Chó lê trôn là điềm gì năm 2024

Từ thuở xa xưa, chó rừng đã được loài người thuần hóa và chó đã được con người nuôi nấng, gần gũi bên nhau. Tục ngữ có câu “đêm nghe chó, ngày ngó tre” để thấy rằng con chó gắn liền với miền quê Việt như thế nào. Chó đã giúp con người thực hiện nhiều việc trong sinh hoạt, nuôi làm cảnh cũng như cung cấp thịt cho một số người.

Con người nuôi chó Ta lẫn chó Tây. Lúc Pháp, Nhật rồi Mỹ sang đây, ta thấy có người nuôi chó Tây, chó Nhật, chó Mỹ và cả chó Ta nữa. Và khi có hai loại chó mang dòng máu Âu Á như vậy, chẳng khỏi có nạn chó Lai. Chó cũng mang tên như người, có khi mang cả chức tước. Các ông “sĩ quan chó” đó chắc chắn là được trọng vọng. Tên loài chó, tùy loài mà đặt. Chó ngoại quốc hay chó lai, lẽ dĩ nhiên có tên ngoại quốc, hay nửa ngoại quốc nửa ta.

Còn chó Ta cứ theo màu sắc lông mà đặt tên, tên thật nôm na: Vàng, Mực, Vá (“Chó không rách, răng (sao) gọi là chó vá?”), Vện, Đốm, Bạch, Phèn, Xù, Mốc, Luốt, Khoang… ngoại trừ có những con chó Ta “vọng ngoại” đặt tên Tây thì không kể. Riêng con chó bị trụi lông thì gọi là chó Lác (“cực như chó không lông”). Tuy nhiên, dù có mang tên gì, chức tước gì, loài bốn chân đó cũng là … chó. Vấn đề chính là chúng có khôn, có giúp chủ đắc lực không, có trung có nhân có nghĩa có dũng không…

Tại Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang có loại chó quý, gọi là chó Phú Quốc, đặc biệt loài chó này có cái xoáy như bờm ngựa chạy dài trên lưng, biệt tài là rất thính tai, đánh hơi rất giỏi, phản ứng lanh lẹ, bơi lội giỏi…, được liệt vào một trong những giống chó săn tốt nhất trên thế giới. Có những vùng nông thôn, cha mẹ thường đặt tên con bằng những tên xấu để khỏi ma quỷ bắt. Trong việc đặt tên họ lấy “chó” làm tên đặt cho con, như “Chó Con, Chó Chị, Chó Em” vừa dễ nhớ nhưng cũng vừa dễ thương.

Trong dân gian, những người nuôi chó kiêng nuôi một số loài chó và tin những điều tốt xấu do chó đưa lại.

Nuôi chó, người nuôi tìm những con “tứ túc huyền đề”, nghĩa là bốn chân chó đều có móng thừa. Thủy tổ của loài chó chân có 5 ngón. Cần thích ứng với khả năng chạy nhanh để săn bắt mồi, chân chó dần dần dài ra, và nhỏ lại, còn 4 ngón. Sự biến cải này, giúp vận tốc chạy của chó tăng lên. Ngón “huyền đề” chính là ngón chân thứ 5 bị teo lại và mọc toòng teng, lủng lẳng phía trên. Phần lớn ngón huyền đề thường thấy ở hai chân trước, nhưng đôi khi, cũng xuất hiện cả 4 chân. Quan niệm cho rằng chó có ngón huyền đề khôn hơn chó thường thì cũng tùy trường hợp. Tuy nhiên những người nuôi chó có ngón huyền đề đều tin rằng sẽ được phát tài, phát lợi.

Người nuôi chó không nuôi chó trắng, nhất là chó trắng có mũi màu đỏ, họ cho rằng đó là một “yêu khuyển”. Theo truyền thuyết, giống chó này tuy mang hình chó, nhưng khi chủ vắng nhà, nó nhảy lên nằm võng đưa như người, và những đêm thanh vắng, sáng trăng suông nó sẽ đội nón, chống gậy đi trên mái nhà bằng hai chân sau như người. Nó sẽ tìm gặp những yêu ma để tỏ rõ hết mọi sự trong nhà và xúi giục ma quấy rầy nhà chủ, gây bệnh hoạn làm đau ốm các người trong gia đình (?). Nhưng chó trắng mà đầu vàng, đuôi vàng thì nuôi lại có lợi.

