Đánh giá quy định về bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam

[Luận án 2020] Pháp luật về Bảo hiểm tiền gửi từ thực tiễn bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

THÔNG TIN LUẬN ÁN

  • Trường: Học viện Khoa học xã hội
  • Tác giả: TS. Ngô Quang Huy
  • Định dạng: PDF/Word
  • Số trang: 173 trang
  • Năm: 2020

Đánh giá quy định về bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam

Đánh giá quy định về bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài

Hoạt động kinh doanh tiền tệ trong nền kinh tế thị trường luôn gắn liền và chứa đựng những yếu tố rủi ro tiềm ẩn như rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro đạo đức v.v… Trong những năm vừa qua, kinh tế xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện phát triển bền vững. Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý và thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, tăng trưởng kinh tế ở mức khá, an sinh xã hội được đảm bảo. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi, nên những kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua là đáng ghi nhận, đạt được những kết quả trên là nhờ những nỗ lực của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và có sự phối hợp tốt hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đóng góp vào kết quả đó phải kể đến vai trò của bảo hiểm tiền gửi (BHTG), một chế định tài chính được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Ở Việt Nam, BHTG là cam kết công khai của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền về việc tổ chức BHTG sẽ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán. Hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành.

BHTGVN được xác định là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các TCTD đã được quy định trong các văn bản như: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật phá sản năm 2014, Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về BHTG cho thấy các quy định của pháp luật hiện hành về BHTG đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chồng chéo dẫn đến hiệu quả thực thi không đạt kết quả như yêu cầu đặt ra, nhiều quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về BHTG không còn phù hợp và cần có sự sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Đặc biệt, kể từ thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD năm 2017 có hiệu lực thi hành, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, BHTGVN được giao thêm nhiều chức năng quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các TCTD, nâng cao vai trò trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền và hỗ trợ khả năng phục hồi các TCTD được kiểm soát đặc biệt (KSĐB), như: (i) Thực hiện cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trong thời gian TCTD bị KSĐB; (ii) được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ dựa trên quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (iii) tham gia phối hợp với Ban KSĐB, Ngân hàng Hợp tác xã để đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi của QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; xây dựng phương án phá sản TCTD được KSĐB trình NHNN xem xét, quyết định… Điều đó cho thấy Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 đã cụ thể hóa các quy định về thẩm quyền, biện pháp can thiệp sớm hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém; hoàn thiện cơ sở pháp lý giúp xây dựng một hệ thống TCTD lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia. Để BHTGVN đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới đó, cần thiết phải có sự rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về BHTG, mà trước mắt là tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật BHTG từ đó có kiến nghị sửa đổi Luật BHTG và các quy định của pháp luật có liên quan để BHTG thực sự là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ thực hiện tái cơ cấu các TCTD yếu kém gắn liền với xử lý nợ xấu, xử lý đổ vỡ các TCTD, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính – ngân hàng.

Chính vì những lý do trên, tác giả đã lựa chọn đề tài “Pháp luật về bảo hiểm tiền gửi từ thực tiễn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

2.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của luận án là làm rõ các vấn đề lý luận của pháp luật về BHTG và phân tích thực trạng thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Thông qua nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn thực hiện, tác giả có những đánh giá về thực tiễn thực hiện pháp luật về BHTG và thực trạng tổ chức, hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về BHTG và tổ chức, hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nêu trên, tác giả luận án xác định các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:

Một là, về phương diện lý luận:

Luận án tập trung khái quát hoá, hệ thống hóa được các vấn đề lý luận về BHTG, cơ chế xác lập quan hệ BHTG, phân tích cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ BHTG, các nhân tố tác động đến pháp luật về BHTG và việc thực thi pháp luật về BHTG.

