Đánh giá đặc điểm địa chất tỉnh kiên giang

ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TỔN THƯƠNG HỆ THỐNG TỰ NHIÊN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG BIỂN HÀ TIÊN - VỊNH CÂY DƯƠNG (KIÊN GIANG)

1THÁI THÀNH LƯỢM, 2 ĐÀO MẠNH TIẾN, 2 BÙI QUANG HẠT, 2 LÝ VIỆT HÙNG, 2 LÊ VĂN ĐỨC

1 Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, 2 Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển

Tóm tắt: 1. Mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển là mức độ tổn thất, suy thoái về tài nguyên môi trường, đồng thời là mức độ chống chịu, phục hồi, ứng phó của tài nguyên môi trường biển trước các tác động từ bên ngoài (theo Kasperson, 2001 và có điều chỉnh phù hợp với Việt Nam, Thái Thành Lượm, Đào Mạnh Tiến, 2008).

  1. Dựa vào các đặc trưng tai biến địa chất, các yếu tố ảnh hưởng, khả năng phòng tránh của cộng đồng và ứng xử của con người với tai biến, có thể phân biệt được 3 vùng có mức độ nguy hiểm khác nhau:

- Vùng rất nguy hiểm, gồm dải lục địa ven biển từ Rẫy Mới (xã Bình An) tới Mỹ Đức ra tới độ sâu 1-2 m nước, bao gồm các xã Mỹ Đức, Thuận Yến, Dương Hòa, Bình An, thị trấn Ba Hòn, Hòn Chông (Bình An) và thị xã Hà Tiên.

- Vùng nguy hiểm, gồm phần đất liền thuộc các xã Huỳnh Sơn, Vàm Rẫy, Giồng Kê, Rạch Đùng, các quần đảo Bà Lụa, Hải Tặc và các đảo khác; phần dưới biển bao gồm từ độ sâu 1-2 m nước trở ra tới độ sâu 5-6 m nước.

- Vùng ít nguy hiểm: là vùng biển khơi từ 5-6 m nước trở ra khơi.

  1. Bằng phương pháp Cutter và quy trình của NOAA có điều chỉnh đã phân vùng mức độ bị tổn thương thành 3 vùng như sau:

- Vùng có mức độ tổn thương thấp: là vùng biển từ 5-6 m nước ra khơi. Đây là vùng có mật độ đối tượng tổn thương thấp, mức độ nguy hiểm do tai biến thấp, khả năng ứng phó trước tai biến cao. Vùng này giàu có về nguồn vật liệu xây dựng (cát xây dựng, cát san lấp), là ngư trường rộng lớn và quan trọng, trong vùng có ít các loại tai biến.

- Vùng có mức độ tổn thương trung bình: là vùng biển có độ sâu từ 5-6 m nước trở vào đến các cửa sông và chiếm toàn bộ diện tích rừng ngập mặn ven bờ. Đây là vùng có nhiều loại hình tai biến (bồi tụ gây biến động luồng lạch, ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm trong nước và trong trầm tích), trầm tích nhạy cảm với ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, mật độ đối tượng tổn thương ở vùng này chỉ ở mức trung bình. Là vùng nhạy cảm với các loại tai biến, nhưng khả năng phục hồi của vùng rất cao vì có hệ sinh thái biển đảo đa dạng.

- Vùng có có mức độ tổn thương cao: là phần đất liền ven biển của vùng Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang), bao gồm các vùng: Huỳnh Sơn, Vàm Rẫy, Giồng Kê, Rạch Đùng, Bình An, Ba Hòn, Dương Hòa, Thuận Yến, Hà Tiên và Mỹ Đức. Các xã, thị xã, thị trấn ven biển có mật độ đối tượng tổn thương rất cao và có nhiều vùng rất nhạy cảm với các loại tai biến (lũ lụt, nhiễm mặn, trượt lở, xói lở, bồi tụ, động đất, ...), tuy nhiên khả năng phòng tránh của cộng đồng vẫn chưa cao (kinh tế vẫn còn nghèo, trình độ văn hóa còn thấp, ...).

4. Bài báo này đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu và điều tra cơ bản của chính các tác giả từ dự án chính phủ “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất vùng biển Phú Quốc - Hà Tiên, tỷ lệ 1/100.000” và từ các dự án khác do Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang thực hiên.

  1. MỞ ĐẦU

Trong những năm gần đây, chi phí toàn cầu cho tai biến tự nhiên tăng lên một cách đáng kể do các tai biến quy mô lớn xẩy ra thường xuyên. Đặc biệt, sự nhận thức rủi ro mâu thuẫn với rủi ro thực tế đã làm tăng tính dễ bị tổn thương dài hạn. Các phản ứng của xã hội với một loại tai biến bằng biện pháp lồng ghép 3 hoạt động “phản ứng và hồi phục”, “giảm thiểu” và “chuẩn bị” đã làm thay đổi tính bị tổn thương trong tương lai, nếu chúng được tiến hành một cách khôn ngoan. Quan điểm mới mẻ này đã làm thay đổi cách nhìn nhận của các tổ chức quản lý.

