Cụm cứ điểm nào được ta chọn làm nơi mở đầu cho chiến dịch Biên giới thu - Đông năm 1950

ÐÔNG KHÊ - một mục tiêu chỉ được xác định là nằm trong bước hai của Dự án kế hoạch sơ bộ Chiến dịch Biên giới 1950 của ta. Ðông Khê cũng là cụm cứ điểm không được đề cập trực tiếp trong bản Huấn lệnh riêng và mật (I.P.S) ngày 18-8-1950 của Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Ðông Dương - Tướng Carpentier, nhưng nó lại chính là "trang đầu của cuốn sổ khai tử bộ quân Pháp trên con đường 4 nổi tiếng"1.

Tại sao lại là Ðông Khê mà không phải Cao Bằng? Ðó là câu hỏi từng làm day dứt không chỉ Tướng Carpentier, mà cả Bộ chỉ huy quân Pháp ở Ðông Dương 70 năm về trước.

Cụm cứ điểm nào được ta chọn làm nơi mở đầu cho chiến dịch Biên giới thu - Đông năm 1950

Bộ đội ta trong lễ xuất phát lên đường đi chiến dịch Biên giới. Ảnh tư liệu 

Một quyết định nhạy bén và sáng suốt

Tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng đất đai, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc; mở đường liên lạc quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Ðây là chiến dịch có quy mô lớn đầu kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; hầu hết "vốn liếng" chủ lực của ta đều được huy động cho chiến dịch (Ðại đoàn 308, Trung đoàn 174, Trung đoàn 209...). Ðây cũng là lần đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh thân chinh ra mặt trận. Người không chỉ quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng nhất của chiến dịch, mà còn trực tiếp đi chỉ đạo chiến dịch, động viên bộ đội, dân công, thanh niên xung phong nơi trận tuyến... Ðiều này càng cho thấy tính chất đặc biệt quan trọng của Chiến dịch Biên giới.

Trong Dự án kế hoạch sơ bộ Chiến dịch Biên giới do Tổng Quân ủy xây dựng trình Ban Thường vụ Trung ương Ðảng thì Chiến dịch Biên giới sẽ bao gồm hai bước: Bước 1: Tiêu diệt Cao Bằng và kiềm chế Ðông Khê, Thất Khê. Bước 2: Bao vây Ðông Khê, tiêu diệt Thất Khê, kiềm chế Lạng Sơn2. Ðiều đáng lưu ý là trong quá trình Dự án này hình thành thì tình hình ở phòng tuyến biên thùy Ðông Bắc của quân Pháp đã có nhiều thay đổi. Cao Bằng đã được "nâng cấp" thành một Tiểu khu tự trị (Secteur Autonome) và Ðông Khê thành một cụm cứ điểm mạnh. Các vị trí xung yếu trên đường số 4 đều được củng cố, nâng cấp thành các cụm cứ điểm kiên cố. Sở dĩ, Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn quyết định chọn thị xã Cao Bằng làm mục tiêu cho trận then chốt mở màn Chiến dịch Biên giới vì tuân thủ Kế hoạch như đã được xác định ban đầu. Nếu trận đánh thành công với việc một thị xã sầm uất nằm ở ngay gần biên giới được giải phóng sẽ có một ý nghĩa chính trị rất to lớn và tác động mạnh đến kế hoạch phòng thủ vùng biên thùy Ðông Bắc của quân Pháp. Hơn nữa, thời điểm xây dựng kế hoạch, thị xã Cao Bằng chưa được củng cố và nâng cấp.

Trong khi cả guồng máy chuẩn bị cho chiến dịch đang được vận hành theo kế hoạch tác chiến nêu trên thì sau khi đi thị sát tình hình thực tế tại thị xã Cao Bằng về, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã đề nghị Ðảng ủy, Bộ chỉ huy (BCH) Chiến dịch cần nghiên cứu lại. Theo ông, điểm đột phá mở màn chiến dịch phải là Ðông Khê chứ không phải Cao Bằng, vì địch ở Cao Bằng có tới ba tiểu đoàn, còn địch ở Ðông Khê chỉ có một tiểu đoàn, nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta lúc bấy giờ. Vả lại, nếu đánh chiếm được Ðông Khê, Cao Bằng sẽ bị cô lập và địch thế nào cũng cho quân lên ứng cứu, lúc đó ta có thể tiêu diệt chúng ngoài hệ thống công sự, giữa núi rừng trùng điệp. Như vậy, vừa "đánh điểm diệt viện"3. Ðặc biệt là nhớ lời Bác căn dặn trước khi lên đường ra trận: "Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua", để bảo đảm yếu tố chắc thắng, Chỉ huy trưởng mới đi đến quyết định đề nghị Ðảng ủy, BCH Chiến dịch thay đổi mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch là Ðông Khê thay vì Cao Bằng.

