Giá trị cá biệt là gì

Con người đã trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển. Theo thời gian, đòi sống của con người ngày càng được cải thiện và nâng cao và lẽ tất yếu là nhu cầu của chúng ta cũng ngày càng cao hơn, trong đó có những nhu cầu cơ bản nhất đó là may mặc.

Ngày nay, có rất nhiều các công ty, các doanh nghiệp được mở ra nhằm phục vụ nhu cầu đó và những mặt hàng quần áo cũng được bày bán rất nhiều trên thị trường với đủ mẫu mã, màu sắc, với những mặt hàng nội địa và những mặt hàng từ nước ngoài.

Trên thị trường Việt Nam, mặt hàng quần áo trong nước luôn bị lép vế so với những mặt hàng cùng loại của các nước như Trung Quốc, Thái Lan,… bởi vì giá của một mặt hàng quần áo của chúng ta cao hơn những mặt hàng cùng loại của họ.

Qua bài phân tích sau đây tổng đài Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Từ góc độ lý luận về lượng giá trị hàng hóa của C.Mác hãy đưa ra biện pháp để làm giảm lượng giá trị một đơn vị hàng hóa của một mặt hàng nào đó ở Việt Nam hiện nay”


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Bộ giáo dục và đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
  • Giáo trình triết học Mác-Lênin (dùng trong các trường đại học, cao đẳng), Bộ giáo dục và đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
  • Hỏi – Đáp môn triết học Mác-Lênin, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005

Hàng hóa và hai thuộc tính của hàng hóa

Khái niệm hàng hóa

Hàng hoá là sản phẩm của lao động, có thể thoả mãn những nhu cầu nhất định của con người thông qua trao đổi, mua bán (không gồm những sản phẩm biếu, cho, tặng). Cần phân biệt hàng hoá với sản phẩm: hàng hoá là sản phẩm nhưng chỉ những sản phẩm mà con người đem ra mua – bán, trao đổi với nhau mới là hàng hoá. Hàng hóa được phân thành hai loại: Hàng hóa ở dạng vật thể (hữu hình) và hàng hóa ở dạng phi vật thể (dịch vụ vô hình).

biện pháp làm giảm lượng giá trị một đơn vị hàng hóa ở việt nam hiện nay

Hai thuộc tính của hàng hóa

Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, sản xuất hàng hóa có bản chất khác nhau, nhưng một vật phẩm sản xuất ra khi đã mang hình thái là hàng hóa thì đều có hai thuộc tính cơ bản là giá trị sử dụng và giá trị.

Giá trị sử dụng

Giá trị sử dụng là công dụng hay tính có ích của vật nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Nhu cầu cho tiêu dùng sinh hoạt và nhu cầu cho sản xuất. Ví dụ: Giá trị sử dụng của cơm là để ăn, của máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu là để sản xuất…

Một vật có nhiều công dụng, nhưng người ta không thể phát hiện ra ngay một lúc, mà phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Do công dụng và thuộc tính khác nhau làm cho các hàng hóa khác nhau về chất. Giá trị sử dụng là một phạm trù vĩnh viến. Giá trị sử dụng của hàng hóa có đặc điểm là giá trị sử dụng cho người khác, nên nó là vật mang giá trị trao đổi.

Giá trị

Muốn hiểu được giá trị hàng hóa phải đi từ giá trị trao đổi giữa các hàng hóa với nhau. Giá trị trao đổi của hàng hóa là một quan hệ về số lượng, thể hiện tỷ lệ trao đổi giữa hàng hóa này với hàng hóa khác. Tỷ lệ này thường thay đổi theo thời gian và không gian mà hàng hóa được trao đổi. (Ví dụ: 1 m vải = 10 kg thóc)

Hai hàng hóa khác nhau trao đổi được với nhau, thì chúng phải có một cái gì chung giống nhau. Theo C.Mác: cái chung đó không thể là những thuộc tính tự nhiên của vật được. Nghĩa là không phải là giá trị sử dụng của hàng hóa. Cái chung đó là: chúng đều là sản phẩm của lao động. Chính lao động tiêu hao để sản xuất ra hàng hóa là cơ sở của việc trao đổi, nó tạo ra giá trị của hàng hóa. Vậy, giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất kết tinh trong hàng hóa.