Trước đây bản đồ địa chất tai biến chỉ mô tả một số thông tin đơn lẻ về khả năng tác động của tai biến lên vùng nghiên cứu. Những thông tin đó chưa đủ cơ sở cho công tác hoạch định biện pháp giảm thiểu thiệt hại do tai biến gây ra trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược. Việc hoạch định chính sách phát triển bền vững cần phải đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của một số đối tượng cụ thể, một không gian xác định trước tai biến tiềm năng, nghĩa là phải đánh giá mức độ dễ bị tổn thương hệ thống tự nhiên kinh tế xã hội và phân vùng mức độ tổn thương hệ thống tự nhiên kinh tế xã hội. Mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển là mức độ tổn thất, suy thoái về tài nguyên môi trường, đồng thời là mức độ chống chịu, phục hồi, ứng phó của tài nguyên môi trường biển trước các tác động từ bên ngoài [theo 7, có điều chỉnh phù hợp với Việt Nam, Thái Thành Lượm, Đào Mạnh Tiến, 2008].

Phân vùng mức độ tổn thương trên bản đồ địa chất tai biến và dự báo tai biến là cần thiết. Đối với đối tượng nghiên cứu là tài nguyên - môi trường biển thì tổn thương tài nguyên - môi trường biển sẽ gồm 2 yếu tố: 1) mức độ tổn thất, suy thoái của tài nguyên - môi trường biển (hệ thống) và 2) mức độ chống chịu, phục hồi, ứng phó của hệ (tài nguyên - môi trường biển) trước các tác động.

Trong vấn đề trên, việc đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển được hiểu là đánh giá mức độ tổn thất, suy thoái hệ thống tài nguyên - môi trường biển (về chất lượng và giá trị) và khả năng chống chịu, phục hồi của hệ thống tài nguyên - môi trường biển với các áp lực từ bên ngoài (tai biến và hoạt động nhân sinh). Trên cơ sở áp dụng mô hình đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của Cutter và nnk. [2, 3] và quy trình đánh giá mức độ tổn thương của NOAA [9] vào điều kiện thực tế ở Việt Nam, đã áp dụng đánh giá mức độ tổn thương cho vùng biển Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang). Các tư liệu trình bày trong bài báo là của chính các tác giả khi thực hiện dự án chính phủ thuộc dự án thành phần "Điều tra địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất vùng biển Phú Quốc - Hà Tiên, tỷ lệ 100.000” và các dự án khác do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang thực hiện.

II. ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TỔN THƯƠNG HỆ THỐNG TỰ NHIÊN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG BIỂN HÀ TIÊN - VỊNH CÂY DƯƠNG (KIÊN GIANG)

Để đánh giá mức độ tổn thương hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội trong vùng biển Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang), chúng tôi thực hiện các bước sau:

Bước 1. Đánh giá mức độ nguy hiểm do tai biến:

Các nghiên cứu về tai biến trước đây chỉ đưa ra những thông tin riêng lẻ và định tính về khả năng tác động của một hay vài tai biến trên một vùng nhất định. Những thông tin này chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra biện pháp giảm thiểu tai biến. Do vậy, cần phân vùng mức độ nguy hiểm do tai biến, từ đó đề xuất các biện pháp quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ, lãnh hải, chủ động phòng tránh tai biến, góp phần phát triển bền vững. Đồng thời, kết quả phân vùng mức độ nguy hiểm do tai biến còn được áp dụng trong đánh giá mức độ tổn thương cho vùng nghiên cứu. Phân vùng tổng hợp mức độ nguy hiểm do tai biến có thể thực hiện theo 5 bước sau:

1. Thiết lập mạng lưới khảo sát ngoài thực địa với diện tích 1 km2 hoặc 4 km2, tương ứng với lưới ô vuông của bản đồ tỷ lệ 1:50.000 hoặc 1:100.000.

2. Các tai biến được xác định trên mạng lưới khảo sát và được tính điểm mức độ nguy hiểm dựa vào các chỉ tiêu khác nhau (dạng, cường độ, tần suất…) cho từng loại tai biến theo công thức:

G = (F + A) × M (1)

trong đó: G - tổng điểm của tai biến, F - tần suất xuất hiện, A - phạm vi ảnh hưởng, M - cường độ tai biến.

