Thị trường thực hiện chức năng điều tiết, kích thích hoặc hạn chế sản xuất và tiêu dùng như thế nào

Chức năng thực hiện (hay thừa nhận) giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa: Sự biến động của cung - cầu, giá cả trên thị trường đã điều tiết các yếu tố sản xuất từ ngành này sang ngành khác, luân chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác, nơi giá cả thấp đến nơi giá cả cao.

Chức năng thông tin: Ở một ngành nào đó khi cung nhỏ hơn cầu, giá cả hàng hóa sẽ lên cao hơn giá trị, hàng hóa bán chạy, lãi cao, thì người sản xuất sẽ đổ xô vào ngành ấy. Ngược lại, khi cung ở ngành đó vượt quá cầu, giá cả hàng hóa giảm xuống, hàng hóa bán không chạy và có thể lỗ vốn, buộc người sản xuất phải thu hẹp quy mô sản xuất lại hoặc chuyển sang đầu tư vào ngành có giá cả hàng hóa cao.

Chức năng điều tiết, kích thích hoặc hạn chế sản xuất và tiêu dùng: Khi giá cả một hàng hóa nào đó tăng lên sẽ kích thích xã hội sản xuất ra hàng hóa đó nhiều hơn, nhưng lại làm cho nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa đó bị hạn chế. Ngược lại, khi giá cả của một hàng hóa giảm xuống sẽ kích thích tiêu dùng và hạn chế việc sản xuất hàng hóa đó.

Sản xuất hàng hóa là sản xuất ra để bán, do đó, nó luôn gắn liền với thị trường, vậy thị trường là gì và thị trường có những chức năng nào?

1. Thị trường là gì?

– Theo nghĩa hẹp, thị trường là nơi diễn ra sự trao đổi và mua bán hàng hóa.

Ví dụ: chợ, cửa hàng, siêu thị, sở giao dịch …

– Theo nghĩa rộng, thị trường là tổng thể tất cả các mối quan hệ cạnh tranh, cung – cầu, giá cả, giá trị… mà trong đó giá cả và sản lượng hàng hóa tiêu thụ được xác định.

– Có thể phân loại thị trường theo nhiều cách khác nhau:

+ Theo đối tượng giao dịch, mua bán cụ thể: Có thị trường từng loại hàng hóa và dịch vụ như thị trường lúa gạo, thị trường dầu mỏ, thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán…

+ Theo ý nghĩa và vai trò của các đối tượng mua bán, giao dịch: Có thị trường các yếu tố sản xuất như thị trường tư liệu sản xuất, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường khoa học – công nghệ, thị trường tư liệu tiêu dùng…

+ Theo tính chất và cơ chế vận hành: Có thị trường tự do, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo (thị trường độc quyền mang tính cạnh tranh, thị trường cạnh tranh mang tính độc quyền), thị trường tự do với sự điều tiết của chính phủ, thị trường độc quyền thuần tuý…

+ Theo quy mô và phạm vi của các quan hệ kinh tế: Có thị trường địa phương, thị trường khu vực, thị trường trong nước, thị trường nước ngoài,…

– Thị trường phát triển cùng với sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa.

Đầu tiên trong sản xuất hàng hóa là thị trường sản phẩm, thị trường các tư liệu tiêu dùng. Sau đó là thị trường tư liệu sản xuất, từ thị trường tư liệu sản xuất đến thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Đồng thời, khi quy mô các quan hệ kinh tế được mở rộng, thì thị trường cũng phát triển: từ thị trường địa phương, thị trường khu vực tới thị trường cả nước, sau đó là thị trường quốc tế; từ thị trường cạnh tranh không hoàn hảo tới thị trường cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh mang tính độc quyền, độc quyền mang tính cạnh tranh; từ thị trường không có sự điều tiết, tự do vô chính phủ, đến thị trường có sự điều tiết của nhà nước…

2. Chức năng của thị trường là gì?

Mặc dù có nhiều loại, nhưng nhìn chung mọi thị trường đều có ba chức năng chủ yếu sau:

2.1. Chức năng thừa nhận công dụng xã hội của hàng hóa (giá trị sử dụng xã hội) và lao động đã chi phí để sản xuất ra nó:

Chức năng này được biểu hiện thông qua việc hàng hóa có bán được hay không, và bán với giá như thế nào.