Chất của giá trị là lao động nên sản phẩm nào không có lao động của người sản xuất kết tinh trong đó thì nó không có giá trị. Sản phẩm nào lao động hao phí để sản xuất ra chúng càng nhiều thì giá trị càng cao. Giá trị hàng hóa là biểu hiện quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa. Giá trị là một phạm trù lịch sử, gắn liền với nền sản xuất hàng hóa. Giá trị là nội dung, là cơ sở của giá trị trao đổi, còn giá trị trao đổi chỉ là hình thức biểu hiện của giá trị.

Cơ cấu lượng giá trị của hàng hóa và Thước đo lượng giá trị của hàng hóa.

Giá trị hàng hóa được xét cả về mặt chất và mặt lượng:

– Chất của giá trị hàng hóa là lao động xã hội – lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa hao phí để tạo ra hàng hóa.

– Lượng giá trị của hàng hóa là do lượng lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa đó quyết định. Hao phí lao động thường được tính theo đơn vị thời gian lao động.

Cơ cấu lượng giá trị của hàng hoá gồm 2 bộ phận

+ Bộ phận giá trị cũ (hao phí lao động quá khứ sản xuất ra TLSX – tồn tại trong TLSX được chuyển vào sản phẩm).

+ Bộ phận giá trị mới (hao phí lao động sống hiện tại của người lao động kết tinh trong sản phẩm).

Cách xác định thời gian lao động xã hội cần thiết: Thông thường (thực tế) thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động cá biệt của những người cung cấp đại bộ phận lượng hàng hóa ấy trên thị trường.

Mối quan hệ giữa thời gian lao động xã hội cần thiết và lượng giá trị của hàng hóa:

+ Lượng lao động xã hội cần thiết hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa mới quyết định giá trị xã hội của hàng hóa ấy.

+ Lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa tỷ lệ thuận với lượng lao động hao phí để sản xuất hàng hóa.

Thước đo lượng giá trị hàng hóa

Thước đo lượng giá trị hàng hóa là “thời gian lao động xã hội cần thiết” để sản xuất hàng hóa quyết định (chứ không phải do “Thời gian lao động cá biệt ”) để sản xuất hàng hóa quyết định.

Từ góc độ lý luận về lượng giá trị hàng hóa của C.Mác hãy đưa ra biện pháp để làm giảm lượng giá trị một đơn vị hàng hóa của một mặt hàng nào đó ở Việt Nam hiện nay

Trong thực tế, mỗi chủ thể tham gia sản xuất có thể sản xuất ra cùng một loại hàng hóa với những lượng thời gian lao động khác nhau – tức là lượng thời gian lao động cá biệt của họ khác nhau.

Lượng giá trị cá biệt của một đơn vị hàng hóa được quyết định bởi lượng thời gian lao động cá biệt của chính người sản xuất ra nó, trong khi đó, lượng giá trị xã hội (thường được gọi tắt là lượng giá trị) của một đơn vị hàng hóa lại bị quyết định bởi lượng thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó mà không tính bằng lượng thời gian lao động cá biệt của bản thân người sản xuất ra nó.

Thời gian lao động xã hội cần thiết (còn gọi là thời gian lao động xã hội tất yếu) là lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá trong một điều kiện bình thường, với một trình độ kỹ thuật trung bình, trình độ khéo léo trung bình, cường độ trung bình so với một hoàn cảnh xã hội nhất định. Thời gian lao động xã hội cần thiết là một đại lượng không cố định bởi các yếu tố ảnh hưởng tới nó ở xã hội mỗi nước là khác nhau và thay đổi theo sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Thông thường, thời gian lao động xã hội cần thiết được tính theo trung bình cộng những lượng thời gian lao động cá biệt của những người cung cấp đại bộ phận lượng hàng hóa ấy trên thị trường.

