Đánh giá bộ máy nhà nước hiện nay năm 2024

Quan điểm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện Đại hội Đảng khóa IX, X, XI, XII, XIII. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên cần tiếp tục có những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

(1).jpg)

Những kết quả nổi bật trong việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương

Về hoàn thiện thể chế

Sau gần 06 năm triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện tốt, bảo đảm đúng kế hoạch và lộ trình đề ra, cụ thể: đã trình Quốc hội thông qua 09 Luật để thực hiện phân quyền đối với các ngành, lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; y tế; thanh tra; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; 06 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ban hành về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với 06 địa phương và 01 Nghị quyết về cơ chế đặc thù của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Chính phủ đã ban hành 06 Nghị định để thực hiện phân cấp đối với các ngành, lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; tài chính và ngoại giao; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 Quyết định để thực hiện phân cấp đối với các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch và đầu tư và 05 Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã được ban hành để thực hiện phân cấp đối với các ngành, lĩnh vực: giao thông vận tải, khoa học và công nghệ.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã xác định công tác sắp xếp tổ chức bộ máy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cần được chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 26 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Thanh tra Chính phủ đang trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới và 03 cơ quan đề xuất tiếp tục thực hiện theo Nghị định hiện hành, gồm: Bộ Công an; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam); kết quả sắp xếp tính đến ngày 30/6/2023 đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 10 cục, giảm 144 vụ/ban thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành và 108 phòng trong vụ.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện làm cơ sở phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức, số lượng cấp phó theo quy định của Chính phủ. Theo đó 18/19 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (Thanh tra Chính phủ đang xây dựng, ban hành trong thời gian tới). Kết quả sắp xếp cho thấy đã giảm 07 sở và 06 tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giảm 1.941 tổ chức bên trong sở (trong đó giảm 1.632 phòng và 309 chi cục thuộc sở) và giảm 46 tổ chức bên trong tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giảm 585 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Về sắp xếp đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2022: đối với bộ, ngành còn 1.035 đơn vị, giảm 98 đơn vị, tương ứng giảm 8,6%; đối với địa phương còn 46.653 đơn vị, giảm 7.631 đơn vị, tương ứng giảm 14,05%.

Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Nội vụ sẽ rà soát, hoàn thiện Đề án để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 05 năm Nghị quyết số 19-NQ/TW trình Chính phủ ban hành, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Về thí điểm hợp nhất, sáp nhập

Thực hiện thực hiện Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm, Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành sơ kết việc thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 16-TB/TW ngày 07/7/2022 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII. Theo đó, chỉ đạo tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình: 1) Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; 2) Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; 3) Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy cấp tỉnh đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ cấp huyện; 4) Chánh Văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Các địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình trên, theo đó ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiến hành chỉ đạo sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đến nay, các địa phương đã kết thúc thí điểm và thực hiện theo Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Về sắp xếp đơn vị hành chính

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện rất quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo 50% tiêu chuẩn theo quy định. Việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và kế hoạch, lộ trình đã đề ra, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và hoạt động của các doanh nghiệp, được Nhân dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ. Quá trình thực hiện tiến hành thận trọng và được gắn với việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế trên địa bàn (đến năm 2021 đã sắp xếp giảm 08 huyện và 563 xã).

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030 (Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023), đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025.

Về mô hình chính quyền đô thị

Sau 02 năm triển khai tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 03 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp của các thành phố đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên, bảo đảm quyết định kịp thời hơn những vấn đề cấp bách tại các thành phố. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ thực hiện sơ kết, tổng kết việc thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị của địa phương, đồng thời gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế

Tính đến năm 2021, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước đã giảm 10,01%, biên chế viên chức đã giảm 11,67% so với năm 2015 (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị). Đối với biên chế giai đoạn 2022-2026, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW, Quyết định số 73-QĐ/TW ngày 18/7/2022; theo đó giai đoạn 2022-2026 giảm 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: Một số ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành còn cần có sự phối hợp quản lý của nhiều bộ; các nội dung về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong quá trình hoàn thiện thể chế vẫn còn có mặt hạn chế (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn phải quyết định nhiều vấn đề cụ thể), chưa bảo đảm yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; việc quản lý, sử dụng biên chế ở các bộ, ngành, địa phương vẫn còn có mặt hạn chế... đang đặt ra cần tiếp tục có những giải pháp xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Về hoàn thiện thể chế

Một là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các địa phương và các bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát; bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ. Xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ; giữa các bộ với nhau; giữa Chính phủ, các bộ với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phân định rõ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước; quy định rõ cơ chế phân cấp, ủy quyền. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phân cấp, phân quyền.

Ba là, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung về: thẩm quyền giao, quản lý biên chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu; chính quyền đô thị;... tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bốn là, rà soát, tổng hợp, báo cáo, đề xuất chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công thuộc ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Năm là, xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới và Kết luận số 32-KL/TW ngày 30/3/2022 của Ban Bí thư về tiêu chuẩn, điều kiện đối với lãnh đạo hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Sáu là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Bảy là, nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cùng với thời điểm xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khoá XVI nhiệm kỳ 2026-2031, bảo đảm việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian, phù hợp với các quan điểm, nguyên tắc của Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quy định của Chính phủ. Xây dựng, hoàn thiện dự thảo các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và tổ chức tương đương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo yêu cầu của Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17/02/2023 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gắn với nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, cơ quan khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ. Rà soát, đề xuất giải quyết các vấn đề còn giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng báo cáo Chính phủ giao một cơ quan chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức thực hiện. Nghiên cứu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Ba là, nghiên cứu, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV), trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI.

Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ. Thực hiện hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo Thông báo kết luận số 16-TB/TW ngày 07/7/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII.

Năm là, nghiên cứu hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế. Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương; xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế gắn với hoàn thiện vị trí việc làm theo đúng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ

Gắn tinh giản biên chế với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách chính sách tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút người có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Tập trung thực hiện Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị; Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới, theo đó sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất trong việc thực hiện Nghị quyết, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian, giảm đầu mối bên trong, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ Nhân dân./.