Thông tư hướng dẫn công cụ phương tiện phạm tội

Bài viết tập trung làm rõ hơn khái niệm, đồng thời phân loại và phân tích một số đặc điểm của vật chứng là tài sản trong điều tra các vụ án tham nhũng, từ đó, đưa ra một số vấn đề cần làm rõ, tạo cơ sở để Cơ quan điều tra có các biện pháp thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng là tài sản được hiệu quả, quyết định đến sự thành công của một vụ án tham nhũng.

Trong quá trình điều tra các vụ án hình sự nói chung, vụ án tham nhũng nói riêng, vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng nhất. Trong các vụ án tham nhũng, bên cạnh việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra còn phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp xác minh, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng. Vật chứng là tài sản trong các vụ án tham nhũng vừa có giá trị chứng minh tội phạm, làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đồng thời là tài sản có giá trị vật chất để thu hồi, khắc phục hậu quả của vụ án. Vì vậy, việc xác định, làm rõ vật chứng là tài sản trong điều tra các vụ án tham nhũng là một yêu cầu tất yếu.

1. Vật chứng là tài sản trong điều tra các vụ án tham nhũng

1.1. Khái niệm

Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Vật chứng tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau trong các vụ án cụ thể. Vật chứng trong các vụ án về kinh tế nói chung và tham nhũng nói riêng thường gắn với các loại tài sản. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Trong các vụ án về tham nhũng, tài sản tham nhũng tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể được chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, từ người này sang người khác, từ trong nước ra ngoài nước một cách nhanh chóng. Nhằm xác định nguồn gốc tài sản tham nhũng do phạm tội mà có, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”. Như vậy, ngoài các tài sản tham nhũng do phạm tội mà có, vật chứng còn tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Việc xác định cụ thể vật chứng là tài sản trong điều tra các vụ án về tham nhũng không chỉ góp phần chứng minh tội phạm, tính chất, mức độ thiệt hại của tội phạm mà còn góp phần giúp Cơ quan điều tra thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có.

Dựa trên cơ sở khái niệm vật chứng được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các quy định về tài sản, tài sản tham nhũng, có thể khái quát như sau: Vật chứng là tài sản trong điều tra các vụ án về tham nhũng là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết các vụ án về tham nhũng.

1.2. Phân loại

Một là, vật chứng là tài sản tồn tại dưới dạng vật: Vật với tư cách là tài sản được hiểu là đối tượng của thế giới vật chất theo nghĩa rộng, là một dạng vật chất cụ thể bao gồm cả đồ vật, động vật, thực vật và tồn tại ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí). Trong các vụ án về tham nhũng, vật chứng là tài sản tồn tại ở dạng vật có thể là đồ vật có giá trị cao (vàng, bạc, đá quý, phương tiện…) hoặc, có thể là động vật, thực vật khác như cây cảnh, vật nuôi làm cảnh…

Hai là, vật chứng là tài sản tồn tại dưới dạng tiền: Tiền là một loại tài sản đặc biệt, có chức năng trao đổi ngang giá với những loại tài sản khác. Tiền do Ngân hàng Nhà nước độc quyền phát hành và được hiểu là Việt Nam đồng. Giá trị của tiền được thể hiện ở mệnh giá trên chính đồng tiền đó, có giá trị sử dụng ổn định và được sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh chức năng trao đổi, tiền còn có chức năng dự trữ và thanh toán trên thị trường.

Hiện nay, trên thị trường thế giới đã xuất hiện một số loại tiền kỹ thuật số (dưới dạng tập trung như: Paypal, Webmoney, Payoneer… hoặc phi tập trung như: Bitcoin, Ethereum, Ripple…), tiền điện tử (do Ngân hàng Trung ương phát hành và coi là tiền pháp định như: Đồng e-CNY ở Trung Quốc, đồng Sand Dollar ở Bahamas…), tiền ảo, tiền mã hóa, tài sản ảo… Tuy nhiên, ở Việt Nam, các loại tiền này chưa được pháp luật thừa nhận là một dạng tài sản.

Ba là, vật chứng là tài sản tồn tại dưới dạng giấy tờ có giá: Giấy tờ có giá được hiểu là những giấy tờ trị giá được thành tiền và có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định về giấy tờ có giá. Hiện nay, quy định về loại tài sản này nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2012/TT-NHNN ngày 16/02/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc chiết khấu giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều xác định giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Ngoài ra, loại tài sản nêu trên còn được nhắc tới trong các văn bản như: Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010)… Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, có thể liệt kê một số giấy tờ có giá như: Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ ký quỹ…

Bốn là, vật chứng là tài sản tồn tại dưới dạng quyền tài sản: Quyền tài sản được hiểu là quyền có thể trị giá được thành tiền và chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản bao gồm quyền đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất hoặc một số quyền tài sản khác như: Hợp đồng cho vay, quyền yêu cầu chi trả khoản tiền bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm…

