Chế độ kiểm tra kiểm soát là gì năm 2024

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung luôn gắn liền với công tác nhân sự, bởi chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng của nguồn nhân lực làm việc trong đó. Bài viết đề cập đến các nội dung: giám sát, kiểm tra, kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi công vụ như là một trong những phương thức góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy chính quyền các cấp hiện nay.

(1).jpg) Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Tính cấp thiết và nội dung của việc tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy quyền lực chính trị nói chung, các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị nói riêng luôn là chủ đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Trên thực tế, những năm qua Đảng ta đã có nhiều quyết sách để tinh giản bộ máy quyền lực chính trị - từ hệ thống chính trị đến các tổ chức, bộ máy cấu thành. Việc triển khai thực hiện các quyết sách của Đảng, Nhà nước thời gian qua cũng đã mang lại những chuyển biến nhất định. Tuy vậy, nhìn tổng thể cả hệ thống đến các bộ phận cấu thành - tổ chức đảng, bộ máy nhà nước đến Mặt trận và các đoàn thể quần chúng vẫn còn khá nhiều bất cập, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nếu tiếp cận và giải quyết vấn đề theo góc độ lý thuyết hệ thống, có thể thấy khi bàn đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của một cấu trúc xã hội, một tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý và vận hành cấu trúc xã hội đó cần quan tâm đến các loại vấn đề căn cốt sau:

Thứ nhất, kiến tạo và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động cho toàn bộ cấu trúc xã hội, cho tổ chức bộ máy quyền lực vận hành, quản lý xã hội. Nội dung của loại vấn đề này về bản chất là xác định quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích của các bộ phận, thành tố cấu thành. Trong xã hội được tổ chức thành nhà nước thực chất là quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tính đầy đủ, đồng bộ và tường minh của thể chế, cơ chế do vậy là căn cứ đầu tiên để con người khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo, đồng thời cũng là cơ sở để các chủ thể có thẩm quyền thực hành giám sát, kiểm tra, kiểm soát xã hội và chính mình.

Thứ hai, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực cho hệ thống tổ chức bộ máy quyền lực các cấp theo thiết kế của thể chế. Số lượng, chất lượng (trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức và kỹ năng hành động) và cơ cấu hợp lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức – lực lượng thực thi công vụ, xét đến cùng là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước và rộng ra là của hệ thống chính trị.

Thứ ba, trên cơ sở giải quyết hai loại vấn đề trên, các tổ chức bộ máy quyền lực sẽ huy động mọi nguồn lực (bên trong, bên ngoài; nhân lực, vật lực, tài lực…) để quản lý, vận hành xã hội, góp phần giải quyết các nhiệm vụ, đạt được mục tiêu, yêu cầu về sự ổn định và phát triển xã hội.

Cần lưu ý, trong thực tiễn không phải bao giờ các vấn đề nêu trên cũng diễn ra một cách lý tưởng như mong muốn. Bởi có nhiều yếu tố chi phối, trong đó có thể nói giữa nội dung, yêu cầu tiêu chuẩn (có tính hình thức) với quá trình thể hiện, thực hiện - thông qua công việc và cuộc sống của mỗi cán bộ, công chức sẽ có độ vênh nhất định. Vì thế, giám sát, kiểm tra, kiểm soát hành vi và hoạt động của lực lượng thi hành công vụ, đặc biệt là những người nắm giữ chức vụ chủ chốt - người đứng đầu của một tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Thực tế cho thấy, cho dù thể chế, cơ chế có hoàn thiện, đầy đủ, tường minh đến đâu mà các chủ thể hành động, đặc biệt là người đứng đầu có “sự bất ổn”, “không tương thích” về tâm và tầm, sự bất nhất giữa nói và làm… thì tổ chức, bộ máy không thể không bị liên lụy, thậm chí có thể đẩy tổ chức bộ máy đến sai phạm nghiêm trọng, làm cản trở sự phát triển. Do đó, chỉ khi nào thiết lập được cách thức giám sát, kiểm tra, kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức có hiệu lực mới có thể ngăn ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm trong tổ chức bộ máy quyền lực. Nói cách khác, giám sát, kiểm tra, kiểm soát là một trong những phương thức quan trọng để bảo đảm tính đồng bộ về công tác cán bộ gắn với đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quyền lực theo tinh thần “hợp lý, hiệu lực, hiệu quả”.

