Dinh nghĩa văn hóa theo từ điển webster

Hai khái niệm bảo vệ bản sắc văn hóa và xuất khẩu văn hóa gần như tồn tại song song trong nền văn hóa toàn cầu. Châu Á cũng như nhiều nước khác (trong đó có cả châu Âu) đang nhìn vấn đề này với sự quan tâm đặc biệt. “Làm gì để bảo vệ văn hóa?” là câu hỏi không chỉ dành cho giới chủ quản văn hóa mà còn được xem trọng từ những nhà hoạch định chính sách.

Văn hóa không tĩnh. Nó phát triển theo phong tục và thói quen. Theo từ điển Webster (Third New International Dictionary), văn hóa là “toàn bộ mô hình thể hiện hành vi con người và sản phẩm văn hóa thể hiện ở ngôn ngữ, hành động và vật dụng, tùy thuộc vào khả năng con người trong học hỏi và truyền tải kiến thức cho các thế hệ tiếp nối”.

Theo định nghĩa này, “khả năng học hỏi và truyền tải kiến thức cho các thế hệ tiếp nối” là một phần quan trọng trong chiều dài phát triển văn hóa. Trong khi đó, thế giới đang sống trong bối cảnh toàn cầu và liên thông văn hóa (tạm dịch từ thuật từ “transculturation” do nhà văn hóa học lừng danh người Cuba Fernando Ortiz đặt vào năm 1947 để miêu tả hiện tượng hội nhập văn hóa). Trong phạm vi “transculturation”, có sự tồn tại của đa văn hóa (multiculturalism), sự kết hôn giữa các màu da (interracial marriage) và cả sự hội tụ dân tộc học (ethnoconvergence).

Một cách đơn giản, toàn cầu hóa đã tạo ra khái niệm “transculturation” và yếu tố ngôn ngữ – như trong định nghĩa Webster – phần nào đó đã giúp khái niệm trên trở thành phổ quát, trong trường hợp này là tiếng Anh. Tuy nhiên, tồn tại song song xu hướng “transculturation” là sự thận trọng trong tiếp nhận cũng như nỗ lực duy trì bản thể văn hóa riêng. Điều này chẳng có gì lạ. Trong lịch sử văn minh con người, chủ nghĩa bành trướng đế quốc bằng công cụ văn hóa (cultural imperialism) từng hiện diện.

Sự biến mất của ngôn ngữ và văn hóa Etruscan do ảnh hưởng đế quốc La Mã là một ví dụ. Khó có thể kể hết những trường hợp tương tự trong suốt chiều dài lịch sử con người. Tổng quát, việc thống trị và đô hộ dân tộc khác không bằng quân sự mà bằng văn hóa là điều từng xảy ra và thật ra cũng đang xảy ra – đối với không ít người – khi nhắc đến sự phổ biến toàn cầu của văn hóa Mỹ.

Do đó, bất chấp trào lưu “transculturation” như thế nào, việc duy trì bản thể văn hóa (cultural identity) bất cứ lúc nào cũng là điều cần xem trọng, đặc biệt khi khoa học - kỹ thuật (cụ thể là Internet) đã đẩy nhanh tốc độ lan truyền luồng văn hóa mạnh hơn và đưa nó thâm nhập vào dòng văn hóa yếu hơn. Sẽ không thừa khi nhắc lại rằng có rất nhiều nước, từ Tây sang Đông, đã và tiếp tục áp dụng nhiều chính sách bảo vệ văn hóa bản địa.

