Giới thiệu về một tác phẩm văn học năm 2024

Lịch sử Việt Nam những năm kháng chiến chống Pháp chống Mỹ không chỉ là những chiến công oanh liệt mà còn là thời đại văn học tiêu biểu. Trong những năm tháng ấy, nhà văn cũng là chiến sĩ, cầm bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng vì độc lập tự do của Tổ Quốc. "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê là một tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn đó.

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm đầu tay của nhà văn Lê Minh Khuê, viết năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt. Với tâm hồn nhẹ nhàng tinh tế và sở trường truyện ngắn ngắn gọn, có sức truyền tải nhanh, Lê Minh Khuê đã mang đến cho người đọc những trang viết đặc sắc, mang đậm hơi thở của thời đại.

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” kể về ba nữ thanh niên xung phong: Phương Định, Nho, Thao – tổ trưởng, làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường ở một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Đó là một công việc vô cùng nguy hiểm, lúc nào cũng đối mặt với tử thần. Mặc dù vậy, không bao giờ họ tỏ ra sợ hãi.

Nơi ở của họ là một cái hang dưới chân cao điểm. Cuộc sống dù nhiều khắc nghiệt và hiểm nguy nhưng họ luôn tìm thấy những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản thơ mộng. Đặc biệt, dù mỗi người 1 cá tính họ vẫn gắn bó yêu thương nhau.

Truyện tập trung miêu tả nhân vật chính Phương Định – một cô gái giàu cảm xúc, mơ mộng, hồn nhiên và luôn nhớ về những kỷ niệm với gia đình, thành phố của mình. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã hết lòng lo lắng chăm sóc. Kết thúc câu chuyện là một cơn mưa đá, mang đến niềm vui bất ngờ cho các cô gái.

Nhan đề “Những ngôi sao xa xôi" vừa hay vừa mang ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa ẩn dụ mang tính biểu tượng. "Những ngôi sao xa xôi” gợi nhớ đến hình ảnh những ngôi sao lớn trên bầu trời thành phố quê hương mà Phương Định thường hay nhớ về. Hình ảnh ấy gắn liền với tuổi ấu thơ êm đềm bên gia đình, bên người thân. Nó gửi gắm giá trị nhân văn tốt đẹp, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, những cô gái thanh niên xung phong vẫn giữ được nét hồn nhiên, trong sáng, mơ mộng. Đồng thời cũng thể hiện tình yêu, sự gắn bó với quê hương của các cô gái. Những ngôi sao là phép màu gắn kết họ và quê hương, gắn kết chiến trường Trường Sơn và mọi miền của Tổ Quốc.

Nhan đề ấy còn gợi nên vẻ đẹp lấp lánh của ba cô gái thanh niên xung phong. Họ chiến đấu trên một cao điểm ở liệt ở tuyến đường Trường Sơn, tiêu biểu cho thế hệ thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Năm tháng qua đi, họ sẽ mãi mãi là những ngôi sao lấp lánh trên đỉnh cao Trường Sơn, xa xôi mà gần gũi trong trái tim, sự yêu thương và cảm phục của mọi người, mọi thời đại. Với lý tưởng cao đẹp, tình yêu cuộc sống lớn lao, lòng quyết tâm chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chính là những ngôi sao sáng trên bầu trời Cách mạng. Nhan đề truyện đã góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của truyện: Chủ nghĩa anh hùng và vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng và những phẩm chất cao cả của con người Việt Nam trong chiến tranh yêu nước.

Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Họ chính là những tượng đài bất tử, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Lê Minh Khuê sử dụng vai kể là ngôi thứ nhất với nhân vật kể là nhân vật chính, cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Tác giả hiểu biết và khéo léo miêu tả tâm lý nhân vật, từ đó góp phần thể hiện tư tưởng sâu sắc của tác phẩm.

