Tiêu chí đánh giá sử dụng thuốc hợp lý

Sử dụng thuốc hợp lý là vấn đề quan trọng của bất kỳ nền y tế nào trên thế giới, kể cả ở các nước phát triển. Trong bối cảnh các thuốc phát minh mới ra đời liên tục và nhanh chóng, vấn đề đặt ra cho các bên liên quan là vừa đảm bảo chi phí hiệu quả, vừa đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động này.

Ông Bertrand Lortholary, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam đã nhấn mạnh tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Pháp - Việt "Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý" do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Nhóm y tế Pháp tại Việt Nam (FHV) và Hiệp hội các công ty dược phẩm Pháp (LEEM) tổ chức cuối tuần qua. Hội thảo là hoạt động đầu tiên của nhóm y tế Pháp tại Việt Nam (thành lập theo sáng kiến của các đơn vị công lập Pháp), nhằm phát triển quan hệ hợp tác Pháp - Việt Nam trong lĩnh vực y tế.

Theo ông Stanislas Carmart, đại diện Nhóm y tế Pháp tại Việt Nam, vấn đề khó khăn mà các nước trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển như Pháp gặp phải, đó là làm thế nào để có được phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho số đông người bệnh trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn.

Chia sẻ những vấn đề mà ngành y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phải đối diện trong sử dụng thuốc, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, hiện nay, Việt Nam có tỉ lệ chi thuốc trên tổng chi phí khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng cao hơn so với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Năm 2016, số chi cho thuốc từ Quỹ Bảo hiểm y tế là trên 32.500 tỉ đồng (chiếm 43% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế); năm 2017 là 34.500 tỉ đồng (chiếm 40% tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế), trong đó nhóm thuốc kháng sinh chiếm tỉ lệ khoảng 30% tổng chi thuốc, nhóm thuốc Insulin và hạ đường huyết chiếm khoảng 6% tổng chi thuốc. "Vì vậy, tác động của chính sách, quá trình mua sắm, lựa chọn sử dụng thuốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với mục tiêu vừa đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu điều trị, vừa đảm bảo hiệu quả công tác quản lý quỹ Bảo hiểm y tế là rất lớn", ông Sơn nhận xét.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này. Đơn cử: danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam tương đối rộng và chỉ được xây dựng theo tên hoạt chất với 1.064 thuốc. Không quy định theo tên biệt dược, không quy định nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế cụ thể như danh mục của nhiều nước.

Chưa kể, ngành y tế Việt Nam vẫn đang trong tình trạng sử dụng thuốc chưa hợp lý, hiệu quả điều trị chưa rõ ràng. Thuốc hỗ trợ, thuốc nhóm vitamin hiện vẫn được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với chi phí lớn. Hệ thống thông tin về thuốc còn hạn chế, việc tra cứu sử dụng còn gặp khó khăn, không có nguồn tin chính thống.

Cung cấp thêm về những khó khăn mà hầu hết các nước đang gặp phải (trong đó có Việt Nam), ông Eric Baseilhac, Giám đốc Đối ngoại và Quan hệ quốc tế của LEEM phân tích: có 3 cuộc cách mạng cùng diễn ra trong lĩnh vực y tế (công nghệ, công nghệ số, xã hội), khiến chi phí y tế đang ngày càng tăng.

Cụ thể, công nghệ y tế phát triển giúp ngày càng nhiều bệnh mãn tính, các khuẩn mới được khống chế, điều trị thành công. Đặc biệt, "quyền lực" của người bệnh ngày càng tăng với nhu cầu được chăm sóc sức khỏe ở mức cao hơn...

Do đó, ông Eric Baseilhac nhấn mạnh, cần phải đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống y tế đảm bảo điều trị và quản lý chi phí tối ưu. Việc kết nối các bên và thu thập dữ liệu sẽ tối ưu hóa việc lựa chọn phương pháp và lộ trình điều trị cho bệnh nhân. Riêng về chi phí thuốc, có thể chuyển đổi từ những tiết giảm chi phí nhanh chóng sang áp dụng các công cụ tiết kiệm một cách căn cơ hơn, liên quan đến cải thiện việc kiểm soát bệnh tật.

Chuyển đổi từ phương thức kiểm soát giá và số lượng sang phương thức quản lý theo chất lượng (chất lượng kê đơn thuốc, chất lượng sử dụng thuốc bởi bệnh nhân, tiết kiệm chi phí liên quan tới tuân thủ điều trị). Bên cạnh đó, điều tiết chi phí bằng các cơ chế về giá dựa trên đánh giá hiệu quả điều trị của thuốc; tối ưu hóa việc kê đơn thông qua hướng dẫn, hợp đồng giữa cơ quan bảo hiểm y tế với dược sĩ; điều tiết bằng dùng thuốc phù hợp với từng nhóm bệnh, nhóm tuổi...

Khẳng định lại quan điểm đã được các chuyên gia Pháp chia sẻ, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, chương trình này chỉ thành công nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Các cơ sở y tế, thầy thuốc phải cùng đồng hành trong việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả, tạo nguồn, tạo cơ sở để hỗ trợ cho số đông người bệnh, kể cả các bệnh hiếm gặp mà đại bộ phận là người nghèo.

Nói thêm về nhóm bệnh nhân mắc những bệnh hiếm gặp hiện chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ, ông Sơn cho rằng đó chính là lời giải của bài toán "sử dụng thuốc an toàn, hợp lý". Ông Sơn dẫn chứng, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, nhóm thuốc vitamin và bổ trợ đang chiếm tỉ lệ lớn với khoảng trên 1.250 tỉ đồng. Trong khi đó, nhóm thuốc này được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên đưa vào chi trả bảo hiểm y tế.

"Bản chất của bảo hiêm y tế là điều tiết và chia sẻ. Nếu có thể tiết kiệm được 500 tỷ đồng đang chi trả cho những chỉ định thuốc không thực sự hiệu quả và cần thiết, thì có thể chi trả cho 10 trường hợp bệnh hiếm đang có chi phí khổng lồ như trên. Thực hiện tốt nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, Quỹ Bảo hiểm y tế của Việt Nam hoàn toàn có khả năng chi trả cho cả những căn bệnh hiếm, chi phí cao", ông Sơn nhấn mạnh.

Chủ đề