Thời gian lao động xã hội cần thiết = Tổng thời gian lao động cá biệt của những người cung cấp đại bộ phận lượng hàng hoá đó/Tổng lượng hàng hoá do họ sản xuất ra (và nó khác với trung bình cộng tất cả các thời gian lao động cá biệt của tất cả những người cùng sản xuất mặt hàng đó).

Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa

Năng suất lao động

Khái niệm: Năng suất lao động là năng lực sản xuất của lao động, được tính bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đợn vị thời gian hoặc số lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Khi tất cả các điều kiện khác không đổi:

Năng suất lao động cá biệt tăng thì số lượng hàng hoá được sản xuất ra trong cùng 1 đơn vị thời gian tăng; nghĩa là thời gian lao động cá biệt để sản xuất ra 1 đơn vị hàng hoá giảm. Do đó, lượng giá trị cá biệt của một đơn vị hàng hoá giảm. Tăng NSLĐ có ý nghĩa giống như tiết kiệm thời gian lao động.

Như vậy, sự thay đổi của năng suất lao động tác động theo tỷ lệ nghịch đến lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa (nhưng không tác động đến tổng lượng giá trị của tổng số hàng hóa được sản xuất ra trong cùng một đơn vị thời gian).

Các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, tác động theo chiều thuận đến năng suất lao động: Trình độ khéo léo (thành thạo) của người lao động. Mức độ phát triển của khoa học – kỹ thuật, công nghệ và mức độ ứng dụng những thành tựu đó vào sản xuất.Trình độ tổ chức quản lý sản xuất. Quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất. Các điều kiện tự nhiên.

Cường độ lao động.

Bên cạnh yếu tố năng suất lao động, sự thay đổi của lượng giá trị hàng hóa còn phụ thuộc vào cường độ lao động. Cường độ lao động là nói lên mức độ khẩn trương nặng nhọc của người lao động trong một đơn vị thời gian. Cường độ lao động được đo bằng sự tiêu hao lao động trong một đơn vị thời gian và thường được tính bằng số calo hao phí trong một đơn vị thời gian.

Cường độ lao động còn phụ thuộc theo chiều thuận vào: thể chất, tinh thần, kỹ năng, tay nghề, ý thức của người lao động; trình độ tổ chức quản lý và quy mô, hiệu xuất của tư liệu sản xuất.

Khi tất cả các yếu tố khác không đổi: Cường độ lao động tăng thì mức độ hao phí lao động tăng, nên tổng số hàng hóa được sản xuất ra trong cùng một đơn vị thời gian tăng đồng thời và tăng tương ứng với sự tăng của tổng lượng hao phí, do đó lượng hao phí lao động để săn xuất ra một đơn vị hàng hóa không đổi. Vì vậy, lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa không đổi.

Từ đó, sự thay đổi của cường độ lao động không tác động đến lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa (mặc dù nó tác động theo tỷ lệ thuận đến tổng lượng giá trị của tổng số hàng hóa được sản xuất trong cùng một đơn vị thời gian)

Mức độ phức tạp của lao động.

Ngoài năng suất lao động và cường độ lao động, mức độ phức tạp của lao động cũng ảnh hưởng đến số lượng gái trị của hàng hóa. Theo mức độ phức tạp của lao động, có thể chia lao động thành lao động giản đơn và lao động phức tạp.

Lao động giản đơn là lao động mà bất kỳ một người bình thường nào có khả năng lao động cũng có thể thực hiện được. Lao động phức tạp là lao động đòi hỏi phải được đào tạo, huấn luyện thành lao động chuyên môn lành nghề mới có thể tiến hành được.

Trong cùng một đơn vị thời gian lao động như nhau, lao động phức tạp tạo ra được nhiều giá trị hơn so với lao động giản đơn. Lao động phức tạp là lao động giản đơn được nhân gấp bội lên. Để cho các hàng hóa do lao động giản đơn có thể quan hệ bình đẳng với các hàng hóa do lao động phức tạp tạo ra, trong quá trình trao đổi, người ta quy mọi lao đọng phức tạp thành lao động giản đơn trung bình.

