Công trình vcawn hóa hà nội trước đổi mới năm 2024

Kiến trúc là hiện thân của văn hoá, không chỉ thoả mãn nhu cầu người sử dụng, ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư mà còn thể hiện cả đường lối chỉ đạo phát triển một thành phố, một đất nước trong một thời kỳ. Từng công trình kiến trúc là một phần quan trọng của cấu trúc không gian đô thị, góp phần tạo nên nét đặc trưng – Bản sắc riêng của mỗi đô thị.

Gần ngàn năm tồn tại và phát triển, đô thị Hà Nội đã định hình một cấu trúc và diện mạo đô thị đặc thù riêng biệt. Đó là sự kết hợp hài hoà hình thái đô thị truyền thống, các khu vực phát triển khác nhau với cảnh quan tự nhiên trong một tổng thể thống nhất. Đến nay, cấu trúc và diện mạo ấy tuy không còn nguyên vẹn nhưng về cơ bản chưa bị phá vỡ.

Từ khi có chính sách mở cửa, tốc độ đô thị hoá cao bởi có nhiều lợi thế, làm biến đổi nhanh chóng bộ mặt kiến trúc đô thị Hà Nội. Nhiều khu vực, công trình quy mô lớn, đa dạng về phong cách kiến trúc vượt quá dự báo về chuyên môn và quản lý đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu.

20 năm nỗ lực sáng tạo của nhiều tác giả - KTS tuy chưa đủ hình thành trường phái hay chủ nghĩa, nhưng cũng đủ để nhìn nhận và khẳng định các xu hướng, để rút kinh nghiệm, tiếp tục phát triển kiến trúc đô thị thủ đô hiện đại, mà vẫn bản sắc. Với mong muốn như vậy bài báo không nói về những thành công mà tập trung đề cập đến một số hạn chế về hình thái kiến trúc đô thị từ góc nhìn cá nhân để trao đổi.

1. Kiến trúc đô thị Hà Nội

a Kiến trúc đô thị

- Bố cục không gian: Do thực tế thiết kế và xây dựng riêng biệt theo ranh giới hành chính nên không gian tổng thể không có sự kết nối thành các vùng, tuyến, điểm rõ rệt nên không dễ cảm nhận hình ảnh đô thị đặc thù. Thiết kế đô thị chưa được triển khai nên các điểm nhấn định hướng không gian đô thị không được xác định trong tổng thể cũng như trong từng khu vực. Mặt khác, các công trình cao tầng tuy đã được xây nhiều nhưng không được quy hoạch trước, nên bóng dáng đô thị hiện đại vì thế chưa định hình rõ nét và chưa có giải pháp không gian tạo sự liên kết hài hoà với hệ thống làng xóm cũ có giá trị …

- Cũng do quản lý chưa có cái nhìn tổng thể, nên nhiều khi trong cùng một tổ hợp, mỗi công trình có một ngôn ngữ riêng nên đã tạo ra những tổng thể hỗn độn: quy mô nhỏ như Đài phát thanh Hà Nội – 45 Bà Triệu; lớn thì như khu làng Quốc tế Thăng Long – Cầu Giấy. Điều này thường ít xảy ra đối với các công trình do KTS nước ngoài thiết kế. Đó là những công trình như: Daewoo – Thủ Lệ, Hà Nội Tower – phố Hai Bà Trưng, Melia Hotel – phố Lý Thường Kiệt có phong cách kiến trúc đột biến so với khu vực hay The Manor – khu Mỹ Đình phong cách hoài cổ gây nên sự phản cảm về thẩm mỹ đô thị hoặc công trình tại số 68,72 Trần Hưng Đạo không phù hợp khí hậu…

Môi trường cảnh quan chưa được chú trọng: quy mô, tầng cao, chiều cao công trình, đặc biệt là các công trình cao tầng xây dung mới còn lấn át cảnh quan, di tích hay không gian làng xóm liền kề.

b Kiến trúc công trình

- Ý thức xây dựng nền kiến trúc có tính dân tộc và hiện đại là có thực, nhưng trong việc thực hiện đã có những sai lầm cơ bản, không những không đem lại được những công trình kiến trúc mang tính dân tộc hay hiện đại mà ngược lại sản sinh ra những công trình lạc lõng, chứa đựng mâu thuẫn nội tại, có hại đến sự phát triển của kiến trúc dân tộc và hiện đại đích thực.

- Phong cách kiến trúc chưa ổn định, thể hiên sự giằng co giữa cái cũ, truyền thống và cái mới, quốc tế hoá. Một vài dự án đô thị mới tuy sử dụng cùng một loại hình, ngôn ngữ kiến trúc tạo sự đồng bộ khu vực nhưng phong cách kiến trúc lại không phù hợp thời đại xây dựng và không ăn nhập với các khu vực khác xung quanh.

