Làm thế nào để hết mụn cám trên mặt năm 2024

Mụn cám khá lành tính dễ điều trị, tuy không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều người ái ngại. Vậy mụn cám có tự hết được không? Có để lại sẹo không? Bài viết sau đây được thạc sĩ bác sĩ CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ rõ hơn về vấn đề mụn cám.

Mụn cám là gì?

Mụn cám là tình trạng lỗ chân lông bị bít tắc, khiến da xuất hiện những lỗ nhỏ li ti và sần sùi, thường xuất hiện ở vùng da mặt, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở các vùng khác. Mụn cám thường có màu ngả vàng hoặc trắng nhưng không gây đau nhức như mụn mủ hay sưng như mụn trứng cá.

Thanh thiếu niên độ tuổi dậy thì và những đối tượng đang thay đổi nội tiết tố như phụ nữ tới chu kỳ kinh nguyệt hoặc thời kỳ mãn kinh, thai phụ hoặc người đang cho con bú cũng dễ nổi mụn cám. (1)

Các vị trí thường nổi mụn cám

Mụn cám thường xuất hiện trên mặt, đặc biệt là ở vùng chữ T. Ngoài ra, mụn cám còn mọc ở nhiều vị trí: lưng, ngực, vai… Mỗi vị trí đều cảnh báo vấn đề sức khỏe.

  • Mụn cám ở trán: da ở trán mỏng và tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời nên tiết ra một lượng lớn bã nhờn, dễ làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn.
  • Mụn cám ở cằm: mụn mọc ở vị trí này do vùng da tại đây thường không được rửa sạch kỹ lưỡng.
  • Mụn cám ở má: má có lỗ chân lông to, nhiều tuyến dầu, tuyến bã nhờn phát triển cao. Nếu da không được làm sạch kỹ, bụi bẩn dễ tích tụ và gây ra mụn.
  • Mụn cám ở miệng: mụn thường xuất hiện do vệ sinh kém.
  • Mụn cám ở mũi: do tiết nhiều mồ hôi và rửa mặt không kỹ, bụi bẩn tích tụ trên da gây nên mụn. Mụn ở vùng này rất dễ biến thành mụn mủ hoặc mụn nang nếu không được chăm sóc đúng cách.
    Lỗ chân lông bị bít tắc khiến mụn cám hình thành

Mụn cám có tự hết được không?

Mụn cám thường không gây sưng, đau, lành tính và tự khỏi nếu biết cách chăm sóc da đúng cách. Bạn nên làm sạch da và tẩy tế bào chết thường xuyên bằng các sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đặc biệt dù chăm sóc da đúng cách và chế độ ăn uống khoa học nhưng làn da vẫn tiết ra lượng dầu lớn, gây ra mụn và thường xuyên bị tái phát. Trường hợp này, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Bài viết liên quan: Mụn cám có nên nặn không?

Nguyên nhân gây nổi mụn cám

Lỗ chân lông giúp cơ thể bài tiết mồ hôi và bã nhờn. Khi lỗ chân lông tắc nghẽn, tế bào da chết, mồ hôi nhờn hoặc bụi bẩn bị mắc kẹt và không thể thoát ra ngoài, gây ra mụn cám. Có nhiều nguyên nhân khiến lỗ chân lông bít tắc: (2)

