Các giá trị tinh thần của Việt Nam

Chủ Nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2022

Tư tưởng của Giáo sư Trần Văn Giàu về giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam và vận dụng trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy trong thời kỳ hội nhập

Các giá trị tinh thần của Việt Nam
Các giá trị tinh thần của Việt Nam

Cập nhật: 18:17 25-09-2016

(Thanhuytphcm.vn)- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đấu tranh và yêu nước, từ khi trưởng thành đến khi từ giã cõi đời, Giáo sư Trần Văn Giàu đã sống và chiến đấu hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. “Từ các công trình của Giáo sư Trần Văn Giàu toát lên hình ảnh của một người trí thức cách mạng trung kiên, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn xuất sắc; một nhà giáo mẫu mực, rất nghiêm khắc mà rất bao dung; một người cộng sản, một công dân Việt Nam đã đem cả cuộc đời chiến đấu không mệt mỏi cho lý‎ tưởng cao đẹp của con người; một người bạn, người đồng nghiệp thân tình, ấm áp”(1).

Thật vậy, văn chương của Giáo sư Trần Văn Giàu không chỉ là vũ khí sắc bén góp phần chiến thắng kẻ thù xâm lược mà trong thời bình nó lại đi ngóc ngách của cuộc sống để tìm hiểu và xây dựng những giá trị tốt đẹp cũng như bại trừ những giá trị xấu xa, hủ bại, đe dọa hủy hoại đến sự phồn vinh và phát triển của cả một dân tộc, một đất nước.

Tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”, là một trong những công trình nghiên cứu tâm huyết của ông. Từ góc độ sử học, triết học và đạo đức học, Ông đã nghiên cứu và đưa ra những kiến giải sâu sắc về các giá trị truyền thống đặc thù của dân tộc. Nội dung Tác phẩm đã khái quát cơ bản các khái niệm về giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc bao gồm: tinh thần yêu nước, đoàn kết, tấm lòng nhân ái, đức tính cần cù, sự sáng tạo, lạc quan… trong cuộc sống và những ảnh hưởng của lịch sử đối với việc phát triển các giá trị truyền thống ấy trong quá khứ và hiện tại. Với kiến thức uyên bác sâu rộng và lập luận sắc bén của mình, các phạm trù này được Ông trình bày một cách có hệ thống, mang tính khoa học cao có ý nghĩa như một bảng “giá trị tinh thần” của người Việt Nam.

Với ông “Truyền thống thì có cái tốt, cái xấu nhưng khi chúng ta nói đến giá trị truyền thống thì ở đây chỉ có cái tốt mà thôi vì chỉ có cái tốt mới được gọi là giá trị. Thậm chí, không phải mỗi cái gì tốt thì đều được gọi là giá trị mà phải là những cái tốt phổ biến, cơ bản, tác dụng tích cực cho đạo đức, luân lý, có cả tác dụng hướng dẫn sự nhận định và hướng dẫn sự hành động thì mới được mang danh nghĩa là giá trị truyền thống”(2). Trong các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc ta thì chủ nghĩa yêu nước luôn được xếp ở vị trí đầu tiên. Nó trở thành “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” là “động lực tình cảm lớn nhất, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc ”(3) .

Chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hằng nghìn năm vừa anh hùng, vừa bi tráng của dân tộc. Yêu nước biểu hiện ở khát vọng và hành động luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, là chăm lo xây dựng quê hương đất nước, sẵn sàng chống lại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những tình cảm bình dị và gần gũi đối với những người ruột thịt, dần dần phát triển thành tình cảm gắn bó với làng xóm, quê hương và cao hơn hết là lòng yêu nước, tự tôn dân tộc. Lòng yêu nước của nhân dân ta không chỉ là tình cảm mà còn trở thành triết lý sống và phương châm ứng xử, chỉ dẫn mọi hành động. Với Ông, chủ nghĩa yêu nước không chỉ là một giá trị, mà nó còn là cội nguồn, là cơ sở của hàng loạt các giá trị văn hóa khác, là giá trị căn bản làm nên cốt cách Việt Nam.

Sau tinh thần yêu nước là giá trị của tinh thần đoàn kết. Tinh thần đoàn kết là nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm. Lịch sử dân tộc đã cho thấy rằng bất cứ khi nào chúng ta không thực hiện được đoàn kết toàn dân, trong nội bộ có sự chia rẽ thì sức mạnh đất nước bị suy yếu, đất nước bị đặt trước sự tồn vong, kẻ thù dễ dàng chiến thắng.

