tăng kim ngạch do giá bán cao hơn. Để có hiệu quả các công ty chế biến cần nghiên cứu kỹ nhu cầu tiêu dùng của thị trường EU để đa dạng hóa vào cung cấp các sản phẩm tôm phù hợp.

Các công ty chế biến xuất khẩu cần ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu bằng các biện pháp cụ thể như gia tăng sở hữu các trang trại nuôi tôm, gia tăng các mối quan hệ trực tiếp đối với các trang trại nuôi tôm bằng các hợp đồng bao tiêu. Thời gian quan, hầu hết các trang trại nuôi tôm nhỏ phụ thuộc vào trung gian về các vấn đề như còn giống, thức ăn, vốn lưu động, thu hoạch tôm và tiếp thị bán hàng. Nều các hành động trên vẫn chưa đủ để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu, các công ty chế biến xuất khẩu cần bổ sung nguồn thiếu hụt đó bằng cách nhập khẩu tôm nguyên liệu. Hành động này sẽ gặp khó khăn trong xuất xứ để có được các ưu đãi về thuế, đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực.

4.2.2.2. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng cá tra

  1. Tăng cường sự hội nhập và hợp tác trong chuỗi giá trị

Mặc dù vai trò của các trung gian trong tiểu ngành cá tra bị hạn chế và mức độ hợp tác và hội nhập dọc theo chuỗi ở mức cao, nhưng đại đa số người dân vẫn còn hoạt động trên thị trường giao ngay và không có mối quan hệ lâu dài và bền vững với khách hàng của họ. Có hai lý do chính cho việc thiếu các mối quan hệ lâu dài bền vững trong ngành cá tra: (i) Sự biến động của giá cả nguyên vật liệu dẫn đến khó khăn cho nông dân cũng như công ty chế biến thỏa thuận về giá cá tra trước khi thu hoạch; (ii) Hầu hết nông dân đều cho là để bán được giá cao là quan trọng hơn so với nguy cơ giá thấp. Một nguyên nhân nữa đến từ sự thiếu kinh nghiệm trong cách xây dựng hợp đồng để bảo vệ các lợi ích của cả người nông dân và công ty chế biến xuất khẩu. Vì vậy, chính phủ cần tạo ra một môi trường thuận lợi nhằm tăng các hợp đồng giữa các trang trại nuôi cá tra và các công ty chế biến. Điều này có thể được thực hiện thông qua các chương trình trợ cấp và các quyền lợi khác, khi chỉ các trang trại và công ty chế biến có hợp đồng mới được hưởng. Một hành động cụ thể hơn, cần thuê một công ty luật thiết kế một hợp đồng cho các trang trại, công ty chế biến xuất khẩu để bảo vệ lợi ích của cả nông dân và công ty chế biến xuất khẩu. Thông qua các tổ chức như Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP và VINAFIS phổ biến thông tin và hỗ trợ cho các tác nhân để họ tham gia vào các hợp đồng.

  1. Nâng cao năng lực sản xuất con giống chất lượng cao

Chất lượng cá giống có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của trại nuôi cá tra và lợi nhuận của ngành. Số lượng những trang trại cá tra giống được trang bị tốt và sản xuất có chất lượng tốt còn ít nên không đủ đáp ứng nhu cầu địa phương. Do đó nhiều nông dân phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống chất lượng thấp hơn và giống nhập khẩu (ví dụ Trung Quốc). Có một số giải pháp cho vấn đề này: (i) Các trường đại học và các viện nghiên cứu phải tăng cường các chương trình nghiên cứu về sản xuất giống cá tra; (ii) Nâng cấp và đầu tư các trung tâm giống quốc gia ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nghiên cứu chọn tạo giống cá tra mới có chất lượng cao, kháng bệnh. Tiếp tục đầu tư các khu sản xuất giống cá tra tập trung để đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống cá tra; (iii) Các trang trại sản xuất giống cá tra tư nhân phải được quản lý bởi các quy định chặt chẽ hơn; (iv) Khuyến khích các công ty chế biến đầu tư vào các chương trình nghiên cứu sản xuất cá giống.

  1. Sản xuất cá tra theo tiêu chuẩn ASC

Các nhà sản xuất cá tra Việt Nam hiện nay phải tuân thủ nhiều bộ tiêu chuẩn phụ thuộc thị trường xuất khẩu như: ASC, GlobalGAP, BAP,... Cả GlobalGAP và ASC đều được chấp nhận ở EU, nhưng ASC được ưa chuộng hơn, thực chất do hệ thống siêu thị muốn thông qua chứng nhận ASC để chứng tỏ sản phẩm họ cung cấp được nuôi có trách nhiệm hơn. Một lựa chọn cho sự phát triển các chứng nhận quốc tế là buộc các trang trại nuôi cá tra phải áp dụng một tiêu chuẩn tối thiểu là VietGAP, điều này sẽ làm tăng chất lượng trung bình của cá tra. Đối với các nhà nhập khẩu cá tra của Hà Lan, họ quan tâm đến sự phát triển bền vững của cá tra. Tuy nhiên, chứng nhận VietGAP được xem như là một bước trong quá trình hướng tới chứng nhận ASC. Đối với các nhà nhập khẩu EU ở Nam và Đông Âu, họ ít quan tâm đến tính bền vững, tiêu chuẩn VietGAP có thể là đủ.

Các cơ quan chính phủ, hiệp hội cần nỗ lực tổ chức nông dân vào các hợp tác xã, các hiệp hội và liên kết trực tiếp đến khâu xuất khẩu thông qua các hợp đồng hoặc loại hình khác tạo ra các mối quan hệ lâu dài, thu hút các nhà đầu tư để tăng sức mạnh tài chính của họ và tiến tới có giấy chứng nhận cho một nhóm.

Chính phủ cần tạo một môi trường thuận lợi để khuyến khích các hợp đồng nông nghiệp, điều đó sẽ dẫn đến các công ty xuất khẩu sẵn sàng hơn trong việc đầu tư vào các trang trại nuôi cá tra không thuộc sở hữu của họ cũng như vào hạ tầng ngành cá tra.

  1. Tăng cường sự hợp tác giữa tác nhân trong chuỗi giá trị với các nhà hỗ trợ

Hầu hết các tác nhân trong chuỗi giá trị không có cái nhìn toàn cục về các nhà hỗ trợ đang hoạt động trong lĩnh vực cá tra. Có sự thiếu thông tin về các chương trình hỗ trợ, tài trợ, trợ cấp và cũng như những chương trình ngoại giao nhằm hỗ trợ ngành cá tra trong việc tối ưu hóa tính bền vững trong lĩnh vực này. Ngoài ra, người ta lập luận rằng việc phổ biến các kiến ​​thức kỹ thuật từ các chương trình nghiên cứu không đến được phần lớn của ngành, điều này cần được cải thiện.

Chính phủ cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với Hiệp hội Cá tra Việt Nam để tổ chức này có thể đảm nhận được vai trò thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết toàn ngành xuất khẩu từ người sản xuất, các trường đại học, các tổ chức chính phủ và những người ủng hộ tài chính. Vì tại thời điểm này, VASEP không có quan hệ đủ mạnh với các viện nghiên cứu và các nhà sản xuất trong khi VINAFIS lại tập trung quá nhiều ở cấp độ sản xuất.

  1. Tăng nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành cá tra

Hiện nay, sự phát triển của ngành cá tra phần lớn là không có kế hoạch tổng thể và rất khó kiểm soát được. Nhiều cá nhân hoạt động không có tổ chức nên việc đầu tư cho ngành còn nhiều hạn chế. Điều đó dẫn đến sự thiếu hụt trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng các thông số kỹ thuật và khung pháp lý để thông qua đó Nhà nước có thể theo dõi và giám sát hoạt động của ngành cá tra.

Để tăng nguồn vốn cho đầu tư trong lĩnh vực cá tra vào khu vực tư nhân, khâu then chốt là thuyết phục các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Điều này có thể đạt được bằng cách công bố các mô hình kinh doanh thành công như mô hình của Liên hợp Sản xuất cá sạch của AGIFISH (APPU). Tuy nhiên, chính phủ cũng nên đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này như: (i) Chính phủ cần khuyến khích các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi cho các công ty muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngành cá tra; (ii) Chính phủ cần tích cực kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài; (iii) Chính phủ nên đầu tư một hệ thống giám sát cho phép họ theo dõi và kiểm soát ngành cá tra chặt chẽ hơn.

  1. Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng nhằm duy trì thị phần

Những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu cá của EU không tăng. Cá tra của Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với các sản phẩm cá thịt trắng tại thị trường này như: Cá Cod, cá Alaskapollock, cá Hake. Trong khi khối lượng nhập cá tra phi lê đông lạnh của EU giảm nhưng khối lượng nhập khẩu cá thị trắng, nhất là cá cod lại có su hướng tăng dẫn đến thị phần cá tra phi lê của Việt Nam ngày càng giảm.

Về khối lượng, dường như có ít cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu cá tra sang thị trường EU. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tỷ trọng hàng chế biến, hàng giá trị gia tăng. Hiện nay, cá tra đông lạnh (phi lê, nguyên con, cắt khúc) chiếm đến hơn 90% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần phát triển các sản phẩm chế biến như cắt khúc tẩm bột chiên sơ, cắt miếng tẩm gia vị đông lạnh, tôm và cá tra quấn khoai tây, xiên que, cá tra quấn cá hồi, cá tra nướng, tẩm bột “beer batter" đông lạnh, tẩm bột "Western style" đông lạnh. Các sản phẩm giá trị gia tăng như sản phẩm cao cấp, chế biến sâu, phối chế, làm sẵn, ăn liền. Để các sản phẩm cá tra chế biến trên có chỗ đứng vững chắc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tiến hành các chương trình quảng bá thuyết phục khách hàng vì đây là những sản phẩm mới và có mức giá cao.

Đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị trường, thị hiếu, khẩu vị và thói quen tiêu dùng của các nhóm phân khúc thị trường của các sản phẩm cá tra chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Trong thời gian trước mắt, việc sử dụng các chuyên gia về chế biến thủy sản của EU là một cách làm hiệu quả. Các chuyên gia này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong việc hướng dẫn, đào tạo các cán bộ kỹ thuật hoặc công nhân cách sử dụng gia vị, liều lượng các chất phụ gia… sao cho phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng của EU.

