Hướng dẫn vẽ hoạt hình

Để thực hiện một bộ phim hoạt hình 2D thì không thể nào bỏ qua tầm quan trọng của background cũng như vai trò của một background artist.

Vậy cụ thể công việc của một background artist khi thực hiện một cảnh phim hoạt hình là gì? Để thực hiện một cảnh phim hoạt hình 2D, cần phải thực hiện các bước như thế nào?

Trong bài viết này, DeeDee Animation Studio sẽ giới thiệu với các bạn quy trình thực hiện background cho một bộ phim hoạt hình, bao gồm 5 bước cơ bản: vẽ thumbnail, phác thảo, đi nét, đổ màu, và tạo hiệu ứng.

Tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên trước khi bắt đầu vẫn là phải biết rõ công việc mình làm. Nếu như bạn chưa có những kiến thức cơ bản về làm phim hoạt hình, hãy tham khảo bài viết hướng dẫn học hoạt hình dành cho người mới trước nhé.

Còn nếu như bạn đã sẵn sàng, thì hãy bắt đầu thôi!

TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU: HÃY NẮM RÕ MÌNH CẦN PHẢI LÀM GÌ

Một trong những sai lầm lớn nhất của một họa sĩ background đó là nhảy thẳng vào quá trình vẽ mà chưa có cho mình những sự chuẩn bị cần thiết trước khi đặt bút.

Định hướng nghệ thuật (art direction)

Đầu tiên, trước khi đặt bút xuống vẽ bất kì một thứ gì, bạn cần xác định rõ thể loại của bộ phim mình đang thực hiện và phong cách nào thì phù hợp.

Ví dụ như sẽ thật khập khiễng nếu đặt nhân vật Totoro đáng yêu vào khung cảnh của ‘Tàn Thể: tiền truyện’, hoặc nhân vật hiệp sĩ trong ‘Samurai Jack’ lại... xuyên không tới thế giới của ‘Biệt đội iOn Bạc’.

Vậy nên, việc có một art direction (định hướng nghệ thuật) tổng thể và xuyên suốt trong một dự án phim là rất quan trọng. Để xác định được phong cách mà phim hướng tới, bạn hãy thảo luận với trưởng nhóm, đạo diễn nghệ thuật (art director) để đưa ra một phương án phù hợp.

Những câu hỏi có thể đặt ra vào giai đoạn này là:

  • Phim dành cho đối tượng, lứa tuổi nào?

  • Nội dung bộ phim tích cực hay tiêu cực? Tươi sáng hay ảm đạm?

  • Nội dung chính / trọng tâm của cảnh phim? Cần phải lột tả được những gì trong cảnh này?

  • Cảnh phim hướng tới mang đến những cảm xúc gì cho người xem? Vui mừng, kịch tính, hay lâm li bi đát?

  • Có bộ phim nào có nội dung tương tự không? (Nếu có thì hãy nghiên cứu background của những bộ phim đó và tham khảo cách làm của họ, nhưng tuyệt đối đừng sao chép bạn nhé!)

Và tất nhiên, cũng đừng quên xem xét tới tạo hình nhân vật của phim sẽ phù hợp khi được đặt trong bối cảnh nào.

Tầm quan trọng của Storyboard

Hầu hết các Background Artist sẽ cần tới storyboard / animatic để mường tượng ra được khung cảnh khái quát của câu chuyện, cũng như từng cảnh trong phim sẽ là một mảnh ghép như thế nào trong câu chuyện tổng thể.

Storyboard sẽ chỉ ra bối cảnh ở đâu, thời gian như thế nào, nhân vật đang đứng hay ngồi hay làm gì, góc máy và chuyển động của camera (nếu có) trong từng cảnh phim.

Bạn không thể mò mẫm từng bối cảnh nếu chỉ dựa vào một kịch bản chữ, và nếu kịch bản đó dài cỡ 20 trang với hàng trăm bối cảnh thì đó đúng là ác mộng.

Tầm quan trọng của storyboard, thì có lẽ không cần phải bàn tới. Với những ai có mối quan tâm tới điện ảnh hay hoạt hình cũng sẽ đều biết rất rõ, rằng storyboard là kịch bản bằng hình ảnh của mọi bộ phim. Để có thể đi sâu hơn về storyboard, có lẽ DeeDee sẽ để dành vào một bài viết khác.

Ví dụ của storyboard / animatic có thể được dễ dàng minh họa qua video thể hiện quá trình sản xuất (work-in-progress) của dự án video quảng cáo “Sứ Mệnh Vinh Quang” mà DeeDee đã thực hiện trong năm 2019:

Ở DeeDee Animation Studio, từng công đoạn luôn luôn được đảm bảo chuyên nghiệp và tiếp nối nhau thành một quá trình liền mạch. Do đó, Background artist sẽ không bao giờ phải phân vân quá nhiều về những gì mình sắp vẽ (thi thoảng thì vẫn có, nhưng đó ắt hẳn phải là một cảnh phim rất khó vẽ đấy).

Sau đó thì còn chần chờ gì nữa, chúng ta hãy cùng nhau tiến hành vẽ thôi!

