Hậu cung tranh sủng truyện review

Đây là những nhận xét mình nhận được từ các bạn độc giả. Đăng lên đây thứ nhất làm kỷ niệm, thứ hai là để tiện xem lại và sửa chữa, hoàn thiện truyện hơn. Mình cảm ơn các bạn đã cho mình những nhận xét vô cùng thiết thực như thế này!

Gửi đến tất cả độc giả có dịp ghé qua blog của mình: Nếu các bạn đã đọc qua truyện Thâm Cung và có thời gian, xin để lại cho mình một vài dòng nhận xét. Tuy mình không có ý định đi theo con đường viết lách chuyên nghiệp nhưng mình thật sự thích viết và mong muốn hoàn thiện bản thân. Nhận xét của các bạn sẽ hỗ trợ cho mình rất nhiều.

Leaf Green:

– Về phần summary, nó làm mình liên tưởng tới “Từ thứ nữ tới hoàng hậu – Phi tử bất thiện” của Hoại Phi Vãn Vãn. Cũng viết về đề tài tranh chấp, đấu đá ở hậu cung, nhân vật chính cũng là đứa con bị gia đình ghẻ lạnh và cũng thầm mến một người khác trước khi vào cung,… Mình không có ý gì nhưng thực sự cho đến chương thứ 9 của truyện thì càng đọc càng nhận ra nhiều nét tương đồng. Có lẽ điều này là một trong những nguyên nhân khiến “Thâm Cung” bị chụp mũ giống ngôn tình.

-Một số ngôn từ sử dụng trong “Thâm Cung” hơi lạm dụng từ Hán Việt cộng với văn phong (đặc biệt ở những đoạn miêu tả ngoại hình nhân vật) bị lậm văn phong của ngôn tình. Ví dụ như đoạn miêu tả nhân vật Liễu thục phi chẳng hạn,

“Liễu Thục phi mặc xiêm y màu lam bó sát cơ thể, tôn lên những đường cong hoàn mỹ. Vai áo trễ xuống để lộ chiếc cổ cao cùng bờ vai nõn nà, còn hơi hé lộ bộ ngực đầy đặn. Đai lưng lụa siết lấy một vòng eo nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn. Mái tóc nàng bới cao hết sức cầu kì, cài đầy trâm vàng quý giá. Dung nhan kiều diễm, mũi cao mi dài, lại thêm khóe môi đỏ thắm cong cong yêu mị.”

Mình cam đoan với bạn là đọc đoạn này không ai nghĩ nó do một tác giả người Việt viết cả. Rất nhiều đoạn khác cũng trong tình trạng tương tự.

-Về tình tiết, mình không có ý kiến gì nhiều nhưng suy nghĩ cá nhân thì mình thấy có sự lặp lại khá rập khuôn theo phần đa những bộ ngôn tình cung đấu. Tình tiết cũng như tuyến nhân vật thực sự đến thời điểm hiện tại vẫn chứ có sự đột phá hay sáng tạo gì nhiều. Nhân vật nữ chính, Chu Đan Nguyệt, mình có chung cảm nhận với Tĩnh Khang là chưa thực sự thống nhất trong tính cách; từ đầu đến cuối Đan Nguyệt luôn có suy nghĩ muốn sống an phận thủ thường không tranh đoạt nhưng tự nhiên đoạn viết về nguy cơ chiến tranh giữa Tùy Khâu với Bách Phượng, cô này lại sợ hãi abc xyz => kết luận phải tranh sủng để sống an phận!???. Rồi sau đó, mặc dù xác định tham gia cung đấu rồi ĐN vẫn cứ mong mỏi an phận??? Đoạn này hơi khó để mình diễn đạt mâu thuẫn, nhưng thực sự khi đọc mình có cảm giác ĐN rất giả tạo. Thà ngay từ đầu, bạn để ĐN nuôi tham vọng trả thù phụ hoàng, trả thù mấy bà phi đã giết mẹ nàng rồi mưu mô tranh đoạt nhằm tiến thân trong hậu cung Bách Phượng còn hơn lý và ấn tượng hơn là xây dựng một hình tượng luôn miệng nói chỉ cần bình an rồi tự dưng tranh sủng này kia theo kiểu bị hoàn cảnh xô đẩy (ở đây bị Liễn Thục phi chèn ép). Từ nhỏ ĐN đã chứng kiến đấu đá tàn nhẫn trong thâm cung, bản thân lại là nạn nhân, mình khó tưởng tượng được lại chỉ có mong ước đơn giản sống bình yên bla blo.

