Viết 200 chữ trình bày suy nghĩ về tác hại của việc phán xét người khác một cách dễ dàng

          Theo cấu trúc đề thi THPTQG những năm gần đây thì sự khác biệt lớn nhất trong câu hỏi phần làm văn là yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ thay vì một bài văn hoàn chỉnh. Câu hỏi nghị luận xã hội yêu cầu luận bàn về một vấn đề thể hiện qua một nhận định, một khái niệm, một bài học hay một thông điệp… được rút ra từ ngữ liệu phần Đọc hiểu

            Trong quá trình chấm bài của học sinh, thầy/cô tổ Ngữ văn trường THPT Đào Duy Từ phát hiện một số lỗi quan trọng về hình thức và nội dung như: dung lượng quá dài (tương đương một bài văn); câu chủ đề không rõ ràng hoặc thiếu câu chủ đề… không có dẫn chứng hoặc phân tích quá kĩ dẫn chứng; kể lể lan man hoặc nhắc lại các chi tiết trong ngữ liệu phần đọc hiểu…

Để giúp các em học sinh viết đúng hướng, đúng dung lượng, phù hợp về phân bổ thời gian cho đoạn văn nghị luận xã hội, cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng – tổ trưởng tổ Ngữ văn – lưu ý với các em những điểm sau

1.Về kĩ năng tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội

1.1. Về mặt hình thức:

– Đảm bảo có câu chủ đề (đặt đầu hoặc cuối đoạn văn)

– Các câu trong đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức. HS sử dụng linh hoạt các phép liên kết câu (phép lặp, phép nối, phép thế…)

– Không sai quá 3 lỗi chính tả, diễn đạt.

1.2. Về mặt nội dung: Đoạn văn đảm bảo hệ thống các ý sau

– Nêu vấn đề: Giới thiệu thẳng vấn đề mà đề bài yêu cầu (1 câu – câu chủ đề đoạn văn)

– Triển khai vấn đề:

+ Giải thích, chứng minh:

Giải thích ngắn gọn nội dung tư tưởng, đạo lí hoặc hiện tượng được đưa ra trong đề bài (2 – 3 câu)

Nêu biểu hiện cụ thể của tư tưởng, đạo lí hoặc hiện tượng (có thể nêu dẫn chứng liên quan nhưng không nên phân tích, bình luận sâu) (3 – 4 câu)

+ Bình luận:

Bày tỏ quan điểm của bản thân đối với vấn đề mà đề bài yêu cầu

Tranh biện với những quan điểm khác hoăc những mặt khác của hiện tượng (3 – 4 câu)

– Kết thúc vấn đề: Bài học nhận thức, hành động cho bản thân (2 – 3 câu)

2. Những lưu ý trong quá trình triển khai đoạn văn

– Đoạn văn nghị luận xã hội khác với bài văn nghị luận xã hội về mặt hình thức và yêu cầu mức độ nội dung.

+ Về mặt hình thức: học sinh không được xuống dòng trong quá trình triển khai đoạn văn. Dung lượng an toàn của đoạn văn 200 chữ là khoảng 2/3 trang giấy thi (tương đương khoảng 20 dòng viết tay)

+ Về mặt nội dung: Không yêu cầu học sinh phải triển khai kĩ càng tất cả các ý như trong kiểu bài đoạn văn nghị luận xã hội

– Học sinh tránh kể lể lan man hoặc nhắc lại những chi tiết trong ngữ liệu đọc hiểu, chép lại phần đọc hiểu “lắp ghép” vụng về vào đoạn nghị luận xã hội

– Trong phạm vi một đoạn văn ngắn, học sinh chỉ nên chọn một dẫn chứng tiêu biểu, điển hình, phù hợp; tránh kể lể những câu chuyện về bản thân, gia đình để làm dẫn chứng.

– Thời gian phù hợp để học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ là 20 – 25 phút/120 phút.