Có thể nói "Những ngôi sao xa xôi" là tác phẩm tiêu biểu của Lê Minh Khuê, của văn học cách mạng thời kỳ chống Mỹ. Truyện không chỉ tái hiện những mất mát, khắc nghiệt của chiến tranh mà còn ngợi ca vẻ đẹp thế hệ thanh niên Việt Nam "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đáng trân trọng và khâm phục.

Bài mẫu số 2: Giới thiệu về một tác phẩm văn học – Lặng lẽ Sa Pa

Truyện đã khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng trong cuộc sống, Cốt truyện đơn giản, nhân vật được xây dựng qua điểm nhìn của nhân vật khác là một yếu tố đặc sắc của tác phẩm. Qua truyện này, bài học về tinh thần hi sinh, cống hiến cho cuộc sống, cho cuộc đời đã được nhà văn gửi gắm đến người đọc.

Bào làm

Mỗi lĩnh vực trong đời sống đều mang đến cho con người nguồn cảm hứng và những cảm xúc khác nhau. Văn học cũng vậy, nó là lĩnh vực mà khi tiếp cận, con người có thể sống cùng, vui cùng, khóc cùng nhân vật, cảm thụ được những tư tưởng đạo lý mà người nghệ sĩ gửi gắm. Với tôi, có lẽ trong suốt hành trình văn học mà tôi đã trải qua, tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Thành Long, ông là một cây bút chuyên viết về tiểu thuyết và truyện ngắn từ thời kháng chiến chống Pháp. Từng trang văn của Nguyễn Thành Long đều đậm đà chất thơ, giàu ý vị nhẹ nhàng, tình cảm, khiến người đọc như bước vào một thế giới tinh mơ, thanh thảo, bên cạnh đó cũng giàu chất triết lý sâu xa trong từng câu từ. Và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” cũng là một trong số đó.

Tác phẩm là kết quả của chuyến đi Lào Cai thực tế của tác giả vào năm 1970, nó được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972). Với tác phẩm này, nhà văn đã làm nổi bật lên đề tài về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Từ đó, ca ngợi những con người sống và làm việc thầm lặng, cống hiến cho đất nước cho cuộc sống.

Truyện mở đầu bằng hoàn cảnh của chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai với ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ. Ông họa sĩ và cô kĩ sư đã được bác lái xe đã giới thiệu về anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Cuộc gặp gỡ tuy chóng vánh, anh thanh niên đã để lại biết bao ấn tượng cho mọi người. Anh tặng hoa cho cô kĩ sư, pha trà và trò chuyện với họ về cuộc sống và công việc của mình, như sở thích nuôi gà, trồng hoa, làm bạn với công việc. Đặc biệt, khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh thanh niên, anh đã từ chối và giới thiệu với ông những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn. Khi chia tay, ông họa sĩ hứa sẽ quay trở lại còn cô kĩ sư thì thấy xúc động. Người thanh niên đã làm rung động trái tim của những vị khách mới quen.

Truyện được chia làm ba đoạn, với ba sự kiện: Đoạn 1 là việc bác lái xe giới thiệu về anh thanh niên qua lời kể của mình, đoạn 2 là cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư, và đoạn 3 là cuộc chia tay đầy ấn tượng. Song sóng với đó, người đọc có thể cảm nhận được nét vẽ chấm phá rõ nét về cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa và vẻ đẹp con người Sa Pa.

Thiên nhiên Sa Pa đẹp dịu dàng, giàu chất thơ ấm áp với nắng, con đèo, cây hoa tử kinh, rừng, ấy bị nắng xua, các vòm lá ướt sương, “rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.”

Chỉ với một vài nét vẽ cơ bản, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp thơ mộng, thanh thảo, bằng ngôn ngữ trong sáng, đường nét như “mạ bạc”, “nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”, “cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương”. Bức tranh ấy như gợi mở phần nào về con người nơi đây.

