Bài tập tư duy phân tích đại học năm 2024

Để góp phần giúp các em học sinh làm bài văn đạt điểm cao, chúng tôi xin gợi ý các em rèn luyện, nâng cao một số phương thức tư duy, như : tư duy khoa học, tư duy phân tích, tư duy lịch sử, tư duy so sánh, tư duy lí luận.

1. Tư duy khoa học

Văn học là môn khoa học nghệ thuật ngôn từ. Cho nên, bên cạnh “chất văn”, bài văn còn phải đảm bảo tính logic và tính chính xác.

Rèn luyện tư duy khoa học, trước hết, các em cần rèn luyện tư duy logic. Tư duy logic sẽ giúp cho các em tổ chức bài viết chặt chẽ trong lập luận, hệ thống mạch lạc trong triển khai luận điểm, luận cứ. Điều này thực sự rất cần thiết để thuyết phục người đọc khi các em làm bài văn nghị luận, nhất là bài văn nghị luận xã hội.

Rèn luyện tư duy khoa học, sau nữa, các em cần phân biệt và sử dụng chính xác, thành thạo các khái niệm : nhân văn, nhân đạo, nhân bản ; lãng mạn, hiện thực ; cảm hứng, đề tài, cốt truyện, tình huống truyện, lời nửa trực tiếp ; vần thơ, nhịp thơ… Việc thuyết minh giới thiệu tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm phải ngắn gọn, chính xác. Việc trích dẫn kiến thức và dẫn chứng cũng phải chính xác. Chẳng hạn : 1/ Say mê sáng tạo, “tâm huyết với thơ, Thanh Thảo luôn trăn trở trong khát vọng kiếm tìm những cách biểu đạt mới. Dấu ấn sáng tạo của ông khá đậm nét ở loại thơ văn xuôi và trường ca. Thi phẩm Đàn ghi ta của Lorca được xem là thành công nhiều mặt của thơ Thanh Thảo” (SGK Ngữ văn 12 nâng cao, tập 1, Nxb Giáo dục, 2007, tr.132). 2/ Say mê sáng tạo, khát khao kiếm tìm “chất kinh kì” trong mỗi “hạt bụi vàng” của người Tràng An, nhà văn Nguyễn Khải viết : “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống mà bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng” (Một người Hà Nội).

Trình bày ý kiến của bản thân một cách rõ ràng, chính xác, logic ; ghi rõ xuất xứ của nhận định, của dẫn chứng, sẽ tạo nên niềm tin khoa học và là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần làm cho bài văn của các em đạt điểm cao.

2. Tư duy phân tích

Tư duy phân tích là thao tác tư duy cơ bản, cần thiết và vận dụng nhiều nhất của người học văn, làm văn. Đứng trước một vấn đề văn học, các em phải biết chia nhỏ đối tượng để xem xét từng mặt, từng khía cạnh, từng biểu hiện và mối quan hệ bên trong của đối tượng. Sau đó tổng hợp, khái quát lại để nhận ra tài năng sáng tạo, ý đồ nghệ thuật của tác giả, tư tưởng chủ đề của tác phẩm hay đặc trưng, dấu ấn của một vấn đề, một hiện tượng văn học.

Đối diện với đề văn nghị luận xã hội : Quan niệm của em về lối sống giản dị của một con người có văn hóa. Một bạn học sinh đã biết vận dụng tư duy phân tích, để đặt ra hệ thống câu hỏi, định hướng cho bài làm văn của mình như sau :

1/ Sống giản dị là gì ?

2/ Lối sống giản dị của một con người được biểu hiện như thế nào ?

3/ Sống giản dị có đồng nghĩa với sống lập dị ?

4/ Lối sống giản dị có phù hợp với thời đại ngày nay ?

5/ Hướng phấn đấu của bản thân ?

Tư duy phân tích giúp các em rút ra những kết luận đúng đắn, dựa trên sự phân tích sâu sắc, kĩ càng, xem xét sự vật toàn diện từ nhiều phía. Và tất nhiên, nó sẽ trở thành một yếu tố đảm bảo cho bài văn đạt điểm cao.

3. Tư duy lịch sử

Tăng cường tư duy lịch sử để mở rộng tầm nhìn và bài văn nhờ thế mà trở nên sâu sắc. Tư duy lịch sử biểu hiện ở chỗ thấy được sự kế thừa, tiếp nối và sáng tạo của người đi sau đối với người đi trước, ngay khi viết về cùng một đề tài, một thể loại. Cùng viết về đề tài đất nước, nhưng hình tượng đất nước trong “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm, khác với hình tượng đất nước trong thơ ca truyền thống, trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu …

Kiến thức có hệ thống, sắp xếp theo tiến trình lịch sử cũng là một biểu hiện của tư duy lịch sử. Với dạng đề tổng hợp, cần huy động và lựa chọn dẫn chứng ở nhiều giai đoạn văn học khác nhau. Để bài văn đạt điểm cao, các em cần sắp xếp hệ thống dẫn chứng theo trật tự thời gian, từ văn học trung đại đến văn học hiện đại, từ văn học trước 1975 đến văn học sau 1975.