Viết 200 chữ trình bày suy nghĩ về tác hại của việc phán xét người khác một cách dễ dàng

3. Ví dụ minh hoạ

Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày quan điểm của anh/chị về hậu quả của việc “phán xét người khác một cách dễ dàng” (Đề thi thử THPTQG lần 5 trường THPT Đào Duy Từ)

            – Câu 1: Câu chủ đề:

Trong cuộc sống, nhiều người có thói quen phán xét người khác nhưng đã bao giờ họ nghĩ đến hậu quả của việc “phán xét người khác một cách dễ dàng” hay chưa?

            – Câu 2 -> Câu 7: Hậu quả của việc phán xét người khác một cách dễ dàng (Trình bày thực trạng và nêu dẫn chứng)

Những lời phán xét được thốt ra một cách dễ dàng thường thiếu đúng đắn, khách quan vì người thốt ra chúng chỉ dựa trên một khía cạnh nào đó với cái nhìn phiến diện, chủ quan. Với sự phát triển của mạng internet và các trang mạng xã hội, việc buông lời phán xét người khác càng trở nên dễ dàng hơn, gây ra những hệ luỵ không nhỏ trong mối quan hệ con người với con người. Người hay phán xét người khác một cách dễ dàng dần trở thành những con người ích kỉ, hẹp hòi, bị mọi người xa lánh. Người bị phán xét thiếu cẩn trọng thì bị tổn thương về mặt tinh thần (trầm cảm, stress,…) thậm chí có thể ảnh hưởng tới thể xác. Nhiều cô cậu học trò vì bị bạn bè phán xét mà dẫn đến xô xát, nhẹ thì khẩu chiến nặng thì huyết chiến. Đáng sợ hơn cả là những người nổi tiếng trong cộng đồng mạng hay trong đời sống xã hội, khi không chịu nổi những lời gièm pha ác ý, thiếu chính xác, họ đã chấm dứt sự sống của bản thân (U-Nee: nữ diễn viên kiêm ca sĩ Hàn Quốc tự sát tại nhà ngày 21/1/2007 vì những lời bình luận không hay trên mạng…)

            – Câu 8 –> Câu 10:  Bình luận

Có thể thấy, thực tế cuộc sống luôn có những người tự cho mình quyền phán xét người khác, phát huy triệt để khả năng “bới lông tìm vết”, khen thì ít mà chê thì nhiều. Chúng ta cần phân biệt sự khác biệt giữa sống có chính kiến: biết khen – biết chê với lối sống phán xét người khác một cách tuỳ tiện. Khi phán xét một  người nào đó ta cần có tấm lòng trong sáng, đức tính trung thực, chân thành, thẳng thắn góp ý như Tuân Tử từng nói: “người chê ta đúng là thầy của ta”.

            – Câu 10 –> Câu 11: Bài học cho bản thân:

Ai trong chúng ta cũng có thiếu sót, cũng có lúc buông lời phán xét người khác. Bởi vậy, hãy nhớ rằng: không nên tuỳ tiện phán xét người khác; bình tĩnh lắng nghe, tỉnh táo xử lí những lời phán xét về mình.

Chúc các em thành thục trong kĩ năng, mạch lạc trong tư duy, trong sáng trong diễn đạt, hoàn thành tốt nhất đoạn văn nghị luận xã hội!

Tổ Ngữ văn

Con người cao bởi chữ "nhẫn", quý ở chữ "thiện" và hơn nhau ở chữ "ngộ". Vạn vật nhờ nước tẩy rửa mà sạch sẽ, không tẩy tất sẽ ô uế. Vạn vật nhờ ánh mặt trời chiếu rọi mà tươi đẹp, không thì tất sẽ suy yếu. Vạn vật nhờ tĩnh lặng mà thanh sạch, không tĩnh tất sẽ hỗn loạn, không thật. Con người cũng vậy, sống trên đời phải thời thời khắc khắc, nhắc nhở bản thân tu dưỡng thành người thượng đẳng, cao quý!

