Cách chữa nhược thị ở trẻ em như thế nào năm 2024

Tỷ lệ nhược thị chung trên toàn thế giới rơi vào khoảng 1,75% [1]. Vậy mắt nhược thị (mắt lười) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa bệnh này ra sao?

Nhược thị là gì?

Nhược thị là tình trạng chức năng của một bên mắt bị giảm do không được não sử dụng trong quá trình phát triển thị lực. Trẻ còn nhỏ nên thường không chia sẻ với cha mẹ về vấn đề này. Kết quả là chứng giảm thị lực của trẻ không được chẩn đoán và điều trị trong nhiều năm. [2]

Giải pháp tối ưu và dễ dàng nhất là đến gặp bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ sẽ điều trị nhược thị bằng cách điều chỉnh sao cho mắt và não hoạt động hài hòa, giúp hồi phục thị lực. Vì vậy, phát hiện sớm nhược thị rất quan trọng, việc trì hoãn không đi khám hoặc không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Phân loại mức độ mắt lười

“Nhược thị thực thể” là thuật ngữ dùng khi chứng suy giảm thị lực ở mắt không thể phục hồi được, còn “nhược thị chức năng” thì có thể khôi phục thị lực sau khi điều trị. Nhược thị (mắt lười) gồm 3 mức độ:

1. Nhược thị nhẹ

Tầm nhìn của mắt từ 20/40 đến dưới 20/30 được chẩn đoán là nhược thị nhẹ. Nghĩa là người bệnh vẫn có thể nhìn thấy dòng thứ 5 và 6 trong bảng đo thị lực.

2. Nhược thị trung bình

Tầm nhìn của mắt từ 20/200 đến 20/50 được chẩn đoán là nhược thị trung bình. Lúc này người bệnh chỉ nhìn được 4 dòng trên cùng trong bảng đo thị lực.

3. Nhược thị nặng

Tầm nhìn của mắt dưới 20/200 được chẩn đoán là bệnh nhược thị nặng. Người bệnh có tầm nhìn kém, không thể thấy bảng đo thị lực.

Bảng đo thị lực Snellen

Nguyên nhân nhược thị ở mắt và yếu tố rủi ro

Sự khác biệt về tầm nhìn giữa 2 mắt trong cách chúng tập trung nhìn những vật khác nhau có thể dẫn đến giảm thị lực. Các nguyên nhân nhược thị ở mắt thường bao gồm do [3]:

1. Lác mắt

Lác mắt là tình trạng 2 mắt không nằm thẳng hàng với nhau. Đôi mắt của chúng ta thường di chuyển cùng lúc. Vì vậy, nếu 1 trong 2 mắt di chuyển không khớp với mắt còn lại thì, bộ não điều chỉnh thị lực ảnh hưởng luôn cả bên mắt còn lại.

2. Bất thường khúc xạ

Bất thường khúc xạ là hình dạng tự nhiên của mắt hoặc khả năng tập trung của 2 mắt khác nhau khiến tầm nhìn mờ đi. Nếu tật khúc xạ không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhược thị. Các tật khúc xạ bao gồm:

  • Cận thị: khó nhìn các vật ở xa.
  • Viễn thị: khó nhìn thấy các vật ở gần, xa.
  • Loạn thị (giác mạc hình bầu dục): tầm nhìn bị mờ, nhòe khiến người bệnh khó nhìn thấy các vật cả ở gần lẫn ở xa.

3. Tắc nghẽn của trục thị giác

Bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến chức năng mắt đều có thể làm mắt mờ và dẫn đến nhược thị bao gồm:

  • Mí mắt sụp xuống (sụp mí mắt): một bên mí mắt rủ xuống che mất một phần mắt.
  • Đục thủy tinh thể: tình trạng thủy tinh thể vẩn đục làm mắt mờ dần.
  • Các vấn đề về giác mạc.

4. Yếu tố rủi ro khác

Bất cứ trẻ nào cũng có nguy cơ mắc nhược thị. Tuy nhiên, trẻ dễ mắc bệnh nhược thị hơn khi xuất hiện các yếu tố sau:

4.1 Sinh non hoặc không đủ cân nặng

Trẻ sinh non (chào đời trước tuần 37 của thai kỳ) hoặc không đủ cân nặng (dưới 2,5 kg) sẽ dễ mắc nhược thị. Lúc này, võng mạc của trẻ chưa đủ thời gian để phát triển hoàn thiện, chưa nhận đủ oxy và các chất dinh dưỡng nên có khả năng mắc các bệnh về mắt cao hơn so với trẻ chào đời đủ tháng.

4.2 Tiền sử gia đình

Trẻ có các thành viên trong gia đình từng gặp các vấn đề về mắt hoặc thị lực có nguy cơ nhược thị cao hơn.