Ngoài ra, vật chứng là tài sản còn bao gồm những tài sản có liên quan đến các tội phạm tham nhũng: Tài sản có được từ hành vi tham nhũng nhưng đã được người phạm tội hợp pháp hóa thông qua việc đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh (đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí); dùng tiền tham nhũng để mua hoặc để người thân mua động sản, bất động sản; dùng tiền tham nhũng chuyển ra nước ngoài, trả các khoản vay cũ tại các ngân hàng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân; dùng tiền vào mục đích từ thiện như xây bệnh viện, trường học, đình, chùa… Đối với các tài sản có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ đã được nhập vào khối tài sản thuộc sở hữu chung, cũng như các tài sản đang có sự tranh chấp giữa các bên thì việc xử lý, khi tiến hành việc thu thập tài sản sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân khác có liên quan. Do đó, chỉ có thể xác định tỷ lệ sở hữu của các bên để tịch thu hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Việc phân loại vật chứng thành các nhóm như trên chỉ mang tính chất tương đối, bởi giữa các nhóm này có sự tương đồng, giao thoa với nhau. Mục đích cơ bản của việc phân loại sẽ giúp Cơ quan điều tra nhận thức đúng, đầy đủ, cụ thể hơn về từng loại vật chứng là tài sản. Trên cơ sở đó, giúp các chủ thể có thẩm quyền của Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp thu thập, bảo quản, khai thác, sử dụng vật chứng là tài sản phù hợp trong điều tra và thu hồi tài sản tham nhũng.

1.3. Đặc điểm

Thứ nhất, vật chứng là tài sản là những vật có liên quan đến các vụ án về tham nhũng đang được điều tra: Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vật chứng là một loại nguồn của chứng cứ. Do vậy, vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Việc khai thác các thông tin về tội phạm từ vật chứng có liên quan chặt chẽ đến những vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Thông qua vật chứng thu thập được, điều tra viên có thể chứng minh, làm rõ được mối liên hệ giữa các vật chứng đó với vụ án hình sự đã xảy ra trong quá khứ - tái hiện lại những hoạt động cụ thể nào đó của người phạm tội trong quá khứ. Đây là đặc tính liên quan của vật chứng. Tài sản trong các vụ án về tham nhũng rất đa dạng, tuy nhiên không phải tài sản nào cũng được coi là vật chứng của vụ án. Chỉ những tài sản có liên quan đến vụ án, có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội như: Tài sản được dùng là công cụ, phương tiện phạm tội; tài sản mang dấu vết tội phạm hoặc là đối tượng của tội phạm mới được coi là vật chứng của vụ án. Đối với tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng, không liên quan đến vụ án, tùy theo các trường hợp cụ thể, Cơ quan điều tra có thể trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản đó hoặc tiêu hủy, có thể bán đấu giá.

Thứ hai, vật chứng là tài sản là những vật có giá trị cao, có thể mua bán, trao đổi: Bên cạnh các đặc điểm chung của vật chứng, tài sản là vật chứng trong các vụ án về tham nhũng còn là đối tượng tội phạm, là mục tiêu, mục đích của người thực hiện hành vi tham nhũng. Thông thường, các tài sản đó là những vật có giá trị cao, dễ mua bán, trao đổi, như: Tiền, vàng, ngoại tệ, các giấy tờ có giá trị và dễ dàng lưu chuyển; bất động sản, tài sản gắn liền với bất động sản; những hàng hóa có nhu cầu lớn trên thị trường; các loại vật tư, nguyên liệu sử dụng trong xây dựng các công trình… Ngoài ra, các tài sản là đối tượng của tội phạm tham nhũng còn là loại tài sản khó định lượng chính xác khi đã kết chuyển vào các thành phẩm, các công trình, vật tư tiêu hao.

Thứ ba, vật chứng là tài sản được thu thập, bảo quản và xử lý theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định: Để bảo đảm giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội, bên cạnh thuộc tính khách quan, tính liên quan, vật chứng là tài sản phải được thu thập theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Vì vậy, nếu tài sản có liên quan đến vụ án về tham nhũng thiếu đặc điểm này, tài sản không phải là vật chứng, không có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Bên cạnh đó, vật chứng là tài sản trong các vụ án tham nhũng phải được thu thập, bảo quản và xử lý đúng quy định pháp luật. Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”. Như vậy, để thu thập vật chứng là tài sản trong các vụ án về tham nhũng, Cơ quan điều tra có thể áp dụng các biện pháp điều tra được quy định tại Điều 36, Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (quy định tại Điều 223), cũng như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án. Sau khi được phát hiện, thu giữ, vật chứng phải được phân loại, bảo quản theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ. Trong đó, trách nhiệm bảo quản vật chứng theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan công an nhân dân, quân đội nhân dân, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án”. Trong các vụ án tham nhũng, việc bảo quản vật chứng là tài sản phải chú ý không chỉ bảo quản giữ nguyên vẹn giá trị chứng minh tội phạm của vật chứng mà còn phải bảo vệ cả giá trị của tài sản phục vụ việc định giá thiệt hại vụ án cũng như xử lý vật chứng sau này.