Như vậy, lượng giá của hàng hóa được đo bằng thời gian lao động xã hội cần thiết, giản đơn trung bình.

Lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa của mặt hàng quần áo trên thị trường việt nam hiện nay

Lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa của mặt hàng quần áo ở nước ta hiện nay.

Có thể nói quần áo là một mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống của con người từ xưa đến nay. Các quốc gia trên thế giới quốc gia nào cũng có thể tự sản xuất cho thị trường trong nước mặt hàng này, không những thế một số nước còn là nguồn cung cấp chủ yếu cho thị trường tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới, ví dụ nhưng Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…

Đối với Việt Nam, đi lên từ một nước nông nghiệp, với những tập quán canh tác nhỏ lẻ lạc hậu, lại chịu nhiều thiệt hại của chiến tranh nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển. Từ năm 1986, Đảng và nhà nước đã quyết định chính sách đổi mới đất nước và đạt được nhiều thành tựu.

Bên cạnh đó vẫn còn nhều khó khăn trong quá trình phát triển đặc biệt là lao động lành nghề, sản xuất với công nghệ đơn giản, năng suất lao động thấp nên lượng giá trị hàng hóa cao mà giá trị sử dụng lại thấp, không đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như ngoài nước. Đa số mặt hàng quần áo tiêu thụ tại Việt Nam đều nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ví dụ như các mặt hàng quần áo với giá bình dân, cùng 1 chiếc áo sơ mi nhưng nếu có gắn mác “made in Viet Nam” thì giá của nó lại cao hơn nhiều so với 1 chiếc áo được gọi là hàng Quảng Châu Trung Quốc. Hay đơn giản chỉ cần bước vào các cửa hàng có tên Thời trang “made in Vietnam”, chúng ta có thể thấy giá của nó không hề rẻ chút nào so với các mặt hàng quần áo khác được bày bán, mặc dù đôi khi cũng cùng một kiểu dáng, chất liệu.

Hơn nữa thường các mặt hàng quần áo được sản xuất 100% trong nước rất hạn chế về kiểu dáng và chất liệu. Đó là lý do tại sao các mặt hàng nhập khẩu từ các nước khác chủ yếu là Trung Quốc lại chiếm ưu thế trên thị trường tiêu dùng trong nước ta.

Năng suất lao động của Việt Nam đang trong mức báo động, tại buổi Tọa đàm “Năng suất lao động – Giải pháp tăng trưởng” do Báo Lao động tổ chức ngày 14/10, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2013, Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần, Trung Quốc 3 lần,

Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia. Ngoài ra do cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn thấp, trình độ khoa học kĩ thuật kém,… nên lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa được sản xuất rất cao trong khi người tiêu dùng lại ưa chuộng mức giá cả thấp.

Giá trị cá biệt là gì

Nguyên nhân căn bản của thực trạng trên

Lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa của mặt hàng quần áo của nước ta còn cao so với các nước do nhiều nguyên nhân, trong đó năng suất lao động chung hay năng lực sản xuất của công nhân ngành dệt may quần áo của ta còn thấp. Nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của ngành dệt may quần áo còn hạn chế là:

