Thuyết trình về tranh Đám cưới chuột

Thuyết trình về tranh Đám cưới chuột

Tuyến trên, phía góc phải là một con mèo béo mập ngồi bệ vệ đầy sức mạnh về quyền uy, ba chân bất động, miệng ngậm, đuôi vắt cụp về phía trước, chỉ có một chân trước nhẹ nhàng giơ lên để nhận lễ vật. Ðối diện mèo là một đoàn bốn con chuột (3 già, 1 trẻ) đi thành hàng dọc trịnh trọng. Chuột già nhất đi đầu bê một con chim bồ câu béo nục, kính cẩn dâng lên trước mặt mèo. Chuột thứ hai xách cá chép to nặng trĩu. Tiếp sau là hai con chuột vừa đi, vừa thổi kèn tò te. Rõ ràng đây là một đoàn chuột “ngoại giao” mang lễ vật hậu hĩnh đi thương thuyết, cầu xin mèo cho tổ chức đám cưới.

Tuyến dưới là một đám rước dâu gồm 8 con chuột diễn ra rầm rộ nhưng không khỏi thấp thỏm, lo lắng. Dẫn đầu là chú rể đội mũ cánh chuồn, áo quần bảnh bao, cưỡi ngựa hồng. Sau đuôi ngựa là chú chuột đen lực lưỡng cầm lọng che. Tiếp đến là chuột vác tấm biển “đón dâu” thật to. Cô dâu mặc áo dài đen gấm hoa, đầu chít khăn nhung đen, tóc bỏ đuôi gà, mặt đỏ hồng hào, chễm chệ ngồi trong kiệu gỗ uy nghi, sang trọng do 4 chú chuột khiêng vai. Hai chú chuột đi cuối đoàn luôn quay đầu quan sát xem có gì biến động trong cùng thời gian đàm phán với mèo.

Cái hay của bức tranh “Ðám cưới chuột”, dường như lại nằm ngoài bức tranh.

Ðó là theo cách hiểu của người xem:

CÁCH 1: MÔ TẢ TÔN TI TRẬT TỰ XÃ HỘI

Kẻ mạnh thống trị kẻ yếu, kẻ lớn áp bức, bóc lột kẻ bé! Con mèo tượng trưng cho sức mạnh của chúa tể. Ðám cưới chuột phải răm rắp phục tùng, nếu muốn được yên tâm. Mèo bắt nạt chuột. Chuột lại bắt nạt chim, cá nhỏ bé yếu hơn. Ngay trong cộng đồng chuột cũng không hề có bình đẳng: Kẻ giàu mạnh thì cưỡi ngựa, ngồi kiệu. Kẻ nghèo hèn phải è lưng vác kiệu, vác lọng theo hầu. Ðây là trật tự,  kỷ cương trong một xã hội không có nhân quyền.

CÁCH 2: CHUNG SỐNG HÒA BÌNH

Xưa nay, mèo là thiên địch của chuột! Ðối với chuột, mèo là nỗi khiếp sợ, là hiểm họa truyền kiếp! Mâu thuẫn mèo - chuột, là mâu thuẫn một mất, một còn. Thế mà ở đây, mâu thuẫn ấy đã chấm dứt, chúng đã cùng nhau chung sống hòa bình! Mèo ngồi tiếp chuột trong tư thế rất hữu nghị, hiền lành. Trước mặt mèo, là cả họ hàng nhà chuột rầm rộ, ngang nhiên rước dâu giữa ban ngày, ban mặt với ngựa, xe, biển, lọng rợp trời, kèn thổi inh ỏi. Hình ảnh mèo hiện diện ở đám cưới như một vị chủ hôn, một người ông thân yêu. Bức tranh như một câu thần chú, nhắn nhủ thập loại chúng sinh hướng thiện! Như một ước mơ nhân ái về một xã hội xóa bỏ hận thù, để tất cả được chung sống hòa bình, hạnh phúc.