Một trong những chiến thuật được đánh giá hiệu quả là chính sách hạn ngạch (quota) nhằm hạn chế lượng nhập khẩu sản phẩm điện ảnh - ca nhạc cũng như chương trình truyền hình Mỹ. Chính phủ Pháp yêu cầu các kênh truyền hình quốc gia dành ít nhất 60% thời lượng phát sóng chiếu chương trình châu Âu và 40% phải là chương trình Pháp. Tại Úc, ít nhất 55% lịch phát sóng từ 6g sáng đến nửa đêm dành cho chương trình Úc. Tại Canada, chính phủ yêu cầu duy trì 60% thời lượng phát sóng cho chương trình trong nước…

Tuy nhiên, để mổ xẻ vấn đề và từ đó thiết lập chính sách bảo vệ văn hóa, đầu tiên cần xét đến hai yếu tố cơ bản: 1/ Liệu người ta đã nhìn thấy những thành tố ngoại lai thâm nhập vào văn hóa mình ở mức độ cụ thể như thế nào và ảnh hưởng trực tiếp của nó đến nguy cơ làm mất bản sắc văn hóa dân tộc ra sao (hay chỉ là sự phỏng đoán lờ mờ không được xây dựng từ cơ sở nghiên cứu khoa học với thống kê mang tính chứng cứ một cách rõ ràng)?; 2/ “Định lượng” lại thực lực văn hóa bản địa. Nếu chỉ kêu gọi bảo vệ văn hóa bản địa mà không cho thấy sức mạnh và khả năng như thế nào trong việc vừa hội nhập, vừa tinh lọc văn hóa nước ngoài đồng thời củng cố bản sắc văn hóa riêng thì kết quả… sẽ như là trường hợp của Pháp, nơi gần như có thể được xem là thất bại trong chính sách bảo vệ văn hóa nước nhà (bằng giải pháp xây hàng rào bằng quota).

Trong lịch sử ngắn ngủi của mình, nước Mỹ từng sản sinh ra không ít nhân vật kiệt xuất trên hầu như mọi lĩnh vực hoạt động của nhân loại, trong đó có ngôn ngữ, một lĩnh vực vô cùng quan trọng. Hiếm người Mỹ nào không biết tên tuổi của Noah Webster (1758-1843), tác giả bộ Từ điển tiếng Anh của người Mỹ –– American Dictionary of the English Language, xuất bản năm 1828, cột mốc đánh dấu thắng lợi của nước Mỹ trong cuộc chiến giành độc lập trên lĩnh vực ngôn ngữ.

Webster trở thành con người huyền thoại của nước Mỹ không phải chỉ vì ông soạn ra American Dictionary of the English Language –– bộ từ điển lớn nhất thế giới thời bấy giờ với hai tập gồm 70 nghìn mục từ kèm định nghĩa, trong đó 12 nghìn mục từ chưa từng có trong các từ điển trước đó, cũng không phải chỉ vì thời gian làm từ điển chiếm mất phần lớn cuộc đời ông, mà là ở chỗ bộ từ điển này đã làm cho nước Mỹ trở nên độc lập với Anh Quốc về các mặt ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục, sau khi nước này đã giành được độc lập về chính trị vào năm 1776.

Bộ từ điển nói trên đã xác định tư cách độc lập của tiếng Anh kiểu Mỹ, phản ánh âm đọc, thói quen cách ghép vần viết chữ, là bộ từ điển đầu tiên có đặc sắc ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Mỹ; nó đặt nền móng cho việc biên soạn các cuốn từ điển tiếng Anh kiểu Mỹ sau này. Do đó có người gọi nó là phát súng cuối cùng trong cuộc chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ. Còn Noah Webster được tôn vinh là Người cha của học thuật và giáo dục Mỹ (Father of American Scholarship and Education).

Noah Webster chào đời tại West Hartford, bang Connecticut. Năm 20 tuổi (1778) ông tốt nghiệp Đại học Yale, sau đó làm nghề dạy học và năm 1781 nhận được chứng chỉ Luật sư. Trong khi dạy học ở Goshen, New York, ông phát hiện các sách thiếu nhi ít viết về văn hoá Mỹ. Rất không hài lòng với điều đó, năm 24 tuổi (1782) Webster quyết định dùng toàn bộ phần còn lại của đời mình vào việc xây dựng một nền giáo dục dành riêng cho người Mỹ, bắt đầu với công việc xây dựng bộ ngữ pháp tiếng Anh, đầu tiên là biên soạn cuốn Sách đánh vần của người Mỹ (The American Spelling Book), tức cuốn The Blue-backed Speller [Sách đánh vần (có bìa màu) xanh], xuất bản khi tác giả mới 25 tuổi (1783). Cuốn sách lừng danh này từng in nhiều lần, đến năm 1900 đã bán được 70 triệu bản, tổng cộng đã bán được hơn 100 triệu bản (chỉ kém số bản in Kinh Thánh), mang lại nguồn thu nhập lớn cho ông.