Mở rộng sang các thị trường mới và hướng đến các phân khúc thị trường cho các sản phẩm chất lượng cao. Liên kết kinh tế chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ lớn như Walmart, Carrefour Group, Tesco, Metro Grourp tại EU.

4.2.2.3. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng cá ngừ

  1. Cải thiện kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch

Kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch lạc hậu là điểm hạn chế lớn nhất đối với ngành cá ngừ Việt Nam. Tàu nhỏ, thiếu kho lạnh trên tàu, dẫn đến sự suy giảm nhanh chất lượng cá ngừ. Tại hầu hết các bến cá kho lạnh không đủ để duy trì chất lượng của cá ngừ. Nhìn chung, chất lượng của cá ngừ giảm trong vòng bảy ngày từ khi bị bắt, trong khi hầu hết các tàu cá nhỏ đi ra biển tối đa là 15 ngày. Để lưu trữ cá ngừ các tàu cá cần thiết bị bảo quản lạnh, cá ngừ được đông lạnh ở -40 đến -60 C. Một hạn chế nữa là không có quy định quốc gia hoặc tiêu chuẩn chất lượng đối với giết chết và sơ chế ban đầu đối với cá ngừ.

Để cải thiện kỹ thuật bảo quản của các tàu cá và trên bến cá, cần thiết phải tái cấu trúc và chuyển đổi cơ cấu đội tàu khai thác. Chính phủ nên bắt đầu một chương trình tái cơ cấu đội tàu đánh cá và cung cấp đầu tư hoặc trợ cấp để cải thiện cơ sở của họ. Tuy nhiên, một chương trình tái cơ cấu như trên sẽ rất tốn kém, cần có một kế hoạch rõ ràng. Một phương án khác để cải thiện kỹ thuật bảo quản đó là cần phát triển quan hệ hợp tác giữa các công ty chế biến và ngư dân, nơi các công ty chế biến đầu tư trong việc cải thiện cơ sở vật chất ban đầu, sau đó các ngư dân cung cấp cá ngừ chất lượng cao cho cơ sở chế biến và xuất khẩu.

  1. Đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu

Việt Nam thiếu dữ liệu khoa học về cá ngừ, đặc biệt là thiếu thông tin về ngư trường và trữ lượng. Các dữ liệu khoa học tiên tiến có thể dẫn đến các kế hoạch quản lý hiệu quả hơn cho việc đánh bắt cá ngừ và quản lý trữ lượng. Việc đánh giá trữ lượng cá ngừ gần đây nhất của Việt Nam được tiến hành vào năm 2005.

Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong điều tra, dự báo ngư trường, khai thác, bảo quản, chế biến cá ngừ. Từng bước hiện đại hóa tàu khai thác và dịch vụ thu mua cá ngừ; đẩy mạnh công tác khuyến ngư.

Hiện nay, dữ liệu khoa học về ngư trường và kỹ thuật bảo quản của các kho lạnh còn nhiều hạn chế. Do vậy để quản lý và phát triền nghề cá ngừ đòi hỏi Chính phủ với đầu mối là Bộ NN và PTNT cần đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu về ngư trường đánh bắt cá ngừ và kỹ thuật bảo quản. Để giải quyết nút thắt này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ với các tổ chức quốc tế về phân ngành cá ngừ.

  1. Tăng cường hợp tác trong chuỗi giá trị

Thiếu sự hợp tác giữa các ngư dân, người trung gian và công ty chế biến xuất khẩu diễn ra tại một số giai đoạn của chuỗi giá trị. Do cạnh tranh giữa các ngư dân đánh bắt cá ngừ nên rất ít thông tin về ngư trường được chia sẻ. Ngoài ra, vị trí và sự thống trị của những người trung gian ở một số tỉnh, ngăn cản sự hợp tác giữa ngư dân và nhà chế biến xuất khẩu. Số lượng hợp đồng giữa ngư dân và nhà chế biến xuất khẩu còn rất hạn chế.

Hoạt động trong lĩnh vực chế biến cá ngừ, cần có sự liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giúp phát triển bền vững chuỗi ngành hàng thông qua liên kết dọc và liên kết ngang trong toàn chuỗi; cần nghiên cứu kỹ việc thiết lập mối quan hệ và hài hòa lợi ích với các tác nhân liên kết chuỗi từ khai thác, hệ thống vệ tinh thu mua cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ và xuất khẩu. Để hài hòa lợi ích và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần tổ chức hoạt động chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; đây là yếu tố chủ chốt quyết định việc hình thành, duy trì và phát triển liên kết trong mô hình: thu mua - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu.

Hiện nay, trong chuỗi giá trị cá ngừ chưa có sự gắn kết chặt chẽ, giữa ngư dân và người trung gian thường có những xung đột về lợi ích, mối liên kết trực tiếp giữa ngư dân với cơ sở chế biến và xuất khẩu cần được cải thiện. Vì vậy, cần có sự tin tưởng lẫn nhau của các bên liên quan từ đó tăng cường sự hợp tác, tạo tính bền vững cho chuỗi giá trị cá ngừ xuất khẩu.

  1. Đảm bảo sự truy xuất nguồn gốc

Hầu hết các tàu đánh bắt cá ngừ Việt Nam là nhỏ, khả năng tài chính hạn chế để trang bị các thiết bị tài liệu đo lường sản lượng đánh bắt của họ. Vì vậy, nó là khó khăn để theo dõi những sản phẩm thủy sản, những gì là cần thiết cho xuất khẩu sang EU.

Một trong những hạn chế rất lớn của xuất khẩu cá ngừ Việt Nam là vấn đề về truy xuất nguồn gốc và điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của cá ngừ xuất khẩu, đặc biệt là thị trường khó tính như EU. Truy xuất nguồn gốc ở cấp độ của các ngư dân và các bến cá cần được cải thiện. Để làm được điều này, cần phải đầu tư cho các tàu cá của ngư dân các thiết bị lưu trữ tài liệu và đo lường số lượng đánh bắt. Ngoài ra, cần tập huấn cho ngư dân cách lưu trữ các tài liệu về nguồn gốc xuất xứ của các loại cá ngừ khai thác để cung cấp thông tin cần thiết cho các thị trường khó tính.

  1. Tăng tính bền vững trong khai thác cá ngừ

Cho đến nay, Việt Nam chưa có kế hoạch quản lý đối với nghề cá ngừ (hiện đang được phát triển bởi VINATUNA). Thực tế là Việt Nam vẫn chưa là thành viên đầy đủ của WCPFC, đây là một hạn chế cho ngành cá ngừ. Năm 2008, WWF tiến hành đánh giá độc lập khai thác tiềm năng của thủy sản Việt Nam, bao gồm cá ngừ, để có được giấy chứng nhận MSC. Một trong những nguyên tắc quan trọng để có được chứng chỉ này là phải có một hệ thống quản lý tốt và dữ liệu về sản lượng đánh bắt cá ngừ. Việc thiếu tính bền vững ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành cá ngừ củaViệt Nam.

Một kế hoạch quản lý tốt với cá ngừ có thể là một bước quan trọng hướng tới quản lý bền vững của quá trình phân phối cá ngừ. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với quốc tế trong khai thác cá ngừ để giúp phân ngành cá ngừ phát triển bền vững. Hợp tác quốc tế trong việc đưa tàu khai thác cá ngừ đại dương trên vùng biển quốc tế và vùng biển của các nước có hiệp định hợp tác khai thác.

Hợp tác với các tổ chức quản lý nghề cá trên thế giới, Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á, Ủy ban Nghề cá Trung-Tây Thái Bình Dương....để phát triển nghề khai thác cá ngừ.

4.3. Một số khuyến nghị

4.3.1. Khuyến nghị đối với nhà nước

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU: Chính phủ cần rà soát, củng cố, hoàn thiện một cách căn bản cơ chế thực thi và giám sát thực thi các chủ trương, nghị quyết liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động xuất nhập khẩu. Xây dựng luật thuế xuất khẩu nhập khẩu phải đảm bảo tính minh bạch, góp phần phát huy nội lực để phát triển sản xuất. Các quy định của luật pháp phải phù hợp hơn với thông lệ và cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là phải phù hợp với các điều khoản trong FTA Việt Nam - EU. Các quy định của luật đảm bảo tính thống nhất với luật Hải quan nhằm góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hóa thủ tục Hải quan. Ban hành quy định hướng dẫn tổ chức bộ máy quản lý thủy sản địa phương, xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức đầu mối quản lý thủy sản ở địa phương, gắn với phân cấp quản lý giữa Trung ương, địa phương.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật: Chính phủ ban hành danh mục các chất bị cấm chung cho các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản cần cụ thể, rõ ràng hơn và có tính cập nhật. Quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, lưu thông và sử dụng các hoá chất, chất kháng sinh thuộc danh mục quản lý. Cần rà soát và loại bỏ các văn bản hướng dẫn kỹ thuật sử dụng các loại kháng sinh, thuốc tăng trưởng bị cấm trong các quá trình sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, quá trình trị bệnh, đồng thời tổ chức ban hành ngay các tài liệu, giáo trình mới. Xây dựng chiến lược của ngành về dư ­lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, ban hành các tiêu chuẩn về vùng, trang trại sản xuất và nuôi thủy sản sạch, kiểm tra, đánh giá, công nhận vùng, trang trại sản xuất an toàn, sinh thái và có chính sách khuyến khích hỗ trợ. Ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và công bố danh mục tên các loại hoá chất và kháng sinh được phép sử dụng thay thế các hoạt chất bị cấm, các loại thức ăn, hoá chất, thuốc thú y được phép sử dụng trong thủy sản và các tổ chức được phép sản xuất và cung ứng.

Tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, đầu tư thiết bị, kiến thức và nhân lực cho các cơ quan kiểm tra địa phương: Chính phủ cần phải điều chỉnh chức năng và kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan kiểm tra từ Trung ương đến địa phương để có một đầu mối thống nhất quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trên phạm vi cả nước. Hỗ trợ và hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan kiểm tra địa ph­ương. Sau khi có quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn kiểm soát kháng sinh, hoá chất độc hại trong thủy sản cho một cơ quan cụ thể ở địa ph­ương, cần phải đầu tư thiết bị kiểm tra phân tích đi đôi với việc đào tạo, kiểm tra, phân tích và cấp đủ kinh phí cho các cơ quan này hoạt động

Cải thiện môi trường song phương Việt Nam – EU: Để tạo cơ cấu thị trường hài hoà, bền vững hơn, cần tập trung đầu tư cho công tác xúc tiến th­ương mại. Muốn vậy, Bộ NN và PTNT phải sớm giải quyết các vướng mắc về cơ chế để nhanh chóng đưa Quỹ phát triển thị trường thủy sản vào hoạt động, chủ động tạo nguồn kinh phí cho yêu cầu phát triển thị trường do đóng góp của doanh nghiệp phục vụ lại cho doanh nghiệp. Về thị trường, vẫn cần tiếp cận những thị trường còn tiềm năng như Braxin, Tây Ban Nha, Đông Âu. Để vượt qua các rào cản SPS và TBT, trong đó có vụ kiện chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu vào Mỹ, Nhà nước cần có giải pháp th­ương lượng tổng thể đối với các đối tác có thị trường để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Nhà nước cần can thiệp mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết các tranh chấp th­ương mại. Tiến hành đàm phán với EU về cắt giảm các biện pháp phòng vệ quá mức đối với kiểm soát dư ­lượng kháng sinh và yêu cầu EU trả các lô hàng bị phát hiện có dư­ lượng kháng sinh về Việt Nam theo thông lệ th­ương mại quốc tế, sử dụng diễn đàn đa ph­ương yêu cầu các nước nhập khẩu điều chỉnh chính sách hàng rào kỹ thuật dựa trên các bằng chứng khoa học khách quan.

Chính phủ cần có những giải pháp cấp bách để bảo vệ môi trường: Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức đáng quan tâm. Đặc biệt, là thách thức giữa yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Vì vậy, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, chính phủ cần tập trung giải quyết nhiệm vụ cơ bản sau: (i) Bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên biển, các nguồn tài nguyên biển phải được điều tra, đánh giá về trữ lượng, khả năng tái sinh và giá trị kinh tế phục vụ việc quản lý và bảo vệ môi trường biển. Hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác nguồn lợi, tài nguyên biển và hoạt động khác liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải được thực hiện theo quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã được phê duyệt; (ii) Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển: Nguồn thải từ đất liền, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, khu dân cư ven biển, trên biển, trên đảo phải được điều tra, thống kê, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường biển. Chất thải và các yếu tố gây ô nhiễm khác từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng, giao thông, vận tải, khai thác trên biển phải được kiểm soát và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; (iii) Tổ chức phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển: Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, chủ phương tiện vận chuyển xăng, dầu, hoá chất, chất phóng xạ và các chất độc hại khác trên biển phải có kế hoạch, nhân lực, trang thiết bị bảo đảm phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc gia, lực lượng cảnh sát biển phải được đào tạo, huấn luyện, trang bị phương tiện, thiết bị bảo đảm ứng phó sự cố môi trường trên biển.

4.3.2. Khuyến nghị đối với các hiệp hội thủy sản

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam(VASEP): VASEP với vai trò hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Để phát huy vai trò của mình, VASEP cần phải thực hiện tốt các hoạt động như: Tăng cường phát triển và xây dựng mối quan hệ hội viên. Xây dựng mối liên kết với nông dân, ngư dân sản xuất nguyên liệu. Làm cầu nối giữa doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước. Xử lý kịp thời các kiến nghị của hội viên, phổ biến và hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Xây dựng và phát triển các mối quan hệ với EU thông qua việc tham gia các hội nghị, hội thảo và diễn đàn quốc tế. Xuất bản ấn phẩm đối ngoại: Bản tin tiếng Anh: VASEP News và tạp chí tiếng Anh VIETFISH INTERNATIONAL. Cung cấp thông tin thương mại kịp thời cho hội viên thông qua việc phát hành đều đặn Bản tin Thương mại Thủy sản hàng tuần, Tạp chí Thương mại Thủy sản hàng tháng, Báo cáo Xuất khẩu Thủy sản hàng quý và cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của Hiệp hội: www.vasep.com.vn. Cung cấp thông tin về doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thông qua các việc phát hành cuốn Danh bạ Hội viên hàng năm và Bản đồ các nhà máy chế biến thủy sản và các ấn phẩm khác. Xây dựng cơ sở dữ liệu: xây dựng và thường xuyên nâng cấp cổng thông tin điện tử của Hiệp hội nhằm hỗ trợ hội viên và các đối tác tra cứu thông tin nhanh nhất, cập nhật nhất và dễ dàng nhất, cổng thông tin điện tử của Hiệp hội là diễn đàn của doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan và đối tác, tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước bàn các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chất lượng, tạo nguồn nguyên liệu, tăng cường sản xuất và xuất khẩu. Tham gia tư vấn và phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực thi các chủ trương, chính sách của nhà nước.

Hội Nghề cá Việt Nam: Mục đích của hội tập hợp những cá nhân và tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ và hậu cần dịch vụ nghề cá nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người làm nghề cá Việt Nam. Để phát huy được vai trò đó hội cần chủ động tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Xây dựng tổ chức các cấp Hội và phát triển hội viên. Tổ chức, phối hợp hoạt động với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các nhiệm vụ của Hội, phục vụ lợi ích của hội viên. Phổ biến, huấn luyện, đào tạo kiến thức, dạy nghề cho hội viên, ngư dân; cung cấp thông tin khoa học-kỹ thuật-công nghệ-thị trường; tư vấn, phản biện các vấn đề thuộc lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, dịch vụ hậu cần nghề cá… Chủ động tham gia ý kiến vào các văn bản pháp quy, pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động Hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Đại diện cho hội viên trong quan hệ đối đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội; được gia nhập làm hội viên của các Hội quốc tế và khu vực có liên quan theo quy định của pháp luật.

Các hiệp hội thủy sản khác: Các hội và hiệp hội, đặc biệt là hiệp hội doanh nghiệp, cần được phát triển rộng để tập hợp sức mạnh trên cơ sở tự nguyện, nhằm thực hiện những công việc từng thành viên không làm được hoặc làm không hiệu quả. Hiệp hội cần hoạt động thiết thực, giúp các doanh nghiệp hội viên nâng cao chất lượng kinh doanh với tầm nhìn xa và đề cao trách nhiệm đại diện lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong các quan hệ trong nước và ngoài nước. Trong nước, một mặt, chú ý phổ biến, hướng dẫn hội viên thực hiện nghiêm túc pháp luật, đấu tranh với những hành vi trái pháp luật, thiếu văn hoá trong kinh doanh; mặt khác, thường xuyên tập hợp ý kiến, nguyện vọng của hội viên để đề đạt với cơ quan nhà nước, góp phần làm cho thể chế kinh tế được đổi mới sát với cuộc sống và được tổ chức thực hiện nghiêm minh. Trong quan hệ quốc tế, cần tích cực mở rộng hợp tác, tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế có liên quan đồng thời nêu cao vai trò của hiệp hội trong việc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp hội viên khi gặp rào cản và tranh chấp th­ương mại từ các nước đối tác.

Tiểu kết chương 4

Chương 4 của luận án đã làm rõ các nội dung cơ bản sau:

Phân tích bối cảnh trong nước và EU để nhận ra những cơ hội và thách thức, phân tích các văn bản chính sách về thủy sản để xác định quan điểm và mục tiêu phát triển thủy sản của chính phủ Việt Nam, dự báo những anh hưởng của EVFTA đến xuất khẩu thủy sản sang EU. Luận án đã đưa ra 4 quan điểm đề xuất giải pháp với các nội dung cơ bản như: Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU là một quá trình tổng thể, với sự khuyến khích và phát huy sự chủ động của các doanh nghiệp thủy sản, và đòi hỏi sự kết hợp tương tác của nhiều khâu, nhiều thành phần tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU, hướng đến một ngành thủy sản hàng hóa quy mô lớn.

Luận án đề xuất một hệ thống giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường EU bao gồm: Nhóm giải pháp chung và nhóm giải pháp cho với 3 mặt hàng chủ lực. Hệ thống giải pháp được xây dựng một cách toàn diện và tập trung vào hai hạn chế lớn là đáp ứng các yêu cầu của EU về mặt chất lượng và hoàn thiện chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu sang EU.

Bên cạnh các giải pháp, luận án cũng đề xuất một số khuyến nghị với nhà nước, với các hiệp hội thủy sản.

KẾT LUẬN

EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của thế giới, thị trường này tiêu thụ khoảng 10% sản lượng cá của thế giới và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một thị trường thủy sản khó tính và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia xuất khẩu. Thời gian gần đây, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU có nhiều biến động. Vì thế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam có vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Hiệp định FTA Việt Nam - EU

Thông qua phương pháp nghiên cứu mang tính hệ thống, luận án đã hệ thống hoá những lý luận cơ bản về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh, đồng thời đưa ra những tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Ngoài ra, luận án đã phân tích và làm rõ những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU, là nhóm nhân tố trong nước, nhóm nhân tố thuộc thị trường EU. Luận án đã đi sâu vào nghiên cứu kinh nghiệm của ba đối thủ cạnh tranh mạnh đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Kinh nghiệm của các quốc gia trên cho tác giả thấy để nâng cao được năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU cần phải có một giải pháp tổng thể và đồng bộ. Các giải pháp đặt ra phải chú trọng ngay từ các khâu đánh bắt, nuôi trồng, chọn giống, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất, dịch vụ hậu cần, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Ngành thủy sản Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển chung để tạo ra sự phát triển mang tính bền vững, ổn định và xây dựng một ngành sản xuất mang lại những sản phẩm giá trị gia tăng cao, đủ điều kiện cạnh tranh với các mặt hàng thủy sản của các nước có thế mạnh xuất khẩu thủy sản tương tự như nước ta.

Khi phân tích năng lực cạnh tranh hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU qua các tiêu chí chất lượng sản phẩm, giá xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu, thị phần xuất khẩu, luận án đã khẳng định rằng năng lực cạnh tranh mặt hàng thủy sản của Việt Nam trên thị trường EU đang giảm sút. Việc nghiên cứu các tiêu chí phản ánh năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU được thực hiện cho tổng thể mặt hàng thủy sản và ba nhóm mặt hàng chủ lực, đó là một trong những nội dung quan trọng nhất ở chương 3. Tại chương 3, năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU từ năm 2007 đến nay được làm sáng tỏ là cơ sở đề ra những giải pháp trong chương 4.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, luận án đưa ra hai nhóm giải pháp: nhóm giải pháp chúng và nhóm giải pháp cho ba nhóm sản phẩm chủ lực. Những nhóm giải pháp này mang tính khả thi cao, thiết thực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU. Nếu mặt hàng thủy sản Việt Nam không thực hiện được theo các nhóm giải pháp này, chắc chắn năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam không được nâng lên mà còn bị giảm sút nghiêm trọng hơn nữa.

