Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa năm 2024

Đối với trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, thì cần có thêm các loại giấy tờ sau:

- 01 Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;

- 01 Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc chứng nhận chất lượng của sản phẩm, chứng nhận nguồn gốc địa lý);

- 01 Bản đồ khu vực địa lý (nếu là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hoặc có chứa địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

- 01 Văn bản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu (nếu có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương)

Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa năm 2024

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hiện nay bao gồm những gì? Thủ tục đăng ký nhãn hiệu qua hình thức nộp đơn giấy được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu qua hình thức nộp đơn giấy được quy định như thế nào?

Theo hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ, có 02 hình thức nộp đơn giấy đăng ký nhãn hiệu như sau:

- Nộp đơn trực tiếp tại Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các Văn phòng đại diện thông qua các địa chỉ sau:

+ Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

+ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: số 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

- Nộp đơn qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu sẽ được thực hiện theo các bước sau:

- Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu

+ Trước khi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn cần kiểm tra nhãn hiệu dự định đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu khác không để tránh mất thời gian, chi phí.

+ Có thể tra cứu sơ bộ miễn phí trên trang http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php hoặc tra cứu có trả phí từ Cục Sở hữu trí tuệ.

- Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký

- Bước 3: Nộp phí đăng ký và đến cơ quan có thẩm quyền nộp hồ sơ hoặc nộp qua dịch vụ bưu điện.

- Bước 4: Nhận quyết định chấp nhận hình thức đơn. Trong trường hợp đơn đăng ký bị yêu cầu sửa đổi thì sửa đổi theo hướng dẫn.

- Bước 5: Nhận công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp.

- Bước 6: Nhận thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, nộp lệ phí đăng bạ, công bố văn bằng bảo hộ và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

- Bước 7: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Các tổ chức, cá nhân nào thì có quyền đăng ký nhãn hiệu?

Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định các tổ chức, cá nhân được quyền đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu cho hàng hoá tự sản xuất hoặc dịch vụ mình cung cấp.

- Tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại hợp pháp đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng và không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu đó;

- Tổ chức tập thể đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy định;

- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận khi không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu trong trường hợp sử dụng nhãn hiệu nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia sản xuất, kinh doan và việc sử dụng không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

Mọi người có thể hình dung được rằng hình ảnh của một thương hiệu phần nhiều được biểu hiện dưới mẫu biểu trưng (logo), tên thương hiệu, màu sắc… Tất cả những cấu phần hiển thị đó đều có thể sử dụng một cơ chế pháp lý phù hợp để bảo hộ cho doanh nghiệp. Một trong những cơ chế pháp lý phổ biến nhất và có phạm vi bảo hộ rộng nhất là đăng ký các dấu hiệu nhận biết (phần hình ảnh hoặc chữ) của thương hiệu dưới hình thức “nhãn hiệu” hàng hóa hoặc dịch vụ.

Để có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu đối với một nhãn hiệu tại Việt Nam, doanh nghiệp phải đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (NOIP). Đây là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký sở hữu đối với nhãn hiệu và các quyền sở hữu công nghiệp khác, trừ đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học.

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ là cơ sở để doanh nghiệp có thể thực hiện các quyền sở hữu đối với hình ảnh thương hiệu mà mình tạo dựng như quyền được sử dụng thương hiệu (ví dụ, một số gói thầu yêu cầu doanh nghiệp dự thầu cung ứng hàng hóa, dịch vụ phải gửi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu để bảo đảm hàng hóa hay dịch vụ chính hiệu), quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu thương hiệu (ví dụ như doanh nghiệp khác có sản phẩm hoặc dịch vụ nhái)…

Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam

Theo Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nếu muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam hoặc thông qua một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được phép hoạt động tại Việt Nam.

Trong trường hợp, cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, phải nộp hồ sơ đăng ký thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được phép hoạt động tại Việt Nam.

Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ bao gồm: Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định; chín (09) mẫu nhãn hiệu dự định bảo hộ; giấy ủy quyền (nếu hồ sơ nộp thông qua đại diện); chứng từ nộp phí, lệ phí.

