Các bước tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2024

Trong suốt quá trình ra đời tồn tại và phát triển của mình, khu vực kinh tế Nhà nước đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì khu vực kinh tế này đã bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Trước tình hình đó đã đặt ra yêu cầu đổi mới cải cách, một trong những biện pháp cải cách được áp dụng đó là cổ phần hóa. Vậy doanh nghiệp cổ phần hóa được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ vấn đề này.

I. Thực trạng doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay

Với khoảng 1.750 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong 13 năm qua đang hoạt động tương đối có hiệu quả. Tại Hội nghị Trung ương ba, khoá IX (năm 2001) coi việc đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn là khâu quan trọng để tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước đối với khoảng 500 doanh nghiệp đã cổ phần hóa hơn một năm cho thấy, doanh thu tăng 43%, lợi nhuận tăng trên 2,4 lần, thu nhập của người lao động tăng 54%, cổ tức bình quân được chia 15,5%. Vai trò của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được nâng lên rõ rệt do được quyền làm chủ với tư cách là cổ đông, thực sự góp phần tạo ra động lực trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước, quá trình chuyển đổi này diễn ra chậm ở tất cả các khâu và quan trọng hơn là chưa thực sự tạo được bước chuyển biến về chất trong hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước. Tám tháng đầu năm nay, cả nước cổ phần hóa được 358 doanh nghiệp. Trên thực tế ở các doanh nghiệp cổ phần hóa, khoảng 38% vốn vẫn do Nhà nước nắm giữ, tỷ lệ bán ra bên ngoài nhiều nhất cũng chưa đến 10%. Điều này cho thấy tình trạng cổ phần hóa “khép kín” trong nội bộ doanh nghiệp vẫn đang diễn ra phổ biến; hạn chế việc thu hút nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, công nghệ và trình độ quản lý. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước cho rằng cần có chuyển biến mạnh mẽ từ hình thức cổ phần hóa nội bộ là chính sang hình thức bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp, kể cả việc bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, diện doanh nghiệp cổ phần hóa cũng được mở rộng, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà còn tiến hành cổ phần hóa cả các tổng công ty lớn. Hiện nay, các ngành liên quan đang xúc tiến quá trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại, Tổng công ty Điện tử - tin học, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng, Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng.

II. Doanh nghiệp cổ phần hóa là gì?

1. Cổ phần hóa là gì?

Bản chất của cổ phần hóa chính là phương thức thực hiện xã hội hóa sở hữu, chuyển doanh nghiệp một chủ thành doanh nghiệp nhiều chủ. Tức là chuyển từ hình thức sở hữu đơn nhất sang sở hữu chung thông qua việc chuyển một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp cho các thành phần kinh tế khác.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa được hiểu như thế nào?

Doanh nghiệp cổ phần hóa là quá trình biến doanh nghiệp có một chủ thành doanh nghiệp có nhiều chủ, đồng thời doanh nghiệp đó cũng chuyển sang hình thức công ty cổ phần, nghĩa là chuyển từ hình thức sở hữu lớn nhất sang sở hữu chung của nhiều người thông qua việc chuyển một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp cho nhiều người dưới hình thức bán cổ phần cho những người này.

Những người này trở thành cổ đông của công ty cổ phần, doanh nghiệp một chủ trở thành công ty cổ phần. Do đó, cổ phần hóa có thể được áp dụng đối với bất kỳ công ty một chủ nào (doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước).

3. Nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay

Doanh nghiệp cổ phần hóa được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Đồng thời, doanh nghiệp cổ phần hóa diễn ra ngày càng nhiều bởi những nguyên do dưới đây:

  • Những yếu kém trong hoạt động của các doanh nghiệp:
  • Doanh nghiệp chưa phát huy được quyền tự chủ về tài chính và tự chủ sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc huy động vốn và quản lý tài sản, chỉ có rất ít các doanh nghiệp có chiến lược huy động vốn một cách cụ thể. Do chủ sở hữu doanh nghiệp luôn rơi vào thế bị động
  • Người quản lý doanh nghiệp có trình độ quản lý còn yếu kém, cơ chế quản lý trong các doanh nghiệp còn chưa hợp lý, kém hiệu quả.
  • Doanh nghiệp cổ phần hóa có nhiều lợi thế hơn:
  • Doanh nghiệp cổ phần hóa có khả năng huy động vốn dễ dàng mà các loại hình doanh nghiệp khác không có được. Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần và loại hình doanh nghiệp này không giới hạn tối đa số lượng cổ đông. Do đó, nếu các loại hình doanh nghiệp khác chỉ có thể huy động vốn thông qua vay vốn ngân hàng (như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc phát hành trái phiếu (như công ty trách nhiệm hữu hạn), thì công ty cổ phần còn có thể thực hiện huy động vốn thông qua chào bán cổ phần thay vì các hình thức huy động vốn khác gặp nhiều khó khăn hơn như vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu. Đối với việc vay vốn ngân hàng, những khoản tiền các ngân hàng (với tư cách là các trung gian tài chính) cho doanh nghiệp vay lại được huy động từ các chủ thể có tiền tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế, do đó chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để có được vốn vay từ các ngân hàng có thể sẽ cao hơn so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra để huy động vốn trực tiếp từ các chủ thể khác có tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế.
  • Doanh nghiệp cổ phần hóa với nhiều chủ sở hữu sẽ tự chủ trong việc đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh so với doanh nghiệp nhà nước.
  • Doanh nghiệp cổ phần hóa là loại hình doanh nghiệp tốt nhất có thể tranh thủ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay việc thu hút vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý thông qua liên kết với nước ngoài là vô cùng cần thiết để phát triển kinh tế trong nước. Công ty cổ phần với lợi thế huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp, từ đó các nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông của doanh nghiệp và có thể có những đóng góp nhất định cho doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cổ phần được thực hiện một cách tự do, trừ một số quy định của pháp luật liên quan đến hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập hoặc hạn chế chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết.

III. Quy trình doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định pháp luật hiện hành

1. Điều kiện cổ phần hóa

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 126/2017/NĐ-CP (một số điểm được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP) doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo các điều kiện sau:

  • Các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo các điều kiện sau:
  • Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ;
  • Sau khi đã xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III Nghị định 126/2017/NĐ-CP mà giá trị thực tế doanh nghiệp bằng hoặc lớn hơn các khoản phải trả;
  • Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với diện tích đất phi nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

2. Trình tự cổ phần hóa

Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 126/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP), trình tự cổ phần hóa doanh nghiệp được thực hiện như sau:

Bước 1: Xây dựng Phương án cổ phần hóa

- Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc;

- Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu bao gồm:

+ Các hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp.

+ Các Hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của doanh nghiệp.

+ Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế của công ty đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

+ Lập dự toán chi phí cổ phần hóa theo chế độ quy định.

+ Lập phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

+ Lập danh sách và phương án sử dụng lao động đang quản lý.

+ Lựa chọn phương pháp, hình thức xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến cổ phần hóa.

- Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng với doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan trình cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt dự toán chi phí cổ phần hóa, quyết định lựa chọn tư vấn cổ phần hóa theo chế độ quy định;

- Tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp;

- Quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp;

- Hoàn tất Phương án cổ phần hoá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bước 2: Tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa

  • Ban Chỉ đạo chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức tư vấn trung gian tổ chức bán cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt và quy định tại Nghị định này.
  • Ban Chỉ đạo chỉ đạo doanh nghiệp bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp (nếu có) theo phương án đã duyệt.
  • Căn cứ vào kết quả tổng hợp bán cổ phần cho các đối tượng theo quy định trong phương án cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo chỉ đạo doanh nghiệp chuyển tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ theo quy định.

Trường hợp không bán hết cổ phần cho các đối tượng theo đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa.

  • Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định cử người làm đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước tiếp tục tham gia trong công ty cổ phần và chịu trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Bước 3. Hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần

  • Tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và đăng ký doanh nghiệp.

+ Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc, người đại diện phần vốn nhà nước (nếu có) và doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất để thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh, bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và bộ máy điều hành công ty cổ phần.

+ Căn cứ vào kết quả Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

  • Tổ chức quyết toán, bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần.

+ Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp lập báo cáo tài chính tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, thực hiện quyết toán thuế, kiểm toán báo cáo tài chính, quyết toán chi phí cổ phần hóa, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.

+ Căn cứ kết quả xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần.

+ Tổ chức ra mắt công ty cổ phần và thực hiện bố cáo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

  • Trong quá trình thực hiện, cơ quan quyết định cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và doanh nghiệp có thể tiến hành đồng thời nhiều bước để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.

IV. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến doanh nghiệp cổ phần hóa

1. Để tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển số nợ phải trả thành vốn góp cổ phần không?

Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định như sau: Doanh nghiệp cổ phần hóa phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc thỏa thuận bằng văn bản với các chủ nợ để xử lý trong đó có việc chuyển nợ phải trả thành vốn góp cổ phần.

Việc chuyển nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thành vốn góp cổ phần phải được quy định trong phương án cổ phần hóa, công khai trong bản cáo bạch bán cổ phần lần đầu và được thực hiện thông qua kết quả đấu giá thành công của chủ nợ.

Theo đó chủ nợ tham gia mua cổ phần tại cuộc bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng và quy đổi số lượng cổ phần tương ứng với số nợ theo kết quả đấu giá thành công của chủ nợ.

2. Việc công bố giá trị doanh nghiệp được cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện trong thời hạn bao nhiêu ngày? Kể từ thời điểm nào?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định về thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp như sau: Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm xem xét, quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ (bao gồm cả Kết luận của Kiểm toán nhà nước đối với các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 126/2017/NĐ-CP)....

Theo đó, kể từ thời điểm nhận được đầy đủ hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tư vấn cổ phần hóa thì trong thời hạn 15 ngày, Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm xem xét, quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp cổ phần hóa công bố thông tin về quá trình cổ phần hóa thì có cần phải gửi thông tin về Bộ Tài chính không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện công bố thông tin về quá trình cổ phần hóa công khai trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, đồng thời gửi về Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp để theo dõi việc thực hiện cổ phần hóa.

4. Người lao động làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa có được bán số cổ phần mua được với giá ưu đãi không?

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 42 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì trong vòng 03 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi người lao động phải giữ và không được chuyển nhượng, hết thời hạn trên thì việc chuyển nhượng cổ phần của người lao động sẽ không còn hạn chế.

5. Khi doanh nghiệp cổ phần hóa phát hành cổ phần lần đầu thì những đối tượng nào không được phép mua?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm:

  • Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cổ phần hóa doanh nghiệp (trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp);
  • Các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn cổ phần hóa, kiểm toán báo cáo tài chính và cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp (trừ các tổ chức bảo lãnh phát hành mua số cổ phần chưa phân phối hết theo hợp đồng bảo lãnh);
  • Các công ty con, công ty liên kết trong cùng Tập đoàn, Tổng công ty và tổ hợp công ty mẹ - công ty con;
  • Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá;
  • Người có liên quan theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 của tổ chức và cá nhân quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 4 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục liên quan đến doanh nghiệp cổ phần hóa

Đến với NPLaw, đội ngũ luật sư sẽ cung cấp các dịch vụ tốt nhất khi bạn muốn thực hiện các thủ tục liên quan đến vấn đề doanh nghiệp cổ phần hóa:

  • Tư vấn về các quy định thủ tục cần thực hiện khi doanh nghiệp cổ phần hóa;
  • Hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc doanh nghiệp cổ phần hóa;
  • Hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp cổ phần hóa;

Trên đây là những thông tin cơ bản về doanh nghiệp cổ phần hóa. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực doanh nghiệp, đầu tư mà còn nhiều dịch vụ khác. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.

Chủ đề