Đặc biệt, Luận án đi sâu phân tích, đánh giá, so sánh các quy định của pháp luật về BHTG ở Việt Nam hiện hành với pháp luật quốc tế và pháp luật nước ngoài có liên quan, tham khảo kinh nghiệm về điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ BHTG của một số nước để tìm ra những bài học phù hợp với điều kiện của Việt Nam, chỉ ra những bất cập, hạn chế trong các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về BHTG.

Hai là, về phương diện thực tiễn:

Luận án phân tích, đánh giá thực trạng của pháp luật về BHTG thông qua tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động của tổ chức BHTGVN.

Quá trình thực hiện pháp luật về BHTG của tổ chức BHTGVN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: với tư cách là một tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Luận án tập trung nghiên cứu và đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về BHTG của tổ chức BHTGVN bao gồm các hoạt động cụ thể như: Chủ thể tham gia quan hệ BHTG và các bên liên quan được thực hiện như thế nào; Thực hiện quy định về tiền gửi, phí BHTG và quản lý, sử dụng phí BHTG của tổ chức BHTGVN có những thuận lợi và khó khăn gì; Thực tiễn xác lập và chấm dứt quan hệ BHTG; Hoạt động chi trả, hỗ trợ tài chính, thanh lý và thu hồi tài sản của BHTGVN trong thời gian qua đã có tác động đến hoạt động của các TCTD ra sao; Hoạt động kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động BHTG của tổ chức BHTGVN đã thực hiện trong thời gian qua như thế nào?

Qua nghiên cứu thực trạng thực hiện pháp luật về BHTG của tổ chức BHTGVN, luận án đưa ra những nhận xét, đánh giá về kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện pháp luật về BHTG của tổ chức BHTGVN.

Ba là, Trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về BHTG của tổ chức BHTGVN, luận án chỉ ra các yêu cầu hoàn thiện pháp luật về BHTG ở Việt Nam hiện nay; đề ra các phương hướng hoàn thiện pháp luật và đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật về BHTG và tổ chức, hoạt động của tổ chức BHTGVN trong giai đoạn hiện nay.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án bao gồm:

Các vấn đề lý luận liên quan đến BHTG và hoạt động của tổ chức BHTGVN như: Khái niệm, đặc điểm, vai trò của BHTG; mô hình hoạt động của các tổ chức BHTG trên thế giới;

Các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế cũng như pháp luật nước ngoài có liên quan về BHTG;

Thực trạng thực hiện pháp luật về BHTG của tổ chức BHTGVN thông qua nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức và hoạt động của của BHTGVN;

Các yêu cầu, phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về BHTG thông qua hoạt động của tổ chức BHTGVN.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung nghiên cứu:

– Luận án sẽ kế thừa các kết quả nghiên cứu từ các công trình đã được công bố như khái niệm, đặc điểm, vai trò, phân biệt BHTG với các loại hình bảo hiểm khác.

– Luận án sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động của tổ chức BHTGVN như: làm rõ địa vị pháp lý của tổ chức BHTGVN, mô hình và lựa chọn mô hình BHTG phù hợp với Việt Nam, các quy định của pháp luật và thực tiễn thực thiện các nội dung về chủ thể trong quan hệ BHTG, về tiền gửi được bảo hiểm, phí BHTG và quản lý, sử dụng phí BHTG, về kiểm tra, giám sát, chi trả… của tổ chức BHTGVN để từ đó khẳng định vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

– Về phạm vi không gian và thời gian nghiên cứu, luận án tập trung nghiên cứu pháp luật về BHTG và thực tiễn thực hiện pháp luật BHTG của tổ chức BHTGVN, trên cơ sở tham khảo, đối sánh với pháp luật về BHTG của một số quốc gia trên thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến nay.