Noah Webster cho rằng người Mỹ phải có một bộ từ điển riêng của mình chứ không thể cứ dùng mãi Từ điển tiếng Anh (A Dictionary of the English Language) do văn hào người Anh Samuel Johnson (1709-1784) biên soạn trong thời gian 9 năm và xuất bản năm 1755 –– bộ từ điển tiêu chuẩn đầu tiên trong lịch sử tiếng Anh và cũng là duy nhất trong suốt 1 thế kỷ sau đó. Song Webster không vừa lòng với bộ từ điển ấy, thậm chí ông còn quá lời nói nó chẳng có trang nào là chính xác cả. Ông kiên trì quan điểm người Mỹ phải có một cuốn từ điển riêng với những đặc sắc rõ rệt, phải bao gồm các từ ngữ hình thành trong quá trình quốc gia này trưởng thành.

Trong một luận văn về Anh ngữ công bố năm 1789, ông công bố lời tuyên chiến ngôn ngữ với Anh ngữ tiêu chuẩn (King’s English): “Là một quốc gia độc lập, danh dự của chúng ta yêu cầu chúng ta có một thể chế của mình, về ngôn ngữ cũng như về chính quyền. Chúng ta là con của nước Anh, chúng ta nói tiếng Anh, nhưng nước Anh không còn là tiêu chuẩn của chúng ta nữa.” Rõ ràng Webster là người phát động cuộc chiến tranh giành độc lập ngôn ngữ cho nước Mỹ.

Từ năm 1798 đến 1828, Webster tập trung toàn bộ sức lực vào việc biên soạn từ điển. Để làm việc đó, ông đã lao vào học ngoại ngữ. Có tài liệu nói ông đã học 26 ngoại ngữ như tiếng Hy Lạp, La Tinh, Hebrew (Do Thái), Pháp, Đức, Đan Mạch, Anh ngữ cổ (Old English, tức Anglo-Saxon), Ba Tư, cùng 7 thứ tiếng châu Á và tiếng Assour, ngôn ngữ quan trọng nhất trong ngữ hệ Semite. Ngoài ra ông còn đi khắp nước Mỹ để khảo sát, ghi chép cách phát âm tiếng Anh của dân Mỹ các địa phương và các từ ngữ. Trên cơ sở vốn kiến thức phong phú ấy, ông bắt đầu biên soạn Từ điển.

Mới đầu Webster dự định dùng từ 3 đến 5 năm để làm việc đó, nhưng trên thực tế việc soạn từ điển đã mất thời gian gấp nhiều lần dự tính. Ông nói: Công việc này rất gian khổ song ý nghĩa của nó đối với tổ quốc thì lớn hơn rất nhiều so với cá nhân tôi. Tôi sẽ bắt chước thần Hercules vượt qua muôn vàn khó khăn dốc sức vào công việc và tin rằng nhất định sẽ thành công.

Trong các chuyến đi, ông sưu tầm được một loạt từ ngữ mới của người Mỹ, như applesauce, bullfrog, chowder, handy, hickory, succotash, tomahawk, và skunk (một động vật có mùi đặc biệt)… và đưa tất cả vào từ điển. Trong quá trình tạo dựng ngôn ngữ Mỹ, ông đã truyền thụ cho dân tộc này phương pháp đánh vần mới. Ông bỏ chữ u trong các từ honour, humour, labour…, bỏ chữ k trong các từ musick và publick. Ông đổi vị trí cho hai chữ cuối trong các từ centre và theatre, và Mỹ hoá cách ghép vần các đơn từ waggon, plough và gaol.