Trong nhóm giải chung, luận án nêu ra sự cần thiết nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU bằng cách có được các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, GlobalGAP, ACC. Thứ hai là nâng cao khả năng thâm nhập thị trường EU của mặt hàng thủy sản Việt Nam. Luận án cho rằng, hàng thủy sản Việt Nam nên phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối thủy sản xuất khẩu sang EU; thiết kế các liên kết kinh tế chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ lớn như Walmart, Carrefour Group, Tesco, Metro Grourp tại EU để hạn chế các rủi ro phát sinh từ các biện pháp chống bán phá giá và triển khai các chiến lược marketing chung tại EU. Tận dụng các trung tâm thương mại của người việt tại EU như Đồng Xuân tại Đức, Sapa tại Czech. Tiếp theo là các giải pháp phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản theo hướng bền vững, tăng cường sự hội nhập và hợp tác trong chuỗi giá trị xuất khẩu, phát triển các ngành dịch vụ và lĩnh vực phụ trợ của thủy sản.

Trong nhóm giải pháp cho một số mặt hàng cụ thể, luận án đưa ra các giải pháp cho ba mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực sang EU là tôm, cá tra và cá ngừ. Các giải pháp tập trung vào các “nút thắt cổ chai” của từng nhóm sản phẩm: Mặt hàng tôm là chất lượng con giống, sự bền vững của sản lượng tôm, cơ sở hạ tầng ngành tôm, sự hợp tác dọc theo chuỗi giá trị và sự hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị và các tổ chức hỗ trợ; Mặt hàng cá tra: các chứng nhận quốc tế, cơ sở hạ tầng, sự hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị và các tổ chức hỗ trợ; Mặt hàng cá ngừ: Kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, các dữ liệu khoa học liên quan đến cá ngừ, sự bền vững trong khai thác cá ngừ, truy xuất nguồn gốc, hợp tác trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, để thực hiện tốt các giải pháp đề ra, luận án đưa ra một số khuyến nghị với Nhà nước, các hiệp hội thủy sản, doanh nghiệp thủy sản và các hộ ngư dân thông qua cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực giúp hàng thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường EU.

Với những phân tích logic, dựa trên các căn cứ khoa học, luận án đã kết hợp giữa những lý thuyết hiện đại phù hợp với xu thế mới trong cạnh tranh với thực tiễn đặt ra cho mặt hàng thủy sản Việt Nam, giải quyết được những vấn đề bức xúc đối với năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU. Những giải pháp luận án đưa ra có căn cứ khoa học, khả năng thực hiện cao và đem lại kết quả thành công lớn. Những giải pháp này không chỉ có giá trị trong một vài năm, nó có giá trị trong nhiều năm tới bởi nó phù hợp với xu thế phát triển của xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Những khuyến nghị luận án đã đưa ra dựa trên những kết quả nghiên cứu, từ những cuộc trao đổi trực tiếp với những nhà quản lý của các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tới xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường EU. Những giải pháp và khuyến nghị luận án đưa ra sẽ là điều kiện quan trọng thực hiện thành công việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU trong bối cảnh triển khai hiệp định FTA Việt Nam – EU.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ

  1. Hoàng Hải Bắc (2016), Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, Tạp chí Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội, số 130
  2. Hoàng Hải Bắc (2016), Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 5
  3. Hoàng Hải Bắc (2015), Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam, Tạp chí Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội, số 116
  4. Hoàng Hải Bắc, Nguyễn Thị Hải Yến (2015), Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, Kỷ yếu hội thảo khoa học về ASEAN – Việt Nam – Hoa Kỳ: 20 năm hợp tác và phát triển, Nhà xuất bản Lao động
  5. Hoàng Hải Bắc, Đỗ Thị Thủy (2015), Hội nhập Quốc tế về Khoa học và Công nghệ: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế về đổi mới mô hình hợp tác về khoa học công nghệ của Việt Nam với các nước SNG: cơ hội, thách thức và triển vọng, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
  6. Đỗ Quang, Hoàng Hải Bắc (2014), Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liện bang Nga trong bối cảnh mới, Nhà xuất bản Lao động

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tiếng Việt

  1. Từ Thúy Anh (2013), Giáo trình Kinh tế học Quốc tế, Nhà xuất bản Thống kê
  2. Đỗ Đức Bình (2008), Giải pháp vượt rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu bề vững hàng thủy sản của Việt Nam trong điều là thành viên của WTO, Đề tài cấp nhà nước trọng điểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  3. Bộ Công thương (2010), Chiến lược xuất-nhập khẩu của Việt Nam đến năm 2020.
  4. Bộ Công Thương (2012), Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu, Sách, Nhà xuất bản Công thương.
  5. Doãn Kế Bôn (2015), Năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, Kỷ yếu hội thảo khoa học về ASEAN – Việt Nam – Hoa Kỳ: 20 năm hợp tác và phát triển, Nhà xuất bản Lao động
  6. Carson Roper (2013), Cá tra bền vững - tiềm năng thị trường tại EU, SUPA, http://supa.vasep.com.vn/?go=tai-lieu&lg=vi&page=detail&igc=&ig=&iid= 3316
  7. Bạch Thụ Cường (2002), Bàn về cạnh tranh toàn cầu, Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội.
  8. Hoa Hữu Cường (2015), Nâng cao khả năng xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam vào EU trong giai đoạn 2011 – 2020, Luận án tiến sĩ, Học Viện Khoa học Xã hội.
  9. Chính phủ (2010), Quyết định số 1690/Qđ-TTg ngày 16 tháng 09 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020,
  10. Chính phủ (2012), Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 07/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
  11. Chính phủ (2012), Quyết định số 124/Qđ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
  12. Chính phủ Việt Nam (2011), Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020
  13. Chính phủ (2012), Quyết định số 332/QĐ-TTg Ngày 3/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020
  14. Dự án hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (2015), Sổ tay tổng quan chính sách thương mại của Liên minh châu Âu
  15. Đại học ngoại thương (2009), Một số giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sang thị trường Nhật Bản, Đại học ngoại thương, Hà Nội.
  16. Đảng cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo về kinh tế-xã hội trình Đại hội XII của Đảng
  17. Đảng cộng sản Việt Nam (2007), Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
  18. Đảng cộng sản Việt Nam (2008), Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
  19. Nguyễn An Hà (2016), Điều chỉnh FTA của Liện Minh châu Âu và đối sách của Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
  20. Đinh Xuân Hạng (2010), Giải pháp về vốn đối với phát triển kinh tế biển ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 381.
  21. Lê Văn Hảo, Knud S. Larsen (2012), Hành vi tổ chức trong một thế giới đang thay đổi, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
  22. Trần Thế Hoàng (2010), Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 242.
  23. Trần Thế Hoàng (2011), Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
  24. Đinh Công Hoàng (2016), Rào cản thương mại tại thị trường liên minh châu Âu đối với hàng da, giầy xuất khẩu của Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.
  25. http://hoinghecavietnam.org.vn/theloaitin.aspx?cateid=88
  26. http://agro.gov.vn/news/tID2914_Them-37-doanh-nghiep-xuat-khau-thuy-san-vao-EU-.htm
  27. http://epp.Eurostat.ec.Europa.eu/tgm/table.do?tab=table&init=1&language=en&pc ode=tps00002&plugin=1
  28. http://hoinghecavietnam.org.vn/theloaitin.aspx?cateid=88
  29. http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/vefta
  30. http://vasep.com.vn/1193/OneContent/gioi-thieu-vasep.htm
  31. http://vinhhoan.vn/phat-trien-ben-vung/asc
  32. http://www.asc-aqua.org/index.cfm?act=tekst.item&iid=4&iids=204&lng=1
  33. http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/Default.aspx
  34. https://vi.wikipedia.org/wiki
  35. Nguyễn Tiến Hưng (2010), Hiện trạng cán cân thương mại thủy sản một số nước trên thế giới, và một số
  36. Đỗ Thị Hương (2009), Hoàn thiện hoạt động xúc tiến nhằm thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
  37. Keinosuke Ono - Tatsuyuki Negoro (2001), Quản trị chiến lược các doanh nghiệp sản xuất, Nhành xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh
  38. Võ Thị Hồng Lan (2009), Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh
  39. Ngô Thị Tuyết Mai (2007), Nâng cao sức cạnh tranh một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế: Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân
  40. Hồng Mây (2011), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Thanh Niên
  41. Nguyễn Xuân Minh (2006), Hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nay đến năm 2020, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
  42. Đoàn Hùng Nam (2010), Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Tài chính. số 3.
  43. Nguyễn Đức Nam (2008), Vận dụng lợi thế so sánh để khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập Quốc tế, Tạp chí thương mại, số 3
  44. Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (2015), Tóm lược Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, http://trungtamwto.vn/tin-tuc/tom-luoc-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-eu-evfta
  45. Nguyễn Kim Phúc (2011), Nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành thủy sản Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  46. Đỗ Quang, Hoàng Hải Bắc (2014), Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liện bang Nga trong bối cảnh mới, Đại học Ngoại Thương
  47. Quốc Hội (2003), Luật thủy sản
  48. Trần Sửu (2006), Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện toàn cầu hóa, Sách, Nhà xuất bản Lao động.
  49. Lê Minh Tâm (2012), Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án Tiến sỹ, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.
  50. Lê Minh Tâm (2013), Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên Minh châu Âu trong điều kiên hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Lao Động
  51. Đào Ngọc Tiến, Vũ Huyền Phương, Nguyễn Sơn Tùng (2015), Hỏi đáp về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Nhà xuất bản Lao Động
  52. Tổng cục Thống kê (2015), Niên giam thống kê 2014, Nhà xuất bản Thống kê
  53. Tổng cục Hải quan (2015), Niên giám thống kê Hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính
  54. Bùi Đức Tuân (2011), Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chế biến thủy sản Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
  55. Đinh Mạnh Tuấn (2009), Nông nghiệp EU sau 5 năm điều chỉnh chính sách nông nghiệp chung, Đề tài khoa học cấp bộ, Viện Nghiên cứu châu Âu.
  56. Đinh Công Tuấn (2012), 22 năm quan hệ Việt Nam - EU, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, năm 2012
  57. Đinh Văn Thành (2005), Rào cản trong thương mại quốc tế, Nhà xuất bản Thống Kê.
  58. Nguyễn Hữu Thắng (2008), Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia.
  59. Tôn Thất Nguyễn Thiêm (2003), Thị trường, Chiến lược, Cơ cấu: Cạnh tranh về giá trị gia tăng, định vị và phát triển doanh nghiệp, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh
  60. Nguyễn Quang Thuấn và Bùi Huy Khoát (2009), Quan hệ hợp tác kinh tế của Việt Nam với Liên minh châu Âu, Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, Viện Nghiên cứu châu Âu.
  61. Trung tâm biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam (1995), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội.
  62. VASEP (2016), Báo cáo xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2015
  63. Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT - Bộ Nông nghiệp & PTNT (2010), Thị trường thủy sản EU và những khuynh hướng, Hà Nội
  64. Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản (2012), Báo cáo tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tâm nhìn 2030
  65. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2007), Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
  66. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2011), Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trong ba ngành: May mặc, Thủy sản Điện tử ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
  67. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và UNDP (2003), Chính sách phát triển kinh tế: Kinh nghiệm và bài học của Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học giao thông vận tải
  68. Ngô Doãn Vịnh (2005), Các cơ sở lý luận về học thuyết ngoại thương và sự vận dụng trong chiến lược phát triển ngoại thương của Việt Nam, Nhà xuất bản chính trị quốc gia
  69. Nguyễn Như Ý (1998), Đại từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin

2. Tiếng anh

  1. Arie Pieter van Duijn, Rik Beukers and Willem van der Pijl (2012), The Vietnamese seafood sector A value chain analysis, Centre for the Promotion of Imports from developing countries, Ministry of Foreign affairs of the Netherlands.
  2. Balassa, Bela (1965), Trade liberalisation and ‘revealed’ comparative advantage, The Manchester school of economic and social studies.
  3. Campling L (2008), EU Import Conditions for Seafood and Other Fishery Products, Edited by European Commissions Directoriate, General for Health and Consumers.
  4. Campling L và Dugal M (2009), EU Market Access: Conditions and Challenges for ACP Countries, Edited by European Commissions Directoriate – General for Health and Consumers.
  5. Conner Bailey, Norbert Wilson and Michael Phillips (2013), Governance of Global Value Chains in Response to Food Safety and Certification Standards: The Case of Shrimp from Vietnam, World Development, http://dx.doi.org.
  6. Cristina Simón, Gayle Allard (2008), Competitiveness and the employment relationship in Europe: Is there a global missing link in HRM?, Emerald Group Publishing Limited
  7. Development Economics Research Group, University of Copenhagen and Central Institute for Economic Management, Ministry of Planning and Investment of Vietnam (2010), The Fisheries Sector in Vietnam: A Strategic Economic Analysis, Report commissioned by Royal Embassy of Denmark in Vietnam Fisheries Sector Programme Support (FSPS) II.
  8. Dugal M (2009), EU Market Access: Conditions and Challengé for African Carribean and Pacific Countries, Edited by United Nations.
  9. Eurostat (2015), Agriculture, forestry and fishery statistics statistical 2014 edition
  10. Eurostat (2015), Key figures on Europe 2015 edition
  11. Food and Agriculture ogriculture organization of the United nations (2014), The State of World Fisheries and Aquaculture Opportunities and challenges, FAO, Roma.
  12. H Chang Moon, Alan M Rugman, Alain Verbeke (1995), The generalized double diamond approach to international competitiveness, Emerald Group Publishing Limited.
  13. http://ec.Europa.eu/Eurostat/web/international-trade-in-goods/data/database
  14. http://eeas.Europa.eu/delegations/vietnam/key_eu_policies/enlargement/index_vi.htm
  15. http://epp.Eurostat.ec.Europa.eu/tgm/table.do?tab=table&init=1&language=en&pc ode=tps00002&plugin=1
  16. http://www.trademap.org/Index.aspx
  17. https://webgate.ec.Europa.eu/rasff-window/portal/?event=SearchForm&cleanSearch=1#
  18. Porter, M.E. (1980), Competitive Strategy, The Free Press, New York.
  19. Porter, M.E. (1985), Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance, The Free Press, New York
  20. Porter, M.E. (1990), Competitive Advantage of Nations, The Free Press, New York
  21. Porter, M.E. (1998), Competitive Strategy – Techniques for Analyzing Industries and Competitors, The Free Press, New York.
  22. Porter, M.E. (2008), On Competition, Updated and Expanded Edition, Harvard Business School, Boston.
  23. Tsamenyi M (2009), The Impact on Developing Countries for the European Community Regulation on Illegal, Unreported and Unregulated Fisheries, Edited by Commonwealth Secretariat, London, UK.
  24. UNIDO Country Office in Viet Nam (2014), Viet Nam in post WTO, Current situation and future.
  25. US Council on Competitiveness (2001), U.S. Competitiveness 2001: Strengths, Vulnerabilities and Long-Term Priorities, Washington, D.C.
  26. World Economic Forum (2006), Global Competitiveness Report

PHỤ LỤC

Phụ lục 1. Các mặt hàng thủy sản trong hệ thống phân loại HS

Mã hàng

Mô tả hàng hoá

03.01

Cá sống.

- Cá cảnh:

0301.11

- - Cá nước ngọt:

0301.11.10

- - - Cá bột

- - - Loại khác:

0301.11.91

- - - - Cá chép Koi (Cyprinus carpio)

0301.11.92

- - - - Cá vàng (Carassius auratus)

0301.11.93

- - - - Cá chọi Thái Lan (Beta splendens)

0301.11.94

- - - - Cá tai tượng da beo (Astronotus ocellatus)

0301.11.95

- - - - Cá rồng (Scleropages formosus)

0301.11.99

- - - - Loại khác

0301.19

- - Loại khác:

0301.19.10

- - - Cá bột

0301.19.90

- - - Loại khác

- Cá sống khác:

0301.91.00

- - Cá hồi vân (cá hồi nước ngọt)

0301.92.00

- - Cá chình (Anguilla spp.)

0301.93

- - Cá chép

0301.93.10

- - - Để nhân giống, trừ cá bột

0301.93.90

- - - Loại khác

0301.94.00

- - Cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và Thái Bình Dương (Thunnus thynnus, Thunnus orientalis)

0301.95.00

- - Cá ngừ vây xanh phương nam (Thunnus maccoyii)

0301.99

- - Loại khác:

- - - Cá bột măng biển hoặc cá bột lapu lapu:

0301.99.11

- - - - Để nhân giống

0301.99.19

- - - - Loại khác

- - - Cá bột loại khác:

0301.99.21

- - - - Để nhân giống

0301.99.29

- - - - Loại khác

- - - Cá biển khác:

0301.99.31

- - - - Cá măng biển để nhân giống

0301.99.39

- - - - Loại khác

0301.99.40

- - - Cá nước ngọt khác

03.02

Cá, tươi hoặc ướp lạnh, trừ phi-lê cá (fillets) và các loại thịt cá khác thuộc nhóm 03.04.

- Cá hồi, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0302.11.00

- - Cá hồi vân (cá hồi nước ngọt)

0302.13.00

- - Cá hồi Thái Bình Dương

0302.14.00

- - Cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) và cá hồi sông Đa-nuýp (Hucho Hucho)

0302.19.00

- - Loại khác

- Cá dẹt, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0302.21.00

- - Cá bơn lưỡi ngựa (Halibut) (Reinhardtius hippoglossoides, Hippoglossus hippoglossus, Hippoglossus stenolepis)

0302.22.00

- - Cá bơn sao (PlEuronectes platessa)

0302.23.00

- - Cá bơn sole (Solea spp.)

0302.24.00

- - Cá bơn Turbot (Psetta maxima)

0302.29.00

- - Loại khác

- Cá ngừ (thuộc giống Thunus), cá ngừ vằn hoặc cá ngừ bụng có sọc (Euthynnus (Katsuwonus) pelamis), trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0302.31.00

- - Cá ngừ trắng hoặc vây dài (Thunnus alalunga)

0302.32.00

- - Cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares)

0302.33.00

- - Cá ngừ vằn hoặc cá ngừ bụng có sọc

0302.34.00

- - Cá ngừ mắt to (Thunnus obesus)

0302.35.00

- - Cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và Thái Bình Dương

0302.36.00

- - Cá ngừ vây xanh phương Nam (Thunnus maccoyii)

0302.39.00

- - Loại khác

- Cá trích, cá cơm (cá trỏng), cá Sác-đin, cá Sác-đin nhiệt đới, cá trích kê hoặc cá trích cơm…

0302.41.00

- - Cá trích (Clupea harengus, Clupea pallasii)

0302.42.00

- - Cá cơm (cá trỏng) (Engraulis spp.)

0302.43.00

- - Cá Sác-đin, cá Sác- đin nhiệt đới (Sardinella spp.), cá trích kê hoặc cá trích cơm

0302.44.00

- - Cá thu (Scomber scombrus, Scomber australasicus, Scomber japonicus)

0302.45.00

- - Cá sòng và cá ngừ (Trachurus spp.)

0302.46.00

- - Cá giò (Rachycentron canadum)

0302.47.00

- - Cá kiếm (Xiphias gladius)

- Họ cá Bregmacerotidae, Euclichthyidae, Gadidae, Macrouridae, Melanonidae, Merlucciidae, Moridae và Muraenolepididae, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0302.51.00

- - Cá tuyết (Gadus morhua, Gadus ogac, Gadus macrocephalus)

0302.52.00

- - Cá tuyết chấm đen (Melanogrammus aeglefinus)

0302.53.00

- - Cá tuyết đen (Pollachius virens)

0302.54.00

- - Cá tuyết Meluc (Merluccius spp., Urophycis spp.)

0302.55.00

- - Cá Minh Thái (Pollack Alaska) (Theragra chalcogramma)

0302.56.00

- - Cá tuyết xanh (Micromesistius poutassou, Micromesistius australis)

0302.59.00

- - Loại khác

- Cá rô phi, cá da trơn, cá chình, cá rô sông Nile và cá đầu rắn, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0302.71.00

- - Cá rô phi (Oreochromis spp.)

0302.72

- - Cá da trơn (Pangasius spp., Silurus spp., Clarias spp., Ictalurus spp.):

0302.72.10

- - - Cá basa (Pangasius pangasius)

0302.72.90

- - - Loại khác

0302.73

- - Cá chép

0302.73.10

- - - Cá Mrigal (Cirrhinus cirrhosus)

0302.73.90

- - - Loại khác

0302.74.00

- - Cá chình (Anguilla spp.)

