Cách đọc tiếng việt lớp 1 công nghệ giáo dục

Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm 3 tập với thứ tự là: âm-chữ, vần và tự học. Sách hướng dẫn học sinh đánh vần trên cơ sở phân tích cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt, có phân biệt rạch ròi âm với chữ, ví dụ âm /cờ/ và chữ c, k, q...

Học tiếng trước chữ viết

Trình tự dạy đánh vần của tài liệu là: phát âm - âm - con chữ, tức là dạy tiếng trước dạy chữ. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và sách giáo khoa hiện nayTheo quan điểm của chủ biên, cách này thuận với tự nhiên là trẻ biết tiếng (phát âm) trước khi biết chữ.

Bài học đầu tiên trong tập 1 "âm-chữ", học sinh sẽ được học tách chuỗi lời nói thành từng tiếng, ví dụ "một ông sao sáng" gồm 4 tiếng: một/ông/sao/sáng. Với mỗi tiếng, sách ký tự thành một hình tròn/vuông/ngôi sao... Tiếng giống nhau được đánh màu sắc giống nhau, để học sinh dễ hình dung.

Cách đọc tiếng việt lớp 1 công nghệ giáo dục

Lời được tách thành từng tiếng, mỗi tiếng được biểu thị bằng một ô vuông, theo phương pháp của sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục.

Do học tiếng trước học chữ nên với trẻ bắt đầu học lớp 1, khi nhìn vào mặt chữ sẽ không biết từ đó đọc là gì. Điều này khiến phụ huynh hoang mang, thậm chí có người bức xúc đến xé sách của con vì đã quen với phương pháp truyền thống là học chữ trước rồi nhìn vào con chữ để đánh vần và nhận diện từ.

Quảng cáo

Theo sách của GS Hồ Ngọc Đại, với mỗi tiếng, các em được hướng dẫn tách thành hai phần là đầu và vần, ví dụ tiếng "ba" có phần đầu là "b" và vần là "a". Song song đó, bài học đầu giới thiệu với học sinh sáu thanh trong tiếng Việt gồm: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và ký hiệu của các thanh này.

Ở phần âm (bài 2), Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục dạy học sinh theo khoa học của ngữ âm học. Sách hướng dẫn cách phân biệt nguyên âm với phụ âm; trong vần có âm chính, âm đệm và âm cuối.

Khi được học về âm đọc tròn môi (o, ô, u) và không tròn môi (a, e, ê, i/y, ơ, ư), học sinh sẽ được giới thiệu quy tắc ghép âm để tạo thành âm/vần mới. Ví dụ, ghép âm /a/ không tròn môi với âm /o/ tròn môi sẽ cho ra âm /oa/, hoặc vần "an" làm tròn môi bằng cách ghép với âm /o/ sẽ tạo thành vần "oan".

Ghi âm /cờ/ đứng trước âm đệm bằng chữ q; ghi âm /i/ đứng sau âm đệm bằng chữ y; dấu thanh đặt ở âm chính"... là một số luật chính tả được nêu trong Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, buộc học sinh phải ghi nhớ và làm theo. 

Chữ C/K/Q đều đọc là /cờ/

Quảng cáo

Có hai điểm khác biệt cơ bản trong cách phát âm chữ cái giữa tài liệu Tiếng Việt Công nghệ giáo dục với sách giáo khoa đại trà. Khác biệt đầu tiên là cách đọc ba chữ cái c, k, q đều là /cờ/ trong khi sách đại trà có cách phát âm lần lượt là /cờ/, /ca/ và /quy/. 

Khác biệt thứ hai nằm ở các nguyên âm đôi. Trong sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, có ba nguyên âm đôi là iê (đọc là /ia/) và có 4 cách viết là ia, ya, iê, yê. Trong khi sách giáo khoa đại trà chữ ia/ya, iê/yê phát âm lần lượt là /i-a/ và /i-ê/. 

Cách đọc tiếng việt lớp 1 công nghệ giáo dục

Nguyên âm đôi iê phát âm là /ia/ có 4 cách viết. 