Nếu chó trắng là bạn của yêu ma thì chó đen (chó mực) có bộ lông đen tuyền lại kỵ yêu ma. Ngày xưa, phụ nữ sinh nở thường lấy máu chó đen vẫy ở quanh buồng đẻ để tà ma không dám tới khuấy phá mẹ con, nhất là để kỵ giặc Phạm Nhan. Phạm Nhan có cha là người Trung Quốc, mẹ là người Việt, thời nhà Nguyên bên Trung Quốc, Phạm Nhan đỗ tiến sĩ, lại giỏi thuật phù thủy, thường làm bậy trong cung cấm nên bị bắt đem chém, nhưng vua tha cho, bắt làm hướng đạo dẫn quân Nguyên sang xâm lược nước ta. Tại trận Bạch Đằng, bị Hưng Đạo Vương bắt sống, dùng thần kiếm mới chém được đầu Phạm Nhan. Khi sắp thọ hình, Phạm Nhan hỏi cho ăn gì, Hưng Đạo Vương bảo cho ăn máu đẻ của đàn bà, như thế là để sỉ nhục tên giặc này. Từ đó, hồn Phạm Nhan thường gặp sản phụ để hớp hồn họ. Chuyện giặc Phạm Nhan này đã được chép trong tác phẩm “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên trong truyện “Trần triều Hưng Đạo đại vương” . Ngoài ra, sản phụ còn phải ăn thịt, ăn dồi của con chó đen nữa và xương chó được chôn ở dưới chân giường sản phụ nằm, thế mới hiệu nghiệm trong việc phòng tránh tà ma.

Khi chó “lê trôn” (chà, kéo hậu môn sát đất) là điềm gở trong nhà, người chủ phải bán hoặc làm thịt ngay con chó ấy đi để tránh tai họa. Chó cái sinh toàn chó cái hoặc chỉ có một con, người nuôi chó cũng cho là điềm gở, điềm báo sự đau ốm hoặc tiêu hao tài sản của chủ nhân. Trong trường hợp chó đẻ một con độc nhất, người ta phải ném chó con đó qua nóc nhà, nếu rơi xuống chó con vẫn còn sống thì có thể nuôi được.

Người nuôi chó được khuyên không nuôi chó quá sáu năm. Chó già quá, hoặc nó sẽ thành tinh, hoặc nó sẽ đem đến những điều bất lợi cho chủ. Chó già quá sáu năm người ta đem làm thịt gọi là “hóa kiếp” để nó đầu thai đi kiếp khác.

Dân gian có câu “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Tự nhiên có chó lạ đến nhà mình ở là điềm cực vượng, còn mèo mà đến thì sẽ gặp những điều rủi ro, bất hạnh, nhất là khi mèo lạ đến nhà mình đẻ, dân gian tin như vậy. Có phải tiếng mèo kêu “meo meo”, họ nghĩ đến từ “nghèo”, còn tiếng chó sủa “gâu gâu” họ nghĩ đến từ “giàu” chăng?

Những con chó nằm có dáng như con thạch sùng, nghĩa là hai chân trước duỗi về đàng trước, hai chân sau duỗi về đàng sau, nuôi chó này có lợi cho chủ. Còn con chó “tứ túc mai hoa”, nghĩa là ở bốn chân chó, phía trên bàn chân có đốm trắng hoặc vàng trông như hoa mai nở thì nuôi tốt.

Có những kinh nghiệm cũng như có sự tin tưởng dị đoan, mê tín của người nuôi chó thuở xa xưa như thế.

Những người thợ săn nuôi chó đi săn thật lắm công phu trong việc lựa chọn giống chó cũng như trong tập luyện. Vì trong việc săn bắt, đàn chó mới là yếu tố chính. Chó săn càng nhiều, càng khôn lanh, nhanh nhẹn thì thú rừng dễ sa lưới. Mua chó về nuôi hay dùng đi săn cũng phải lưu ý những kinh nghiệm của dân gian truyền lại:

Chó khôn tứ túc huyền đề

Tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong

Giống nào mõm nhọn đít vồng

Ăn càn cắn bậy, ấy không ra gì.

Hay:

- Con chó huyền đề, con gà năm móng, lấy về mà nuôi.

- Con chó mà có móng đeo

Khỏi lo ăn trộm mất heo, mất gà.

Còn “ai mà có chó một râu, trời cho chủ nó sắp giàu đến nơi”.

Ngoài các cách lựa chọn chó như trên, người mua có khi phải xem xét kỹ các bộ phận bên ngoài trên thân mình con chó: - Xem đuôi chó: “Ló đầu thì nuôi, ló đuôi ăn thịt”, chót đuôi chó có một túm lông, nếu lông màu trắng thì hay ăn vụng, cắn chủ, không nên nuôi. - Xem răng lưỡi chó: “Lưỡi đen là chó kỳ tài/ Răng ló ra ngoài là chó hung hăng”. - Xem miệng, tai chó: “Sệ miệng thì cắn bạo, tai dài thì sáng hơi”. - Xem lưng chó: “Gà dài lưng thì tốt/ Chó cụt lưng thì hay/ Lưng dài thì làm biếng” - Xem màu lông chó: “Nhất bạch, nhị hoàng, tam khoanh, tứ đốm” là giống chó đẹp, khôn. Hay: “Nhỏ lông, ướt mũi đầm đầm/ Bó đuôi chính cống là dòng chó hay”. - Xem xoáy: “Xoáy hầu đóng thấp thì hung”. - Xem bụng: “Bụng to thì chậm”. - Xem chân: “Chân lùn thì nhanh”, “mua trâu xem sừng, mua chó xem chân” là thế!…