3. Xác định các loại tai biến và tính tổng điểm mức độ nguy hiểm do tai biến trên mỗi ô vuông của bản đồ, theo công thức:

DIi = SHi/SHtb (1)

trong đó: DIi - mức độ nguy hiểm cho mỗi ô vuông; SHi - tổng điểm mức độ nguy hiểm trên một ô vuông thứ i; SHtb - tổng điểm mức độ nguy hiểm toàn vùng.

4. Đưa các kết quả tính toán mức độ nguy hiểm lên bản đồ.

5. Khoanh vùng các vùng theo mức độ nguy hiểm do tai biến theo các mức nếu vùng ít nguy hiểm DIi < 1,5; vùng tương đối nguy hiểm 1,5< DIi <3; vùng nguy hiểm DIi >3.

Trên cơ sở tính điểm các tai biến riêng lẻ và cho điểm trên từng ô vuông của bản đồ tỷ lệ 1:50.000 và 1:100.000, đã phân vùng biển Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang) thành 3 vùng có mức độ nguy hiểm khác nhau (Hình 1).

Vùng rất nguy hiểm: thuộc vào vùng này là dải lục địa ven biển từ Rẫy Mới (xã Bình An) tới Mỹ Đức ra tới độ sâu 1-2 m nước, bao gồm các xã Mỹ Đức, Thuận Yến, Dương Hòa, Bình An, thị trấn Ba Hòn, Hòn Chông (Bình An), thị xã Hà Tiên. Đây là vùng có các thành tạo trầm tích bao gồm: đá rắn trắc và các trầm tích bở rời (bùn, bùn cát, cát bùn, cát bột). Là vùng đang có nhiều tai biến (bồi tụ gây biến động luồng lạch, ngập lụt vùng cửa sông, ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi rác thải, dầu và kim loại). Tuy nhiên, đây cũng là vùng tập trung mật độ hoạt động nhân sinh rất cao, đặc biệt là đánh bắt thủy sản, hải sản, giao thông vận tải biển và du lịch.

Vùng nguy hiểm: là vùng đất liền thuộc các xã như Huỳnh Sơn, Vàm Rẫy, Giồng Kê, Rạch Đùng, các quần đảo Bà Lụa, Hải Tặc và các đảo khác; phần dưới biển bao gồm từ độ sâu 1-2 m nước trở ra tới độ sâu 5-6 m nước. Đây là vùng đất thấp ven biển, nhạy cảm cao với tai biến lũ lụt, dâng cao mực nước biển và tai biến nhiễm mặn. Ở vùng này còn tập trung nhiều khu dân cư với tài nguyên đất ngập nước phong phú (rừng ngập mặn, đồng lúa, đầm nuôi trồng thủy sản, ...).

Vùng ít nguy hiểm: là vùng biển khơi từ 5-6 m nước ra khơi. Trầm tích tầng mặt thuộc vùng này được cấu tạo chủ yếu bởi cát, sạn cát có xen một số trường bùn, cát bùn. Đây là vùng có trữ lượng lớn về khoáng sản vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp và là ngư trường đánh bắt thủy sản chính của địa phương. Tai biến trong vùng này chủ yếu là dưới dạng nguy cơ như: động đất.

Đánh giá đặc điểm địa chất tỉnh kiên giang

Đánh giá đặc điểm địa chất tỉnh kiên giang

Hình 1. Bản đồ phân vùng mức độ nguy hiểm vùng biển Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang)

Bước 2. Xác định mật độ đối tượng bị tổn thương

Dựa vào tiêu chí xác định các đối tượng dễ bị tổn thương của Cutter [2], Cutter et al. [3], NOAA [9] và kết quả khảo sát các yếu tố xã hội trong khu vực nghiên cứu, các đối tượng dễ bị tổn thương đã được xác định: 1) cảng; 2) bến thuyền; 3) trạm xăng dầu; 4) đầm nuôi thuỷ sản ven bờ; 5) khu dân cư; 6) đường giao thông chính; 7) đường dây cao thế; 8) cầu lớn; 9) đê biển; 10) khu công nghiệp; 11) rừng ngập mặn, rừng phòng hộ; 12) đất canh tác nông nghiệp, ...

Tương tự các tai biến nguy cơ nói trên, việc xác định và cho điểm mật độ đối tượng bị tổn thương không thể định lượng hoá cho vùng nghiên cứu. Các đối tượng xã hội chỉ cho điểm một cách tương đối với thứ tự ưu tiên theo giá trị kinh tế và mức độ thiệt hại do tai biến. Nếu chồng ghép các đối tượng dễ bị tổn thương của khu vực lên nhau ta sẽ có mật độ tổn thương của khu vực đó [3]. Để thành lập bản đồ mật độ bị tổn thương, chúng tôi đã tiến hành tính điểm cho 1 ô vuông của bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 (tương đương với 1 km2), sau đó tính mật độ tổn thương trung bình cho toàn vùng. Căn cứ vào mức trung bình này ta chia khoảng phân vùng mật độ đối tượng bị tổn thương.

