Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất màu mỡ ở phía Tây Nam Việt Nam, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, còn gọi là miền Tây Nam Bộ, hay gọi tắt là miền Tây. Diện tích khoảng 40.640,7 km2, chiếm khoảng 12,3% diện tích cả nước. Dân số năm 2007 là 17.524.000 người, chiếm khoảng 20,6% dân số cả nước.

Vùng bao gồm 13 đơn vị hành chính trực thuộc trung ương là: tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bến Tre, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

ĐBSCL có bờ biển dài trên 700 km với khoảng 360.000 km2 khu vực đặc quyền kinh tế. Phía Tây Bắc giáp Campuchia. Phía Đông Bắc tiếp giáp Vùng Đông Nam Bộ. Phía Đông giáp biển Đông. Phía Nam giáp Thái Bình Dương. Phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Đây là vị trí thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

ĐBSCL là 1 trong 7 vùng kinh tế của Việt Nam, thế mạnh của vùng là sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2007 đạt 48.754,7 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 1994), dẫn đầu cả nước, chiếm 33,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp quốc gia. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng năm 2007 đạt 52.730,7 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 1994), chiếm khoảng 9,23% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, sau Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng Bằng Sông Hồng.

ĐBSCL là cái nôi của nền văn hoá Óc Eo phát triển rực rỡ vào những năm đầu Công nguyên. Nền văn hoá này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm địa bàn các tỉnh thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất Đông Nam Campuchia. Xã hội Óc Eo là một xã hội phát triển nhiều ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn. Đặc biệt nông nghiệp và thương nghiệp lúc này đã khá phát triển với một loạt chứng cứ như những công trình thủy lợi cổ, kênh rạch vừa tưới tiêu vừa là đường giao thông, sản phẩm thủ công, những đồng tiền kim loại, đồ trang sức, con dấu bằng đá quý, thủy tinh....nhiều sản phẩm có nguồn gốc ngoại nhập. Nền văn hoá này còn để lại nhiều kiến trúc khác nhau như vết tích nhà sàn, những kiến trúc đồ sộ bằng gạch đá lẫn lộn thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng. Các nhà nghiên cứu cho rằng nền văn hoá này là sản phẩm của một nhà nước cổ đại tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ VI ở Đông Nam Á, từng được sử Trung Quốc ghi chép nhiều lần, đó là Vương quốc Phù Nam.

Ngày nay, ĐBSCL được nhiều người biết đến với những cánh đồng cò bay thẳng cánh ở vùng Đồng Tháp Mười, những cù lao bạt ngàn cây trái trên sông Tiền, sông Hậu, là quê hương của con cá ba sa, con tôm sú - những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Người dân miền Tây sống giản dị, chân thành, giàu lòng hiếu khách. Đây cũng là quê hương của loại hình nghệ thuật cải lương đặc sắc.

ĐBSCL nằm tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ (khu vực kinh tế năng động nhất Việt Nam), giáp giới với Campuchia, ba mặt Đông, Nam và Tây có biển bao bọc. Vị thế nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á, Đông Á, Châu Úc và rất gần các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippin, Indonesia...

ĐBSCL nằm trên địa hình bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày, rất thuận lợi phát triển cả giao thông đường thủy và đường bộ. Ngoài ra với bờ biển dài 700 km là nhân tố quan trọng để vùng này phát triển kinh tế biển, du lịch, hàng hải và thương mại.

ĐBSCL có một nền nhiệt độ cao, ổn định trong toàn vùng, trung bình là 280C. Chế độ nắng cao, số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.226 - 2.790 giờ, ít xảy ra thiên tai. Một năm chia làm hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.

Nguồn nước trong vùng được lấy từ 2 nguồn chính là sông Mê Kông và nước mưa. Sông Mê Kông chảy qua ĐBSCL hàng năm đem lại lượng nước bình quân khoảng 460 tỷ m3 và vận chuyển khoảng 150 - 200 triệu tấn phù sa. Việc ĐBSCL hàng năm bị ngập lũ gần 50% diện tích từ 3 - 4 tháng tạo nên một đặc điểm nổi bật của vùng, một mặt là hạn chế lớn đối với canh tác, trồng trọt và gây nhiều khó khăn cho đời sống của dân cư, nhưng mặt khác cũng tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bổ sung độ phì nhiêu cho đất trồng trọt.

Một vấn đề đáng quan tâm là nguồn nước mặt ở ĐBSCL đang bị ô nhiễm. Chất lượng nguồn nước ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm như: sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, nuôi thủy sản thiếu quy hoạch hợp lý. Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp trong vùng phần lớn chưa được xử lý thải trực tiếp ra sông.....Việc ô nhiễm nước đã dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều vùng bị “khát nước” vào những tháng mùa khô. Không chỉ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu mà nước sinh hoạt cũng thiếu. Tình trạng này đã và đang xảy ra từ vài năm gần đây ở ĐBSCL và xem ra ngày càng trầm trọng.

Vùng ĐBSCL được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông, một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích trũng thấp (như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau).

Trong số hơn 4 triệu ha đất đai của khu vực, đất phù sa chiếm khoảng 30%. Đây là nguồn tài nguyên chính để phát triển nông nghiệp. Đất ở ĐBSCL ngoài việc để sản xuất nông nghiệp tạo ra lương thực, còn được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng mang lại hiệu quả cao. Từ lâu, người dân ở đây đã làm nhà xây vách bằng tre, nứa, trát đất nhão, vữa vôi, vữa xi măng, xi măng rơm, trấu và về sau này làm bằng gạch nung. Ngoài ra, ở nhiều tỉnh ĐBSCL rất dồi dào nguồn than bùn dùng để làm chất đốt, như tại Cà Mau, chỉ đào sâu hơn 3 m là ta có thể lấy đất làm than, làm gạch ngói.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, cơ cấu sử dụng đất tại thời điểm 01-01-2007 của vùng như sau: đất nông nghiệp 63,2% - đất lâm nghiệp 8,6% - đất chuyên dùng 5,5% - đất ở 2,7%. Trong những năm gần đây, đất nông nghiệp đang có xu thế giảm dần do quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch - thể thao đang chiếm dần vị trí của các đồng lúa. Nông dân nhiều nơi trong khu vực không còn đất sản xuất trong khi những vùng quy hoạch thì đang bị bỏ hoang, hay tốc độ triển khai rất chậm, dẫn đến tình trạng lãng phí đáng được báo động.


Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Vườn quốc gia U Minh Hạ - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Dưới những ảnh hưởng của môi trường biển và sông, từ lâu ở ĐBSCL đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên rất độc đáo. Đó là hệ sinh thái rừng ngập nước ngọt (Vườn quốc gia Tam Nông, rừng Trà Sư, vùng Đồng Tháp Mười), hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc Gia U Minh Hạ), hệ sinh thái nông nghiệp. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2007, toàn vùng ĐBSCL có 320.900 ha rừng các loại, trong đó có 63.800 ha rừng tự nhiên và 257.100 ha rừng trồng, diện tích che phủ chưa đạt 10% diện tích đất tự nhiên. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2007 đạt 1.005,2 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 1994). Rừng ngập mặn (chiếm cứ trên các bãi bồi phù sa ven biển, lưu vực của cửa sông thông ra biển và các đầm trũng nội địa) chưa đến 100.000 ha, tập trung ở các tỉnh Cà Mau (58.285 ha), Bạc Liêu (4.142 ha), Sóc Trăng (2.943 ha), Trà Vinh (8.582 ha), Bến Tre (7.153 ha), Kiên Giang (322 ha), Long An (400 ha)...Hệ thực vật rừng ngập mặn phổ biến ở vùng ven biển ĐBSCL là các loài mắm trắng, đước, bần trắng, bần chua, vẹt tách, dà quánh, dà vôi, giá, cóc vàng, dừa nước.... Theo số liệu của ngành lâm nghiệp, vùng ĐBSCL có 98 loài cây rừng ngập mặn; ngoài ra ở các hệ sinh thái đất ngập nước có đến 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá và thủy sản. Những số liệu trên cho thấy tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL.

