Định canh định cư là gì

phương thức cố định địa bàn sản xuất và cư trú của cư dân nông nghiệp. Định canh làm cho sản xuất ổn định và phát triển, năng suất cây trồng tăng. Định cư tạo điều kiện cho việc tổ chức lối sống tiến bộ. Loài người từ du canh du cư chuyển sang ĐCĐC là một bước phát triển lớn. Nhờ ĐCĐC, tài nguyên đất đai được gìn giữ cải tạo; đất không bị xói mòn, rừng ít bị tàn phá, nguồn nước và môi sinh được bảo vệ, đời sống con người được cải thiện. Ở Việt Nam, đã có cuộc vận động ĐCĐC từ nhiều năm nay và đã đạt được những kết quả nhất định. Xt. Du canh du cư. Tại cuộc họp Hội đồng dân tộc kỳ II vừa rồi, sau khi nghe Bộ Lâm nghiệp giới thiệu cho biết tình hình về lâm nghiệp và tình hình thực hiện chủ trương định canh, định cư trong mấy năm qua, toàn thể hội nghị quyết định báo cáo và kiến nghị với Quốc hội vấn đề định canh, định cư.

Thay mặt Hội đồng dân tộc, tôi xin trình bày báo cáo và kiến nghị về vấn đề đó để Quốc hội xem xét.

I

Miền núi nước ta chiếm 2/3 diện tích của đất nước. Miền núi là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, là nơi có vị trí chính trị và quốc phòng quan trọng, là nơi có tiềm năng kinh tế dồi dào. Thế nhưng, ở đây, đời sống kinh tế và văn hóa của đồng bào còn quá thấp, so với miền xuôi. Đặc biệt, ở đây, còn rất nhiều người chưa có cơ sở sản xuất ổn định, do đó, chưa có nơi ăn chốn ở ổn định, sống với nghề phá rừng làm nương trồng trọt ngũ cốc, cạo trọc cả núi đồi. Đó là những người du canh, du cư mà theo điều tra của Bộ Lâm nghiệp, có khoảng hai triệu người.

Hai triệu người - 4% dân số - sống du canh, du cư - một phương thức làm ăn sinh sống lạc hậu nhất của thời đại - còn tồn tại trong xã hội xã hội chủ nghĩa chúng ta. Đây là một tình hình mà chúng ta không thể không quan tâm.

Đồng bào du canh, du cư gồm nhiều thành phần dân tộc thiểu số phần lớn sống ở các vùng cao, biên giới nơi xa xôi hẻo lánh mà như chúng ta đã biết, những nơi này thường là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và ngày nay, ở phía Bắc, là tuyến đầu chống bọn bá quyền, bành trướng...

Phần lớn những nơi này lại là những vùng có địa hình phức tạp, đồi núi có độ dốc cao, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, giao thông chưa phát triển, cơ sở vật chất - kỹ thuật hầu như chưa có gì. Diện tích canh tác ổn định rất ít lại phân tán khó thực hiện thâm canh, phần lớn là đồi núi trọc, rừng bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều nơi thiếu gỗ để làm nhà ở, thiếu cả củi đun, đất đai bị xói mòn, nguồn nước ngày càng khô cạn, đến nỗi nhiều khi thiếu nước ăn cho người và gia súc.

Đồng bào ta phát rừng làm nương là do yêu cầu sản xuất, chỉ tiếc là nương đó không phải là đất canh tác ổn định, nương chỉ sản xuất được vài vụ, bị nước chảy xói mòn trôi hết màu mỡ không sản xuất được nữa, đồng bào lại buộc phải phá rừng nơi khác để có đất sản xuất. Rừng tiếp tục bị phá, núi xanh lần lượt biến thành đồi trọc. Theo báo cáo của Bộ Lâm nghiệp, trong 5 năm qua từ 1975 đến 1980, diện tích rừng bị phá hại lên đến 655.290 ha, trong đó diện tích phá rừng làm nương là 117.898 ha, chưa kể diện tích rừng bị cháy lan vì đốt nương. Đáng tiếc hơn nữa là phá cả rừng mới trồng và rừng đầu nguồn. Nếu tình hình này kéo dài thì tai hại biết bao nhiêu đến tài nguyên của đất nước, đến môi trường sống của chúng ta.

