Vì sao Anh, Pháp Mỹ chậm tấn công Đức

Tình hình ở châu Âu vào mùa xuân năm 1939 cực xấu. Chính sách làm hài lòng mà Anh và Pháp theo đuổi, nhằm cố giữ cho trùm phát xít Adolf Hitler hòa bình bằng cách thỏa mãn lòng tham ngày càng tăng của y, đã thất bại hoàn toàn.

Các lãnh đạo Liên Xô (Stalin, Molotov, Voroshilov) đối diện với sự lựa chọn khó khăn vào năm 1939. Ảnh: Russianphoto.

Thủ tướng Anh khi đó là Neville Chamberlain và Thủ tướng Pháp Eduard Daladier “để cho” Đức thôn tính nước Áo, sau đó buộc Tiệp Khắc từ bỏ khu vực Sudetenland đông người Đức sinh sống và trao lại khu vực này cho Hitler.

Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau đó, vào tháng 3/1939, Hitler phá vỡ hòa ước và chiếm đóng nốt phần còn lại của Tiệp Khắc. Bây giờ thì đã rõ việc làm hài lòng Đức là không thể và khi ấy phương Tây mới cuối cùng chịu quay sang Liên Xô hợp tác.

Ẩn ý từ Stalin

Vài ngày trước khi quân Đức chiếm Tiệp Khắc, lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản nước này ở Moscow. Ông nói: “Các nước hiếu chiến đang phát động chiến tranh, vi phạm lợi ích của các nước không xâm lược, đặc biệt là Anh, Pháp và Mỹ... Chúng ta ủng hộ các quốc gia là nạn nhân của xâm lược và chiến đấu vì sự độc lập của các nước đó”.

Đây là dấu hiệu rõ ràng về việc Moscow đã sẵn sàng nói chuyện với các nước phương Tây, mặc dầu khi ấy Liên Xô vẫn coi họ là các quốc gia tư bản thù địch. Stalin hiểu rằng Liên Xô thực sự cần một liên minh với Anh và Pháp để thoát khỏi tình thế một mình đối đầu với toàn phe Trục (phe phát xít).

Hình thành một liên minh hai mặt trận chống lại Hitler vào năm 1939 dường như là một lựa chọn hợp lý để chặn y. Sau khi Hitler đã phỉ nhổ vào tất cả các thỏa thuận trước đó của chính y với Anh và Pháp bằng việc chiếm Tiệp Khắc, phương Tây cũng đã ý thức rõ sự nguy hiểm. Nhưng vẫn khó khăn trong việc xây dựng một liên minh, vì Anh, Pháp và nhất là các nước láng giềng của Liên Xô e sợ Stalin hơn cả Hitler.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ

Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách của các nước phương Tây. Ông ta đặc biệt ghét chủ nghĩa cộng sản. Chỉ riêng ý tưởng hợp tác với Stalin đã đẩy ông ta lùi lại. Trong một bức thư gửi bạn vào tháng 3/1939, ông viết: “Tôi phải thú nhận có sự thiếu tin tưởng sâu sắc đối với Nga. Tôi không tin chút nào vào khả năng của họ duy trì một cuộc tiến công hiệu quả, kể cả khi họ muốn vậy. Và tôi không tin động cơ của họ...”.

Trùm phát xít Đức Adolf Hitler bắt tay với Thủ tướng Anh Neville Chamberlain. Từ bỏ Tiệp Khắc là một trong các sai lầm lớn nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế của Anh. Ảnh: Getty.

Vì sao ông Chamberlain bướng bỉnh như vậy? Nguyên nhân không chỉ là quan điểm chống cộng của ông ta. Vấn đề nằm ở chỗ không có biên giới trực tiếp giữa Đức và Liên Xô vào mùa xuân 1939. Trong trường hợp Hồng quân Liên Xô phải đánh nhau với nước Đức Quốc xã, một trong hai nước Ba Lan và Romania sẽ phải để cho họ đi qua lãnh thổ của mình, mà điều này họ không muốn xảy ra.

Sử gia Oleg Budnitsky, giám đốc của Trung tâm Quốc tế về Lịch sử và Xã hội học Thế chiến 2, cho biết: “Thực sự thì Liên Xô có các tranh chấp lãnh thổ với cả Ba Lan và Romania. Do vậy, cả hai quốc gia đó lo sợ một khi quân Xô viết vào lãnh thổ của họ thì sẽ không chịu đi”.