  • Trình độ lao động còn hạn chế: Lao động ngành dệt may hiện nay chủ yếu tự học, tự đào tạo theo phương thức kèm cặp trong các nhà máy xí nghiệp là chính. Chỉ có khoảng 15% lao động trong ngành dệt may có trình độ từ trung cấp trở lên và tình trạng thiếu hụt lao động, mà đặc biệt lao động đã qua đào tạo luôn diễn ra. Hiện nay, khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo không theo kịp. Chuỗi cung ứng nhân lực cho khâu sản xuất may có khá nhiều cơ sở đào tạo nhưng nhân lực cho khâu sợi, dệt, lụa thì rất ít cơ sở đào tạo. TPHCM – nơi tập trung chủ yếu các cơ sở đào tạo lao động ngành dệt may – cũng chỉ có 11 trường đào tạo nhóm ngành dệt may, bao gồm 4 ngành. Hàng năm, chỉ tuyển sinh và đào tạo khoảng 1.900 lao động (trình độ đại học là 200 người). Con số này quá ít so với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhân lực thiết kế thời trang được đào tạo tại Việt Nam hầu hết chỉ có khả năng kinh doanh ở quy mô nhỏ bằng cách tự mở 1-2 cửa hàng thời trang cho riêng mình, chưa đủ khả năng thiết kế và triển khai sản xuất để thương mại hóa với quy mô toàn ngành.
  • Khoa học kỹ thuật chua tiến bộ, việc áp dụng kỹ thuật chưa tốt: hiện nay, sản phẩm may xuất khẩu của Việt Nam có đến gần 70% được xuất theo hình thức gia công và 30% theo hình thức bán gia công. Bởi đội ngũ kĩ sư, công nhân lành nghề để có thể vận hành, quản lý máy móc, thiết bị, tiếp nhận công nghệ còn thiếu và yếu nên việc áp dụng các công nghệ khoa học, kĩ thuật vào sản xuất còn khá hạn chế, vì vậy, năng suất lao động của chúng ta còn thấp so với các nước cùng sản xuất mặt hàng này.
  • Trình độ tổ chức và quản lý: hầu hết cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp Dệt may đều có trình độ đại học hoặc cao đẳng, chuyên môn khá nhưng trình độ quản lý theo phong cánh công nghiệp còn yếu, tiếp cận với phương thức quản lý hiện đại còn ít. Do đó, hiệu quả quản lí vẫn chưa được cao.
  • nước ta là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên rất phù hợp trồng các cây công nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may, tuy nhiên hiện nay, với sự tác động của biến đổi khí hậu thì việc trồng các cây công nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, dẫn đến việc cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp cũng giảm xuống.

Một số giải pháp nhằm giảm lượng giá trị một đơn vị hàng hóa của mặt hàng quần áo ở nước ta hiện nay

Trước hết, sự thay đổi của năng suất lao động tác động đến lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa theo tỷ lệ nghịch, có nghĩa là, muốn giảm lượng giá trị một đơn vị hàng hóa của mặt hàng quần áo, ta cần tăng năng suất lao động để sản xuất ra mặt hàng quần áo ấy.

Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ khéo léo của người lao động, sự phát triển của khoa học kĩ thuật và trình độ ứng dụng tiến bộ của kỹ thuật vào sản xuất, sự kết hợp xã hội của sản xuất, hiệu quả của tư liệu sản xuất và các điều kiện tự nhiên. Cụ thể trong bài như sau:

Thứ nhất, đấy là cần nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động sản xuất ra mặt hàng quần áo. Thực tế cho thấy, đa số người lao động sản xuất ra mặt hàng quần áo đều là nữ giới, tuổi đời còn trẻ, nên dễ dàng học hỏi, tiếp thu nhằm nâng cao trình độ tay nghề.

Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quần áo đang thực hiện quyết định số 39/2008/QĐ-BCT của Bộ Công thương nhằm đảm bảo 70% lực lượng lao động dệt may, sản xuất quần áo được trải qua đào tạo lao động chính quy, trong đó 20% lao động kỹ thuật có trình độ theo hướng chuyên môn hóa, có kỹ năng nghề thuần thục, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ta cần ưu tiên cho phương pháp đào tạo tay nghề tại nơi làm việc, kết hợp với các phương tiện hỗ trợ để đào tạo trong thời gian nghỉ và thời gian rảnh rỗi. Đối với những người lao động mới, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống đào tạo nghề (dạy cách may vá quần áo, cách sử dụng máy móc vào sản xuất) có sự liên kết bền vững với chính doanh nghiệp đó.

Thứ hai, cùng sự phát triển của khoa học kĩ thuật, việc ứng dụng những thành tựu ấy vào sản xuất mặt hàng quần áo cũng nhằm tăng năng suất lao động. Quần áo là một mặt hàng phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên vì năng suất lao động chưa cao, dẫn đến giá cả, mẫu mã phải chịu cạnh tranh lớn từ hàng Trung Quốc, Thái Lan.