- Những biểu hiện của các công trình kiến trúc chưa tạo thành một trào lưu hay trong phong cách độc lập. Những hiện tượng đang biểu trưng cho nền kiến trúc đương đại và các đô thị đang phát triển và phổ biến lại là những công trình kiến trúc chưa đẹp, thị hiếu cầu kỳ, kém thẩm mỹ. Bộ mặt kiến trúc lộn xộn manh mún, pha tạp đủ thứ Đông - Tây- Kim - Cổ, còn có công trình bắt chước các loại hình kiến trúc cổ như mái công đình chùa, đắp chi tiết rườm rà, thậm chí các công trình 15 – 20 tầng cũng xây trên tầng thượng mái cong lợp ngói cổ, hoàn toàn tương phản với khối nhà cao tầng hình hộp bên dưới.

- Nhiều công trình thiết kế và xây dung sử dụng ngôn ngữ kiến trúc, VLXD và hoàn thiện công trình chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với môi trường khí hậu Việt Nam, điển hình là những công trình cao tầng bên ngoài bọc kính, đặc biệt là kính phản quang ở các hướng nắng Đông – Tây phản chiếu ánh sáng chói cả khu vực đối diện.

Tất nhiên, với đặc điểm là thành phố lịch sử gần ngàn năm với hệ thống di tích lịch sử, văn hoá nhiều nhất cả nước, kiến trúc đô thị hình thành và phát triển thành những vùng kiến trúc đặc trưng và với đặc tính là thủ đô thì việc xây dựng mới một công trình tại Hà Nội đảm bảo hài hoà với cảnh quan, không phá vỡ cấu trúc đô thị vốn có là việc làm khó, chưa có kinh nghiệm trước.

2. Nhận dạng, phân loại các xu hướng kiến trúc công trình

Do chỉ xét đến tính biểu hiện bên ngoài của hình thức kiến trúc công trình nên việc phân loại các xu hướng này mang tính đơn giản, khái quát hoá. Kiến trúc Hà Nội 20 năm qua chia làm hai xu hướng chính, biểu hiện rõ nét, trong đó bao gồm các biểu hiện cụ thể là Xu hướng Hướng tới tương lai Hiện đại mới và Xu hướng Quay lại quá khứ Hoài hay Nại cổ.

a Xu hướng Hướng tới tương lai – Hiện đại mới

Bao gồm các xu thế có dấu hiệu của các xu hướng kiến trúc sau: Công năng, kết cấu, Biếu hiện, Biểu trưng, Hiện đại, Hight tech, Hậu hiện đại, Phỏng sinh học, Sinh thái… và Hiện đại kết hợp khai thác các đường nét, dáng dấp hay chi tiết các nước, vùng miền hay dân tộc Trong đó tính hiện đại là chủ yếu.

bXu hướng Quay lại quá khứ – Hoài cổ bao gồm các xu thế có dấu hiệu của các xu hướng

Cổ điển, Chiết trung, Tân cổ điển, Truyền thống …và hiện đại hoá, sơ lược hoá, đơn giản hoá hoặc hình tượng hoá các chi tiết kiến trúc truyền thống để hướng tới tính hiện đại trong công trình “tính truyền thống vẫn là chủ yếu".

Trong từng các xu thế nhỏ của hai xu hướng này, tuỳ theo mức độ năng lực và trình độ của các tác nhân liên quan Quản lý – Kiến trúc sư – Chủ đầu tư mà sản phẩm sẽ hình thành ở các mức độ khác nhau, ví dụ: nệ cổ, nhại cổ, hoài cổ, sao chép…là các mức độ của mọi xu thế của xu hướng hoài cổ.

Nhìn chung, hai xu hướng này nếu khai thác đúng, chính xác phù hợp với địa điểm xây dựng, tuỳ theo vùng miền, điều kiện tự nhiên khí hậu, cảnh quan, địa hình và điều kiện văn hoá hay tính chất của từng địa điểm, đặc thù hình thái không gian kiến trúc khu vực thì đều có thể phát huy để phù hợp.

c Các biểu hiện khác xuất hiện trong thời gian qua

Cần phải chấm dứt vì sự lãng phí quỹ đất và ảnh hưởng xấu cảnh quan đô thị, đó là:

- Tính “cẩu thả” nghề nghiệp trong việc thiết kế công trình dẫn đến một số công trình chỉ nên gọi là nhà cửa.

- Tính đơn giản trong thiết kế khác tính chất thiết kế đơn giản của kiến trúc hiện đại khi thiết kế các công trình không có kinh nghiệm trước đó như công trình nhà cao tầng nhưng lại rắc rối hoá các thể loại công trình đã làm quen như thiết kế nhà lô phố, biệt thự.