Khi Anh và Pháp bảo đảm hỗ trợ cho Ba Lan và Romania thì Chamberlain không háo hức gây áp lực lên các đồng minh của mình. Tuy nhiên một bộ phận lớn công chúng Anh nghĩ cách khác: Thủ tướng tương lai của Anh là Winston Churchill đã có một phát biểu hùng hồn ở Thượng viện, tuyên bố “không có cách nào để duy trì một mặt trận phía đông chống lại sự xâm lược của Đức Quốc xã nếu không có sự hỗ trợ tích cực của Nga”.

Theo các cuộc điều tra quốc gia vào tháng 6/1939, 84% người Anh ưa thích một liên minh quân sự Anh-Pháp-Liên Xô. Do vậy Chamberlain và Daladier phải bắt đầu đàm phán một cách lưỡng lự với Stalin.

Những cuộc đàm phán không đủ đại diện cấp cao

Từ ngày 15/6 đến 2/8/1939, các đại diện của Anh, Pháp và Liên Xô tụ tập ở Moscow để quyết định về các điều khoản chính trị. Điều gì họ nhất trí được sau 2 tháng tranh luận? Theo dự án này, tất cả 3 cường quốc này sẽ bảo đảm hỗ trợ quân sự cho nhau và cho bất cứ quốc gia nào tiếp giáp với Đức (Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, và Bỉ) nếu bị Đức xâm lược.

Họ đạt được một thỏa thuận sơ bộ, nhưng khi đi đến màn đàm phán trực tiếp giữa các phái đoàn quân sự thì mọi thứ nhanh chóng sụp đổ. Phía Liên Xô có các đại diện cấp cao trong đàm phán, như Nguyên soái Kliment Voroshilov - Bộ trưởng Quốc phòng và chỗ thân thiết với Stalin. Trong khi đó, Anh và Pháp chỉ cử các quan chức quân sự cấp nhỏ tới Moscow, đó là Đô đốc Reginald Drax và Tướng Aimé Doumenc – các vị này không có thẩm quyền đưa ra bất cứ quyết định nào mà thiếu sự phê chuẩn của chính phủ của họ.

Kết cục tất yếu

Oleg Budnitsky cho biết: “Liên Xô đã kinh sợ khi thấy phương Tây có sự đại diện cấp thấp như vậy, nên Liên Xô không còn coi trọng các cuộc đàm phán đó lắm”.

Nguyên soái Liên Xô Kliment Voroshilov. Ảnh: Sputnik.

Các cuộc thương lượng ngừng ngay lập tức sau khi Voroshilov hỏi liệu Ba Lan và Romania có cho phép Hồng quân đi qua lãnh thổ của họ để chiến đấu chống Đức hay không. Drax và Doumenc không có thẩm quyền để trả lời một vấn đề có tính nguyên tắc như vậy. Dĩ nhiên Ba Lan và Romania không đồng ý.

Budnitsky nhận xét: “Stalin tin rằng các nước này chỉ là bù nhìn và Anh, Pháp sẽ buộc họ phải đồng ý. Nhưng thực tế phức tạp hơn thế, khiến London và Paris thất bại trong việc thuyết phục Warsaw tin rằng Liên Xô tốt hơn Đức”.Voroshilov thì nói: “Phái đoàn Liên Xô tính rằng nếu không có câu trả lời khẳng định đối với vấn đề này thì tất cả các nỗ lực bước vào một liên minh quân sự chắc chắn sẽ thất bại”. Thay vào đó, Voroshilov đã mời Drax và Doumenc tận hưởng thời gian của mình ở Moscow. Các cuộc đàm phán không có kết quả đã chính thức ngừng lại vào ngày 21/8/1939.

Chỉ hai ngày sau đó, Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop đến Moscow để ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau. Stalin mong muốn một thỏa thuận cụ thể với Hitler hơn là tiếp tục các cuộc nói chuyện vô ích với London và Paris./.