Ở nước ta hiện nay, trong các văn bản có liên quan, các khái niệm kiểm tra, giám sát và kiểm soát đã được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên trên thực tế, cách hiểu về các khái niệm này chưa thống nhất, do vậy kết quả thực hiện chưa như mong đợi. Nếu căn cứ vào nội dung, yêu cầu, thẩm quyền của các cấp độ chủ thể giám sát, kiểm tra và kiểm soát trong đời sống chính trị - xã hội ở Việt Nam thì hoạt động kiểm tra, giám sát và kiểm soát được thực hiện bởi nhiều cấp độ chủ thể, đối tượng và thẩm quyền khác nhau. Ví dụ, trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã quy định nội dung, quyền và thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (tổ chức, cá nhân) có liên quan trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát và kiểm soát các tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức. Rộng hơn trong hệ thống chính trị, theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương từ Đại hội XI đến nay, vấn đề kiểm tra, giám sát xã hội, phản biện xã hội đã từng bước được cụ thể hoá từ thể chế đến cơ chế, phương thức thực hiện.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra, kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức

Thứ nhất, cụ thể hoá và công khai, minh bạch các tiêu chuẩn, trách nhiệm cho từng chức danh cán bộ, công chức.

Ở Việt Nam, mặc dù hệ thống tiêu chuẩn chung của đội ngũ cán bộ, công chức đã được nêu ra trong các quyết sách chính trị của Đảng, được xác định trong hệ thống các văn bản luật và các quy phạm pháp luật, nhưng hoạt động kiểm tra, giám sát và tác động của nó trong việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn mang tính hình thức, việc ngăn ngừa và xử lý các sai phạm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt - nhất là những người đứng đầu nói chung vẫn chưa có những chuyển biến căn bản. Tại sao các khuyết, nhược điểm của một bộ phận không nhỏ cán bộ có trọng trách trong bộ máy quyền lực nhà nước ở không ít nơi diễn ra nhiều năm mà vẫn khó phát hiện, xử lý?

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau nên các tiêu chuẩn cán bộ, công chức hiện hành thường có thiên hướng định tính, thiếu những tiêu chuẩn mang tính định lượng (chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của mỗi chức danh cụ thể, trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, việc định mức lao động có tính định lượng là vấn đề khó và phức tạp). Trong khi đó trên thực tế, chỉ có những tiêu chuẩn định lượng mới là căn cứ tường minh để mọi người có thể đo lường, đối chiếu, đánh giá khách quan. Tuy nhiên, nếu xây dựng được tiêu chuẩn, cho dù đã mang tính định lượng mà chỉ nằm trong luật hay những nghị quyết của tổ chức thì chỉ có các bộ phận, chủ thể bên trong tổ chức bộ máy quyền lực biết để thực hiện. Còn người dân, nếu biết cũng không nhiều. Cho đến nay việc kiểm tra, thanh tra hay kiểm soát theo tuyến ngang trong hệ thống tổ chức quyền lực ở nước ta còn mang tính hình thức. Vì vậy, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát từ phía các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp xã hội có tính độc lập tương đối với tổ chức bộ máy chính quyền. Để làm được điều đó, trước hết, ở mọi công sở, mọi nơi diễn ra các dịch vụ hành chính nhà nước, các quyền, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, nhất là người đứng đầu tổ chức bộ máy phải được niêm yết công khai, hoặc tuyên truyền sâu rộng để nhân dân biết và thực hiện.

Thứ hai, tạo ra các cơ chế hữu hiệu để huy động mọi cấp độ chủ thể quan tâm, tham gia thường xuyên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, từ dân là chủ đến dân làm chủ là một quá trình lâu dài, ở đây không chỉ có giáo dục, giác ngộ “làm cho dân biết hưởng quyền dân chủ”, mà cần tạo cơ chế, cách thức để họ “biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(1).

Mặc dù chế độ phong kiến thực dân đã bị đánh đổ gần 80 mươi năm nay, nhưng có thể nhận thấy, người dân Việt Nam nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống tổ chức quyền lực ở nước ta vẫn chưa thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, coi dân chỉ là con đen, con đỏ; vua, thủ lĩnh là minh vương, lương tướng thì dân được nhờ, ngược lại ráng chịu và khi không chịu đựng được thì rất dễ có những hành vi “bột phát” khó kiểm soát. Do đó, cùng với việc nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, của đội ngũ những người có thẩm quyền… để thực hiện quyền và nghĩa vụ đó, cần phải xây dựng cơ chế thực hành việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát của nhân dân đối với hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đó sẽ là cơ sở để hình thành nhân cách có văn hoá trong giao tiếp giữa các thành viên trong tổ chức bộ máy và trong đời sống cộng đồng.