- Việc sử dụng tràn lan, không tính toán mái mansard trên tất cả các thể loại, quy mô công trình và tại mọi vị trí trong đô thị

3. Góp phần kiểm soát phát triển nâng cao chất lượng kiến trúc Hà Nội

a Đối với xu hướng hoài cổ

Tuỳ tính chất công việc cụ thể, ví dụ áp dụng trong việc bảo tồn, khôi phục, phục hồi lại công trình nguyên khởi thì phải sao chép nguyên mẫu, còn lại không nên phát triển xu hướng này vì sẽ cản trở phát triển sáng tác kiến trúc.

b Đối với xu hướng hiện đại hoá

Tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo kiến trúc, công trình đánh dấu thời đại xây dựng, phản ánh được trình độ văn hoá và kinh tế xã hội thời kỳ xây dựng.

Trong hai xu hướng trên thì việc khai thác các yếu tố truyền thống trong công trình hiện đại hoặc ngược lại là xu thế cần được khuyến khích để tạo dựng được các công trình phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá xã hội từng vùng miền, dần tạo dựng được bản sắc riêng biệt. Cụ thể:

Đối với xu hướng hoài cổ

- Khuyến cáo để chấm dứt việc sáng tác theo xu hướng nhại cổ, sao chép nguyên mẫu, kể cả trong các công trình mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng hay tâm linh trừ trường hợp đặc biệt như phục hồi, phục chế các công trình giá trị, các khu vực công năng có yêu cầu giới thiệu văn hoá: công viên, làng văn hoá các dân tộc, bảo tàng dân tộc...

- Biểu hiện khai thác các yếu tố hiện đại của xu hướng này nên được áp dụng trong các khu phố cổ của đô thị lịch sử như Hà Nội.

Đối với xu hướng hiện đại mới

- Áp dụng tại các khu mới, đô thị mới hình thành, ngoại vi thành phố nhưng cần xem xét khi sử dụng vật liệu để phù hợp khí hậu địa phương tính nhiệt đới.

- Áp dụng tại các trung tâm lớn, các quần thể kiến trúc hiện đại tại các khu đất mới, các khu đô thị mới… xa trung tâm cổ, cũ của đô thị lịch sử như Hà Nội… với yêu cầu quy mô công trình không phá hỏng hình thái không gian kiến trúc vốn có

- Biểu hiện hiện đại kết hợp khai thác yếu tố truyền thống nên áp dụng tại vị trí các không gian: dấu ấn, điểm nhấn, cửa ngõ đô thị, trưng bày, triển lãm lớn.

- Biểu hiện sinh thái nên áp dụng tại các vùng có tính chất đặc biệt như du lịch tại Sóc Sơn hay trong các khu nghỉ, các công viên… nhưng cần lưu ý các công trình này cần nằm trong một tổng thể nhấn mạnh không gian cảnh quan, địa hình tự nhiên vốn có của khu vực hiện hữu.

- Các công trình mang tính biểu trưng nên được đặt tại vị trí có không gian lớn, đảm bảo tầm bao quát, quan sát hoặc nằm ẩn mình trong thiên nhiên.

Kiến trúc là sản phẩm sẽ tồn tại với thời gian sử dụng. Kiến trúc không chất lượng sẽ phá vỡ sự phát triển bền vững của cộng đồng và làm tổn thương đến niềm tự hào về thành phố quê hương và đất nước của mỗi người dân xứ sở. Dẫu biết rằng công việc tạo dựng phong cách kiến trúc còn phải trăn trở, nhưng sự quyết tâm để có công trình kiến trúc hiện đại, mang hơi thở cuộc sống, kết hợp các yếu tố đáp ứng yêu cầu của xã hội nhân văn, tính sử dụng không gian truyền thống chắc sẽ tạo dựng thành công phong cách riêng cho đô thị Hà Nội. Tính Quốc tế Global + tính bản sắc địa phương Glocal, tồn tại hài hoà liên tục trong không gian và thời gian giữa ba hướng dân tộc, dân tộc hiện đại và hiện đại từng khu vực.

Hà Nội là thủ đô của Việt Nam và là một trong hai đầu tàu kiến trúc. Việc quản lý bộ mặt kiến trúc đô thị Hà Nội trật tự, ổn định mang ý nghĩa không chỉ trong phạm vi của một thành phố mà là trách nhiệm đối với cả nước. Kiến trúc Hà Nội đẹp sẽ góp phần định hướng, làm gương cho các đô thị khác học tập, góp phần đẩy nhanh con tàu kiến trúc Việt Nam đến bên bờ phát triển hội nhập mà bản sắc.

Không phủ nhận những công trình đẹp đã được tạo dựng nhưng sự nhìn nhận lại những cố gắng của mình trong thời gian qua, các giới ngành liên quan từ kiến trúc sư đến nhà quản lý chắc sẽ biết tập trung theo hướng đi đúng trong việc tạo dựng phong cách kiến trúc công trình để đô thị Hà Nội đẹp bởi không phải chỉ là sự tổng hoà mà còn là sự tập hợp những công trình kiến trúc giá trị.

Chủ đề