Văn hóa người hoa ở thành phố hồ chí minh năm 2024

Cộng đồng người Hoa xa xưa khi di dân đến vùng đất mới Sài Gòn - Gia Định cũng đã thành lập những nơi sinh hoạt cộng đồng. Điều này nhằm để thiết lập, bảo tồn các mối quan hệ kinh tế - xã hội - văn hóa khi xa rời cố hương, vì mục đích mưu sinh tại vùng đất khách. Thay vì tên gọi “chợ”, những cơ sở sinh hoạt cộng đồng này được đồng bào người Hoa đặt tên là “hội quán”.

Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 30 hội quán lớn nhỏ, hầu hết đều có lịch sử lâu đời. Trong đó, một số hội quán nổi tiếng được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Số khác xây dựng vào cuối thế kỷ XIX hoặc gần nhất cũng là đầu thế kỷ XX. Các hội quán phân bổ rộng khắp thành phố, nhưng tập trung đông đúc và được nhiều người biết đến nhất là trên địa bàn quận 5, một phần quận 6, quận 8 và quận 10…

Về kiến trúc, các hội quán của người Hoa thường được sơn màu đỏ, vì trong quan niệm của họ, màu đỏ là màu của may mắn và hạnh phúc. Hệ mái thường được dựng thành nhiều lớp chồng lên nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Những phong cách kiến trúc của từng hội quán người Hoa cũng được tạo tác và trang trí theo những mô thức truyền thống của từng nhóm ngôn ngữ tạo nên nét đặc sắc riêng.

Một trong số hội quán lâu đời và nổi tiếng điển hình của đồng bào người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh phải kể đến như: Hội quán Phước An, dân gian hay còn gọi là Chùa Minh Hương, tọa lạc tại đường Hồng Bàng, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Hội quán có khuôn viên gần 1.000 m2 hiện lên như một khoảng lặng giữa khu vực thương mại sầm uất bậc nhất phía Tây - TP. Hồ Chí Minh. Hội quán do nhánh người Hoa Minh Hương xây dựng từ năm 1865, đến năm 1902, công trình được xây dựng lại với quy mô như ngày nay.

Hội quán Phước An được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh, Nghĩa An là hội quán cổ có kiến trúc hoa mỹ bậc nhất của người Hoa ở vùng đất Chợ Lớn. Nghĩa An vốn là tên một vùng đất thuộc Quảng Đông, Trung Quốc. Trong quá trình di cư, một bộ phận lớn người Hoa đến từ vùng Nghĩa An đã phát triển thành một cộng đồng đông đảo ở đất Chợ Lớn. Họ đã lập ra Hội quán Nghĩa An làm nơi hội họp, thờ cúng và thể hiện văn hóa tâm linh của mình. Do vị thần được thờ chính trong hội quán là Quan Công, nên Hội quán Nghĩa An còn có tên miếu Quan Đế hay chùa Ông.

Hội quán Nghĩa An được xây dựng từ trước thế kỷ 19, công trình đã được trùng tu lớn vào các năm 1866, 1901, 1969, 1984 và mới đây nhất là vào năm 2010.

Không chỉ mang phong cách kiến trúc Phúc Kiến độc đáo, Hội quán Hà Chương ở Chợ Lớn còn là nơi sở hữu những kiệt tác điêu khắc đá cổ có một không hai. Hội quán do những người Hoa gốc phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến xây dựng làm nơi hội họp, sinh hoạt tín ngưỡng. Diện tích khuôn viên hội quán khoảng 1.500 m2 được xây dựng theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, đá, gạch, ngói. Kỹ thuật tạo dáng mái và trang trí Hội quán Hà Chương mang nét đặc trưng của nhóm người Hoa Phúc Kiến với các đỉnh mái võng xuống, còn các đầu đao, đầu đỉnh mái thì cong vút tạo cho hội quán có dáng một con thuyền.

Được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, theo các văn bia, tên hội quán được đổi là Hà Chương từ năm 1848 thay cho tên cũ là Thương Châu.

Hội quán Tuệ Thành, hay còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP. Hồ Chí Minh vừa là hội quán, vừa là ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa - Quảng Đông, được xây dựng vào năm 1760. Từ đó đến nay, đã được trùng tu nhiều lần. Hội quán Tuệ Thành thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng một số hiện vật quý trong miếu.

Ngày 07/01/1993 Hội quán Tuệ Thành được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Mặc dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, mang trong mình nhiều biến động của thời cuộc các hội quán của người Hoa vẫn ở đó, góp phần vào sự hình thành và phát triển bản sắc độc đáo của 54 dân tộc Việt Nam. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh hoa lệ, các hội quán còn là biểu tượng như một nét chấm phá trong bức tranh phồn hoa, một nốt trầm đắt giá trong bản ngân nga của nhịp sống.

Quá trình cộng cư với các cộng đồng dân tộc trên vùng đất Nam Bộ, văn hóa Hoa đã có sự thẩm thấu, hội nhập, tiếp nhận và giao lưu với các văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer và các dân tộc anh em khác.

Hiện nay, người Hoa ở Việt Nam tập trung sinh sống ở TPHCM và các tỉnh Nam Bộ. Về mặt lịch sử, những lưu dân Trung Hoa tìm đến Việt Nam từ khá sớm, ít nhất cũng từ đầu Công nguyên.

Cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ mới được hình thành cách nay hơn ba thế kỷ, đa số người Hoa đến Nam Bộ là những cư dân Trung Hoa có nguồn gốc cư trú ở duyên hải phía Nam Trung Quốc và quá trình nhập cư vào Nam Bộ kéo dài nhiều thế kỷ. Người Hoa ở Nam Bộ, cùng với người Khmer, người Việt là những cộng đồng cư dân đã tham dự công cuộc khai khẩn vùng đất Nam Bộ từ rất sớm, khi vùng đất này hãy còn hoang hóa.

