Evn telecom sáp nhập vào viettel đánh giá vụ việc năm 2024

Nhiều dự báo cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam trong năm 2012 tiếp xu thế sáp nhập, giải thể. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa để có được một thị trường viễn thông thực sự cạnh tranh.

Thị trường không bền vững

Trong năm 2011, việc “ra đi” của EVN Telecom như một lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp về một thị trường viễn thông cạnh tranh hết sức khốc liệt. Câu chuyện “lùm xùm” quanh chuyện mua bán cổ phần của nhà mạng này cuối cùng kết thúc bằng việc Chính phủ quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Viettel.

Bên cạnh EVN Telecom, một số doanh nghiệp viễn thông cũng đang gặp khó trong việc thu hút vốn đầu tư, thu hút khách hàng... Một số khác thì dù đã được cấp giấy phép nhưng vẫn chưa thể tung ra dịch vụ của mình. Điều đó báo hiệu một thị trường viễn thông “đang có vấn đề.”

Tại tọa đàm “Triển vọng Viễn thông Việt Nam năm 2012” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Tiến sĩ Mai Liêm Trực nhận định, 10 năm qua thị trường viễn thông đã có những bước đột phá mạnh mẽ. Giá cước tại Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới và người dân có thể thụ hưởng dịch vụ một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, trong vòng hai năm gần đây, thị trường viễn thông Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững, gây sụp đổ từng bộ phận của thị trường. Sự đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông có phần hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mới ra đời hoạt động khó khăn, có nguy cơ phá sản.

Thực tế cũng cho thấy, một số doanh nghiệp ít thị phần tìm mọi cách để có thể cho ra những gói cước hấp dẫn, phá giá thị trường, gây cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, ngành viễn thông hiện đã ở giai đoạn bão hòa, thậm chí cả việc cạnh tranh về giá. Bộ này sẽ không cho phép các doanh nghiệp ra các gói cước phá giá thị trường.

Cần sắp xếp lại doanh nghiệp

Lấy ví dụ từ việc EVN Telecom về Viettel, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm truyền thông và quan hệ công chúng của VNPT cho rằng thị trường viễn thông có ba giai đoạn: độc quyền - cạnh tranh - bão hòa và suy thoái. Việc sáp nhập trên là đúng với quy luật, bởi với thị trường hiện nay, không cấu trúc lại doanh nghiệp thì khó tồn tại.

Phân tích nguyên nhân, ông Mai Liêm Trực cho biết, dịch vụ điện thoại thuần túy đã tiệm cận bão hòa về mật độ, doanh thu trên các thuê bao giảm khiến doanh nghiệp cũng giảm tái đầu tư.

Ngoài ra, hiện Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp viễn thông khiến việc sử dụng tài nguyên tần số, kho số gặp nhiều khó khăn. Băng thông cấp cho nhiều doanh nghiệp thì việc đầu tư sẽ tăng và giá thành sẽ cao.

Nguyên nhân tiếp theo mà ông Trực đưa ra là hầu hết các doanh nghiệp viễn thông đều là doanh nghiệp nhà nước. Hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam là của nhà nước, 10 năm qua chỉ xã hội hóa được một phần. Bởi vậy, có thể liên tưởng đến câu chuyện của một gia đình có “một ông bố cho các con ăn riêng rồi cạnh tranh với nhau thì chưa thực sự cạnh tranh,” ông Trực nói.

“Khi thị trường không còn tốt như hiện nay, nếu giữ 100% vốn nhà nước thì chắc chắn chỉ còn trụ được 1-2 doanh nghiệp. Trong điều kiện viễn thông 10 năm tới, Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông cần mạnh tay sắp xếp lại doanh nghiệp và chỉ cần 4 doanh nghiệp lớn,” ông Trực khuyến cáo.

Đồng tình, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam chưa cạnh tranh đúng nghĩa vì chủ đạo vẫn là doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng đưa ra nhận định thị trường này sẽ tiếp tục diễn ra xu hướng sáp nhập, giải thể. Và chính quá trình này sẽ làm rõ nét màu sắc của nhà nước, ví dụ như việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel vừa qua…

Cũng theo vị lãnh đạo này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ cương quyết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để có thị trường cạnh tranh hơn./.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp: Điều chuyển EVN Telecom sang Viettel có lợi cho doanh nghiệp, khách hàng, đối tác. - Ảnh: Chinhphu.vn

Xin ông cho biết mục đích của việc điều chuyển Công ty Thông tin viễn thông điện lực từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông quân đội?