Những kế hoạch đầy sự điên rồ

Cuối năm 1944, trùm phát xít Đức Adolf Hitler và đế chế của ông ta bắt đầu bị vây hãm. Tại Italia, quân Đồng Minh tiếp tục tiến sâu vào trong lãnh thổ Italia. Trận đổ bộ vào Normandie (D-Day) đã diễn ra theo đúng kế hoạch và Paris được giải phóng vào cuối mùa hè 1944. Tại mặt trận phía Đông, Hồng quân Liên Xô đã chiếm lại Bucharest, Budapest và chẳng mấy chốc sẽ đến sát biên giới Đức.

Nhưng bất chấp những thất bại này, chính quyền phát xít vẫn tiếp tục phát triển công nghệ quân sự, kể cả khi cuộc chiến diễn biến xấu đi với chúng. Chỉ có điều tư duy và cách thức phát triển công nghệ quân sự đã trở nên khác lạ hơn rất nhiều.

Năm 1944, chính quyền phát xít lên kế hoạch gieo rắc nỗi kinh hoàng vào thẳng nước Mỹ, đánh trúng vào con tim, khối óc của người dân nước này. Khi ấy tại Châu Âu đã có những nơi hình thành cảm giác phẫn nộ nhằm vào Mỹ, bởi nước này cách xa “lục địa già”, gần như không bị ảnh hưởng từ chiến tranh. Vì sao người Mỹ có thể an toàn ngồi yên trong nhà, khi người dân Châu Âu và thế giới đang khốn đốn vì thế chiến?

Để thực hiện mục tiêu, phát xít Đức từng có kế hoạch chế tạo một chiếc máy bay ném bom tầm xa, đủ khả năng bay qua Đại Tây Dương và trở lại. Chiếc máy bay này sẽ đi tới New York, ném bom xuống thành phố rồi trở về. Tuy nhiên, kế hoạch nhanh chóng chết yểu do những hạn chế về kỹ thuật.

Không thể sử dụng máy bay, phát xít Đức chuyển sang nghiên cứu sử dụng tàu ngầm U-boat có gắn vũ khí tấn công hiện đại như bom bay V-1. Bom bay V-1 là một trong các vũ khí chiến lược chính được dùng trong cuộc tấn công London. Bom bay V-1 lần đầu được triển khai vào năm 1944 và người Đức thấy rằng, nó rất hiệu quả trong việc gieo rắc nỗi kinh hoàng lên dân thường ở xứ sở sương mù. Bom bay V-1 đi tới mục tiêu với tốc độ cao, nổ lớn và quá trình bay tạo ra những âm thanh đầy ám ảnh. Nó đẩy sự sợ hãi và hoang mang lên cực độ, trước khi thực sự gây thiệt hại.

Một kế hoạch đã được triển khai để lắp bom bay V-1 lên giá phóng rồi đặt trên tàu ngầm U-boat. Bom bay V-1 có tầm hoạt động hơn 180km và có thể được phóng từ sàn tàu ngầm V-1 khi nó nổi lên. Lính Đức có thể khai hỏa vũ khí ở cự ly an toàn, để nó bay vào New York rồi tẩu thoát. Trong ý tưởng của người Đức, nếu một đội tàu U-boat xuất hiện ngoài New York và cùng nhau tấn công vào đây, những quả bom bay chắc chắn sẽ gieo rắc kinh hoàng tới công chúng Mỹ và gây thiệt hại không nhỏ.

Lý thuyết là như vậy, nhưng bắt tay vào thực tế lại là câu chuyện khác. Những nhược điểm lớn nhất của bom bay V-1, như không chính xác và dễ bị đánh chặn, hóa ra chỉ là các vấn đề nhỏ. Trở ngại thực sự là người ta không biết làm cách nào để đưa bom bay lên tàu ngầm.

Dù đã có những tính toán kỹ lưỡng, cẩn thận nhưng cuối cùng phát xít Đức phải từ bỏ ý định. Nguyên nhân do không gian trong tàu U-boat quá hẹp, không đủ để chứa số lượng lớn bom bay phục vụ cho việc bắn nhiều quả đạn. Ngoài ra, tàu ngầm là một nền tảng phóng chưa được thử nghiệm khi ấy, việc đưa bom bay V-1 lên tàu ngầm là quá mạo hiểm. Đó là chưa kể tới việc bom bay V-1 nằm dưới sự quản lý của Không quân Đức và lực lượng này thì không có quan hệ tốt đẹp lắm với các đơn vị tàu ngầm.

