Công dân đủ bao nhiêu tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân

07(92)/2015

Mục lục

  • 1.Hiến pháp và trưng cầu ý dân ở Việt Nam
  • 2.Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện trưng cầu ý dân ở Việt Nam
  • 3.Một số bình luận và góp ý về Dự luật Trưng cầu ý dân (Dự thảo tháng 4/2015)
  • 4.Tài liệu tham khảo

TRƯNG CẦU Ý DÂN TẠI VIỆT NAM VÀ BÌNH LUẬN, GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN

VŨ VĂN NHIÊM*

07(92)/2015 - 2015, Trang 62-68

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Bài viết đề cập một số vấn đề về chế định trưng cầu ý dân ở Việt Nam: (1) Hiến pháp và trưng cầu ý dân ở Việt Nam; (2) Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện trưng cầu ý dân ở Việt Nam và (3) Bình luận, góp ý về Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.


ABSTRACT:

This article mentions some issues related to referendum in Vietnam: (1) Constitution and referendum in Vietnam; (2) Some topics to pay attention to when performing referendum in Vietnam; and (3) Comments and suggestions on the Draft Law on Referendum.

TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,

Trích dẫn:

×

VŨ VĂN NHIÊM*, TRƯNG CẦU Ý DÂN TẠI VIỆT NAM VÀ BÌNH LUẬN, GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 07(92)/2015, Trang 62-68

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=00625ef0-c7cf-441c-bcb2-9fa432b98ad6

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Hiến pháp và trưng cầu ý dân ở Việt Nam

Ở Việt Nam, ngay từ Hiến pháp năm 1946, tại Điều 21 đã có quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia…” và Điều 32 quy định “Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý…”. Đến Hiến pháp năm 1959, việc trưng cầu ý dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định (Điều 53), Hiến pháp năm 1980 quy địnhviệc trưng cầu ý dân do Hội đồng Nhà nước quyết định (Điều 100), Hiến pháp năm 1992 quy định , việc trưng cầu ý dân do Quốc hội quyết định Điều 53 và Điều 84. Điều 29 Hiến pháp năm 2013 quy định“Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”, Quốc hội“quyết định trưng cầu ý dân”(Điều 70), Ủy ban thường vụ Quốc hội“tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội”(Điều 74).

Như vậy, chế định trưng cầu ý dân đã được quy định từ Hiến pháp đầu tiên và được thể hiện trong cả 5 bản Hiến pháp của Việt Nam,[1]nhưng vì nhiều lý do khác nhau, quy định này chưa được thực hiện trong thực tiễn. Khi chưa luật hóa, chưa “chuyển tải” quy định này của Hiến pháp vào thực tiễn, thì việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta còn hạn chế. Do đó, cần khẳng định rằng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về việc mở rộng dân chủ trực tiếp (nói chung), xây dựng, ban hành và thực thi luật trưng cầu ý dân (nói riêng) là cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy dân chủ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

* PGS-TS, Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1946, 1959), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 1980, 1992, 2013).

2. Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện trưng cầu ý dân ở Việt Nam

Việt Nam thuộc nền dân chủ phương Đông. So với nền dân chủ phương Tây, nền dân chủ phương Đông có những đặc điểm và tính chất khác biệt. Dân chủ trực tiếp nói chung và trưng cầu ý dân nói riêng là những nội dung làm nên sự khác biệt đó. Athen là cái nôi của dân chủ trực tiếp, vì thế trưng cầu ý dân mang tính phổ biến hơn ở các quốc gia phương Tây. Các quốc gia phương Đông không phải không có dân chủ trực tiếp hay không chấp nhận trưng cầu ý dân, nhưng rõ ràng, các phương thức và chế định về dân chủ trực tiếp cần có thời gian gieo mầm, bén rễ và phát triển.

Mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về việc mở rộng dân chủ trực tiếp nói chung, xây dựng và thực hiện chế định trưng cầu ý dân nói riêng đã rõ, nhưng việc triển khai biện pháp thực hiện hiện nay gặp không ít khó khăn, xét cả trên phương diện chính trị, khoa học, xã hội. Cần khẳng định rằng sự thận trọng trong quá trình thiết kế và thực hiện chế định này là cần thiết, song nếu quá mức cần thiết sẽ trở thành do dự và có thể khiến quá trình xây dựng và thực hiện bị kéo dài.[2]

Từ Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (23/01/1995) đã chủ trương xây dựng Luật Trưng cầu ý dân. Tiếp theo đó, quan điểm chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu ý dân được Đảng xác định rõ hơn từ Đại hội lần thứ IX của Đảng và được tiếp tục khẳng định một cách dứt khoát tại Đại hội X. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 49/2005/QH11 của Quốc hội ngày 19/11/2005 về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 đã giao Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo dự án luật này. Tuy nhiên sau đó, Dự án Luật Trưng cầu ý dân bị đưa ra khỏi chương trình làm luật và đến nay mới “khởi động” lại. Như vậy, tính đến nay chủ trương xây dựng Luật Trưng cầu ý dân bị “treo” và trì hoãn đến 20 năm (tính từ Hội nghị Trung ương 8 khoá VII); “treo” 70 năm (tính từ Hiến pháp năm 1946).

Do đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng mang tính chất toàn diện và tuyệt đối. Mối quan hệ giữa chủ trương, chính sách của Đảng với các vấn đề được quyết định trong các cuộc trưng cầu ý dân là mối quan hệ giữa “ý Đảng” với “lòng dân”. Về tổng thể, xét cả dưới góc độ lý luận và thực tiễn, kể từ khi Đảng ra đời (năm 1930) cho đến nay, hai yếu tố này ở Việt Nam luôn thống nhất với nhau, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta đồng nhất hai yếu tố đó làm một. Vì thế, khi bàn về chế định trưng cầu ý dân ở Việt Nam, suy đến cùng, không thể không làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với quyền lực nhân dân. Nói một cách khác, rất cần có sự nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện mối quan hệ giữa “ý Đảng” với “lòng dân” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, làm nền tảng cho việc triển khai chế định trưng cầu ý dân hiện nay ở Việt Nam.

Một số tác giả cho rằng trình độ nhân dân không đồng đều nên nhiều người dân không có khả năng đánh giá đúng ý nghĩa của trưng cầu ý dân, không có khả năng quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng và phức tạp… Thực ra, vấn đề là ở chỗ, chúng ta đánh giá và rút ra các nhận định đó dựa vào tiêu chí nào? Mỗi công dân khi quyết định, họ đều có căn cứ riêng để phân tích, đánh giá và quyết định.Không ai phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân. Chúng tôi cho rằng đây là ưu thế tuyệt đối của dân chủ trực tiếp so với dân chủ đại diện. Điều đó rõ ràng góp phần thực hiện định hướng chung của Đảng và Nhà nước ta là chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân và hợp lòng dân. Đúng là hiệu quả việc thực hiện dân chủ trực tiếp nói chung và trưng cầu ý dân nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi cho rằng, mọi vấn đề đều có tính hai mặt: ưu điểm và hạn chế. Không phải tất cả các cuộc trưng cầu ý dân ở các nước đã thực hiện đều có kết quả tốt, không phải tất cả các phương án mà nhân dân lựa chọn đều là khoa học, “khôn ngoan” nhất, và có thể có những cuộc trưng cầu ý dân không phản ánh đúng bản chất của nó (bị lợi dụng, bị gian lận phiếu), nhưng hầu hết các cuộc trưng cầu ý dân đều phát huy ý nghĩa của nó là phản ánh ý chí của nhân dân, cũng như nó đang xảy ra trong đời sống chính trị của nhiều nước và xu thế đó ngày càng rõ nét hơn.[3]