Việc xử lý vật chứng nói chung, vật chứng là tài sản trong các vụ án tham nhũng nói riêng được quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành án các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản…”.

2. Một số vấn đề cần làm rõ và kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, về việc bảo quản vật chứng là tài sản trong các vụ án tham nhũng: Trên thực tế hiện nay, có nhiều vụ án do lực lượng hải quan phát hiện, đối tượng đã bỏ lại hàng hóa tại cảng, không ra nhận dẫn đến hàng hóa vô chủ, sau đó bàn giao cho Cơ quan điều tra tiến hành tạm giữ, bảo quản. Tuy nhiên, việc giám định, định giá và xử lý vật chứng trong các vụ án này gặp nhiều khó khăn, kéo dài do nhiều nguyên nhân. Trong số các vật chứng nêu trên, có nhiều loại là hàng lương thực, thực phẩm thuộc loại mau hỏng, thời hạn sử dụng ngắn, khó bảo quản nên Cơ quan điều tra phải thu giữ, tạm giữ, thuê kho, bãi, nhà lạnh có đủ điều kiện để bảo quản, số tiền thuê phải trả hàng tháng là rất lớn, kéo dài nhiều năm dẫn tới gây tốn kém, thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ án, mặc dù mất nhiều chi phí để thuê kho, bãi quản lý với chi phí rất lớn nhưng sau khi kết thúc hoạt động tố tụng, việc tiến hành xử lý vật chứng (bán, tiêu hủy) với số tiền thu được không tương xứng so với tiền thuê, quản lý vật chứng gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về chi phí trả tiền thuê kho bảo quản vật chứng.

Vì vậy, trong quá trình điều tra, xử lý, mỗi vụ án có nhiều tình huống khác nhau; nhiều vụ phải trải qua quá trình tố tụng kéo dài hàng nhiều năm nên việc xử lý vật chứng phải được cân nhắc, tính toán, trao đổi, đánh giá rất thận trọng, cẩn thận, kỹ lưỡng của cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định. Bên cạnh đó, pháp luật cần có quy định cụ thể về chi phí trả tiền thuê kho bảo quản vật chứng, tạo căn cứ pháp lý trong việc áp dụng.

Thứ hai, hiện nay, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc xử lý đối với vật chứng là tài sản thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản trong các vụ án tham nhũng, cụ thể:

- Việc xác định vật chứng là tài sản thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản: Tại điểm c khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy”. Trong đó, hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng hoặc khó bảo quản có thể hiểu bao gồm: Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hóa lỏng hoặc các chất dễ cháy, nổ khác); hàng hóa là thuốc, thực phẩm chức năng hoặc là các loại hóa chất…

Theo tác giả, việc xác định vật chứng có thuộc loại mau hỏng hay không phải tùy thuộc tính chất, đặc điểm, đặc tính của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa bình thường, không phức tạp, mắt thường có thể nhận biết được thì cơ quan tiến hành tố tụng xác định, còn trường hợp hàng hóa có tính chất phức tạp, phải tiến hành thử nghiệm hoặc lấy mẫu để giám định như hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật… thì cơ quan tiến hành tố tụng cần yêu cầu cơ quan chuyên ngành có chuyên môn, nghiệp vụ xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Việc bán vật chứng thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản: Đối với những hàng hóa thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản, hiện nay, pháp luật chưa có quy định hình thức bán, đó là bán thông thường hay bán đấu giá theo thủ tục bán đấu giá tài sản. Trong thực tiễn giải quyết vụ án, đối với loại vật chứng này, có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc tự mình đánh giá hàng hóa đó là mau hỏng để tiến hành bán, có trường hợp sẽ yêu cầu các cơ quan chuyên ngành đánh giá và thực hiện việc bán, từ đó dẫn tới việc xử lý vật chứng không thống nhất, dẫn tới sai sót do đánh giá không chính xác vật có phải là mau hỏng hoặc khó bảo quản hay không.

Theo tác giả, pháp luật cần phải quy định rõ vật chứng như thế nào thì được gọi là mau hỏng hoặc khó bảo quản và cơ quan có thẩm quyền xác định vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng cần quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bán vật chứng mau hỏng hoặc khó bảo quản và quy trình thực hiện rõ ràng.

Thứ ba, hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có điều, khoản nào quy định về vật chứng trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, chỉ quy định ở giai đoạn đã khởi tố vụ án khi xác định có sự việc phạm tội. Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ cũng không có điều, khoản nào hướng dẫn xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong trường hợp không khởi tố vụ án mà chỉ quy định quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Vì vậy, theo tác giả, đây cũng là vấn đề cần được bổ sung trong pháp luật tố tụng hình sự thời gian tới.

Chủ đề