Phát rừng làm nương, trồng tỉa, bảo vệ thú rừng và thu hoạch hoa màu trên nương là một loại lao động nông nghiệp nặng nhọc nhất trong nghề nông, nhưng đời sống của đồng bào du canh, du cư này suốt đời gieo neo khổ sở và bấp bênh. Đồng bào ở xa thành thị, xa trung tâm của đất nước, giao thông vận chuyển lại khó khăn, cuộc sống của đồng bào thiếu thốn nhiều thứ: thiếu muối ăn, thiếu vải mặc, thiếu nông cụ cầm tay, thiếu dầu thắp, thiếu kim chỉ vá may, v.v. và có một cái thiếu khó tưởng tượng là thậm chí có nơi ở núi rừng mà thiếu gỗ làm nhà, thiếu cả củi đun, ở đầu nguồn nước mà thiếu nước ăn cho người và gia súc. Các em bé dân tộc đi hứng từng giọt nước trong khe đá là tình hình rất dễ xúc động nhưng lại là tình hình phổ biến. Tỉnh ủy, Ủy ban Hà Sơn Bình tức khắc xây giếng chứa nước mưa cho đồng bào xã Hàng Kia (huyện Mai Châu) chỉ vì các đồng chí Tỉnh ủy trông thấy em bé người Mông ở xã ấy dùng thìa hứng từng thìa nước trong khe núi.

Vì khó khăn thiếu thốn, nhiều người đã phải lén lút trao đổi hàng hóa với người bên kia biên giới, một việc làm phi pháp cũng chỉ vì nhu cầu của cuộc sống thực tại, nhưng đồng bào ta có biết đâu rằng đó là cơ hội cho kẻ thù, nhất là kẻ thù ở bên kia biên giới... dùng kinh tế và thủ đoạn chiến tranh tâm lý tấn công lôi kéo, phá kinh tế, lung lạc tư tưởng của đồng bào ta, làm yếu thế đứng của chúng ta ở vùng xung yếu này của Tổ quốc.

Vì cuộc sống của đồng bào, cải tạo phương thức sản xuất lạc hậu lâu đời, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vấn đề định canh, định cư cho đồng bào du canh, du cư, theo chúng tôi, là vấn đề bức thiết trước mắt chúng ta.

II

Thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã sớm có chủ trương, chính sách vận động đồng bào định canh, định cư. Nghị quyết 71/NQ/TW ngày 13-2-1963 của Bộ Chính trị về vấn đề nông nghiệp miền núi đã chủ trương “phải trên cơ sở giải quyết đúng phương hướng sản xuất và phương hướng kỹ thuật mà dần dần tổ chức việc định canh, định cư...”. Đến năm 1968, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 38/CP về công tác vận động định canh, định cư kết hợp với hợp tác hóa đối với đồng bào còn du canh, du cư, đã quyết định mở rộng cuộc vận động định canh, định cư và quy định rõ phương châm, nguyên tắc, mục đích, yêu cầu và tổ chức chỉ đạo cuộc vận động. Từ đó, hàng năm, Hội đồng Chính phủ đã dành cho cuộc vận động này một ngân sách, cùng một khối lượng lương thực cần thiết để tổ chức thực hiện.

Qua 12 năm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, các ngành ở Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc điều tra cơ bản, nắm tình hình, xây dựng phương án định canh, định cư và tiến hành vận động đồng bào xây dựng cơ sở vật chất để định canh, định cư, xây dựng bản làng mới, từ làm thí điểm đến mở rộng diện. Kết quả, đến nay, khoảng 40 vạn người từ du canh, du cư đã được định canh, định cư dưới các hình thức: định canh tại chỗ, định canh trên đất khai hoang, định canh, định cư bằng cách quy tụ đồng bào vào làm ăn tại các nông, lâm trường quốc doanh.