Lịch sử ra đời và phát triển của dân chủ cũng như bất cứ một sự vật, hiện tượng nào khác là quá trình phát triển từ thấp đến cao. Nếu không tổ chức và tập dượt cho nhân dân thực hiện quyền lực thì họ không thể làm chủ được. Theo Lenin“chính quyền Xô viết là một bộ máy, nhờ bộ máy này quần chúng có thể bắt tay vào việc học tập quản lý nhà nước và tổ chức sản xuất trên quy mô toàn quốc”[4]và toàn thể công dân, không trừ một ai, đều phải tham gia vào việc xét xử và quản lý đất nước và điều quan trọng đối với chúng ta là thu hút toàn thể những người lao động không trừ một ai tham gia vào việc quản lý nhà nước.[5]Phê phán quan điểm cho rằng một người công nhân hoặc nông dân bình thường không thể điều khiển Nhà nước được, Lenin khẳng định:“Người công nhân bình thường hoặc người nông dân bình thường có thể điều khiển được Nhà nước và sẽ học cách điều khiển Nhà nước nếu người đó bắt tay vào điều khiển Nhà nước”.[6]

Mặt khác, nếu có băn khoăn về cách thức tính toán và tổng hợp, hoặc các câu hỏi đưa ra chưa rõ ràng, rõ nghĩa… thì đó chẳng qua đó chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật, tác nghiệp. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải nghiên cứu để tìm ra các phương án có thể khắc phục các hạn chế, bất cập đó. Nói một cách khác, hạn chế này không xuất phát từ bản thân chế định trưng cầu ý dân, mà đó là những bất cập của quá trình tổ chức và thực hiện.

[2] Có thể tham khảo một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII (ngày 25/2/2015) khi cho ý kiến đối với dự án Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo.

[3] Trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân để điều chỉnh các mối quan hệ về trưng cầu ý dân. Cho đến nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.Xem: Tờ trình số 48 /TTr-HLGVN Dự án Luật trưng cầu ý dân của Hội Luật gia Việt Nam ngày 29 tháng 01 năm 2015.

[4] Lenin, Toàn tập, tập 36, 1977, tr. 65.

[5] Lenin, Toàn tập, tập 36, 1977, tr. 68.

[6] Lenin, Toàn tập, tập 33, 1976, tr. 333.

3. Một số bình luận và góp ý về Dự luật Trưng cầu ý dân (Dự thảo tháng 4/2015)

Nhìn tổng thể, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đồng thời đã thiết kế những điều luật phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như những đặc thù của hệ thống chính trị nước ta. Với mong muốn có một Dự thảo có chất lượng khả dĩ nhất trước khi trình Quốc hội, chúng tôi có một số bình luận và góp ý như sau:

3.1. Kết quả trưng cầu ý dân có ý nghĩa quyết định hay tham khảo?

Trước hết, chúng tôi đồng ý với hướng diễn giải trong Dự thảo “Trưng cầu ý dân” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra những vấn đề quan trọng của đất nước để nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định (khoản 1, Điều 3), còn lấy ý kiến nhân dân, như tên gọi của nó, chỉ là việc tham khảo ý kiến của nhân dân (ý kiến của nhân dân chỉ mang tính tham vấn), trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Dễ dàng có thể nhận thấy rằng đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Do đó, không nên đồng nhất giữa “trưng cầu ý dân” -hoạt động khẳng định mạnh mẽ và nhất quán chủ quyền chính trị của nhân dân trên thực tế,là việc nhân dân phúc quyết (chung quyết),với ”tham vấn ý kiến nhân dân” - là việc lấy ý kiến nhân dân để mang tính tham khảo.

Mặt khác, những vấn đề cần lấy ý kiến nhân dân (nếu có), là một công đoạn nằm trong hoạt động xây dựng pháp luật chứ không phải là một công đoạn khi tiến hành trưng cầu ý dân. Do đó, nếu cần thì nên quy định hoạt động này trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cần lưu ý rằng hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có cách hiểu chưa chính xác và người ta thường dùng thuật ngữ trưng cầu ý dân thay thế cho thật ngữ lấy ý kiến (tham vấn) của nhân dân. Đó có thể là cách hiểu mang tính phổ thông từ trước tới nay. Chúng tôi ủng hộ hướng tư duy của ban soạn thảo được thể hiện trong Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân đã không sa vào hướng phổ thông chưa chính xác đó, mà khẳng định một cách dứt khoát trưng cầu ý dân là việc nhân dân phúc quyết về vấn đề cần đem ra trưng cầu.