  • Tăng tiết bã nhờn: yếu tuyến mồ hôi tiết ra quá nhiều dầu và bã nhờn trong lỗ chân lông, da không đào thải kịp thời sẽ gây tắc nghẽn dẫn đến hình thành mụn cám.
  • Vệ sinh da không đúng cách: không rửa mặt kỹ hoặc chà xát da quá mạnh có thể khiến lỗ chân lông bít tắc và dẫn đến nổi mụn.
  • Môi trường nóng ẩm: yếu tố nhiệt độ có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn. Thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao cộng với khói bụi khiến da liên tục tiết dầu và gây mụn.
  • Mất cân bằng nội tiết tố: căng thẳng kéo dài, dậy thì, mang thai, chu kỳ kinh nguyệt không đều, tiền mãn kinh… đều có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố, khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn. Điều này có thể khiến lỗ chân lông bị tắc, dẫn đến mụn cám.
  • Sản phẩm chăm sóc da không phù hợp: “sát thủ” tưởng chừng đơn giản nhưng thầm lặng này cũng khiến da tăng tiết bã nhờn và ảnh hưởng đến khả năng bài tiết của lỗ chân lông. Ngoài ra, nhiều người sử dụng các sản phẩm kem chứa nhiều hóa chất có thể khiến da mỏng và yếu hơn, khiến lỗ chân lông giãn nở và dễ bị vi khuẩn tấn công.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý: cuộc sống hiện đại có nhiều lo lắng, áp lực công việc cao, thức khuya… làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Chưa kể, thói quen sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, đồ cay nóng… cũng khiến tình trạng nổi mụn nặng thêm.
  • Tiền sử gia đình: gen di truyền có thể làm cho da nhờn và khô. Bạn nên đi khám Da liễu – Thẩm mỹ Da để bác sĩ khám lâm sàng và tư vấn phương pháp điều trị.
  • Thiếu ngủ, căng thẳng cao độ trong thời gian dài có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, dẫn đến rối loạn nội tiết, không chỉ khiến mũi nổi mụn mà còn dẫn đến dị ứng da, nhiễm trùng da. Ngoài ra, thiếu ngủ, căng thẳng còn tác động tiêu cực và hậu quả tiềm ẩn gây bất lợi cho sức khỏe như nguy cơ gây bệnh tiểu đường.
  • Lười rửa mặt: da không được làm sạch và chăm sóc đúng cách cũng là nguyên nhân gây ra mụn ở mũi. Ngoài ra, việc không tẩy trang hoặc tẩy trang không sạch cũng tạo điều kiện cho mụn xuất hiện ở mũi và các vấn đề về da khác.

Mụn cám có để lại sẹo không?

Mụn cám tuy không có khả năng để lại sẹo nhưng nếu loại bỏ sai quy trình rất dễ tạo ra tình trạng lỗ chân lông to. Và nếu bạn vẫn chăm sóc da không đúng cách, mụn cám sẽ quay lại với quy mô dàn trải hơn. Vì vậy, ngay khi thấy mụn cám xuất hiện, bạn nên đi khám chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để bác sĩ chữa trị mụn cám triệt để.

Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám, điều trị cho người bệnh nổi nhiều mụn cám.

Phương pháp điều trị mụn cám hiệu quả

Hiện nay có rất nhiều cách trị mụn cám tại nhà, tuy nhiên để tránh tình trạng mụn cám bị kích thích, mọc nhiều hơn làm da sần sùi, bạn nên lựa chọn phương pháp chăm sóc da phù hợp nhất hoặc đến gặp bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da để được khám kỹ càng và tư vấn phương pháp trị mụn cám an toàn.

  • Niacinamide: Niacinamide từ lâu đã khẳng định được vị thế của mình luôn là 1 trong số những hoạt chất trị mụn được ưa chuộng nhất và an toàn cho mọi loại da, kể cả da nhạy cảm. Niacinamide tạo được chỗ đứng trong thế giới làm đẹp nhờ đặc tính chống viêm, có thể làm giảm và điều trị mụn viêm một cách hiệu quả, đồng thời giúp làm sạch sâu lỗ chân lông.
  • Retinoids: Hợp chất có khả năng trị thâm nám, tàn nhang, mờ sẹo, đồng thời khi sử dụng để chăm sóc da hàng ngày cũng mang lại hiệu quả trị mụn cám tuyệt vời.
  • Thuốc kê đơn: khi bạn nổi mụn cám nên đến bệnh viện để bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm khám, điều trị, kê đơn thuốc phù hợp. Không tự ý mua thuốc trị mụn cám về uống tại nhà, có khi gây ra hậu quả khó lường.
  • Tái tạo da bằng hóa chất (peel da): Phương pháp làm đẹp này đang được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi, giúp cải thiện các khuyết điểm trên da chỉ sau 7-14 ngày. Bác sĩ cho bạn sử dụng các axit tự nhiên được các hãng dược phẩm nổi tiếng sản xuất để tác động trực tiếp lên da, peel da giúp loại bỏ mọi bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trên bề mặt da.