Do đó, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất là một điều cần thiết. Hàng loạt kĩ thuật công nghệ cao như công nghệ WASH, công nghệ LEAN hay RFID được sử dụng. Ví dụ như ứng dụng công nghệ WASH vào sản xuất quần jean. Việc ứng dụng công nghệ, hóa chất, thiết bị phù hợp làm cho quần jean bền hơn cũng như mẫu mã đẹp hơn, làm tăng năng suất lao động.

Hay như công nghệ LEAN được công ty TNHH Sơn Tùng jeans áp dụng để rút ngắn thời gian sản xuất. Áp dụng công nghệ Lean các công đoạn được kết nối thông qua dòng chảy liên tục; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tại từng thao tác và công đoạn. Lean sẽ giúp cho việc lập kế hoạch, tính toán chính xác các công đoạn phù hợp với tiến độ sản xuất, từ đó giúp tăng năng suất.

Thứ ba, đó là việc tổ chức quản lí sản xuất. Các công ty sản xuất quần áo cần có sự lựa chọn chính xác về việc tổ chức quản lí sản xuất để thu được năng suất cao nhất. Có nhiều mô hình tổ chức quản lí khác nhau, nhưng một trong những mô hình được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất hiện nay đấy là mô hình Lean, với mục tiêu ít nhân công hơn, ít máy móc hơn, ít vật liệu và chi phí hơn.

Một trong những công ty đã áp dụng thành công mô hình sản xuất này trong việc sản xuất hàng quần áo phải kể đến công ty cổ phần may Việt Tiến (chuyên sản xuất áo sơ mi, quần jean, quần kaki cũng như quần áo vest). Công ty đã áp dụng Lean từ năm 2007. Kể từ khi áp dụng mô hình này, năng suất lao động công ty tăng hơn 30% so với trước.

Thứ tư, đấy là hiệu quả của tư liệu sản xuất. Hiệu quả càng cao thì năng suất lao động cũng tăng lên. Tư liệu sản xuất bao gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động. Tư liệu lao động của sản xuất quấn áo bao gồm nhà xưởng, máy móc( máy may, máy dệt, máy cắt vải tự động,…), công cụ, vật liệu.

Do đó, các doanh nghiệp cần phải không ngừng đổi mới, cập nhật những máy móc hiện đại, vật liệu đang thịnh hành vào sản xuất cũng như giữ cho môi trường nhà xưởng luôn trong lành. Hơn thế, yếu tố người lao động cũng vô cùng quan trọng: bảo đảm tiền lương, xây dựng chế độ phúc lợi, chế độ bảo hiểm y tế phù hợp, khuyến khích tạo môi trường làm việc thân thiện, có như vậy mới đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người lao động tăng năng suất.

Thứ năm, cần tận dụng một cách hiệu quả các yếu tố về tư liệu sản xuất và các điều kiện tự nhiên: nhằm hạ thấp lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa của mặt hàng quần áo thì các doanh nghiệp cần phải biết tận dụng các nguyên liện sẵn có ở trong nước, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu giá rẻ nhưng chất lượng tốt ở trong nước để đưa vào sản xuất mặt hàng quần áo, cần hạn chế việc nhập khẩu các nguyện liệu từ nước ngoài với giá thành cao và chi phí vận chuyển cao,…

Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp cần phải biết tìm vị trí để đặt nhà máy sản xuất quần áo ở nơi thuận tiện, có lợi, như: gần nơi cung cấp nguyên liệu đề giảm chi phí vận chuyển từ chỗ cung cấp nguyên liệu đến nhà máy sản xuất, nơi có giao thông đi lại thuận tiện (gần các trục giao thông quan trọng), gần nơi tiêu thụ (các chợ , các trung tâm thương mại,…)…

Thì có thể làm giảm mức thấp nhất các chi phí sản xuất và vận chuyển. Như vậy, các chi phí sản xuất giảm sẽ đồng nghĩa với việc hạ thấp lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa của mặt hàng quần áo.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Biện pháp làm giảm lượng giá trị một đơn vị hàng hóa ở Việt Nam. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.