Fe2o3 bị khử về fe ở bao nhiêu độ năm 2024

Điện cực sắt đóng vai trò quan trọng trong pin sắt - khí. Việc làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu điện cực này là bước quan trọng để cải thiện dung lượng, hiệu suất phóng - nạp, và giảm giá thành của pin thương phẩm. Phương pháp sol-gel được biết đến là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện để chế tạo vật liệu kích thước nanomet. Trong nghiên cứu này, hạt nano α-Fe2O3 với các hình dạng khác nhau đã được tổng hợp bằng phương pháp sol-gel để làm điện cực âm cho pin sắt - khí. Phép đo đặc trưng điện hóa thực hiện trên điện cực Fe2O3/AB sử dụng các vật liệu nano Fe2O3 tổng hợp được đã chỉ ra kích thước, hình thái học của hạt sắt ảnh hưởng mạnh đến khả năng chu trình hóa của chúng. Tối ưu hóa quy trình chế tạo để thu được kích thước, hình dạng hạt Fe2O3 cho đặc trưng điện hóa tốt nhất đã được thực hiện. Ảnh hưởng của chất phụ gia K2S trong dung dịch điện ly lên đặc trưng điện hóa của điện cực Fe2O3/AB cũng được nghiên cứu.

Đặt vấn đề

Trong thời gian gần đây, xe điện đang được phát triển nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sử dụng xe điện thay thế các phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch sẽ là xu thế tất yếu trên thế giới, góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở nhiều quốc gia. Hiện nay, hầu hết các xe điện đều sử dụng pin Li-ion, loại pin này có chi phí cao, không an toàn và khả năng tích trữ năng lượng của nó đã đạt mức tới hạn [1]. Vì vậy, việc phát triển một thế hệ pin mới thay thế pin Li-ion ứng dụng cho xe điện như pin kim loại - khí, pin rắn, pin kim loại - ion đa hóa trị… đang là nhiệm vụ rất cấp bách. Trong số các loại pin mới này, pin kim loại - khí thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo các nhà khoa học vì chúng có năng lượng lý thuyết cao hơn, chi phí thấp hơn pin Li-ion [2, 3]. Có nhiều loại pin kim loại - khí như pin nhôm - khí, sắt - khí, kẽm - khí, Liti - khí [4-8]… nhưng pin sắt - khí được kỳ vọng hơn cả vì dung lượng lý thuyết cao, tuổi thọ dài, độ ổn định điện hóa cao, an toàn môi trường và chi phí phù hợp do sắt là nguồn vật liệu rẻ, có nhiều trên trái đất [9]. Tuy nhiên, ứng dụng thực tế của pin sắt - khí bị giới hạn bởi tính không ổn định nhiệt động lực học của sắt trong môi trường kiềm [4]. Phản ứng sinh khí hydro xảy ra đồng thời với phản ứng khử Fe(OH)2 trong quá trình nạp, dẫn đến gây mất nước của dung dịch điện ly cũng như làm giảm hiệu suất nạp của pin [10].

Các kết quả nghiên cứu trước đây của nhóm nghiên cứu cho thấy kích thước, hình thái học, hàm lượng của hạt sắt ảnh hưởng mạnh đến đặc trưng điện hóa của điện cực sắt [11-13]. Cụ thể, với cùng tỷ lệ các thành phần trong điện cực, hạt sắt có hình dạng khác nhau, cho các đặc trưng điện hóa khác nhau. Tỷ lệ thành phần các chất cấu thành điện cực cũng ảnh hưởng mạnh đến đặc trưng điện hóa của nó như hạt sắt kích thước nanomet cần lượng chất kết dính nhiều hơn hạt sắt kích thước micromet. Các chất phụ gia cho điện cực như nano các bon và chất phụ gia cho dung dịch điện ly như K2S đều có tác động tích cực đến khả năng chu trình hóa của điện cực sắt, giúp cải thiện dung lượng, năng lượng, hiệu suất của pin sắt - khí [14-16]. Do vậy, việc chủ động tạo ra vật liệu ô-xít sắt có kích thước, hình thái học phù hợp cho ứng dụng làm điện cực âm trong pin sắt khí là rất quan trọng.

