Báo cáo kết quả thực hiện dự án xây dựng

BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG; CẢI TẠO, SỬA CHỮA CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG NĂM 2021 

VÀ ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022

I- SƠ LƯỢC ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH

1.1- Đặc điểm, tình hình

Phòng Quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản được Trường Đại học công nghệ GTVT ra Quyết định thành lập theo số 1408/QĐ-ĐHCNGTVT ngày 09 tháng 05 năm 2017, trên cơ sở Ban Xây dựng cơ bản.

Phòng Quản lý đầu tư và Xây dựng cơ bản gồm 01 Trưởng phòng; 01 phó phòng; 04 chuyên viên (trong đó có 01 chuyên viên kiêm giảng viên tại cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc).

1.2- Chức năng, nhiệm vụ

Phòng Quản lý đầu tư và Xây dựng cơ bản có chức năng tham mưu, giúp việc cho Hiệu trưởng trong công tác tìm kiếm nguồn vốn, xúc tiến và quản lý đầu tư, phát triển cơ sở vật chất trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; quản lý quy hoạch xây dựng tổng mặt bằng phát triển các cơ sở đào tạo của Trường tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Phòng Quản lý đầu tư và Xây dựng cơ bản có nhiệm vụ làm đầu mối xây dựng quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển các dự án xây dựng cơ bản bằng các nguồn vốn khác nhau. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát hiệu quả thực hiện dự án, bảo trì, bảo hành đánh giá hiệu quả đầu tư theo quy định.

II- KẾT QU THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2021

1. Các dự án đầu tư xây dựng

1.1. Dự án Mở rộng phát triển Trường Đại học Công nghệ GTVT - Phân hiệu Hà Nội

- Mục tiêu đầu tư xây dựng: Mở rộng và phát triển trường để đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn của Phân hiệu giáo dục đại học và đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ phát triển Nhà trường theo đúng chiến lược phát triển Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã được phê duyệt.

- Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng: Giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất; San nền; Xây dựng khu nhà ở chuyên gia trên ô đất quy hoạch E2/ODK5; Xây dựng sân thể thao đa năng trên ô đất quy hoạch E3/CX3 phục vụ các hoạt động thể chất của nhà trường, đồng thời tạo không gian cảnh quan theo hướng mở thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng của nhân dân trong khu vực; Đầu tư mới các thiết bị thiết yếu cho sự hoạt động của công trình; Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, cổng tường rào, nhà thường trực và hệ thống PCCC,...

1.1. Kết quả thực hiện năm 2021

* Công tác GPMB: Trong năm 2021, Nhà trường đã phối hợp với Hội đồng GPMB, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh trì, Tổ công tác GPMB thực hiện các công việc sau:

+ Đã tiến hành chi trả tiền cho 29 hộ dân đã được Chủ tịch UBND huyện Thanh trì phê duyệt phương án bồi thường GPMB với số tiền là 9,55 tỷ đồng. Qua các lần tổ chức chi trả và vận động nhân dân, đã có 8/29 hộ dân nhận tiền (2,31 tỷ đồng) và bàn giao 2.050 m2 đất.

+ Đã hoàn thành công tác lập hồ sơ nguồn gốc đất và công trình trên đất của 05 hộ dân với tổng diện tích đất 758 m2; lập và phê duyệt phương án bồi thường GPMB cho 05 hộ dân này.

+ Hiện nay đang tiến hành lập hồ sơ nguồn gốc đất và phương án bồi thường GPMB cho 02 hộ dân còn lại của dự án.

* Công tác thiết kế BVTC:

+ Đã tiến hành khoan khảo sát địa chất 02 hố khoan tại 02 ô đất E2ODK5 và E3CX3 và lập thiết kế BVTC.

* Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án

Do thời gian thực hiện dự án kết thúc năm 2021, trong khi đó công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành để triển khai xây dựng. Vì vậy Nhà trường đã có Văn bản Số:  5306 /CV-ĐHCNGTVT ngày 30/11/2021 báo cáo Bộ GTVT. Ngày 24/12/2021, Bộ GTVT đã có Văn bản trả lời số 13770/BGTVT-KHĐT ngày 24/12/2021 đồng ý về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh thời gian dự án. Sau đó Hội đồng Trường Trường Đại học Công nghệ GTVT v/v phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian  thực hiện dự án tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐT ngày 31/12/2021; Hiệu trưởng Trường Trường Đại học Công nghệ GTVT đã ban hành Quyết định số 6039 /QĐ-ĐHCNGTVT v/v phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2023.