Với việc kế hoạch sử dụng bom bay V-1 không đơm trái ngọt, đã xuất hiện những đề xuất mới trong những ngày tháng cuối cùng của năm 1944, gợi ý đưa tên lửa V-2 lên tàu ngầm để bắn phá nước Mỹ. V-2 là quả tên lửa tầm xa có điều khiển đầu tiên của thế giới, chắc chắn nó sẽ có thành tích tốt hơn V-1. Với đầu đạn nặng 1.000kg và tầm bắn 360km, tên lửa V-2 có cơ hội gây ra sự hủy diệt quy mô lớn và nỗi kinh hoàng cho kẻ thù, điều mà chính quyền phát xít mơ tới từ lâu.

Vấn đề duy nhất vẫn là quả tên lửa quá lớn để có thể gắn trên bất kỳ chiếc tàu ngầm nào mà Đức đang có. Cũng đã quá muộn để người Đức thiết kế lại các tàu ngầm của mình, giúp chúng chứa được tên lửa cỡ lớn như thế.

Vậy là thay vì gắn tên lửa lên tàu ngầm, chính quyền phát xít vạch ra ý tưởng chế một bệ phóng di động. Tên lửa V-2 sẽ được đặt trên bệ phóng này và tàu ngầm U-boat sẽ kéo nó xuyên qua Đại Tây Dương. Sau khi vào tầm bắn đã định, tàu ngầm sẽ nổi lên, thả binh lính thiết lập bệ phóng và bắn tên lửa vào các thành phố Mỹ một cách dễ dàng. Người Mỹ, do không có khả năng ngăn chặn tên lửa V-2 khi ấy, sẽ hoàn toàn bất lực trước đòn tấn công thông minh này của người Đức.

Kế hoạch này được thông qua vào tháng 11.1944. Có điều người Đức không biết rằng công tác tình báo và việc giải mã được các máy truyền tin Enigma đã giúp người Mỹ biết trước về ý định của họ.

Phát xít Đức đã có kế hoạch dùng bom bay V-1 phóng đi từ tàu ngầm để tấn công các mục tiêu ở Mỹ. Ảnh tư liệu, nguồn: Medium

Hàng rào thép trên biển khơi

Thực tế từ cuối năm 1944, tình báo của quân Đồng Minh bắt đầu thu nhiều tin tức về việc lực lượng tàu ngầm Kriegsmarine của Đức đang có kế hoạch dùng bom bay V-1 phóng từ tàu ngầm tấn công các thành phố ở phía Đông nước Mỹ.

Cụ thể vào tháng 9.1944, Oscar Mantel - một gián điệp bị Hải quân Mỹ - bắt sống trong điệp vụ xâm nhập Mỹ bất thành, khai với Cơ quan điều tra liên bang Mỹ rằng, vài tàu ngầm U-boat trang bị tên lửa đang được phát triển. Đầu tháng 12.1944, các gián điệp Đức William Curtis Colepaugh và Erich Gimpel - những kẻ bị bắt tại New York sau khi được tàu ngầm U-1230 đưa tới Maine thành công - khai với các điều tra viên rằng, Đức đang chế tạo một đội tàu ngầm có gắn rocket.

Để chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ phát xít Đức, Hạm đội Đại Tây Dương đã thảo ra một kế hoạch chi tiết nhằm bảo vệ bờ biển phía Đông. Kế hoạch này ban đầu được đặt tên là Chiến dịch Bumblebee, nhưng sau lại đổi thành Chiến dịch Teardrop. Kế hoạch hoàn tất công tác xây dựng vào ngày 6.1.1945, với nội dung sẽ huy động sự tham gia của nhiều đơn vị chống tàu ngầm thuộc Hải quân Mỹ cũng như các đơn vị khác của Không quân và Lục quân Mỹ - các bên chịu trách nhiệm bắn hạ máy bay và tên lửa tấn công.

Trung tâm của kế hoạch này là việc hình thành hai lực lượng chiến đấu trên biển với quy mô lớn, sẽ trực chiến tại khu vực giữa Đại Tây Dương, đóng vai trò rào cản chống lại các tàu ngầm tìm cách xâm nhập và tấn công bờ biển phía Đông. Các lực lượng chiến đấu nêu trên được hình thành từ 2 nhóm tàu sân bay hộ tống đang tồn tại, kết hợp với việc sử dụng các căn cứ hải quân tiền phương nằm ở Argentia và đảo Newfoundland. Trung tâm của mỗi lực lượng chiến đấu là hai tàu sân bay hộ tống, mỗi tàu mang theo hơn 20 máy bay tuần tra. Cho tới thời điểm ấy, các máy bay tuần tra chống ngầm đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc phát hiện và đánh chìm tàu ngầm U-boat.

Đi cùng 2 tàu sân bay này là hơn 20 khu trục hạm hộ tống. Ngoài việc được gắn radar âm (sonar), radar và trang bị máy bay tuần tra trên không, các tàu này còn có hệ thống chống ngầm Hedgehogs - một dàn phóng 24 liều nổ có thể phóng chụp xuống một diện tích lớn nằm cách tàu 200m. Không giống thùng nổ sâu, Hedgehogs chỉ phát nổ nếu nó va chạm với vỏ tàu ngầm. Một khi Hedgehogs phát nổ, đó là dấu hiệu cho thấy, nó đã đánh trúng mục tiêu và tàu ngầm thường sẽ bị tiêu diệt với chỉ 1 hoặc 2 trong 24 liều nổ. Tàu ngầm cực kỳ khó tránh một cuộc tấn công bằng Hedgehogs.

Tháng 3.1945, lực lượng Đồng Minh chặn được một tin nhắn gửi đi từ Đô đốc Eberhard Godt - Tư lệnh lực lượng tàu ngầm U-boat - ra lệnh cho 7 tàu ngầm tầm xa Type IX đang đóng ở Na Uy phải “tấn công các mục tiêu nằm ở bờ biển nước Mỹ”. 7 tàu này được đưa vào một đội tàu tấn công có tên Seewolf (Sói biển). Một tin nhắn khác cho thấy, chính quyền phát xít điều tới Mỹ một tàu U-boat nằm dưới quyền của thuyền trưởng Friedrich Steinhoff - người từng chỉ huy tàu U-511 tham gia thử nghiệm bắn rocket từ tàu ngầm khi nó đang lặn dưới nước vào năm 1942.

Hải quân tin chắc rằng, những dấu hiệu trên cho thấy một cuộc tấn công bằng tên lửa bắn đi từ tàu ngầm U-boat sắp diễn ra. Chính phủ Mỹ lập tức đưa Chiến dịch Teardrop đi vào hoạt đông, đồng thời điều chuyển tàu di chuyển trên biển tránh vùng chiến sự.

Tới ngày 12.4, các lực lượng trong Vành đai số 1 của Chiến dịch Teardrop đã thiết lập được một "đường rào" dài 160km trải dài từ phía bắc tới phía nam. Đường rào này thường xuyên quét đáy biển kiểm tra các tàu ngầm Đức đang tìm cách xâm nhập. Trên đường rào này có khoảng 12 tàu khu trục trực chiến, trong khi các tàu sân bay hộ tống và những tàu khác lui lại phía sau để hỗ trợ.

Trong khi đó, đội tàu ngầm Đức liên tục trao đổi với nhau về cách thức tiếp cận mục tiêu thông qua hệ thống Enigma. Các tin nhắn dĩ nhiên bị tình báo quân Đồng Minh chặn và giải mã hết, giúp Hải quân Mỹ biết trước các tàu ngầm này sẽ tiến vào từ khu vực nào.

Cần biết rằng, mỗi tàu ngầm Type IX hoạt động trên mặt nước nhờ hệ thống động cơ diesel cực mạnh. Tuy nhiên, khi lặn xuống nó phải dùng động cơ điện và thời gian lặn bị hạn chế ở mức tối đa 16 giờ. Khi lặn xuống, tàu cũng di chuyển với tốc độ rất chậm, chỉ khoảng 6km/h, trước khi hệ thống pin cạn kiệt. Vì thế, tàu ngầm Đức thường xuyên phải nổi lên vào ban đêm để di chuyển với tốc độ cao hơn, và để sạc lại bộ pin. Nhưng khi làm thế các con tàu đối mặt với rủi ro bị phát hiện.

Một chiếc tàu ngầm Type IX của Đức hoạt động ở Na Uy. Tổng cộng 10 tàu ngầm tầm xa Type IX đã được huy động trong chiến dịch tấn công bờ biển Mỹ, với 5 tàu bị đánh chìm. Ảnh tư liệu, nguồn: Wikipedia

Cái kết bi thảm của một nỗ lực tuyệt vọng

Đêm 15.4, thông qua hệ thống radar, khu trục hạm USS Stanton phát hiện tàu ngầm U-1235 nổi lên ở vị trí cách đảo Flores 800km. Tàu Stanton lập tức tổ chức tấn công bằng hệ thống Hedgehog, nhưng U-1235 đã lặn xuống và thoát chết.

Được sự hỗ trợ của khu trục hạm thứ hai là USS Frost, Stanton nhanh chóng phát hiện lại U-1235 bằng sonar và tổ chức thêm 3 đợt tấn công Hedgehog nữa. Vụ tấn công thứ bai, được thực hiện vào 0h 33 phút sáng 16.4, đã khiến U-1235 nổ tung dưới đáy biển, với toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Không lâu sau đó, tàu Frost lại phát hiện tàu ngầm U-880 bằng radar, khi con tàu này nổi lên mặt nước để cố tẩu thoát với tốc độ cao nhất. Frost đuổi theo U-880 và rọi sáng con tàu bằng pháo sáng cùng đèn pha. Nó cũng tấn công liên tiếp mục tiêu bằng pháo Bofors 40 mm từ cự ly 590 m vào lúc 2h 9 phút sáng 16.4. U-880 vội vã lặn xuống để tránh bị tấn công, nhưng nó vẫn bị các kỹ thuật viên điều khiển sonar của hai chiến hạm phát hiện. Hai con tàu thi nhau tổ chức các đợt tấn công Hedgehog nhằm vào U-880 với kết quả là Stanton đánh chìm mục tiêu vào lúc 4h 4 phút sáng.

Việc cả hai tàu ngầm bị tiêu diệt đều phát nổ lớn hơn nhiều so với bình thường sau khi trúng liều nổ Hedgehog khiến người Mỹ càng tin tưởng rằng, chúng mang theo tên lửa và nỗ lực hơn để săn lùng các tàu U-boat còn lại.

Lực lượng Vành đai số 1 di chuyển xuống phía Nam theo sau các cuộc chạm trán đầu tiên. Máy bay B-24 Liberator phóng đi từ tàu sân bay hộ tống phát hiện U-805 khi nó đang nổi lên mặt nước trong các đêm 18 và 19.4. Con tàu này khi ấy chỉ cách Vịnh Mission của Mỹ có 93km. Song chiếc B-24 đã không tấn công U-804 do trời tối nên không thể phân biệt đó là tàu địch hay ta.

Đêm 20.4, tàu U-546 dùng như lôi tấn công một khu trục hạm của Mỹ, nhưng không thành công. Đêm tiếp theo, U-805 bị khu trục hạm USS Mosley phát hiện, nhưng tẩu thoát thành công sau màn săn đuổi kéo dài 2 giờ đồng hồ, với vô số lần bị tấn công bằng thùng nổ sâu.

Đêm 21, ngày 22.4, lực lượng Vành đai số 1 thực hiện cuộc tấn công thành công cuối cùng. Ngay trước nửa đêm, tàu USS Carter phát hiện tàu ngầm U-518 bằng sonar. Con tàu này gọi thêm khu trục hạm USS Neal A. Scott tham gia săn lùng. Một đợt tấn công bằng Hedgehog do tàu Carter thực hiện đã đánh chìm U-518 cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.

Những tổn thất kể trên khiến Hải quân Đức phải điều các tàu ngầm còn sống sót trong đội Sói biển tới New York và Hamilton, đồng thời cử thêm 3 tàu U-boat đi tăng viện cuộc tấn công. Khi đó, lực lượng Vành đai số 2 đã được đưa vào cuộc, với số tàu tham chiến còn lớn hơn lực lượng ban đầu.

Đêm 23.4, một máy bay TBF Avenger của Vành đai số 2 đã phát hiện tàu U-881 và dùng thùng nổ sâu tấn công, nhưng đánh trượt. Sáng hôm sau, tàu U-546 dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Paul Just đang tìm cách tấn công tàu sân bay hộ tống USS Core thì bị khu trục hạm USS Frederick C. Davis phát hiện và ngăn chặn.

U-546 vội đổi mục tiêu, dùng ngư lôi tấn công USS Core. Một quả ngư lôi đã đánh trúng khu trục hạm này, bẻ gãy nó làm đôi, khiến 115 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Vụ việc khiến các khu trục hạm Mỹ nhanh chóng bao vây khu vực và dùng Hedgehod tấn công liên tiếp U-546 cho tới khi nó buộc phải nổi lên mặt nước. Con tàu ngầm Đức, khi ấy đã chịu hư hại nặng nề, bị các tàu Mỹ dùng pháo bắn nổ tung để trả thù vụ đánh chìm tàu Core.

Chiến dịch Teardrop chưa dừng lại ở đó. Ngày 5.5, sonar trên tàu khu trục hộ tống USS Farquhar phát hiện U-881 khi nó đang lặn dưới nước. Farquhar đã nhanh chóng tiến hành nhiều đợt tấn công bằng thùng chìm và tuyên bố U-881 đã phát nổ dưới lòng biển.

Ngày 8.5, phát xít Đức tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trong số nhiều tàu U-boat thông báo đầu hàng với quân Đồng Minh có tàu U-873 nằm dưới sự chỉ huy của Friedrich Steinhoff - người từng tham gia cuộc thử nghiệm phóng rocket từ tàu ngầm. Thông qua việc điều tra Steinhoff và thủy thủ đoàn của ông ta, người Mỹ phát hiện rằng phát xít Đức chưa thể gắn tên lửa vào bất kỳ tàu U-boat nào. Các giàn rocket cỡ nòng 300mm mà Steinhoff thử nghiệm trong năm 1942 cho thấy, tầm bắn của chúng quá ngắn và có độ chính xác kém, làm giảm năng lực chiến đấu của các tàu U-boat, khiến dự án bị từ bỏ hoàn toàn. Lực lượng tàu ngầm Đức tăng cường tấn công vào Mỹ chỉ để giảm bớt áp lực nhằm vào các hoạt động tàu ngầm tại Châu Âu mà thôi.

Nhưng dù không thể gắn tên lửa lên tàu ngầm, ý tưởng của người Đức vẫn thu hút sự chú ý của các chuyên gia quân sự Mỹ. Thay vì bỏ đi, quân đội Mỹ đã sử dụng ý tưởng cũng như thông tin thu được từ người Đức để phát triển các tàu ngầm trang bị tên lửa có điều khiển của riêng họ. Sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1947, Mỹ đã phóng thành công một loạt bom bay V-1 từ tàu ngầm của họ cho thấy, người Đức hoàn toàn có thể làm điều tương tự nếu như họ có thêm vài tuần hoặc vài tháng nghiên cứu, thử nghiệm nữa.

Nỗi sợ từ việc kẻ thù tương lai có thể làm chủ công nghệ phóng tên lửa từ tàu ngầm và đe dọa an nguy của Mỹ đã khiến giới chức nước này đẩy mạnh chương trình tàu ngầm. Sau đó không lâu, các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chứa đầu đạn hạt nhân đã xuất hiện. Những con tàu hiện đại này - các bóng ma trên biển - có khả năng tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ từ bất kỳ nơi nào trên toàn cầu và mỗi quả tên lửa của chúng khi đến đích có thể xóa sổ nhiều thành phố. Nỗi kinh hoàng từ một cuộc tấn công chết chóc như thế đã góp phần tạo nên quan hệ vừa lạnh nhạt vừa căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh.

Cho tới tận hôm nay, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân vẫn là một thành phần chủ chốt trong chân kiềng răn đe hạt nhân mà nhiều cường quốc đang sở hữu. Có điều ít người biết và nhớ rằng ý tưởng tổ chức tấn công, tàn phá cả một thành phố lớn bằng vũ khí hiện đại, bắn đi từ điểm an toàn nằm cách xa mục tiêu, lại là của phát xít Đức - một ý tưởng đã vĩnh viễn thay đổi thế giới của chúng ta.

Video liên quan

Chủ đề