5 BƯỚC VẼ BACKGROUND CHO PHIM HOẠT HÌNH 2D

Việc nắm vững 5 bước cơ bản này, tưởng chừng như có thể dễ dàng bị bỏ qua, nhưng lại là vô cùng quan trọng cho việc các background artist trong cùng một dự án có thể đảm bảo sự đồng nhất cũng như chất lượng của các cảnh phim.

Các bạn hãy chuẩn bị sẵn cho mình công cụ và phần mềm phù hợp trước khi bắt đầu nhé!

Bước 1: Vẽ thumbnail

Thumbnail (móng tay cái) – đúng như tên gọi của nó, là một hình vẽ nhỏ bằng… móng tay, qua đó thể hiện một cách rất đơn giản bố cục của cảnh.

Thumbnail có thể được tạo bằng các mảng lớn đơn sắc hoặc bằng đường nét, lựa chọn là ở bạn. Nhưng dù là cách thể hiện nào đi chăng nữa thì bạn cũng chỉ nên dành ít hơn 5 phút cho mỗi thumbnail.

Ý nghĩa của việc vẽ thumbnail, là để background artist có thể thử nghiệm những ý tưởng, bố cục khác nhau cho một cảnh phim. Việc thumbnail được thể hiện rất bé, với những mảng màu đơn sắc, cũng giống như việc nheo mắt nhìn một cảnh phim ở khoảng cách rất xa, để có được những cảm nhận bao quát, tổng thể nhất.

Nếu bạn phân vân giữa nhiều ý tưởng, hãy thể hiện tất cả chúng ra bằng thật nhiều thumbnail, sau đó cân nhắc rồi rút gọn xuống chỉ 1 phiên bản mà bạn thấy ưng ý nhất.

Bước 2: Sketch – Phác thảo

Sau khi đã lựa chọn được cho mình một bản thumbnail với bố cục mà bạn thấy ổn, thì cũng có nghĩa bạn đã sẵn sàng cho bước 2: sketch / phác thảo. Việc tiếp theo rất đơn giản, bạn hãy phóng to thumbnail đó lên bằng kích thước của khung hình muốn vẽ.

Thông thường, tỉ lệ khung hình của một bộ phim là 16:9, với kích thước 1920x1080 pixel, độ phân giải 300 dpi.

Do vậy, để đảm bảo hình vẽ background của bạn có kích thước phù hợp cho một sản phẩm phim hoạt hình, hãy chọn kích thước ít nhất là như vậy. Nếu phim của bạn có tỉ lệ khung hình khác thì hãy vẽ theo tỉ lệ đó, nhưng hãy đảm bảo nó có độ phân giải đủ lớn.

Dựa vào bố cục đã có sẵn, bạn tiến hành phác thảo bằng nét. Nếu phim của bạn đã có storyboard và nhân vật, hãy đặt chúng vào và ướm thử để cân nhắc độ lớn của cảnh, đồ vật (nếu có) so với nhân vật.

Ở giai đoạn phác thảo, bạn có thể sử dụng bất kì loại brush (cọ vẽ) nào mà bạn muốn và hãy thật thoải mái vẽ. Nếu có chỉnh sửa gì thì bạn có thể xóa đi vẽ lại mà không sợ ảnh hưởng tới thẩm mĩ của nét, bạn chỉ cần để ý tới chúng ở bước tiếp theo.

Ở giai đoạn này, việc phân chia layer không là bắt buộc, nếu bạn tự tin về khả năng của mình thì bạn có thể vẽ chúng lên cùng 1 layer cũng được.

Bước 3: Đi nét (Outline)

Một số phong cách background không cần nét viền mà hoàn toàn được thể hiện qua màu sắc. Mặc dù vậy, đối với các phong cách đó thì việc đi nét vẫn là cần thiết, nhưng không cần kĩ và quá chính xác.

Đi nét không chỉ là vẽ lại bức tranh cho trau chuốt mà còn là lúc để bổ sung thêm các chi tiết bị bỏ sót ở công đoạn phác thảo. Để rút ngắn thời gian cho phần đổ màu sau đó, bạn nên khép kín nét của đồ vật, không để khoảng hở.

Việc phân chia layer ở giai đoạn này cũng là một lưu ý quan trọng. Bởi chúng ta không chỉ đang vẽ một bức tranh đơn độc, mà bức tranh còn tương tác với nhân vật và bản thân chúng cũng có thể chuyển động trong cảnh phim (cây cối, mây trời v.v).

Do đó, việc phân chia layer thành từng lớp sẽ giúp các họa sĩ diễn hoạt dễ dàng hơn trong việc kiểm soát các đối tượng ấy.

Các bạn cần chú ý tới độ dày nét: Ở những vật thể gần hơn, ví dụ như tiền cảnh thì nét sẽ có độ dày lớn hơn các vật thể ở xa. Đó là quy luật về phối cảnh mà nếu được áp dụng, sẽ có thể tạo ra những “ảo giác” về không gian xa gần rất thuyết phục.

Mặc dù thế, có nhiều background phim hoạt hình sẽ không có sự khác biệt về độ dày nét, đó là do phong cách phim mà đạo diễn muốn thể hiện.