Nếu hàng hóa bán được và bán với giá cả bằng giá trị, có nghĩa là xã hội không chỉ thừa nhận công dụng của nó, mà còn thừa nhận mức hao phí lao động để sản xuất ra nó là phù hợp với mức hao phí lao động xã hội cần thiết, và giá trị hàng hóa được thực hiện.

Ngược lại, nếu hàng hóa không bán được, có nghĩa là, hoặc do công dụng của hàng hóa không được thừa nhận (có thể do chất lượng kém hoặc quy cách, mẫu mã không phù hợp…), hoặc do chi phí sản xuất cao hơn mức trung bình của xã hội (quá đắt) nên xã hội không chấp nhận.

Nếu hàng hóa bán được, nhưng với giá cả thấp hơn giá trị, có nghĩa là xã hội chỉ thừa nhận công dụng của nó và một phần chi phí sản xuất ra nó.

2.2. Chức năng cung cấp thông tin cho người sản xuất và người tiêu dùng:

Chức năng này được biểu hiện thông qua những biến động của nhu cầu xã hội về số lượng, chất lượng, chủng loại, cơ cấu các loại hàng hóa, giá cả, tình hình cung – cầu về các loại hàng hóa…

2.3. Chức năng kích thích hoặc hạn chế sản xuất và tiêu dùng:

Trên cơ sở những thông tin thu được từ thị trường, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ buộc phải có những ứng xử, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với sự biến đổi của thị trường, nhờ đó sản xuất và tiêu dùng được kích thích hoặc hạn chế.

Ví dụ, khi giá cả hàng hóa nào đó tăng lên, người sản xuất sẽ mở rộng quy mô sản xuất, còn người tiêu dùng sẽ hạn chế nhu cầu và ngược lại…

3. Giá cả thị trường là gì?

Cơ sở của giá cả là giá trị. Nhưng trên thị trường không phải lúc nào giá cả cũng phù hợp với giá trị mà nó thường biến động, lên xuống xoay quanh giá trị do nhiều nhân tố ảnh hưởng, trong đó, cạnh tranh, cung – cầu và sức mua của đồng tiền là những nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp. Trên cơ sở đó, hình thành nên giá cả thị trường.

Hay nói cách khác:

Giá cả thị trường là giá bán thực tế của hàng hóa trên thị trường, hoặc là giá cả hàng hóa được thoả thuận giữa người mua và người bán trên thị trường.

Đối với người kinh doanh, đó là giá kinh doanh, giá này phải bù đắp được các chi phí và có lãi cần thiết thì họ mới có thể tồn tại và phát triển.

Trong cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, thì giá cả là một công cụ quan trọng để nhà nước thực hiện việc quản lý, kích thích, điều tiết các hoạt động kinh tế theo những định hướng, mục tiêu nhất định như nhằm duy trì những cân đối của nền kinh tế, phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân…

Nhà nước quản lý giá không phải bằng cách định giá trực tiếp (trừ mặt hàng nhà nước độc quyền), mà quản lý một cách gián tiếp chẳng hạn thông qua các công cụ kinh tế và pháp luật để tác động vào tổng cung và tổng cầu, tăng cường lực lượng dự trữ quốc gia nhằm bình ổn giá cả thị trường, đổi mới cơ chế dự trữ lưu thông…

8910X.com

Bài liên quan:

Trong nền kinh tế thị trường, thị trường có vị trí trung tâm. Thị trường vừa là mục tiêu của người sản xuất kinh doanh vừa là môi trường của hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hoá. Thị trường cũng là nơi chuyển tải các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên thị trường, người mua, người bán, người trung gian gặp nhau trao đổi hàng hoá - dịch vụ. Do vậy, thị trường có những tác dụng sau đây:

Một là, bảo đảm điều kiện cho sản xuất phát triển liên tục với quy mô ngày càng mở rộngvà bảo đảm hàng hoá cho người tiêu dùng phù hợp với thị hiếu (sở thích) và sự tự do lựa chọn một cách đầy đủ, kịp thời, thuận lợi với dịch vụ văn minh.