Hơn ba thế kỷ qua, cũng là thời gian để định hình một văn hóa của người Hoa ở Nam Bộ. Đất Nam Bộ cũng là quê hương của người Hoa, và những cộng đồng cư dân các dân tộc cùng cộng cư với người Hoa là những anh em bà con ruột thịt. Quả thật, không chỉ là một cách nói hình tượng, mà thực tế ở Nam Bộ là như vậy, người Hoa đã trải qua bao đời chung sống với người Việt trong các thị trấn, thị tứ, xóm ấp, với người Khmer trong các phum, sóc, ruộng vườn, đã có quan hệ hôn nhân với nhau và những thế hệ con lai đã ra đời. Ở đây, nhiều người Hoa, Khmer, Việt có thể sử dụng khá thành thạo hai hoặc ba ngôn ngữ trong số các ngôn ngữ Hoa (các nhóm địa phương), Việt, Khmer...

Trong quá trình giao lưu văn hóa với các cộng đồng cư dân Việt, Khmer ở Nam Bộ, người Hoa không chỉ nhận, mà còn góp vào sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt, Khmer..., hình thành những đặc điểm của vùng văn hóa Nam Bộ của Việt Nam. Những cư dân người Hoa đến Nam Bộ đã trực tiếp ảnh hưởng đối với văn hóa của cư dân đang sinh sống ở đây.

Trong số những lưu dân người Hoa đến Nam Bộ, có không ít thợ thủ công và cả những nghệ nhân tài giỏi. Những thợ thủ công người Hoa này đã góp vào sự hình thành các trung tâm sản xuất gốm sứ ở Biên Hòa, Bình Dương, Chợ Lớn, các làng nghề như Xóm Vôi, Chợ Thiếc, Xóm Cải, v.v... Những hoạt động sản xuất thủ công này không đơn thuần mang tính kinh tế mà còn cả những yếu tố văn hóa như các cơ sở gốm sứ của người Hoa. Gốm sứ của người Hoa đã góp phần làm cho gốm sứ của Nam Bộ phát triển và mang những nét riêng so với các vùng ở Việt Nam. Không chỉ nghề gốm sứ mà nhiều nghề thủ công khác như thuộc da, thủy tinh, kim hoàn, nhất là ngành đông y dược,... cũng đã góp phần vào sự đa dạng của văn hóa, kinh tế của vùng đất Nam Bộ xưa và nay.

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở TPHCM.

Những đóng góp, ảnh hưởng của văn hóa Hoa đối với văn hóa của các cư dân ở Nam Bộ cũng thể hiện khá rõ nét và khá đa dạng, trước hết là trên phương diện văn hóa vật chất như ăn, ở, mặc, có thể kể ra rất nhiều yếu tố văn hóa Hoa trong văn hóa Nam Bộ. Đó là những phố cổ của người Hoa hiện đang tồn tại ở TPHCM trên địa bàn Quận 5, Quận 6. Những khu phố của người Hoa với những sắc màu riêng trong không gian của TPHCM. Đó là những kiến trúc các miếu đền của người Hoa với một phong cách riêng ở TPHCM và nhiều tỉnh Nam Bộ. Những kiến trúc tôn giáo của người Hoa cũng đã ảnh hưởng không ít đến kiến trúc các tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt và người Khmer.

Ngôi chùa cổ hơn 250 năm của người gốc Hoa ở TPHCM.

Người Hoa đã đến Nam Bộ với một hành trang của các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, nếp sống truyền thống của văn hóa Trung Hoa, và đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống của văn hóa các cộng đồng cư dân ở Nam Bộ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng việc truyền bá Nho giáo như kiểu của họ Mạc ở Hà Tiên là một thí dụ, đó là một thứ Nho giáo đã địa phương hóa, hoặc Nam Bộ hóa. Đó là văn hóa truyền thống của một số địa phương vốn từ Trung Hoa đã có những thay đổi và chọn lựa cho thích ứng với vùng đất và cư dân Nam Bộ. Cũng vậy, người Hoa đã đem đến vùng đất Nam Bộ tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu, Ngũ Hành nương nương, v.v... đã được các cộng đồng cư dân Việt, Khmer, Chăm dễ dàng chấp nhận và bổ sung vào các vị nữ thần vốn có của mình như bà Chúa Xứ, Bà Đen, v.v... Những thương nhân người Việt cũng đã chấp nhận việc thờ cúng thần tài, ông địa của người Hoa, với niềm hy vọng cho công cuộc kinh doanh, sản xuất của mình. Bàn thờ Thiên của người Hoa, nay đã phổ biến trong các gia đình của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long...

Quá trình cộng cư với các cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Nam Bộ, văn hóa Hoa đã có sự thẩm thấu, hội nhập, tiếp nhận và giao lưu với các văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer và các dân tộc anh em khác. Quá trình đó đã giúp các dân tộc hiểu hơn về người Hoa và người Hoa hiểu thêm về các cộng đồng cộng cư. Từ đó mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa người Hoa với các dân tộc ở Nam Bộ ngày càng mật thiết, bền chặt hơn. Văn hóa của người Hoa ở Nam Bộ là một phần trong tài sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.

Ngày nay, bà con người Hoa cùng các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa đang bước vào một thời kỳ lịch sử mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn hóa của người Hoa đang được bảo tồn và phát huy, là sự góp vào nguồn lực phát triển vùng đất Nam Bộ trong hiện tại cũng như trong tương lai.

TTVH (Theo NLĐ)

Chủ đề