Theo báo cáo của Bộ Lâm nghiệp, trong 12 năm qua từ 1968 đến 1980, tại các điểm định canh, định cư đã xây dựng được những cơ sở sản xuất và phục vụ đời sống như sau:

1. Khai hoang trồng lương thực: 102.000 ha ruộng và đất. Trong đó có 29.790 ha là ruộng cấy lúa nước.

2. Trồng rừng: 46.590 ha, gồm có: tre, luồng, mét, bồ đề, sa mộc, quế, thông.

3. Trồng cây công nghiệp dài ngày và cây đặc sản: 13.260 ha, gồm có: chè, chẩu, sở lai, thảo quả, cây thuốc.

4. Làm thủy lợi nhỏ: 1.655 công trình, tưới 40.300 ha ruộng mới khai phá và ruộng đã có từ trước.

Xây dựng 3.599 giếng nước hoặc bể chứa nước ăn và 13 trạm thủy điện nhỏ, công suất 160kw/h.

5. Mở đường giao thông nông thôn: 9.112 cây số, trong đó có 1.820 cây số ôtô đi lại được trong mùa khô và 174 cầu treo.

6. Xây dựng: 1.833 cơ sở phúc lợi tập thể, gồm có: 976 trường lớp học, 579 trạm y tế và hộ sinh xã, 118 cửa hàng mua bán, 109 trụ sở làm việc kiêm nơi hội họp, 51 nhà gửi trẻ.

Đồng bào định canh, định cư đã đóng góp lâm sản, đặc sản cho kinh tế chung.

7. Di chuyển chỗ ở và làm lại nhà theo quy hoạch bản làng mới: 70.336 hộ.

8. Bồi dưỡng, tập huấn cán bộ cơ sở là người dân tộc: 103.290 lượt người, thời gian từ 7-15 ngày.

Theo báo cáo của Bộ Lâm nghiệp về kết quả của công tác vận động định canh, định cư trong mấy năm qua chúng tôi ghi nhận một số điểm như sau:

1. Thực tiễn cuộc vận động định canh, định cư trong những năm qua đã chứng minh chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề này là hoàn toàn đúng, phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng nên đã được quần chúng các dân tộc hưởng ứng và ra sức tổ chức thực hiện và cũng chứng minh rằng đây là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc.

Tuy về hình thức, bước đi và tổ chức lao động sản xuất, v.v. còn phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng dân tộc, nhưng với kết quả đã đạt được cho phép ta khẳng định rằng chỉ có xây dựng được cuộc sống ổn định cho các dân tộc thiểu số từ du canh, du cư đi đến định canh, định cư thì chính sách dân tộc của Đảng ở vùng này mới trở thành hiện thực.

Như chúng ta đã biết, những tài nguyên quý của đất nước gồm có rừng và đại bộ phận khoáng sản, đặc sản đều nằm ở vùng này, trước hết là rừng - đất rừng phòng hộ cho cả đồng bằng, đất rừng phòng hộ cho các lưu vực của các công trình thủy điện lớn, cho nên, nếu làm tốt công tác định canh, định cư không những là cải thiện cho cuộc sống mọi mặt của đồng bào dân tộc ở đây mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng của cả nước.

2. Xác định đúng phương hướng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất ổn định, giải quyết được vấn đề lương thực, đó là điều kiện cơ bản bảo đảm định canh, định cư thắng lợi.