Mặc dù tiềm năng và tài nguyên đa dạng, đặc biệt thiên nhiên ưu đãi giúp ĐBSCL có thể đón khách quanh năm, nhưng lâu nay ngành du lịch của ĐBSCL vẫn được xem là vùng trũng của cả nước. Trong số gần 1,5 triệu khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2008, chỉ có trên 110.000 người đến Cần Thơ (so với 422.000 đến Huế, 315.000 đến Hội An). Điều này cho thấy sức hút của du lịch ĐBSCL chưa đủ lớn đối với du khách nước ngoài.

Trong những năm qua, nhiều cuộc hội thảo quốc tế đã được tổ chức để tìm hướng đi cho du lịch vùng. Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định “ĐBSCL có thể được ví như một khu vườn địa đàng”, nhưng làm thế nào để vực dậy tiềm năng du lịch của vùng vẫn là câu hỏi nhiều năm qua chưa có lời đáp.

Thực trạng yếu kém của ngành du lịch ĐBSCL đã được chỉ ra như: cách làm du lịch kiểu “mạnh ai nấy làm”, sản phẩm du lịch vùng sông nước Cửu Long còn khá giống nhau. Đi đâu cũng chỉ bắt gặp các tour tham quan chợ nổi trên sông, thăm vườn cây ăn trái, xem làng nghề truyền thống, nghe đờn ca tài tử... Các tour du lịch chủ yếu dựa vào địa danh sẵn có, thiếu sự liên hoàn giữa nhiều lĩnh vực như: sinh thái, nghiên cứu khoa học, tham quan làng quê, tìm hiểu văn hóa, lịch sử... Nội dung chương trình đơn điệu, thực hiện hết năm này đến năm khác...Nhiều du khách cho rằng, chỉ cần về một tỉnh là coi như đã đi hết ĐBSCL.

Mỗi năm cả vùng đồng bằng có rất nhiều lễ hội, nhưng hầu như không được khai thác ở khía cạnh du lịch. Nếu lễ hội Vía Bà Chúa Xứ hay cúng Ông Bổn chỉ phù hợp cho khách hành hương, thì lễ hội Okombok hay đua bò ở Bảy Núi tuy hấp dẫn nhưng lại không có khán đài dành cho du khách, còn lễ Hạ Điền và Thượng Điền của cư dân nông nghiệp thì hầu như ít được nhắc tới.

Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của vùng cũng còn rất hạn chế. Đến nay, trong khu vực vẫn chưa có tỉnh, thành phố nào xây dựng được một khu vui chơi giải trí, một trung tâm hội nghị tầm cỡ đủ để phục vụ các cuộc hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế. Các dịch vụ như mua sắm, giải trí, giao lưu chưa đáp ứng được nhu cầu. Mạng lưới giao thông cũng không đồng bộ. Cả khu vực rộng lớn mà chỉ có duy nhất một quốc lộ theo trục dọc, thiếu những tuyến đường ngang đủ tiêu chuẩn nối các tỉnh thành trong vùng. Du khách đến Cần Thơ buộc phải chọn giữa 2 tuyến Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau hoặc An Giang – Châu Đốc – Hà Tiên mà tuyến nào cũng mất thời gian đi nhiều hơn là được tham quan thưởng thức. Khách sau khi thăm nhà công tử Bạc Liêu muốn qua thăm Hòn Phụ Tử phải vượt 300 km đường Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ – Kiên Giang, thay vì nếu có đường ngang từ Bạc Liêu qua Rạch Giá chỉ có 100 km.

Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang là sự bất cập nổi cộm trong lĩnh vực du lịch. Chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) – điểm nhấn duy nhất cho các đoàn tham quan nước ngoài về Cần Thơ hiện nay, càng ngày càng ô nhiễm rác trầm trọng. Nhiều hộ dân sống hai bên sông cứ vô tư vứt rác thải và đổ nước sinh hoạt xuống lòng sông. Ngay cả những ghe thuyền buôn bán trên sông cũng đổ rác trực tiếp xuống sông ngay trước mặt du khách, khiến cho chợ nổi cũng là bãi rác nổi.
Nguồn nhân lực hoạt động trong ngành du lịch cũng kém chất lượng. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, ĐBSCL hiện có không tới 50% cán bộ trong doanh nghiệp du lịch của Nhà nước được đào tạo qua trường lớp, còn khu vực tư nhân tỷ lệ này chỉ chiếm 30%. Thiếu chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch mới, thiếu những hướng dẫn viên giỏi, thiếu nhân viên phục vụ chuyên nghiệp...là những nguyên nhân khiến hầu hết các công ty du lịch lữ hành trong khu vực chưa đủ điều kiện và trình độ đón khách quốc tế trực tiếp từ các công ty nước ngoài, mà chủ yếu chỉ làm công việc “nối tour” cho các doanh nghiệp lữ hành lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Gần đây, ngành du lịch các tỉnh thành ĐBSCL đã có quan tâm đến quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhưng nhìn chung, sự quảng bá còn yếu ớt, rời rạc, chưa có sự phối hợp nên không thể tạo được sức hút, thành công. Mặc dù năm 2008 được chọn là Năm Du lịch quốc gia "Miệt vườn sông nước Cửu Long" nhưng thực chất các tỉnh cũng chưa có hoạt động gì đáng kể để gây sự chú ý cho du khách. Dường như khoản kinh phí hơn 20 tỷ đồng dành cho năm du lịch được Ban tổ chức dành hơn phân nửa cho bốn giờ khai mạc và bế mạc. Thành thử trong năm 2008, từ tuyến điểm đến dịch vụ du lịch ở ĐBSCL, hầu như không có gì thay đổi so với trước.

Trước tình hình đó, ngày 07-06-2008, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã thống nhất thành lập Hiệp hội du lịch ĐBSCL. Mục tiêu của Hiệp hội du lịch ĐBSCL là giúp các doanh nghiệp liên kết với nhau, doanh nghiệp liên kết với chính quyền, doanh nghiệp liên kết với khách hàng để phát triển ngành du lịch. Hy vọng, du lịch toàn vùng sẽ có những bước phát triển đột phá hơn trong thời gian tới.


Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Chùa Vĩnh Tràng - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Mộ Nguyễn Huỳnh Đức - tỉnh Long An

Chùa Vĩnh Tràng - tỉnh Tiền Giang

Nhà cổ Đại Điền - tỉnh Bến Tre

Miếu Văn Thánh - tỉnh Vĩnh Long

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - tỉnh Đồng Tháp

Nhà cổ Bình Thủy - thành phố Cần Thơ

Chùa Dơi - tỉnh Sóc Trăng

Miếu Bà Chúa Xứ - tỉnh An Giang

Chùa Phù Dung - tỉnh Kiên Giang

Chùa Hang - tỉnh Trà Vinh

Tháp cổ Vĩnh Hưng - tỉnh Bạc Liêu


Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Tháp Mười đẹp nhất bông sen - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Vùng Đồng Tháp Mười

Vườn quốc gia U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang

Vườn quốc gia U Minh Hạ - tỉnh Cà Mau

Vườn quốc gia Tràm Chim - tỉnh Đồng Tháp

Vườn cò Bằng Lăng - thành phố Cần Thơ

Đảo Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang

Đảo Hòn Phụ Tử - tỉnh Kiên Giang

Sân chim Vàm Hồ - tỉnh Bến Tre

Chợ nổi Cái Răng - thành phố Cần Thơ

Chợ nổi Long Xuyên - tỉnh An Giang

Chợ nổi Cái Bè - tỉnh Tiền Giang


Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Sầu riêng - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Canh chua cá lóc

Cá rô kho tộ

Lẩu mắm

Bánh xèo

Nem Lai Vung

Bánh pía Sóc Trăng

Bánh tráng Mỹ Lồng

Bánh phồng Sơn Đốc

Bưởi năm roi

Sầu riêng Cái Mơn

Xoài cát Hoà Lộc

Quýt Lai Vung

Vú sữa Lò Rèn

ĐBSCL là khu vực dân cư đông đúc thứ 2 của cả nước, sau Đồng bằng Sông Hồng. Dân số toàn vùng năm 2007 là 17.524.000 người, chiếm 20,6% dân số cả nước. Mật độ cư trú là 432 người/km2, gấp 1,7 lần mật độ bình quân cả nước. Dân cư sinh sống tập trung vùng ven sông Tiền, sông Hậu và thưa hơn ở các vùng sâu xa trong nội đồng như vùng U Minh, vùng Đồng Tháp Mười......