4.3 Chậm phát triển

Trẻ gặp các vấn đề về phát triển về cả thể chất, tâm trí và tinh thần cũng có nguy cơ mắc nhược thị cao hơn các bạn đồng trang lứa.

Triệu chứng nhược thị và biểu hiện ở mắt

Dưới đây là các triệu chứng nhược thị điển hình:

1. Mờ mắt

Một bên mắt sẽ bị mờ hơn bên còn lại, dễ xuất hiện tình trạng nhức đầu, khó chụp hoặc ném đồ vật. Điều này sẽ cản trở quá trình sinh hoạt trong cuộc sống, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực.

2. Mỏi mắt

Khi mắt hoạt động thường xuyên với cường độ cao và không được nghỉ ngơi hợp lý sẽ làm trẻ dễ mỏi mắt, chớp mắt và dụi mắt rất nhiều. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra biến chứng cho mắt.

Trẻ bị mỏi mắt thường sẽ dụi mắt rất nhiều

3. Lác mắt

2 mắt không nằm thẳng hàng hoặc nhìn theo các hướng khác nhau dẫn đến việc khó có thể theo dõi theo mọi vật xung quanh. Lúc này, một bên mắt phải hoạt động nhiều hơn bên còn lại. Vì vậy, não bộ cần bỏ qua hình ảnh thu nhận được từ mắt bị lác, lâu dần làm mắt bị nhược thị.

4. Sụp mí

1 hoặc cả 2 bên mí mắt sụp xuống cản trở tầm nhìn khiến trẻ dễ té ngã. Sụp mí không dẫn đến mù lòa, tuy nhiên đây lại là nguyên nhân làm suy giảm thị lực ở mắt, từ đó gây ra nhược thị.

5. Nheo mắt

Trẻ có biểu hiện nhắm một bên mắt hay nheo mắt khi nhìn. Đây là biểu hiện của thị lực có vấn đề và mắt đang cố gắng điều tiết để nhìn rõ vật.

6. Nghiêng đầu, cổ khi nhìn

Trẻ có biểu hiện nghiêng đầu, cổ khi nhìn theo vật. Vì một bên mắt có thị lực tốt hơn, trẻ sẽ có xu hướng sử dụng bên mắt đó nhiều hơn, kết quả là làm tăng cường độ hoạt động chỉ 1 bên mắt và dẫn đến nhược thị.

Biến chứng mắt nhược thị

Mắt bị nhược thị có khả năng không thể hồi phục trong suốt phần đời còn lại. Nhược thị làm giảm thị lực, độ nhạy tương phản, độ sắc nét, biến dạng không gian, khó tương tác với không gian và khả năng phát hiện đường viền bị suy giảm. Bệnh nhân nhược thị sẽ bị suy giảm thị lực và xuất hiện tình trạng hai mắt hoạt động bất thường. Suy giảm thị lực một mắt thường chỉ đặc trưng cho mắt nhược thị, tuy nhiên có những nghiên cứu lâm sàng cho thấy mắt còn lại cũng bị ảnh hưởng.

Trẻ nhược thị cũng gặp nhiều khó khăn trong học tập. Trẻ đọc và trả lời câu hỏi trắc nghiệm chậm hơn so với trẻ không bị nhược thị. Biến chứng khác của nhược thị là tình trạng lác mắt ngày càng trầm trọng hơn do khả năng kết hợp hai mắt suy yếu. [4]

Nhược thị có chữa được không?

Có! Nhược thị có thể điều trị được, tuy nhiên điều trị trễ gây khó khăn hơn. Nhược thị ở thanh thiếu niên và người lớn thường mất nhiều thời gian trị liệu và kém hiệu quả hơn so với điều trị khi còn trẻ. Vì vậy, ngay khi trẻ thường xuyên nheo mắt, nghiêng đầu hoặc nhắm một mắt, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay để lên phác đồ điều trị kịp thời và nhanh chóng chữa dứt điểm nhược thị. [5]

Khi trẻ thường xuyên nheo mắt, nghiêng đầu hoặc nhắm một mắt, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay để lên phác đồ điều trị kịp thời và nhanh chóng chữa dứt điểm nhược thị

Chẩn đoán nhược thị ở mắt

Có 3 cách để bác sĩ chẩn đoán nhược thị: kiểm tra thị lực sớm và định kỳ, sàng lọc hình ảnh, các xét nghiệm khác. [6]

1. Kiểm tra thị lực sớm và định kỳ

Kiểm tra nhược thị có thể thực hiện kể từ ngay sau khi sinh bằng đánh giá phản xạ đỏ (red-reflex evaluation) và nên lặp lại khi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ hàng năm. Tầm soát thị lực hiệu quả nhất khi trẻ còn nhỏ. Nếu trẻ 3 – 4 tuổi không thể thực hiện kiểm tra thị lực tổng quát bằng biểu đồ mắt, ba mẹ nên cho bé đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