Phương pháp sol-gel được biết đến là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện để chế tạo vật liệu có kích thước nanomet cho các ứng dụng khác nhau. Kế thừa, phát triển các kết quả đã đạt được của các nghiên cứu trước [11-15], đồng thời với mong muốn góp phần làm giảm giá thành pin thương phẩm trên thị trường, trong công trình này, chúng tôi sử dụng phương pháp sol[1]gel để chế tạo vật liệu Fe2O3 với kích thước, hình dạng có thể điều khiển cho phù hợp với ứng dụng trong pin sắt - khí nhằm cải thiện khả năng chu trình hóa của điện cực sắt.

Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

Muối Fe(NO3)3.9H2O (Sigma Aldrich) được sử dụng làm nguồn sắt và axit oxalic (C2H2O4.2H2O) (Sigma Aldrich) được sử dụng làm phân tử phối tử (ligand molecules) trong quy trình tổng hợp bột nano α- Fe2O3 bằng phương pháp sol-gel. Trước tiên, muối Fe(NO3)3.9H2O và C2H2O4.2H2O được hòa tan trong 100 ml dung môi ethanol để tạo các dung dịch 0,1 M tương ứng. Tiếp theo, nhỏ dung dịch axit vào dung dịch muối sắt đang được khuấy đều. Hỗn hợp dung dịch sau đó được duy trì ở nhiệt độ 600C cho đến khi gel được hình thành. Trong quá trình này, độ pH của dung dịch được điều chỉnh ở các giá trị khác nhau để thu được các mẫu khác nhau. Các gel này được lọc rửa sạch, sấy khô ở 600C và ủ ở nhiệt độ 4000C hoặc 6000C trong 2 giờ để thu được bột sắt oxit. Danh sách các mẫu chế tạo bằng phương pháp sol-gel này ở các điều kiện khác nhau được thể hiện trong bảng 1.

Cấu trúc hạt α- Fe2O3 chế tạo được được xác định bằng phép đo nhiễu xạ tia X (XRD) và kích thước, hình thái học của chúng được quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM). Để khảo sát đặc trưng điện hoá của vật liệu oxit sắt vừa tổng hợp được, lá điện cực được chế tạo bằng cách nghiền trộn 45% bột α- Fe2O3, 45% chất phụ gia cácbon acetylene black (AB) và 10% chất kết dính polytetraflouroethylene (PTFE; Daikin Co.), sau đó cán mỏng ra với độ dày khoảng 1 mm. Chất phụ gia AB được dùng để làm tăng độ dẫn điện của điện cực composit Fe2O3/AB. Các điện cực Fe2O3/AB được cắt từ lá điện cực thành dạng đĩa tròn mỏng có đường kính 1 cm. Đĩa điện cực sau đó được ép lên vật liệu dẫn dòng là lưới titanium với lực ép khoảng 150 kg/cm2 để gắn chặt điện cực vào lưới titanium. Nghiên cứu ảnh hưởng của chất phụ gia trong dung dịch điện ly K2S được thực hiện với nồng độ K2S 0,01 M.

Các phép đo quét thế vòng tuần hoàn (CV) được thực hiện trên cell 3 điện cực với Fe2O3/AB là điện cực làm việc (WE), Pt là điện cực đối (CE) và Hg/HgO là điện cực so sánh (RE). Dung dịch điện ly là KOH 8 M hoặc KOH 7,99 M + K2S 0,01 M. Các phép đo CV được thực hiện với tốc độ quét 5 mV/s và thế quét trong khoảng từ -1,3 đến -0,1 V.