Vẻ đẹp con người nơi núi rừng Sa Pa không phải là những vị thần trong truyền thuyết, cũng không phải những người anh hùng lẫy lừng vang danh sử sách muôn đời, họ là những con người âm thầm làm việc, ngày qua ngày. Đó là anh thanh niên mà qua lời kể của bác lái xe là người “cô độc nhất thế gian”, rất “thèm người”, làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm làm bạn với mây mù và cây cỏ, trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Trong ấn tượng của bác hoạ sĩ, đó là người mà “Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”. Người thanh niên ấy có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc cao, tự tìm thấy niềm vui trong công việc của mình; có sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách đáng quý khi tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe, vui sướng khi có khách đến chơi nhà. Và ở anh là sự khiêm tốn và một nếp sống ngăn nắp gọn gàng mà anh tự tạo ra với những thói quen đọc sách, trồng hoa, nuôi gà, ... Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, và chỉ bằng những nét vẽ đơn giản, nhà văn đã khắc hoạ lên một con người giàu ý chí, tinh thần cống hiến, yêu đời, yêu cuộc sống.

Ngoài ra còn có những nhân vật như ông hoạ sĩ, cô kỹ sư, bác lái xe, ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Họ là những nhân vật đã góp phần đem đến những gam màu sắc đa dạng cho câu chuyện.

Truyện đã khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng trong cuộc sống, Cốt truyện đơn giản, nhân vật được xây dựng qua điểm nhìn của nhân vật khác là một yếu tố đặc sắc của tác phẩm. Qua truyện này, bài học về tinh thần hi sinh, cống hiến cho cuộc sống, cho cuộc đời đã được nhà văn gửi gắm đến người đọc.

“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và giàu cảm xúc. Nó xứng đáng là một tác phẩm mà mỗi chúng ta nên đọc và cảm nhận một lần trong cuộc sống.

Bài mẫu số 3: Bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học.

Truyện ngắn lão Hạc xứng đáng là một tác phẩm hay, một tác phẩm đẹp cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đây xứng đáng là một tác phẩm xuất hiện trong tủ sách của mỗi người, bởi nó chứa đựng những giá trị vĩnh viễn, luôn đúng với thời gian. Lão Hạc cùng với nhà văn Nam Cao vẫn luôn in đậm trong tâm trí của người đọc mọi thế hệ.

Bài làm

Nam Cao được biết đến như một nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những tác phẩm của ông phản ánh vô cùng chân thực, sinh động về cuộc sống lúc bấy giờ của con người. Nam Cao gắn liền tên tuổi của mình với những tác phẩm ghi dấu ấn đậm nét trong tâm hồn người đọc như Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn... Và không thể không nhắc đến lão Hạc, một trong những tác phẩm hay viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

Truyện ngắn lão Hạc được đăng báo vào năm 1943, là nội dung một bài học trong chương trình Ngữ Văn 8. Truyện ngắn kể về câu chuyện một nhân vật có tên lão Hạc, có hoàn cảnh rất đáng thương: Vợ lão mất sớm, lão phải sống một mình trong cảnh gà trống nuôi con. Thế nhưng vì mưu sinh, vì cái đói nghèo bủa vây mà con trai cũng bỏ lão mà đi kiếm sống ở đồn điền cao su. Lão Hạc lại sống cuộc sống buồn tủi, cô đơn và chỉ biết làm bạn với cậu Vàng. Niềm vui duy nhất ấy của lão cũng không được trọn vẹn khi lão phải bán đi người bạn thân thiết nhất vì hoàn cảnh. Lão đau đớn, ân hận và vô cùng day dứt vì điều này. Lão cố gắng dành dụm tiền bán mảnh vườn để dành cho con trai và lo chu toàn cho mình sau khi chết vì không muốn làm phiền, liên lụy đến mọi người xung quanh. Lão tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho bản thân mình, cho số phận nghiệt ngã của mình. Cả cuộc đời lão Hạc là một chuỗi những bi kịch. Và đến cuối cùng, lão vẫn phải chịu bi kịch là cái chết đau thương, cay đắng.