Kết quả đánh giá mật độ các yếu tố bị tổn thương cho thấy vùng biển Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang) bao gồm 4 vùng có mật độ bị tổn thương khác nhau (Hình 2):

Vùng I: Vùng có mật độ bị tổn thương thấp. Vùng này bao gồm toàn bộ vùng biển có độ sâu khoảng 5-6 m trở ra. Đây là vùng biển có tiềm năng khoáng sản đáy biển, là đường giao thông thuận lợi và là ngư trường đánh bắt thủy sản nhưng các đối tượng này chịu ảnh hưởng ít khi có tai biến xảy ra.

Vùng II: Vùng có mật độ bị tổn thương trung bình. Đây là vùng biển có độ sâu từ 5-6 m nước trở vào (đến 0 m nước) tới các cửa sông rạch ven biển Vàm Rẫy, Rạch Đùng, Hòn Chông, Ba Hòn, Dương Hòa, Hà Tiên. Đây là vùng có kiểu đất ngập nước nhỏ hơn 6 m khi triều kiệt và là nơi khai thác của phần lớn ngư dân sinh sống trong vùng. Vùng này là cửa ngõ giữa nội địa để đi ra biển khơi, nên có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển.

Vùng III: Vùng có mật độ tổn thương tương đối cao. Đây là vùng có mật độ dân số khá thấp, cơ sở hạ tầng không kiên cố, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất nông nghiệp phát triển, các kiểu đất ngập nước chính là đất trồng lúa và đất dùng cho nuôi trồng thủy sản. Thuộc vào vùng có mật độ tổn thương này là toàn bộ các vùng Huỳnh Sơn, Vàm Rẫy, Giồng Kê, Rạch Đùng (xã Kiên Bình).

Vùng IV: Vùng có mật độ tổn thương cao. Đây là vùng tập trung nhiều nhất về dân cư, cơ sở hạ tầng và tài nguyên. Thuộc vào vùng này kéo dài là dải từ Rẫy Mới tới Mỹ Đức, bao gồm các xã như Mỹ Đức, Thuận Yến, Dương Hòa, Bình An, thị trấn Ba Hòn, Hòn Chông (Bình An), thị xã Hà Tiên. Đây là vùng tập trung rất cao về các kiểu đất ngập nước như: đầm nuôi trồng thủy sản, đất ngập nước cửa sông, bãi bùn gian triều, rừng ngập mặn và các bến neo đậu tàu thuyền. Các kiểu đất ngập nước này có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đặc biệt các vùng cảng Hòn Chông, Sao Mai, Hà Tiên còn là trọng điểm phát triển kinh tế - kỹ thuật của tỉnh Kiên Giang trong tương lai, nơi hiện nay đã và đang xây dựng một số khu công nghiệp.

Đánh giá đặc điểm địa chất tỉnh kiên giang

Đánh giá đặc điểm địa chất tỉnh kiên giang

Hình 2. Bản đồ phân vùng mật độ tổn thương vùng biển Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang).

Sự phân bố mật độ bị tổn thương xã hội như trên cho thấy tính dễ bị tổn thương xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội, nhưng chủ yếu là dân cư, cơ sở hạ tầng và mức độ phát triển kinh tế của vùng.

Bước 3. Đánh giá khả năng ứng phó với tai biến

Kết quả nghiên cứu về địa chất môi trường và địa chất tai biến cho thấy vùng biển Hà Tiên - vịnh Cây Dương có nguy cơ chịu ảnh hưởng của nhiều loại tai biến nguy hiểm. Tuy nhiên, sự phân tích kinh tế - xã hội cho thấy khả năng ứng phó tai biến của cộng đồng ven biển trong vùng là chưa cao. Khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển trước tai biến là khả năng phòng tránh và chống chịu trước tai biến. Khả năng đó được thể hiện thông qua tiềm lực kinh tế - xã hội, khả năng thoát khỏi vùng có tai biến, ... tức là khả năng giảm thiểu mức độ thiệt hại do tai biến đến mức nhỏ nhất có thể. Một số nguyên nhân dẫn đến khả năng ứng phó chưa cao có thể kể ra như sau:

Kiên Giang là một trong những khu trọng điểm kinh tế của vùng, có môi trường đầu tư tương đối thuận lợi. Chính phủ có Quyết định 178 về quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, cùng với Quyết định 158 của Chính phủ cho phép áp dụng một số chính sách tại khu cửa khẩu Hà Tiên. Cơ chế chính sách của Trung ương và tỉnh là tiền đề quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong những năm tới.