    Cuộc sống vốn ngắn ngủi lắm, làm điều tốt đẹp chưa được bao nhiêu thì đừng làm điều xấu. Bạn sống thanh thản vui vẻ chẳng được bao lâu thì đừng mang khổ nghiệp vào thân.

    Càng trải nghiệm cuộc sống, chúng ta sẽ càng ngộ ra nhiều điều quý giá. Rồi bạn sẽ thấy: người được học nhiều khác xa với người ít học. Chỉ có những người kém hiểu biết thì mới có tính khinh người mà thôi. Và trong tất cả cái khổ thì khổ nhất là cái khổ vì thiếu hiểu biết.

    Con người cao bởi chữ "nhẫn", quý ở chữ "thiện" và hơn nhau ở chữ "ngộ". Con người cao ở “nhẫn”: Trong mọi việc đều có thể “nhẫn” thì phẩm chất sẽ tự nhiên cao. Con người quý ở “thiện”: Trong cuộc đời luôn tích đức, làm việc thiện thì mới là đáng trân quý. Con người hơn người khác ở chỗ “ngộ”: Một người có thể hiểu thấu nhân sinh thì mới là kiệt xuất, hơn người.

    Đời người, công danh lợi lộc chỉ như mây khói thoáng qua, có thể tiêu tan bất cứ lúc nào, duy chỉ có “tiếng thơm” là lưu truyền mãi mãi. Đừng bao giờ hạ thấp người khác để nâng mình lên, hãy khiêm tốn, cung kính, nâng người hạ mình thì người đó mới là đấng quân tử.

    Đừng phán xét ai cả. Đằng sau mỗi người đều có một câu chuyện và những vấn đề riêng mà chỉ có họ mới có thể hiểu hết. Bạn có thích người ta phán xét mình không? Nếu bạn không thích điều gì xảy ra với mình thì cũng đừng nên làm điều đó với người khác.

    Đừng xem thường ai khi họ chưa có gì bởi vì loài người thường lạ lắm, khi sa cơ không lời an ủi thì lúc thành công họ cũng không cần tiếng vỗ tay. Hãy tôn trọng và đối đãi tốt đẹp ngay cả khi họ chưa là gì, đó mới là lòng tốt thật sự.

    Đối với người thiện, người tốt thì phải cung kính, đối với người ác, người xấu thì phải nghiêm khắc. Đối với bạn thì phải độ lượng, đối với người tài thì phải khiêm tốn, đối với người hèn yếu thì phải khoan dung, giúp đỡ.

   Mọi việc trong đời, cần xét xem nên làm thì hãy làm, không nên làm thì không nên làm là được rồi. Đừng quá khắt khe, đòi hỏi ở người khác, những việc bản thân không muốn thì đừng áp đặt lên người khác. Đừng quá khắt khe với bản thân, những việc không muốn cũng đừng áp đặt bản thân, hãy để tự nhiên.

    Khi giận dữ, chính bạn sẽ là người phải gánh chịu hậu quả đầu tiên. Tha thứ là một trong những đỉnh cao của sự vĩ đại. Trời cao, biển rộng đến mấy cũng không mênh mông bằng tâm hồn con người.

    Khi hiểu được những điều trên, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc an lạc ngay trong thực tại. Giác ngộ khiến con người có thể cảm thấy sự an nhiên tận hưởng cuộc sống trong từng phút từng giây trôi qua, đối diện một cách giác tỉnh và đầy trí tuệ trong mọi hoàn cảnh thăng trầm cuộc sống.

Viết 200 chữ trình bày suy nghĩ về tác hại của việc phán xét người khác một cách dễ dàng

Nghị luận: “Đừng phán xét người khác một cách dễ dàng khi bản thân không hiểu gì về họ”

Phán xét, chê bai, hay chỉ trích người khác là thói quen của nhiều người Việt hiện nay. Nhiều người có thói quen phán xét người khác nhưng đã bao giờ họ nghĩ đến hậu quả của việc “phán xét người khác một cách dễ dàng” hay chưa?