Nguyên âm đôi uô đọc là /ua/ có hai cách viết là ua và uô; trong khi trong sách phổ thông "ua" và "uô" cách đọc khác nhau. Nguyên âm ươ cũng có hai cách viết là ưa và ươ, đều đọc là /ưa/; khác với sách giáo khoa đại trà ươ sẽ đọc là 'ư-ơ/. 

Với phát âm khác biệt này nên cách đánh vần trong Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cũng khác. Từ "ke" sẽ được đánh vần là "cờ - e - ke" thay vì là "ca - e - ke" theo sách đại trà. Vần "uôn" sẽ được đánh vần là "ua - n - uôn" thay vì là "u-ô - n - uôn" như sách đại trà.

Trước đó, một video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/, đánh vần chữ "qua" là "cờ-ua-coa"... gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh lâu nay. Cách đánh vần đó được dùng theo cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục thông qua, cho phát hành.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.

Đây không phải là chương trình riêng mà là tài liệu dạy học của chủ biên GS Hồ Ngọc Đại, được nhiều địa phương tự nguyện áp dụng. Nó không có trong nội dung chương trình Tiếng Việt năm 2000 (chương trình hiện hành) được áp dụng đại trà và không có trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với 40 năm bền bỉ xây dựng, triển khai và hoàn chỉnh tài liệu Tiếng Việt lớp 1, nhưng chưa bao giờ GS Hồ Ngọc Đại lại được chứng kiến sự phản ứng mạnh của cộng đồng trên mạng xã hội như hiện nay. Cách đánh vần này có tác hại hay không?

Trước những ý kiến gay gắt khi thấy cách đánh vần "lạ" so với cách đánh vần mà mình được học trước đây đã có nhiều ý kiến ủng hộ cách đánh vần mà tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục mà GS Hồ Ngọc Đại đưa ra.

Từ người đã thực tế học trước đây gần 40 năm

- GS Ngô Bảo Châu chia sẻ rất ngắn gọn trên trang cá nhân cùng với chia sẻ bài của bạn Mạc Việt Hà: "Xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, tôi đảm bảo học theo phương pháp của thầy Đại vẫn biết đánh vần như thường. Tuy nhiên, đôi khi có thể viết sai chính tả (chưa chắc đã do lỗi của phương pháp)."
- ThS. Mạc Việt Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ khá dài, xin trích ý kiến của bạn:"Trước hết, cần phải nói rằng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học vì vậy không dám tranh luận về khoa học mà chỉ chia sẻ những cảm nhận của mình với tư cách là một cựu học sinh, những cảm nhận mang tính cá nhân.Ngồi viết những dòng này, ký ức tôi đang ngược về 40 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu những bài học Tiếng Việt đầu tiên dưới mái trường Thực Nghiệm. Chắc chắn, giờ đây tôi không thể nhớ hết những gì mình đã được học, song những bài học còn đọng lại là vô cùng ý nghĩa đối với tôi.Tôi còn nhớ, chúng tôi không bắt đầu bằng việc ghép vần mà thay vào đó chúng tôi học những câu thơ lục bát. Đối với một đứa trẻ 6 tuổi, việc đọc theo cô và học thuộc những câu thơ lục bát thật chẳng khó khăn gì. Không hiểu sao tôi nhớ nhất câu:"Trong đầm gì đẹp bằng senLá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng…"Cô đọc, vỗ tay theo nhịp, chúng tay vỗ tay theo cô. Qua các câu thơ lục bát, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được âm thanh, vần điệu, cái hay, cái đẹp của Tiếng Việt. Rồi cô nêu các câu hỏi gợi ý để chúng tôi tự tìm ra các đặc điểm và quy luật của tiếng Việt. Chẳng hạn, chúng tôi thấy rằng các tiếng "Đầm, Gì, Bằng…" có đặc điểm giống nhau là cùng "đọc hơi xuống"; các tiếng "Lá, Trắng" cùng "đọc hơi lên"…Dần dần cô giới thiệu: Cách đọc hơi xuống đó gọi là "thanh huyền", hơi lên là "thanh sắc". Chúng tôi lại mở rộng tìm các ví dụ với các tiếng trong cuộc sống hàng ngày có thanh huyền, thanh sắc… Cô lại hỏi: Tiếng "Sen" và "Chen" có gì giống nhau? Dĩ nhiên chúng tôi phát hiện ra cách phát âm na ná giống nhau, chỉ khác "một tí ở đầu". Cô lại giải thich "Một tí ở đầu ấy là phụ âm đầu, sau là vần"… Cứ như vậy chúng tôi học các chữ cái, cách ghép vần một cách tự nhiên và dễ hiểu.Sau này tôi hiểu rằng đây là cách dạy dựa trên quy luật phát triển tự nhiên của ngôn ngữ, nghĩa là ngôn ngữ nói có trước, ngôn ngữ viết có sau. Chữ viết thực chất chỉ là cách ghi lại tiếng nói theo quy ước mà thôi. Chẳng thế mà, trước đây Tiếng Việt được ghi theo kiểu chữ Nôm, sau lại theo kiểu chữ Quốc ngữ. Và vì vậy, khi nói, khi phát âm thì các tiếng: "Ca", "Kem", "Qua"…đều bắt đầu bằng “Cờ”. Sau này, cô lại giải thích cho chúng tôi, theo quy ước, người ta viết khác nhau: Đứng trước e, i… quy ước viết là "K"…Chắc rằng có nhiều cách để dạy một đứa trẻ biết đọc, biết viết. Song theo ý kiến cá nhân tôi, tôi thấy cách mà chúng tôi được học dễ hiểu hơn, hứng thú hơn so với việc cho trẻ làm quen ngay với chữ cái và học thuộc các cách ghép vần một cách máy móc."

