Để đọc hiểu một cuốn sách mang lại hiệu quả em phải đọc như thế nào

[voice]

Đọc sách nói chung và đọc sách văn chương nói riêng để cảm nhận hết cái hay, cái đẹp là điều không hề dễ dàng. Mỗi lần đọc một quyển sách dày, chúng ta thường hay bị phân tán tư tưởng, rồi phải tập trung lại từ đầu và việc này rất tốn thời gian. Việc đọc tưởng chừng như khô khan và khó nhọc khi độc giả tiếp cận lần đầu với lối viết khoa học, chia thành từng phần tách biệt, không yêu cầu độ bám sát mạch truyện như những quyển tiểu thuyết văn chương. Để đọc sách một cách sâu sắc và hiệu quả, người đọc cần phải có một phương pháp hữu hiệu.

PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁCH HỮU HIỆU LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Khi bạn đọc một quyển sách, bạn cần xem xét tại sao tác giả lại sử dụng phương pháp lập luận này thay vì phương pháp lập luận khác, tại sao tác giả lại chọn cách phản ánh này chứ không phải cách phản ánh khác? Nói về chủ nghĩa nhân văn Tây phương, tại sao Lev Tolstoy lại xây dựng hai hình ảnh bầu trời Austerlitz trong tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình, đồng thời để cho nhân vật chính Pierre Bolkonsky có cơ hội tự vấn phản tỉnh? Tại sao Honoré de Balzac lại chọn hình ảnh ước lệ “miếng da lừa” nhằm bi kịch hóa sự tăng tiến giữa lòng ích kỷ, giả dối, ham muốn nhỏ nhen và quá trình hủy hoại những ước muốn tốt đẹp gắn liền với thời khắc thanh xuân eo hẹp của đời người? Ở Việt Nam, khi nói về chủ nghĩa nhân đạo, tại sao những chi tiết như “ấm nước đầy” (Đời thừa) và “bát cháo hành” (Chí Phèo) lại đem đến những cảm nhận khác nhau về bi kịch của lý tưởng và thực tại, của tình yêu vị tha và những nhỏ nhen trần tục.

Để thấu hiểu một tác phẩm ở góc độ mỹ học, người đọc cần phải tiếp cận bằng phương pháp đọc sâu, tức là cách đọc liên văn bản, thoát ly giới hạn của hình thức diễn đạt, không sa đà vào sự cuốn hút bởi trường văn trận bút, từng bước luận giải kết cấu và ngữ cảnh, đối chiếu nội dung và nghệ thuật dưới một lăng kính lý luận chung nhất. Hay nói cách khác, khi đọc một tác phẩm, bạn đang sống bằng tâm thế của người trong cuộc và hít thở không khí của thời đại sáng tác. Ở một bối cảnh lịch sử xã hội nhất định, đời sống văn học luôn bị chi phối bởi những trào lưu nhất định, đó có thể là chủ nghĩa lãng mạn trong thơ Xuân Diệu, Đinh Hùng, chủ nghĩa hiện thực đến từ văn chương Thạch Lam, Nam Cao hoặc màu sắc hiện sinh trong “thơ điên” của Bùi Giáng… Mỗi một trào lưu như vậy mang một đặc trưng riêng và có thể khái quát thành lý luận.

Để thưởng thức một trước tác, mà đặc biệt là văn chương, độc giả cần phải có tinh thần đồng cảm với người nghệ sĩ và đầu óc mẫn tuệ của một nhà lý luận. Điều này không thể có được nếu như mỗi ngày chúng ta đều đọc để lấy thông tin đơn thuần. Ví dụ, đọc một quyển sách nấu ăn để hiểu cách nấu món ngon. Đọc báo thể thao để xem kết quả giải Ngoại hạng Anh tối qua, lướt Facebook để nghe những cuộc “chém gió” không hồi kết.

Khi bạn đọc sách bằng tâm thế của một nhà văn, nhà nghiên cứu thì yêu cầu của bạn cao hơn, bạn mong muốn tìm hiểu cách mà một ý tưởng được xây dựng. Sau đó, áp dụng những kiến thức ấy để làm giàu cho kỹ năng viết của mình. GS David Jauss, giảng viên văn chương, tác giả của quyển “Đọc như một nhà văn” từng so sánh: “Việc đọc sẽ là vô nghĩa trừ khi bạn học cách đọc như một nhà văn. Bạn phải nhìn vào một quyển sách như một người thợ mộc nhìn vào một ngôi nhà, kiểm tra kỹ lưỡng các chi tiết để xem chúng được thực hiện như thế nào”.

Charles Moran, giáo sư ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Massachusetts cũng khuyến khích phương pháp đọc này, vì ông cho rằng, khi bạn tiến hành đọc sâu, bạn sẽ hiểu và đồng hành cùng người viết trên từng câu chữ. Bạn có thể quan sát bằng “cái tôi tưởng tượng” về cách tác giả đưa ra quyết định, xử lý thông tin và xem họ “đúc khuôn” kết cấu như thế nào.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra vẫn là làm sao để có thể “đọc vị” được một tác phẩm và vận dụng những phương pháp này trong việc nâng cao vốn xã hội, hình thành quan điểm đa chiều và phát huy tinh thần phản biện.