Phương hướng sản xuất đúng là kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với lâm nghiệp theo quy hoạch phân vùng sản xuất trên địa bàn huyện, cho nên, cần xác định rõ mối quan hệ giữa yêu cầu sản xuất lương thực trong bước đi ban đầu với việc phát huy các thế mạnh khác của miền núi. Trước hết, phải tận dụng hết khả năng đất đai để thâm canh sản xuất lương thực đến mức cao nhất, thỏa mãn yêu cầu lương thực cho đồng bào định canh, có thể từ du canh, du cư đi vào định canh, định cư mới ổn định vững chắc. Ngược lại, nếu ngay bước đầu đã đi vào thế mạnh, từ đó hy vọng giải quyết được vấn đề lương thực, đến khi gặp khó khăn về lương thực thì dù muốn hay không, cũng không thể ngăn được xu thế phá rừng và “du cư” trở lại.

Ở từng vùng, tuy có khác nhau về khả năng và mức độ, nhưng vùng nào cũng có thể sản xuất được lương thực, không được lúa thì làm màu. Và, với phương thức nông - lâm kết hợp thì trên một số diện tích nào đó vừa có thể cho sản phẩm lâm nghiệp, cây công nghiệp vừa có cả lương thực và chăn nuôi. Nhất thiết không vì lương thực mà phá rừng làm nương trồng cây lương thực, trái lại, phải tạo ra đất đai ổn định ra sức thâm canh, tăng vụ làm lương thực, đồng thời phát triển nghề rừng và dựa vào truyền thống, ưu thế của mỗi vùng mà phát triển cây công nghiệp, cây đặc sản.

Theo báo cáo của Bộ Lâm nghiệp, thực hiện phương hướng nói trên đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, nhiều nơi đã thành công trong việc khai hoang, làm thủy lợi nhỏ, xây dựng cánh đồng, mở rộng diện tích thâm canh cây lương thực trên những loại ruộng khác nhau, đưa diện tích làm lương thực đi vào ổn định, nhờ đó, đồng bào ở đây chẳng những đủ lương thực ăn mà còn làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, nhiều nơi đã vận động đồng bào từ chỗ chuyên phá rừng làm rẫy chuyển sang trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây công nghiệp, cây đặc sản và trong vài năm lại đây đã có sản phẩm bán cho Nhà nước, kết quả đó đã cải thiện một bước đời sống của đồng bào, đồng thời còn góp phần phục vụ cho việc phát triển kinh tế của đất nước.

Do du canh mà dẫn đến du cư, vì vậy, phải tập trung sức tạo ra tư liệu sản xuất để định canh, nhưng đồng thời phải chú ý thích đáng đến việc xây dựng những cơ sở phúc lợi để phục vụ đời sống nhân dân, từng bước xây dựng bản làng mới theo quy hoạch điểm dân cư từng vùng thích hợp, trên địa bàn huyện. Tới nay, những làng mới của các điểm định canh, định cư ổn định đều đã có giếng nước ăn, có trường lớp học cho trẻ em, có trạm y tế, hộ sinh, v.v. phù hợp với điều kiện lao động sản xuất và tập quán ăn ở của đồng bào. Cần đưa khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu giải quyết những khó khăn trong quá trình sản xuất và tổ chức đời sống.

Để phát triển kinh tế và văn hóa miền núi nói chung và vùng định canh, định cư nói riêng, việc phát triển đường giao thông có ý nghĩa rất lớn. Mấy năm qua, các vùng định canh, định cư đã cố gắng mở được gần vạn km đường, trong đó có gần 2/10 là đường ôtô, những con đường này đã thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều tuyến đường có tác dụng phục vụ cho an ninh quốc phòng. Có thể nói rằng việc phát triển đường giao thông lên các vùng xa xôi hẻo lánh đã ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa những vùng này với các vùng trung tâm của đất nước, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tiếp cận được những thành tựu của khoa học - kỹ thuật và xã hội văn minh.