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu (Phó GĐ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) là một trong những học sinh đầu tiên học tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục chia sẻ:
"Trước hết phải khẳng định cách học tiếng Việt của trường Thực nghiệm có sự khác biệt. Khi các bạn học đánh vần từng từ thì chúng tôi học thơ lục bát. Chúng tôi học âm trước rồi đến chữ rồi mới ghép vần. Nên cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên. Thơ lục bát có 6 âm ở câu trên và 8 âm ở câu dưới với nguyên tắc âm thứ 6 của câu trên đồng với âm thứ 6 của câu dưới.
Mỗi chữ cái đều có tên gọi. Ví dụ C ta đọc là xê (vitamine C) đó là tên của chữ cái đó. Nhưng âm phát ra khi đọc nó là cờ. Đó chính là sự khác biệt giữa âm và chữ.

Để dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: Chữ Q và K tên của nó là quy và ca (khi đánh bài ta vẫn gọi là quy cơ, ca bích....) nhưng âm của nó phát ra khi ghép vào từ thì vẫn là cờ...Còn về thực tế thì chúng tôi - những học sinh Ái Hữu Thực Nghiệm là những bằng chứng rõ ràng nhất. Chúng tôi sắp tổ chức 40 năm Thực Nghiệm vào ngày 3.11.2018. Nếu bạn nào còn nghi ngờ xin mời đến để xem, để nghe chúng tôi "phát âm'' trong đêm gala ấy nhé!".

Đến người chưa từng được học cách đánh vần "lạ"

- Chúng ta cũng từng biết TS. Lương Hoài Nam có nhiều ý kiến trăn trở về các vấn đề của giáo dục Việt Nam, mặc dù anh không làm trong lĩnh vực giáo dục nhưng rất chịu khó đọc, nghiên cứu về giáo dục. Anh đã chia sẻ về vấn đề đánh vần của TV1- CNGD:Từ hồi tranh luận về “chữ ông Bùi Hiền”, tôi đã phát hiện ra rằng khá nhiều người không phân biệt được giữa tiếng (âm) và chữ (viết). Tiếng Việt có từ nghìn năm xưa, kể từ khi người Việt chưa có chữ viết và tất nhiên là chỉ nói, không viết (một số dân tộc thiểu số ở nước ta đến tận bây giờ vẫn còn như vậy, có tiếng mà không có chữ, chỉ nói, không viết). Sau đó người Hán đô hộ và mang chữ Hán sang, từ đó người Việt mới có chữ viết Hán Nôm. Nói cách khác, người Việt đã dùng chữ Tàu để viết tiếng ta. Sau đó, khi các nhà truyền giáo châu Âu sang và đến Pháp xâm lược, đô hộ Việt Nam, chữ Latinh được phát triển thay chữ Hán Nôm và người Việt đã dùng chữ Tây để viết tiếng Ta. 