Kết quả và thảo luận

Cấu trúc tinh thể vật liệu

Để xác định cấu trúc vật liệu oxit sắt tổng hợp được bằng phương pháp sol-gel, phép đo nhiễu xạ tia X được thực hiện, kết quả được biểu diễn trên hình 1. Từ giản đồ nhiễu xạ tia X ta thấy ở các mẫu các đỉnh nhiễu xạ xuất hiện ở các góc 2 θ=24,130, 33,110, 35,610, 40,830, 49,410, 53,990, 57,490, 62,380 và 63,960 thể hiện cho các mặt (012), (104), (110), (113), (024), (116), (018), (214) và (300) tương ứng. Các đỉnh nhiễu xạ này trùng với các đỉnh nhiễu xạ của phổ chuẩn α- Fe2O3 theo JCPDS số 033-0664. Bên cạnh đó, đỉnh nhiễu xạ ở 30,240 và 35,630 trùng với các đỉnh nhiễu xạ của phổ chuẩn γ- Fe2O3 theo JCPDS số 039-1346. Hai đỉnh chính xuất hiện ở 2 θ=33,110 và 35,610, trong đó, đỉnh chính thứ hai ở 35,610 có thể do pha α- Fe2O3 hoặc γ- Fe2O3 và không có đỉnh lạ nào thể hiện tạp chất xuất hiện trong phổ nhiễu xạ. Các đỉnh nhiễu xạ xuất hiện trên giản đồ đều chứng tỏ α- Fe2O3 là pha chính trong vật liệu tổng hợp được. Như vậy, vật liệu α- Fe2O3 đã được chế tạo thành công bằng phương pháp sol-gel và có độ sạch tương đối cao.

Hình thái học vật liệu

Vật liệu Fe2O3 tổng hợp được bằng phương pháp sol-gel ở các điều kiện khác nhau được tiến hành chụp SEM và kết quả thể hiện trên hình 2. Khi pH=3 (hình 2A), nhiệt độ ủ 4000C, hạt Fe2O3 thu được rất nhỏ (cỡ vài chục nanomet) và tương đối đồng đều. Khi tăng pH lên 7 (hình 2B), giữ nguyên nhiệt độ ủ 4000C, hiện tượng hạt kết đám bắt đầu xuất hiện làm kích thước hạt Fe2O3 tăng lên và không đồng đều. Tiếp tục tăng pH lên 11 (hình 2C) và nhiệt độ ủ mẫu không thay đổi, hạt bị kết đám nhiều hơn, kích thước không đồng đều, có những hạt nhỏ vài chục nanmet và những hạt to vài trăm nanomet. Giữ nguyên pH=11 và tăng nhiệt độ ủ mẫu từ 400 lên 6000C (hình 2D) hạt Fe2O3 chuyển thành những mảnh dẹt to hơn, bề mặt trơn nhẵn, kích thước từ vài chục đến vài trăm nanomet.

Hạt Fe2O3 có kích thước, hình dạng khác nhau sẽ thể hiện đặc trưng điện hóa khác nhau. Nói cách khác, kích thước, hình thái học khác nhau của các mẫu Fe2O3 chế tạo ở các điều kiện khác nhau sẽ ảnh hưởng khác nhau đến đặc trưng điện hóa của chúng. Như vậy, bằng việc thay đổi các điều kiện chế tạo mẫu bằng phương pháp sol-gel ta có thể thay đổi được hình dạng, kích thước của hạt Fe2O3 để đạt được đặc trưng điện hóa mong muốn.