0302.79.00

- - Loại khác

- Loại cá khác, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0302.81.00

- - Cá nhám góc và cá mập khác

0302.82.00

- - Cá đuối (Rajidae)

0302.83.00

- - Cá răng cưa (Dissostichus spp.)

0302.84.00

- - Cá sói (Dicentrarchus spp.)

0302.85.00

- - Cá tráp biển (Sparidae)

- - Loại khác:

- - - Cá biển:

0302.89.12

- - - - Cá biển nhỏ Châu Mỹ vây dài (Pentaprion longimanus)

0302.89.13

- - - - Cá biển ăn thịt đầu giống thằn lằn, mũi tù (Trachinocephalus myops)

0302.89.14

- - - - Cá hố savalai, cá đù Belanger (Johnius belangerii), cá đù Reeve và cá đù mắt to

0302.89.15

- - - - Cá thu Ấn Độ (Rastrelliger kanagurta) và cá thu đảo (Rastrelliger faughni)

0302.89.16

- - - - Cá sòng, cá đuối điện (Megalaspis cordyla), cá đao chấm và cá nhồng lớn

0302.89.17

- - - - Cá chim trắng (Pampus argenteus) và cá chim đen (Parastromatus niger)

0302.89.18

- - - - Cá hồng bạc (Lutjanus argentimaculatus)

0302.89.19

- - - - Loại khác

- - - Loại khác:

0302.89.22

- - - - Cá rohu (Labeo rohita), cá catla (Catla catla) và cá dầm (Puntius chola)

0302.89.24

- - - - Cá nước ngọt da rắn họ Anabantidae (Trichogaster pectoralis)

0302.89.26

- - - - Cá nhụ Ấn Độ (Polynemus indicus) và cá sạo (pomadasys argenteus)

0302.89.27

- - - - Cá trích dày mình Hisla (Tenualosa ilisha)

0302.89.28

- - - - Cá leo (Wallago attu) và cá da trơn sông loại lớn (Sperata seenghala)

0302.89.29

- - - - Loại khác

0302.90.00

- Gan, sẹ và bọc trứng cá

03.03

Cá, đông lạnh, trừ phi-lê cá (fillets) và các loại thịt khác thuộc nhóm 03.04.

- Cá hồi, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0303.11.00

- - Cá hồi đỏ (Oncorhynchus nerka)

0303.12.00

- - Cá hồi Thái Bình Dương khác

0303.13.00

- - Cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) và cá hồi sông Đa-nuýp (Hucho Hucho)

0303.14.00

- - Cá hồi vân (cá hồi nước ngọt)

0303.19.00

- - Loại khác

- Cá rô phi, cá da trơn, cá chép, cá chình (Anguilla spp.), cá rô sông Nile (Lates niloticus) và cá đầu rắn (Channa spp.), trừ gan, sẹ và bọc trứng cá

0303.23.00

- - Cá rô phi (Oreochromis spp.)

0303.24.00

- - Cá da trơn (Pangasius spp., Silurus spp., Clarias spp., Ictalurus spp.)

0303.25.00

- - Cá chép

0303.26.00

- - Cá chình (Angullla spp.)

0303.29.00

- - Loại khác

- Cá dẹt (PlEuronectidae, Bothidae, Cynoglossidae, Soleidae, Scophthalmidae và Citharidae), trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0303.31.00

- - Cá bơn lưỡi ngựa (Halibut)

0303.32.00

- - Cá bơn sao (PlEuronectes platessa)

0303.33.00

- - Cá bơn sole (Solea spp.)

0303.34.00

- - Cá bơn Turbot (Psetta maxima)

0303.39.00

- - Loại khác

- Cá ngừ, cá ngừ vằn hoặc cá ngừ bụng có sọc, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0303.41.00

- - Cá ngừ trắng hoặc vây dài (Thunnus alalunga)

0303.42.00

- - Cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares)

0303.43.00

- - Cá ngừ vằn hoặc cá ngừ bụng có sọc

0303.44.00

- - Cá ngừ mắt to (Thunnus obesus)

0303.45.00

- - Cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và Thái Bình Dương (Thunnus thynnus, Thunnus orientalis)

0303.46.00

- - Cá ngừ vây xanh phương Nam (Thunnus maccoyii)

0303.49.00

- - Loại khác

- Cá trích (Clupea harengus, Clupea pallasii), cá sác-đin (Sardina pilchardus, Sardinops spp.), cá sác-đin nhiệt đới (Sardinella spp.), cá trích kê hoặc cá trích cơm (Sprattus sprattus), cá thu (Scomber scombrus, Scomber australasicus, Scomber japonicus), cá sòng và cá ngừ (Trachurus spp.), cá giò (Rachycentron canadum) và cá kiếm (Xiphias gladius), trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0303.51.00

- - Cá trích (Clupea harengus, Clupea pallasii)

0303.53.00

- - Cá sác-đin (Sardina pilchardus, Sardinops spp.), cá sác-đin nhiệt đới (Sardinella spp.), cá trích kê hoặc cá trích cơm (Sprattus sprattus)

0303.54.00

- - Cá thu (Scomber scombrus, Scomber australasicus, Scomber japonicus)

0303.55.00

- - Cá sòng và cá ngừ (Trachurus spp.)

0303.56.00

- - Cá giò (Rachycentron canadum)

0303.57.00

- - Cá kiếm (Xiphias gladius)

- Họ cá Bregmacerotidae, Euclichthyidae, Gadidae, Macrouridae, Melanonidae, Merlucciidae, Moridae and Muraenolepididae, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0303.63.00

- - Cá tuyết (Gadus morhua, Gadus ogac, Gadus macrocephalus)

0303.64.00

- - Cá tuyết chấm đen (Melanogrammus aeglefinus)

0303.65.00

- - Cá tuyết đen (Pollachius virens)

0303.66.00

- - Cá tuyết Meluc (Merluccius spp., Urophycis spp.)

0303.67.00

- - Cá Minh Thái (Pollack Alaska) (Theragra chalcogramma)

0303.68.00

- - Cá tuyết xanh (Micromesistius poutassou, Micromesistius australis)

0303.69.00

- - Loại khác

- Loại cá khác, trừ gan, sẹ và bọc trứng cá:

0303.81.00

- - Cá nhám góc và cá mập khác

0303.82.00

- - Cá đuối (Rajidae)

0303.83.00

- - Cá răng cưa (Dissostichus spp.)

0303.84.00

- - Cá sói (Dicentrarchus spp.)

0303.89

- - Loại khác:

- - - Cá biển:

0303.89.12

- - - - Cá vây dài (Pentaprion longimanus)

0303.89.13

- - - - Cá biển ăn thịt, đầu giống thằn lằn, mũi tù (Trachinocephalus myops)

0303.89.14

- - - - Cá hố savalai (Lepturacanthus savala), cá đù Belanger (Johnius belangerii), cá đù Reeve (Chrysochir aureus) và cá đù mắt to (Pennahia anea)

0303.89.15

- - - - Cá thu Ấn Độ (Rastrelliger kanagurta) và cá thu đảo (Rastrelliger faughni)

0303.89.16

- - - - Cá sòng, cá đuối điện (Megalaspis cordyla), cá đao chấm (Drepane punctata) và cá nhồng lớn (Sphyraena barracuda)

0303.89.17

- - - - Cá chim trắng (Pampus argenteus) và cá chim đen (Parastromatus niger)

0303.89.18

- - - - Cá hồng bạc (Lutjanus argentimaculatus)

0303.89.19

- - - - Loại khác

- - - Loại khác:

0303.89.22

- - - - Cá rohu (Labeo rohita), cá catla (Catla catla) và cá dầm (Puntius chola)

0303.89.24

- - - - Cá nước ngọt da rắn họ Anabantidae (Trichogaster pectoralis)

0303.89.26

- - - - Cá nhụ Ấn Độ (Polynemus indicus) và cá sạo (pomadasys argenteus)

0303.89.27

- - - - Cá trích dày mình Hisla (Tenualosa ilisha)

0303.89.28

- - - - Cá leo (Wallago attu) và cá da trơn sông loại lớn (Sperata seenghala)

0303.89.29

- - - - Loại khác

0303.90

- Gan, sẹ và bọc trứng cá:

0303.90.10

- - Gan

0303.90.20

- - Sẹ và bọc trứng cá

03.04

Phi-lê cá và các loại thịt cá khác (đã hoặc chưa xay, nghiền, băm), tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh.

- Phi-lê cá tươi hoặc ướp lạnh của cá rô phi (Oreochromis spp.), cá da trơn (Pangasius spp., Silurus spp., Clarias spp., Ictalurus spp.), cá chép (Cyprinus carpio, Carassius Carassius, Ctenopharyngodon idellus, Hypophthalmichthys spp., Cirrhinus spp., Mylopharyngodon piceus), cá chình (Anguilla spp.), cá rô sông Nile (Lates niloticus) và cá đầu rắn (Channa spp.):

0304.31.00

- - Cá rô phi (Oreochromis spp.)

0304.32.00

- - Cá da trơn (Pangasius spp., Silurus spp., Clarias spp., Ictalurus spp.)

0304.33.00

- - Cá rô sông Nile (Lates niloticus)

0304.39.00

- - Loại khác

- Phi-lê cá tươi hoặc ướp lạnh của các loại cá khác:

0304.41.00

- - Cá hồi Thái Bình Dương (Oncorhynchus nerka, Oncorhynchus gorbuscha, Oncorhynchus keta, Oncorhynchus tschawytscha, Oncorhynchus kisutch, Oncorhynchus masou và Oncorhynchus rhodurus), Cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) và cá hồi sông Đa-nuýp (Hucho hucho)

0304.42.00

- - Cá hồi vân (cá hồi nước ngọt) (Salmo trutta, Oncorhynchus mykiss, Oncorhynchus clarki, Oncorhynchus aguabonita, Oncorhynchus gilae, Oncorhynchus apache và Oncorhynchus chrysogaster)

0304.43.00

- - Cá dẹt (PlEuronectidae, Bothidae, Cynoglossidae, Soleidae, Scophthalmidae và Citharidae)

0304.44.00

- - Họ cá Bregmacerotidae, Euclichthyidae, Gadidae, Macrouridae, Melanonidae, Merlucciidae, Moridae và Muraenolepididae

0304.45.00

- - Cá kiếm (Xiphias gladius)

0304.46.00

- - Cá răng cưa (Dissostichus spp.)