Ông Phạm Viết Muôn: Chúng ta đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có yêu cầu trước năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đã đầu tư vào ngoài ngành nghề chính. Việc thoái vốn của các doanh nghiệp có thể tiến hành theo các cách: bán vốn, chuyển giao vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng doanh nghiệp, chuyển giao doanh nghiệp…

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư vào lĩnh vực viễn thông được một thời gian, tuy nhiên hiệu quả hoạt động thấp, kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả lớn. Theo đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), ý kiến của các bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện việc điều chuyển này.

Việc điều chuyển Công ty viễn thông điện lực (EVN Telecom) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông quân đội nhằm các mục đích sau đây:

Một là, cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện, thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2030.

Hai là, phải đảm bảo hoạt động bình thường của Công ty Thông tin viễn thông điện lực, thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác của Công ty.

Ba là, cơ cấu lại để mỗi doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có các tập đoàn kinh tế nhà nước chuyên sâu vào ngành nghề kinh doanh chính với đội ngũ cán bộ am tường kinh tế, kỹ thuật để doanh nghiệp có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn.

Bốn là, khai thác có hiệu quả nguồn vốn, tài sản của Nhà nước đã đầu tư, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động.

Trong quá trình điều chuyển, những tài nguyên của Nhà nước sẽ được đảm bảo và phát huy hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Viết Muôn: Đây là việc điều chuyển nguyên trạng, nghĩa là điều chuyển toàn bộ trụ sở, tài sản, đất đai, các nguồn vốn, công nợ, tổ chức bộ máy, lao động; tài nguyên viễn thông, bao gồm tần số, khối số, tên miền, địa chỉ internet, cơ sở hạ tầng viễn thông; các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác của Công ty Thông tin viễn thông điện lực; chuyển quyền và nghĩa vụ nợ của Công ty Thông tin viễn thông điện lực và các đơn vị có liên quan từ các tổ chức tín dụng, chủ nợ khác sang Tập đoàn Viễn thông quân đội.

Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của Công ty Thông tin viễn thông điện lực không có gì thay đổi, chỉ thay đổi cơ quan đại diện chủ sở hữu cấp trên, trước đây là Tập đoàn Điện lực, nay là Tập đoàn Viễn thông quân đội. Tài nguyên của Nhà nước cấp cho Công ty Thông tin viễn thông điện lực không tăng cũng không giảm, tiếp tục được phát huy.

Như chúng ta đã biết, Tập đoàn Điện lực không chuyên sâu về lĩnh vực viễn thông, không có nhiều kinh nghiệm và năng lực quản trị trong lĩnh vực này, dẫn đến những hậu quả như đã nói. Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông quân đội là một trong những doanh nghiệp viễn thông tốt nhất của Việt Nam, hiện cũng đã đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả. Có nhiều cơ sở để đảm bảo rằng Tập đoàn Viễn thông quân đội sẽ sử dụng có hiệu quả hơn những tài nguyên nói trên so với Công ty Thông tin viễn thông điện lực.

Thưa ông, quyền lợi của khách hàng và các đối tác sẽ được đảm bảo như thế nào trong quá trình điều chuyển?

Ông Phạm Viết Muôn: Tôi khẳng định, quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, các đối tác của Công ty Thông tin viễn thông điện lực vẫn được đáp ứng đầy đủ, ít nhất là như hiện tại và chắc rằng sẽ tốt hơn.

Nhìn rộng ra, việc điều chuyển này có lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, các đối tác và toàn xã hội.

Tôi xin nói thêm, việc điều chuyển này không phải là “chuyện riêng” giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội. Thủ tướng Chính phủ đã giao rất rõ ràng trách nhiệm của các Bộ chuyên ngành.

Cụ thể, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực triển khai thực hiện và xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan trong việc điều chuyển theo quy định của pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Viễn thông quân đội trong việc điều chuyển tài nguyên viễn thông, cơ sở hạ tầng viễn thông và quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác trong hoạt động viễn thông theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát và xử lý theo thẩm quyền các vấn đề tài chính trong việc chuyển giao; thực hiện việc ghi tăng, giảm vốn Nhà nước giữa Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Viễn thông quân đội.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Viễn thông quân đội thực hiện việc tiếp nhận Công ty Thông tin viễn thông điện lực…, bảo đảm duy trì, củng cố, phát triển sản xuất kinh doanh, trả được nợ, có lãi, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn dẫn việc xây dựng và phê duyệt phương án tổ chức lại Công ty Thông tin viễn thông điện lực phù hợp với mô hình tổ chức, chiến lược phát triển của Tập đoàn Viễn thông quân đội.

Có ý kiến cho rằng, việc điều chuyển Công ty Thông tin viễn thông điện lực từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông quân đội sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh. Xin ông cho biết về vấn đề này?