Đặc trưng điện hóa

Kết quả đo CV của điện cực Fe2O3/AB sử dụng các mẫu Fe2O3 chế tạo bằng phương pháp sol-gel ở các điều kiện khác nhau trong dung dịch KOH 8 M được thể hiện trên hình 3. Khi quét thế theo chiều tăng từ -1,3 đến -0,1 V và ngược lại, đường CV của tất cả các mẫu pH3 (hình 3A), pH7 (hình 3B), pH11 (hình 3C) và pH11-600C (hình 3D) đều xuất hiện các đỉnh oxy hóa - khử theo chiều phóng - nạp. Các đỉnh oxy hóa xuất hiện ở thế khoảng -1,0 V (a0), -0,8 V (a1) và -0.6 V (a2), trong khi chỉ có một đỉnh khử xuất hiện ở thế khoảng -1,1 V (c2) cùng với đỉnh sinh khí hyđrô theo chiều quét ngược lại. Đỉnh khử sắt Fe(II)/Fe(c1) bị che phủ hoàn toàn bởi đỉnh sinh khí hyđrô (H2) ở các mẫu, ngoại trừ mẫu pH11-600C (hình 3D). Đỉnh a0 xuất hiện do sự hấp phụ nhóm OH- của điện cực sắt tạo thành Fe(OH)ad trước khi xảy ra phản ứng oxy hóa sắt ở đỉnh a1. Cặp đỉnh a1/c1 tương ứng với quá trình oxy hóa - khử của Fe(I)/Fe(II), trong khi cặp đỉnh a2/c2 tương ứng với quá trình oxy hóa - khử của Fe(II)/Fe(III). Đỉnh oxy hóa a2 cao hơn nhiều so với đỉnh a1, chứng tỏ đỉnh a2 bao gồm cả hai quá trình oxy hóa Fe/Fe(II) và Fe(II)/Fe(III). Đó là do lớp thụ động Fe(OH)2 hình thành tại đỉnh a1 gây ra sự tăng quá thế của cặp phản ứng Fe/Fe(II), dẫn đến cả hai cặp phản ứng oxy hóa xảy ra tại đỉnh a2. Dòng điện tại các đỉnh giảm dần theo số chu kỳ quét ở các mẫu pH3 (hình 3A), pH7 (hình 3B), pH11 (hình 3C). Đáng chú ý, ở mẫu pH11-600C (hình 3D), các đỉnh oxy hóa - khử xuất hiện rõ ràng hơn, đỉnh khử c1 tách biệt với đỉnh sinh khí hyđrô và cường độ dòng oxy hóa - khử tăng theo số chu kỳ quét. Điều này chứng tỏ mẫu pH11-600C cho khả năng chu trình hóa tốt hơn những mẫu còn lại.

So sánh đường đặc trưng CV của các mẫu Fe2O3 chế tạo được với nhau ta thấy, mẫu pH11-600C (hình 3D) cho cặp đỉnh oxy hóa - khử a2/c2 cao hơn, rộng hơn các mẫu còn lại. Như vậy, cùng một tỷ lệ thành phần Fe2O3:AB:PTFE=45:45:10%, các mẫu thể hiện đặc trưng điện hóa khác nhau, chứng tỏ kích thước, hình thái học của hạt Fe2O3 chế tạo được đã ảnh hưởng mạnh đến khả năng chu trình hóa của sắt. Quan sát ảnh SEM của các mẫu tương ứng trên hình 2 cho thấy, mẫu pH11-600C (hình 2D) có dạng mảnh dẹt, trong khi các mẫu khác có dạng hình cầu (hình 2A) và dạng hạt tự do (hình 2B, 2C). Các mẫu đều có kích cỡ hạt nanomet nhưng pH11-600C có kích thước hạt lớn hơn các mẫu còn lại. Điều này chứng tỏ, hình dạng và kích thước hạt Fe2O3 ảnh hưởng mạnh đến khả năng chu trình hóa của nó. Trong điều kiện thí nghiệm này, dạng mảnh dẹt của Fe2O3 (mẫu pH11-600C) khi chế tạo điện cực Fe2O3:AB:PTFE=45:45:10% cho đường CV tốt nhất chứng tỏ hình dạng, kích thước này của Fe2O3 là phù hợp nhất. Đó có thể do các mảnh dẹt nano Fe2O3 có bề mặt trơn nhẵn, mỏng khi nghiền trộn với AB sẽ tạo thành điện cực có liên kết giữa các hạt Fe2O3 với AB và giữa các hạt Fe2O3 với nhau chặt chẽ hơn, giúp cho quãng đường dịch chuyển của các điện tử giữa các hạt sắt thuận tiện hơn so với các mẫu khác.