1.2. Những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân:

Dự án với tính chất thu hồi đất nông nghiệp nên chi phí chi trả bồi thường cho dân khá thấp, vì vậy quá trình thực hiện GPMB gặp nhiều khó khăn trở ngại do sự không đồng thuận từ người dân.

Công tác quản lý địa chính đất nông nghiệp trải qua nhiều thời kỳ khác nhau nên nhiều hồ sơ bị thất lạc, sai khác giữa thực tế và bản đồ giao đất gây nhiều khó khăn trong công tác xác định nguồn gốc đất.

Bên cạnh đó từ năm 2020 đến nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức GPMB.

2. Các dự án Cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp

2.1. Cải tạo sửa chữa nhà thí nghiệm A4 – cơ sở Hà Nội

+ Mục tiêu đầu tư: Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện phục vụ tốt các nhiệm vụ đào tạo của khối phòng, ban chức năng trong Nhà trường.

Công trình Cải tạo sửa chữa nhà thí nghiệm A4 - cơ sở Hà Nội được Bộ giao thông vận tải phê duyệt giao vốn tại Quyết định số 2492/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2020 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 với mức kinh phí là 1.634.000.000 đồng. Giá trị quyết toán là 3.057.756.872 đồng.

+ Nguồn vốn đầu tư: Vốn chống xuống cấp và Nguồn thu hợp pháp được phép đầu tư của Nhà trường.

+ Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý.

+ Thời gian thực hiện: Dự án được triển khai trong Quý III/2021 với thời gian thi công 02 tháng bởi nhà thầu Công ty CP đầu tư Hưng Thịnh. Đã hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng ngày 27/10/2021 theo đúng thời gian hợp đồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên công trình bị gián đoạn thi công theo yêu cầu phòng chống dịch của UBND TP Hà Nội.

+ Chất lượng công trình: chất lượng công trình xây dựng đạt yêu cầu so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn, quy phạm, yêu cầu kỹ thuật công trình.

+ Hiệu quả đầu tư: Toà nhà A4 có diện tích sàn xây dựng là 1.029,51 m2, gồm 03 tầng.

Sau khi sửa chữa, cải tạo đã bổ sung 02 phòng vệ sinh nam và nữ giúp cho CB, GV thuận lợi trong việc sinh hoạt cá nhân. Các phòng thực hành thí nghiệm (môi trường, công trình) được sửa chữa sạch sẽ; các phòng làm việc của các Bộ môn khoa Công trình được thay lại cửa sổ, sàn mới nên gọn gàng sạch đẹp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt chuyên môn và đón tiếp sinh viên. Bề mặt toà nhà được sơn sửa chỉnh trang lại tươi mới, sáng sủa phù hợp với cảnh quan chung. Mái se nô được chống thấm lại để tránh hiện tượng thấm nước xuống tường nhà.

Toàn bộ gồm các thí nghiệm, thực hành và phòng làm việc của các bộ môn đều được sử dụng toàn bộ, có hiệu quả cao sau khi công trình hoàn thành.

2.2. Cải tạo, sửa chữa nhà lớp học thực hành A6 – cơ sở Hà Nội:

+ Mục tiêu đầu tư: Cải thiện chất lượng cơ sở vật chất giảng đường, phục vụ đáp ứng điều kiện môi trường giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên Nhà trường.

Công trình Cải tạo, sửa chữa nhà lớp học thực hành A6 - cơ sở Hà Nội được Bộ giao thông vận tải phê duyệt giao vốn tại Quyết định số 2492/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2020 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 với mức kinh phí là 2.700.0000.000 đồng. Giá trị quyết toán là 3.382.195.360 đồng.

+ Nguồn vốn đầu tư: Vốn chống xuống cấp và Nguồn thu hợp pháp được phép đầu tư của Nhà trường.

+ Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý.

+ Thời gian thực hiện: Dự án được triển khai trong Quý III/2021 với thời gian thi công 60 ngày bởi nhà thầu Công ty CP xây dựng và công nghệ Minh Quân. Đã hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng ngày 28/10/2021 theo đúng thời gian hợp đồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên công trình bị gián đoạn thi công theo yêu cầu phòng chống dịch của UBND TP Hà Nội.

+ Chất lượng công trình: chất lượng công trình xây dựng đạt yêu cầu so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn, quy phạm, yêu cầu kỹ thuật công trình.

+ Hiệu quả đầu tư: Toà nhà A6 có diện tích sàn xây dựng là 1.534,63 m2, gồm 05 tầng.

