Bản bàn quang chiểu mường lát thanh hóa năm 2024

Từng là một trong 51 bản khó khăn nhất, xa xôi nhất ở miền tây tỉnh Thanh Hoá, nhờ phát huy nội lực và được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng và các cấp chính quyền địa phương, đến nay bản người Mông Pù Đứa (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá) ở vùng biên cương xa xôi đã thay da, đổi thịt, và có những tiến bộ vượt bậc. Đây cũng là một trong những bản tiến bộ nhất của đồng bào Mông.

Thăm bản Pù Đứa vào những ngày này, dễ thấy từ bản đến trung tâm huyện lỵ Mường Lát đã có đường ô tô, nhờ đó người dân đi lại không còn vất vả như trước. Những ngôi nhà ấm cúng làm bằng gỗ của 55 hộ dân trong bản đều được hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Quang Chiểu, đó là những "ngôi nhà mái ấm biên cương" do bộ đội biên phòng giúp đỡ, xây dựng. Ngoài ra còn có những ngôi nhà được hỗ trợ từ chương trình 134, 167... Đến nay cả 55 hộ đều có nhà khang trang, sạch đẹp và phù hợp với phong tục, tập quán của người Mông. Trong nhà, lúa ngô được chất đầy, bà con dân bản không còn lo cái đói, cái rét như trước đây nữa. Việc học ở bản cũng rất được quan tâm. Trẻ con trong bản đều được đến trường, cháu nào cũng biết đọc, biết viết. Đặc biệt trong bản đã có 4 em đang học các trường đại học ở Hà Nội và trường đại học Hồng Đức Thanh Hoá. Đây sẽ là những cán bộ trong tương lai của bản, giúp đồng bào tiến bộ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Trong những ngày này, đồng bào nơi đây cũng đang tất bật chuẩn bị cho cái tết của người Mông vào tháng 12 tới.

Đến thăm "ngôi nhà mái ấm biên cương" do bộ đội biên phòng hỗ trợ cho gia đình anh Lâu Văn Pó, ở góc nhà một bồ ngô, lúa mới thu hoạch xong chất cao gần bằng đầu người. Ngoài những đồ đạc thông dụng, nhà Pó còn có cả tivi, xe máy. Anh Pó phấn khởi cho biết: "mấy năm gần đây dân bản tao không còn bị đói nữa, nhà nào cũng có lúa, ngô tích trữ trong nhà. Chỉ ra phía sau nhà, nơi có 3 con lợn béo tròn đang ủi cỏ tìm ăn trong vườn, anh Pó cho biết: Sang tháng 12, là tết của đồng bào Mông chúng tao, tao sẽ làm thịt một con đón tết và mời cán bộ và bộ đội biên phòng về nhà tao uống rượu cho vui nhé".

Ông Lâu Văn Lự, Bí thư chi bộ bản Pù Đứa, người được cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Quang Chiểu gọi bằng cái tên thân mật "Bố Lự" không dấu được niềm vui cho biết:" So với trước đây, bản Pù Đứa giờ đã khác xa một trời một vực rồi. Ngày trước bản tao có tên là Pù Ngố ở tít trên cao cách bản Pù Đứa đến 6 cây số, đi bộ cũng phải mất gần 10 tiếng đồng hồ. Khi đó đời sống khó khăn lắm, không có ruộng trồng lúa nước, chỉ chọc lỗ trồng ngô nương, làm không đủ ăn, đói rét quanh năm. Đã thế lại còn nhiều phong tục lạc hậu, bị sốt rét thì cầu thầy mo cúng bái để đuổi con bệnh đi, nhưng có được đâu, chỉ càng thêm nhiều người chết thôi. Người chết làm ma linh đình đến 6 ngày liền, tốn kém lắm".