Sau khi đã bàn bạc, thảo luận và cân nhắc rất kỹ, trong đó có tham khảo cả ý kiến của Ðoàn cố vấn, Hội nghị Ðảng ủy ngày 6-8 đã quyết định thay đổi mục tiêu cho trận then chốt mở màn chiến dịch là Ðông Khê thay vì Cao Bằng như kế hoạch ban đầu. Sự thay đổi này là hoàn toàn có cơ sở khoa học và nhận được sự đồng thuận nhất trí cao trong tập thể Ðảng ủy, BCH Chiến dịch và Ðoàn cố vấn. Thực tế diễn biến chiến dịch sau đó cho thấy đó là một sự thay đổi cực kỳ nhạy bén và sáng suốt, quán triệt nguyên tắc "trận đầu cũng phải thắng", trận đầu thắng lợi sẽ có ảnh hưởng lớn đến cả chiến dịch.

Sau khi được chuẩn y, Hội nghị cán bộ chiến dịch (ngày 24 - 25-8) đã thảo luận và thông qua phương án tác chiến mới, theo đó ta sẽ tập trung lực lượng tiêu diệt cụm cứ điểm Ðông Khê để mở màn chiến dịch. Tiếp đó sẽ tập trung lực lượng lớn hơn đánh quân ứng chiến của địch rồi chuyển lực lượng xuống đánh Thất Khê.

Trước ngày nổ súng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống động viên bộ đội và căn dặn: Ðông Khê không lớn nhưng rất quan trọng, vì mất Ðông Khê thì Cao Bằng hoàn toàn bơ vơ. Ðịch buộc phải cho quân ứng cứu, bộ đội sẽ có cơ hội đánh vận động... Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng, chúng ta phải quyết tâm đánh thắng trận này4. Sự chuẩn bị chu đáo cho trận đánh và sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mặt trận cũng như sự quan tâm đặc biệt của Người càng cho thấy tính chất quan trọng của trận tiến công cụm cứ điểm Ðông Khê - trận đánh then chốt mở màn Chiến dịch Biên giới.

Hình mẫu cho một phương thức tác chiến

Trận tiến công cụm cứ điểm Ðông Khê diễn ra từ mờ sáng 16 đến trưa ngày 18-9-1950. BCH Chiến dịch chủ trương tập trung một lực lượng áp đảo nhiều gấp chín lần quân địch, bao gồm hai trung đoàn 174 và 209, hai tiểu đoàn bộ binh cùng 13 khẩu sơn pháo của trung đoàn pháo 75 và lực lượng tổng dự bị làm nhiệm vụ sẵn sàng "đánh viện" của Ðại đoàn 308.... Ðây đều là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trận mạc và là lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội ta lúc bấy giờ.

Trận tiến công cụm cứ điểm Ðông Khê theo kế hoạch chỉ diễn ra trong khoảng một ngày đêm. Tuy nhiên, trên thực tế trận đánh phải kéo dài đến 52 giờ với con số thương vong cũng vượt dự kiến. Ðiều này cho thấy tính chất quan trọng và quyết liệt của trận đánh đối với cả hai phía. Ðể tiêu diệt toàn bộ cụm cứ điểm Ðông Khê, bộ đội ta đã phải trải qua hai đợt tiến công hết sức ác liệt. Ðợt 1 kéo dài từ 6 giờ sáng cho đến chập tối 16-9 trong thế trận giằng co với thương vong lớn đối với cả hai phía. Ðợt 2 bắt đầu từ 17 giờ ngày 17-9 và phải đến 10 giờ sáng 18-9, bộ đội ta mới làm chủ được hoàn toàn thị trấn Ðông Khê. Trong trận đánh mở màn này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 300 quân địch, bắn rơi một máy bay, bắt sống được viên đồn trưởng và nhiều sĩ quan khác...