Về quy mô dân số, tỉnh An Giang dẫn đầu khu vực với 2.231.000 người, thấp nhất là tỉnh Hậu Giang với 798.800 người. Về mật độ, thành phố Cần Thơ có mức độ tập trung dân cư đông nhất với 824 người/km2; kế đến là các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre; thấp nhất là tỉnh Cà Mau, chỉ với 233 người/km2. Số dân thành thị năm 2007 là 3.717.000 người, chiếm khoảng 21,2% dân số toàn vùng, điều này cho thấy rõ tính chất nông thôn ở ĐBSCL.

Dân số ĐBSCL năm 2007

Phạm viDân số (nghìn người)Diện tích (km2)Mật độ (người/km2)Cả nước85154,9331211,6257Đồng bằng Sông Cửu Long17524,040604,74321Long An1430,64493,83182Tiền Giang1724,82484,26943Bến Tre1354,12360,25744Trà Vinh1045,82295,14565Vĩnh Long1062,61479,17186Đồng Tháp1672,63376,44957An Giang2231,03536,86318Kiên Giang1075,26348,32699Cần Thơ1154,91401,682410Hậu Giang798,81601,149911Sóc Trăng1283,63312,338812Bạc Liêu819,02584,131713Cà Mau1241,05331,7233

Nguồn: Tổng cục Thống kê - 2007

Theo tài liệu từ các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, dân số ĐBSCL năm 1989 là 14,4 triệu, năm 1999 là 16,13 triệu người. Tỷ lệ tăng giữa 2 cuộc điều tra 1979 và 1989 là 3,02%, giữa 1989 và 1999 là 2,01%, tỷ lệ tăng bình quân (2001 - 2005) là 1,1%. Số người trong độ tuổi lao động (2004) là 9,28 triệu, chiếm 51% dân số, trung bình mỗi năm (2001 - 2005) tăng thêm 300 nghìn. Năm 1996 chỉ có 7,4% số người trong độ tuổi lao động được đào tạo chuyên môn từ sơ cấp trở lên, năm 2000 là 9,8% và 2004 là 14,6%.


Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Cấy lúa trên đồng - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Dân cư sinh sống ở vùng ĐBSCL bao gồm nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có 4 dân tộc chính là: Kinh (Việt), Hoa, Chăm và Khmer. Người Kinh chiếm đại đa số, sống ở hầu hết các nơi trong vùng. Người Hoa tập trung nhiều ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Người Chăm sống chủ yếu ở An Giang. Người Khmer có mặt đông đúc ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang.

- Khi người Việt chưa đặt chân đến vùng đất Nam Bộ thì nơi đây đã có người sinh sống. Tuy nhiên, dân số bản địa còn ít và lớp người này chủ yếu sống bằng nghề nông nên họ chỉ cư trú trên một địa bàn hẹp. Mãi đến thế kỷ XVII, vùng đất này bắt đầu xuất hiện những lớp cư dân mới. Đó là những cư dân người Việt lánh nạn chiến tranh thời các chúa Trịnh - Nguyễn. Họ là những nông dân, thợ thủ công rời bỏ quê cha đất tổ chạy vào đây sinh cơ lập nghiệp.

- Trong lớp cư dân mới đến vào cuối thế kỷ XVII, còn có một số người Hoa từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến (Trung Quốc), mà phần đông là quan, quân nhà Minh không chịu thần phục triều đình Mãn Thanh. “Mùa hè, tháng 5, quan Tổng binh trấn thủ Long môn Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến; quan Tổng binh trấn thủ Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem binh thuyền và gia quyến trên 3.000 người và 50 chiếc thuyền vào hai hải cảng Tư Hiền và Đà Nẵng. Họ tâu xin làm thần bộc nước ta. Họ được như ý và được chỉ định vào định cư trên đất Đồng Nai và Mỹ Tho”. Đến ĐBSCL vào cuối thế kỷ XVII còn có một nhóm người Hoa khác, đó là lực lượng do Mạc Cửu dẫn đầu đến khai phá vùng đất Hà Tiên.

- Người Chăm đến sinh sống ở ĐBSCL vào khoảng thế kỷ XVIII, chủ yếu theo đạo Hồi. Người Chăm ở ĐBSCL sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dệt thủ công và buôn bán nhỏ, nghề nông chỉ là thứ yếu. Sản phẩm thủ công nổi tiếng của họ là thổ cẩm.

- Trước thế kỉ XII, người Khmer và văn hoá của họ giữ vai trò chủ thể ở vùng ĐBSCL. Ngày nay, họ tập trung sinh sống ở 3 vùng môi sinh lớn là: vùng đồng bằng nội địa, vùng phèn mặn ven biển, vùng đồi núi Tây Nam giáp biên giới Campuchia. Người Khmer trước đây ở nhà sàn, nay sống trong các ngôi nhà đất.

Mặc dù ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, nhưng đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào nơi đây còn thấp, chưa bằng bình quân chung của cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2006 ước tính đạt 493 USD (so với bình quân cả nước 729 USD). Cơ sở hạ tầng nhìn chung còn rất yếu kém. Mặt bằng dân trí cũng thấp hơn bình quân chung cả nước. Nhân dân hiện sinh sống trong 3 triệu căn nhà, mà 70% là nhà tạm bợ.
Không thể cứ mãi duy trì những "cái nhất" rất mâu thuẫn và nghịch lý kiểu này ở Đồng bằng Sông Cửu Long: vựa lúa lớn nhất, thủy hải sản nhiều nhất, cây trái phong phú nhất, nhưng đồng thời cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tồi tệ nhất, giáo dục xuống cấp nhất... Cấp thiết phải tiến hành quy hoạch tổng thể cho toàn vùng ĐBSCL bước vào thời hậu WTO và sớm hình thành một Ban chỉ đạo thống nhất đặc trách phát triển thuộc cấp nhà nước cao nhất. Có như vậy thì ĐBSCL mới mong đối đầu được với cuộc khủng hoảng môi trường trước mắt cũng như vực dậy vựa lương thực thực phẩm lớn nhất nước này.

ĐBSCL đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước. Ngành kinh tế chính ở ĐBSCL là nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến. Trong những năm gần đây kinh tế ĐBSCL có những bước khởi sắc đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm dần tỷ trọng Nông - Lâm - Ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng ở khu vực Công nghiệp - Xây dựng và khu vực Dịch vụ). Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp từ 61,8% năm 1995 giảm còn 51,38% năm 2000; 45,9% vào năm 2005 và 44,34% năm 2006. Công nghiệp - Xây dựng từ 11,7% năm 1995 tăng lên 19,5% vào năm 2000 và 23,41% vào năm 2006. Dịch vụ từ 21,3% vào năm 1995 tăng lên 29% vào năm 2000 và lên 32,25% vào năm 2006. ĐBSCL chuyển từ kinh tế thuần nông sang nền kinh tế đa dạng, nông nghiệp chất lượng cao và đang hướng tới nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ.

Một số kết quả đạt được trong năm 2004 như sau:
- Tổng giá trị GDP toàn vùng theo giá cố định 1994 đạt 81,518 ngàn tỷ đồng.