Với câu chuyện thấm đượm tinh thần nhân đạo, Nam Cao đã vô cùng thành công khi khắc họa chân dung nhân vật lão Hạc, một người nông dân giàu tình cảm. Điều này được thể hiện rõ qua sự gắn bó, đau xót, tiếc thương của lão khi phải bán đi cậu Vàng. Bên cạnh đó, lão còn là một người cha yêu thương con hết mực, luôn nghĩ cho con và dành dụm cho con. Lão cũng là người có lòng tự trọng. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng không có những suy nghĩ, việc làm trái với lương tâm và cũng không muốn ảnh hưởng, phiền hà đến bất cứ ai.

Bên cạnh thành công về nội dung, truyện ngắn còn gây ấn tượng với người đọc bởi nghệ thuật tác giả sử dụng vô cùng đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Lấy hình ảnh một con người để nói đến một bộ phận người. Ngôi kể của câu chuyện cũng vô cùng khách quan, tạo nên sự hấp dẫn của câu chuyện. Đó còn là nghệ thuật miêu tả chân dụng đặc sắc qua những điểm nhấn chi tiết tạo nên giá trị của chi tiết nghệ thuật. Sự kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo nên sự đa chiều của câu chuyện. Lúc là giọng văn tự sự mẫu mực, lúc lại khiến người đọc rưng rưng xúc động với những xúc cảm do tác giả thể hiện.

Truyện ngắn lão Hạc xứng đáng là một tác phẩm hay, một tác phẩm đẹp cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đây xứng đáng là một tác phẩm xuất hiện trong tủ sách của mỗi người, bởi nó chứa đựng những giá trị vĩnh viễn, luôn đúng với thời gian. Lão Hạc cùng với nhà văn Nam Cao vẫn luôn in đậm trong tâm trí của người đọc mọi thế hệ.

Bài mẫu số 4: Bài mẫu thuyết minh về một tác phẩm văn học – Vội vàng

Người xưa coi thời gian tuần hoàn còn ở đây Xuân Diệu đã đóng góp một cái nhìn đầy mới mẻ: thời gian một đi không trở lại và vì thế, ông tiếc nuối tuổi trẻ của bản thân, tiếc những vẻ đẹp rồi sẽ bị thời gian cuồn đi mất. Những đóng góp mới mẻ của Xuân Diệu khiến ông có một chỗ đứng vững chắc, xứng đáng là ông hoàng của nền thơ Việt Nam lúc bấy giờ.

Bài làm

Có người từng nói, Thơ Mới như một cây nấm lạ trên thân cây là nền văn học hiện đại Việt Nam. Đúng như thế, ra đời trong những năm 1932 – 1945, Thơ Mới thật sự đã đem lại một làn gió mới cho nền văn học, mà nếu như không nhắc tới ông hoàng thơ tình Xuân Diệu lại là một thiếu sót lớn. Xuân Diệu đã khoác lên mình một tấm áo tân kì rồi bước vào thi đàn Việt Nam với tác phẩm "Vội vàng", đem đến cho văn chương một nguồn mĩ cảm dồi dào.

"Vội vàng" được in trong tập "Thơ thơ" (1933 – 1938), xuất bản năm 1938 – thời kì trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi nhân dân ta còn chìm trong ách đô hộ của thực dân Pháp. Đó là một hoàn cảnh lịch sử hết sức phức tạp, khi cái tôi cá nhân của những người sáng tác đang trỗi dậy thì lại gặp phải cảnh nước mất nhà tan, họ không có quyền bộc lộ mình, cho nên nền Thơ Mới giai đoạn này tràn ngập nỗi buồn sầu với nhiều cung bậc khác nhau. Ngay đến thi sĩ Xuân Diệu của chúng ta, một người vốn nổi tiếng với những bản tình ca lãng mạn, với niềm say mê và khát khao giao cảm với đời tha thiết, cũng không giấu nổi nỗi buồn vu vơ hay nỗi ám ảnh về thời gian, về tuổi trẻ. "Vội vàng" là bài thơ thể hiện rõ nhất cảm hứng ấy của ông. Bao trùm bài thơ là trạng thái đắm say đến điên cuồng, một khát khao giao cảm với thời da diết, đằng sau đó ẩn chứa những quan niệm nhân sinh hoàn toàn mới mẻ. Cái tôi của nhà thơ đã ẩn mình trong từng câu từng chữ, biến bài thơ thành một trong những áng thi ca hay nhất trong phong trào Thơ Mới. Bài thơ theo thể thơ tự do được tổ chức theo 3 phần: phần một với 11 câu thơ đầu diễn tả tình yêu tha thiết, mãnh liệt của nhà thơ với thiên nhiên và cuộc sống, phần hai với 18 câu thơ tiếp theo lại đưa người đọc trở về với nỗi ám ảnh, những sự băn khoăn về thời gian và tuổi trẻ trôi đi quá nhanh, phần cuối với các câu thơ còn lại lại thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu đương mãnh liệt. Thể thơ tự do giúp tác giả dễ dàng bày tỏ những cảm xúc riêng tư của mình.