Bên cạnh những phương pháp điều trị mụn hiện đại trên, dưới đây là lời khuyên của bác sĩ dành cho người có tình trạng mụn cám ở mức độ nhẹ có thể tự chăm sóc da tại nhà như sau:

  • Hạn chế để lỗ chân lông tắc nghẽn: không chạm tay lên mặt hoặc nặn, chạm, cào những vùng có lỗ chân lông bít tắc để loại bỏ bã nhờn trên da. Thay vì mang lại kết quả khả quan, điều này lại vô tình khiến quá trình điều trị mụn trở nên khó khăn hơn. Bàn tay chính là cửa ngõ để vi khuẩn tiếp xúc trực tiếp với da, gây kích ứng, viêm nhiễm.
  • Sử dụng mặt nạ làm sạch: ưu tiên sử dụng các loại mặt nạ có tác dụng kiềm dầu và hút bã nhờn trên da hiệu quả. Bạn có thể chọn mặt nạ đất sét hoặc chọn mặt nạ giấy có chứa axit salicylic. Chúng có tác dụng rất tốt trong việc loại bỏ tế bào da chết và chất gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Dưỡng ẩm cho da: là một trong những bước chăm sóc da cơ bản quan trọng nhất và gần như không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da. Một trong những cách trị mụn đơn giản nhưng hiệu quả đó là dưỡng ẩm cho da vừa phải và đầy đủ. Da được cấp ẩm đủ đồng nghĩa với việc lỗ chân lông được se khít và loại bỏ mụn.
    Dưỡng ẩm là một trong những bước chăm sóc da cơ bản quan trọng nhất và gần như không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da
  • Chú ý các bước làm sạch da: nguyên nhân cốt lõi gây ra mụn là do bã nhờn. Để loại bỏ bã nhờn, bạn cần thực hiện bước làm sạch da. Hàng ngày, bạn nên thực hiện bước làm sạch kép thường xuyên bao gồm tẩy trang và sữa rửa mặt. Bên cạnh đó nên phối hợp tẩy tế bào chết cho da mặt 2 lần mỗi tuần. Điều này giúp lỗ chân lông trở nên thông thoáng hơn và lượng dầu thừa trên mặt được loại bỏ và kiểm soát, mụn ít có khả năng quay trở lại.
  • Xông hơi mặt: để lỗ chân lông luôn sạch sẽ và thông thoáng, xông hơi mặt thường xuyên 1 lần/tuần là cách cực kỳ đơn giản nhưng đem lại hiệu quả tuyệt vời.
  • Cải thiện thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống: tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin từ rau, củ và trái cây để hỗ trợ sức đề kháng cho da. Tập thể dục thường xuyên để giúp hệ bài tiết hoạt động tích cực hơn, từ đó xây dựng khả năng miễn dịch cho cơ thể, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe da từ sâu bên trong.

Câu hỏi liên quan

1. Mụn cám có nên nặn không?

Nặn mụn cám không đúng phương pháp hoặc khi chưa khử trùng tay hoặc dụng cụ nặn mụn có thể làm vi khuẩn trên da dễ xâm nhập vào sâu bên trong da khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn và lỗ chân lông to ra, từ đó tiếp tục đợt mụn cám mới.

Lưu ý, bạn không tự nặn mụn cám mà nên đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, tránh tổn thương da.

2. Mụn cám có trị dứt điểm được không?

Mụn cám rất khó trị dứt điểm và thường có xu hướng tái đi tái lại trong tương lai. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc da khoa học, kết hợp chế độ sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp hạn chế tình trạng mụn cám quay trở lại.

Nếu mụn cám thường xuyên quay trở lại và lan rộng, bạn đừng ngần ngại gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Với đội ngũ bác sĩ đầu ngành, trình độ chuyên môn cao kết hợp cùng với máy móc, trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ các nước Âu Mỹ sẽ giúp người bệnh chẩn đoán và điều trị mụn cám và lỗ chân lông to.

Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc mụn cám có tự hết được không. Khi lỗ chân lông bị bít tắc mụn cám sẽ thi nhau phát triển, vì vậy bạn vệ sinh da thường xuyên, kết hợp cùng chế độ ngủ nghỉ điều độ, tránh căng thẳng để giảm thiểu mụn cám trên da.

Chủ đề