Hai là, nó thúc đẩy nhu cầu, gợi mở nhu cầu, đưa đến cho người tiêu dùng sản xuất và người tiêu dùng cá nhân những sản phẩm mới. Nó kích thích sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, văn minh và hiện đại.

Ba là, dự trữ các hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng xã hội, giảm bớt dữ trữ ở các khâu tiêu dùng, bảo đảm việc điều hoà cung cầu.

Bốn là, phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân ngày càng phong phú, đa dạng, văn minh. Giải phóng con người khỏi những công việc không tên trong gia đình.

Năm là, thị trường hàng hoá dịch vụ ổn định có tác dụng to lớn để ổn định sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.

* Chức năng thừa nhận:

Doanh nghiệp thương mại mua hàng hoá về để bán. Hàng hoá có bán được hay không phải thông qua chức năng thừa nhận của thị trường, của khách hàng, của doanh nghiệp. Nếu hàng hoá bán được, tức là được thị trường thừa nhận, doanh nghiệp thương mại mới thu hồi được vốn, có nguồn thu trang trải chi phí và có lợi nhuận. Ngược lại, nếu hàng hoá đưa ra bán nhưng không có ai mua, tức là không dược thị trường thừa nhận. Để được thị trường thừa nhận doanh nghiệp phải nghiên cứu nhu cầu của khách hàng để từ đó tiến hành kinh doanh những sản phẩm phù hợp. Sự phù hợp ở đây chính là phù hợp về số lượng, chất lượng, sự đồng bộ, quy cách, cỡ loại, mầu sắc, bao bì, giá cả, thời gian, và địa điểm thuận tiện cho khách hàng.

* Chức năng thực hiện:

Chức năng này đòi hỏi hàng hoá và dịch vụ phải được thực hiện giá trị trao đổi: hoặc bằng tiền hoặc bằng hàng, bằng các chứng từ có giá khác. Người bán hàng cần tiền còn người mua cần hàng, sự gặp gỡ giữa người bán và người mua được xác định bằng giá cả mà hai bên đã thoả thuận. Hàng hóa bán được tức là có sự dịch chuyển từ người bán sang người mua, nghĩa là có sự thực hiện chuyển đổi giá trị.

* Chức năng điều tiết và kích thích.

Qua hành vi trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, thị trường điều tiết và kích thích sản xuất và kinh doanh phát triển và ngược lại. Đối với doanh nghiệp thương mại, hàng hoá và dịch vụ bán hết nhanh sẽ kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tạo nguồn hàng, thu mua hàng hoá để cung ứng ngày càng nhiều hơn cho thị trường. Ngược lại, nếu hàng hoá và dịch vụ không bán được, doanh nghiệp sẽ hạn chế mua, phải tìm khách hàng mới, thị trường mới, hoặc chuyển hướng kinh doanh mặt hàng khác đang hoặc có khả năng tiêu thụ lớn hơn. Chức năng điều tiết, kích thích này luôn điều tiết sự gia nhập ngành hoặc rút ra khỏi ngành của một số doanh nghiệp. Nó khuyến khích các nhà kinh doanh giỏi và điều chỉnh theo hướng đầu tư vào kinh doanh có lợi, các mặt hàng mới, chất lượng cao, có khả năng bán được khối lượng lớn.

* Chức năng thông tin

Thông tin trên thị trường là những thông tin về nguồn cung ứng hàng hoá dịch vụ, nhu cầu hàng hoá, dịch vụ. Đó là những thông tin kinh tế quan trọng đối với mọi nhà sản xuất kinh doanh, cả người mua và người bán, cả người cung ứng và tiêu dùng, cả người quản lý và những người nghiên cứu sáng tạo. Có thể nói đó là những thông tin được sự quan tâm của toàn xã hội. Thông tin thị trường là những thông tin kinh tế quan trọng. Không có thông tin thị trường thì không thể có các quyết định đúng đắn trong sản xuất kinh doanh, cũng như quyết định của các cấp quản lý.Việc nghiên cứu thị trường và tìm kiếm các thông tin có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với việc ra các quyết định đúng đắn trong kinh doanh. Nó có thể đưa đến thành công cũng như có thể đưa đến thất bại bởi sự xác thực của các thông tin được sử dụng.