2. Sàng lọc hình ảnh

Sàng lọc hình ảnh (photo screening) có thể được dùng để tầm soát các bệnh về mắt khi trẻ chưa biết nói và chưa thực hiện được các bài test do gặp khó khăn trong học tập hoặc chậm phát triển. Sàng lọc hình ảnh bao gồm việc sử dụng thiết bị ghi hình chuyên dụng có khả năng phân tích phản xạ đỏ để xác định các yếu tố nguy cơ gây ra nhược thị. Với trẻ lớn hơn, bác sĩ có thể kiểm tra độ nhạy với hình vẽ, không yêu cầu biết bảng chữ cái hoặc biểu đồ mắt Snellen.

3. Các xét nghiệm khác

Để xác định nguyên nhân chính gây ra nhược thị, bác sĩ có thể đề xuất cho trẻ thực hiện thêm các xét nghiệm khác. Test che mắt xen kẽ (alternate cover test) hoặc test che chậm từng mắt và che nhanh luân phiên 2 mắt (cover-undercover test). Hai bài test này thường được bác sĩ sử dụng nếu nghi ngờ mắt trẻ bị lác. Sau khi đo thị lực ở mỗi bên mắt, trẻ được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán khúc xạ. Trường hợp nghi ngờ trục thị giác bị tắc nghẽn, bác sĩ sẽ soi đáy mắt hoặc sử dụng đèn khe.

Điều trị mắt nhược thị

Bác sĩ sẽ điều trị mắt nhược thị bằng cách cho trẻ sử dụng mắt yếu hơn để nhìn nhằm mục đích cải thiện và tăng cường kết nối giữa não và cả 2 mắt.

1. Đeo miếng che mắt

Việc đeo miếng che mắt ở bên mắt khỏe sẽ buộc não sử dụng mắt yếu hơn để nhìn vật, đồng thời tăng cường sức mạnh cho mắt yếu hơn.

Đeo miếng che mắt giúp khắc phục tật nhược thị ở trẻ

2. Điều trị tật khúc xạ

2.1 Kính hoặc kính áp tròng

Đeo kính giúp khắc phục tật khúc xạ gây nhược thị. Thị lực được cải thiện sẽ tạo điều kiện cho não điều tiết đều cả hai mắt. Trẻ có thể cần đeo kính và phối hợp các phương pháp điều trị khác cùng lúc.

2.2 Mổ đục thủy tinh thể

Trẻ có thể cần mổ đục thủy tinh thể trong trường hợp bị đục thủy tinh thể hoặc gặp vấn đề về cấu trúc mắt khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật không thể đáp ứng được.

3. Thuốc nhỏ mắt (atropine)

Thuốc nhỏ mắt (thường là atropine) sẽ được các bác sĩ nhỏ vào mắt khỏe hơn để tạm thời làm cho mắt đó bị mờ, khiến trẻ sử dụng mắt yếu hơn để nhìn. Loại thuốc này không gây ra di chứng về sau.

4. Phẫu thuật

Hiếm gặp trường hợp cần phẫu thuật để điều chỉnh nhược thị. Bác sĩ sẽ tư vấn loại phẫu thuật và quá trình phẫu thuật cũng như các rủi ro nếu có.

Hầu hết trẻ em cần điều trị nhược thị ít nhất vài tháng. Cho dù áp dụng phương pháp nào, cha mẹ hãy khuyến khích và nhắc nhở trẻ thường xuyên, không bỏ bê luyện tập để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Phòng ngừa nhược thị ở mắt thế nào?

Hiện y học vẫn chưa tìm ra cách phòng ngừa nhược thị hoặc các nguyên nhân khác gây bệnh. Phương pháp duy nhất giúp phát hiện nhược thị là đi kiểm tra mắt định kỳ với bác sĩ nhãn khoa để có thể phát hiện bệnh và lên phác đồ điều trị kịp thời. [7]

Chuyên khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TPHCM với đội ngũ bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc được nhập khẩu chính hãng từ Nhật Bản, Âu – Mỹ giúp xử lý và điều trị các vấn đề về mắt: nhược thị, viêm kết mạc, trầy xước giác mạc,… một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp người bệnh hoàn toàn an tâm trong quá trình điều trị.

Để bảo vệ sức khỏe cho cửa sổ tâm hồn, chúng ta nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để tầm soát nhược thị. Ngay khi trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ nhãn khoa ngay để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng đến thị lực vĩnh viễn.

Chủ đề