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án

Từ mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, tác giả tiếp cận đối tượng nghiên cứu bằng những phương pháp nghiên cứu cụ thể như sau:

4.1. Phương pháp luận

Xuất phát từ tính chất đặc thù của đề tài nghiên cứu là vừa mang tính kinh tế vừa mang tính pháp lý, tác giả xác định phương pháp luận để triển khai đề tài luận án sẽ là phương pháp tiếp cận đa ngành và liên ngành, trong đó tập trung nhấn mạnh vào khía cạnh pháp lý của vấn đề nghiên cứu để làm nổi bật giá trị luật học của luận án. Luận án cũng sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của học thuyết Mác – Lê Nin để giải quyết các yêu cầu đặt ra của luận án.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau đây:

– Phương pháp nghiên cứu tổng hợp, hệ thống hóa, phân tích nhằm làm rõ cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn của pháp luật về BHTG ở Việt Nam, đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước về những vấn đề liên quan đến luận án, các số liệu tổng hợp thực tế, phương pháp này được sử dụng trong luận án nhưng trọng tâm là chương 1, chương 2 và chương 3.

– Phương pháp luật học so sánh: được sử dụng xuyên suốt luận án nhằm đối chiếu quy định pháp luật qua các thời kỳ, với pháp luật các quốc gia để tìm ra những điểm hợp lý trong các quy định pháp luật về BHTG, học hỏi kinh nghiệm xây dựng pháp luật để hoàn hiện pháp luật về BHTG.

– Phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê… được sử dụng trong chương 1, 4 để dự báo xu hướng phát triển của kinh tế xã hội, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật về BHTG.

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

Thứ nhất, Luận án đã tập trung nghiên cứu các nội dung về lý luận và pháp luật liên quan đến BHTG như: vai trò của BHTG, chỉ ra các mô hình BHTG trên thế giới và mô hình ở Việt Nam. Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của BHTG trong hệ thống tài chính ngân hàng và ý nghĩa đối với việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đánh giá các yếu tố tác động đến BHTG cả trong và ngoài nước để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp cho việc hoàn thiện pháp luật về BHTG ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, Luận án đã nghiên cứu thực trạng quy định của pháp luật về BHTG bao gồm: thực trạng về chủ thể tham gia quan hệ BHTG, quyền và nghĩa vụ của các bên; thực trạng về phí BHTG và sử dụng nguồn thu phí BHTG của tổ chức BHTGVN; thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật BHTG tại tổ chức BHTGVN thông qua nghiệp vụ cụ thể; luận án cũng đưa ra các số liệu, vụ việc để chứng minh cho các đánh giá, nhận xét của mình. Ngoài ra, luận án còn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong cơ chế chính sách, quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành để từ đó chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó.

Thứ ba, từ việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn về pháp luật BHTG, luận án đã chỉ ra các yêu cầu cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về BHTG cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội nói chung và chiến lược phát triển của ngành ngân hàng nói riêng. Luận án đã đưa ra các nhóm giải pháp để hoàn thiện pháp luật về BHTG, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và hoạt động của tổ chức BHTGVN và tổ chức tham gia BHTG đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

Về lý luận: Luận án nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận về BHTG và đánh giá tính hiệu quả quy định của pháp luật. Luận án khẳng định vai trò của BHTG đối với sự phát triển của hệ thống ngành tài chính ngân hàng; luận án cũng chỉ ra các nhân tố tác động đến hoạt động của BHTG, qua đó đưa ra những nhận xét, đánh giá về thực trạng pháp luật về BHTG, chỉ ra nguyên nhân của một số hạn chế còn gặp phải trong thực tiễn.

Về thực tiễn: Luận án chỉ ra những yêu cầu cần thiết, những định hướng cơ bản để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về BHTG; tiếp đến luận án đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu để bảo đảm quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia vào quan hệ BHTG.

Ngoài ra, luận án còn là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng trong nghiên cứu và giảng dạy khoa học pháp lý, kinh tế, tài chính, phục vụ cho việc hoạch định chính sách về BHTG ở Việt Nam.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án có 4 chương như sau:

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết

Chương 2. Những vấn đề lý luận về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật về bảo hiểm tiền gửi

Chương 3. Thực trạng thực hiện pháp luật bảo hiểm tiền gửi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Chương 4. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo hiểm tiền gửi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.