Cả bài thơ là tình yêu cuộc sống, tình yêu đời tha thiết và có ý kiến từng cho rằng Xuân Diệu đã xây dựng được cả một lầu thơ trên mặt đất. Những câu thơ đầy ái tình nồng say như đưa tâm hồn người đọc vào thế giới thơ lãng mạn của ông hoàng thơ tình:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si..."

Khác với các nhà Thơ mới khác, họ không tìm được mối giao cảm với đời nên phải thoát lên tiên, phiêu lưu trong trường tình, đòi "một tinh cầu giá lạnh" hay "một vì sao trơ trọi giữa trời xanh", Xuân Diệu tìm thấy mọi vẻ đẹp ngay trong cuộc sống nơi trần thế để mà giao cảm, để tình tự. Thế nhưng cũng bởi vì quá mê say vẻ đẹp ấy mà ông lại băn khoăn trong nỗi ám ảnh vì thời gian trôi nhanh đến bất ngờ:

"Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Mà tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất những chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời"

Người xưa coi thời gian tuần hoàn còn ở đây Xuân Diệu đã đóng góp một cái nhìn đầy mới mẻ: thời gian một đi không trở lại và vì thế, ông tiếc nuối tuổi trẻ của bản thân, tiếc những vẻ đẹp rồi sẽ bị thời gian cuồn đi mất. Những đóng góp mới mẻ của Xuân Diệu khiến ông có một chỗ đứng vững chắc, xứng đáng là ông hoàng của nền thơ Việt Nam lúc bấy giờ.

Về nghệ thuật, bài thơ cũng đã đạt được một số nghệ thuật đặc sắc. Tiêu biểu nhất có lẽ chính là việc sử dụng ngôn ngữ và sáng tạo hình ảnh thơ. Những từ ngữ tượng hình "xanh rì, cành tơ, ..." làm nổi bật vẻ đẹp trong trẻo, đầy sức sống xuân sắc xuân thì của thiên nhiên đất trời. Những hình ảnh được sử dụng rất đắt, nhất là hình ảnh "ánh sáng chớp hàng mi", ánh sáng được ví nhưng cái chớp mắt đa tình của người thiếu nữ càng tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, đắm say của đất trời vào xuân.

Tóm lại, với một tâm hồn thơ đa cảm, một tài năng nghệ thuật đặc sắc, Xuân Diệu đã góp vào vườn thơ hiện đại Việt Nam một áng thơ được coi là tuyệt mĩ. "Vội vàng" đã trở thành một trong những áng thơ bất hủ, là tượng đài của nền thi ca Việt Nam.

Bài mẫu số 5: Văn mẫu thuyết minh về một tác phẩm văn học – Bình Ngô đại cáo

"Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi là bản anh hùng ca ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta thế kỉ XV. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học, không chỉ lưu giữ những sự kiện lịch sử mà còn lưu truyền lòng yêu nước tự hào dân tộc đến các thế hệ người Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam ngày nay đều hào sảng trước những câu văn hùng hồn: