Văn hóa việt nam từ 1986 đến nay năm 2024

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng

(Từ ngày 15 đến ngày 18.12.1986)

Đại hội đã mở đầu công cuộc đổi mới

Với mục tiêu tổng quát: Ổn định tình hình kinh tế - xã hội bao gồm ổn định và phát triển sản xuất, ổn định phân phối, lưu thông, ổn định và cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, tăng cường hiệu lực tổ chức quản lý, thiết lập trật tự, kỷ cương và thực hiện công bằng xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng

(Từ ngày 24 đến ngày 27.6.1991)

Đại hội tiếp tục chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhằm đưa đất nước đi vào thế ổn định và phát triển. Văn hóa mặc dù được quan tâm phát triển, nhưng chưa được xem là vấn đề trọng tâm.

Một trong những phương hướng cơ bản của “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”:

Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.

Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao.

Chống tư tưởng, văn hoá phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng

(Từ ngày 28.6 đến ngày 1.7.1996)

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nghị quyết khẳng định:

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng

(Từ ngày 19 đến ngày 22.4.2001)

Nghị quyết Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định:

Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mọi hoạt động văn hoá nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các chương trình hành động phải được triển khai đồng bộ, chú trọng:

Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

"Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hoá", phong trào "Người tốt, việc tốt", làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người,

Hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi trụy, độc hại.

Nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng

(Từ ngày 18 đến ngày 25.4.2006)

Đại hội X của Đảng với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, những yêu cầu về tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế.

Bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam.

Phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ của nhân dân trong đời sống văn hoá.

Đa dạng hoá các hình thức hoạt động của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

(Từ ngày 12 đến ngày 19.1.2011)

Đại hội XI của Đảng khẳng định phương hướng:

Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ.

Làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, coi con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

(Từ ngày 21 đến ngày 28.1.2016)

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thực hiện sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các chính sách kinh tế - xã hội từ Trung ương đến các địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có bước chuyển biến quan trọng.

Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người.

Bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên.

Mục tiêu được đề ra là:

Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

(Từ ngày 25.1 đến ngày 2.2.2021)

Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa trong điều kiện mới.

Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Xây dựng, phát huy yếu tố văn hoá để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

Khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên.

Với định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Chủ đề