Kiên Giang có tiềm năng kinh tế khá lớn, với tài nguyên phong phú đa dạng tạo thế mạnh về nông lâm, thủy sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông thủy sản, xuất khẩu du lịch và dịch vụ. Tiềm năng về quỹ đất để phát triển nông nghiệp như trồng lúa, mía, hạt tiêu, điều và một số loại cây trồng khác rất lớn. Trữ lượng đá và đá vôi của Kiên Giang khoảng 440 triệu tấn, để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng. Kiên Giang có nguồn lợi biển rất phong phú, đa dạng, ngư trường khai thác hải sản của tỉnh trên 63.000 km2, thuận lợi cho việc khai thác nuôi trồng, chế biến và xuất nhập khẩu hải sản. Kiên Giang là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các địa danh như Phú Quốc, Hà Tiên, quần đảo Nam Du, quần đảo Bà Lụa,... là những nơi có nhiều cảnh đẹp, bãi tắm đủ điều kiện để phát triển du lịch.

Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, các vấn đề văn hoá, xã hội cũng được quan tâm giải quyết hiệu quả, trong đó, chất lượng nguồn lao động qua đào tạo nghề nâng lên từ 4,28% năm 2000 lên 9% năm 2006. Chương trình xoá đói giảm nghèo tiếp tục phát huy hiệu quả, trong đó quan tâm đến đối tượng là gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả đã xây dựng hơn 3.500 căn nhà tình nghĩa, 5.000 căn nhà đại đoàn kết và hơn 8.000 căn nhà theo Quyết định 134. Từ đó kéo theo hộ nghèo giảm còn 10,78%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 84,57%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 80,85%; 70-75% số hộ và đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá. Có 14/39 xã đã hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn I.

Mạng lưới y tế được mở rộng, cán bộ y tế được tăng cường về vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; hiện 86,77% trạm y tế có bác sĩ công tác thường xuyên. Giảm tỷ lệ sinh 0,05%, khống chế đảm bảo mức tăng dân số tự nhiên dưới 1,40%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 22,4%.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển. Thực hiện chương trình kiên cố hóa phòng học đã đưa vào sử dụng trên 1.300 phòng học mới, cơ bản xóa phòng học cây lá. Chuẩn hóa từ 70%-90% đội ngũ giáo viên ở các cấp học, bậc học. Tỉnh Kiên Giang hiện có 37 trường với 253 lớp và 6.057 học sinh tiểu học đang theo học chương trình song ngữ Việt-Khmer thực hiện trong năm học đầu tiên (2006-2007). Đây là các trường có đông học sinh người Khmer, trong đó huyện Châu Thành có 1.593 học sinh, thị xã Hà Tiên có 704 học sinh, huyện Giồng Riềng có 677 học sinh và huyện Gò Quao có 675 học sinh.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang đến năm 2010 là tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu tư có trọng điểm vào những ngành, địa bàn và lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng và du lịch. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đầu tư chiều sâu để tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa, làm chuyển biến một bước quan trọng về sức cạnh tranh của nền kinh tế. Huy động tối đa nội lực và ngoại lực, thu hút các thành phần kinh tế cùng đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Đi đôi với tăng trưởng kinh tế, tiếp tục phát triển văn hóa - xã hội, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân là vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đạo lý của dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập. Từng bước hoàn thiện và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, trong đó mục tiêu cụ thể là tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 13% trở lên. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.000-1.100 USD (giá năm 1994); phấn đấu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đạt 46% GDP. Tăng trưởng GDP bình quân của từng vùng hàng năm là: nông, lâm, thủy sản 8-9%; công nghiệp xây dựng 17-18%; dịch vụ 15-16%.

Năm 2010 tỷ trọng nông, lâm, thủy sản đạt 35%; công nghiệp xây dựng 35%; dịch vụ 30%.

Sản lượng lương thực: đến năm 2010 đạt 3 triệu tấn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2010 đạt 460.000 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 500 triệu USD vào năm 2010. Huy động ngân sách hàng năm đạt 6-7% GDP.

Tăng dân số: trung bình 1,2%/ năm, quy mô dân số vào năm 2010 dưới 1,8 triệu người. Hàng năm giải quyết việc làm cho 24.000-25.000 lao động. Huy động học sinh từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 95% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 6% (theo tiêu chí năm 2005); 80% đường đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 90% dân số được sử dụng nước sạch và 95% số hộ được sử dụng điện.

