Khoảng cách quyền lực trong nền văn hóa pháp

Phần trước đã nghiên cứu ý nghĩa của sự khác biệt về khoảng cách quyền lực giữa các quốc gia đối với vai trò cha mẹ – con cái, giáo viên – học sinh, bác sĩ – bệnh nhân và lãnh đạo – nhân viên, một vai trò khác cũng bị ảnh hưởng bởi khoảng cách quyền lực là chính quyền – công dân. Bất kỳ ai khi đọc tin tức thế giới cũng nhận ra rằng tại một số quốc gia giải quyết sự khác biệt về quyền lực giữa chính quyền và công dân khác với những quốc gia khác. Một điều không hiển nhiên nhưng cần phải hiểu đó là phương thức quản lý quyền lực ở một quốc gia bắt nguồn từ lòng tin của một bộ phận lớn người dân về những hành động thích hợp của chính quyền.

Trong phân tích dữ liệu của 43 xã hội thu được trong Khảo sát giá trị toàn cầu, Ronald Inglehart, nhà khoa học chính trị Mỹ, tìm ra rằng ông có thể sắp xếp thứ tự các quốc gia theo chiều kích “Lẽ phải lâu đời và quyền lực truyền thống”. Phân tích mối tương quan cho thấy chiều kích này có quan hệ mật thiết với khoảng cách quyền lực. Trong một xã hội có khoảng cách quyền lực lớn, quyền lực có tính truyền thống đôi khi bắt nguồn từ tôn giáo. Quyền lực được xem như yếu tố cơ bản của xã hội có trước chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu. Tính hợp pháp không ảnh hưởng tới quyền lực. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Đây là một tuyên bố hiếm khi được thể hiện ở dạng này nhưng lại được phản ảnh bởi hành vi của những người có quyền lực và người dân thường. Có một thỏa thuận bất thành văn là thế giới này nên có trật tự bất bình đẳng và mỗi người đều có vị trí riêng trong đó. Trật tự này thỏa mãn nhu cầu phụ thuộc của con người và mang lại cảm giác an toàn cho những người có quyền lực và những người ở vị trí thấp hơn.

Ở đầu bài này, chúng tôi đã tham khảo xu hướng tại một số xã hội nhằm đạt được sự nhất quán trong vị trí của con người về quyền lực, sự giàu sang và địa vị. Đạt được sự nhất quán về địa vị là mong muốn điển hình của những nền văn hóa có khoảng cách quyền lực lớn. Tại các nền văn hóa này, những người có quyền lực được hưởng đặc lợi và sử dụng quyền lực của mình để tăng thêm của cải cho bản thân. Địa vị của họ được nâng cao bằng những hành vi biểu trưng khiến họ càng trở nên mạnh hơn. Quyền lực chủ yếu đến từ gia đình và bạn bè, uy tín và khả năng sử dụng quyền lực. Khả năng sử dụng quyền lực giải thích sự xuất hiện của chế độ độc tài quân sự tại những quốc gia này trên thang khoảng cách quyền lực. Xuất hiện những vụ bê bối liên quan đến người có quyền lực nhưng chúng thường bị che đậy. Nếu điều gì xảy ra, những người xếp dưới hệ thống thứ bậc luôn bị khiển trách. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, cách duy nhất để thay đổi hệ thống là một cuộc cách mạng nhằm thay thế những người nắm quyền. Phần lớn cuộc cách mạng này đều thất bại, và nếu có thành công thì sau một thời gian, những người nắm quyền mới sẽ lặp lại hành vi của người tiền nhiệm bởi họ cùng có các giá trị phổ biến về bất bình đẳng.

Tại những quốc gia có khoảng cách quyền lực lớn, người dân đọc tương đối ít báo chí (nhưng họ tự tin vào những gì mình đọc) và họ hiếm khi bàn luận về chính trị: bất đồng quan điểm chính trị sẽ nhanh chóng biến thành bạo lực. Hệ thống thường chỉ cho phép một đảng chính trị, tại những nơi có nhiều đảng thì chỉ một đảng luôn chiến thắng. Dải phân bố chính trị, nếu có, yếu ở giữa và mạnh ở hai bên cánh trái và cánh phải. Đây là sự phản ánh phân cực chính trị giữa phụ thuộc và phản phụ thuộc đã được mô tả ở đầu bài này. Phân chia thu nhập tại các quốc gia này không đều với số ít người rất giàu và số đông người rất nghèo. Bên cạnh đó, hệ thống thuế bảo vệ những người giàu khiến cho thu nhập sau thuế càng trở nên bất bình đẳng hơn thu nhập trước thuế. Công đoàn thường do chính phủ chỉ đạo, ở những nơi chính phủ không chỉ đạo thì về tư tưởng, công đoàn dựa vào chính trị và có liên quan đến chính trị.