Một chữ có 3 thành tố:


1/ Âm chữ
2/ Tên chữ
3/ Hình chữ
Âm chữ là cái bất di bất dịch, dù viết thế nào, bằng kiểu chữ gì thì vẫn một âm đó.
Tên chữ linh hoạt hơn âm chữ. Cũng là 3 chữ cái a, b, c nhưng có thời được đặt tên là "a", "bê", "xê" theo cách của người Pháp, có thời được đặt tên là "a", "bờ", "cờ" theo cách của người Nga. Tới đây, do ảnh hưởng ngày càng nhiều của tiếng Anh, biết đâu mấy chữ đó lại được đặt tên là "ây", "bi", "xi"?
Hình chữ thì vô cùng đa dạng. Cũng một chữ, các bạn dùng các Font khác nhau trong Word xem hình của nó đa dạng thế nào? Trong tiếng Nga, âm "tờ" có thể viết là "t", nhưng cũng có thể viết là "m", thế mới kỳ lạ!
Vậy phương pháp dạy tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại về bản chất là gì?
Về bản chất, đó là "dạy nói trước, dạy viết sau", gọi là cách tiếp cận ngữ âm (phonetic).
Năm 2001 tôi học tiếng Trung 6 tháng, mỗi tuần học 3 buổi tối, với thầy giáo riêng đến nhà dạy. Nhưng nỗ lực học tiếng Trung của tôi thất bại, mặc dù tôi có năng khiếu ngoại ngữ và thành thạo các tiếng Anh, Nga. Gần đây, khi con gái tôi học tiếng Trung ở Singapore, tôi mới hiểu tại sao tôi học tiếng Trung không thành công. Thầy giáo của tôi đã quá chú trọng dạy viết. Mà viết tiếng Trung thì quá khó, học mãi không thạo, nên nản. Còn con gái tôi nay học tiếng Trung theo cách khác: đầu tiên chỉ học nói, chưa học viết. Bao giờ nói thạo rồi mới học viết. Nếu thầy giáo của tôi dạy tiếng Trung cho tôi bằng cách này, kết quả có thể đã khác.
Tôi không biết sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 theo phương pháp công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại là "bắt buộc" hay “lựa chọn". Nếu "lựa chọn" thì không có vấn đề gì, vì nhà trường sẽ quyết định chọn nó hay chọn sách giáo khoa khác. Còn nếu nó là "bắt buộc", tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cũng nên có thêm thông tin với tính chất "tổng kết thực nghiệm", nêu rõ các ưu điểm của phương pháp dạy học này. Nó đã được thực nghiệm hàng chục năm rồi, cũng nên có một sự tổng kết khi đưa vào áp dụng trong toàn hệ thống.

TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên khoa tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định: "Tiếng Việt là tiếng Việt, kể cả cách viết lẫn cách đọc không hề thay đổi sau khi học theo phương pháp của thày Hồ Ngọc Đại.
Phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại được gọi là Công nghệ Giáo dục và được viết để dạy học sinh học vần nhanh chóng. Học vần bằng cách này hoặc cách cũ đều cho kết quả như nhau là trẻ biết đọc và biết viết." 

- Nhiều phụ huynh có con đã từng học đánh vần theo tài liệu TV1 - CNGD cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội là học sinh vẫn đánh vần nhanh và không thấy có biểu hiện gì khác với những học sinh học theo cánh đánh vần truyền thống mặc dù mình ban đầu cũng khá ngạc nhiên với cách đánh vần này.
Các bạn có thể xem một phóng sự "Đánh vần công nghệ giáo dục: Phụ huynh nói gì?" của VTC9.