Phán xét người khác là gì?

Phán xét người khác là nhận xét, xem xét, đánh giá người khác dựa trên những nhận thức chủ quan hoặc khách quan của bản thân. Phán xét người khác thừng là áp đặt suy nghĩ của mình một cách khiên cương, máy móc, ích kỉ và phiến diện đối với một ai đó.

Người hay phán xét người khác một cách dễ dàng thường dễ nói ra những lời khí nghe về người khác với thái độ chỉ trích, chê bai, đả kích. Họ ít khi có thiện cảm với công việc hoặc người, việc gì cũng nói được nhằm thể hiện ta đây biết hết.

Tại sao không nên phán xét người khác?

Việc phê phán hay nhận xét người khác một cách dễ dàng thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng khó lường. Những lời phán xét được thốt ra một cách dễ dàng thường thiếu đúng đắn, khách quan vì lời nói ấy chỉ dựa trên một khía cạnh nào đó với cái nhìn phiến diện, chủ quan. Bởi thế, nó gây ra mâu thuẫn, xung đột giữ họ và người khác dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Với sự phát triển của mạng internet và các trang mạng xã hội, việc buông lời phán xét người khác càng trở nên dễ dàng hơn, gây ra những hệ luỵ không nhỏ trong mối quan hệ con người với con người. Biết bao sự việc đau lòng đáng tiếc đã xảy ra chỉ vì người nói bất cẩn hoặc phán xét người khác một cách dễ dàng.

Người hay nhận xét, chê bai người khác một cách dễ dàng dần trở thành những con người ích kỉ, hẹp hòi, bị mọi người xa lánh. Người bị phán xét thiếu cẩn trọng thì bị tổn thương về mặt tinh thần (trầm cảm, stress,…) thậm chí có thể ảnh hưởng tới thể xác. Nhiều cô cậu học trò vì bị bạn bè phán xét mà dẫn đến xô xát, nhẹ thì khẩu chiến nặng thì bạo lực.

Đáng sợ hơn cả là những người nổi tiếng trong cộng đồng mạng hay trong đời sống xã hội, khi không chịu nổi những lời gièm pha ác ý, thiếu chính xác, họ đã chấm dứt sự sống của bản thân (U-Nee: nữ diễn viên kiêm ca sĩ Hàn Quốc tự sát tại nhà ngày 21/1/2007 vì những lời bình luận không hay trên mạng…)

Có thể thấy, thực tế cuộc sống luôn có những người tự cho mình quyền phán xét người khác, phát huy triệt để khả năng “bới lông tìm vết”, khen thì ít mà chê thì nhiều. Chúng ta cần phân biệt sự khác biệt giữa sống có chính kiến: biết khen – biết chê với lối sống phán xét người khác một cách tuỳ tiện. Khi phán xét một người nào đó ta cần có tấm lòng trong sáng, đức tính trung thực, chân thành, thẳng thắn góp ý như Tuân Tử từng nói: “người chê ta đúng là thầy của ta”.

Bài học nhận thức:

Ai trong chúng ta cũng có thiếu sót, cũng có lúc buông lời phán xét người khác. Bởi vậy, hãy nhớ rằng: Đừng phán xét người khác một cách dễ dàng; bình tĩnh lắng nghe, tỉnh táo xử lí những lời phán xét về mình.

Không ai trên thế gian này sinh ra đã trở nên hoàn hảo. Nếu bạn ghét bỏ con người vì sai lầm của họ, bạn sẽ cô độc trên thế gian này. Vậy nên hãy phán xét ít đi và yêu thương nhiều hơn. Chỉ có tình yêu thương mới khiến chúng ta thấy hạnh phúc.

  • Phán xét người khác
  • Sống đẹp