Người nuôi chó săn, khi chó còn nhỏ, chủ tập cho nó đi săn chuột cho quen. Khi nó bắt được chuột, chủ nướng chuột cho nó ăn để tạo cho nó có sự thích thú, hăng hái, tạo thói quen. Khi đi săn thú rừng bắt được thú, chủ thường cho nó ăn vài ba miếng thịt con thú đó để nó quen mùi, sau này gặp con thú đó, đánh hơi được, nó sẽ cố rượt bắt. Nhưng có một điều hạn chế là chó săn cho ăn thịt sống dễ đưa nó vào tật chạy đuổi bắt gà vịt nuôi ở nhà hay ở làng xóm để ăn. Người chủ biết thế nên phải tập, phải dạy cho nó bỏ tật đó. Người chủ đem con gà hay con vịt nhử trước miệng nó, nó sẽ táp liền. Người chủ ngồi sát bên nó, khi thấy nó bắt đầu táp thì một tay nắm nó kéo lại, một tay cầm cây đánh mạnh vào mõm nó.

Qua hai ngày sau cũng làm như thế. Nếu nó vẫn tiếp tục rượt đuổi bắt gà vịt ăn thì chủ sẽ đánh mạnh, đánh đau hơn. Qua những ngày sau, chủ bắt con gà con để trước mặt nó rồi chủ đứng nép vào chỗ kín đáo quan sát. Nếu nó thấy vắng chủ đớp ăn con gà thì lần này đánh đau nhiều lần hơn. Bị đánh đau, nó thoát khỏi tay chủ, chạy kêu sủa vang trời. Làm nhiều lần như vậy, chó sẽ thuần tính, không ăn gà vịt con nữa, dù chủ có nhét gà vịt con vào miệng, nó cũng không dám cắn, nhưng người chủ vẫn tiếp tục đánh mạnh vào mõm nó cho thật đau, nó vội nhả con vật ra, chạy kêu sủa ầm ỉ. Những người nuôi chó săn thường dùng cách này dạy chó không đuổi bắt gà vịt nuôi để ăn nữa và thấy có hiệu nghiệm.

Cách dạy, cách tập luyện như thế cũng có lợi là khi đi săn, chó rượt đuổi chồn, cheo, thỏ… và nó chỉ cắn cho chết các con vật rồi bỏ đó cho chủ đến lượm, còn nó không dám ăn, ngồi canh cho chủ đến nhận xong rồi mới tiếp tục rượt đuổi con thú khác.

Dân gian thường nói “giàu nuôi chó, khó nuôi heo” là ý nói người giàu nuôi chó để tiêu khiển, nuôi làm cảnh hay nuôi giữ nhà, đi săn..., còn mình nghèo thì nuôi heo, coi như bỏ ống để khi heo “xuất chuồng“ có tiền trang trải mọi thứ. Còn có câu: “Giàu nuôi lợn nái, nghèo nuôi chó cái, gà con”. Chó cái, gà con nuôi ít vốn hơn nuôi heo nái, khi heo nái đẻ nhiều con phải nuôi rất tốn kém, còn nuôi chó con, gà con thì ít tốn hơn. Có người lại cho rằng “giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng” phù hợp hơn với gia cảnh. Có anh chồng thường đi chơi bời thì được khuyên: “Bạn về nuôi chó nuôi chim/ Đừng nghe giọng sáo giọng kìm khổ thân”.

Tuy nhiên ai cũng muốn nuôi chó khôn, khỏe mạnh, thính tai, đánh hơi tốt, có nhiều tài năng biểu lộ khi được huấn luyện. Nuôi chó như một cách sống, vì “chó gầy hổ mặt người nuôi”, còn “chó béo” thì “đẹp mặt chủ”. Có những con chó may mắn được nuôi trong những gia đình giàu có, cuộc sống còn hơn con người. Và khi chó được chủ tưng tiu, chăm sóc kỹ lưỡng thì thường lên mặt, “chó ỷ thế nhà”, “chó chê cứt nát”, có lúc rất hợm hĩnh, quái dị như khi “chó mặc váy lĩnh”, nên có sự so sánh: “ Con nhà khó không bằng chó nhà sang”. Còn chó nhà nghèo thì trái ngược lại: “Chó chẳng chê chủ nghèo”, cũng như “con chẳng chê bố mẹ khó”. Có ông chủ ưa nói chữ thì chó nhà ông nuôi cũng “cắn” hay “sủa ra chữ” như chủ nó. Đó là lời phê phán những người ưa “nói chữ”, đem con chó ra để ẩn dụ. Nuôi chó thì phải lưu ý chớ cho “chó liếm mặt”, vì như thế không ra thể thống gì, kẻ dưới được nuông chiều sẽ đâm nhờn, có khi hỗn hào với người trên.

Còn người đi bán chó cũng có kinh nghiệm truyền lại: “Bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa”. Gà đang khỏe, bị gió thì xù lông, mồng tái mét như bị dịch, chó bị mưa thì run lên, thân thể co rúm, lông xù lên trông rất thảm hại, như thế bán sao cho được nhiều tiền? Thời xưa có tình cảnh thật đau lòng: “Giàu bán chó, khó bán con”.