Từ năm 1965, những người lính mang quân hàm xanh đồn biên phòng Quang Chiểu đã vượt núi, băng rừng lên đỉnh núi Pù Ngố vận động đồng bào chuyển về bản Pù Đứa sinh cơ, lập nghiệp. Buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất mới cũng gặp muôn vàn khó khăn. Bộ đội biên phòng cùng giúp đỡ đồng bào khai hoang được 8 ha lúa nước và 70 ha lúa nương và phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con trồng lúa nước, kỹ thuật trồng ngô lai cho năng suất cao, bởi người dân tộc Mông ở bản này có thói quen ở trên các triền núi cao phát nương làm rẫy, đời sống du canh du cư không ổn định. Nguồn lương thực thực phẩm chủ yếu là tự cung tự cấp. Công cụ kiếm sống hằng ngày chủ yếu là khẩu súng kíp, con dao, cái bẫy. Những phong tục tập quán ấy đã ăn sâu vào tiềm thức ngàn đời của người Mông. Vì vậy cuộc sống của họ cứ quẩn quanh trong cái đói nghèo, lạc hậu. Nhưng giờ đây đồng bào Mông bản Pù Đứa đều đã thạo việc trồng lúa nước, bình quân một hộ có đến 1,5 ha đất trồng lúa nên cái cái đói ở đây cơ bản đã được đẩy lùi.

Bố Lự nhớ lại hồi mới chuyển xuống bản mới, dân bản trồng cây không thấy quả, con vật nuôi không thấy lớn. Bộ đội đồn biên phòng đồn Quang Chiểu đã cử cán bộ xuống cùng ăn, cùng ở với bà con, đưa giống lúa dưới xuôi lên hướng dẫn cho bà con cách gieo mạ, cấy lúa, chỉ dẫn kỹ thuật chăn nuôi... Đến nay, bà con trong bản đã biết trồng ngô lai, lúa nước cho năng suất cao hơn hẳn... Chỉ tay về phía đầu bản, nơi đàn bò no cỏ đang đủng đỉnh đi về, bố Lự khoe: “Bản ta giờ có gần 200 con bò, dê và lợn cũng có khoảng 300 con. Trong bản cũng có gần 70 xe máy và cơ bản nhà nào cũng có ti vi".

Từ ngày đồng bào Mông chuyển từ bản Pù Ngố về bản Pù Đứa đến nay không còn tình trạng di cư tự do nữa. Đồng bào nơi đây một lòng theo Đảng, phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bản được đồng bào tích cực hưởng ứng. Có thể nói già làng, trưởng bản, người có uy tín ở bản Pù Đứa có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng dân cư, họ chính họ là các "thủ lĩnh" và khi họ đã vận động, thuyết phục thì không ai trong bản nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu. Bố Lự cho biết:" Cách đây khoảng 4-5 năm người dân trong bản nghe theo xúi dục của kẻ xấu ở phía ngoại biên, định di cư ra ngoài Bắc. Nắm được tình hình, cán bộ biên phòng đã về bản, phối hợp với già làng trưởng bản thuyết phục bà con. Khi đó bố tao là trưởng bản Lâu Văn Hự đã thuyết phục bà con không di cư tự do mà ổn định tình hình sản xuất mới có cái ăn, cái mặc, và dân bản đã ngheo theo. Khi đó bố tao cũng là người tiên phong trong phong trào tuần tra, bảo vệ đường biên và cột mốc G8. Trước đây bố tao còn khoẻ, việc trông coi cột mốc và tuần tra đường biên do ông cụ đảm nhận. Nay cụ hơn 90 tuổi, sức yếu, không đi lại được nên giao lại cho tao tiếp tục trông coi cột mốc G8 và tuần tra đường biên giới với nước bạn Lào..."

Nhờ phát huy vai trò tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín nên Pù Đứa là một trong những địa bàn ổn định nhất trên tuyến biên giới ở huyện Mường Lát. Cả bản có 2 đối tượng nghiện thuốc phiện từ trước, nhưng không có ai vận chuyển, buôn bán ma tuý, thuốc phiện. Với những tiến bộ vượt bậc, bản Pù Đứa đã được đưa vào danh sách xét công nhận là bản văn hoá điểm của đồng bào Mông ở tỉnh Thanh Hoá./.