-Cái này ngoài lề thôi, nếu bạn muốn viết một bộ cổ trang cung đấu đúng chất Việt thì bạn nên tìm đọc một số tác phẩm lịch sử trong nước để mở rộng vốn từ, cũng như tìm hiểu thêm phong tục tập quán, lễ nghi phong kiến của Việt Nam (có thể tìm đọc Hồ Qúy Ly, Đêm hội Long Trì,… hoặc nếu đọc được thể loại truyện đồng tính thì tìm đến Áo lụa Hà Bắc – mình cam đoan đây là bộ cung đấu mang 100% chất Việt Nam, mình không quen đọc thể loại truyện viết về đồng tính nên khi đọc toàn mặc định lại giới tính nhân vật trong đầu:)) ). Còn trong trường hợp bạn muốn viết theo dạng ngôn tình TQ thì bạn có thể tìm đọc “Hậu cung Chân Hoàn truyện” của Lưu Liễm Tử, “Đế hoàng phi” và “Phi tử bất thiện” của Hoại Phi Vãn Vãn, “Nữ hoàng” của Sơn Táp (cái này không phải ngôn tình và cách nhìn của tác giả cũng hơi chủ quan),…

Tĩnh Khang:

Tối qua mình đã đọc hết các phần bạn up bên STENT. Review thì mình không dám, chỉ có thể nêu chút cảm giác của mình về “Thâm cung” thôi.

*Về phần giới thiệu, mình có nghĩ đến Mệnh Phượng Hoàng, nhưng qua 9 chương thì mình cảm thấy cốt truyện, mạch chuyện giống với Thượng Cung hơn. Vì Thượng Cung về đề tài cung đấu mãnh liệt hơn ( và chỉ tập trung vào việc các phi tần đấu đá nhau là chính, Mệnh Phượng Hoàng cùng đề tài cung đấu nhưng có bối cảnh rộng hơn, còn cho tới hiện giờ, mình thấy Thâm Cung chưa mở rộng bối cảnh lắm, vẫn còn xoay quanh các vị phi tần là chính )

*Về nội dung, thật sự, mình mới đọc 9 chương đầu, nên chưa khẳng định Thâm Cung sẽ như thế nào, nhưng như mình nói, trong phần đầu này, chưa có cao trào nào gây chú ý, còn về việc bạn sẽ viết gì kế tiếp thì mình không biết, nên nội dung mình không đi sâu vào. :)) . Còn về tính cách nữ chính, mình cảm thấy chưa thống nhất, có thể thấy nữ chính Chu Đan Nguyệt luôn mong mỏi sống an phận (qua những đoạn bạn diễn tả tâm tư nhân vật), mình nghĩ bạn muốn thể hiện một kiểu nhân vật vì hoàn cảnh mà thay đổi, mưu tranh trong hậu cung, nhưng thứ nhất, xuất thân của nhân vật này, từ nhỏ chứng kiến các trò đấu đá, bản thân mẫu phi cũng vì vậy mà chết, thì rất khó hình thành tính cách sống an phận mà không có mưu toan điều gì (đây là chủ quan của mình), theo mình đây là sự mâu thuẫn trong hình thành tính cách nhân vật. Thứ hai, khi Chu Đan Nguyệt biết mình là quân cờ hy sinh của phụ hoàng mình, thì nữ chính lại có suy nghĩ các kiểu (đoạn đối đáp với phụ hoàng) , nhưng lát sau vẫn hướng về an phận thủ thường, chỗ này làm mình thấy Đan Nguyệt mâu thuẫn với chính bản thân. Còn lý do tranh sủng để an phận hình như hơi cưỡng ép, (Mình cũng có đọc ngôn tình, đa phần là cổ trang =)), nên cảm thấy ai càng được ân sủng, càng bị đưa lên đầu sóng chốn hậu cung :)) ) nên mình cảm thấy tư duy của nhân vật khá lạ 😕

*Đây thật sự là ý kiến của cá nhân mình, không biết mọi người có cảm giác như thế nào. À, nếu bạn muốn viết một truyện nội dung cung đấu thuần Việt, bạn nên chú ý cách đặt tên cho nhân vật của mình. Bạn có thể xem sử lược nắm bối cảnh, các sách về văn hóa. Còn trong quá trình miêu tả, kể, mình cảm thấy mấy từ như đậu phụ, ủy khuất không nên có. Có thể chính những từ ngữ này làm người đọc (và mình) thấy nó giống với ngôn tình.

Mình cảm thấy Thâm Cung giống ngôn tình, nhưng mình không ném đá nó, vì đơn giản mỗi người có hứng thú riêng. Bạn hành văn khá suông, mạch truyện đều đặn. Bạn cũng nhận ra những ưu khuyết điểm của mình mà , hy vọng bạn sẽ đạt được mong muốn của bạn