4. Tư duy so sánh

“Tư duy so sánh không chỉ thể hiện ở cái nhìn so sánh lịch đại mà còn ở việc so sánh tương đồng, tương phản, so sánh đồng đại” (Nguyễn Đức Hùng). Cùng với tư duy so sánh, nét độc đáo, khác biệt, mới mẻ của đối tượng hiện ra đủ đầy. Cùng với tư duy so sánh, nét độc đáo, khác biệt, mới mẻ của nhân vật này so với nhân vật khác, cách trần thuật này so với cách trần thuật khác, nhà văn này so với nhà văn khác, cũng như sự kế thừa và sáng tạo trong văn học, sự biến đổi và cách tân trong phong cách nghệ thuật nhà văn, phong cách nghệ thuật thời đại, phong cách nghệ thuật dân tộc hiện ra đủ đầy.

Dùng thao tác so sánh vừa đủ, tinh tế, sâu sắc và có cơ sở khoa học sẽ giúp bài văn có điểm cao hơn. Xin đưa ra hai ví dụ :

Ví dụ thứ nhất : Nếu ở bước đường cùng của cuộc đời bi kịch, bất hạnh, khổ đau, vì bị áp bức bởi giai cấp thống trị tàn ác, Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao tìm đến cái chết như một sự tự giải thoát, thì nhận vật Mị và nhân vật A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài tự giải cứu cuộc đời mình bằng cách chạy trốn khỏi Hồng Ngài, tìm đến với Cách mạng. Đây chính là cái nhìn nhân đạo của văn học sau Cách mạng, cái nhìn mới, mang tinh thần thời đại.

Ví dụ thứ hai : Cùng lấy “tâm điểm là con người”, nhưng nếu trước năm 1975, Nguyễn Minh Châu hướng đến con người chính trị, con người công dân, thì sau năm 1975, nhà văn hướng đến con người cá nhân, con người dân chủ, trong cuộc đời thường. Không còn vẻ đẹp mảnh mai nhưng dũng cảm của Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng), người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa) “thô kệch” và “ướt sũng” trong kiếp mưu sinh. Chuyển từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự, quan tâm đến vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh, Nguyễn Minh Châu trở thành người mở đường “tinh anh và tài năng” cho văn học thời kì đổi mới.

Ở ví dụ thứ nhất, người viết so sánh cái nhìn của các nhà văn về số phận của những người nông dân Việt Nam trong hai giai đoạn văn học trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Ở ví dụ thứ hai, người viết so sánh cảm hứng sáng tác của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong hai giai đoạn trước và sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Qua so sánh, người đọc nhận ra sự vận động, đổi mới, cùng nhu cầu “làm mới”, “làm khác” của nhà văn, của văn học theo yêu cầu của thời đại như một quy luật của quá trình sáng tạo.

Vận dụng tư duy lịch sử, tư duy so sánh, liên tưởng trong bài văn, cho thấy người viết có tầm văn hóa, tầm kiến thức uyên bác về văn học, lịch sử, xã hội, địa lí, đời sống… Và là một nhân tố quan trọng, góp phần đem lại bài văn đạt điểm cao.

5. Tư duy lí luận

Lí luận văn học tồn tại dưới hai hình thức cơ bản : lí luận nguyên lí và lí luận vận dụng. Lí luận nguyên lí là các khái niệm, nguyên lí, các vấn đề văn học được khái quát, đúc kết từ thực tiễn sáng tác và các tác phẩm văn học. Nắm vững các nguyên lí văn học, người học sẽ phân tích, cảm nhận văn học được sâu sắc, tinh tế, chính xác và đáng tin cậy hơn. Lí luận vận dụng là vận dụng các tri thức lí luận để khám phá tác giả, tác phẩm và các hiện tượng văn học khác.

Tư duy lí luận thể hiện ở chỗ người học luôn có ý thức vận dụng kiến thức lí luận văn học vào việc soi chiếu, phát hiện, đánh giá, cảm thụ các hiện tượng văn học. Bài văn dễ đạt được điểm cao khi có chiều sâu lí luận. Chiều sâu lí luận của bài viết, một mặt, thể hiện ở việc người viết biết trích dẫn các ý kiến, nhận định của nhà văn, nhà lí luận phê bình văn học đúng lúc, đúng chỗ. Mặt khác, còn thể hiện ở việc người viết am hiểu và vận dụng được các đặc trưng, các quy luật của văn học trong quá trình phân tích, bình giảng hay so sánh văn học. Phan Huy Dũng đã vận dụng rất tinh tế tri thức lí luận về các loại hình thơ ca khi viết lời bình cho bài “Tương tư” (Nguyễn Bính) : “Tương tư được viết bằng thể thơ lục bát. Nhà thơ đã vận dụng nhuần nhuyễn các chất liệu của thơ ca dân gian để đưa đến cho tác phẩm một phong vị truyền thống đậm đà. Tuy nhiên, trong bài thơ, chất dân gian vẫn không lấn át được những tình điệu lãng mạn vốn là sản phẩm đặc thù của thời đại Thơ mới” (Phan Huy Dũng - Lê Huy Bắc, Thơ mới trong trường phổ thông, Nxb Giáo dục, 2008, tr.180).

Không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, để học văn và làm văn tốt là cả một quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện nhiều mặt. Trong đó, rèn luyện vận dụng linh hoạt, đa dạng các phương thức tư duy là một yếu tố quan trọng để các em làm bài văn đạt điểm cao.