Thứ ba, các cấp lãnh đạo, quản lý phải nêu gương, có những biện pháp cụ thể để cán bộ, công chức làm tròn bổn phận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức trong nhà nước kiểu mới, “Chính phủ phải là công bộc của nhân dân”(2) và để làm được điều đó, Chính phủ - lực lượng lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải biết làm gương, nêu gương, cán bộ, công chức phải vừa chuyên “có công tâm, trung thành sốt sắng với quyền lợi của nhân dân”(3) vừa hồng “có năng lực làm việc, được nhân dân tín nhiệm”(4).

Hiện nay, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hồng và chuyên của người lãnh đạo, quản lý. Trong đó, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường khiến cho tính chất phục vụ của nền công vụ bị lệch lạc; cán bộ, công chức, xã hội đang phải đối mặt với hội chứng chạy chức, chạy quyền, dẫn đến hệ quả là các tệ nạn tham ô, lãng phí, nhũng nhiễu lộng hành, nhất là đối với những người đứng đầu các hệ thống không dễ có thể khắc phục ngay được.

Khi năng lực làm việc của cán bộ, công chức bị khúc xạ qua nhiều lăng kính cộng với động cơ thiếu trong sáng, sẽ biến lực lượng này trong bộ máy nhà nước trở thành những “kẻ lộng quyền”. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hoạt động công vụ và chất lượng thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ chủ chốt nói riêng và đội ngũ công chức nói chung còn nhiều yếu kém. Thêm vào đó, sự xuê xoa khi đánh giá, xem xét công trạng, bình bầu thi đua có thể coi là biểu hiện của sự dung dưỡng hành vi tiêu cực trong bộ máy công quyền, ảnh hưởng đến sự trong sạch, vững mạnh của bộ máy.

Các thể chế hành chính, quy tắc pháp luật muốn đi vào cuộc sống phải thông qua con người áp dụng. Thái độ, trách nhiệm, sự công tâm của đội ngũ cán bộ, công chức cùng với một cơ chế trách nhiệm pháp lý minh bạch, công khai sẽ là những điều kiện đảm bảo cho các quy tắc pháp luật được thực hiện. Bởi thế, không chỉ có giám sát từ dân, từ xã hội, trong bộ máy, tổ chức quyền lực chính trị, Đảng và Nhà nước cần thường xuyên quan tâm, có cơ chế và những biện pháp cụ thể để cán bộ, công chức phải thực hiện trách nhiệm và đạo đức công chức, công vụ, đó là cách nêu gương có hiệu quả nhất trước nhân dân và xã hội.

Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Với tư cách là các tổ chức đại diện cho các tầng lớp xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần có chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát và phản biện xã hội cụ thể, thông báo với cấp ủy và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai để được hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện. Đối với tổ chức và cá nhân được phân công phản biện, kiểm tra, giám sát phải bảo đảm về trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành, có bản lĩnh, dám bảo vệ cái đúng và dám chịu trách nhiệm. Trong cộng đồng khu dân cư, cần phát huy vai trò của Ban giám sát cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân, những người có uy tín, có kinh nghiệm, có tri thức am hiểu vấn đề tham gia phản biện và giám sát xã hội. Khi cần thiết phải tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phản biện và giám sát xã hội cho đội ngũ những người làm công tác này. Trình độ, dũng khí của chủ thể tham gia phản biện và giám sát xã hội chỉ mới là điều kiện cần, nếu chưa tạo lập được thể chế, cơ chế cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích của những chủ thể này trước những tổ chức và cá nhân đang thực hành các quyền công vụ thì hoạt động này sẽ khó có hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, cần xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp độ chủ thể thực hành giám sát, kiểm tra, kiểm soát. Theo đó, phải thiết lập được những định chế, cơ chế hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các cá nhân đảm trách việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vụ việc không lệ thuộc nhiều vào chính quyền về tổ chức và tài chính. Đồng thời, cần bảo đảm minh bạch, công khai mọi thông tin về những việc cần phản biện và giám sát xã hội. Kịp thời biểu dương, khích lệ những người làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả, góp phần làm lành mạnh các hoạt động xã hội, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh./.