Hồ sơ đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp hồ sơ và Cục Sở hữu Trí tuệ phải được làm bằng tiếng Việt. Cục Sở hữu Trí tuệ xử lý hồ sơ đăng ký theo trình tự sau đây: tiếp nhận hồ sơ; thẩm định hình thức hồ sơ trong thời hạn một (01) tháng; công bố hồ sơ hợp lệ trong thời hạn hai (02) tháng kể từ khi chấp thuận về hình thức hồ sơ; thẩm định nội dung hồ sơ (trong thời hạn chín (09) tháng); cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ; đăng bạ và công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Nhưng trên thực tế hiện nay, các đơn xin đăng ký nhãn hiệu hiếm khi được trả lời trong thời hạn nêu trên do Cục Sở hữu Trí tuệ thường xuyên bị quá tải về số lượng đơn xin đăng ký. Theo kinh nghiệm thực tiễn của chúng tôi, tổng số thời gian mà các đơn xin đăng ký thường được trả lời là từ 14-16 tháng. Thủ tục và hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có thể tìm hiểu tại website của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (www.noip.gov.vn).

Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế

Việt Nam là thành viên của Thỏa ước Madrid (do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO quản trị) về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, với 56 quốc gia là thành viên. Đăng ký theo Thỏa ước này, chủ nhãn hiệu chỉ cần nộp một (01) đơn đăng ký quốc tế theo mẫu quy định, đánh dấu những quốc gia thành viên mà doanh nghiệp muốn được bảo hộ nhãn hiệu và nộp đến Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Thời hạn xem xét đơn đăng ký quốc tế trong vòng một năm. Nếu các doanh nghiệp quan tâm đến các thị trường tại các quốc gia thành viên của Thỏa ước thì nên thực hiện việc đăng ký theo hình thức này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nhãn hiệu muốn bảo hộ ở nước ngoài (đối với các quốc gia là thành viên của Thỏa ước Madrid) thì nhãn hiệu đó đã phải được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam do Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Ngoài ra, đơn đăng ký quốc tế sẽ phải được soạn bằng tiếng Pháp.

Một cách đăng ký quốc tế khác là đăng ký thông qua thủ tục đăng ký được quy định tại Nghị định thư Madrid (gồm 22 quốc gia thành viên) mà Việt Nam cũng là thành viên. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký nhãn hiệu vào các nước đã là thành viên của Nghị định thư. Đăng ký theo Nghị định thư đơn giản hơn, vì người đã nộp đơn đăng ký tại Việt Nam thì có quyền đăng ký nhãn hiệu tương ứng theo Nghị định thư Madrid, không phải đợi đến thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tại Việt Nam thì mới được đăng ký ra nước ngoài, như đối với việc đăng ký nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid. Thủ tục đăng ký theo Nghị định thư tương tự như đối với đăng ký theo Thỏa ước, chỉ có sự khác biệt là đơn đăng ký có thể được soạn bằng tiếng Anh.

Hiện nay, một số quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng đã trở thành thành viên của Nghị định thư Madrid.

Doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm về thủ tục và hồ sơ đăng ký nhãn hiệu trong nước tại website của Cục Sở hữu Trí tuệ (www.noip.gov.vn) hoặc quốc tế tại website của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO (www.wipo.int) hoặc website của cơ quan sở hữu trí tuệ tại những quốc gia mà doanh nghiệp muốn được bảo hộ.

Doanh nghiệp cũng nên lưu ý rằng sau khi nhãn hiệu đã được đăng ký thì không có nghĩa là nhãn hiệu đó đã được tự động bảo vệ bởi các cơ quan bảo vệ pháp luật của quốc gia đã đăng ký. Doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ nhãn hiệu của mình. Khi phát hiện hành vi xâm phạm, doanh nghiệp phải liên hệ ngay với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế… để yêu cầu bảo hộ với cơ sở pháp lý là giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.