Bộ GD&ĐT đã làm gì với tài liệu TV1 - CNGD

Các bạn có thể đọc bài viết đã đăng trên BigSchool để hiểu thêm về lịch sử của cách đánh vần "lạ" và những công văn liên quan tới tài liệu TV1 - CNGD (có đầy đủ ý kiến đánh của Hội đồng thẩm định) tại đây và tìm hiểu cách đánh vần tại đây.
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã khảo sát về việc dạy và học tài liệu TV1 - CNGD ở nhiều địa phương và thành lập Hội đồng thẩm định trước từng năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019. Sau khi có kết luận của Hội đồng thẩm định, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo với tinh thần: Các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm về kết quả triển khai và báo cáo chất lượng dạy học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục vào cuối học k I và cuối năm học. Tng hợp báo cáo quy mô, số lượng triển khai (theo mẫu đính kèm)

 gửi về Bộ GD&ĐT (Vụ Giáo dục Tiểu học).Như vậy, Bộ GD&ĐT không bắt buộc các địa phương phải sử dụng tài liệu TV1 - CNGD mà quyền quyết định sử dụng, quy mô triển khai và kết quả triển khai là các Sở GD&ĐT.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: "Từ nhiều năm trước khi ông lên làm Giám đốc Sở GD&ĐT thì ngành giáo dục Đà Nẵng đã không tiến hành thí điểm bộ sách TV1- CNGD của GS Hồ Ngọc Đại vào việc dạy đánh vần cho học sinh Tiểu học và hiện Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương không áp dụng bộ sách gay nhiều tranh cãi này."

Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) cho biết thêm, chương trình TV 1 - CNGD thiên về phát triển ngữ âm, chủ yếu với học sinh có khó khăn về phát âm hoặc phát âm không chuẩn. Tuy nhiên Đà Nẵng đã thực hiện ổn định chương trình hiện hành của Bộ GD&ĐT, chất lượng của học sinh vẫn tốt nên không thí điểm sách của GS Hồ Ngọc Đại.Một Phó Giám đốc Sở GD&ĐT vừa chia sẻ: "Thái độ của Bộ GD&ĐT không rõ ràng khi yêu cầu địa phương tự chịu trách nhiệm quyết định sử dụng tài liệu TV1 - CNGD mà tại sao không phải là Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm mặc dù đã có ý kiến của Hội đồng thẩm định? Năm học này, học sinh đã lỡ mua tài liệu nên Sở không thay đổi được nhưng năm học sau sẽ thông báo sớm việc không sử dụng tài liệu này nữa!"Theo nhận thức của chúng tôi, tài liệu TV1 - CNGD chưa là sách giáo khoa chính thống về môn Tiếng Việt mà vẫn đang trong quá trình thử nghiệm (gần 40 năm).PGS. TS. Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định TV1 - CNGD cho biết: Vấn đề đánh vần không phải là việc đáng bàn cãi dưới góc độ khoa học mà trong tài liệu vẫn có nhiều từ dạy học sinh chủ yếu biết đọc mà không biết nghĩa hoặc nghĩa quá khó mới là điều mà các tác giả của tài liệu cần xem xét.

Thiết nghĩ, nếu theo chương trình phổ thông mới, các đơn vị giáo dục cần nghiên cứu kỹ khi quyết định dùng bộ sách giáo khoa nào cho đơn vị mình vì một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa. 

Theo chúng tôi tìm hiểu thì sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (cải cách năm 2000) thì 3 chữ cái c, k, q cũng ghi chung cho âm "cờ" như tài liệu TV1 - CNGD, thế nhưng không ai thắc mắc điều này (xem tại đây).

Hầu hết các ý kiến ở bài viết này đều chưa cho thấy việc đánh vần theo tài liệu TV1 - CNGD mang đến tác hại. Rất mong các bạn chia sẻ về tác hại của cách đánh vần này để chúng ta cùng trao đổi.

Trần Phương Nam (tổng hợp từ MXH và báo Infonet).