- Thu nhập bình quân đầu người đạt 424 USD/năm
- Cơ cấu GDP chuyển biến tích cực: khu vực I chiếm 48,1%, khu vực II chiếm 21,5% và khu vực III là 30,3%.
- Tăng trưởng kinh tế năm 2004 đạt 11,4%, bình quân giai đoạn 2001 - 2004 đạt trên 10%.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn vùng đạt 75,554 nghìn tỷ đồng. (Năm 2007 đạt 142, 7977 nghìn tỷ đồng, bằng 19,51% của cả nước)
- Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 2.479,2 triệu USD. (Năm 2006 đạt 4,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 3,1 tỷ USD - nhập khẩu 1,1 tỷ USD).
- Sản lượng lúa đạt trên 18,5 triệu tấn, sản lượng cây ăn trái đạt gần 3 triệu tấn.
- Sản lượng thủy sản đạt 1,6 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi đạt gần 450 nghìn tấn, tôm 230 nghìn tấn
(Nguồn số liệu tổng hợp từ Niên giám thống kê các tỉnh, Số liệu kinh tế xã hội 12 tỉnh ĐBSCL - Cục Thống Kê Cần Thơ, Thống kê Lao động Việc làm 2004 - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Niên giám Thống kê cả nước 2004 – Tổng cục Thống kê).

Riêng 6 tháng đầu năm 2008, GDP toàn vùng ĐBSCL tăng 11,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2,05 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, một số tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như Trà Vinh (tăng 64%), Vĩnh Long (tăng 63%). Theo các tài liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và chuyên gia công bố từ năm 1993 trở về trước thì ĐBSCL chiếm 23% GDP cả nước. Nhưng tới năm 1996 Cục Thống kê đánh giá chỉ còn 18,4%. Năm 2000 tiếp tục giảm còn khoảng 17,2%. Các đánh giá gần đây chỉ ở mức 15 - 16%. Như vậy, dù hiện nay ĐBSCL vẫn đứng ở vị trí thứ ba nhưng tỷ trọng đóng góp cho cả nước liên tục suy giảm.




Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Phơi lúa bên đường - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, chiếm đến 33,2% giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước. Trong đó lúa: 51,1% diện tích, 52% sản lượng và 90% lượng gạo xuất khẩu của quốc gia; thủy sản: 57,1% sản lượng và hơn ½ kim ngạch xuất khẩu; cây trái: hơn 50% diện tích và 65% sản lượng.

Cây lúa - cây trồng chủ lực, là sản phẩm chuyên môn hoá cao nhất vùng. Sản lượng lúa cả vùng năm 2007 đạt 18,63 triệu tấn, chiếm 52% sản lượng cả nước, với nhịp độ tăng trưởng hàng năm khoảng 5% (nhanh hơn cả nước khoảng 4,5%/năm), tương ứng với khoảng 0,8 - 1 triệu tấn/năm. Hàng năm lúa gạo của vùng ĐBSCL đóng góp phần lớn vào việc cung ứng cho nhu cầu trong nước và chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Xếp thứ hai sau lúa là thủy sản. ĐBSCL có 8/13 tỉnh thành giáp biển, lại có 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu song song nối các tỉnh với biển Đông, đó là điều kiện rất thuận lợi để nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ cũng như nước ngọt. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt của vùng năm 2007 đạt trên 2,3 triệu tấn, chiếm 57,1% sản lượng cả nước. Nhịp độ tăng trưởng sản lượng thủy sản hàng năm khoảng 8 - 9%/năm (nhanh hơn cả nước khoảng 8%/năm), tương ứng với khoảng 100 - 120 nghìn tấn/năm. Giá trị xuất khẩu thủy sản của vùng chiếm khoảng 60% cả nước. Trong thủy sản nuôi trồng, đáng chú ý nhất là con tôm. Sản lượng tôm ở vùng ĐBSCL chiếm gần 80% của cả nước. Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL.

Trong khi đó, lâm nghiệp không phải là thế mạnh của vùng. Diện tích rừng năm 2007 trên toàn vùng là 320,9 nghìn ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2007 của vùng là 1.005,2 tỷ đồng, chỉ chiếm 15,5% cả nước. Sản lượng gỗ khai thác năm 2007 là 604,8 nghìn m3. Rừng tuy không mang lại giá trị lâm nghiệp lớn, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng hộ, duy trì ổn định sinh thái và giàu tiềm năng du lịch.

Nỗi lo "trúng mùa rớt giá"

Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Điểm tập kết trái cây - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Một thực trạng đáng buồn cho ngành nông nghiệp ở ĐBSCL là mặc dù giá trị sản xuất cao, nhưng người nông dân luôn chịu thiệt thòi. Sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL từ bao nhiêu năm nay vẫn cứ lẩn quẩn trong nỗi lo "trúng mùa rớt giá", làm ăn theo kiểu tự phát. Ðiều này từng diễn ra đối với cây mía, cây ăn trái, giờ thì đến lượt cá tra, cây lúa. Hầu như chưa có một quy hoạch tổng thể nào mang tính khoa học cho sản xuất nông nghiệp trong vùng. Người nông dân ĐBSCL cứ loay hoay sản xuất chạy theo thời giá.

Những năm trước đây, khi trái cây có giá, nhiều đồng lúa được chuyển thành vườn cây ăn trái, để rồi cây trái trúng mùa, cung vượt quá cầu, giá lại rớt. Những năm gần đây, giá lúa lên cao nhiều nông dân đã chặt phá vườn cây ăn trái và rừng tràm để trồng lúa. Nhưng do trồng trọt tự phát, không được hướng dẫn kỹ càng nên sản lượng có tăng, nhưng chất lượng kém, bán không được giá. Dẫn đến tình trạng trong tháng 11-2008, hàng nghìn tấn gạo chất lượng thấp tồn kho, đã được bán tháo với giá chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Câu chuyện về con cá tra cũng là một bài học đáng buồn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL năm 2000 là 1.650 ha, năm 2005 tăng vọt lên 5.000 ha và hiện nay vào khoảng 5.900 ha. An Giang là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn, năm 2007 có 1.000 ha, đến nay đã lên tới 1.600 ha. Thành phố Cần Thơ, từ chỗ ban đầu chỉ vài chục hộ nuôi cá tra, nay diện tích nuôi cá đã lên tới 1.200 ha, riêng huyện Thốt Nốt đã có tới 650 ha nuôi cá. Hiện nay, giá cá tra trên thị trường đang rớt mạnh, nhiều hộ nuôi cá điêu đứng vì thua lỗ. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 06-2008, các doanh nghiệp ở ĐBSCL đã tiêu thụ được trên 67.660 tấn cá tra nguyên liệu trong dân với giá 13.800 - 14.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn nuôi cá tra vẫn giữ ở mức cao, từ 8.000 - 10.640 đồng/kg, đẩy giá thành sản xuất cá tra lên từ 15.000 - 16.400 đồng/kg. Đến ngày 04-07-2008, toàn vùng ĐBSCL còn tồn trên 323.110 tấn cá tra nguyên liệu.

Giá cao, nhưng.....không xuất khẩu

Trong năm 2008, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, nhu cầu lương thực của thế giới tăng mạnh, giá gạo thế giới lên cao. Kẻ đầu cơ trong nước lợi dụng tình hình này để đẩy giá gạo lên cao, tạo cơn sốt lương thực giả vào tháng cuối tháng 4 vừa qua. Chỉ trong vài ngày cuối tuần, giá gạo tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh ĐBSCL đã bị đẩy lên cao hơn 50%, 100% và thậm chí 125% so với vài ngày trước đó. Nhiều thương lái và chủ cửa hàng kinh doanh gạo, chỉ trong 1 ngày đã thu lợi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi người nông dân thì chẳng được gì.