Chính quyền tại những xã hội có khoảng cách quyền lực lớn được Inglehart đánh giá là lẽ phải lâu đời: dựa vào suy nghĩ thực tế hơn là truyền thống. Tại những xã hội này, chính trị và tôn giáo luôn tách biệt. Việc sử dụng quyền lực phải tuân thủ luật pháp và quan niệm tốt xấu. Về cơ bản không ai muốn sự bất bình đẳng, nếu không thể tránh khỏi thì chính trị sẽ giảm tối thiểu sự bất bình đẳng. Luật pháp đảm bảo rằng mọi người, không kể địa vị, đều có quyền bình đẳng. Quyền lực, sự giàu sang và địa vị không nhất thiết phải đi cùng nhau. Người lãnh đạo có thể nâng cao địa vị dân dã của mình bằng cách từ bỏ những biểu tượng quyền lực: thủ tướng bắt xe công cộng đi làm. Phần lớn các quốc gia thuộc nhóm này đều tương đối giàu và có đông tầng lớp trung lưu. Quyền lực chủ yếu đến từ địa vị chính thức, khả năng chuyên môn và khả năng trao thưởng. Các vụ bê bối đồng nghĩa với kết thúc sự nghiệp chính trị. Cách mạng không xuất hiện phổ biến. Hệ thống thay đổi theo hướng tiến hóa mà không cần thiết phải hạ bệ những người nắm quyền. Người dân đọc rất nhiều nhưng lại không mấy tin vào báo chí. Các vấn đề chính trị được bàn luận thường xuyên và bạo lực trong chính trị quốc gia hiếm khi xảy ra. Các quốc gia có khoảng cách quyền lực nhỏ thường có nhiều chính phủ thay phiên nhau nắm quyền trong hòa bình hoặc liên minh với nhau nắm quyền dựa vào kết quả bầu cử. Dải phân bố chính trị tại những quốc gia này mạnh ở giữa và yếu ở hai bên cánh phải và cánh trái. Phân chia thu nhập tại đây bình đẳng hơn tại các quốc gia có khoảng cách quyền lực lớn. Hệ thống thuế giúp phân chia lại thu nhập khiến thu nhập sau thuế trở nên bình đẳng hơn. Công đoàn tồn tại độc lập và thiên về các vấn đề thực tế của thành viên hơn là thiên về tư tưởng và chính trị.

Người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy những đặc điểm của hai thái cực này trong lịch sử cũng như trong thực tế của nhiều quốc gia. Liên minh châu Âu dựa vào nguyên tắc dân chủ đa đảng nhưng rất nhiều thành viên từng có chế độ độc tài. Mức độ khoảng cách quyền lực trong văn hóa giúp giải thích tại sao hiện nay các nước này đang phải đấu tranh với nền dân chủ. Chẳng hạn, khảo sát Eurobarometer đề cập ở phần trướccủa bài này cho thấy, tại những nơi có PDI cao, ít người tin vào cảnh sát, nhiều người trẻ tuổi gia nhập đảng phái chính trị và ít người tham gia bàn luận về các nhà hoạch định chính sách. Thậm chí tại hệ thống dân chủ nhất thì nhà báo và và người chỉ điểm các vụ bê bối cũng gặp phải khó khăn. Tại những hệ thống ít dân chủ hơn thì họ phải mạo hiểm cả cuộc sống của mình.

Đôi khi thể chế của các quốc gia có khoảng cách quyền lực nhỏ lại bắt chước các quốc gia có khoảng cách quyền lực lớn bởi tư tưởng chính trị lan rộng. Các nhà lãnh đạo chính trị đã học tập tại các quốc gia khác thường thử mô phỏng hệ thống chính trị tại những quốc gia này. Trong bối cảnh hợp tác phát triển, chính phủ của những quốc gia có khoảng cách quyền lực nhỏ thường hăm hở xuất khẩu hệ thống thể chế của mình. Tuy nhiên, thay đổi các bước bầu cử sẽ không thay đổi được tập tục chính trị của cả một quốc gia nếu những tập tục này đã bám sâu vào trí não của một bộ phận lớn dân chúng. Đặc biệt, tầng lớp dân chúng nghèo và không có giáo dục là những người theo đảng dân chủ rất tồi và những phong tục chính trị tại các nước giàu không thể áp dụng được vào các nước nghèo. Những hoạt động của chính phủ nước ngoài nhằm đưa quốc gia tiến đến nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền do trí não của những người trợ giúp nước ngoài truyền cảm hứng và chúng thường hiệu quả hơn trong việc giải quyết ý kiến của cử tri nước ngoài hơn là giải quyết những vấn đề quốc gia cần được giúp đỡ.