3. Định canh, định cư kết hợp với hợp tác hóa là hai nội dung của cuộc vận động, có quan hệ hữu cơ với nhau. Vì thực chất đây là cuộc vận động xây dựng lực lượng sản xuất với xác lập quan hệ sản xuất mới ở vùng còn du canh, du cư. Có xây dựng được cơ sở sản xuất ổn định mới có nội dung xây dựng và củng cố các hình thức hợp tác hóa, ngược lại, không xây dựng được hình thức lao động tập thể thích hợp, thì không có điều kiện để xây dựng, duy trì và phát triển cơ sở định canh, định cư.

Những nơi có xí nghiệp quốc phòng, có nông, lâm trường, việc thu hút đồng bào còn du canh, du cư vào làm công nhân là một hình thức tổ chức định canh, định cư nhanh và vững chắc. Chúng tôi đi qua một số nông trường, thấy ở đây đồng bào yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất, không khí đoàn kết, bình đẳng cùng làm chủ tập thể được biểu hiện rất rõ, những mâu thuẫn giữa công nhân miền xuôi lên với đồng bào tại chỗ thường xảy ra trước đây đã không còn nữa.

4. Để thực hiện cuộc vận động, điều bắt buộc trước tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, thực hiện đúng nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, gò ép là thất bại. Công tác định canh, định cư là một cuộc vận động cách mạng toàn diện và sâu sắc, cho nên, có làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục làm cho mọi người thấy rõ tác hại và những đau khổ do hậu quả của du canh, du cư mà tự nguyện quyết tâm phấn đấu bỏ tập quán cũ đi vào xây dựng cuộc sống mới.

Du canh, du cư đã trở thành tập quán lâu đời. Chỉ riêng việc làm rẫy sang làm ruộng đã là một cải biến rất lớn. Làm rẫy tuy bấp bênh,nhưng lao động không phải cúi, đau lưng, rẫy đốt cháy thì gieo hạt không phải làm cỏ, rẫy mới còn nhiều màu mỡ thường cho năng suất cao, cho nên nhiều khi đồng bào du canh thấy làm rẫy hơn làm ruộng. Vì vậy, phải kiên trì giáo dục, thuyết phục với nội dung và hình thức phong phú, sát hợp với trình độ và đặc điểm tâm lý của từng dân tộc, từng lứa tuổi, đồng thời phải đem sự lợi ích thiết thực. Đây là cuộc vận động cách mạng thực sự - cách mạng là sự nghiệp của quần chúng - phải do quần chúng tự làm lấy. Tất nhiên, vì điều kiện xây dựng vật chất quá khó khăn, nên phải có sự giúp đỡ tích cực, nhiều mặt của Nhà nước. Nhưng nếu chỉ dựa vào sự giúp đỡ của Nhà nước về tiền, về lương thực thì không những không có vốn để làm mãi như vậy, mà dù có làm được đi nữa, quần chúng cũng bỏ đi nơi khác. Kinh nghiệm ở điểm định canh, định cư ở một số nơi đã chứng minh điều đó.

Thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Xem xét tình hình thực hiện chủ trương định canh, định cư trong mấy năm qua, chúng tôi đánh giá cao cố gắng của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm tham gia cuộc vận động. Nhưng chúng tôi thấy tồn tại còn quá lớn cần có cố gắng nhiều hơn nữa.

Trong 12 năm ở miền Bắc và 5 năm ở miền Nam, Nhà nước đã đầu tư 177.370.000 đồng và 52.030 tấn lương thực, song do đầu tư thiếu đồng bộ chỉ mới tạo được cơ sở định canh, định cư tương đối ổn định cho 40 vạn người. Đổi lại cũng vốn chừng đó ở đồng bằng làm được nhiều nhưng miền núi thì còn khó lắm. Như vậy, diện vận động còn đến một triệu 60 vạn người (trong đó có nhiều người đã định canh, nhưng vì không giải quyết được lương thực phải du canh trở lại và do chiến tranh... một số đồng bào phải chuyển về phía sau). Đáng chú ý là phần đông trong số này ở những vùng núi cao dọc biên giới, nếu định canh tại chỗ thì thiếu đất, thậm chí không có đất làm lương thực, nếu di chuyển đi nơi khác thì bỏ trống địa bàn, nhất là những địa bàn quan trọng về chính trị và quốc phòng. Đó là khó khăn khách quan.