Để khảo sát ảnh hưởng của chất phụ gia K2S đối với điện cực composit Fe2O3/AB, phép đo CV của các mẫu được thực hiện trong dung dịch điện ly KOH+K2S, kết quả được thể hiện trên hình 4. Khi có K2S trong dung dịch điện ly, các đỉnh oxy hóa cao hơn, nhọn hơn và đỉnh khử c1 đã bắt đầu được tách khỏi đỉnh sinh khí H2 ở mẫu có độ pH thấp (hình 4A, 4B) so với mẫu Fe2O3/AB tương ứng trong dung dịch KOH (hình 3). Các đỉnh oxy hóa cao hơn chứng tỏ tốc độ phản ứng oxy hóa của sắt tăng lên, tuy nhiên, cường độ dòng điện vẫn suy giảm dần theo chu kỳ quét. Đối với mẫu pH11 và pH11-600C, các đỉnh oxy hóa dịch dần về phía thế dương hơn, trong khi đỉnh khử dịch dần về phía thế âm hơn, gây nên sự tăng quá thế. Điều này ảnh hưởng không tốt đến quá trình phóng - nạp của điện cực. Tuy vậy, sự có mặt của K2S trong dung dịch điện ly đã có ảnh hưởng tích cực đến khả năng chu trình hóa của điện cực Fe2O3/AB. Đó có thể do ion S2- kết hợp vào mạng oxit sắt và tương tác với Fe(I), Fe(II) hoặc Fe(III) trong lớp màng oxit để kích thích sự phân hủy của sắt [17, 18] và làm tăng độ dẫn điện của điện cực [19-21], do đó cải thiện khả năng chu trình hóa của sắt.

Để thấy rõ ảnh hưởng của chất phụ gia K2S trong dung dịch điện ly đối với điện cực Fe2O3/AB, dung lượng phóng của điện cực được tính toán từ kết quả đo CV của điện cực Fe2O3/AB trong KOH (hình 3) và trong KOH+K2S (hình 4), kết quả được biểu diễn trên hình 5.

Trong dung dịch điện ly cơ bản KOH 8 M (hình 5A), mẫu Fe2O3 chế tạo trong điều kiện pH11-600C cho dung lượng phóng cao nhất và tương đối ổn định sau vài chu kỳ đầu. Khi dung dịch điện ly chứa chất phụ gia K2S (hình 5B), tất cả các mẫu đều cho dung lượng phóng cao hơn so với trong dung dịch điện ly cơ bản KOH 8 M. Kết quả này chứng tỏ ảnh hưởng tích cực của K2S trong dung dịch điện ly đối với khả năng chu trình hóa, dung lượng của điện cực Fe2O3/AB. So sánh dung lượng của các mẫu pH=3, 7, 11 và pH11-600C trong KOH+K2S (hình 5B) ta thấy mẫu pH11-600C vẫn cho giá trị dung lượng cao nhất. Như vậy, đối với các mẫu Fe2O3 tổng hợp bằng phương pháp sol-gel, mẫu Fe2O3 chế tạo trong điều kiện pH11-600C có ưu thế vượt trội hơn cả, thể hiện ở các đỉnh oxy hóa - khử cao hơn, rộng hơn, dung lượng phóng của nó lớn hơn các mẫu còn lại. Điều đó chứng tỏ vật liệu này có tiềm năng ứng dụng làm điện cực âm trong pin sắt - khí.

Một yếu tố quan trọng để đánh giá vai trò của chất phụ gia K2S trong dung dịch điện ly là khả năng khử lượng H2 sinh ra, do vậy lượng H2 sinh ra của các mẫu được tính toán từ phép đo CV (hình 4) ở tất cả các chu kỳ trong dung dịch có và không có S2-, kết quả được biểu diễn trên hình 6.