CÁCH THỨC “ĐỌC VỊ” MỘT TÁC PHẨM

Thứ nhất là phán đoán tác phẩm. Phán đoán không phải là việc lấy ý kiến chủ quan để làm lệch lạc tinh thần nguyên bản. Việc chúng ta sở hữu những thông tin liên quan đến bối cảnh xuất thân, hoàn cảnh lịch sử, tư tưởng chủ đạo, thói quen sử dụng thủ pháp, thế mạnh về thể loại của một tác giả là điều kiện rất quan trọng để giải mã những hàm ý phi ngôn ngữ. “Dụng ý” chính là linh hồn của tác phẩm. Hãy tự hỏi, tác giả đang viết về vấn đề gì? Thể loại văn bản tác giả đang sử dụng có hỗ trợ họ đạt được mục đích không? Những gì tác giả lựa chọn đề cập liệu có thuyết phục? Độc giả tiềm năng của tác phẩm này là những ai? Tác giả viết cho ai? Điều gì đang thôi thúc ngòi bút của tác giả? Trước khi bắt đầu đọc một quyển sách, bạn nên thử đoán xem mục đích của tác giả là gì.

Thứ hai là luận giải kết cấu của tác phẩm. Kết cấu là cách tổ chức và bố trí các ý trong tác phẩm, cách người viết chuyển ý, chuyển đoạn, phân bổ tư tưởng chủ đề vào nội dung các chương hoặc sử dụng kiến thức liên văn bản. Tác giả kiểm soát nhịp độ tác phẩm ra sao? Tại sao nhà văn này lại sử dụng lối quy nạp thay vì diễn dịch? Bạn cũng nên lưu ý về thủ thuật chuyển đoạn tác giả sử dụng.

Ví dụ khi đọc Hồng Lâu Mộng, bạn tự hỏi những thủ pháp nào đã được văn sĩ Tào Tuyết Cần vận dụng khiến cho độc giả vừa kết thúc một hồi truyện dài, lại muốn lật sang hồi kế tiếp? Mặc dù tác phẩm kinh điển này là một trường thiên diễm tình cổ điển, chứa đựng những khát vọng yêu đương nhuốm màu sầu lụy được phản ánh trong một không khí thời đại đầy biến động trong lịch sử Trung Hoa nhưng văn phong để phản ánh lại là bạch thoại (gần ngôn ngữ bình dân), trong khi Tào Tuyết Cần rất giỏi cổ văn và thơ phú. Kế đến, bạn hãy chú ý xem cách tác giả thiết kế đoạn kết và phần vĩ thanh như thế nào? Thử liên tưởng đến đoạn kết gần đây nhất bạn được đọc, cái kết ấy có để lại trong bạn nhiều điều đáng suy ngẫm không? Đôi khi nghệ thuật kết luận quyết định cả kết cấu tác phẩm.

Thứ ba là nhận biết phong cách văn chương. Giọng văn hay ngữ điệu là phương tiện phản ánh đặc trưng tính cách của các nhân vật trong tác phẩm, qua đó gợi mở những hình dung về phong cách của nhà văn. Làm thế nào để nhà văn tạo ra niềm hứng khởi, sự trăn trở hay nỗi ám ảnh khi miêu tả nội tâm lẫn ngoại giới? Làm thế nào mà các tác giả tạo ra dấu ấn cho riêng mình để không bị nhạt nhòa trên văn đàn? Một tác phẩm đạt đến trình độ hành văn thượng thừa sẽ toát ra một giai điệu rất êm tai, đó gọi là tính nhạc của tác phẩm.

Ví dụ trong Hịch Tướng Sĩ có một đoạn được xem là kinh điển: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Hoặc đoạn đặc tả trứ danh trong tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân): “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.

Thứ tư là ngôn ngữ đặc trưng. Bạn hãy chú ý đến cách mà các nhà văn lựa chọn từ ngữ diễn đạt. Nhà văn thường sử dụng những kỹ thuật như ẩn dụ, cường điệu, nghịch đảo cấu trúc, cụm liên tưởng phức hợp… để làm tác phẩm của họ mạch lạc hơn, ấn tượng hơn. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân được mệnh danh là “thầy phù thủy ngôn từ” vì những sáng tạo ngôn ngữ đem đến khoái cảm thẩm mĩ vô tận. Nhà văn “Vang bóng một thời” có vốn từ vựng hết sức phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống và ông biết cách vận dụng vốn kiến thức ấy một cách thuần thục và tự nhiên vào văn chương của mình. Tài năng của Nguyễn Tuân đã góp phần khiến cho ngôn ngữ văn chương quay trở lại định hình ngôn ngữ cuộc sống. Những cụm từ như “vang bóng một thời”, “thực tế phở” thoát ly khuôn khổ tác phẩm để trở thành lời lẽ tự nhiên của lĩnh vực báo chí, nghệ thuật.

Những chi tiết nhỏ thường làm nên nhà văn lớn, đó là cách tác giả ngắt câu, sử dụng các dấu câu, chuyển đoạn hay việc phân chia độ dài của đoạn, độ dài từng phần của bài viết. Bạn hãy dành thời gian để ý đến mạch tự sự của văn bản, trình tự xuất hiện của các nhân vật cũng như những tình tiết biến cố, cao trào,…

Tóm lại, “đọc vị” một tác phẩm là một văn hóa đọc nên được khuyến khích phát huy, nhất là ở thời đại bùng nổ thông tin, mỗi người rất cần có một “bộ lọc” văn hóa để xây dựng tư tưởng độc lập, không bị lệ thuộc vào dư luận.

Video liên quan

Chủ đề