Ngoài lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, tấm lòng nhân ái cũng là một giá trị văn hóa tinh thần truyền thống rất nổi bật của dân tộc. Lòng nhân ái được nảy nở và phát triển trong nhân dân ta chính trong cuộc sống lam lũ, khó khăn hàng ngày. Tình yêu thương con người thấm đượm trong các mối quan hệ từ gia đình, làng xóm đến cộng đồng, xã hội. Nhân ái còn bao hàm cả lòng khoan dung, vị tha với những kẻ lầm đường lạc lối, biết lấy công chuộc tội, trở về với chính nghĩa. Truyền thống nhân ái của dân tộc ta còn là cơ sở của tinh thần yêu chuộng hòa bình, đoàn kết hữu nghị. Nó phải và đã trở thành nguyên tắc trong thiết lập các mối quan hệ ngoại giao đấu tranh chống những âm mưu chống phá, xâm lược của kẻ thù của nhà nước ta trong mọi hoàn cảnh.

Cuối cùng của giá trị truyền thống theo Ông là sự cần cù, lạc quan, khiêm tốn, giản dị, trung thực. Sự cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động sáng tạo của cải vật chất cũng như tinh thần cũng là một giá trị văn hóa tốt đẹp cần phát huy của dân tộc. Cần cù vừa là điều kiện để đảm bảo nhu cầu sống của con người, vừa thể hiện ý thức trách nhiệm của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Bên cạnh sự cần cù, chịu thương chịu khó, lạc quan cũng là một giá trị đáng ghi nhận của người Việt. Mặc dù cha ông ta luôn phải sống trong hoàn cảnh khó khăn vừa chống thiên tai, vừa chống địch họa, luôn phải đối mặt với kẻ thù nhưng họ vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp phía trước. Chính sự lạc quan ấy đã giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn trong quá khứ, nhẹ nhàng giải quyết những vấn đề trong hiện tại và tự tin bước đến tương lai.

Không phủ nhận những ảnh hưởng của các nền văn hóa khác đến những giá trị truyền thống của Dân tộc Việt Nam, song, Ông vẫn thể hiện lập trường và bản lĩnh chính trị của mình khi bàn về vấn đề nguồn gốc của các giá trị truyền thống ấy. Ông khẳng định: “Trước khi văn hóa Hán và Nho giáo vào xứ ta thì nước ta khi ấy có tên gọi là Văn Lang - Âu Lạc đã có một nền văn hóa bản địa độc đáo và một nền đạo đức của một cộng đồng nhân dân được tập hợp từ lâu thành nước tự chủ. Văn hóa ấy, đạo đức ấy nào phải là bọt nước, là váng đâu mà tiêu tan ngay rơi rụng liền..”(4) . Lập luận sắc bén của Ông chỉ khẳng định tính độc lập của những giá trị truyền thống Việt mà còn là lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền và nền độc lập của đất nước Việt Nam từ nhiều thế kỷ.

Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của con người Việt Nam qua các thế hệ và đó chính là sức mạnh Việt suốt nhiều thế kỷ. Ngày nay, những giá trị truyền thống này vẫn đang được tiếp nối và phát triển. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cũng như yêu cầu của thời đại mới, những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc đang có sự biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Chính vì vậy, bên cạnh việc xác định rõ, hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc ta thì việc nắm bắt được hướng biến đổi của những giá trị này để có những tác động phù hợp nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam là rất cần thiết.

Với ông, “Giá trị truyền thống là một sức mạnh không thể xem thường. Huy động các giá trị để làm cách mạng và kháng chiến hiện đại là huy động sức mạnh của hàng mấy mươi thế kỷ, là mấy mươi thế kỷ ông cha cổ vũ và trợ chiến cho con cháu hoàn thành sự nghiệp dân tộc”(5). Để làm được điều này, chúng ta cần phải:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ trẻ. Không thể phủ nhận vai trò của khoa học công nghệ trong đời sống sản xuất, học tập, nghiên cứu và sự du nhập của nhiều luồng văn hóa nhưng chúng ta cần phải sáng suốt nhìn ra và bài trừ những tác động tiêu cực của nó. Cần phải tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử nhằm vun đắp và phát huy niềm tự hào dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là cho lớp trẻ, những người chủ tương lai của đất nước, hướng họ đến với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cội nguồn tạo nên bản sắc văn hóa, cốt cách và sức mạnh của con người Việt.

Thứ hai, chúng ta cần giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống phải luôn gắn liền với tăng cường giáo dục pháp luật. Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Cùng với đạo đức, pháp luật xã hội chủ nghĩa hướng con người tới hệ giá trị chân - thiện - mỹ của cuộc sống, góp phần trừng trị và ngăn chặn cái ác, cái xấu, giúp mọi người tránh được những hành vi vi phạm pháp luật và hướng cho họ trở thành những người có ích cho xã hội.