3.2. Về cấp độ và quy mô trưng cầu ý dân

Điều 7 Dự thảo quy định: phạm vi trưng cầu ý dân là“Các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước”. Theo chúng tôi, nên cân nhắc quy định này, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, như các thông tin đã nêu và phân tích ở trên, rất nhiều nước trên thế giới thực hiện trưng cầu ý dân ở cả cấp độ quốc gia, địa phương hoặc liên bang, bang, vùng (địa phương). Thậm chí ở nhiều nước, hoạt động này chủ yếu diễn ra ở cấp độ bang, vùng hoặc địa phương. Có thể có ý kiến cho rằng việc thực hiện này chủ yếu ở các bang đối với các nhà nước liên bang vì các bang có chủ quyền nhất định trong Nhà nước liên bang và điều này khác hoàn toàn với nhà nước ta là nhà nước đơn nhất. Theo thông tin đã nêu ở phần trên, một số nhà nước đơn nhất cũng tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân ở cấp địa phương.

Thứ hai, ở nước ta, theo chúng tôi, về định hướng lâu dài, nếu chúng ta thực hiện tự quản địa phương(Local self - government)thì trưng cầu ý dân chỉ đề cập trên bình diện quốc gia (vì tự quản địa phương là hình thức nhân dân tự giải quyết các công việc ở địa phương).Hiện nay chúng ta chưa áp dụng tự quản địa phương. Mặc dù quy chế dân chủ ở cơ sở cũng đã quy định những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp ở xã, thôn, làng, ấp, bản, nhưng những quy định này mang tính chất tản mạn và điều muốn nói hơn là những quy định này chưa mang tính khả thi. Do vậy, trước khi ban hành một đạo luật về tự quản địa phương trong tương lai, nên quy định về trưng cầu ý dân ở địa phương (ở cấp tỉnh, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh). Quy định này có thể đặt trong luật về trưng cầu ý dân hoặc có thể chuyển tải trong các văn bản pháp luật khác. Như trên đã nói, trưng cầu ý dân cũng như việc thực hiện bất cứ một một hình thức dân chủ nào đều phải trải qua một quá trình tập dượt từ thấp đến cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện.

Thứ ba, mặc dù chúng ta chủ trương mở rộng dân chủ trực tiếp, nhưng cũng không nên thực hiện một cách vội vã bởi vấn đề này vốn dĩ rất nhạy cảm, nhất là trong điều kiện ở nước ta hiện nay, khi các thế lực thù địch tìm mọi cách, đặc biệt là lợi dụng chiêu bài dân chủ để thực hiện mưu đồ của họ. Do đó, sẽ hợp lý hơn nếu trước hết ưu tiên thực hiện trưng cầu ý dân trên bình diện địa phương (cấp tỉnh), còn cấp độ quốc gia (cả nước), nên tham khảo cách quy định của Hiến pháp năm 1946 và theo chúng tôi, có lẽ ở cấp này, trong điều kiện hiện nay cũng chỉ nên quy định như Hiến pháp năm 1946;[7]vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm (như những việc gì cần trưng cầu ý dân, những vấn đề gì không nên trưng cầu; điều kiện, hoàn cảnh nào thuận lợi và không thuận lợi cho việc trưng cầu; cách thức trưng cầu ra sao, đưa ra một phương án hỏi người dân đồng ý hay không không đồng ý hay đưa ra hai hoặc nhiều phương án để người dân lựa chọn; nếu không được đa số phiếu tán thành thì xử lý như thế nào…). Ngay trong phạm vi địa phương cũng nên thực hiện từng bước và mở rộng dần, sau đó mới mở rộng việc thực hiện trong phạm vi cả nước (cấp quốc gia).