CÁCH 3: TỐ CÁO NẠN HỐI LỘ

Ðám cưới chuột như một bản án phanh phui nạn hối lộ trầm trọng, xảy ra ngay cả trong thế giới loài vật.

Mèo là con vật có ích, chuột là loài ăn hại! Xưa nay, mèo được con người tin yêu, nuôi nấng tử tế để làm công việc vẻ vang là diệt trừ chuột. Chuột là kẻ thù nguy hiểm của loài người, chúng tiêu hủy biết bao lương thực, thực phẩm, tài sản khác, lại còn sinh lắm dịch bệnh. Từ lâu, mèo như một chiến sĩ mẫu mực để giữ gìn trật tự, kỷ cương, bảo vệ tài sản cho xã hội.

Với sự cám dỗ của lễ vật, mèo đã bán mình. Một con chim béo, một con cá to đã mua được mèo. Mèo đã đồng lõa với chuột, ngồi yên cho chuột muốn làm gì thì làm. Trớ trêu thay! Mèo đã trở thành tên lính gác bảo vệ hạnh phúc cho chuột, để sau này sinh con đẻ cái đầy đàn, phát triển giống nòi. Thử hỏi sẽ tăng thêm không biết bao nhiêu tai họa cho xã hội? Nạn nhận hối lộ đã làm mèo tối mắt, đánh mất lương tâm, nhân cách, dẫn đến thoái hóa, biến chất, phản bội loài người.

Bức tranh “Ðám cưới chuột” như một bài thơ ngụ ngôn hài hước, hóm hỉnh, thâm thúy, sâu sắc để bao đời suy nghĩ.

Trong dòng tranh Đông Hồ có một tấm tranh được đề tên khác nhau “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy”.


Thoáng nhìn tờ tranh "Trạng chuột vinh quy” hay “Đám cưới chuột", ta thấy bức tranh diễn tả một đám rước đầy đủ kèn trống, cờ quạt, lễ vật. Đám rước tiến hành trong không khí trang nghiêm,nhưng rất vui.


Giữa đoàn rước là hai nhân vật chính: "Chuột anh" mũ mãng, cân đai chỉnh tề, cưỡi ngựa hồng đi trước, "Chuột nàng" ngồi kiệu theo sau.


Sừng sững giữa đường, một lão mèo già hung dữ ngồi cản lối, giơ vuốt dọa nạt. Tùy theo trong tranh có chữ nghênh hôn, chú rể, hay tiến sĩ, vinh quy người ta gọi là tranh “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy”.

Nhìn sâu trong nét vẽ ta nhận thêm rằng họ nhà chuột vẫn có vẻ lo sợ, thấp thỏm, ngơ ngác, mắt lấm la lấm lét nhìn trước nhìn sau.Trên bức tranh có đề mấy hàng chữ :

Thử bối đệ ngư: chí, chí, chí nghĩa là đàn chuột dâng cá kêu chí, chí, chí.

Miêu nhi thủ lễ: mưu, mưu, mưu nghĩa là chú mèo giữ lễ kêu meo, meo, meo.

Lại có hàng chữ nôm ở góc trái phía trên:

Tác lạc nghĩa là làm vui


Khôn khôn khôn đã có dễ
Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời


Tổng thể tấm tranh toát lên việc họ nhà chuột muốn được yên thân thoát khỏi nanh vuốt "mèo già", đã phải trịnh trọng kèn trống rước lễ vật chim câu béo, cá chép to dâng biếu chú mèo đang vểnh râu, trừng mắt ngồi chờ. Tính độc đáo của tranh là biểu hiện sự chống đối tích cực của nhân dân về tệ nạn tham ô, ăn đút lót của bọn thống trị, là tiếng cười hóm hỉnh mỉa mai sâu cay của nhân dân lao động mặc dù trong tranh không chú thích cụ thể về ý đồ của tác giả.


Vậy sao hai tấm tranh có cùng nội dung, bố cục mà lại có thể lúc là đám cưới, lúc khác lại là đám rước vinh quy? Phân tích bố cục của tấm tranh chúng ta thấy dường như tranh được chia thành hai phần, lằn chia khá rõ nét (bản khắc chính thống thì rõ nét hơn ) : - Nửa dưới vẽ một đám rước trạng nguyên vinh quy. Đoàn rước đi trên đường cái, hoặc đường làng đã được dọn sạch cỏ, có cờ biển, "ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau". - Nửa trên vẽ một đám rước ở thôn quê, hai bên đường cỏ mọc. Đám rước có kèn trống, lễ vật, bị mèo già chắn lối giống như bài thơ ngụ ngôn "Đám cưới chuột" trong kho tàng văn hoá truyền thống Liễu Đôi.


Nếu đúng là tấm tranh có hai phần như vậy thì chúng ta lại phải trả lời câu hỏi vì sao nghệ nhân lại vẽ hai đám rước khác nhau trên cùng một tấm tranh? Căn cứ vào lời chú trong tranh "Bằng Liệt tân khắc lão thử thủ tân" (Bằng liệt mới khắc lại chuột già lấy vợ), chúng ta được biết rằng tấm tranh này mới được khắc lại, không rõ năm nào. Đây chỉ là một trong số nhiều dị bản. Các dị bản được nghệ nhân sửa đổi tuỳ hứng. Ngày nay chúng ta có tranh ghi bằng chữ hán, chữ nôm, chữ quốc ngữ. Và trong quá trình tái tạo, nghệ nhân nào đó đã đem ghép hai tấm tranh cùng vẽ đám rước - rước dâu và rước vinh quy - để làm thành một tấm mới.


Việc làm gán ghép này đã vô tình tạo ra một nội dung "đầu mèo đuôi chuột" khó hiểu. Các nghệ nhân đời sau tiếp tục chép lại tấm tranh ghép này, không thắc mắc gì cả. Vậy thì tấm tranh Tết nổi tiếng của ta đã được ghép từ hai tấm tranh khác nhau, nửa trên là "Đám cưới chuột", nửa dưới là "Trạng chuột vinh quy". Các chữ trong tranh đã được người đời sau sửa đổi, thêm bớt một cách tuỳ tiện.

Từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, cùng với các dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Huế), Kim Hoàng (Hà Tây), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) như một điểm nhấn tạo nên nét đẹp truyền thống ở vùng quê Kinh Bắc nói riêng và cả khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ nói chung, nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về. Tranh Đông Hồ nói chung và bức tranh Đám cưới chuột nói riêng là di sản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt và vì thế nó còn sống mãi với thời gian.

Làng Đông Hồ trước đây có tên gọi nôm là Làng Mái thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Vào những năm cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là thời kỳ phát triển nhất của các làng tranh dân gian, đặc biệt là tranh Đông Hồ. Và làng nghề truyền thống này càng nổi tiếng hơn khi nó đi vào trường ca Bên kia sông Đuống của thi sĩ đa tình xứ Kinh Bắc Bùi Hoàng Cầm trong những năm hòa bình vừa mới lập lại ở miền Bắc nước ta:

Bên kia sông Đuống Quê hương ta lúa nếp thơm đồng Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, xưa kia, tất cả mọi người trong làng đều làm tranh và họ xem đây là một công việc cao quý. Vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm, cả làng tất bật, hối hả làm tranh chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Thuở ấy, khắp làng rực rỡ sắc màu giấy điệp, bất cứ ở đâu, nếu có thể là người dân đều tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, dọc đường làng, ngõ xóm, trên các triền đê cho đến các mái nhà, mái bếp… đâu đâu cũng đều có giấy làm tranh. Người dân Đông Hồ xưa làm tranh như là đi trẩy hội tranh thực thụ. Chất hội hè còn in đậm ở mỗi bức tranh, những nét viền mạnh mẽ hòa cùng bố cục cứng cáp, cũng như màu sắc rực rỡ chân quê khiến người xem bị thuyết phục vì tính cộng đồng lộ rõ trên từng chủ đề. Sinh hoạt hàng ngày và những nghi thức mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc và có tính giáo dục cao thường được thể hiện khá rõ trên từng nét vẽ trong các bức tranh Đông Hồ. Chính điều ấy đã làm cho người xem luôn cảm thấy ngỡ ngàng và thú vị khi chiêm ngưỡng bức tranh Đám cưới chuột.