Thứ ba, cần khẳng định lập trường và thể hiện bản lĩnh văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: “Những giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý thương người như thể thương thân, đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động… Đó là nền tảng và sức mạnh to lớn để nhân dân ta xây dựng một xã hội phát triển, tiến bộ, công bằng, nhân ái”(6) .Trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta đang có những cơ hội, điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các giá trị, tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm làm giàu thêm, phong phú thêm các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nhưng toàn cầu hóa không chỉ tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi, mà còn đặt ra vô vàn thách thức, khó khăn đối với mọi quốc gia, dân tộc. Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, về phương diện văn hóa, chúng ta cần tiếp cận các giá trị văn hóa của nhân loại để hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc, nhưng cũng cần phải giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống để không đánh mất bản thân mình; hơn nữa, phải biến các giá trị đó thành sức mạnh nội sinh nâng đất nước ta lên tầm cao mới. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc. Chính vì vậy, chúng ta cần phải xác lập được bản lĩnh văn hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay để làm giàu thêm, phong phú thêm nội dung các giá trị truyền thống nhằm tạo nên nền tảng văn hóa tinh thần cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tóm lại, suốt hơn 70 năm hoạt động cách mạng và nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể khẳng định rằng Giáo sư Trần Văn Giàu đã để lại cho dân tộc Việt Nam một tài sản vô giá. Những nhận định, lập luận và đánh giá của ông không chỉ có giá trị lý luận mà nó còn là thước đo của thực tiễn xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Việt Nam đang đứng trước xu thế toàn cầu hóa như một cơ hội để phát huy các giá trị truyền thống, đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Toàn cầu hóa không chỉ mang lại thời cơ lớn, mà còn tạo ra những thách thức không nhỏ đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt là với các nước đang phát triển trong trào lưu hội nhập quốc tế. Hơn lúc nào hết, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc phải đối diện với những tác động tiêu cực, một dân tộc sẽ không còn là mình nếu đánh mất bản sắc văn hóa của chính mình. Hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là hai mặt thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã được đặt ra và sau mỗi giai đoạn thử thách đó, chúng ta lại có được những bài học kinh nghiệm quý báu. Với truyền thống vẻ vang của dân tộc, với đường lối, chính sách phát triển đúng đắn, sáng suốt của Đảng và nhà nước, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào bản lĩnh và thắng lợi trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Muốn thực hiện được nhiệm vụ cao cả này, chúng ta không dừng lại ở việc vận dụng những tư tưởng của Ông trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn phải không ngừng học tập và nghiên cứu sâu hơn những tư tưởng của Ông vì những tư tưởng ấy không chỉ là kết tinh mọi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn là sự kết hợp những giá trị cao đẹp của nhân loại.

___________________________________________________

(1) Lời nhà Xuất bản, Giáo sư Trần Văn Giàu Tuyển tập, NXB Giáo Dục, 2000, Tr 10.

(2) Trần Văn Giàu, Tuyển tập, NXB Giáo dục, 2000, Tr 301

(3) Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, NXB Giáo dục, 1980, Tr.72

(4) Trần Văn Giàu, Tuyển tập, NXB Giáo Dục, 2000, Tr.324

(5) Trần Văn Giàu Tuyển tập, NXB Giáo Dục, 2000, tr.302.

(6) Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng (khoá VIII) về Xây dựng và Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

PGS.TS Trương Thị Hiền

Tin liên quan


Ý kiến bạn đọc

Các giá trị tinh thần của Việt Nam
Các giá trị tinh thần của Việt Nam

Tổng lượt bình luận

Tin khác

  • 9 giờ sáng 23/5: Phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV
  • Tiếp tục chăm lo 20 trẻ mồ côi do Covid-19 trên địa bàn quận Tân Bình
  • Đồng chí Huỳnh Vĩnh Lộc tái cử chức danh Bí thư Huyện đoàn Củ Chi
  • Tuyên dương 24 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
  • Khai mạc triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”
  • 2 VĐV Việt Nam được đề cử ứng viên xuất sắc nhất SEA Games 31
  • Trao 114 “Sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam” cho con đoàn viên công đoàn
  • Hơn 38.700 thí sinh dự thi đợt 2 kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM
  • Điểm tin trong tuần, từ ngày 16 -22/5/2022
  • Phối hợp với địa phương thực hiện các dự án phát triển cảng biển và các dịch vụ logistics
  • Phát 1.500 phần cơm miễn phí cho gia đình bệnh nhi
  • Trung đoàn Gia Định kiểm tra “3 môn tiếng nổ” cho chiến sĩ mới năm 2022
  • Phát động hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo”
  • [Hí họa] Tuyển nữ Việt Nam và những kỷ lục
  • Điểm tin ngày 22 tháng 5 năm 2022
  • Đảng ủy Cơ quan Chính quyền Quận 4: Tuyên dương 11 tập thể và 6 cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW
  • Huỳnh Như tỏa sáng, đội nữ Việt Nam lần thứ 7 giành Huy chương vàng
  • Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tiếp tân Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Hernandez Guillen
  • Tuyển lặn Việt Nam liên tiếp gặt vàng và phá kỷ lục SEA Games
  • [Video] Không gian văn hóa trực tuyến về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chia sẻ bài viết qua Email

Bài viết:

Các giá trị tinh thần của Việt Nam
Các giá trị tinh thần của Việt Nam

Sai mã bảo mật!

Ý kiến bạn đọc

Các giá trị tinh thần của Việt Nam
Các giá trị tinh thần của Việt Nam

Thông báo