Trước tình hình biến động của thế giới, do lo ngại về vấn đề an ninh lương thực, cũng như không dự báo được sản lượng lúa, đầu tháng 04-2008, Chính phủ Việt Nam đã tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo ngay giữa lúc giá thế giới đang ở mức đỉnh điểm - trên dưới 1.000 USD/tấn. Vụ hè thu trúng mùa, tháng 07-2008, Chính phủ giải tỏa lệnh cấm thì giá gạo thế giới đã sụt giảm mạnh, gạo ngon cũng chỉ bán được 600 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam chào bán chỉ hơn 300 USD/tấn mà vẫn không ký được hợp đồng. Hàng triệu tấn lúa hè thu ở ĐBSCL bị ứ đọng vì không có đầu ra. Người nông dân ĐBSCL chưa kịp cười đã phải khóc. Cười vì vụ hè thu trúng lớn, nhưng khóc vì lúa đầy đồng mà không bán được. Nhiều hộ nông dân đứng ngồi trên chảo lửa bởi vốn vay ngân hàng đã đến kỳ hạn phải trả, giá lúa bán ra không những thấp hơn tổng chi phí sản xuất mà còn thiếu vắng người mua.

Điều đáng nói là cho dù giá xuất khẩu có cao, nhưng trên thực tế thì hạt gạo ĐBSCL đã phải gánh chịu quá nhiều sự chia sẻ cho các bộ phận trung gian. Theo mô hình chung, từ đồng ruộng ra tới bến cảng, hạt gạo đã chịu ít nhất là 4 lần "ăn lời" của bộ phận trung gian, còn người nông dân hưởng lợi không đáng kể. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại các khâu trung gian không cần thiết, công tác dự báo về thị trường, đặc biệt là dự báo về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước. Một số chuyên gia cho rằng, sự phân cấp quản lý nhỏ lẻ hiện nay chính là rào cản khiến công tác dự báo dậm chân tại chỗ. Hiện nay, Chính phủ giao việc quản lý đất đai cho Bộ Tài nguyên Môi trường, quản lý trồng trọt phát triển thì lại là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quản lý về mặt tiêu thụ thương mại là do Bộ Công thương. Nếu ba Bộ này chưa có một cơ chế phối hợp chặt chẽ từ theo dõi, giám sát đất đai đến sản phẩm trồng trọt và thị trường tiêu thụ hàng hóa thì hạt gạo ĐBSCL còn chịu nhiều thua thiệt, người nông dân sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Theo thông tin từ website Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 38.687 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2007, chiếm 11,84% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của một số địa phương cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước như tỉnh Đồng Tháp (50%), tỉnh Hậu Giang (38%), tỉnh Trà Vinh (34%), tỉnh Tiền Giang (32%). Hai địa phương đạt giá trị sản lượng công nghiệp lớn của vùng ĐBSCL là tỉnh Kiên Giang (tăng 62%), thành phố Cần Thơ (tăng 56%).

Theo thống kê đến thời điểm tháng 04-2008, ĐBSCL có 151 khu công nghiệp (KCN) tập trung, trong đó 26 KCN được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các KCN đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 1.029 triệu USD và vốn đầu tư trong nước khoảng 15.820 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại hội thảo “Phát triển Khu công nghiệp - Khu chế xuất vùng ĐBSCL - Triển vọng và thách thức” tổ chức tại tỉnh Long An vào cuối tháng 03-2008, có rất nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch, phát triển KCN của vùng đang dần lộ ra những bất cập. Làm gì để KCN phát triển bền vững là bài toán hóc búa đang đặt ra cho các địa phương trong vùng.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2007, tổng doanh thu các doanh nghiệp trong KCN vùng ĐBSCL đạt trên 1,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu được gần 590 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động. Hiện nay, các dự án đầu tư vào KCN tập trung ở lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản. Do quá cần đầu tư, nên các tỉnh trong vùng chỉ quan tâm đến việc thu hút đầu tư, lắp đầy diện tích cho các khu công nghiệp mà không gắn kết giữa quy hoạch với bảo vệ môi trường. Những dự án bị cấm triển khai ở các nước, khu vực khác thì bị “đẩy” về các tỉnh ĐBSCL, và trong cơn khát đầu tư, các tỉnh trong vùng đã dễ dàng chấp nhận. Mặc dù vậy tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp các KCN trong vùng mới đạt 33,5% và có khu chỉ mới sử dụng 5%. Theo Quyết định 1107/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: đến năm 2010 quy hoạch phát triển KCN vùng ĐBSCL lên đến 31.500 ha và năm 2020 khoảng 50.000 ha, trong đó 50% diện tích thuộc địa bàn tỉnh Long An.

Tỉnh Long An là địa phương thu hút đầu tư mạnh nhất ở vùng ĐBSCL. Tỉnh hiện có 17 KCN, tổng diện tích quy hoạch gần 7.258 ha. Trong đó, có 8 KCN đang hoạt động. Hiện nay, Long An đang thu hút những dự án di dời từ thành phố Hồ Chí Minh hoặc không còn thích hợp với mục tiêu thu hút đầu tư của Vùng Đông Nam Bộ. Do những địa phương này đang “kén” nhà đầu tư, nên phần lớn những dự án di dời có công nghệ lạc hậu và sử dụng nhiều lao động. Tại thành phố Cần Thơ, theo Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, trong quí I - 2008, đã tiếp trên 30 đoàn doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tuy nhiên do chưa có nguồn “đất sạch”, nên chỉ thu hút thêm 8 dự án mới, tổng vốn hơn 81 triệu USD. Hiện nay, các KCN của thành phố có 162 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 961 triệu USD. Trong đó, 117 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quí I - 2008, tổng doanh thu đạt ngoài 220,8 triệu USD. Trong khi đó, các tỉnh khác trong vùng thu hút đầu tư không đáng kể.

Hiện nay, các tỉnh đang gặp khó khăn do chi phí giải phóng, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng cho các KCN. Bình quân để được 1 ha đất công nghiệp hoàn chỉnh, tỉnh Long An phải đầu tư 8 tỷ đồng, thành phố Cần Thơ khoảng 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một vấn đề. Nguồn nhân lực ở ĐBSCL tuy dồi dào, nhưng chất lượng và trình độ lao động thấp, lực lượng này chủ yếu sử dụng trong những lĩnh vực cần nhiều lao động phổ thông như may mặc, thủy sản, da giày..., còn ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao rất khó kiếm lao động. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn hiện nay của nhiều địa phương. Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo vệ sinh môi trường đang là vấn đề lớn đặt ra cho nhiều KCN trong vùng. Các chuyên gia nhận định: “Triển vọng phát triển KCN của ĐBSCL rất lớn, nhưng nếu không có giải pháp xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm sẽ dẫn đến nguy cơ về môi trường rất khó lường trong tương lai gần. Cần phải giải quyết tốt quy hoạch phát triển gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường trên tất cả cấp độ, ngành và địa phương".

Những năm gần đây, nhất là từ sau khi gia nhập WTO, ngành Thương mại - Dịch vụ của vùng đã có những bước phát triển đáng kể, tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của vùng, chiếm 34,3% trong năm 2007. Theo thông tin từ website Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2008, lĩnh vực Dịch vụ của vùng ĐBSCL diễn ra khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng đạt 77.455 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2007. Thu ngân sách Nhà nước đạt 9.558 tỷ đồng, bằng 59,8% dự toán năm 2008.
Thành phố Cần Thơ sẽ là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống phân phối hàng hóa ở Cần Thơ đang dần khẳng định vị thế trung tâm phân phối hàng hóa của ĐBSCL. Nhiều nhà sản xuất, phân phối lớn đang phát triển thương hiệu và hệ thống bán hàng tại Cần Thơ như một bước xây dựng “tổng hành dinh” để mở rộng kênh phân phối ra thị trường khu vực ĐBSCL. Với vị trí trung tâm của ĐBSCL, thành phố Cần Thơ sẽ còn thu hút nhiều thương hiệu lớn đến làm ăn. Đó là cơ sở vững chắc để đưa ngành thương mại, dịch vụ phát triển theo đúng định hướng - trở thành trung tâm phân phối hàng hoá của vùng.