Trong việc ghi chép và giải thích ngôn ngữ mang đặc sắc Mỹ, Webster có chủ trương riêng của mình. Ví dụ khi giải thích từ bình đẳng (equal/equality), ông cho rằng trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 do Jefferson dự thảo và được đại biểu 13 thuộc địa ký, việc hiểu khái niệm bình đẳng là Người ta sinh ra đã bình đẳng (All Men are created equal) là chưa thỏa đáng. Ông cho rằng bình đẳng là nói sự bình đẳng về cơ hội sau khi con người sinh ra chứ không phải là sự bình đẳng đồng đều về điều kiện hoàn cảnh bẩm sinh. Ngoài ra ông cũng không tán thành hiểu từ tự do (freedom/liberty) trên ý nghĩa phổ biến: trong đầu óc công chúng, từ này được giải thích là người ta có thể làm mọi việc theo ý muốn của mình. Webster cho rằng quan niệm đó tạo ra sự đe dọa và khiêu khích đối với chính quyền, vì nó khiến người ta hiểu nhầm là ý muốn của mình cao hơn tất cả, thậm chí cao hơn cả chính quyền. Thế nhưng cuộc tranh cãi về tự do chưa hề chấm dứt do việc xuất bản cuốn từ điển của Webster.

Theo quan niệm của Noah Webster, âm đọc của các từ ngữ là chiến trường quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh độc lập về từ điển mà ông tiến hành. Trên cơ sở kinh nghiệm thực hành các phương pháp giảng dạy, ông phát minh ra một bộ quy tắc ghép vần mới. Quy tắc này đơn giản, khả thi, đã kết hợp hữu cơ ngôn ngữ với cách ghép vần viết chữ, nhờ đó dễ học. Phương pháp của Webster về sau trở thành quy tắc chung dùng để học tiếng Anh của người Mỹ.

Cuối cùng, năm 1828, khi đã 70 tuổi, Noah Webster xuất bản kết quả công việc của mình: bộ American Dictionary of the English Language –– Từ điển tiếng Anh của người Mỹ. Từ điển này có nhiều từ được người Mỹ dùng nhưng không có trong các từ điển của người Anh. Có lẽ vì thế mà sau này George Bernard Shaw, người Ireland chủ nhân Nobel Văn học 1925 nói: “Nước Mỹ và nước Anh là hai quốc gia bị ngăn cách nhau bởi cùng một ngôn ngữ.” (Winston Churchill cũng nói một câu tương tự).

Noah Webster để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người Mỹ, vì ông đã tin tưởng sâu sắc rằng ngôn ngữ có sức mạnh to lớn, muốn phát huy sức mạnh đó, mọi người dân cần nắm vững ngôn ngữ. Ngày nay ngôn ngữ được định nghĩa là công cụ của tư duy, con người còn tư duy phút nào thì còn dùng ngôn ngữ, còn sống trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ được coi là linh hồn của dân tộc, nó tạo dựng nên tính cách của dân tộc, nó chủ động thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển của dân tộc, nó làm cho mỗi dân tộc có bộ mặt riêng của mình trong khu rừng dân tộc của toàn thế giới. Ngôn ngữ học được đánh giá rất cao, nó trở thành ngành khoa học độc lập ở giữa khoa học xã hội-nhân văn với khoa học tự nhiên.

Cách đây mấy trăm năm, Noah Webster đã sáng suốt nhận thức được những điều nói trên. Bộ Từ điển tiếng Anh của người Mỹ do ông biên soạn thật sự là phát súng cuối cùng trong cuộc chiến tranh của nước Mỹ nhằm giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị trên mọi mặt của Anh Quốc. Sự nghiệp sáng ngời của Noah Webster còn là tấm gương soi chung cho các dân tộc thuộc địa (trong đó có dân tộc Việt Nam ta) đã và đang cần đấu tranh tiến tới hoàn toàn độc lập về ngôn ngữ với các nước lớn từng xâm lược, cai trị và đồng hoá dân tộc mình.