3.3. Về chủ thể có quyền kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân

Có nên trao quyền cho công dân, các tổ chức xã hội? Nếu có, thì phương thức tổ chức như thế nào để đảm bảo tính khả thi và thực thi có hiệu quả?

Theo chúng tôi, về lâu dài, nên trao quyền cho các chủ thể này vì trưng cầu ý dân chỉ thực sự có ý nghĩa khi quyền kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân được đảm bảo một cách rộng rãi, một cách dân chủ như chính bản chất của trưng cầu ý dân.Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, xã hội dân sự chưa đủ điều kiện và chưa có điều kiện để phát triển (Luật Mặt trận Tổ quốc còn chung chung, Luật về Hội chưa được ban hành…), thì việc trao quyền cho các tổ chức xã hội có quyền kiến nghị trưng cầu ý dân không đảm bảo tính khả thi, chưa thực sự có ý nghĩa. Nói cách khác, trao quyền kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân cho các tổ chức xã hội chỉ có ý nghĩa khi xã hội dân sự thực sự bám rễ và phát triển trong đời sống xã hội. Muốn vậy, trước hết phải có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính độc lập về quan điểm, về chính kiến, về tư tưởng… của các tổ chức xã hội. Cũng tương tự như vậy, việc trao cho công dân quyền kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân trưng cầu ý dân trong điều kiện hiện nay ở nước ta là chưa chín muồi, chưa phù hợp, không mang tính khả thi.

3.4. Về những vấn đề cần tổ chức trưng cầu ý dân

Nên quy định chung cho Quốc hội quyết định hay phải liệt kê các vấn đề cụ thể? Nếu liệt kê cụ thể thì nên quy định như thế nào để tránh sự xung đột giữa việc trưng cầu ý dân và quyền lập pháp của Quốc hội? Ý kiến của chúng tôi về vấn đề này là nên kết hợp cả hai, bởi lẽ:

Nếu quy định cho Quốc hội quyết định tất cả vấn đề quan trọng thì có lẽ chúng ta không cần xây dựng Luật Trưng cầu ý dân, vì Hiến pháp (ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước ta) đã quy định rồi. Nói cách khác, nếu chúng ta theo hướng này thì Luật Trưng cầu ý dân sẽ lâm vào tình trạng “luật treo”- không mang tính khả thi. Mặt khác, chúng ta cần khẳng định trưng cầu ý dân là việc nhân dân trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng mà nhân dân không trao cho Quốc hội (ngoài những việc do Quốc hội quyết định). Do vậy, theo chúng tôi, nên liệt kê các vấn đề cụ thể cần tổ chức trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, nếu chỉ cứng nhắc liệt kê các vấn đề cụ thể cần tổ chức trưng cầu ý dân thì có thể luật này sẽ “trói chân” chính chúng ta, bởi lẽ thực tế của cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng và không phải ngày một, ngày hai chúng ta có thể sửa đổi, bổ sung ngay được một đạo luật, nhất là với cơ chế “phân công, phối hợp và kiểm soát” trong hoạt động ban hành pháp luật ở nước ta hiện nay. Do đó, nếu chúng ta kết hợp cả hai phương án này thì một mặt, luật trưng cầu ý dân sẽ khắc phục được tình trạng “quy định treo”, mặt khác vẫn đảm bảo cho đạo luật này không bị cứng nhắc, vẫn đảm bảo được tính “mềm dẻo” khi thực hiện.

Chúng tôi cho rằng kết hợp cả hai phương án nói trên không tạo ra sự xung đột giữa trưng cầu ý dân và quyền lập pháp của Quốc hội, bởi hai vấn đề trưng cầu ý dân và quyền lập hiến, lập pháp của Quốc hội đều do Hiến pháp quy định. Cần thống nhất rằng các cơ quan nhà nước (kể cả Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cũng chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn giới hạn trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật quy định. Suy cho cùng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là do nhân dân ủy thác và đương nhiên là có giới hạn.