Khi đã hoàn thiện đi nét, bạn kiểm tra lại một lượt để chắc chắn rằng không bỏ sót bất kì một đối tượng nào. Tiếp đó, ta cùng tiến hành bước thứ 4.

Bước 4: Đổ màu

Quá trình đổ màu được chia làm 3 giai đoạn: color key, màu phẳng, và chi tiết.

a. Color key

Color key là những gam màu chủ đạo cơ bản nhất thể hiện được tông màu của phim/cảnh phim.

Thông thường, trước khi bắt tay vào vẽ bất kì bối cảnh nào thì các họa sĩ sẽ thảo luận với đạo diễn hoặc đạo diễn nghệ thuật để cho ra một bản color key gồm nhiều các phương án màu sắc phim.

Color key giúp đạo diễn có được cái nhìn tổng thể về cảm xúc mà màu sắc đem lại, đồng thời có những điều chỉnh để cảm xúc ấy đúng theo ý nghĩa của câu chuyện.

Để có thẻ lựa chọn được color key phù hợp, các background artist cần phải hiểu rất rõ những hiệu ứng cảm xúc / tâm lý mà màu sắc mang lại. Điều này đặc biệt quan trọng trong điện ảnh, khi màu sắc phù hợp cho một cảnh phim có thể mang lại giá trị gấp nhiều lần lời nói.

Khi đã có color key của toàn bộ phim thì bạn sẽ xem cảnh bạn đang làm nằm ở đoạn nào và có màu chủ đạo như thế nào. Bạn có thể tạo một vài thumbnail color nhỏ để đảm bảo rằng mình đang đi đúng hướng.

b. Đổ màu phẳng

Như đã đề cập ở phần đi nét, nếu bạn khép kín các nét của vật thể thì công đoạn đổ màu này sẽ rất dễ dàng bằng công cụ đổ màu của phần mềm.

Bạn có thể đổ lớp màu phẳng này là đơn sắc, hoặc có màu theo như color key. Nhưng có một vấn đề bạn luôn phải nhớ: Những vật ở gần sẽ có sắc độ đậm hơn các vật thể ở xa (trừ trường hợp cảnh phim là cảnh ban đêm thì ở xa thường tối hơn ở gần).

Đây cũng chính là một thủ thuật khác mà các background artist có thể tạo ra ảo giác về xa gần, giúp cho bối cảnh khung hình có thêm chiều sâu cần thiết.

c. Lên màu chi tiết

Đây là lúc để các lý thuyết về màu sắc và sự phối màu quyết định bức vẽ của bạn sẽ trông như thế nào.

Dựa vào color key, bạn bổ sung chi tiết cho vật thể, các chi tiết này có thể là mặt tối hơn của vật, ánh sáng hắt lên vật, một số hiệu ứng blur, glow v.v.

Nếu bạn không chắc chắn về màu mình thể hiện, hãy tham khảo các background đẹp và học tập cách phối màu từ họ và áp dụng cho tranh của mình.

Bước 5: Thêm hiệu ứng

Thêm hiệu ứng ánh sáng là bước cuối cùng để hoàn thiện một bức background.

Dù bối cảnh là đêm hay ngày (nhất là ban ngày), thì một luồng ánh sáng từ trên hoặc chéo sang là sẽ khiến cảnh phim trở nên “lung linh” hơn. Bạn chỉ cần bổ sung một đến hai lớp sáng hắt xuống để thêm hiệu ứng cho background.

Sau khi đã thêm thắt hiệu ứng ánh sáng, là bức background của bạn đã sẵn sàng được lên phim rồi đó! Hãy gửi bản vẽ đó cho đạo diễn duyệt, trước khi được ghép thêm phần chuyển động của nhân vật trên nền là background của bạn.

KẾT

Để tóm tắt, hãy nhớ 5 bước cơ bản đó là: vẽ thumbnail, phác thảo, đi nét, đổ màu, và thêm hiệu ứng. Với một bộ phim hoạt hình, được tạo thành từ nhiều cảnh phim, hãy cố gắng áp dụng đầy đủ 5 bước cơ bản trên với background của mỗi cảnh, để đảm bảo sự đồng nhất về phong cách vẽ, cũng như hệ thống hóa quy trình sản xuất của bạn.

Phim hoạt hình 2D có lẽ không còn là xa lạ với bất kỳ ai, khi phần lớn thế hệ trẻ đều được lớn lên với Cartoon Network hay Disney Channel. Thế nhưng, nghề làm phim hoạt hình, đặc biệt tại Việt Nam, vẫn còn khá là mới mẻ.

Cũng chính vì lẽ đó, công việc của một background artist cho phim hoạt hình 2D cũng phần nào chưa được tìm hiểu, khám phá, và giới thiệu tới những người yêu bộ môn nghệ thuật này.

Tuy vậy, với chủ đề Background, DeeDee Animation Studio hi vọng với 5 bước cơ bản phía trên, bạn đọc đã có được cái nhìn tổng quan về những công đoạn thực hiện background cho một cảnh phim hoạt hình.

-

DeeDee Animation Studio

www.deedeestudio.net

Chủ đề