Cụm cứ điểm Ðông Khê đã bị san phẳng, song trận đánh vẫn chưa kết thúc. Một trong những mục tiêu đặt ra cho trận đánh này, đó là ngoài việc tiêu diệt được một số lượng lớn binh lực của địch, giải phóng Ðông Khê, còn là "khêu ngòi" để đánh quân tiếp viện của chúng. Theo phán đoán của BCH Chiến dịch, sau khi Ðông Khê bị mất, địch thế nào cũng sẽ đưa khoảng từ 2-3 tiểu đoàn lên chiếm lại tiền đồn quan trọng này, vì vậy đã giao cho Ðại đoàn 308 triển khai trận địa phục kích để đón lõng lực lượng cứu viện này. Trải qua mười mấy ngày chờ đợi, đêm 30-9, địch tung bốn tiểu đoàn Âu-Phi do trung tá Lepager chỉ huy tiến theo trục đường số 4 hòng lên chiếm lại Ðông Khê.

Trong khi đội quân do Lepager chỉ huy còn dò dẫm chưa tới được Ðông Khê thì trưa 3-10, binh đoàn Charton rút khỏi Cao Bằng. Binh đoàn Lepager nhận được lệnh tiến theo đường số 4 lên đón binh đoàn của Charton từ Cao Bằng chạy về.

Những ngày tiếp sau đó, ta đã khéo léo "dụ" được hai binh đoàn thiện chiến nhất của quân Pháp rời bỏ những nơi đồn trú kiên cố, cô lập chúng không cho hợp điểm và buộc chúng cuối cùng phải sa vào thế trận "thiên la, địa võng" do ta bày sẵn ở Cốc Xá - Ðiểm cao 477 để tiêu diệt. Ðây là một nước cờ hiểm và xuất thần nữa của Ðảng ủy và BCH Chiến dịch, một sự phát triển xuất sắc kết quả từ trận tiến công cụm cứ điểm Ðông Khê.

Với kết quả của trận tiến công cụm cứ điểm Ðông Khê, đây không chỉ là lần đầu bộ đội chủ lực của ta đã tiêu diệt gọn một cụm cứ điểm kiên cố của địch trên địa bàn đồi núi hiểm trở; chọc thủng được một trong những mắt xích quan trọng trên tuyến phòng thủ biên thùy Ðông Bắc của quân Pháp... mà lớn hơn thế, nó đã tạo ra "thời cơ vàng" để kéo quân địch ra khỏi những căn cứ đồn trú kiên cố, đến những nơi vốn là sở trường tác chiến của bộ đội ta để tiêu diệt chúng. Hay nói một cách khác, đây là một trận đánh mẫu mực cho phương thức "đánh điểm, diệt viện", được bộ đội ta áp dụng thành công trong nhiều chiến dịch sau này.

1 Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, Nxb QÐND.H.1979. T.1. Tr.643.

2 Trần Trọng Trung: Từ hang Cốc Bó đến dinh Ðộc Lập. Nxb QÐND.H.2010. Tr.322

3 Võ Nguyên Giáp; Tổng tập Hồi ký. Nxb QÐND.H.2010. Tr.642.

4 Võ Nguyên Giáp; Tổng tập Hồi ký. Sdd. Tr.639, 640.

Ðại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long

Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950) là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân dân Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi ấy là kết quả hợp thành từ nhiều nhân tố, nhưng sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò quyết định. Thắng lợi ấy có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. 

Cụm cứ điểm nào được ta chọn làm nơi mở đầu cho chiến dịch Biên giới thu - Đông năm 1950

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn phương án tác chiến cho Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định mở chiến dịch quy mô lớn ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm mục đích: “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng chính của chiến dịch vẫn chưa thống nhất. 

Để bảo đảm giành thắng lợi, ngày 25/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng (Tư lệnh) kiêm Chính ủy chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết định sẽ trực tiếp đi mặt trận tham gia chỉ đạo, theo dõi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Ngoài ra, chiến dịch còn được sự giúp đỡ tích cực về vũ khí, lương thực từ chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là có Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Sở chỉ huy.