3.5. Về quy trình tổ chức trưng cầu ý dân: có nên áp dụng quy trình bầu cử vào quy trình tổ chức trưng cầu ý dân không?

Nên áp dụng quy trình bầu cử vào quy trình tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, không phải tất cả các công đoạn trong một cuộc bầu cử được “bê nguyên” vào một cuộc trưng cầu ý dân. Cần phải hiểu bản chất của bầu cử khác với bản chất của một cuộc trưng cầu, cũng như mục đích của từng công đoạn trong từng loại hoạt động để quy định cho phù hợp. Chẳng hạn, những quy định về việc lập danh sách cử tri trong hai loại hoạt động bầu cử và trưng cầu ý dân là tương tự nhau, do đó, những quy định về bầu cử có thể được áp dụng trong trưng cầu ý dân. Về các tổ chức phụ trách bầu cử, hay những quy định về trình tự, thủ tục trong ngày bầu cử, về cơ bản có thể kế thừa trong quy định của pháp luật về bầu cử được. Tuy nhiên, vì bản chất, mục đích của bầu cử và trưng cầu ý dân không hoàn toàn giống nhau, nên rất nhiều các công đoạn quy định phải khác nhau. Ví dụ, trong bầu cử có quy định về hiệp thương thì trong họat động trưng cầu ý dân rõ ràng không cần các công đoạn này. Nếu trong vận động bầu cử mục đích là vận động cho các ứng cử viên, thì trong trưng cầu ý dân, cũng cần cung cấp các thông tin cho người dân về những ưu điểm, hạn chế của từng phương án trưng cầu (tất nhiên là mang tính gợi ý cho nhân dân). Một điểm cần lưu ý là trong bầu cử, việc phân chia các đơn vị bầu cử có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì các đại biểu được bầu theo đơn vị bầu cử thì trong trưng cầu ý dân, việc này không có ý nghĩa gì, vì kết quả trưng cầu ý dân chỉ phụ thuộc vào kết quả bỏ phiếu trong phạm vi cả nước (đối với các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức trên cả nước), hoặc phụ thuộc vào kết quả bỏ phiếu của toàn địa phương (nếu trưng cầu ý dân được tổ chức trong phạm vi địa phương). Như vậy, cũng có thể không cần chia thành các “đơn vị”, nếu việc này không đem lại sự thuận lợi cho nhân dân khi đi bỏ phiếu.

3.6. Nên có nhiều phương án lựa chọn hay chỉ có thể có hai phương án - đồng ý hoặc không đồng ý; các phương án lựa chọn cần cụ thể đến mức độ nào?

Trước khi trả lời câu hỏi lựa chọn phương án nào (nhiều phương án lựa chọn hay chỉ có thể có hai phương án), theo chúng tôi, nên giải đáp câu hỏi: kết quả trưng cầu ý dân mang tính tham khảo hay mang tính quyết định? Nếu trưng cầu ý dân chỉ mang tính tham khảo (tham vấn) cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi quyết định thì có thể đưa ra nhiều phương án (và trong nhiều trường hợp, việc đưa ra nhiều phương án để tham khảo ý kiến nhân dân là rất cần thiết). Ngược lại, nếu kết quả trưng cầu ý dân là mang tính quyết định (hướng này đã được thể hiện trong Dự thảo), thì không nên đưa ra nhiều phương án, mà chỉ nên có hai phương án, để nhân dân lựa chọn (chung quyết); thông thường hai phương án là đồng ý hoặc không đồng ý. Có hai lý do để giải thích nhận định trên:Một là, phương án nhân dân lựa chọn ở đây là phương án mà các cơ quan nhà nước đã xem xét, đã lựa chọn, thậm chí đã cân nhắc rất kỹ, chứ không phải nhân dân lựa chọn phương án bất kỳ.Hai là, nếu đưa ra nhiều phương án, có thể dẫn đến tình trạng phân tán về kết quả, không quyết định được (trừ khi kết quả trưng cầu ý dân được xác định theo cách thức chọn phương án có số phiếu cao nhất, không nhất thiết phải là đa số), và như vậy, trưng cầu ý dân có thể không phải là một cuộc “chung quyết” của nhân dân.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm của Ban soạn thảo, trưng cầu ý dân là phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp và là cách thức để nhân dân thể hiện ý chí, tự quyết về những vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, kết quả trưng cầu ý dân nên mang tính quyết định.