Sau khi sửa chữa, cải tạo đã chống thấm mái toà nhà, các phòng vệ sinh; sửa chữa hệ thống điện nhẹ bị hư hỏng và điện sàn mạng máy tính; thay mới toàn bộ sàn, hành lang các tầng; thay mới lan can hành lang đảm bảo an toàn; mở rộng diện tích 04 phòng học máy tính,…. Bền mặt toà nhà được sơn sửa khang trang, màu sắc tươi mới phù hợp với cảnh quan chung khu vực và tâm lý tuổi trẻ sinh viên.

Toàn bộ gồm các phòng thực hành máy tính, CNTT và phòng nước giáo viên đều được sử dụng toàn bộ, có hiệu quả cao sau khi công trình hoàn thành.

2.3. Cải tạo, sửa chữa nhà để xe CBVC và cổng trường, tường rào, khuôn viên – cơ sở Hà Nội:

          + Mục tiêu đầu tư: Cải thiện chất lượng cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và đáp ứng nhu cầu có chỗ đỗ xe của cán bộ và giảng viêng của Nhà trường. Tạo cảnh quan môi trường học tập và làm việc khang trang, sạch đẹp.

          Công trình Cải tạo sân, đường nội bộ - phân hiệu trường Đại học công nghệ GTVT được Bộ giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2492/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2020 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 với mức kinh phí là 6.075.000.000 đồng. Giá trị quyết toán là 9.058.831.000 đồng.

          + Nguồn vốn đầu tư: Vốn chống xuống cấp và Nguồn thu hợp pháp được phép đầu tư của Nhà trường.

          + Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư quản lý trực tiếp

          + Thời gian thực hiện: Dự án được triển khai trong quý IV/2021 với thời gian thi công 57 ngày bởi nhà thầu Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng phát triển Đông Đô. Sau thời gian hợp đồng, nhà thầu đã có văn bản xin gia hạn thêm thời gian thực hiện thêm 43 ngày do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên gặp khó khăn trong công tác huy động nhân sự, vật tư vật liệu trong giai đoạn cuối năm và những thay đổi, phát sinh về hồ sơ thiết kế trong quá trình thi công.

Đã hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng trong tháng 1/2022.

+ Chất lượng công trình: chất lượng công trình xây dựng đạt yêu cầu so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn, quy phạm, yêu cầu kỹ thuật công trình.

+ Hiệu quả đầu tư: 01 cổng chính, 02 cổng phụ và nhà bảo vệ, tường rào mặt tiền đã được cải tạo khang trang, sạch đẹp tạo thuận lợi cho việc đón tiếp sinh viên và khách đến Trường làm việc cũng như bảo vệ an ninh, an toàn cho môi trường sư phạm. Đã xây dựng mới nhà để xe CBGV với lưu lượng chứa được 50 đến 60 xe máy.

Cảnh quan khuôn viên trường với diện tích 23.000 m2 (gồm sân, bồn hoa, đèn điện chiếu sáng, thoát nước,…) ở hầu hết tất cả các khu vực đều được sửa chữa, chỉnh trang tạo nên không gian sạch đẹp, xanh mát giúp cho CBGV và sinh viên có được không gian vui chơi, nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng; sinh viên thêm yêu quý môi trường học tập.

2.4. Cải tạo, sửa chữa một số hạng mục nhà lớp học C2, C3 – cơ sở Hà Nội:

+ Mục tiêu đầu tư: Cải thiện chất lượng cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ học tập, sinh hoạt cho giảng viên, sinh viên toàn trường. Tạo môi trường cảnh quan sư phạm, môi trường học tập văn minh hiện đại.

          Công trình Cải tạo, sửa chữa một số hạng mục nhà lớp học C2, C3 – cơ sở Hà Nội được Hiệu trưởng phê duyệt thiết kế BVTC, dự toán xây dựng với mức kinh phí là 495.638.000 đồng.

          + Nguồn vốn đầu tư: Nguồn thu hợp pháp được phép đầu tư của Nhà trường.

          + Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư quản lý trực tiếp

          + Thời gian thực hiện: Dự án được triển khai trong quý III/2021 với thời gian thi công 30 ngày bởi nhà thầu Công ty CP đầu tư CONTECHME. Đã hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng tháng 10/2021 theo đúng tiến độ hợp đồng.

+ Chất lượng công trình: chất lượng công trình xây dựng đạt yêu cầu so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn, quy phạm, yêu cầu kỹ thuật công trình.

+ Hiệu quả đầu tư: Toà nhà C2-C3 có diện tích sàn xây dựng là 2.000 m2, gồm 02 khối cao 02 tầng; đã cải tạo, sửa chữa 04 phòng vệ sinh đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng; thay mới toàn bộ thiết bị vệ sinh, chống thấm sàn nền nhà; ốp mới gạch men tường, lắp mới trần nhà, hệ thống đèn điện,…

Sau khi cải tạo, sửa chữa đã làm cho các khu vệ sinh được sạch sẽ, tạo thuận lợi cho người sử dụng.