Vậy là, cứ dịp Xuân về, mỗi gia đình người dân đất Việt lại lo sắm sửa Tết tươi. Ngoài bánh, mứt, dưa hành, câu đối đỏ…, gia đình nào cũng cố mua cho được một bức tranh dân gian (thường gọi là tranh Tết) để treo trong nhà. Bởi thế mới có câu: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/om sòm trên vách bức tranh gà”. Nổi tiếng trong số những làng tranh dân gian Việt Nam là làng tranh Đông Hồ (Hà Bắc). Với ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất Folklore (dân gian) và kỹ thuật in tranh độc đáo, các “nghệ sĩ Đông Hồ” đã phản ánh một cách sinh động, chân thực cuộc sống xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ dân gian còn khích lệ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục điều hay, lẽ phải, yêu chính nghĩa, ghét gian tà; đồng thời phê phán những thói hư, tật xấu của bọn thống trị, cũng như những hủ tục trong nội bộ nhân dân… Tiêu biểu trong số những loại tranh đả kích, châm biếm là tranh Đám cưới chuột.

Tranh dân gian Đám cưới chuột (còn có tên gọi Trạng chuột vinh quy) là một trong số những tranh độc đáo của làng tranh Đông Hồ. Mới nhìn thoáng qua, người xem thấy bức tranh diễn tả một đám cưới “quan trạng chuột” khá long trọng, đông vui. Giữa không khí kèn – trống, cờ quạt, mũ mão – cân đai, “chuột anh” cưỡi ngựa hồng đi trước, “chuột nàng” ngồi kiệu theo sau. Lũ lượt theo hầu hạ, đón rước là đông đảo họ hàng nhà… chuột. Tuy vậy, nếu nhìn kỹ bức tranh, người xem tranh sẽ thấy ngay vẻ sợ hãi, thấp thỏm, ngơ ngác, mắt lấm la lấm lét, ngó trước, nhìn sau của họ nhà chuột. Tinh ý hơn chút nữa, người xem sẽ thấy một gã mèo già nằm ở góc trên, bên phải bức tranh. Dáng điệu của “gã” mèo già như đang gầm gừ, ra oai, vểnh râu, giơ tay lên như đang dọa dẫm… Đối diện trước mặt mèo già là “đại diện” họ nhà chuột đang “cống nộp” phẩm vật là những “đặc sản cao lương mỹ vị” mà họ nhà mèo cực kỳ ưa thích, như: chim câu, cá chép… Đáng lưu ý là những chữ Hán in trên bức tranh, như: Miêu (mèo), Tống lễ (lễ biếu), Tác nhạc (tấu nhạc), Lão thử (con chuột), Thủ thân (giữ mình), Chủ hôn (đứng đầu hôn lễ), Ngênh hôn (đón dâu)… Bất giác, người xem tranh lại nhớ đến câu: “Con mèo trèo lên cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?/ Chú chuột đi chợ đường xa/Mua mắm, mua cá giỗ cha chú mèo”.

Thì ra, ý nghĩa của bức tranh là ở đây. Chuột – mèo vốn là đại diện “hai dòng họ” có mối thâm thù truyền kiếp. Chuột vốn sợ mèo. Muốn thoát khỏi nanh vuốt của mèo già; muốn tổ chức ngày vui của mình được trọn vẹn, họ nhà chuột phải bày đặt đủ thứ lễ vật để “kính biếu” lão mèo già. Ý tưởng sâu xa của Đám cưới chuột là chất châm biếm, đả kích sâu cay, lên án, tố cáo tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ, ăn của đút lót của bọn quan lại phong kiến thống trị. Đám cưới chuột cũng là tiếng cười hóm hỉnh, lời mỉa mai cay nghiệt của những người “dân đen” đối với những kẻ tự xưng là “đấng phụ mẫu chi dân”. Đồng thời, đây cũng là “nụ cười Xuân” bình dân nhưng không kém bác học, đầy ý vị và đậm “không khí Xuân”.