Ông Phạm Viết Muôn: Điều 18 Luật Cạnh tranh quy định: Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.

Tuy nhiên, điều 19 Luật này cũng chỉ rõ, tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 có thể được xem xét miễn trừ trong trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản.

Hơn nữa, sau khi điều chuyển, thị phần của Tập đoàn Viễn thông quân đội nếu cộng cơ học cũng chưa đến 50% thị phần thị trường viễn thông, chỉ ở khoảng 40% gì đó.

Tôi cũng xin nhắc lại, nếu tỷ lệ sau khi điều chuyển là trên 50% thì cũng không có vấn đề gì lớn vì chúng ta cũng sẽ cơ cấu lại để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như đã nói ở trên và phù hợp với pháp luật về cạnh tranh.

Hiện, Việt Nam có 7 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động, 2 doanh nghiệp khác đang chuẩn bị tham gia thị trường. Theo tôi, các quy luật thị trường sẽ tự dẫn đến việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển doanh nghiệp và cần coi đó là chuyện hết sức bình thường. Tôi khẳng định, nếu đi theo hướng này, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ lành mạnh hơn, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Từ việc điều chuyển EVN Telecom sang Viettel, theo ông, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước cần phải tập trung vào những nội dung chính yếu nào nhất?

Ông Phạm Viết Muôn: Chúng ta hiện có 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với tổng số vốn 700.000 tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ 653.000 tỷ đồng. Chính phủ đã xác định tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty là trọng tâm trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Quá trình tái cơ cấu phải được tiến hành theo các nguyên tắc: Một là, không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh; hai là, không ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng, của đối tác; ba là, khai thác tốt nhất nguồn vốn, tài sản đã đầu tư, tài nguyên được giao; bốn là, đảm bảo đời sống người lao động.

Việc tái cơ cấu dự kiến bao gồm các nội dung:

Một là, tái cơ cấu ngành nghề, sản xuất kinh doanh. Trước đây, chúng ta xác định các tập đoàn, tổng công ty sản xuất, kinh doanh đa ngành, có ngành sản xuất, kinh doanh chính. Tuy nhiên, qua thực tế, cho tới nay chúng điều chỉnh các tập đoàn, tổng công ty chỉ làm những lĩnh vực Nhà nước giao. Trong thời gian qua, có hiện tượng các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành nghề chính trong khi năng lực quản lý, trình độ quản trị doanh nghiệp và khả năng tài chính nhìn chung còn yếu kém.

Do đó, các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn đã đầu tư vào ngoài ngành nghề chính.

Tiếp theo, phải đẩy mạnh cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Chỉ những nơi nào phải giữ chi phối mới giữ chi phối. Đối với các đơn vị đã cổ phần hóa mà còn vốn nhà nước, thì phải xác định nơi nào cần giữ, nơi nào không cần giữ thì phải thoái vốn toàn bộ. Các công ty mẹ - tập đoàn kinh tế nếu thuộc loại Nhà nước không giữ 100% vốn thì cũng cổ phần hóa, Nhà nước có thể giữ cổ phần trên 65% hoặc trên 75% vốn, sau đó tính tiếp.

Ba là, tái cơ cấu tài chính. Chúng ta phải xem xét 653.000 tỷ đồng nguồn vốn nhà nước, xác định cụ thể đâu là phần vốn chủ sở hữu, phần vốn vay (trong đó có vay dài hạn, vay ngắn hạn, vay có bảo lãnh…) để từ đó đầu tư, kinh doanh phù hợp, có hiệu quả.

Bốn là, tái cơ cấu quản trị. Hầu hết các tập đoàn được hình thành từ các tổng công ty 91, có tập đoàn được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các tổng công ty 90. Tuy nhiên, mô hình hoạt động giữa Tập đoàn và Tổng công ty không có nhiều khác biệt. Việc tái cơ cấu quản trị nhằm mục tiêu mọi hoạt động của tập đoàn, tổng công ty phải được công khai, minh bạch, được giám sát và có hiệu quả. Đi liền với đó, phải tổ chức bộ máy gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả.

Năm là, tái cơ cấu nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý. Cụ thể, phải đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Sáu là, làm rõ vấn đề quản lý của chủ sở hữu với tập đoàn, tổng công ty. Doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thống nhất quản lý. Tuy nhiên, phải có sự phân công, phân nhiệm hợp lý trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Bộ quản lý tổng hợp, hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp.

Chúng ta cần có cái nhìn tổng thể trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, không chỉ riêng với Công ty Thông tin viễn thông điện lực.

Chủ đề