Hệ thống giao thông: Kiên Giang có hệ thống giao thông nối với hệ thống đường bộ, đường thủy và hàng không quốc gia. Chính phủ đã ưu tiên đầu tư xây dựng một số công trình đi qua hoặc kế cận tỉnh Kiên Giang như: nâng cấp mở rộng 5 quốc lộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và đường xuyên Á; nạo vét, mở rộng tuyến đường thủy từ thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Lương; nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới sân bay Phú Quốc, Rạch Giá.

Đường bộ: tỉnh có tổng chiều dài 316 km quốc lộ, 217 km tỉnh lộ; 83 km đường liên huyện và 92 km đường đô thị. Mật độ đường trên diện tích tự nhiên thấp: 0,09km/km2 (so với bình quân cả nước là 0,32 km/km2).

Đường thủy: tổng chiều dài các tuyến là 2.409 km. Hệ thống giao thông đường sông giúp vận tải hàng hóa giao lưu với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Giao thông đường biển nối Rạch Giá với các đảo Lại Sơn, Nam Du, Phú Quốc, Thổ Chu. Năm cảng biển của Kiên Giang đang được đầu tư nâng cấp.

Hàng không: sân bay Phú Quốc và Rạch Giá có đường băng dài 1.500 m, chỉ phục vụ được máy bay nhỏ dưới 100 chỗ ngồi. Sân bay Hà Tiên và An Thới thì bị bỏ hoang từ lâu.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tuy khá nhanh, nhưng chưa ổn định và thiếu tính vững chắc, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy tốt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và chưa đồng bộ, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu trên nhiều mặt. Tỷ lệ học sinh theo học lên các bậc cao hơn ở các địa phương ven biển trong vùng không cao. Do vậy khả năng ứng phó và chống đỡ khi có tai biến xảy ra còn khó khăn, cũng như thực thi các biện pháp nhằm giảm thiểu tai biến thường thu được kết quả không cao. Với mạng lưới y tế còn chưa mạnh, rất khó khăn cho công tác cứu chữa và trợ giúp các nạn nhân khi chịu ảnh hưởng của tai biến tác động. Mạng lưới giao thông tương đối phát triển, đó là một điều kiện thuận lợi giúp giảm thiểu khi có tai biến xảy ra và tăng khả năng phòng tránh tai biến. Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên có thể chống đỡ tai biến ở trong vùng hiện có diện tích rừng ngập mặn và rừng phòng hộ tương đối lớn, nhưng chủ yếu chỉ tập trung tại một số vùng (Vàm Rẫy, Rạch Đùng, Dương Hòa và Hà Tiên). Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn giáp biển mà những vùng đó sẽ ít chịu ảnh hưởng của hiện tượng xói lở bờ biển. Hệ thống rừng ngập mặn dày đặc còn là lá chắn vô cùng quan tượng để lưu giữ các chất gây ô nhiễm môi trường biển từ đất liền. Mặt khác diện tích rừng ngập mặn, bãi triều lầy, đất ngập nước còn là môi trường thuận lợi và là nguồn cấp dinh dưỡng cho nhiều loài sinh vật biển phát triển. Tuy vậy, các hoạt động đánh bắt thủy sản quá mức đã làm suy giảm đa dạng sinh học ở một số vùng cửa sông một cách đáng kể. Do vậy, cần có sự kết hợp giữa quản lý, tuyên truyền với chế tài hợp lý đối với việc đánh bắt động vật thủy sinh trong mùa sinh trưởng.

Kết quả cuối cùng của việc đánh giá mức độ tổn thương của hệ thống tự nhiên - xã hội là phân vùng mức độ tổn thương của hệ thống đó và thể hiện chúng trên bản đồ. Bản đồ phân vùng mức độ bị tổn thương thành lập trên cơ sở chồng ghép bản đồ mức độ nguy hiểm do tai biến, bản đồ mật độ đối tượng bị tổn thương, bản đồ ứng phó của hệ thống trước tai biến. Mức độ tổn thương của hệ thống tự nhiên - xã hội của vùng nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào mật độ đối tượng bị tổn thương, khả năng ứng phó với tai biến (khả năng phục hồi và chống đỡ: resilience) và mức độ nguy hiểm do tai biến. Trên cơ sở các nghiên cứu kể trên có thể phân vùng mức độ tổn thương của vùng nghiên cứu thành 3 vùng với mức độ tổn thương khác nhau như sau (Hình 3):

Vùng có tổn thương thấp: là vùng biển từ 5-6 m nước ra khơi. Đây là vùng có mật độ đối tượng tổn thương thấp, mức độ nguy hiểm do tai biến thấp, khả năng ứng phó trước tai biến cao. Vùng này giàu có về nguồn vật liệu xây dựng (cát xây dựng, cát san lấp), là ngư trường rộng lớn và quan trọng, nhưng mức độ tập trung ít các tai biến, chỉ có sóng cát di động là tai biến địa chất biểu hiện nguy hiểm. Ngoài ra còn có nguy cơ ô nhiễm As (phía nam quần đảo Hải Tặc, phía đông đảo Phú Quốc).