3.7. Hình thức thể hiện kết quả trưng cầu ý dân: Lệnh của Chủ tịch nước hay nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội?

Như trên đã nói, chúng tôi cho rằng kết quả trưng cầu ý dân phải mang tính phúc quyết, do vậy, kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực kể từ ngày đăng Công báo, không cần sự phê chuẩn của bất cứ cơ quan nào. Chủ tịch nước công bố kết quả trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố kết quả trưng cầu ý dân ở địa phương (vì Hội đồng nhân dân là cơ quan đại biểu của nhân dân địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân).

Kết quả biểu quyết trưng cầu ý dân phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành.

3.8. Một số vấn đề khác

Khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân quy định:“Trưng cầu ý dân là việc Quốc hội đưa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội để Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định” nên sửa đổi là: “Trưng cầu ý dân là việc Quốc hội đưa những vấn đề quan trọng của đất nước để Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định”.Việc sửa đổi như trên tránh hiểu nhầm là chỉ trưng cầu ý dân những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội (chỉ những việc quy định tại Điều 70 của Hiến pháp năm 2013). Các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân không chỉ thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội (không chỉ những việc quy định tại Điều 70 của Hiến pháp năm 2013), mà còn là các vấn đề quan trọng khác của đất nước được Quốc hội xem xét và quyết định đưa ra trưng cầu ý dân.

Về nguyên tắc trưng cầu ý dân,nên bỏ khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân “Đề cao quyền lực của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình vào việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”,vì đây là yêu cầu trong quá trình thực hiện (không nên coi đây là nguyên tắc).

Về Điều 6 của Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, như trên đã phân tích, nên chọn phương án 2, tức là phương án liệt kê các vấn đề cụ thể, mặt khác trao cho Quốc hội có thẩm quyền quyết định những vấn đề khác để trưng cầu ý dân nếu thấy cần thiết. Chúng tôi nhấn mạnh rằng nếu chúng ta thực sự muốn luật trưng cầu ý dân có ý nghĩa, thì Hiến pháp là vấn đề quan trọng nhất cần trưng cầu ý dân, còn các vấn đề khác, suy cho cùng chỉ là những vấn đề phái sinh từ Hiến pháp.[8]Hơn nữa, theo chúng tôi, quy định tại khoản 1, Điều 6 (phương án 2)“Những vấn đề về sửa đổi Hiến pháp”được quy định rõ là“Việc xây dựng Hiến pháp mới và việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp”. Tức là, không những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mà việc xây dựng Hiến pháp mới đều cần phải trưng cầu ý dân trước khi thực hiện.

Về khoản 1 Điều 42 của Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân:“Bỏ phiếu trưng cầu ý dân là quyền và nghĩa vụ của cử tri; mọi cử tri có trách nhiệm tham gia đầy đủ”, cần chú ý rằngĐiều 29 Hiến pháp năm 2013 quy định“Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Nói cách khác, Hiến pháp năm 2013 khẳng định bỏ phiếu trưng cầu ý dân làquyềncủa công dân đủ mười tám tuổi trở lên, chứ không phải lànghĩa vụ, cũng không phải là quyền và nghĩa vụ. Như vậy, quy định này không phù hợp với Điều 29 Hiến pháp năm 2013 và cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp với Hiến pháp.

[7] Hiến pháp năm 1946 quy định: “nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia…” (Điều 21) và “những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý…” (Điều 32).

[8] Vũ Văn Nhiêm, “Một số vấn đề về trưng cầu ý dân”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1(32)/2006.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ đề