Khoảng cách quyền lực và tư tưởng

Cha mẹ, giáo viên, người quản lý và người thống trị đều là con đẻ của văn hóa, họ nối gót những người đi trước và để hiểu được hành vi của họ thì cần hiểu cả trí não của con cái, học sinh, nhân viên và người bị thống trị. Tuy nhiên trong thế giới này không chỉ người thực hiện mà cả người tư duy cũng đều là con đẻ của văn hóa. Tác giả của những cuốn sách về quản lý hay nhà sáng lập các tư tưởng chính trị đều lấy ý tưởng từ những kiến thức họ học được trong quá trình trưởng thành. Như vậy sự khác biệt giữa các quốc gia về các chiều kích giá trị như khoảng cách quyền lực không chỉ giúp chúng ta hiểu được sự khác biệt trong tư duy, cảm xúc và hành động của người lãnh đạo và người bị lãnh đạo mà còn giúp chúng ta trân trọng những lý thuyết được phát minh và sử dụng tại những quốc gia này để có thể giải thích và đoán biết tư duy, cảm xúc và hành vi.

Trong lịch sử thế giới, các triết gia và các nhà sáng lập tôn giáo đã phải đối mặt trực tiếp với vấn đề quyền lực và bất bình đẳng. 500 năm trước Công nguyên tại Trung Quốc, Khổng Tử đã xác định rằng xã hội ổn định là nhờ mối quan hệ bất bình đẳng giữa con người. Ông phân thành ngũ luân – năm mối quan hệ cơ bản: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu thê (vợ chồng), huynh đệ (anh em) và bằng hữu (bạn bè). Các mối quan hệ này bao gồm nghĩa vụ tương hỗ và bổ sung: người ít tuổi phải kính trọng và vâng lời người lớn tuổi, người lớn tuổi phải bảo vệ và chăm sóc người ít tuổi. Tư tưởng của Khổng Tử tồn tại như kim chỉ nam cho mọi hành động của con người Trung Quốc cho đến tận ngày nay. Tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông cố gạt bỏ đạo Khổng Tử nhưng cách cai trị của ông lại chịu ảnh hưởng mạnh của những đặc điểm của đạo này. Các quốc gia trong nghiên cứu IBM cóphần đông người dân là Trung Quốc hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa theo thứ tự xuất hiện ở Bảng 3.1 là: Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Các quốc gia này đều thuộc vùng điểm PDI trung bình hoặc trên trung bình. Người dân tại các quốc gia này chấp nhận và coi trọng sự bất bình đẳng nhưng cảm thấy rằng việc sử dụng quyền lực nên được giảm bớt bằng ý thích trách nhiệm.

Tại Hy Lạp cổ đại khoảng 350 năm trước Công nguyên, Plato đã nhận ra nhu cầu bình đẳng cơ bản của con người nhưng ông lại ủng hộ một xã hội mà ở đó, một tầng lớp ưu tú có tên người bảo hộ đảm nhiệm việc lãnh đạo. Ông cố gắng giải quyết mâu thuẫn giữa các xu hướng phân kỳ này bằng cách lập lờ giữa hai nghĩa của từ “bình đẳng”, một nghĩa là định tính còn một nghĩa là định lượng. Tuy nhiên với chúng tôi, các lý lẽ của ông đều gần giống với câu nói nổi tiếng trích từ Trại súc vật của George Orwell: “Tất cả gia súc đều bình đẳng nhưng một số loại lại bình đẳng hơn những loài còn lại”. Theo Bảng 3.1, Hy Lạp ngày nay đang đứng lưng chừng trong khoảng cách quyền lực (xếp hạng 41/42 với số điểm 60).

(còn tiếp)

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Geert Hofstede, Gert Jan Hofstede & Micheal Minkov – Văn hóa và tổ chức, phần mềm tư duy – NXB ĐHQG HN 2013.