0304.49.00

- - Loại khác

- Loại khác, tươi hoặc ướp lạnh:

0304.51.00

- - Cá rô phi (Oreochromis spp.), cá da trơn (Pangasius spp., Silurus spp., Clarias spp., Ictalurus spp.), cá chép (Cyprinus carpio, Carassius Carassius, Ctenopharyngodon idellus, Hypophthalmichthys spp., Cirrhinus spp., Mylopharyngodon piceus), cá chình (Anguilla spp.), cá rô sông Nile (Lates niloticus) và cá đầu rắn (Channa spp.)

0304.52.00

- - Cá hồi

0304.53.00

- - Họ cá Bregmacerotidae, Euclichthyidae, Gadidae, Macrouridae, Melanonidae, Merlucciidae,

0304.54.00

- - Cá kiếm (Xiphias gladius)

0304.55.00

- - Cá răng cưa (Dissostichus spp.)

0304.59.00

- - Loại khác

- Phi-lê đông lạnh của cá rô phi (Oreochromis spp.), cá da trơn (Pangasius spp., Silurus spp., Clarias spp., Ictalurus spp.), cá chép (Cyprinus carpio, Carassius Carassius, Ctenopharyngodon idellus, Hypophthalmichthys spp., Cirrhinus spp., Mylopharyngodon piceus), cá chình (Anguilla spp.), cá rô sông Nile (Lates niloticus) và cá đầu rắn (Channa spp.):

0304.61.00

- - Cá rô phi (Oreochromis spp.)

0304.62.00

- - Cá da trơn (Pangasius spp., Silurus spp., Clarias spp., Ictalurus spp.)

0304.63.00

- - Cá rô sông Nile (Lates niloticus)

0304.69.00

- - Loại khác

- Phi-lê đông lạnh của họ cá Bregmacerotidae, Euclichthyidae, Gadidae, Macrouridae, Melanonidae, Merlucciidae, Moridae và Muraenolepididae:

0304.71.00

- - Cá tuyết (Gadus morhua, Gadus ogac, Gadus macrocephalus)

0304.72.00

- - Cá tuyết chấm đen (Melanogrammus aeglefinus)

0304.73.00

- - Cá tuyết đen (Pollachius virens)

0304.74.00

- - Cá tuyết Meluc (Merluccius spp., Urophycis spp.)

0304.75.00

- - Cá Minh Thái (Pollack Alaska) (Theragra chalcogramma)

0304.79.00

- - Loại khác

- Phi-lê đông lạnh của các loại cá khác:

0304.81.00

- - Cá hồi Thái Bình Dương (Oncorhynchus nerka, Oncorhynchus gorbuscha, Oncorhynchus keta, Oncorhynchus tschawytscha, Oncorhynchus kisutch, Oncorhynchus masou và Oncorhynchus rhodurus), Cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) và cá hồi sông Đa-nuýp (Hucho hucho)

0304.82.00

- - Cá hồi vân (cá hồi nước ngọt)

0304.83.00

- - Cá dẹt (PlEuronectidae, Bothidae, Cynoglossidae, Soleidae, Scophthalmidae và Citharidae)

0304.84.00

- - Cá kiếm (Xiphias gladius)

0304.85.00

- - Cá răng cưa (Dissostichus spp.)

0304.86.00

- - Cá trích (Clupea harengus, Clupea pallasii)

0304.87.00

- - Cá ngừ (thuộc giống Thunus), cá ngừ vằn hoặc cá ngừ bụng có sọc

0304.89.00

- - Loại khác

- Loại khác, đông lạnh:

0304.91.00

- - Cá kiếm (Xiphias gladius)

0304.92.00

- - Cá răng cưa (Dissostichus spp.)

0304.93.00

- - Cá rô phi, cá da trơn, cá rô sông Nile (Lates niloticus) và cá đầu rắn (Channa spp.)

0304.94.00

- - Cá Minh Thái (Pollack Alaska) (Theragra chalcogramma)

0304.95.00

- - Họ cá Bregmacerotidae, Euclichthyidae, Gadidae, Macrouridae, Melanonidae, Merlucciidae, Moridae và Muraenolepididae, trừ cá Minh Thái (Pollack Alaska) (Theragra chalcogramma)

0304.99.00

- - Loại khác

03.05

Cá, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; cá hun khói, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên làm từ cá, thích hợp dùng làm thức ăn cho người.

0305.10.00

- Bột mịn, bột thô và bột viên làm từ cá, thích hợp dùng làm thức ăn cho người

0305.20

- Gan, sẹ và bọc trứng cá, làm khô, hun khói, muối hoặc ngâm nước muối:

0305.20.10

- - Của cá nước ngọt, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối

0305.20.90

- - Loại khác

- Phi-lê cá, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối, nhưng không hun khói:

0305.31.00

- - Cá rô phi (Oreochromis spp.), cá da trơn, cá chép (và cá đầu rắn (Channa spp.)

0305.32.00

- - Họ cá Bregmacerotidae, Euclichthyidae, Gadidae, Macrouridae, Melanonidae, Merlucciidae,

0305.39

- - Loại khác:

0305.39.10

- - - Cá nhái nước ngọt (Xenentodon cancila), cá phèn dải vàng (Upeneus vittatus) và cá long-rakered trevally (Ulua mentalis) (cá nục Úc)

0305.39.20

- - - Cá hố savalai (Lepturacanthus savala), cá đù Belanger (Johnius belangerii), cá đù Reeve (Chrysochir aureus) và cá đù mắt to (Pennahia anea)

0305.39.90

- - - Loại khác

- Cá hun khói, kể cả phi-lê cá, trừ phụ phẩm ăn được sau giết mổ:

0305.41.00

- - Cá hồi Thái Bình,Cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) và cá hồi sông Đa-nuýp

0305.42.00

- - Cá trích (Clupea harengus, Clupea pallasii)

0305.43.00

- - Cá hồi vân (cá hồi nước ngọt)

0305.44.00

- - Cá rô phi (Oreochromis spp.), cá da trơn, cá chép, cá chình, cá rô sông Nile và cá đầu rắn

0305.49.00

- - Loại khác

- Cá khô, trừ phụ phẩm ăn được sau giết mổ, có hoặc không muối nhưng không hun khói:

0305.51.00

- - Cá tuyết (Gadus morhua, Gadus ogac, Gadus macrocephalus)

0305.59

- - Loại khác:

0305.59.20

- - - Cá biển

0305.59.90

- - - Loại khác

- Cá, muối nhưng không làm khô hoặc không hun khói và cá ngâm nước muối, trừ phụ phẩm ăn được sau giết mổ:

0305.61.00

- - Cá trích (Clupea harengus, Clupea pallasii)

0305.62.00

- - Cá tuyết (Gadus morhua, Gadus ogac, Gadus macrocephalus)

0305.63.00

- - Cá cơm (cá trỏng) (Engraulis spp.)

0305.64.00

- - Cá rô phi, cá da trơn, cá chép, cá chình, cá rô sông Nile và cá đầu rắn

0305.69

- - Loại khác:

0305.69.10

- - - Cá biển

0305.69.90

- - - Loại khác

- Vây cá, đầu, đuôi, dạ dày và phụ phẩm khác ăn được của cá sau giết mổ:

0305.71.00

- - Vây cá mập

0305.72

- - Đầu cá, đuôi và dạ dày:

0305.72.10

- - - Dạ dày cá

0305.72.90

- - - Loại khác

0305.79.00

- - Loại khác

03.06

Động vật giáp xác, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật giáp xác hun khói, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; động vật giáp xác chưa bóc mai, vỏ, đã hấp chín hoặc luộc chín trong nước, đã hoặc chưa ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối, hoặc ngâm nước muối; bột thô, bột mịn và bột viên của động vật giáp xác, thích hợp dùng làm thức ăn cho người.

- Đông lạnh:

0306.11.00

- - Tôm hùm đá và các loại tôm biển khác (Palinurus spp., Panulirus spp., Jasus spp.)

0306.12.00

- - Tôm hùm (Homarus spp.)

0306.14

- - Cua, ghẹ:

0306.14.10

- - - Cua, ghẹ vỏ mềm

0306.14.90

- - - Loại khác

0306.15.00

- - Tôm hùm Na Uy (Nephrops norvegicus)

0306.16.00

- - Tôm Shrimps và tôm Prawn nước lạnh (Pandalus spp., Crangon crangon)

0306.17

- - Tôm shrimps và tôm prawn khác:

0306.17.10

- - - Tôm sú (Penaeus monodon)

0306.17.20

- - - Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

0306.17.30

- - - Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii)

0306.17.90

- - - Loại khác

0306.19.00

- - Loại khác, bao gồm bột thô, bột mịn và bột viên của động vật giáp xác, thích hợp dùng làm thức ăn cho người

- Không đông lạnh:

0306.21

- - Tôm hùm đá và các loại tôm biển khác (Palinurus spp., Panulirus spp., Jasus spp.):

0306.21.10

- - - Để nhân giống

0306.21.20

- - - Loại khác, sống

0306.21.30

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

- - - Loại khác:

0306.21.91

- - - - Đóng hộp kín khí

0306.21.99

- - - - Loại khác

0306.22

- - Tôm hùm (Homarus spp.):

0306.22.10

- - - Để nhân giống

0306.22.20

- - - Loại khác, sống

0306.22.30

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

- - - Loại khác:

0306.22.91

- - - - Đóng hộp kín khí

0306.22.99

- - - - Loại khác

0306.24

- - Cua, ghẹ:

0306.24.10

- - - Sống

0306.24.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

- - - Loại khác:

0306.24.91

- - - - Đóng hộp kín khí

0306.24.99

- - - - Loại khác

0306.25.00

- - Tôm hùm NaUy (Nephrops norvegicus)

0306.26

- - Tôm shrimps và tôm prawn nước lạnh (Pandalus spp., Crangon crangon):

0306.26.10

- - - Để nhân giống

0306.26.20

- - - Loại khác, sống

0306.26.30

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

- - - Khô:

0306.26.41

- - - - Đóng hộp kín khí

0306.26.49

- - - - Loại khác

- - - Loại khác:

0306.26.91

- - - - Đóng hộp kín khí

0306.26.99

- - - - Loại khác

0306.27

- - Tôm shrimps và tôm prawn loại khác:

- - - Để nhân giống:

0306.27.11

- - - - Tôm sú (Penaeus monodon)

0306.27.12

- - - - Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

0306.27.19

- - - - Loại khác

- - - Loại khác, sống:

0306.27.21

- - - - Tôm sú (Penaeus monodon)

0306.27.22

- - - - Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

0306.27.29

- - - - Loại khác

- - - Tươi hoặc ướp lạnh:

0306.27.31

- - - - Tôm sú (Penaeus monodon)

0306.27.32

- - - - Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

0306.27.39

- - - - Loại khác

- - - Khô:

0306.27.41

- - - - Đóng hộp kín khí

0306.27.49

- - - - Loại khác

- - - Loại khác:

0306.27.91

- - - - Đóng hộp kín khí

0306.27.99

- - - - Loại khác

0306.29

- - Loại khác, bao gồm bột thô, bột mịn và bột viên của động vật giáp xác, thích hợp dùng làm thức ăn cho người:

0306.29.10

- - - Sống

0306.29.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0306.29.30

- - - Bột thô, bột mịn và bột viên

- - - Loại khác:

0306.29.91

- - - - Đóng hộp kín khí

0306.29.99

- - - - Loại khác

03.07

Động vật thân mềm, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật thân mềm hun khói, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên của động vật thân mềm, thích hợp dùng làm thức ăn cho người.

- Hàu:

0307.11

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0307.11.10

- - - Sống

0307.11.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0307.19

- - Loại khác:

0307.19.10

- - - Đông lạnh

0307.19.20

- - - Khô, muối hoặc ngâm nước muối

0307.19.30

- - - Hun khói

- Điệp, kể cả điệp nữ hoàng, thuộc giống Pecten, Chlamys hoặc Placopecten:

0307.21

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0307.21.10

- - - Sống

0307.21.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0307.29

- - Loại khác:

0307.29.10

- - - Đông lạnh

0307.29.20

- - - Khô, muối hoặc ngâm nước muối; hun khói

- Vẹm (Mytilus spp., Perna spp.):

0307.31

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0307.31.10

- - - Sống

0307.31.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0307.39

- - Loại khác:

0307.39.10

- - - Đông lạnh

0307.39.20

- - - Khô, muối hoặc ngâm nước muối; hun khói

- Mực nang (Sepia officinalis, Rossia macrosoma, Sepiola spp.) và mực ống

0307.41

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0307.41.10

- - - Sống

0307.41.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0307.49

- - Loại khác:

0307.49.10

- - - Đông lạnh

0307.49.20

- - - Khô, muối hoặc ngâm nước muối

0307.49.30

- - - Hun khói

- Bạch tuộc (Octopus spp.):

0307.51

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0307.51.10

- - - Sống

0307.51.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0307.59

- - Loại khác:

0307.59.10

- - - Đông lạnh

0307.59.20

- - - Khô, muối hoặc ngâm nước muối

0307.59.30

- - - Hun khói

0307.60

- Ốc, trừ ốc biển:

0307.60.10

- - Sống

0307.60.20

- - Tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh

0307.60.30

- - Khô, muối hoặc ngâm nước muối; hun khói

- Trai, sò

0307.71

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0307.71.10

- - - Sống

0307.71.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0307.79

- - Loại khác:

0307.79.10

- - - Đông lạnh

0307.79.20

- - - Khô, muối hoặc ngâm nước muối; hun khói

- Bào ngư (Haliotis spp.):

0307.81

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0307.81.10

- - - Sống

0307.81.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0307.89

- - Loại khác:

0307.89.10

- - - Đông lạnh

0307.89.20

- - - Khô, muối hoặc ngâm nước muối; hun khói

- Loại khác, kể cả bột mịn, bột thô và bột viên, thích hợp dùng làm thức ăn cho người:

0307.91

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0307.91.10

- - - Sống

0307.91.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0307.99

- - Loại khác:

0307.99.10

- - - Đông lạnh

0307.99.20

- - - Đã làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; hun khói

0307.99.90

- - - Loại khác

03.08

Động vật thủy sinh không xương sống trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật thủy sinh không xương sống hun khói trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên của động vật thủy sinh trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, thích hợp dùng làm thức ăn cho người.

- Hải sâm (Stichopus japonicus, Holothurioidea):

0308.11

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0308.11.10

- - - Sống

0308.11.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0308.19

- - Loại khác:

0308.19.10

- - - Đông lạnh

0308.19.20

- - - Làm khô, muối hoặc ngâm nước muối

0308.19.30

- - - Hun khói

- Nhím biển

0308.21

- - Sống, tươi hoặc ướp lạnh:

0308.21.10

- - - Sống

0308.21.20

- - - Tươi hoặc ướp lạnh

0308.29

- - Loại khác:

0308.29.10

- - - Đông lạnh

0308.29.20

- - - Làm khô, muối hoặc ngâm nước muối

0308.29.30

- - - Hun khói

0308.30

- Sứa (Rhopilema spp.):

0308.30.10

- - Sống

0308.30.20

- - Tươi hoặc ướp lạnh

0308.30.30

- - Đông lạnh

0308.30.40

- - Làm khô, muối hoặc ngâm nước muối

0308.30.50

- - Hun khói

0308.90

- Loại khác:

0308.90.10

- - Sống

0308.90.20

- - Tươi hoặc ướp lạnh

0308.90.30

- - Đông lạnh

0308.90.40

- - Làm khô, muối hoặc ngâm nước muối

0308.90.50

- - Hun khói

0308.90.90

- - Loại khác

15.04

Mỡ và dầu và các phần phân đoạn của chúng, từ cá hoặc các loài động vật có vú sống ở biển, đã hoặc chưa tinh chế nhưng không thay đổi về mặt hoá học.

1504.10

- Dầu gan cá và các phần phân đoạn của chúng:

1504.10.20

- - Các phần phân đoạn thể rắn

1504.10.90

- - Loại khác

1504.20

- Mỡ và dầu và các phần phân đoạn của chúng, từ cá, trừ dầu gan cá:

1504.20.10

- - Các phần phân đoạn thể rắn

1504.20.90

- - Loại khác

1504.30

- Mỡ và dầu và các phần phân đoạn của chúng, từ động vật có vú ở biển:

1504.30.10

- - Các phần phân đoạn thể rắn

1504.30.90

- - Loại khác

16.04

Cá đã được chế biến hay bảo quản; trứng cá tầm muối và sản phẩm thay thế trứng cá tầm muối chế biến từ trứng cá.

- Cá, nguyên con hoặc dạng miếng, nhưng chưa cắt nhỏ:

1604.11

- - Từ cá hồi:

1604.11.10

- - - Đóng hộp kín khí

1604.11.90

- - - Loại khác

1604.12

- - Từ cá trích:

1604.12.10

- - - Đóng hộp kín khí

1604.12.90

- - - Loại khác

1604.13

- - Từ cá sác-đin và cá trích kê (brisling) hoặc cá trích cơm (sprats):

- - - Từ cá sác-đin:

1604.13.11

- - - - Đóng hộp kín khí

1604.13.19

- - - - Loại khác

- - - Loại khác:

1604.13.91

- - - - Đóng hộp kín khí

1604.13.99

- - - - Loại khác

1604.14

- - Từ cá ngừ, cá ngừ vằn và cá ngừ sọc dưa (Sarda spp.):

- - - Đóng hộp kín khí:

1604.14.11

- - - -Từ cá ngừ

1604.14.19

- - - - Loại khác

1604.14.90

- - - Loại khác

1604.15

- - Từ cá thu:

1604.15.10

- - - Đóng hộp kín khí

1604.15.90

- - - Loại khác

1604.16

- - Từ cá cơm (cá trỏng):

1604.16.10

- - - Đóng hộp kín khí

1604.16.90

- - - Loại khác

1604.17

- - Cá chình:

1604.17.10

- - - Đóng hộp kín khí

1604.17.90

- - - Loại khác

1604.19

- - Loại khác:

1604.19.20

- - - Cá ngừ (horse mackerel), đóng hộp kín khí

1604.19.30

- - - Loại khác, đóng hộp kín khí

1604.19.90

- - - Loại khác

1604.20

- Cá đã được chế biến hoặc bảo quản cách khác:

- - Vây cá mập, đã chế biến để sử dụng ngay:

1604.20.11

- - - Đóng hộp kín khí

1604.20.19

- - - Loại khác

- - Xúc xích cá:

1604.20.21

- - - Đóng hộp kín khí

1604.20.29

- - - Loại khác

- - Loại khác:

1604.20.91

- - - Đóng hộp kín khí

1604.20.93

- - - Cá cắt nhỏ đông lạnh, đã luộc chín hoặc hấp chín

1604.20.99

- - - Loại khác

- Trứng cá tầm muối và sản phẩm thay thế trứng cá tầm muối:

1604.31.00

- - Trứng cá tầm muối

1604.32.00

- - Sản phẩm thay thế trứng cá tầm muối

16.05

Động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác, đã được chế biến hoặc bảo quản.

1605.10

- Cua, ghẹ:

1605.10.10

- - Đóng gói kín khí

1605.10.90

- - Loại khác

- Tôm shrimp và tôm prawn:

1605.21

- - Không đóng hộp kín khí:

1605.21.10

- - -Tôm shrimp dạng bột nhão

1605.21.90

- - - Loại khác

1605.29

- - Loại khác:

1605.29.10

- - -Tôm shrimp dạng bột nhão

1605.29.90

- - - Loại khác

1605.30.00

- Tôm hùm

1605.40.00

- Động vật giáp xác khác

- Động vật thân mềm:

1605.51.00

- - Hàu

1605.52.00

- - Điệp, kể cả điệp nữ hoàng

1605.53.00

- - Vẹm (Mussels)

1605.54.00

- - Mực nang và mực ống

1605.55.00

- - Bạch tuộc

1605.56.00

- - Trai, sò

1605.57.00

- - Bào ngư

1605.58.00

- - Ốc, trừ ốc biển

1605.59.00

- - Loại khác

- Động vật thủy sinh không xương sống khác:

1605.61.00

- - Hải sâm

1605.62.00

- - Nhím biển

1605.63.00

- - Sứa

1605.69.00

- - Loại khác

Phụ lục 2. Danh mục chỉ tiêu cảm quan, ngoại quan chỉ định kểm tra và mức chấp nhận đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu

- (*) Ngoài các quy định bắt buộc về ghi nhãn của thị trường nhập khẩu, quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT, còn áp dụng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với một số thị trường đặc biệt (Quyết định 1393/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/5/2009 của Bộ NN&PTNT về kiểm soát chất lượng VSATTP thủy sản XK vào Liên bang Nga).

- (**) Áp dụng đối với loài thủy sản có mối nguy ký sinh trùng gắn liền với loài, không áp dụng đối với nguyên liệu để chế biến.