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ thị: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!”. Thường vụ Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh lại quyết tâm: “Phải thực hiện cho bằng được những nhiệm vụ chiến dịch đã nêu ra ở trên”.

Cụm cứ điểm nào được ta chọn làm nơi mở đầu cho chiến dịch Biên giới thu - Đông năm 1950

Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ tham gia Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh: TTXVN

Như vậy, chiến dịch Biên giới mang ý nghĩa chiến lược rất to lớn. Sự thành bại của chiến dịch ảnh hưởng quyết định đến sự thay đổi của cục diện chiến tranh, đến lòng tin của quân và dân ta đối với đường lối kháng chiến của Đảng, đến quá trình xây dựng, trưởng thành của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao “trọng trách đặc biệt” với quyền hạn lãnh đạo, chỉ huy lớn. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để Đại tướng có những quyết đoán mang tính độc lập sáng suốt, thể hiện tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng.

Thay đổi phương án tác chiến: Mở màn chiến dịch bằng trận đánh Đông Khê 

Để bảo đảm trận đầu ra quân chắc thắng, tránh sự chủ quan khinh suất, ngày 5/8/1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ cơ quan tham mưu trực tiếp đi trinh sát nghiên cứu thực địa Cao Bằng. Đại tướng nhận thấy: Địch ở Thị xã Cao Bằng có lực lượng khá đông (gồm hai tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ), có hệ thống công sự trận địa phòng thủ rất kiên cố; nếu ta cố đánh sẽ gặp khó khăn to lớn, bộ đội thương vong nhiều.

Cụm cứ điểm nào được ta chọn làm nơi mở đầu cho chiến dịch Biên giới thu - Đông năm 1950

Bộ đội ta trên đường tiến vào giải phóng thị trấn Đông Khê. Ảnh: TTXVN

Mặt khác, khi ta giải phóng Thị xã Cao Bằng, nhiều khả năng địch sẽ không đưa quân tái chiếm. Trong khi đó, nếu chuyển hướng xuống đánh Đông Khê (cách Thị xã Cao bằng 40 km về phía Đông) là nơi địch yếu hơn (chỉ khoảng một tiểu đoàn chốt giữ) thì vừa bảo đảm chắc thắng, vừa dễ kéo quân viện từ Thất Khê lên giải tỏa, đồng thời buộc địch từ Cao Bằng rút về, ta có điều kiện vận động chiến tiêu diệt phần lớn quân địch ngoài công sự.

Từ nhận định đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị thay đổi phương án tác chiến, đó là: Đánh Đông Khê trước để mở màn chiến dịch. Chiến dịch sẽ thực hiện theo hai bước: Bước thứ nhất, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, đồng thời đánh địch ra ứng cứu Đông Khê bằng cả đường bộ và đường không; sau đó chuyển lực lượng xuống đánh Thất Khê hoặc đánh địch vận động quanh Thất Khê. Bước thứ hai, sau 10 - 15 ngày nghỉ ngơi chỉnh đốn, bộ đội sẽ chuyển lên đánh Cao Bằng. Phương châm chiến dịch là “đánh điểm diệt viện”.

Tuy nhiên, trong Đảng ủy Mặt trận cũng có ý kiến cho rằng: Thường vụ Trung ương Đảng đã có quyết định đánh Cao Bằng, mọi công tác chuẩn bị về tham mưu, hậu cần đã hướng cả về Cao bằng, nêu bây giờ thay đổi, chiến dịch sẽ bị chậm lại! Với trọng trách đặc biệt được giao, ở thời khắc quan trọng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết đoán: “Thường vụ quyết định mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch quan trọng, giải phóng Cao Bằng để mở thông biên giới. Chủ trương mở đầu chiến dịch bằng đánh Cao bằng là do Tổng Quân ủy đề xuất. Nếu thấy mở đầu chiến dịch như vậy không bảo đảm thực hiện mục tiêu chiến dịch, ta cần báo cáo xin quyết định của Thường vụ. Trong khi chờ sự chỉ đạo của Trung ương, mọi công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục” .