2.5. Cải tạo, sửa chữa một số hạng mục nhà làm việc H3 – cơ sở Hà Nội:

+ Mục tiêu đầu tư: Cải thiện chất lượng cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ học tập, sinh hoạt cho giảng viên, sinh viên toàn trường. Tạo môi trường cảnh quan sư phạm, môi trường học tập văn minh hiện đại.

          Công trình Cải tạo, sửa chữa một số hạng mục nhà làm việc H3 – cơ sở Hà Nội được Hiệu trưởng phê duyệt thiết kế BVTC, dự toán xây dựng với mức kinh phí là 499.842.299 đồng

          + Nguồn vốn đầu tư: Nguồn thu hợp pháp được phép đầu tư của Nhà trường.

          + Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư quản lý trực tiếp

          + Thời gian thực hiện: Dự án được triển khai trong quý III/2021 với thời gian thi công 45 ngày bởi nhà thầu Công ty cổ phần IDECONS. Đã hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng ngày 22/11/2021 theo đúng hợp đồng đã ký kết.

+ Chất lượng công trình: chất lượng công trình xây dựng đạt yêu cầu so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn, quy phạm, yêu cầu kỹ thuật công trình.

+ Hiệu quả đầu tư: Toà nhà H3 có diện tích sàn xây dựng là 1.095,72  m2, gồm 02 khối cao 03 tầng. Đã cải tạo, sửa chữa thay thế các cửa gỗ bị mục nát, mối mọt tại tầng 1 và tầng 3. Sửa chữa 02 phòng tầng 1; sửa chữa ban công, hành lang tầng 3 bị bong rộp, hư hỏng. Sửa chữa, thay thế hệ thống điện, ổ cắm, cầu dao, đèn chiếu sáng ban công phía sau,…

III- THUẬN LỢI, HẠN CHẾ

Với tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo trường đã cơ bản thực hiện hoàn thành chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch từ đầu năm học. Công tác quản lý chất lượng, tiến độ và giải ngân tài chính các công trình đã có nhiều tiến bộ hơn những năm trước và đã tạo môi trường học tập khang trang, sạch đẹp.

* Tồn tại, hạn chế

+ Năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch công tác GPMB và xây dựng cơ sở vật chất. Vì vậy một số hoạt động công tác triển khai còn chậm tiến độ so với kế hoạch; công tác thanh, quyết toán một số công trình còn chậm.

+ Kinh phí thực hiện hạn chế (công trình nhà A4, A6), vì vậy còn một số hạng mục chưa được sửa chữa, thay thế triệt để.

+ Công tác khảo sát thiết kế còn thiếu sót dẫn đến trong quá trình thi công phải có sự điều chỉnh, bổ sung một số nội dung công việc trong bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt (công trình nhà A6, công trình Nhà để xe, khuôn viên).

IV- ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022

Năm 2016, Trường được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển thành trường đại học trọng điểm Quốc gia; năm 2017, Trường là 1 trong 15 trường đại học đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học. Hàng năm lưu lượng HS-SV gần 15 nghìn. Với mục tiêu chiến lược phát triển của Trường Đại học Công nghệ GTVT đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030, do đó năm 2022 hướng trọng tâm vào việc mở rộng đất và đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất tại cơ sở Hà Nội. Cụ thể như sau:

1. Hoàn thành công tác GPMB để thu hồi 13.286 m2 và xây dựng 01 tòa nhà 3 tầng và khu thể thao để phục vụ công tác giảng dạy và học tập tại Phân hiệu Hà Nội.

2. Hoàn thành công tác điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng Phân hiệu Hà Nội và chuẩn bị đầu tư dự án Khối nhà đa năng 11 tầng tại Hà Nội.

3. Cải tạo, sửa chữa Thư viện Hà Nội thành Trung tâm công nghệ thông tin và thư viện theo hướng thư viện mở, hiện đại, không gian thoáng mát nhằm thu hút người đọc.

4. Sửa chữa cổng, tường rào cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc nhằm cải thiện cảnh quan môi trường sư phạm và đảm bảo an ninh, an toàn bảo vệ đất đai, tài sản của Nhà trường.

5. Sửa chữa, bảo trì thường xuyên các công trình xây dựng trong Trường.

6. Tiếp tục thực hiện các công tác thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ và công tác đột xuất theo yêu cầu của Nhà trường.

Video liên quan

Chủ đề