Dùng hình tượng chuột – mèo để ám chỉ, đả kích, tố cáo bọn quan lại thống trị không chỉ có ở tranh dân gian Việt Nam, mà còn có ở tranh dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể đơn cử như ở Đức có tranh Mèo và chú chuột; ở Nga có tranh Chuột làm ma cho mèo… Ngoài ra, tại Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập… cũng có những tranh khắc gỗ dân gian có nội dung chuột – mèo tương tự. Tuy nhiên, tranh dân gian Đám cưới chuột (Wedding ceremony among mice) của làng tranh Đông Hồ – Việt Nam vẫn là một trong số những bức tranh hay, đẹp và có nét độc đáo riêng. Theo đó, về bố cục, Đám cưới chuột không theo kiểu bố cục kiểu hàn lâm (Academique) và Luật viễn cận (xa – gần) của châu Âu, mà theo kiểu bố cục bình đồ dân gian. Bức tranh phân làm 2 tuyến. Tuyến trước (gần) là chuột anh, chuột nàng và quân sĩ theo hầu. Tuyến sau (xa) là “phái đoàn họ nhà chuột” đi “lót tay” cho lão mèo già. Bố cục hai tuyến gần như cân bằng trên – dưới nhưng vẫn không bị “phạm luật” cắt đôi bức tranh. Lão mèo già mặc dù được bố trí ở góc trên bức tranh, song đây là “nhân vật trung tâm” nên vẫn được các tác giả dân gian tập trung tạo thành “điểm vàng” của tranh, tạo sự chú ý tập trung của người xem. Đáng lưu ý, chất liệu tạo nên Đám cưới chuột cũng đậm chất dân dã: ván khắc tranh được làm bằng gỗ thị, giấy in tranh là loại giấy dó (làm từ cây dó); màu in tranh chế từ các loài thảo mộc, khoáng sản… Theo đó, bảng màu trong tranh Đám cưới chuột thật giản dị, với màu vàng của hoa hòe, màu xanh của lá chàm, màu trắng chế từ vỏ con diệp… Thế nhưng, chỉ với những chất liệu dân dã “quê mùa” trên, các nghệ sĩ làng Đông Hồ đã tạo cho Đám cưới chuột trở thành bức tranh Tết độc đáo và đậm không khí Xuân.

Đặc biệt, Đám cưới chuột đã được chọn để thực hiện thành tem bưu chính Việt Nam. Theo đó, ngay từ năm 1972, ngành Bưu điện Việt Nam đã quyết định cho thực hiện bộ tem “Tranh dân gian”. Bộ tem do hai họa sỹ Đỗ Việt Tuấn và Đặng Quang Lạc thực hiện. Bộ tem gồm có 6 mẫu tem, thể hiện, giới thiệu 6 bức tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam, trong đó có các tranh: Đám cưới chuột, Rước trống, Đánh vật, Thầy đồ cóc, Hứng dừa, Đánh ghen. Bộ tem này có mã số 264 và được phát hành vào ngày 30/01/1972 .Trải qua hơn 35 năm, giờ đây, bộ tem Tranh dân gian và con tem Đám cưới chuột nói riêng đã trở thành những bộ tem, con tem quý hiếm đối với giới sưu tập. Ngoài ra, với chủ trương của Đảng, Nhà nước về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, Đám cưới chuột lại càng có “ý nghĩa thời sự” sâu sắc.

Xuân Canh Tý đã đến gần. Mong sao Tết con chuột năm nay, bức tranh dân gian Đám cưới chuột sẽ lại được “tái bản”, để đến với mỗi gia đình người dân đất Việt, góp phần làm cho không khí Xuân càng thêm đậm chất Xuân…

                                                                                                                         Phương Nhung