Đánh giá đặc điểm địa chất tỉnh kiên giang

Đánh giá đặc điểm địa chất tỉnh kiên giang

Hình 3. Bản đồ phân vùng tổn thương vùng biển Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang).

Vùng có tổn thương trung bình: là vùng biển có độ sâu từ 5-6 m nước trở vào đến các cửa sông và chiếm toàn bộ diện tích rừng ngập mặn ven bờ. Đây là vùng có nhiều loại hình tai biến (bồi tụ gây biến động luồng lạch, các hoạt động nhân sinh như: đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện đánh bắt hủy diệt (lưới mắt nhỏ, dã cào, cào bay, sệp điện, ... ô nhiễm môi trường). Trầm tích có thành phần chủ yếu là bùn sét, bùn cát, cát bùn (khả năng tàng chữ và lưu giữ độc tố cao) rất nhạy cảm với ô nhiễm môi trường. Nguy cơ ô nhiễm và ô nhiễm môi trường nước bởi Pb (Hà Tiên, Dương Hòa, vịnh Thuận Yến, quần đảo Bà Lụa, Rạch Đùng); As (vịnh Thuận Yến, cảng Sao Mai, quàn đảo Bà Lụa); PCBs xã Dương Hòa.Nhưng đây cũng là vùng có nguồn dinh dưỡng từ lục địa mang ra nên tập trung rất nhiều loại hải sản quý. Vùng là bãi sinh đẻ, là điểm dừng chân của nhiều loài sinh vật.

Tuy nhiên, mật độ đối tượng tổn thương ở vùng này chỉ ở mức trung bình. Là vùng nhạy cảm với các loại tai biến, nhưng khả năng phục hồi của vùng rất cao vì có hệ thống rừng ngập mặn dày đặc và đang có xu thế phát triển với mật độ cao (tốc độ tăng trưởng của cây trong vùng nhanh: 0,5-0,9 m/năm). Rừng ngập mặn là lá chắn quan trọng để chống chịu các tai biến, đặc biệt là xói lở bờ biển, sóng thần và ô nhiễm môi trường. Mặt khác, rừng ngập mặn còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học cho vùng cửa sông, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Chính nhờ hệ thống rừng ngập mặn mà khu vực cửa sông được tính toán và có thể xếp vào vùng có mức độ tổn thương trung bình.

Vùng có tổn thương cao: là phần đất liền ven biển của vùng Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang), bao gồm toàn bộ khu vực Huỳnh Sơn, Vàm Rẫy, Giồng Kê, Rạch Đùng, Bình An, Ba Hòn, Dương Hòa, Thuận Yến, Hà Tiên, Mỹ Đức. Các xã, thị xã, thị trấn ven biển có mật độ đối tượng tổn thương rất cao và có nhiều vùng rất nhạy cảm với các loại tai biến (lũ lụt, nhiễm mặn, trượt lở, xói lở, bồi tụ, động đất,...). Vùng có đặc điểm địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt nên triển khai phát triển kinh tế gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt cũng rất khó cứu trợ và triển khai phòng chống tai biến. Vùng có diện tích lớn đất ngập nước có thể dùng nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và xây dựng cảng. Tuy nhiên, khả năng phòng tránh của cộng đồng rất thấp (kinh tế vẫn còn nghèo, trình độ văn hóa thấp, đường giao thông mới phát triển ở mức thấp,...). Trong vùng có cảng Sao Mai có khả năng neo đậu các tàu có trọng tải lớn, ngoài ra còn hai cảng Hòn Chông và Hà Tiên là đầu mối giao thông đường biển quan trọng của khu vực Tây Nam Bộ. Cảng đang bị nông hóa nên cần được đầu tư nghiên cứu khắc phục. Mạng lưới giao thông trong vùng tương đối phát triển xong nhìn chung vẫn còn rất khó khăn, ngoại trừ tuyến đường chính Rạch Giá - Hòn Chông - Ba Hòn - Hà Tiên là được nhựa hóa và khá tôt, các tuyến đường còn lại là đường cấp phối hoặc rải nhựa, nhưng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, đây là vùng có mức độ tổn thương cao, nếu có tai biến xảy ra khu vực này sẽ chịu tổn thất rất nặng nề. Cần chú trọng đầu tư phát triển kinh tế xã hội đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng để phòng tránh tai biến cho vùng nghiên cứu.

Phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương dựa vào đánh giá các tai biến tiềm năng và hệ thống tự nhiên xã hội là bước tiếp cận mới đối với nghiên cứu tai biến ở Việt Nam, nhưng có ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu thiệt hại do tai biến, dự báo tai biến, phát triển kinh tế - xã hội (đặc biệt giúp các nhà đầu tư có sự lựa chọn vùng an toàn, bền vững, hợp lý nhất cho các công trình của mình). Độ tin cậy của việc phân vùng mức độ tổn thương sẽ cao hơn khi các thông tin về tai biến, hệ thống kinh tế - xã hội của vùng nghiên cứu được cung cấp đầy đủ, chi tiết. Các giải pháp đề xuất để giảm thiểu tai biến dựa trên kết quả nghiên cứu mức độ tổn thương là các giải pháp tổng thể. Bao gồm các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của các đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, cần nghiên cứu chi tiết phân vùng cụ thể với các bản đồ với tỷ lệ lớn để đạt được độ chính xác cao.

II. KẾT LUẬN

1. Dựa vào các đặc trưng tai biến địa chất, các yếu tố ảnh hưởng, khả năng phòng tránh của cộng đồng và ứng xử của con người với tai biến, có thể phân biệt được 3 vùng có mức độ nguy hiểm khác nhau: vùng nguy hiểm (thuộc vào vùng này là dải lục địa ven từ Rẫy Mới (xã Bình An) tới Mỹ Đức ra tới độ sâu 1-2 m nước. Bao gồm các xã Mỹ Đức, Thuận Yến, Dương Hòa, Bình An, thị trấn Ba Hòn, Hòn Chông (Bình An), thị xã Hà Tiên; vùng tương đối nguy hiểm, là vùng đất liền thuộc các xã Huỳnh Sơn, Vàm Rẫy, Giồng Kê, Rạch Đùng; các quần đảo Bà Lụa, Hải Tặc và các đảo khác; phần dưới biển bao gồm từ độ sâu 1-2 m nước trở ra tới độ sâu 5-6m nước; vùng ít nguy hiểm là vùng biển khơi từ 5-6 m nước trở ra khơi.

2. Bằng phương pháp của Cutter và quy trình của NOAA có điều chỉnh đã phân vùng mức độ bị tổn thương thành 3 vùng như sau: vùng có mức độ tổn thương thấp, là vùng biển từ 5-6 m nước ra khơi. Đây là vùng có mật độ đối tượng tổn thương thấp, mức độ nguy hiểm do tai biến thấp, khả năng ứng phó trước tai biến cao. Vùng này giàu có về nguồn vật liệu xây dựng (cát xây dựng, cát san lấp), là ngư trường rộng lớn và quan trọng, trong vùng có ít các loại tai biến; Vùng có mức độ tổn thương trung bình, là vùng biển có độ sâu từ 5-6 m nước trở vào đến các cửa sông và chiếm toàn bộ diện tích rừng ngập mặn ven bờ. Đây là vùng có nhiều loại hình tai biến (bồi tụ gây biến động luồng lạch, ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm trong nước và trong trầm tích), trầm tích nhạy cảm với ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, mật độ đối tượng tổn thương ở vùng này chỉ ở mức trung bình. Là vùng nhạy cảm với các loại tai biến nhưng khả năng phục hồi của vùng rất cao vì có hệ sinh thái biển đảo đa dạng; Vùng có mức độ tổn thương cao, là phần đất liền ven biển của vùng Hà Tiên - vịnh Cây Dương (Kiên Giang), bao gồm toàn bộ khu vực Huỳnh Sơn, Vàm Rẫy, Giồng Kê, Rạch Đùng, Bình An, Ba Hòn, Dương Hòa, Thuận Yến, Hà Tiên, Mỹ Đức. Các xã, thị xã, thị trấn ven biển có mật độ đối tượng tổn thương rất cao và có nhiều vùng rất nhạy cảm với các loại tai biến (lũ lụt, nhiễm mặn, trượt lở, xói lở, bồi tụ, động đất,...), tuy nhiên khả năng phòng tránh của cộng đồng vẫn chưa cao (kinh tế vẫn còn nghèo, trình độ văn hóa còn thấp, ...).

VĂN LIỆU

1. Burton I. et al., 1994. The environment as hazard.

2. Cutter S.L., 1996. Vulnerability to environmental hazards. Progress in human geography, 20 : 529-539.

3. Cutter S.L. et al., 2000. Revealing the vunerability of people and places: A case study of Georgetown County, South Carolina. Annals of the Assoc. of Amer. Geographers, 90/4 : 713-737.

4. Đào Mạnh Tiến, Mai Trọng Nhuận, 2008. Báo cáo đề tài “Lập bản đồ hiện trạng địa chất tai biến và dự báo tai biến vùng biển Phú Quốc - Hà Tiên, tỷ lệ 1/100.000”. Lưu trữ ĐC, Hà Nội.