Để tăng cường phát triển dịch vụ, ĐBSCL đang tập trung nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Chính phủ đã tăng nguồn vốn đầu tư cho ĐBSCL với hàng loạt công trình mang tầm quốc gia như: sân bay quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, nhà máy Nhiệt điện Ô Môn, nâng cấp quốc lộ 1A, cầu Rạch Miễu, cầu Vàm Cống… và hàng loạt tuyến quốc lộ dọc ngang được nâng cấp, khôi phục cũng sẽ tạo cho vùng dáng dấp và nhiều cơ hội phát triển mới.


Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Cầu Rạch Miễu đang được xây dựng

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ - trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã đưa ra nhận định: “Nếu chúng ta can đảm nhìn thẳng vào thực tế thì sẽ thấy rằng ngoài thế mạnh về nông nghiệp và vị trí địa lý thì ĐBSCL không còn thế mạnh nào đáng kể! ”. Như vậy, ĐBSCL cần tận dụng những thế mạnh này như thế nào để phát triển cùng cả nước trong những năm tới?

Nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL cần triển khai phát triển kinh tế theo hướng:
1. Phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thâm canh dựa trên lợi thế của từng tiểu vùng; hình thành các vùng cây chuyên canh có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày. Phát triển mạnh các cây trồng làm nguyên liệu công nghiệp và chế biến thức ăn gia súc.
2. Phát triển nuôi trồng thủy sản (gắn với hệ thống thủy lợi đa mục tiêu) và tăng cường chế biến nông, thủy sản. Kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái từng khu vực, trước hết là vùng rừng ngập mặn ven biển, Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau, vùng ngập nước Đồng Tháp Mười.
3. Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp vừa và nhỏ. Sớm khai thác tiềm năng khí vùng biển Tây Nam để phát triển công nghiệp khí - điện - đạm. Phát triển có hiệu quả các khu công nghiệp, vận tải biển. Tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và chất lượng hàng nông thủy sản xuất khẩu, vật liệu xây dựng, phát triển mạnh công nghiệp cơ khí phục vụ nông - ngư - nghiệp.
4. Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái, sông nước, đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, giao thương quốc tế. Xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ để làm đầu mối, động lực cho toàn vùng. Xây dựng một số trung tâm thương mại cấp tỉnh...
5. Đầu tư lớn cho đào tạo nhân lực, đổi mới máy móc, thiết bị, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Để làm được những điều đó trước hết ĐBSCL cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở:
1. Hệ thống giao thông thủy bộ: cần tập trung hoàn chỉnh giao thông nông thôn, tới tận vùng sâu vùng xa; hình thành các tuyến trục dọc nối ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ; nâng cấp tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Mở rộng, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng sông, nhất là sân bay quốc tế Trà Nóc tại Cần Thơ.
2. Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ nhu cầu các hộ dùng nước: trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dân sinh, phục vụ mở rộng sản xuất công nghiệp theo hướng đa dạng hóa.
3. Phát triển mạng lưới cấp nước sạch, điện sản xuất, sinh hoạt, viễn thông. Xây dựng nhiều loại hình đô thị, hoàn chỉnh các cụm tuyến dân cư tại vùng lũ để 200.000 hộ vào đây sinh sống an toàn, ổn định.
4. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, nhanh chóng nâng cao mặt bằng dân trí; đẩy mạnh đào tạo nghề và đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ cao. Nâng cấp và thành lập một số trường đại học, thành lập thêm một số trường cao đẳng, phấn đấu đến năm 2010 đạt mức ngang bằng với các vùng khác về giáo dục, đào tạo.
5. Tập trung giải quyết tốt những vần đề bức xúc về xã hội, trước hết là bảo vệ môi trường đất, nước, không khí để bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho nhân dân; tạo việc làm, bài trừ tệ nạn xã hội, xoá đói giảm nghèo; hiện đại hóa các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, huyện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu về ung bướu, phụ sản, tim mạch... tại Cần Thơ.

Ẩm thực là khái miệm chung nói về việc ăn và uống. Văn hoá ẩm thực bao gồm cả cách chế biến, bày biện và thưởng thức từng món ăn, thức uống, từ đơn giản, đạm bạc đến cầu kỳ mỹ vị. Văn hoá ẩm thực vùng ĐBSCL mang nhiều nét của một miền quê sông nước. ĐBSCL đâu đâu cũng đất rộng sông dài, nơi nào cũng có kênh rạch, ao hồ chằng chịt...lắm cá nhiều tôm. Không chỉ có sông, mà còn có rừng, có biển, nguồn tài nguyên nông - lâm - thủy sản dồi dào.

Do đặc điểm địa hình và sinh hoạt kinh tế, ĐBSCL đã định hình nền văn minh sông nước, ở đó nguồn lương thực - thực phẩm chính là lúa, cá và rau quả. Văn hoá ẩm thực ĐBSCL, nhìn ở một phương diện nào đó, là kết quả của con người ứng xử trước môi trường tự nhiên. Đó cũng chính là cách con người tận dụng và cải tạo môi trường tự nhiên để làm phong phú cuộc sống của mình.

Người dân ĐBSCL quan niệm về ăn uống như sau:

- Ăn để sống chứ không phải sống để ăn.
- Ăn theo thuở ở theo thời.
- Ăn coi nồi ngồi coi hướng.
- Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm...

Mặc dù quan niệm là ăn để sống, nhưng người dân miền Tây cũng chú ý đến chất lượng món ăn và thay đổi khẩu vị. Cùng một nguyên liệu chính, họ có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ví dụ như từ con cá lóc, người ta có thể chế biến thành các món: cá lóc kho tộ, canh chua cá lóc, cháo cá lóc, cá lóc nướng trui, cá lóc hấp, khô cá lóc, mắm cá lóc.....Hay như cũng là canh chua, nhưng người ta có thể thay đổi khẩu vị bằng cách nấu với bông điên điển hay bông so đũa, hoặc thay cá lóc bằng cá linh. Chả thế mà có câu ca:

Canh chua điên điển cá linh,
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon.

ĐBSCL rộng lớn như vậy, mỗi một vùng lại có đặc sản riêng. Ở đâu, người ta cũng thích ứng được để có thể sống chan hoà với tự nhiên

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về bưng ăn cá, về đồng ăn cua.

Hay:
Muốn ăn bông súng cá kho,
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.

ĐBSCL là nơi chung sống của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Cho nên, về phương diện văn hoá – tín ngưỡng, vùng đất này có sự pha trộn, giao thoa lẫn nhau. Tuy vậy, ở mỗi dân tộc, về một phương diện nào đó, đều lưu giữ lại những nét riêng của mình. Mỗi dân tộc có một số món ăn đặc trưng. Canh chua, cá kho tộ, lẩu mắm... là những món ăn đặc trưng của người Việt. Bún nước lèo, bún mắm, canh xiêm lo... là đặc trưng của người Khmer. Người Hoa thì có các món: heo quay, vịt tiềm, vịt khìa, canh thuốc bắc, hột vịt muối... Nhưng có thể nói sự phân chia chỉ mang tính chất lý thuyết, bởi trong thực tế, các món ăn này không có giới hạn rõ ràng giữa các dân tộc. Trong số các món ăn vừa kể trên, hầu hết người Hoa, người Việt, người Khmer ở Nam bộ đều ăn như nhau. Trong cộng đồng người Việt, Khmer, Hoa cũng có một số khác biệt về khẩu vị trong cách chế biến thức ăn: người Hoa thích ăn thịt hơn ăn cá, ăn nhiều mỡ heo, ít ăn canh chua hơn canh mẳn, thích cá biển mặn chưng thịt; người Khmer thích ăn canh xiêm lo nêm mắm bò-hóc thay vì canh chua... nhưng do quá trình cộng cư kéo dài từ đời này sang đời khác, mối giao lưu chung chạ càng khắng khít nhau hơn, nên các món ăn cũng dần dần chuyển hoá giống nhau. Cả ba dân tộc này ở Nam Bộ ngày nay hầu hết đều thích mắm, cá kho...