Các mẫu Fe2O3 chế tạo trong điều kiện pH3 và pH7 có lượng H2 sinh ra trong dung dịch điện ly chứa K2S (hình 6B) nhỏ hơn lượng H2 sinh ra trong dung dịch điện ly không có chất phụ gia (hình 6A), trong khi hiện tượng ngược lại xuất hiện ở các mẫu pH11 và pH11-600C. Kết quả này chứng tỏ, lượng H2 sinh ra đã bị khử phần lớn trong quá trình phản ứng đối với mẫu pH3 và pH7. Đối với pH11 và pH11-600C, do quá thế phản ứng oxy hóa - khử của sắt tăng lên khi có mặt K2S làm cho dòng khử không tách biệt với dòng H2 sinh ra, gây nên sự tăng dòng H2. Hiện tượng này có thể quan sát trên đường CV của mẫu pH11 và pH11-600C (hình 3, 4). Như vậy, ảnh hưởng tích cực của K2S đến đặc trưng điện hóa của điện cực Fe2O3/AB vẫn được thể hiện như: làm tăng tốc độ phản ứng oxy hóa - khử, giảm lượng H2 sinh ra, tăng cường độ dòng điện, dẫn đến cải thiện dung lượng, hiệu suất phóng - nạp của điện cực Fe2O3/AB. Qua các phép đo đặc trưng điện hóa ta thấy, trong số các mẫu Fe2O3 chế tạo được, mẫu pH11-600C có tiềm năng ứng dụng làm điện cực âm cho pin sắt - khí.

Kết luận

Vật liệu Fe2O3 kích thước nanomet với các hình dạng khác nhau đã được chế tạo thành công bằng phương pháp sol-gel. Khảo sát đặc trưng điện hóa của điện cực Fe2O3/AB sử dụng các mẫu Fe2O3 đã tổng hợp được chỉ ra kích thước, hình thái học của hạt sắt ảnh hưởng mạnh đến khả năng chu trình hóa của chúng. Bằng việc thay đổi điều kiện chế tạo, kích thước, hình dạng hạt Fe2O3 có thể điều khiển được để cho đặc trưng điện hóa tốt nhất cho ứng dụng làm điện cực trong pin sạc lại. Sự có mặt của chất phụ gia K2S trong dung dịch điện ly cho thấy ảnh hưởng tích cực của nó đến tính chất điện hóa của điện cực Fe2O3/AB như: làm tăng tốc độ phản ứng oxy hóa - khử sắt, tăng dung lượng của điện cực Fe2O3/AB và giảm lượng H2 sinh ra. Trong số các mẫu α- Fe2O3 chế tạo được bằng phương pháp sol-gel, mẫu nano α- Fe2O3 chế tạo trong điều kiện pH11-600C có tiềm năng ứng dụng làm điện cực âm cho pin sắt - khí.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua đề tài mã số B2021-BKA-03. Các tác giả xin trân trọng cảm ơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hislop Markham (2017), “Solid-state EV battery breakthrough from Li-ion battery inventor John Goodenough”, North American Energy News, The American Energy News. http://theamericanenergynews.com/markham-on-energy/solid-state[1]battery-advance-goodenough.

[2] L. Binder, W. Odar (1984), “Experimental survey of rechargeable alkaline zinc electrodes”, J. Power Sources, 13, pp.9-21.

[3] A. Mukherjee and I.N. Basumallick (1993), “Metallized graphite as an improved cathode material for aluminium/air batteries”, J. Power Sources, 45(2), pp.243-246.

[4] T.S. Balasubramanian, A.K. Shukla (1993), “Effect of metal-sulfide additives on charge/discharge reactions of the alkaline iron electrode”, J. Power Sources, 41, pp.99-105.