Đề nghị mở màn chiến dịch bằng trận đánh Đông Khê đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận; sau đó được chính thức phổ biến thông qua trong nghị quyết của Đảng ủy chiến dịch (ngày 21/8/1950) . Phương án tác chiến mới cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của Đoàn cố vấn Trung Quốc.

Cụm cứ điểm nào được ta chọn làm nơi mở đầu cho chiến dịch Biên giới thu - Đông năm 1950

Phút nghỉ ngơi của bộ đội ta giữa hai trận đánh trong Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh: TTXVN

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, sáng ngày 16/9/1950, ta sử dụng hai trung đoàn bộ binh (174 và 209) được tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh (11, 426) tiến công cụm cứ điểm Đông Khê. Địch dựa vào hệ thống công sự chống cự quyết liệt. Sau 3 ngày liên tục chiến đấu, sáng ngày 18/9, ta tiêu diệt toàn bộ quân phòng ngự, kết thúc thắng lợi trận then chốt mở màn chiến dịch, tạo ra thời cơ rất thuận lợi đánh quân địch tiếp viện ứng cứu. Thắng lợi mở đầu này cũng khẳng định quyết định thay đổi hướng mở đầu chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đúng đắn, sáng suốt, là bài học rất quý báu cho các cấp lãnh đạo, chỉ huy của quân đội, đúng như Trung tướng Vương Thừa Vũ - nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 trực tiếp tham gia chiến dịch Biên giới 1950 đánh giá: “Nếu nói đây là bài học về tác phong sâu sát thực tế cần có của một người chỉ huy quân sự cũng đúng; và, nếu nói đây là một trong những nội dung của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của người chỉ huy cũng cũng hoàn toàn là điều có lý” .

Ngày 14/10/1950, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu (16/9 - 14/10/1950), ta diệt và bắt hơn 8.000 địch, thu 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh. Riêng lượng vũ khí thu được có thể đủ trang bị cho hai trung đoàn chủ lực của ta. Suốt 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975), hiếm có một chiến dịch nào đánh tiêu diệt hay và gọn quân địch trong vận động như chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950).

Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950) là minh chứng khẳng định tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là: nắm chắc tình hình địch - ta, tìm cách đánh phù hợp nhất để giảm thiểu tổn thất hy sinh của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, mà vẫn hoàn thành mục tiêu cao nhất đề ra. Tài thao lược, phong cách cầm quân ấy đã làm nên “vị tướng huyền thoại” của Quân đội nhân dân Việt Nam; và sẽ được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hiện ở mức độ cao nhất, rõ nhất trong chiến dịch Điện Biện Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

70 năm đã qua đi, song Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950) mãi là dấu mốc quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thắng lợi ấy là minh chứng góp phần khẳng định đường lối kháng chiến độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo của Trung ương Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

Những bài học lịch sử quý báu

Thắng lợi chiến dịch lịch sử này đã để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học lịch sử quý báu.

Một là, cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi, thì trước tiên phải có đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, nhất là tại thời điểm có ý nghĩa quyết định “xoay bản lề” cho cục diện chiến tranh. 

Hai là, biết phát huy cao độ sức mạnh tinh thần yêu nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hoàn cảnh bị bao vây cô lập, gặp vô vàn khó khăn như vậy, mà ta có thể huy động lực lượng dân công lên đến 12 vạn người phục vụ bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi. Đây rõ ràng là một thành công rất lớn, vượt ra ngoài dự đoán của phía thực dân Pháp. 

Ba là, phải xây dựng những binh đoàn chủ lực mạnh làm nòng cốt cho kháng chiến. Và thực tế, ngay sau chiến thắng Biên giới 1950, ta thành lập thêm các 5 đại đoàn chủ lực mạnh (312, 316, 320, 325, 351), trên cơ sở đó, chủ động mở thêm nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 giành thắng lợi quyết định. 

Bốn là, trên tinh thần độc lập, tự chủ, cần tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp cao hơn địch. Những bài học lịch sử ấy được Trung ương Đảng tiếp tục chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong các chặng đường lãnh đạo cách mạng giai đoạn sau, nhất là những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)./.

TS Trần Hữu Huy- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
vov.vn