Nhiều món ăn của dân tộc này, sau khi qua tay dân tộc khác, lại trở nên độc đáo và hấp dẫn hơn. Bún nước lèo của người Khmer là một ví dụ. Món này vốn là đặc trưng của người Khmer nhưng được cả người Việt và người Hoa ưa thích. Bún nước lèo được chế biến từ tôm, cá nấu nhừ, rồi rỉa bỏ hết xương, nêm vào nước lèo sả, ớt, củ ngải bún được giã nhuyễn, sau đó nêm mắm bò-hóc vào cho đậm đà. Ăn kèm với món này là các loại rau húng nhủi, húng quế, hẹ, bắp chuối... Nhưng khi bún nước lèo này qua tay những thợ nấu người Việt thì các nguyên liệu của nó không được giữ nguyên như cũ, mà nó đã được thêm bớt cho phù hợp với cái “gu” của mình: người Việt lại cho thêm tép bóc vỏ, thịt heo quay và một số loại rau khác. Ngược lại món canh chua là đặc sản của người Việt. Người Việt nêm món này bằng me, chanh, hay khế để tạo vị chua. Đến tay các phụ nữ Khmer, họ dùng lá giang - một loại lá phổ biến ở vùng Bảy Núi An Giang để nêm vào, thì ngay cả người Việt ăn qua cũng thích. Đến lượt người Hoa, khi họ thay nguyên liệu cá bằng thịt gà và kết hợp với lá giang của người Khmer thì lại tạo thành một món ăn độc đáo mà ngay cả người Sài Gòn cũng chuộng.


Tây Nam Bộ là vùng sông nước kênh rạch chằng chịt. Địa hình sông nước và đồng bằng cộng với khí hậu nắng nóng và gió mùa đã hình thành ở người dân nơi đây một đặc trưng tính cách riêng, mà các nhà nghiên cứu gọi là tính sông nước.

Tính cách này được thể hệ qua thói quen di chuyển bằng xuồng, nhà ở gần kênh rạch. Nguồn thực phẩm hằng ngày của người dân nơi đây cũng từ thủy sản là chủ yếu. Từ cá, người ta chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau (luộc, kho, chiên, nướng, hấp, nấu chua, nấu ngọt, làm gỏi, làm chả, làm khô, làm mắm...).

Tính sông nước còn được thể hiện ngay trong nhận thức của người dân miền Tây. Ngôn ngữ ĐBSCL rất giàu các từ ngữ chỉ các sự vật, khái niệm liên quan đến nước mà trong tiếng Việt toàn dân không có, như: rạch, xẻo, láng, xáng, lung, bung, bưng, bàu, đìa (nơi chứa nước); cù lao, cồn, bãi, bưng, biền, trấp (vùng đất có nước bao quanh); rong, nhửng, ương, giựt, ròng (sự vận động của nước); ghe, xuồng, tam bản, vỏ lái, tắc ráng (phương tiện vận chuyển)...

Sông nước trở thành cơ sở, hình ảnh để diễn đạt tính cách con người. Trong khi người Việt miền Bắc nói chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo thì người Việt ở Nam Bộ nói: Hãy cho bền chí câu cua, Dầu ai câu trạch, câu rùa mặc ai. Người con trai Nam Bộ tỏ tình: Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu, Anh thấy em nhỏ xíu anh thương. Để giãi bày tình cảm của mình, người con gái Nam Bộ nói: Chiếc thuyền kia nói có, chiếc ghe nọ nói không, Phải chi miếu ở gần sông, Em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi.

Tính cách này có nguồn gốc từ tính tổng hợp và đặc trưng thiên về âm tính của truyền thống văn hóa dân tộc, đặt trong bối cảnh nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận tiện. Tính cách này được thể hiện qua mấy đặc điểm sau:

- Sự chung sống hài hoà giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer.

- Các tôn giáo khác nhau vẫn tôn trọng nhau và cùng tồn tại với mật độ cao nhất nước như: đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, đạo Bà-la-môn, đạo Hồi, đạo Hoà Hảo, đạo Cao Đài.

- Sự dung nạp nhiều tính cách trái ngược nhau với biên độ khá rộng: Làm thì làm chết thôi, chơi thì chơi xả láng. Thương thì thương mút mùa, ghét thì ghét mãn kiếp. Khi không ưng thì cạy miệng cũng không nói, lúc đã thuận tình thì mở gan ruột cho xem.

Được thể hiện qua các đặc điểm sau:

- Dễ thay đổi cách sống: Nhiều người dân miền Tây sẵn sàng chấp nhận từ bỏ quê hương đến những vùng đất mới để hy vọng được đổi đời.

- Dễ thay đổi chỗ ở: Văn hoá Nam Bộ đánh giá cao những con người bản lĩnh, dám chấp nhận di chuyển: Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai đã từng.

- Dễ thay đổi nghề nghiệp: Ra đi gặp vịt cũng lùa, Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu; Ra đồng gặp vịt thì lùa, Gặp cướp thì đánh, gặp chùa thì tu.

Người miền Tây rất quý trọng nghĩa, chữ nghĩa đối với họ đôi khi còn quan trọng hơn cả chữ tình. "Hết tình còn nghĩa", đó là quan điểm sống của họ. Tính trọng nghĩa khinh tài khiến người miền Tây coi nhẹ tiền tài, của cải vật chất: Theo nhau cho trọn đạo trời, Dẫu không có chiếu trải tơi mà nằm.

Một biểu hiện nữa của tính trọng nghĩa là tính hiếu khách. Do trọng nghĩa, hào hiệp, lại được thiên nhiên ưu đãi, trong khi lại đất rộng người thưa nên người miền Tây rất hiếu khách. Khách đến chơi nhà, có món gì ngon là lôi cả ra tiếp đãi, lúc khách về còn ra vườn chặt chuối, hái dừa cho khách xách theo.

Biểu hiện tiếp theo của tính trọng nghĩa là tính thẳng thắn, bộc trực. Người dân ĐBSCL nghĩ sao nói vậy, không quá giữ kẽ, quanh co úp mở, vòng vo. Họ yêu trung ghét nịnh; phò trung phạt nịnh; phò chánh trừ tà; ân oán phân minh. Người Nam Bộ có tác phong rõ ràng, dứt khoát: nói như rựa chém xuống đất; làm ra làm, chơi ra chơi; làm thì làm tới chết bỏ, còn ăn chơi thì phải xả láng mới đáng mặt.

- Tính thiết thực biểu hiện ở việc trọng nội dung hơn hình thức: Người miền Tây ăn, mặc, ở, tư duy...đều rất mộc mạc, giản dị, không cầu kỳ.

- Trong giao tiếp, người dân ĐBSCL thích diễn đạt một cách cụ thể và sinh động: kéo cái rẹc, tát cái bốp, quá trời quá đất, hết chỗ chê, hết biết luôn...; giàu hình ảnh: bồ nhí, hết xí quách (kiệt sức), mát trời ông địa, tùm lum tà la, ba trợn ba trạo, hết trơn hết trọi.....

- Người miền Tây thích hài hước, nhẹ nhàng hơn triết lý sâu xa. Thích nói xạo, nói dóc, nói trạng đơn giản nhẹ nhàng kiểu chuyện ông Ó, chuyện bác Ba Phi....chứ không thâm thúy như chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn Bắc Bộ.

- Người miền Tây sống thực tế, tới đâu hay tới đó, làm đủ ăn, có bao nhiêu xài bao nhiêu. Ngay cả tiêu chuẩn chọn chồng cũng vừa phải: Củi khô dễ nấu, chồng xấu dễ xài.


Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Cầu ván đóng đinh - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

ĐBSCL là không gian của sông ngòi kênh rạch. Đây là một vùng đất cửa sông giáp biển, chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, khí hậu hai mùa mưa nắng. Sông ngòi điều hoà thuận lợi cho giao thông đường thủy. Một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống giao thông ở đây là  cầu. Từ xưa, người dân ĐBSCL tận dụng vật liệu sẵn có trong vùng như tre, dừa, tràm, đước...v.v để tạo ra những chiếc cầu bắc qua bờ mương, con rạch. Những cây cầu như thế được gọi là cầu tre, cầu ván, cầu dừa, cầu khỉ...Mãi đến những năm sau này, thời Pháp thuộc, người Pháp mới cho xây dựng những cây cầu làm bằng xi măng (còn gọi là cầu đúc) hay bằng sắt (còn gọi là cầu sắt).
- Cầu khỉ: là loại cầu sử dụng những vật liệu đơn sơ, nhỏ bé (chủ yếu là tràm), bắc tạm bợ qua các con mương, con rạch. Loại cầu này rất khó đi, người ở vùng khác đi không quen có thể bị té ngã bất cứ lúc nào. Ngày nay, cầu khỉ vẫn còn khá phổ biến tại các vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL.

- Cầu ván đóng đinh: là loại cầu bắc qua các con kênh rộng vài ba chục mét trên trục lộ liên xã, liên ấp nên thường có mố trụ tương đối vững chắc đỡ dầm dọc, dầm ngang và có mặt ván bằng phẳng để đi.

- Cầu tre lắt lẻo: là loại cầu đơn giản, thô sơ, bắc tạm bợ bằng mấy cây tre đóng chéo, buộc chụm lại làm trụ, một vài cây tre khác được gác dọc qua các đầu trụ làm thân cầu. Loại cầu này thường có tay vịn để giữ thăng bằng.

Trong văn hoá của người miền Tây, cây cầu là biểu tượng của đường đời. Qua cầu là vượt qua khó khăn, thử thách. Ý nghĩa biểu tượng có lẽ cũng bắt nguồn từ thực trạng này. Chẳng thế mà có câu ca dao:

Dí dầu cầu ván đóng đi

Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời

ĐBSCL được xem là vùng có hạ tầng giao thông kém so với mặt bằng chung của cả nước. Với một hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, giao thông đường thủy chiếm vai trò tuyệt đối trong vùng. Vận tải bằng đường sắt chưa có, đường bộ thì chưa hoàn chỉnh, đường hàng không quốc tế vẫn trong giai đoạn xây dựng. Tất cả những bất cập này đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của vùng. Các nhà đầu tư “ngán ngẩm” mỗi khi di chuyển trên những cung đường gập ghềnh. Hàng hoá xuất khẩu thì phải trung chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh vì thiếu cảng biển quốc tế.

Nếu như trên cả nước việc vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ chiếm 70% thì ở các tỉnh ĐBSCL ngược lại, vận tải thủy chiếm tới 70% và đường bộ chỉ khoảng 30%. Nhằm tạo điều kiện cho ĐBSCL khai thác và phát huy tiềm năng kinh tế của vùng, cách đây hơn 10 năm, tháng 08-1997, Chính phủ đã phê duyệt dự án nâng cấp 2 tuyến đường thủy nội địa phía Nam. Tuyến thứ nhất từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau dài 332 km. Tuyến thứ hai từ thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang dài 230 km. Hai tuyến này có chung đoạn từ thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho dài 72 km trên kênh Chợ Gạo. Ngoài phần nạo vét luồng lạch, việc đầu tư xây dựng một số cây cầu, các khu tái định cư cho dân và nâng cấp cảng Cần Thơ với tổng kinh phí thực hiện là 85 triệu USD cũng đã được triển khai.

Riêng tuyến đường thủy quốc tế thì chỉ trông vào luồng tàu qua cửa Định An, nhưng hiện tại tuyến luồng này bị bồi lắng và chỉ tiếp nhận tàu chưa tới 10.000 tấn, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư đòi hỏi tàu từ 10.000 đến 20.000 tấn.

Hiện tại cả vùng mới có hơn 38.900 km đường bộ - tức mật độ mới đạt 0,33 km/km2, và 0,81 km/1.000 dân (trong khi trung bình cả nước là 0,41 km/km2 và 1,125 km/1.000 dân). Ước tính, đường bộ trong vùng cần phải đầu tư xây dựng thêm khoảng 5.184 km mới đạt chỉ tiêu trung bình của cả nước. Tuyến đường bộ huyết mạch duy nhất trong vùng là tuyến quốc lộ 1A. Nhưng tuyến đường này hiện đã xuống cấp nặng, nhiều nơi được sửa chữa phục hồi, nâng cấp nhưng chất lượng vẫn không đảm bảo, đường hẹp, hệ thống đèn chiếu sáng không hoàn chỉnh, không đảm bảo tốc độ và an toàn giao thông. Từ năm 2002, chính phủ đã ban hành Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg đề ra nhiều giải pháp để xóa bỏ tình trạng “độc đạo” của quốc lộ 1A như quy hoạch thêm các tuyến N1 (chạy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, dẫn từ Long An đến Hà Tiên - Kiên Giang), tuyến N2 (xuất phát từ Bình Dương và kết thúc tại Kiên Giang)...Nhưng theo dự kiến, đến năm 2010 mới hoàn thành việc nâng cấp toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, cấp IV. Nhiều đoạn trên những tuyến đường trên vẫn chưa khởi công, còn các cầu nối liền như Cao Lãnh, Vàm Cống... vẫn còn nằm trên hồ sơ. Ngay chính việc quy hoạch giao thông đường bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 hiện có nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình phát triển tại các địa phương cũng như cả nước. Quy hoạch này đang được điều chỉnh lại và dự kiến đến cuối năm 2008 mới trình Thủ tướng xem xét.


Đồng bằng sông cửu lông bao nhiêu tỉnh
Cầu Mỹ Thuận - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Việc phát triển hệ thống giao thông vùng ĐBSCL có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong tình hình mới. Phát triển tốt hệ thống giao thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; mở rộng thị trường nông thôn, kích cầu sản xuất, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà ĐBSCL có tiềm năng rất lớn như: công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, chế biến lương thực, thực phẩm, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, cơ khí nông nghiệp...

Năm 2007, chính phủ đã giải ngân trên 6.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA để phát triển hạ tầng giao thông của khu vực (đây là mức đầu tư cao nhất trên cả nước). Chính từ sự hỗ trợ này, nhiều công trình huyết mạch và trọng điểm từ giao thông đường bộ, đường thủy cho đến đường hàng hải và hàng không đang được gấp rút triển khai. Hàng loạt những công trình đường bộ mang tầm vóc thời đại đã và đang dần hình thành như: cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui, sân bay Trà Nóc, sân bay Phú Quốc.

Bên cạnh những công trình trọng điểm trên, sẽ có hàng loạt công trình không kém phần quan trọng đang được gấp rút hoàn thành như: tuyến đường N1, N2 làm “vệ tinh” cho quốc lộ 1A; tuyến đường Nam sông Hậu góp phần vực dậy khu vực ven biển; đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện đại; kênh tắt qua kênh Quan Chánh Bố để khai thông luồng hàng hải quốc tế ra vào vùng ĐBSCL.

Chiều 22-01-2008 tại Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị khởi động dự án (DA) phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (gọi tắt DAWB5). DAWB5 có tổng mức đầu tư trên 312 triệu USD (vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc, vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam) được triển khai tại 13 tỉnh thành ĐBSCL trong giai đoạn 2008 - 2013. DAWB5 có 4 hợp phần. Hợp phần A (hơn 100 triệu USD) sẽ nâng cấp các quốc lộ 53 (13,52 km), 54 (40,85 km), 91 (43,89 km), xây 12 cầu, làm cống qua đường và nâng cao đường ở các vùng ngập lũ. Hợp phần B (gần 100 triệu USD) sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn kênh cấp III đường thủy nội địa cho 2 hành lang đường thủy: hành lang số 1 (253 km) từ thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang xuyên qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, hành lang số 2 (148 km) ở phía Nam ven biển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau. Hợp phần C (trên 96 triệu USD) sẽ đầu tư cho các tuyến tỉnh lộ và đường thủy địa phương ở 13 tỉnh thành. Hợp phần D (gần 7 triệu USD) nhằm hỗ trợ thể chế cho Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh trong khu vực.