[5] B.T. Hang, H. Hayashi, S.H. Yoon, S. Okada and J.I. Yamaki (2008) “Fe2O3-filled carbon nanotubes as a negative electrode for an Fe-air battery”, J. Power Sources, 178(1), pp.393-401.

[6] A.S. Rajan, S. Sampath and A.K. Shukla (2014), “An in situ carbon-grafted alkaline iron electrode for iron-based accumulators”, Energy & Environmental Science, 7, pp.1110-1116.

[7] S.H. Sahgong, S.T. Senthilkumar, K. Kim, S.M. Hwang and Y. Kim (2015), “Rechargeable aqueous Na-air batteries: highly improved voltage efficiency by use of catalysts”, Electrochem. Commun., 61, pp.53-56.

[8] C.A.C. Souza, I.A. Carlos, M.C. Lopes, G.A. Finazzi, M.R.H. de Almeida (2004), “Self-discharge of Fe-Ni alkaline batteries”, J. Power Sources, 132, pp.288-290.

[9] S.U. Falk, A.J. Salking (1971), “Alkaline storage batteries”, Journal of Electroanalytical Chemistry and Interfacial Electrochemistry, 30, pp.139-140.

[10] N. Jayalakshmi, V.S. Muralidharan (1990), “Electrochemical behaviour of iron oxide electrodes in alkali solutions”, J. Power Sources, 32, pp.277-286.

[11] B.T. Hang, S.H. Yoon, S. Okada and J. Yamaki (2007), “Effect of metal[1]sulfide additives on electrochemical properties of nano-sized Fe2O3-loaded carbon for Fe/air battery anodes”, J. Power Sources, 168(2), pp.522-532.

[12] B.T. Hang and D.H. Thang (2016), “Electrochemical properties of Fe2O3 microparticles and their application in Fe/air battery anodes”, Journal of Alloys and Compounds, 655. pp.44-49.

[13] B.T. Hang, T.T. Anh and D.H. Thang (2016a), “Effect of Fe2O3 morphology on the electrochemical properties of Fe2O3/C composite electrode as Fe-air battery anode”, Journal of Nanoscience and Nanotechnology, 16, pp.7999-8006.

[14] T.T. Anh, V.M. Thuan, D.H. Thang, B.T. Hang (2017), “Effect of Fe2O3 and binder on the electrochemical properties of Fe2O3/AB (acetylene black) composite electrodes”, Journal of Electronic Materials, 46, pp.3458-3462.

[15] B.T. Hang and D.H. Thang (2016b), “Effect of additives on the electrochemical properties of Fe2O3/C nanocomposite for Fe/air battery anode”, J. Electroanal. Chem., 762, pp.59-65.

[16] K. Micka, Z. Zabransky (1987), “Study of iron oxide electrodes in an alkaline electrolyte”, J. Power Sources, 19, pp.315-323.

[17] G.P. Kalaignan, V.S. Muralidharan and K.I. Vasu (1987), “Triangular potential sweep voltammetric study of porous iron electrodes in alkali solutions”, J. Appl. Electrochem., 17, pp.1083-1092.

[18] D.W. Shoesmith, P. Taylor, M.G. Bailey and B. Ikeda (1978), “Electrochemical behaviour of iron in alkaline sulphide solutions”, Electrochim. Acta, 23, pp.903-916.

[19] C.A. Caldas, M.C. Lopes, I.A. Carlos (1998), “The role of FeS and (NH4)2CO3 additives on the pressed type Fe electrode”, J. Power Sources, 74, pp.108-112.

[20] P. Periasamy, B.R. Babu, S.V. Iyer (1996), “Electrochemical behaviour of Teflon-bonded iron oxide electrodes in alkaline solutions”, J. Power Sources, 63, pp.79-85.

[21] K. Vijayamohanan, A.K. Shukla and S. Sathyanarayana (1990), “Role of sulfide additives on the performance of alkaline iron electrodes”, J. Electroanal. Chem., 289, pp.55-68.