Bác hồ về thăm thanh hóa lần 2 năm 2024

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Thanh Hóa. Từ năm 1947 đến năm 1961, Bác đã 4 lần về thăm, nhiều lần gửi thư khen ngợi, động viên và để lại cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa những tình cảm sâu đậm, những lời dặn dò sâu sắc. Bác động viên, khen ngợi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã làm hậu phương lớn vững chắc cho cả nước trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và mong muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với mảnh đất và con người xứ Thanh. Trong những lần Bác về thăm Thanh Hoá với tình cảm đặc biệt, những lời căn dặn chí lý, chí tình đã được thể hiện sâu sắc qua những cuộc gặp gỡ và nói chuyện.

Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ nhất: Cách đây tròn 75 năm, chỉ ít tháng sau ngày ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 20/2/1947, Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Sau khi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Nhà thông tin Thị xã Thanh Hóa, Người đã gặp gỡ các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào. Tại buổi nói chuyện, Người căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh “kiểu mẫu” và khẳng định niềm tin: “Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt” (1). Người đã đưa ra những chỉ dẫn rất rõ về mục đích của việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu là phải: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”(2). Đồng thời, Người cũng nêu rõ phương châm là: “...phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi” (3). Cách làm là: “Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân. Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm.Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động. Vì vậy, những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã.... Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được.Chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được…”(4).

Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ hai: Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa lần thứ 2, trong 02 ngày 13 và 14/6/1957, Bác đã đi thăm một số nơi: Trường thiếu nhi miền Nam, Bác nói chuyện với hơn 1 vạn đại biểu các tầng lớp nhân dân tại Khu giao tế của tỉnh.Trong buổi nói chuyện với các đại biểu nhân dân Thanh Hóa, Người đã biểu dương và ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là sự chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Người khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa có một phần vinh dự đến đó” (5). Những lời căn dặn, chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cổ vũ, động viên mạnh mẽ, tạo động lực cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa hăng hái phấn đấu đạt được những thành quả đáng kể.

Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ ba: Bác Hồ về thăm Thanh Hóa trong 03 ngày từ ngày 17 đến ngày 19/7/1960. Bác đã đến thăm và phát biểu tại Đại hội đại biểu Công đoàn Thanh Hóa lần thứ VI (ngày 19/7/1960); Bác nhấn mạnh vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua yêu nước và căn dặn các đại biểu dự hội nghị: “Một là, các cô, các chú phải bàn thiết thực để thi đua thế nào cho nhanh, nhiều, tốt, rẻ, chống được lãng phí, thi đua giữa nhà máy này với nhà máy khác để hoàn thành sớm kế hoạch 3 năm và có thời gian chuẩn bị kế hoạch 5 năm. Hai là, nhà máy phải giúp đỡ HTX cải tiến nông cụ và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa. Phải giúp đỡ có kế hoạch, từ đầu đến cuối, giúp cho có thủy có chung”.

Người về thăm Sầm Sơn, cùng bà con Sầm Sơn kéo lưới. Hình ảnh vị cha già dân tộc rất đỗi thân quen mà gần gũi vẫn còn đọng lại trong sâu thẳm ký ức của mỗi người dân thị xã Sầm Sơn và nhân dân Thanh Hóa, thể hiện sự chăm lo, tấm lòng nhân ái của Bác đối với đồng bào và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh. Trên đường từ thị xã Thanh Hóa xuống Sầm Sơn, Bác tặng Thanh Hóa hai câu thơ ứng tác: “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng. Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”. Bác gặp gỡ và trao đổi với cán bộ ở đây: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”(6).

Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ tư: Trong những ngày ở thăm Thanh Hóa (ngày 11-12/12/1961) và đây cũng là lần cuối cùng Người về thăm Thanh Hóa, Người đã đi thăm một số nơi trong tỉnh như: Hợp tác xã cơ khí Thành Công, Nhà máy cơ khí Thanh Hóa, Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trường (huyện Yên Định). Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã giành được và nhắc nhở các cấp lãnh đạo của tỉnh phải đoàn kết, nhất trí, tận tụy phục vụ nhân dân để xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh giàu mạnh.. Nói chuyện với đồng bào, cán bộ, Bác khẳng định: “... Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Ngày 12-12-1961, tại Sân vận động tỉnh, Bác đã bắt nhịp cho đồng bào và nhân dân Thanh Hóa bài ca “Kết đoàn”.

Thanh Hoá, vinh dự, tự hào được nhiều lần đón Bác về thăm; mỗi lần được Bác dành cho những tình cảm đặc biệt và những lời căn dặn hết sức quý báu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh luôn khắc ghi lời Bác, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục khó khăn, gian khổ, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa là địa phương góp công sức lớn cả người và vật chất chi viện cho chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thực hiện lời di huấn của Người, trong cả thời kỳ cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, lời căn dặn, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Thanh Hóa thành “tỉnh kiểu mẫu” vẫn là mục tiêu quyết tâm thực hiện của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đến giai đoạn đổi mới hiện nay, mặc dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất của con người xứ Thanh càng trong gian khó càng cố gắng vượt khó để vươn lên. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều kết quả và giành nhiều thắng lợi. Nét nổi bật trong nhiệm kỳ qua, Thanh Hóa đã tập trung để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và 3 huyện đang chờ quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ; 341 xã và 1.018 thôn, bản (trong đó có 809 thôn, bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã và 152 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã rất thành công trong tổ chức thực hiện các Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy ở các cấp. Thanh Hóa đi đầu cả nước trong việc thực hiện các nghị quyết này, được Trung ương Đảng và các tỉnh, thành khác đánh giá rất cao. Đặc biệt Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 58 là niềm vinh dự, tự hào và cũng là sự khích lệ, tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương vào tương lai tươi sáng của quê hương Thanh Hóa. Là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới để tỉnh tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Năm 2021 (GRDP) tăng 8,85% so với năm 2020; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,58%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 15,66% (riêng công nghiệp tăng 17,65%); các ngành dịch vụ tăng 3,59%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,32%.Về cơ cấu kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 16,07%, giảm 1,16%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 46,64%, tăng 4,29%; các ngành dịch vụ chiếm 30,82%, giảm 2,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,47%, giảm 0,42% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 58,1 triệu đồng, tương đương với 2.471 đô la Mỹ.

Có được những kết quả và dấu ấn nổi bật như trên là nhờ có sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đã khơi dậy được niềm tự hào, ý chí, nghị lực của 230 nghìn đảng viên trong Đảng bộ và 3,72 triệu người dân Thanh Hóa cùng chung mục tiêu quyết tâm phấn đấu xây dựng Thanh Hóa Thanh Hoá đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện thắng lợi “khát vọng thịnh vượng” và trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống cách mạng hết sức vẻ vang của quê hương Thanh Hóa anh hùng và những kết quả đạt được nêu trên sẽ là tiền đề, điều kiện để tỉnh ta bước sang giai đoạn mới với khí thế mới, vận hội mới, quyết tâm mới của toàn Đảng bộ, toàn quân và dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nghị quyết đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2021-2025 cùng với Nghị quyết 58- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả.

Đã 75 năm đã trôi qua, từ lần đầu tiên và 61 năm là lần cuối cùng Bác Hồ về thăm tỉnh Thanh Hóa. Hình ảnh của Người trong những lần về với nhân dân tỉnh Thanh Hóa mãi là hình ảnh đẹp, khắc sâu trong trái tim của những người con Thanh Hóa. Tư tưởng, đạo đức, tấm gương sáng ngời và phong cách của Người luôn tỏa sảng và là niềm tin để nhân dân Thanh Hóa luôn cố gắng phấn đấu trở thành một tỉnh “kiểu mẫu”, đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực như niềm tin và sự mong mỏi của Người lúc sinh thời./.