Những khó khăn về mặt chủ quan cũng có thể làm chậm sự tiến triển của cuộc vận động. Sau khi nghe thành viên Hội đồng phản ảnh, đồng thời xem xét báo cáo của Bộ Lâm nghiệp, Ban Dân tộc Trung ương, hội nghị Hội đồng dân tộc chúng tôi thấy có thể rút ra một số nhận xét như sau:

1. Về nhận thức, chúng ta xem vấn đề còn quá đơn giản và chưa thống nhất. Phải nói các ngành, các địa phương chưa xác định rõ trách nhiệm. Nghị quyết 38/CP của Hội đồng Chính phủ năm 1968 dự kiến, ở miền Bắc, năm 1975, sẽ hoàn thành định canh, định cư. Năm 1975, có chỉ thị bổ sung, ấn định năm 1978 làm xong.

Đến nay, Nghị quyết 108-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, tháng 10 năm 1981 quy định là “trong 5 năm tới phải cơ bản hoàn thành cuộc vận động định canh, định cư” nhưng có nhiều đồng chí ở cơ quan chủ quản dự kiến rằng ít ra cũng phải 10 năm hoặc hơn.

Về nội dung và tính chất cuộc vận động thì nói chung, chúng ta cho rằng mục đích cuộc vận động định canh, định cư chủ yếu là “chống nạn phá rừng”. Vì vậy mà đưa cơ quan chuyên trách công tác này từ Bộ Nông nghiệp sang Bộ Lâm nghiệp. Thậm chí, có đồng chí cho rằng định canh, định cư chủ yếu là vấn đề xã hội".

Nhất là, nhiều cơ quan chúng ta chưa thấy hết vị trí quan trọng, có thể nói là còn coi nhẹ tầm quan trọng của cuộc vận động này, nên quan tâm chưa đầy đủ, do đó, trong kế hoạch tiến hành, thiếu sự hoạt động đồng bộ, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan.

2. Vì quan niệm còn giản đơn và có tính chất phiến diện như vậy, nên vấn đề định canh, định cư - một vấn đề mà nội dung chủ yếu của nó là kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa miền núi - đến nay vẫn chưa được kế hoạch hóa trong kế hoạch nhà nước. Nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1982 cũng chỉ ghi một dòng trong mục Lâm nghiệp và Ngư nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Lâm nghiệp, ngân sách nhà nước dành cho định canh, định cư không năm nào sử dụng hết vì đầu tư thiếu đồng bộ giữa tiền vốn với vật tư và lương thực.

3. Thiếu sự chỉ đạo tập trung thống nhất của một cơ quan có thẩm quyền để huy động các ngành có nhiệm vụ liên quan cùng phối hợp nhau trong một kế hoạch hoạt động thống nhất cần thiết. Khi quyết định mở cuộc vận động, Thủ tướng Chính phủ thành lập một Ban chỉ đạo do một đồng chí Phó Thủ tướng là Trưởng ban, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mới làm được một số việc, đã chuyển giao công tác này cho Ủy ban Nông nghiệp, rồi sau đó lại chuyển sang Bộ Lâm nghiệp phụ trách. Ở địa phương thì cũng thường bị thay đổi về tổ chức và nhân sự. Cơ quan phụ trách, lúc thì giao cho Ty Lâm nghiệp, lúc thì giao cho Ban Kinh tế mới, khi thì giao cho Ban Miền núi...

Tổ chức chỉ đạo liên tiếp bị thay đổi như vậy làm sao tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả nhanh chóng được.

Thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Để sớm ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào còn du canh, du cư, hạn chế đi đến chấm dứt tệ phá rừng làm nương, chúng tôi tán thành quy định của Hội đồng Bộ trưởng trong Nghị quyết 108-HĐBT ngày 08-10-1981 là “trong 5 năm tới phải hoàn thành về cơ bản công tác định canh, định cư, kiên quyết tạo mọi điều kiện nhằm ổn định sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc”. Chúng tôi xin nhấn mạnh 6 chữ “kiên quyết tạo mọi điều kiện”. Có kiên quyết tạo mọi điều kiện cần thiết phục vụ tốt nhất cho công tác định canh, định cư mới thực hiện được quyết định nói trên của Hội đồng Bộ trưởng.

Chúng tôi xin kiến nghị thêm một số biện pháp cụ thể sau đây:

1. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho tiến hành và chủ trì tổng kết cuộc vận động định canh, định cư trong 12 năm qua (từ khi có Nghị quyết 38-CP của Hội đồng Chính phủ) để thống nhất đánh giá kết quả và tồn tại, xác định phương hướng, thống nhất chính sách, bước đi và hình thức định canh, định cư thích hợp đối với từng vùng, từng dân tộc. Đồng thời, qua đó mà thống nhất nhận thức về nội dung, tích chất và vị trí của vấn đề này.

2. Đề nghị đưa nhiệm vụ vận động định canh, định cư vào kế hoạch nhà nước, cần đầu tư vốn thích đáng, cải tiến thủ tục cấp phát vốn cho cuộc vận động này, đồng thời cân đối một khối lượng vật tư lương thực tương ứng ghi thành chỉ tiêu pháp lệnh hàng năm. Các tỉnh, huyện có đồng bào còn du canh, du cư phải đặt nhiệm vụ này trong kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương mình, vì nội dung cơ bản của cuộc vận động định canh, định cư cũng là vấn đề sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên, khả năng lao động của từng địa phương.

3. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng đưa cơ quan chỉ đạo cuộc vận động định canh, định cư trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng do đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp phụ trách thành lập Tổng cục định canh, định cư. Các địa phương có đối tượng vận động cũng cần cải tiến tổ chức chuyên trách do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp chỉ đạo, không giao cho một sở phụ trách như hiện nay. Chỉ có một cơ quan chỉ đạo thống nhất, như thế mới bảo đảm chỉ đạo tập trung thống nhất trong một kế hoạch hoạt động đồng bộ của các ngành có nhiệm vụ phục vụ công tác này.

4. Xác định trách nhiệm các ngành, các cấp.

Thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây là một số suy nghĩ và đề xuất của Hội đồng dân tộc chúng tôi về vấn đề định canh, định cư trước Quốc hội. Chúng tôi tin rằng, đây không chỉ là vấn đề mà Hội đồng dân tộc chúng tôi quan tâm mà chắc chắn nó sẽ được các đồng chí đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này trao đổi, bổ sung để Quốc hội xem xét và quyết định.

Định canh định cư nghĩa là gì?

- Định canh định cư là hình thức canh tác và cư trú đã ổn định, không còn phá rừng làm rẫy, không còn du cư, không còn đói giáp hạt. Trong đó, hộ ĐCĐC có đủ tư liệu sản xuất ổn định (chủ yếu là đất canh tác) và thôn, bản, xã ĐCĐC có đủ cơ sở vật chất thiết yếu đảm bảo sản xuất và đời sống.

Tập quán du canh du cư là gì?

Du canh du cư là hiện tượng người dân thường xuyên thay đổi nơi ở và nơi canh tác, cuộc sống nay đây mai đó, chủ yếu là người đồng dân tộc thiểu số ở trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Hình thức canh tác phổ biến của người dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là gì?

Với đặc trưng của miền núi, địa hình phức tạp, hầu như chỉ có núi cao và dốc lớn, cách xa trung tâm nên hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, trong đó ruộng bậc thang là phương thức canh tác lúa nước lâu đời.

Chủ đề